Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.229
123.153.651
 
Giong Quê
Trần Yên Hòa

Hồi Hoán lên 9 tuổi, Hoán đã biết nghĩ về con gái, đó là con Lý, con bà Vy, người Huế. Bà Vy vì chiến tranh ở đâu ngoài Huế, lưu lạc đến quê anh. Quê anh là một vùng quê, dân làng sống chất phát, mộc mạc. Bỗng nhiên đâu có một người đàn bà ở phố thị trôi dạt về, như thổi đến vùng quê một làn gió mới. Bà Vy khoảng đâu trên bốn mươi tuổi, không có chồng, nhưng đã có hai con. Người con gái lớn là chị Diễm, chị đã có chồng, trông chị rất đẹp, cái đẹp của phố thị, đài các, nhưng với Hoán thì chị Diễm xa lạ, như một người đứng trên cao. Bà Vy tản cư vô ở quê Hoán đâu khoảng 2 năm thì gá nghĩa cùng ông xã Bốn, một ông lý trưởng đã thôi việc, vợ chết, ông có một số ruộng đất và tiếng tăm trong làng xã. Ông tuy mang tiếng là cựu lý trưởng nhưng bản chất vốn nông dân, trên năm mươi tuổi mà ông còn đánh trần dẫn bò đi cày ruộng như bọn thanh niên trai tráng. Bà Vy gọi ông xã Bốn bằng anh và xưng em ngọt xớt, đó là giọng người Huế ngọt như mía lùi, đãi đưa, Hoán nghe đầu tiên trong đời cái cảm giác ngọt ngào, hạnh phúc đó. (Người dân quê anh khi cưới vợ về được một vài năm  thường goị vợ bằng tau, mi, ơi, ''tau, mi'' sao nghe cộc cằn quá ).

 

Con Lý là đứa con gái dể thương nhất xóm, mới sáu bảy tuổi mà nó đã biết làm điệu, mái tóc cắt bum bê trông duyên dáng tệ, hàm răng đều, trắng bóc dể thương như hạt bắp, nhất là đôi mắt lớn nữa, nó lại nói giọng Huế mới điệu chứ. Giọng Huế có một cái gì uốn lượn như tiếng sóng xô, líu lo như tiếng chim hót, nó phân biệt, khác hẳn vơí giọng nói của dân quê anh, giọng Quảng Nam, nặng, cứng, chất phát, cục mịch, không văn hoa bóng bảy chút nào, có thể đúng với câu là ''ăn cục nói hòn.''

 

Hoán đi học lớp vở lòng với con Lý tuốt ở một trường mẫu giáo tận xóm An Thành, cô giáo Uớc dạy học cũng là dân tản cư, đâu quê ngoài miệt Điện Bàn, Đại Lộc, vì chiến tranh nên tản cư vào đây . Nói là trường nhưng đó là một cái ''dỏ '' của xóm, cái ''dỏ '' của xóm cũng như cái ''đình'' của làng, của xã vậy, nhưng nhỏ hơn, thường được lợp bằng ngói hay bằng tranh, ở đó cũng thờ cúng thổ thần, tiền hiền của xóm. Hồi thời Việt Minh, có đợt tiêu thổ kháng chiến, nếu cái ''dỏ''nào làm bằng ngói thì bị phá đi, còn lợp bằng tranh thì chỉ phá bàn thờ thẩn hoàng, tiền hiền thôi, còn cái dỏ được để lại, dùng làm lớp học ban ngày hay hội họp ban đêm, chữ ''dỏ'' nầy sau nầy không nghe dùng tới nữa, nhưng vùng quê anh bây giờ vẫn còn dùng.

 

Con Lý thường rủ rê Hoán giọng ngọt xớt như đường:

''Khi nào mi đi học mi kêu tau với nghe Hoán.''

