1. Cây dừa với vùng đất, con người vùng Tây Nam Bộ
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam, Tây Nam Bộ chính là nơi sản sinh ra “văn hóa miệt vườn”. Có thể nói, vùng văn hóa này tuy sinh sau nhưng đã có những biểu hiện hết sức độc đáo mang tính chất đặc thù của vùng đất lắm sông, nhiều rạch. Vùng văn hóa miệt vườn gắn liền với sinh hoạt làm nông nghiệp, mà chủ yếu là trồng lúa nước và các loại cây ăn trái. Có thể vì thế mà nhà nghiên cứu Sơn Nam cũng như các nhà nghiên cứu khác đều thống nhất rằng, nói đến Tây Nam Bộ là nói đến văn hóa miệt vườn mà chủ yếu là gắn với việc trồng trọt các loài cây ăn trái, lấy quả. Xưa kia, các loài cây ăn trái của vùng đất này đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn khắp cả nước. Trong các loài cây đó, có lẽ cho trái lâu năm và có mối quan hệ gắn chặt với con người của vùng đất thì cây dừa là tiêu biểu hơn cả. Có thể nói, các biểu hiện trong sinh hoạt văn hóa của con người vùng đất này không thể thiếu vai trò của cây dừa. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, cây dừa giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của con người nơi đây.
Trong nền văn hóa, trong tâm thức con người Việt Nam, có lẽ cây dừa đã trở nên quen thuộc và có giá trị bền vững thể hiện không chỉ qua cuộc sống hằng ngày mà còn đi vào văn hóa nghệ thuật dân gian và cả bác học. Ta đã từng biết tranh hứng dừa tiêu biểu cho văn hóa làng nghề truyền thống đậm nét dân gian của miền Bắc. Và phải chăng vì thế mà ở vùng Tây Nam Bộ cây dừa cũng được văn hóa phản ánh đậm nét. Ở vùng đất này cũng đã có câu đố mà gần như ai cũng biết về quả dừa “một vũng nước trong, cá lòng tong lội không tới”. Thậm chí trong những giai thoại về Bác Ba Phi của vùng đất Minh Hải xưa cũng có câu chuyện về “Bác Ba Phi leo ngọn dừa chém máy bay Mỹ”… Rồi hình tượng cây dừa đi vào thơ ca như biểu tượng quê hương miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ đau thương mà anh dũng, câu hát, lời thơ tiêu biểu “ai đứng như bóng dừa, có phải người còn đó….là con gái của Bến Tre”, hay “Tôi hỏi nội tôi, dừa có tự bao giờ; Nội tôi nói khi nội còn con gái đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”.v.v. Như vậy, có thể nói, cây dừa đã chiếm giữ tâm hồn con người Việt Nam mà nhất là con người ở vùng đất mà quanh xóm, quanh nhà cây dừa hiện hữu như người bạn thân thiết nhất của con người.
Dừa có nhiều loại như: dừa lửa (quả vàng đậm), dừa xiêm (trái nhỏ, nước ngọt), dừa sáp (loại dừa này chủ yếu là đặc sản của đất Trà Vinh, cơm dừa dẽo thơm ngon , giá mỗi trái có khi lên đến 100.000 đồng), dừa dâu (quầy có khi cả trăm trái nên trái rất nhỏ, nước rất ngọt), đặc biệt còn có dừa ba đọt (ở ấp Tràn Ban I, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, hiện nay cây dừa đã chết do chủ của nó đi nơi khác ở không có ai chăm sóc) như một sự kì thú của tự nhiên khơi gợi sự tò mò, tìm kiếm muốn tận mắt chứng kiến của cư dân các vùng khác... Tuổi thọ cây dừa lên đến vài chục năm nên thường cây dừa lão gắn với một đời con người nếu ta chịu khó chăm sóc chúng. Tất cả các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cây dừa được người dân trồng hầu hết ở tất cả các nơi, ở đâu có con người là gần như ở đó có cây dừa!
