Ký ức về một thành phố biển cách đây mười lăm năm ngày chàng đến lần đầu tiên với một người bạn làm thơ là ly cà phê đá nhạt thếch ở Bãi Trước và mặt nước biển yên tĩnh với những vết dầu loang loáng màu ngũ sắc. Thành phố nổi tiếng ăn chơi thời trước còn ghi lại dấu ấn ở những ngôi biệt thự có lối kiến trúc Tây phương, tường sơn trắng, ẩn hiện trong vườn cây xanh nằm rải rác theo con đường ven biển; những con đường nhựa cũ lỗ chỗ ổ gà; những tấm bảng hiệu sơn hai màu vàng đỏ; những cơ quan mới xây nổi bật lên màu ngói đỏ au trông tựa những ngôi đình làng; những chiếc xe đạp màu đen được điều khiển bởi những người mới đến với những động tác, kiểu dáng, trang phục giống nhau. Ngồi uống cà phê với người bạn, chàng ngỡ như đang ngồi trong một thành phố không có tiếng động, đầy yên tĩnh, nghe rõ từng cơn sóng nhỏ vỗ âm thầm chút bọt trắng lên bãi cát đen đúa rác rưởi. Người bạn đọc cho chàng nghe những câu thơ mới viết dọc đường bằng những âm thanh nhỏ như người ta nói thầm với nhau, với ánh mắt dè chừng sợ người ngoài nghe. Những câu thơ tình vô thưởng vô phạt mà bất cứ người nào đang yêu cũng có thể viết ra, chúng có chung một dạng là những nỗi nhớ và những nỗi buồn. Chàng nghe thơ chìm lẫn trong tiếng sóng, ngạc nhiên nhìn gương mặt đen đúa, hốc hác, gầy nhom của người bạn, không hiểu vì sao trong cảnh đói nghèo, khốn khó, bạn mình vẫn mê thơ hơn mọi thứ trên đời. “Thơ ông buồn quá!”. Chàng nói và nghe tiếng mình hụt hẫng tan loãng trong gió.
Biển
“Rời một phố biển để đến một phố biển khác, những người yêu biển đều nặng nghiệp ái”, người bạn nói và chàng cảm thấy nhớ một người con gái mà chàng vừa xa. “Thơ ca và tình yêu đều không sống nổi giữa đời cơm áo khó. Những người làm thơ đang đi làm rẫy và buôn bán chợ trời. Phải mất nhiều năm nữa thơ mới có máu thịt trở lại. Có lẽ tôi sẽ về một miền quê hẻo lánh nào đó mà lại hay”. Chàng nói, như thể vừa nói một điều gì đó, về một người nào đó, không phải nói về mình.
Làm rẫy? Ông và tôi đâu chỉ sống vì cơm áo? Nhưng cái tạng của ông sẽ không làm chết một ngọn cỏ nào đâu, làm sao có thể sống bằng nghề rẫy được, người bạn hỏi và nhìn chàng nghi ngờ. Phải, đối với chàng, miếng ăn vẫn là miếng tồi tàn và chàng bị đời sống thực tế luôn luôn vây bủa chàng bằng những khó khăn, vì chàng ít khi nhìn nó bằng con mắt nghiêm túc.
Phố biển cũng đọng lại trong ký ức chàng về một người con gái mà chàng tình cờ ngồi cạnh nàng trên một chuyến xe. Cô gái ở Cần Thơ và đang theo học trường du lịch dầu khí hay một ngôi trường có cái tên na ná như thế, vì chỉ nhớ nàng chứ không nhớ rõ tên ngôi trường. Hình như cô gái có tên là Mây Mùa Thu thì phải. Chàng bắt chuyện dễ dàng sau khi xách hộ mớ hành lý lỉnh kỉnh của nàng lên xe và hai người ngồi cạnh nhau.