Hoán chỉ một điều là làm theo lời con Lý dặn, sau khi thức dậy sớm, mẹ cho ăn mấy chén cơm với mắm cá cơm muối mặn chat. Xong Hoán ngồi trước cửa nhà học bài, Hoán rống to lên như là không đọc to thì không ai biết là Hoán đã đi học, ''trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa'' cứ thế Hoán lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, đến khi mẹ thấy mặt trời đã lên quá cao liền giục Hoán :

-  ''Trưa trề trưa trật rồi, thằng Hoán chưa đi học hở mi''.

Lúc đó Hoán mới mới thôi rống và xếp vở lại, ra choã góc vườn, gọi to :

-  ''Lý ơi, đi học, Lý ơi ''.

Con Lý cũng đang làm công việc gì đó, liền bỏ việc nói với sang :

''Mi đợi tau một chút nghe Hoán'' .

Thế là Hoán ra bức tường thành ở cổng nhà ngồi đợi, nhà con Lý ở vườn trên, đứng dưới nầy nói với lên đều nghe tỏ rỏ.

 

Hai đứa cặp đôi đi học như vậy đã mấy năm, từ nhà Hoán đến trường, cái ''dỏ '' An Thành đó, phải qua vạt ruộng Đồng Cát, hai đứa đi trên bờ ruộng ướt nhèm nước, nước từ sương, nước từ cỏ nên chân đứa nào cũng lấm lem, hai đứa đi chân đất, đi bờ ruộng cũng quen rồi, rồi qua một cái cầu gổ, qua gò ông Đốc, quẹo xuống một đồng ruộng nữa, mới tới ''dỏ '' An Thành, lớp học khoảng đâu 20 đứa, đứa nào đầu tóc cũng vàng cháy nắng, đi chân đất, áo quần nhếch nhác .

 

Đi học về thì thường hai đứa vừa đi vừa chạy, dành nhau bắt những con cào cào, châu chấu, bươm bướm, có khi dành giựt nhau, lấn lướt nhau, nắm áo, nắm tóc, kéo tay, xô đẩy, rách áo, lòi ngực, lòi lưng ra, thường thì Hoán hơn Lý, vì Hoán là con trai, những lúc đó, con Lý chỉ có một việc là khóc và chửi to, '' tổ cha mi Hoán, bà nội mi Hoán'', nhưng Hoán không trách, kể cả con Lý hăm, ''tau về tau nói với mẹ mi cho coi '' Hoán cũng không sợ, còn nói tục lại, ''con c. tau nề, tau không sợ đâu.''

 

Nhưng có một hôm hai đứa đi học về song đôi, hai đứa không cải nhau, không đánh lộn, mà hôm đó rất tương đắc, rất vui, chị hai Khiêm đi cắt cỏ về thấy thế liền chọc :

-   ''Hai đứa bay như cặp bò cày, Hoán đi ví, Lý đi thá.''

Chị nói rồi chi te te gánh cỏ chạy vô cho bò ăn, tự nhiên hôm đó lời ''cắp đôi'' của chị hai Khiêm làm Hoán dị, mắc cở, chắc con Lý cũng vậy, nên khi qua khỏi ngỏ nhà Hoán, con Lý nghe chị Hai Khiêm nói thế, liền chạy bay về nhà nó.

 

Khi lên học tiểu học tại trường Kỳ Mỹ, Hoán mới ý thức được cái giọng nói quê của anh. Chỉ trong xóm anh ra đến chợ Quán Rườn, ở ngoài đường tỉnh lộ, đã thấy sự phân biệt giữa ''nậu chợ'' với ''nậu quê'' rồi, chỉ cách nhau một quảng đường ngắn thôi. Chợ Quán Rườn nằm trên đường tỉnh lộ chạy từ ngã ba Chiên Đàn lên Cẩm Y, Tiên Phước, vạt đất khu chợ có rộng thêm ra một chút, làm được một dãy lều để những người buôn bán kê sạp bán những mặt hàng nhu yếu phẩm. Hai nơi chỉ cách có chút xíu mà Hoán thấy ''nậu chợ'' sang hơn, quần là áo lược hơn, cả giọng nói cũng nhẹ nhàng hơn dân trong xóm. Thiếu nữ kẹp đầu phồng, còn thanh niên thì đầu tóc chải brillantine láng bóng, láng đến nổi con ruồi có vô ý bu vào cũng không đậu được, thanh niên đi xe đạp sáng chói, đeo đồng hồ, mở đài hát vang, trông văn minh thành thị lắm.