Truy nguyên nguồn gốc thật khó xác định, cây dừa có tự bao giờ và có nguồn gốc từ đâu? Chỉ biết rằng, đất Tây Nam Bộ xưa kia là vùng đất còn hoang vu, việc cây dừa hiện hữu ở đây hẳn là gắn với bước chân mở cõi của cha ông ta xưa kia đi mở đất. Các hoạt động đầu tiên chứng tỏ sự có mặt của con người ở vùng đất mới không gì khác là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo tự nhiên nơi con người đặt chân đến. Và cây dừa như ta đã biết gắn với làng, xóm, nếp nhà của con người Nam Bộ từ rất lâu đời. Thật khó để lí giải cây dừa có trước hay con người có trước ở vùng đất mới này. Nhưng những gì mà cây dừa để lại trong văn hóa của con người nơi đây đã minh chứng cây dừa có từ rất lâu đời; và vì thế, nó có vị trí văn hóa rất đặc biệt. Bước đầu khảo sát chúng tôi tìm thấy các biểu hiện rất đa dạng của văn hóa dừa trong sinh hoạt thường nhật. Con người đã tận dụng cây dừa một cách triệt để, từng bộ phận cây dừa không bỏ bất kì một thứ gì. Từ việc dùng cây dừa để khắc phục những ảnh hưởng của tự nhiên đến dùng công dụng của cây dừa vào phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.
2. Từ công dụng của cây dừa
a. Ở vùng đất lắm sông ngòi, ao hồ, các vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn, lợ đan xen nhau. Việc ngăn mặn xâm nhập, chống xói mòn đe dọa đến vùng đất chuyên canh cây lúa, cây ăn quả là mục tiêu hàng đầu của cư dân nơi đây. Có thể nói, phương pháp truyền thống nhất để ngăn mặn là đấp đập, be bờ ngăn mặn. Người dân vùng này đã trồng cây dừa để giữ bờ đê, ngăn mặn xâm nhập vào vùng ngọt bằng cách sau khi đấp bờ đê, bao ngạn xong thì trồng cây để giữ đất. Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên này, cây dừa được người dân trồng để giữ bờ đê, bao ngạn cho chắc chắn. Rễ ây dừa ăn sâu có tác dụng giữ đất rất tốt và cũng nhờ đó mà có tác dụng ngăn mặn ít có loại cây nào bì kịp. Việc trồng cây dừa ngăn mặn chống xói mòn đã cho thấy văn hóa ứng xử của người dân nơi đây với môi trường tự nhiên một cách hiệu quả, thể hiện rõ tính chất dùng tự nhiên để khắc chế tự nhiên. Việc ứng xử này phải chăng cũng đã một phần thể hiện tính cách của con người Nam Bộ là dễ thích ứng với môi trường và cũng dễ dàng dung hợp, linh hoạt sáng tạo đối phó với tự nhiên và những tình huống khác trong đời sống bình dân? Điều này sẽ được thể hiện rõ ở việc tận dụng công năng của cây dừa vào đời sống sinh hoạt hằng ngày đến các hoạt động văn hóa khác mà nếu thiếu sự có mặt của cây dừa, các bộ phận của nó sẽ không cho ta thấy rõ đặc trưng văn hóa Nam Bộ.
b. Trồng dừa để bắt đuông: Ngày trước, khi chưa có dịch vụ bắt đuôn bán cho các nhà hàng, người trồng dừa của xứ Cửu Long chủ yếu là để ngăn mặn, chống lở đất, lấy quả và lấy lá. Tuy nhiên, trong sinh hoạt truyền thống họ còn trồng dừa để bắt đuông. Dừa con nhỏ, muốn bắt đuông thì để con kiến dương (loài côn trùng cánh cứng) bu vào cây dừa để hút chích và đẻ trứng sinh con. Thường mỗi cây dừa non bắt đuông đem xào hành, lăn bột chiên giòn, hay gói lá cách nướng… độ khoảng một dĩa bàn … đã trở thành món ăn đặc sản của vùng đất Cửu Long. Ngoài ra, cây dừa tơ hạ xuống, sau khi bắt đuông xong thì các bộ phận còn lại dùng vào việc khác chứ không bỏ đi. Riêng củ hũ dừa thì đem về hầm giò heo ăn cũng bổ vô song. Cũng có khi xóm làng có làm con heo, lấy củ hủ về hầm cái đầu heo cả nhà ăn không hết. Việc bắt đuông dừa đã thể hiện rõ một phần văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước là tận dụng và khai thác tự nhiên một cách hiệu quả, triệt để; đồng thời đó cũng là cách ứng xử rất hài hòa với thiên nhiên quanh mình. Vì thật ra trước đây, do khoa học chưa tiến bộ, các loại thuốc trừ sâu chưa nhiều, việc diệt con kiến dương rất khó nên việc cây dừa bị đuông ăn dẫn đến việc bắt đuông và hình thành nên đặc sản của vùng miền cho thấy sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của cư dân nơi đây. Và để làm rõ thêm điều này, chúng ta còn thấy qua cây dừa khả năng tận dụng của con người vùng đất châu thổ Cửu Long là rất vô tận. Điều này là một thực tế chứng minh rằng, người Nam Bộ không phải là cư dân quá hoang phí trong việc tận dụng các thứ sẵn có xung quanh mình.
