Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.254
123.155.649
 
Thơ Mới Và Thơ Hôm Nay
Hoàng Hưng

Cát trắng sông đầy cây ngẩn ngơ

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lối cũ em về nay đã thu

 

Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao lời cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa

 

Khắp nẻo dăng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay

 

Không thể nói gì khác: đây là một bài "thơ mới" trăm phần trăm với giọng điệu tổng hợp từ Huy Cận đến Hàn Mặc Tử. Có điều là nó được viết nửa thế kỉ sau "thơ mới" và là một bài tiêu biểu trong một tập thơ nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam gần đây.

 

Điều đó nói lên gì? Còn quan trọng hơn hiện tượng đón nhận nhiệt thành của công chúng đối với Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử..., hiện tượng nêu trên khẳng định ảnh hưởng vẫn mang tính áp đảo của thơ mới đối với đời sống thơ Việt Nam hôm nay, nó cho thấy ảnh hưởng sâu xa của thơ mới đối với những người đang làm thơ và những người đang giữ quyền chính thống đánh giá thơ.

 

Giải thích thế nào đây?

 

Có người cho là Thơ Mới đã tạo ra một cái chuẩn cho thơ hiện đại Việt Nam, giống như xe Honda hay Âu phục, các thế hệ sau chỉ có thể thay đổi chút ít về mẫu mã kiểu dáng mà thôi.

 

Riêng tôi thì lưu ý nhiều hơn đến hoàn cảnh lịch sử của việc Thơ Mới được khôi phục giá trị. Sau gần nửa thế kỉ dân tộc triền miên trong cuộc mất còn đẫm máu, đến cái nhà để ở chúng ta còn sẵn sàng phá đi làm công sự, nói gì đến Thơ Mới (đương nhiên tôi ghi nhận trong điều kiện ấy ta vẫn có Thơ, và có Thơ hay, thế là quá giỏi). Nhưng giờ đây, người ta đang nô nức xây lại nhà cũ, xây thêm nhà mới, và nhà bây giờ không chỉ để ở mà yêu cầu làm đẹp chiếm đến 50 phần trăm giá thành và 80 phần trăm đầu óc. Một công trình có mục đích vụ thực vụ lợi là chính mà con như thế huống chi thơ. Dĩ nhiên sau khi phục vụ hết mình như một vũ khí, giờ đây Thơ phải trở về đúng nó - dù trở về chậm chạp và lừng khừng. Thơ Mới được đón nhận như điểm trở về nơi Thơ đích thực.

 

Ý nghĩa quan trọng nhất của Thơ Mới chính là tư tưởng thẩm mỹ mà nó đưa vào văn học Việt Nam. Vâng, sau hàng ngàn năm bị phong bế bởi tinh thần "văn dĩ tải đạo", lâu lâu mới vùng ra để tạo nên những kiệt tác Hồ Xuân Hương, Kiều, Chinh Phụ Ngâm... lần đầu tiên văn học viết của ta công khai tuyên ngôn "nghệ thuật vị nghệ thuật". Những khẳng định của Thế Lữ, Xuân Diệu, Hoài Thanh hồi ấy có cái cực đoan ngây thơ và đáng yêu của những người trẻ thấy mình phát hiện ra chân lí. Vả lại cái gì đã biến thành tuyên ngôn, khẩu hiệu cũng đều giáo điều và nghèo nàn hơn thực tế. Với thời gian, ta hiểu rằng: nghệ thuật nào chả vị nhân sinh theo con đường của nó, miễn  nó thực sự là nghệ thuật, càng vị nghệ thuật (tức đi sâu khai thác triệt để đặc trưng của nghệ thuật) thì đóng góp của nó cho đời sống càng đích thực. Bởi lẽ đơn giản: xã hội hiện đại là xã hội phân công triệt để. Một thời kì quá dài anh nhà thơ của ta đã kiêm nhiệm nhà chính trị, nhà tuyên huấn, nhà giáo, nhà cạo giấy, và cả... nhà buôn. Kiêm ở ngoài đời đã hại, nhưng không hại bằng kiêm trong thơ.