 

Hoán ý thức được rằng dân chúng càng ở gần chợ, gần đường quốc lộ, gần thành phố thì càng văn minh hơn, giọng nói cũng nhẹ nhàng hơn. Anh so sánh giữa chợ Quán Rườn lên đến Thành Mỹ, cùng một xã nhưng khác thôn, giọng nói dân trên Thành Mỹ lại nặng hơn, quê hơn, cứng hơn, rồi nhìn lên trên cao, trên Phước Long, Cẩm Khê, Tiên Phước, càng lên cao, thì giọng nói càng cứng, như ở xóm anh nói gạo là ''gộ'', ăn là ''en'', tối là ''túi'', làm là ''lòm'' đã quê rồi, còn dân miền trên thì trái banh thành trái ''baanh'', con chó ''nhăăn răăng'' nên anh thường gọi họ là ''nậu nguồn'', dù anh cũng là dân ''nậu'', dân ''nẫu'', nhưng anh tự cảm thấy giọng nói anh thanh hơn, nhẹ hơn giọng những dân ''nậu nguồn'' nầy .

 

Từ hôm chị hai Khiêm ''cắp đôi'' Lý với Hoán, tự nhiên Hoán gặp Lý là mắc cở, trước đám đông Hoán không giám leo lên lưng con Lý cho nó cỏng nữa dù hai đứa chơi u mọi ai thua phải cỏng người thắng đi hai vòng, lần cỏng gần đây khi con Lý thua, lúc con Lý khom lưng xuống và Hoán nhảy lên lưng, là cả hai đều khựng lại, với Hoán thì nghe như có một dòng điện nào đó chạy khắp thân thể anh, tự dưng khi ngồi trên lưng cho con Lý cỏng, hai tay choàng trước ngực Lý, mọi lần không có chi nhưng hôm nay tai sao Hoán thấy ngực con Lý nhô lên một cục nho nhỏ như cái núm cau, Hoán cà tay qua cái lúm cau đó, tự nhiên Hoán thấy xúc động quá, nghe nóng ran cả mình mẫy, còn con Lý đang cúi lom khom, đợi Hoán leo lên lưng là cỏng chạy, khi Hoán choàng tay qua ngực, đụng cái núm vú, Lý nghe điếng người luôn, phía trên lưng con Lý nghe như có một vật gì cưng cứng nóng sôi, thế là Lý hất Hoán xuống đất và bỏ chạy về nhà.

 

Nghỉ hè năm đó, hai đứa không chơi u mọi, bịt mắt bắt dê nữa, Hoán bắt đầu dậy thì, muốn nghe mấy người lớn ''kể chuyện hoang''. Chú hai Hợi, chú ba Tình, mới cưới vợ, khi đi làm ruộng cho gia đình Hoán thường kể chuyện về đàn bà, chuyện trai gái, chuyện ngủ với vợ, rồi cuối cùng kết luận ''sướng lắm nê''. Hoán nghe lén, mà hình như mấy chú muốn kể cho Hoán nghe thì phải, Hoán lân la tới, Hoán ngồi nghe như nuốt từng lời, từng sự việc, bỗng dưng chú hai Hợi ngừng kể, đến bên Hoán, bóp... Hoán một cái, rồi cười nói to :'' Bằng trái ớt như vầy mà muốn nghe chuyện hoang''. Hoán dị, đỏ mặt tía tai, lãng đi chỗ khác.