c. Ứng dụng thân dừa: Thân dừa là bộ phận tưởng chừng như vô ích nhưng thực ra trong khi đốn dừa xuống làm một việc gì, người dân vùng đất này cũng đã tính toán rất kĩ lưỡng.
Thân dừa thường được người bình dân dùng vào các việc sau đây:
# Làm cầu đi lại: Việc tận dụng thân dừa trước hết ở chỗ người dân miền sông nước này dùng những cây dừa chặt làm mấy khúc bắc qua kênh, rạch làm cầu. Dừa làm cầu vừa chắc chắn lại rất dễ đi lại mà lại sử dụng được lâu. Nên có thể nói, tận dụng cây dừa làm cầu đã cho thấy tư duy sáng tạo trong việc định cư, đi lại của văn hóa sông Cửu Long thể hiện rõ bản chất vận dụng môi trường tự nhiên vào đời sống của mình.
# Làm nhà và làm ghế ngồi: Ngoài dùng làm cầu bắc qua sông để đi lại, cây dừa còn được người bình dân vùng đất châu thổ Cửu Long chọn những cây dừa có trên 10 năm tuổi, cao vút, xớ dừa đỏ au xẻ ra làm nhà. Thân dừa có khi làm cây xiêng, cây đòn tay hết sức chắc chắn. Muốn ở được lâu không để mọt ăn người ta cho uống dầu rồi phơi nắng ở có khi đến vài chục năm không bị hư hỏng gì. Bên cạnh đó, người dân quê mình còn dùng cây dừa cưa ra làm ghế ngồi cũng rất tiện dụng. Có thể nói, việc dùng cây dừa già làm nhà hay làm ghế ngồi đã cho thấy văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên một cách triệt để. Ngoài ra những cây dừa non bị chết hay bị đuôn ăn cũng được dùng làm củi đốt cháy rất đượm.
# Đóng đáy: Là cư dân vùng sông nước, các cửa sông là nơi đánh bắt các loại thủy, hải sản. Vì thế, các kiển đánh bắt truyền thống ra đời, trong đó tiêu biểu và qui mô là đánh bắt bằng cách đóng đáy. Người ta dùng cây dừa lâu năm dài đến 20 mét làm các cọc đóng đáy rất chắc và bền. Đóng cọc đáy bằng dừa có lợi thế hơn các loại cây khác như đước, mắm ở chỗ gỗ dừa vừa chắc vừa nặng, ngâm nước thì lâu lắm mới hư lại đảm bảo căng dây không bị đứt nếu cùng lúc căng nhiều miệng đáy. Do đó, từ xưa và cho đến ngày nay, người dân miền sông nước, đặc biệt là ở các cửa sông lớn hay dùng cây dừa để đóng đáy. Như vậy, trong đánh bắt cây dừa cũng để lại dấu ấn rất riêng bởi công dụng của nó.