“Không có anh, em phải loay xoay với đống đồ, mệt ghê! Đâu muốn mang mà má em cứ bắt xách theo, nào bánh tráng ngọt, bánh ú, nếp, đường... làm như thể là bữa cơm tập thể ở trường không nuôi nổi em. Về nhà một tuần, má em cứ bắt ăn đủ thứ. Anh thấy em có gầy lắm không”. Cô gái nói chuyện với chàng bằng một giọng nói trong trẻo và ngọt ngào như chất nước dừa được uống ở miền Tây. Chàng cười, chỉ vào làn da trắng hồng ở cổ tay cô: “Bà cụ nuôi con khéo lắm. Nếu ở một tháng, chắc là cô không còn đi nổi đến trường, vì mập. Ở quê cô, có cái hay là nhiều cô gái đều có nước da trắng hồng và nét người đẹp như cô”. Câu chuyện được bắt đầu như thế, như thể trong khoảng trống không ban đầu, hai người chơi trò tung hứng những quả bóng nhiều màu sắc. Không biết đến đoạn đường nào thì cô gái lấy thức ăn ra mời chàng và cho chàng địa chỉ ngôi trường tại phố biển. Chàng đọc cho cô gái nghe một bài thơ tình bằng cái giọng truyền cảm của một chàng trai đang yêu và chàng ngạc nhiên khi thấy tất cả những nét vui tươi, hồn nhiên của cô gái biến mất, nhường chỗ cho những nỗi muộn phiền trên gương mặt nàng. Cô gái nói, em thích bài thơ nhưng mơ ước của em khi ra trường là được làm tình... báo.
Vâng, tất cả chấm dứt tại đó. Khi người bạn rủ chàng về phố biển, chàng cùng người bạn ghé lại ngôi trường nàng đang theo học để lấy lại tập thơ viết tay. Nàng bệnh và nhờ cô bạn đem trả lại tập thơ cho hai người. Trong suốt mười lăm năm sau này, chàng vẫn mong là mơ ước ấy của cô gái sẽ không thành sự thật, vẫn mong là cô sẽ sống trong một mái gia đình hạnh phúc với chồng con, bởi lẽ đơn giản là tâm hồn cô chân chất quá, sẽ không thích hợp với một môi trường vốn có nhiều bão tố và gian lao như thế.
Bây giờ, trước mắt chàng là một thành phố biển đã thay đổi hoàn toàn, sau mười lăm năm trở lại. Thay đổi ở bề nổi cuộc sống và ở chiều sâu trong lòng người. Và chính chàng, mặc dù tự bản chất vẫn là một người đam mê văn chương, chữ nghĩa, nhưng cách nhìn của chàng về cuộc sống cũng đã khác. Có một thời, những khó khăn về đời sống cơm áo đã tạo cho con người một thái độ có vẻ như ẩn mình trong cái vỏ tả tơi nào đó, nhưng bây giờ người ta đã lấy lại phong độ chững chạc, đường bệ của những con người có cá tính riêng. Như những loài hoa đã tìm lại hương sắc của mình, đang lặng lẽ nở trong mùa xuân. Không như miền quê chàng đang ở, những người thích cúng kiếng chỉ trồng mỗi thứ bông vạn thọ để dâng hoa trên bàn thờ. Chúng mộc mạc, giản dị nhưng là thứ bông hoa dành cho việc tế lễ dâng đến những quyền năng trong cõi vô hình. Nhiều lúc chàng mỉm cười khi nghĩ đến những vị thần linh mù sắc chỉ thích thưởng thức toàn một thứ hoa.
Người đầu tiên chàng gặp ở phố biển là một nhà văn. Anh có đời sống lặng lẽ cũng như văn phong điềm đạm của anh. Như những người cùng thời, anh và gia đình đã vào phố biển hơn mười năm, và như một cội tùng, anh đã đứng vững trên miền đất đầy nắng, gió, cát và sóng, bắt đầu đổ bóng tại đây. Công việc của anh là ngồi trước bàn máy đánh chữ hàng ngày và gõ lốc cốc vào bốn mươi sáu phím chữ số; ban đêm anh đến một tờ báo chữa lỗi in sai. Trông anh như một ông Địa hiền từ, thích mặc áo lá khi tiếp khách, vừa ngăn nắp, vừa sạch sẽ để lộ cái kỹ tính của một nhà văn. Anh nói với chàng: “Mười giờ tôi phải sang báo để giao bài. Anh ngồi chơi. Khá lâu bặt tin, tôi tính gửi thư cho anh”. Anh nói với chàng về một sự ứ đọng nào đó, một sự ứ đọng của một vịnh biển đang chuyển động; những con người trong những vai trò khác nhau trên một sân chơi; những người có tài và những người bất tài; những dốt nát về văn hóa dẫn đến sự lẫn lộn các vị thần, Phật trong các ngôi đình, chùa. Anh nói và chàng bỗng nhận ra vì sao dạo sao này anh lại sống nhờ vào các tiểu phẩm châm biếm hơn là các tác phẩm văn chương, dù anh là một nhà văn đã được trao nhiều giải thưởng. Chàng có cảm giác là anh đã trở thành một con thuyền trên biển, lênh đênh trên những con sóng đang vọng vào phố, vào căn phòng có đầy ấp sự yên tĩnh của những con chữ đang nằm trong bàn phím.