 

Tình thân với con Lý vẫn còn, con Lý vẫn réo Hoán: ''mi chờ tau đi học với nghe'' nhưng nó cũng bắt đầu biết giữ gìn, không kéo áo kéo quần nữa, không leo trên lưng cỏng nhau nữa. Với Hoán thì Hoán bắt đầu dậy thì thật sự, con trai nhà quê, nhờ hương đồng gió nội nên ''nhổ giò'' mau lắm, giọng nói đã khào khào, mặt bắt đầu nổi mụn, trong lòng bắt đầu tơ tưởng đàn bà con gái, mà con Lý là hình ảnh đậm nhất với Hoán.

 

Chuyện đời, thường không thuận bườm xuôi gió cho những mối tình trẻ thơ, đẹp. Năm sau, ông xã Bốn chết, bà Vy để tang đâu được một năm thì bà có ý định về Huế. Thời gian nầy, quốc gia tiếp thu đã được 2 năm, dân tản cư lục tục trở về quê cũ, cô giáo Ước cũng theo cha về lại quê, Hoán không còn học ở ''dỏ'' An Thành nữa, mà được vào học lớp ba trường tiểu học Kỳ Mỹ. Năm đó con Lý theo mẹ về Huế, Hoán đi học về, thấy bà Vy qua chào cha mẹ anh để đi, có con Lý đi theo, nhưng lúc chia tay Hoán không nói được lời nào với con Lý, đúng là đứng mà nhìn thôi chứ không nói được lời nào, dù là một lời chúc cục mịch, quê mùa, tất cả đều không có, chỉ đứng nhìn theo...

 

Chuyện con Lý đến đó là hết, mấy tháng sau Hoán cũng quên đi chuyện cũ. Khi được học ở trường tiểu học Kỳ Mỹ, Hoán đã có những đứa bạn mới, những đứa con trai ''nậu chợ'' như thằng Nhỉ, thằng Quy. Thằng Nhỉ nhỏ con, là con một ông thầy giáo về già, người mẹ bán vải ở chợ, nhà thằng Nhỉ được xem là nhà gia giáo, đi học nó bận pyrama, sao Hoán thấy cặp đồ pyrama sang trọng như thế, Hoán thường được mẹ cho mặc áo vải thô, vải thô lấy từ kén tằm loại hai, loại một thì dệt thành lụa, mỏng , vàng óng ánh, mịn, rờ vô thấy mát cả người, lụa thì để bán, còn Hoán chỉ được mặc vãi loại hai nầy, vải thô sớ dầy, cũng màu vàng nhạt nhưng không mịn, lại có sớ to, ''ăn chắc mặc bền mà'', cha Hoán thường nói như thế.

 

Thằng Nhỉ ở chợ nên được mặc pyrama trông sang quá, nó học khá, nhưng lợi khẩu lắm, ăn nói huyên thuyên, khi mới vô học Hoán đã thấy mình thua dân ''nậu chợ'' một bực rồi. Hoán học lớp ba, dưới lớp tư có con Cam đẹp quá, con nhỏ nầy cũng là dân ''nậu chợ'' nên Hoán không dám mon men lại gần để làm quen, dù trong xóm với ngoài chợ chỉ cách xa nhau chưa đầy một cây số, mà thấy phân biệt rỏ ràng, con trai, con gái cũng vậy, đưá nào ở ngoài chợ thì thấy sạch sẽ hơn, ăn bận lành lặn hơn, gái thì bận áo sơ mi, quần đen, con trai thì quần xanh áo trắng, còn học trò trong xóm thì mặc toàn là quần đen, áo đen hay xám, đi chân không, trông quê mùa lắm.

 

Mấy ngày học đầu tiên, Hoán phục thằng Nhỉ sát đất, nhỏ con thế mà cái gì nó cũng lanh lợi, nói năng trôi chãy, giọng nói của nó cũng nhẹ hơn, nhưng Hoán không muốn chơi thân với thằng Nhỉ, Hoán chỉ muốn chơi với thằng Tộ, thằng Thị, thằng Lõa, mấy đứa bạn cùng xóm với anh, mấy đứa nầy chất phát, thiệt thà. Thường thì đi học về, tất cả học trò trong xóm rủ nhau ra khu Đồng Cát đá banh lá chuối. Khu Đồng Cát roảng thênh thang, sau mùa gặt xong, ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, bọn con nít chia ra thành từng phe đá banh, lúc đó Hoán quên luôn bọn thằng Nhỉ, thằng Quy ngoài chợ.

