Từ linh cảm hay cảm hứng là dịch từ Inspiration của Tây phương . Xưa người Trung Quốc có lúc không dịch mà phiên âm Hán Việt là “yên sĩ phi lý thuần”. Trong văn chương chúng ta hay dùng từ cảm hứng, nhưng xét ra nên dùng từ linh cảm có lẽ hay hơn, nên trong bài này chúng tôi dùng từ linh cảm .
Trong quá trình sáng tác, tất cả những tác phẩm nghệ thuật chân chính, tất nhiên nghệ thuật gia phải trải qua giai đoạn của trạng thái linh cảm. Một tác phẩm được chế tác mà không trải qua giai đoạn linh cảm thì không đáng nói đến, vì chất nghệ thuật chẳng có là bao. Linh cảm là khoen quan trọng trong quá trình sáng tác.
Linh cảm tự nó có mang nhiều tính thần bí, nó từ đâu đến? Nó đi về đâu? Chúng ta chỉ có thể dùng một số từ ngữ để miêu tả trạng thái linh cảm: đột nhiên tỉnh ngộ, văn tứ tuôn ra, cây bút như có thần, v..v…Thật tế linh cảm có tính chất thần bí, đặc điểm lớn nhất của nó là không hẹn mà đến, hay đến không sao đoán trước được, cũng không sao cản lại được.
Linh cảm mang tính thần bí như vậy, có thể bắt gặp nhưng không thể cầu mong mà có được. Thế thì có phải nghệ thuật gia chỉ tiêu cực đợi chờ linh cảm giáng lâm? Hegel trong tác phẩm mỹ học từng nói; “ Dù là bậc thiên tài vĩ đại tối ngày nằm dài trên thảm cỏ xanh đón gió hiu hiu thổi lại, ngửa mặt ngắm trời trong, trước sau nguồn linh cảm êm đềm vẫn không ngó ngàn đến ông ta.” Đúng là như vậy, trong sự sáng tác nghệ thuật rất cần đến trạng thái linh cảm, tuy nó mang đầy tính thần bí; nhưng điều đó không có nghĩa là trong căn bản hình thành tác phẩm, linh cảm ngẫu nhiên quyết định. Sự cố gắng của ý chí cố nhiên không thể trực tiếp áp bức, nhưng sự nỗ lực ấy là điều kiện tất yếu chuẩn bị cho linh cảm biểu hiện.
Giai đoạn đầu của sự sáng tác, chắc chắn là một thứ tự giác cố gắng. Sự nỗ lực ấy đòi hỏi phải tìm đến cái gì, thì đó có thể là đối tượng cảm tính sống động trong tâm hồn nhà nghệ thuật, đó cũng là những tài liệu hình tượng cấu trúc tham dự vào cuộc sống tính linh của nhà nghệ thuật. Để cho hình tượng đạt đến sự sống không phải dễ dàng đâu, cũng không phải căn cứ vào kỷ xảo của nghệ thuật mà có thể thành công . Sự nhất trí của tài liệu hình tượng với tính linh là để cho sự thể nghiệm sinh tồn nối liền một mạch với tài liệu, khiến cho những tài liệu không bị khô cằn và chìm đắm, mà trở thành chính như những lời tự nó nói ra, có sự sống đặc biệt của bản tính sự vật. Do đó, thực chất vấn đề là ở nơi nghệ thuật gia làm sao thoát bỏ được tính chủ quan tự thân và tính ngẫu nhiên ngoại tại quấy nhiễu. Từ đó mới để cho tự nó hoàn toàn biểu hiện cái nhiệm vụ đối với sự sinh tồn tình cảm. Đây là áp dụng lời của Hegel, tức là nghệ thuật gia cần phải nỗ lực khiến cho “cái ngã hoàn toàn lặn ngụp trong chủ đề”, chính sự nỗ lực ấy là chuẩn bị cho trạng thái linh cảm.