d. Tận dụng lá dừa: Nếu thân dừa dùng vào những việc lớn như cất nhà, làm ghế…thì lá dừa là dùng để gói bánh, làm chổi. Lá dừa trước hết là để gói bánh dừa. Tên gọi loại bánh này có lẽ bắt nguồn từ lá dừa dùng để gói bánh nên người ta gọi hoán dụ là bánh dừa cho tiện. Lá dừa non dùng để gói bánh (người ta chặt ngọn dừa non gọi là cà bắp) mà gần như nhắc đến bánh dừa ai cũng ai ở đất Nam Bộ cũng đều biết cả. Ngoài ra, lá dừa khô dùng để nhóm lửa rất nhạy mà gần như nhà ở vườn nào của mãnh đất Cửu Long cũng để dành là dừa làm việc nấu nướng được nhanh hơn. Ngày trước, người mẹ chống đi coi mắt nàng dâu tương lai, ra bếp nhìn bó lá dừa là có thể cho điểm người trăm năm của con trai mình. Bên cạnh đó, người ta lựa những tàu dừa giá có lá cho sóng dừa cứng cáp, tước bỏ lá, lấy cọng dừa phơi khô, bó chổi quét nhà, quét lúa rất tiện ích, gọi là “chổi tàu dừa”. Loại chổi này cùng với chổi ráng, chổi rơm có lẽ là những loại chổi truyền thống lâu đời nhất của đất Nam Bộ. Có khi cha mẹ thăm con cái, hàng xóm thăm nhau quà là mấy cây chổi tàu dừa cũng nên.
Đặc biệt, trong cưới hỏi, người ta còn chặt nguyên mấy tàu dừa có lá thật đẹp tết thành từng búi, hoặc chẻ đôi trang trị cổng rạp đám cưới rất đẹp trước khi có cái cổng rạp bằng sắt ra đời như bây giờ. Ngày trước ở thôn quê Nam Bộ, đám cưới nào mà chẳng dùng bẹ dừa trang trí rạp. Thế nên có thể nói, cây dừa hiện hữu trong hạnh phúc lứa đôi của con người một cách mật thiết. Rồi khi thành vợ chồng, với cuộc sống gia đình, những ứng dụng của cây dừa lại hiện hữu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ một cách thân thuộc.
e. Sử dụng bẹ (tàu) dừa: Trước hết, bẹ dùng làm củi chụm rất đượm. Việc sử dụng bẹ dừa làm củi thể hiện những công việc có liên quan trong vấn đề kỹ thuật trồng trọt của cư dân vùng đất mới này. Dừa lớn lên cho trái, muốn sai quả thì phải hạ bẹ dừa cho quả đậu sai, kinh nghiệm dân gian gọi là “sửa dừa”. Thật ra việc làm này rất có cơ sở là vì bẹ dừa được chặt dọn sạch sẽ sẽ không phải là môi trường cư trú của lũ kiến dương chích hút hay chuột cơm cắn phá, vì thế trái sai là phải. Từ công việc này đã hình thành nghề di động gọi là “nghề sửa dừa”. Nghề này có thể đi khắp vùng mà chẳng bao giờ thất nghiệp. Có thể nói “nghề sửa dừa” rất thịnh hành ở đất Nam Bộ. Người làm nghề này đòi hỏi leo trèo giỏi với dụng cụ rất đơn giản chỉ là cây dao mác thật bén và đôi chân leo nhanh như mèo là được. Có người cả đời chỉ làm một nghề này mà nuôi sống cả gia đình. Thường, mỗi xóm hay có một người làm nghề đặc biệt này mà ít có người cạnh tranh vì không phải ai cũng leo dừa được.
Trong việc trồng lúa, bẹ dừa xanh chặt xuống, chẻ thành tựng cọng to cỡ ngón tay cái, dài khoảng nửa thước dùng làm cây cặm gò (gò đất được chia theo kiểu cứ hai hoặc ba tầm bằng năm sáu mét là một gò) trước khi xạ lúa cho lúa thẳng hàng và đảm bảo gieo sạ liền các gò với nhau để khi lúa lên khỏi phải tốn công dặm lúa (dặm lúa là nhổ lúa chỗ mọc dày cấy vào chỗ lúa thưa hoặc bị chết trong gieo mạ). Có nơi dùng lá dừa làm cây cặm gò cho dễ phân hủy, nhưng thường dùng bẹ nhiều hơn vì bẹ còn nguyên cho đến khi rải phân các loại sẽ còn cây gò mà liệng phân cho lúa tốt đều.