 

Hoán bắt đầu mê con Cam học lớp tư, ôi sao con Cam nó đẹp quá vậy, con Cam là con ông bà Thọ bán tạp hóa. Nhìn hàm răng của nó cười và đôi mắt to đen của nó là Hoán đã hoảng kinh, rụng rời tay chân. Con Cam thường bận cái áo sơmi màu hoa tím, cái quần mỹ á đen, mỗi lần trong giờ ra chơi, nó thưỡng tụ tập đám con gái  lại đánh thẻ, lúc  con Cam đang ''chuyền chuyền một, một đôi'', thì Hoán mới dám đứng bên nầy nhìn sang mặt nó, cái mặt, cái muỉ, con mắt, mái tóc, cái gì cũng đẹp hết trơn, có như vậy Hoán mới run khi đi chạm trán với con Cam, thật ra, từ lúc vào học lớp ba đến khi mê tít con nhỏ nầy, Hoán chưa lần nào hỏi được con Cam một câu nào để làm quen, dù biết nhau là biết vậy thôi .

 

Con Cam đẹp nên thằng nào cở tuổi Hoán cũng mê. Có một địch thủ đáng gờm nhất của Hoán là thằng Kỵ, thằng nầy học trên Hoán ba lớp, nó đã học đệ thất dướI Tam Kỳ, nó đẹp trai, to con, có xe đạp cánh én, áo bỏ trong quần trông oai lắm. Thằng nầy mê con Cam giám nói ra, nên ai cũng biết, còn Hoán thì mê chỉ để trong lòng, cho nên đó là mối tình câm, tình đơn phương, Hoán mê mà không dám tìm cách làm thế nào để con Cam biết mà đáp lại, Hoán rụt rè, nhút nhát, còn thằng Kỵ thì dạn dỉ và bạo gan.

 

Chuyện của thằng Kỵ mê con Cam trong xóm ai cũng biết, nó viết thư cho con Cam nhờ thằng Tộ đưa, nó hứa với thằng Tộ:

-  '' Mi đưa được dùm cái thơ ni cho con Cam, ngày mai tau chở mi xuống Tam Kỳ ăn cà rem''

Thằng Tộ chưa biết Tam Kỳ bao giờ nên nghe thằng Kỵ hứa thế nó rất háo hức, nó dấu bức thư của thằng Kỵ trong vở, thừa lúc ra chơi, con Cam đang ngồi đánh thẻ, nó đi qua quăng thẳng vào choã con Cam rồi chạy, con Cam cầm lên đọc, sợ quá liền đem thư trình cho thầy trợ Ngọc, thầy hiệu trưởng, thầy trợ Ngọc đọc thư, biết của thằng Kỵ, nhưng cũng hỏi con Cam :

-  ''Ai gởi thơ cho trò?''

Con Cam lính quýnh nói:

-  ''Thưa thầy, trò Tộ''.

Thế là thằng Tộ được kêu lên văn phòng, thầy trợ Ngọc quất vào mông nó mấy roi và bắt nó ra quỳ ở cột cờ, thằng Tộ ra ôm cột cờ mà khóc.

 

Chuyện có vậy mà đồn rân trong xã, ai cũng biết thằng Kỵ viết thư gởi con Cam. Hoán thấy thằng Kỵ chơi ngon hơn mình, can đảm làm những chuyện tày trời, còn Hoán chỉ nhìn vào mặt con Cam cũng còn chưa dám nữa, huống hồ gì nói đến chuyện viết thư tỏ tình, Hoán bước lui một bước, đứng im, không  động tỉnh.