Sự chuẩn bị ấy có lúc vô cùng đau khổ, có khi khiến cho nghệ thuật gia phải mất một thời gian lao động mà kết quả chẳng được gì.Ví như có người mướn nhà nghệ thuật vẽ một bức bích họa, rồi cố chủ phát hiện ông nghệ sĩ này không bắt tay làm việc ngay, mà liên tục trong nhiều ngày chỉ thấy ông ta đi đi lại lại chứ không làm gì cả. trong lúc ấy cố chủ cũng chẳng nôn nóng gì, mà còn sẵn lòng chờ đợi. Vì ông chủ biết không thể coi nhà nghệ thuật như một người thợ, cứ đến sở là hăm hở bắt tay vào việc. Thật ra nghệ thuật gia đi qua đi lại ở bên ngoài là để che đậy sự khẩn trương ở trong nội tâm; vì ông ta biết rõ lúc này không thể bắt tay vào việc, ông ta còn không thể nhắm vào bất cứ sự việc thực tế nào mà chế tác, vì còn không biết bao vấn đề chưa giải quyết được. Ông ta chỉ có thể ra công tìm kiếm và chờ đợi mà thôi. Chính trong sự kiên trì chờ đợi, đến một lúc nào đó thì nó lại đến. Trong thời khắc đó, tất cả những khó khăn chính trong việc sáng tác thình lình được giải quyết, như thế là trạng thái linh cảm đã đến.
Trong trạng thái linh cảm ùn ùn kéo tới, nhà nghệ thuật bắt không kịp, tài liệu tình cảm trong khoảnh khắc tất nhiên liên hệ hiển hiện, giây phút ấy không còn gì phải do dự, hoài nghi, chỉ việc hạ bút, cứ mổi bước là như tuôn ra. Như vậy linh cảm dược gọi ra, chắc chắn nó phải trải qua nhiều lần tìm tòi mới có thể đạt được.
Trong sự tìm tòi, nghệ thuật gia tự mình từ từ tiến sâu vào việc cần phải trình bày trong tác phẩm cái bản chất chân tướng của tình cảm, khiến cho tính linh tự thân cùng với tài liệu hình ảnh kết hợp cao độ. Đối với việc kết hợp cao độ này, Hegel giải thích; “Nghệ thuật gia đem những hiện tượng cá biệt ngẫu nhiên cũng như sự tật nguyền của chủ thể bỏ đi hết, để tự thân hoàn toàn đắm chìm vào chủ đề; như vậy chủ thể tác giả giống như chỉ là hình thức, hình thức ấy lại khiến cho nó như đắm chìm vào nội dung.” Trong trạng thái kết hợp cao độ hình tượng với tính linh, thật ra chủ thể của tác giả không còn là là chủ thể, mà chuyển đổi thành ra hình thức sử dụng được hình tượng sống động, hoặc nói rằng, tự thân nghệ thuật gia đã sử dụng hình tượng như dụng cụ để triển hiện tự thân của mình. Đúng như Hegel nói: “ Nếu trong linh cảm, chủ thể kể như đột nhiên xuất hiện phát huy tác dụng , chứ không phải là bản thân chủ đề sử dụng các cơ quan và dẫn đến sự hoạt động sống động, thì đó chỉ là thứ linh cảm hư hỏng.”
Một nhà nghệ thuật từng trải được nhiều năm học tập và kinh nghiệm về toàn bộ cá tính, kỷ xảo, năng lực, thì mỗi khi linh cảm đến, tức khắc biến thành một thứ khí quan sử dụng cho chủ đề tác phẩm. Những thứ tri thức, kinh nghiệm, nhãn quan, kỷ xảo và sức tưởng tượng của tác giả đều được bản thân chủ đề khống chế, sử dụng biến thành hoạt động do chủ đề đưa đến sự sống động, đó tức là linh cảm.
Linh cảm đến tuy không thể đoán trước, nhưng xác thực nó là sự tìm tòi của nghệ thuật gia trong quá trình kêu gọi nó, chứ quyết không phải là sự ngẫu nhiên may mắn, mà là một sự may mắn tất nhiên . Strowski từng nói:
“ Sáng tạo cần phải tưởng tượng, nhưng lại không thể hổn hợp chung với tưởng tượng, vì ý nghĩa của hoạt động sáng tạo là phát hiện ra sự may mắn và cuối cùng là đạt đến sự phát hiện mang tính tất nhiên…Chúng ta không nên coi sự may mắn ấy là một thứ ảo tưởng biến ảo của tưởng tượng không lường được hổn hợp chung lại. Ý nghĩa của ảo tưởng đành lòng chịu đắm chìm trong suy nghĩ vớ vẩn, nhưng nên coi là sự giúp đở phát hiện hoàn toàn ở bên ngoài.”.Sự kiện linh cảm liên quan mật thiết với trực giác.