f. Vận dụng trái dừa vào ẩm thực:
# Dừa tươi: Làm nước uống giải khát có tính hàn, công dụng giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra người ta còn dùng nước dừa tươi để khìa chuột, khìa thịt, kho thịt, nấu lẩu, chế biến các loại thức ăn uống khác rất ngon. Đặc biệt nước dừa xiêm mà pha rượu ST3 (rượu đế một lít 35.000 đồng tại Sóc Trăng) nhậu với mắm cá lóc chiên hay mắm cá rô không xương thì ngon hết chỗ nói.
# Dừa rám: Làm mứt dừa, kho dừa ăn với cơm còn nước dừa kho thịt heo với hột vịt ăn trong ba ngày tết, gọi là thịt kho tàu hay kho riệu làm nên đặc trưng trong ẩm thực Nam Bộ.
# Dừa khô: Công dụng quả dừa khô nạo ra lấy cơm làm các loại bánh, xác dừa khô làm nhưng gói bánh dừa, bánh ích, bánh tét. Cơm dừa khô vắt lấy nước cốt ăn với các loại bánh quen thuộc ở xứ sở tây Nam bộ như bánh chuối, bánh dứa, bánh lọt, bánh khọt…hết thảy đều sử dụng dừa khô mà nếu không có dừa khô thì ăn sẽ không có mùi vị đặc trưng của từng loại. Có thể nói, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu cho vùng đất châu thổ Cửu Long vốn vang danh với đặc sản kẹo dừa của xứ sở Bến Tre đã trở thành thương hiệu rất nổi tiếng mà trong vùng và cả nước đều biết đến.
Như vậy, trong văn hóa ẩm thực, trái dừa làm phong phú thêm cái khoái đầu tiên trong “tứ khoái” của con người. Phong phú bởi công dụng, đa dạng trong ứng dụng và vì thế trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của vùng miền là điều có thể hiểu được.
Đặc biệt, vỏ trái dừa khô dùng làm bình đựng ấm trà rất độc đáo mà chỉ có văn hóa vùng Tây Nam bộ mới có loại ấm trà này. Tác dụng của loại ấm trà bằng dừa khô là giữ nhiệt rất tốt. Đây là một trong những ứng dụng của dân mình đối với vỏ dừa khô một cách hữu hiệu vào cuộc sống có tác dụng lưu giữ lâu đời. Có bình xài đến năm ba chục năm là chuyện rất bình thường. Người ta chọn những quả dừa mới vừa khô tới, hái xuống rồi dùng dao, cưa thật bén cưa dát mặt dừa một cách khéo léo, rồi sau đó lấy quả ra ngoài. Móc thân vỏ dừa sao cho vừa với kích cỡ của bình trà. Để làm được bình trà bằng vỏ dừa đòi hỏi người làm phải hết sức khéo tay và phải có đầu óc quan sát tinh tế nữa mới được. Quan trọng nhất là dát mặt vỏ dừa sao cho dùng phần trên vỏ trái dừa làm nắp đậy bình trà cho vừa vặn là điều không phải dễ. Vì thế, mặc dù nhà nào ở vùng Tây Nam bộ cũng có dừa nhưng theo quan sát của chúng tôi, chỉ có những nhà có của ăn, của để hay những nhà có người khéo tay mới có loại bình trà này vì chúng không dễ làm chút nào.
Đáng chú ý hơn trong giao thông, ngày nay, tại Cần Thơ, người ta còn có sáng kiến dùng quả dừa khô làm nón bảo hiểm nữa. Và hiện tại đã đăng ký bản quyền. Loại nón bảo hiểm bằng quả dừa khô quả thật là một sáng tạo hết sức độc đáo của cư dân miền sông nước Cửu Long. Nó chứng tỏ, quả dừa đã trở nên không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ xưa cũng như nay. Tại Sóc Trăng, đã có những sáng kiến trong việc giải quyết vấn đề môi trường là, dùng xơ dừa khô hút dầu tràn ra môi trường sông, rạch một cách hữu hiệu. Vì xơ dừa không chỉ có công dụng làm chất đốt trong sinh hoạt như nấu nướng un muỗi cho vật nuôi như trâu, bò, heo… mà còn có công dụng hút nước rất tốt. Vì đặc tính này mà người ta dùng nó giải quyết vấn đề môi trường rất hiệu quả.