 

Chuyện lọt đến tai ông Thọ, cha con Cam. Buổi tối, đi học về con Cam bị cha kêu lên, bị quất mấy roi vô đít, khiến con nhỏ khóc vang nhà, ông Thọ  còn vô nhà ông Huấn, cha của thằng Kỵ, mắng vốn:

-  ''Anh về anh rầy con anh, chứ con tôi còn nhỏ, nó còn đi học, đâu có biết gì.''

Ông Huấn, giận bầm gan, nhưng cũng ra mặt làm vui, ông xin lổi ông Thọ, hứa sẽ về dạy con mình.

 

Buổi tối hôm đó, thằng Kỵ phải nằm trên bộ ván ngựa cho ông Huấn đánh, ông giận thằng con thì ít mà giận ông Thọ thì nhiều, nhưng ông đánh ông Thọ không được, ông bèn trút giận lên mông con ông, đau quá, thằng Kỵ la thét lên, bà Huấn ở dưới nhà chạy lên can ông Huấn mới tha.

 

Thằng Kỵ, bị trận đòn để đời, nó tức tối, hận con Cam, hận ông Thọ đủ mọi điều. Nó ráp tâm trả thù nhưng đợi dịp thuận tiện.

 

Cuối năm, trường tiểu học tổ chức văn nghệ cho học sinh vui chơi rồi nghỉ Tết, con Cam ở trong ban văn nghệ. Trời thuờng sinh ra nhiều điều cũng quá bất công, con Cam đã đẹp rồi mà còn hát hay, múa giỏi nữa. Nó đứng trên sân khấu mà hát baì ''Nha Trang là vùng quê hương cát trắng '' thì ai cũng mê, rồi nó bận áo quần thôn nữ, múa bản ''Trăng Phương Nam'' thì khỏi chê. Cho nên đêm văn nghệ cuối năm, tuy là của học sinh tiểu học, nhưng dân cả xã cùng đi coi đông nghịt cả sân trường.

 

Thằng Kỵ mấy tuần nay mon men ra phía đình An Mỹ, phía sau trường, để coi ''bọn nữ sinh'' tập văn nghệ, nhưng thằng nầy đang đi tìm phương cách để trả thù đây. Thằng Kỵ như là một điệp viên, nó theo dỏi mấy đêm rồi, biết là phiá sau sân khấu không có phòng thay đồ, đồ đạc hoá trang đều để ở nhà ông Bảy Bung, phu trường, trong dự định là khi ban văn nghệ biều diển xong, phải chạy vào nhà ông Bảy để thay áo quần. Thằng Kỵ rủ thằng Tộ :

''Mi đi với tau không ?''.

Thằng Tộ hỏi lại :

'' Đi đâu ?''.

-  '' Thì mình ra núp phiá sau nhà ông Bảy, chờ tuị nó đang biểu diễn bên ngoài, mình lẻn vô lấy kéo, xắp hết đáy quần của bọn con gái, để tụi nó ra biểu diễn, khi ngồi xuống chào khán già lòi ''bướm '' ra coi chơi ''.

 

Thằng Tộ nghe thằng Kỵ nói cũng ớn quá, nhưng nó cũng tức con Cam, cũng ghét ông Thọ, nó bèn theo thằng Kỵ mở cửa, lọt vào nhà ông Bảy, cứ quần con gái là tụi nó cắt hết đáy, xong, nó lẻn ra ngoài, êm ru. Khi hai đứa ra đến đường cái, thằng Kỵ còn rủ thêm :

-   ''Tau iả bỏ cứt vào bao nilon, đem lên nhà ông Thọ quăng vô nhà chơi''.

Thế là hai đứa đạp xe đi, ông Thọ hay đi ngủ sớm, nên không hay biết gì.