Người thứ hai chàng gặp là một nhà báo tự do, có lẽ là người biết nhiều chuyện đã và đang xãy ra ở phố biển. Anh đang nhậu tiết canh trong một cái quán cùng một người bạn làm ăn. Anh có đến nhà chàng ở miền quê vài lần với mấy người bạn, và tiện dịp, chàng ghé thăm anh. Phong cách của một dân chơi Hà Nội còn in đậm trong ngôn ngữ khi anh tiếp chuyện với chàng, nhưng chàng nhận ra anh là kẻ cô đơn trong thế giới của mình. Anh cần người đồng cảm để nói hết những điều không thể nói cùng ai, vì thế anh quí chàng, một người thích lắng nghe tiếng lòng của người khác trong một thế giới còn có nhiều vách ngăn giữa những cái tôi đối chọi với nhau.
Anh bạn nhà báo tự do kể cho chàng nghe những công việc đang làm, mở những quán nhậu, viết những bài phóng sự điều tra xã hội cho những người cần đặt bài... với một nỗi bực dọc u uẩn nào đó. Chàng lắng nghe tiếng nói tự thâm tâm một con người trong những phút tĩnh lặng, như thể tìm thấy một luồng nước ngầm ẩn dưới những đợt sóng của một ngày biển động. Anh đang bị cô lập vì những hành động nào đó trong quá khứ, nhưng lúc này, trước mắt chàng, người đàn ông với ánh mắt sắc lạnh kia đang nốc liên tục những ly rượu bia lại là một người cần đến đồng loại mình để chia sẻ nỗi buồn.
Qua người bạn nhà báo, chàng gặp một nhà thơ đang nổi tiếng vì những scandal từ một tác phẩm. Người ta đã thổi còi phạt thẻ đỏ cho ông nghỉ ngang trước phút cuối cùng. Nhưng ông là người có nhân cách tự trọng, yêu đất nước từ một góc nhìn khác. Ông dị ứng với những trò lừa mị to lớn nhưng lại bị những kẻ tiểu nhân dùng những tiểu xảo ca ngợi phỉnh phờ. Ở một cuộc chơi khác, với luật chơi sòng phẳng và sự hóm hỉnh thâm trầm của ông, chàng nghĩ là ông sẽ có thêm nhiều nhuệ khí trong cuộc sống về hưu. Ông nói với chàng lúc tiễn chân trước công: “Ít ra tôi cũng đã làm hết sức lực của mình để anh em nhận ra cái thật của cái giả”.
Không phải khi đang ngồi cùng vài người bạn trên sàn nhà cạnh bờ hồ nhìn những bóng ảnh của những rặng dương liễu, của những áng mây trắng nổi lênh đênh trên mặt đầm nước lặng, chàng mới có ý nghĩ công việc của văn chương, chữ nghĩa là một công việc hết sức phù phiếm. Một người bạn lấy máy ảnh ra để chụp cái khoảnh khắc của chiều tà in trên mặt nước. Một con cá tai tượng chiên xù đang dãy chết trên cái chảo rán dầu. Mấy đóa hoa sen hồng đang lặng lẽ nở trên đầm. Những con cá nhỏ đang rỉa mồi câu dưới nước. Từng gương mặt xa quê đang ngấm nỗi buồn trong từng hớp rượu, ngồi nhìn bóng tà huy đang nhạt dần sau cành liễu. Một người bạn đọc thơ, chàng muốn khóc khi nghe cái âm hưởng “ sắp về! sắp về! sắp về!” của tiếng tắc kè kêu trên sườn non trong một bài thơ viết về chiến tranh. Nhưng chàng đã giữ xúc cảm lại. Buổi chiều êm đềm như bài thơ tĩnh lặng giữa một phố biển ồn ào dục lạc. Cuộc sống đang sinh động trong từng giây phút với gương mặt sinh tử tuyệt vời của nó. Chàng nghe trong tiếng gió thoảng qua hàng dương có tiếng đập cánh khẽ khàng của những con chim đang tìm về tổ, tiếng sóng biển lẫn trong những cánh sen màu hồng đang lay động, tiếng lòng của những kẻ tha phương cầu thực đang cần một chút lửa ấm tình người. Và xa hơn, ngọn khói lam chiều ở miền quê vẫn chưa tan trong hương đồng cỏ nội, đợi chàng về./.