3. Biểu tượng dừa trong văn hóa
a. Trong ngày lễ, tết quan trọng như mừng năm mới: dừa dùng làm đồ trưng bày trong mâm ngũ quả: “cầu, dừa, đủ, xài (xoài), xung”. Dừa là một trong năm thành tố tạo nên mơ ước được phồn thịnh của con người nơi vùng đất châu thổ Cửu Long. Cách nói sử dụng biến âm của phương ngữ Nam Bộ đã vô tình đưa quả dừa góp mặt vào mâm ngũ quả thể hiện rõ mong muốn của con người qua sự tương hỗ về màu sắc một cách rõ nét của năm loại quả này. Tính biểu tượng của quả dừa (vừa) thể hiện rõ khát vọng vươn lên của tầng lớp bình dân mà có thể trong cuộc sống lao động vất vả quanh năm thiếu thốn mọi bề nên năm mới tết đến trưng “dừa” để cầu mong vừa đủ xài (xoài) – tức là khỏi thiếu hụt. Ý nghĩa này quả thật rất độc đáo khi ta nhìn quả dừa tưởng chừng rất đổi bình thường.
Ngoài ra, quả dừa còn cho thấy nó có vị trí quan trọng trong những thời điểm có ý nghĩa nhất của đời người là trong cưới hỏi. Trong sự việc trọng đại này, ngoài những lễ vật như ta đã biết, người ta còn sang nhà gái lễ vật là mứt dừa, rồi trong đãi khách, nhà cô dâu, chúa rể cũng mang mứt dừa ra mời họ hàng trong ngày vui của mình. Việc chuẩn bị mứt dừa cho tiệc vui đã làm cho đám cưới thêm phần chờ đợi, hấp dẫn bởi không khí rộn ràng chuẩn bị bẻ dừa ngào đường làm mứt đãi khách trong ngày tân hôn hay vu quy của mình. Ngoài ra, trong ba ngày tết, nhà nào cũng có mứt dừa với các màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng trông rất bắt mắt, làm cho không khí ngày tết thêm rộn ràng.
b. Trong âm nhạc: Lá dừa dùng làm kèn cho trẻ con thổi cũng rất độc đáo. Đây là trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa miệt vườn. Làm kèn chính là thú vui của trẻ nhỏ nhất là trẻ nhỏ ở nông thôn vốn có đời sống văn hóa tinh thần rất thiếu thốn. Ngoài làm kèn, ta còn dùng lá dừa làm chong chóng hay thắt các vật chơi hình con cá, con rết rất đẹp mà gần như đứa trẻ nào ở quê cũng biết làm. Rồi trong sinh hoạt văn hóa của loại hình cải lương, người ta dùng trái dừa khô lấy quả của nó làm một bộ phận của cây đàn cò rất độc đáo.
c. Trong điêu khắc: Các hình tượng được các nghệ nhân dùng thân dừa để khắc như hình người, mục đồng chăn trâu, bộ ấm trà, làm lược chải tóc, làm các loại dụng cụ lưu niệm khác cho khách thập phương đến tham quan vùng văn hóa này cũng đã làm cho đời sống văn hóa người dân xứ miệt vườn có dịp giao lưu và thể hiện mình.
Có thể nói, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu và rất đặc biệt cho vùng đất chín rồng đang vườn mình trổi dậy và hứa hẹn bay xa, bay cao, để từ đó, góp phần đưa kinh tế - xã hội của vùng đất mới này ngày càng phát triển. Với cuộc sống ngày càng hiện đại, sự hiện hữu của cây dừa trong đời sống văn hóa của người dân vùng Nam Bộ đã góp phần củng cố thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của một miền đất trẻ và làm đậm thêm dấu ấn của “văn hóa miệt vườn”./.