 

Tối đó đến màn vũ ''Trăng phương Nam'' con Cam và tụi bạn vào thay đồ hối hả, rồi chạy ra cho kịp biểu diển, nó múa hay quá khiến toàn cả sân trường im thin thít, đến khi gần đến đoạn hết, bọn con gái xếp ra đàng trước và đồng loạt ngồi xuống chào khán giả, bỗng nhiên khán giả phía dưới cười ồ lên, nhất là đám nam sinh lớp nhất, lớp nhì. Hoán đang ngồi mê man coi con Cam múa, cũng được nhìn cảnh con Cam ngồi xuống, lòi hẳn ra cái quần xi líp trắng, Hoán choáng váng đầu óc, trong lúc bọn con gái biết  hay sao, cùng bỏ chạy hết vô trong hậu trường, sân trường như đàn ong vở tổ, tiếng cười nói oang oang của đám con trai.

 

Đêm đó con Cam về nhà khóc, Ông Thọ thức dậy hỏi chuyện gì, thì ngữi thấy mùi thúi của phân nguời, ông bèn thắp đèn ''măng sông'' lên cho sáng thì thấy một bao ni lông đầy phân quăng vắt qua cửa sổ, thật kêu trời không thấu.

 

Sáng hôm sau, thằng Kỵ ''ăn cắp'' ở nhà mấy chỉ vàng, nó xuống ngã ba Chiên Đàn đón xe đò đi Sài Gòn sớm, đó là chuyến ''đi vong'' đầu tiên của thằng Kỵ .

 

Phần Hoán, Hoán cứ nhớ mãi đêm hôm ấy với cái quần lót của con Cam lòi ra. Chắc suốt đời, con Cam không biết mối tình đơn phương của anh, nhưng anh vẫn nhớ, vẫn tôn thờ. Trong những năm sau đó anh cũng có những mối tình con, cũng là tình học trò thơ dại, nhưng anh không yêu ai được chân thành. Khi thấy lòng bơ vơ, cô đon. anh cũng viết thư theo đuổi một số hình bóng nữ sinh, cùng trường hoặc cùng lớp. Càng lớn lên, ước mơ anh càng cao hơn một tí, như anh muốn yêu những cô gái phố thị, biết hát hay, biết đọc sách, biết làm thơ và nói chung là lãng mạn. Nhưng rồi những mối tình qua cũng trôi theo dòng đời, khi ngồi bên người con gái, anh choàng tay ôm eo ếch và cũng theo chiến thuật lớp lang là thả tay anh để trên đùi cô gái rồi xoa nhè nhẹ, đến khi anh tiến sâu vào chút nữa thì đứa con gái nói, ''đừng anh''. là anh dừng lại ngay, anh không hề biết câu ''con gái nói có là không, con gái nói không là có '' cho nên đến trên hai mươi tuổi anh vẫn còn là ''cậu trai tân'' chưa biết mùi vị đàn bà là gì.

 

Cuối cùng thì anh cũng lấy vợ, vợ anh là người cùng quê, cũng nói giọng quê như anh vậy. Trong cái đêm động phòng mịt mùng khói sương ấy, anh ôm vợ vào lòng mà tưởng như ôm con Cam, anh vồ vập, hôn lấy hôn để trên mặt, trên mắt, trên mủi nàng. Vợ anh dằng anh ra nói :

- '' Từ từ đã anh, anh làm gì như đói bảy mười đời vậy ''

Anh nói một câu lãng xẹt, nhưng vợ anh nghe chắc cảm động lắm :

-  '' Anh yêu em nên cái gì của em anh cũng yêu hết, bao lâu rồi anh đợi giây phút nầy đây''.

Vợ anh mắng yêu :

-   ''Đồ quỷ, cái anh nầy ''./.

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 3360
Ngày đăng: 29.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa Lưng Chừng Núi - Ngô Thị Ý Nhi
Dáng Núi - Nguyễn Minh Phúc
Jesse - Nguyễn Hồng Nhung
Chim gáy sau vườn - Phùng Nguyễn
Song song - Lưu Quang Minh
Góc Rừng - Nguyễn Đức Thiện
5w1h - Vũ Lập Nhật
Chuyện Viết Trong Phòng The - Kinh Dương Vương
Cơm nhà - Lưu Quang Minh
Để Tang Cho Sách - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)