Đối với vấn đề trực giác, Jacques Maritain nhấn mạnh hơn gọi là trực giác sáng tạo và có liên hệ với thi tính nên gọi là trực giác thi tính. Ông nói rõ, bản chất trực giác thi tính vốn là một thứ ánh sáng lóe lên trong tri tính, và là một thứ tình cảm tinh thần hóa, phát sinh từ tinh thần vô thức. Ý nghĩa của trực giác thi tính là một thứ đặc quyền của linh hồn. Tại linh hồn sự hoạt động của giấc mơ và sự nội tĩnh rất tự nhiên và khoáng đạt. khi mà biên giới tinh thần của con người chưa hề bị cuộc sống thương nghiệp xấm chiếm. Về một ý nghĩa khác, trực giác thi tính xuất phát từ tư tưởng con người, là một trí năng rất tự nhiên, cho nên chúng ta có thể nói rằng tất cả mọi người đều có khả năng tiềm tàng trực giác thi tính, chỉ vì chúng ta không biết đến mà hóa ra có nhiều người áp chế nó hay vô tình giết chết nó. Do đó mà họ sinh ra tư tưởng bất mãn đối với thi nhân.
Bản thân trực giác thi tính sinh ra trong sự vận động thiên nhiên và sự tự phát tuyệt vời của linh hồn, nó tự tìm kiếm bằng cách giao lưu với những sự vật có tính cách đầy đủ ý nghĩa và sự kích thích tình cảm tự thân. Và đôi khi ở vào thời gian thành thục sau khi tinh thần được bồi dưỡng đầy đủ kinh nghiệm và thể nghiệm nhiều đau khổ và tự thân nó lại quay về; nó như cảm thấy thích thú trong giấc ngủ say sưa và trực giác thi tính lại như thức tĩnh – giấc ngủ cũng hiện hữu và một cách thế nào đó nó như thứ quả chua xanh tươi hay như một đứa trẻ thơ, một con người của thời nguyên thủy- thiên đia mói tinh khôi ( nói như Hàn Mặc Tử). Sự nhận thức thi tính đối với tinh thần con người cũng rất tự nhiên như con chim bay về tổ của nó, và đó chính là thế giới tinh thần, con đường quay về với sào huyệt thần bí của linh hồn. Vì nội dung trực giác thi tính là bao hàm thực tại của sự vật trong thế giới và chủ quan tính của thi nhân, cả hai thứ được truyền đạt một cách kín đáo xuyên qua một thứ ý hướng của tinh thần hay tình cảm. Linh hồn được biết qua kinh nghiệm của thế giới, và thế giới cũng được biết qua kinh nghiệm của linh hồn; đó là sự nhận thức thông qua tự thân không hề nhận thức (une connaissance qui ne se connait pas elle-même). Thật vậy, một sự nhận thức không phải để nhận thức mà chính là để sáng tạo. Đó là ý hướng sáng tạo tính. Rimbaud từng nói:” Tôi là một kẻ khác”. Trong trực giác thi tính, thực tại khách quan và chủ thể tính, toàn bộ thế giới vật chất và linh hồn cùng tồn tại không thể phân chia. Trong thời khắc đó, ý nghĩa và cảm giác bị đưa về trong tim, hoạt lực và tinh thần, tình cảm đều đưa về trực giác. Thông qua hoạt động sinh lực của tri tính, tuy không phải là khái niệm hóa, tất cả lực lượng của linh hồn đều bắt nguồn từ hoạt động này.Tất cả sự vật đều phát sinh từ trực giác sáng tạo, tính nguyên sơ từ trong linh hồn của thi nhân và sự va chạm của tình cảm.
Sự tiếp xúc trực tiếp với trực giác, tất cả những tác phẩm nghệ thuật chân chính có tinh thần sâu sắc cùng với ý là thông điệp nhắm truyền đạt như hội họa, điêu khắc, hay kiến trúc, âm nhạc đều mang lại cho chúng ta một chùng cứ tương tợ như vừa nêu.
Để hiểu rõ vấn đề nên đọc thêm chương 13 trong quyển Tâm Lý Văn Nghệ của Chú Quang Tiềm nói về “ Tưởng tượng và Linh cảm” cũng do KĐức dịch..