 

Vậy mà nhiều người đến lúc này tuy dè dặt không dám chất vấn: một bức tranh trừu tượng có ý nghĩa gì nhỉ, vẫn rất gay gắt đối với những bài thơ mà họ không thấy rõ mục đích thực dụng.

 

Bây giờ ta cũng lại hiểu thêm rằng trong cổ ngữ chữ Đạo không phải chỉ có nghĩa là đạo đức luân lí - những quy ước nhất thời của một cộng đồng mà tiêu chí luôn thay đổi. Nếu "văn dĩ tải đạo" thì đạo ở đây phải là Đạo của Đạo Đức Kinh, Đạo của trời đất, đạo của Đức Phật với tâm vô phân biệt, đứng trên thiện ác.

 

Thơ hôm nay về giọng điệu và không gian thể hiện so với Thơ Mới thì phong phú và rộng lớn hơn nhiều, nhưng phải chăng vì óc vụ thực vụ lợi át hẳn tinh thần vị nghệ thuật nên có rất nhiều ý thơ, phác thảo thơ mà quá ít bài thơ toàn bích có thể đứng lâu bền như một tòa kiến trúc?

 

Ý nghĩa quan trọng thứ nhì của Thơ Mới là nó đưa thơ Việt Nam hội nhập vào thơ thế giới, dù với hạn chế là chỉ thông qua thơ Pháp và rất khiêm tốn đi ở phía sau khoảng 80 năm.

 

Càng ngày ta càng thấy rõ nghịch lý này: muốn hiểu hết mình thì phải biết người, muốn khai thác hết tiềm lực dân tộc thì phải được trang bị những công cụ tiên tiến nhất của nhân loại. Không thể không thừa nhận rằng thơ Pháp thế kỷ 19 đã thúc đẩy Huy Cận, Xuân Diệu tìm ra những ý vị lãng mạn của thơ Đường mà suốt một thế kỷ trước đó các vị túc nho đã bỏ qua do không cảm nhận nổi mà chỉ nhai cái bã niêm luật nghìn năm. Cũng chính thơ lãng mạn Pháp kích thích người ta cởi bỏ mũ áo dài để tìm về cái tình tứ và hồn nhiên của ca dao.

 

Nhìn rộng ra ngoài thơ, ta càng thấy rõ chính trường Mỹ thuật Đông Dương con đẻ của "Ecole de Paris" đã khuyến khích Nguyễn Phan Chánh nghiên cứu tranh lụa, Nguyễn Gia Trí đi vào sơn mài và sau này là Nguyễn Tư Nghiêm khai thác điêu khắc đình chùa với phương pháp của hội họa hiện đại phương Tây, mở ra một giai đoạn huy hoàng của mỹ thuật Việt Nam.

 

Tôi luôn luôn tin tưởng rằng: Thượng đế đã sáng tạo ra con người bất kể da trắng da đen tộc này tộc nọ đều có một cấu trúc tinh thần giống nhau. Quá trình phát triển nghệ thuật các nước sẽ diễn ra theo một quy luật, quy luật của sự phát triển tư duy, chỉ có nhanh hoặc chậm và với những sắc thái khác nhau. Đối với Thơ, sau cổ điển là lãng mạn, sau lãng mạn là tượng trưng, sau tượng trưng là siêu thực, sau siêu thực là hiện sinh… Đó là những bước đi tự nhiên của con người không ngừng tìm kiếm bản chất của đời sống.

 

Năm mươi năm qua, do hoàn cảnh lịch sử, thơ của ta, mặc dù có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhìn chung vẫn bị tách khỏi tiến trình phát triển của thơ thế giới. Tất nhiên những cá nhân kiệt xuất vẫn luôn tìm cách vươn ra nhưng họ rời rạc, lẻ loi, lắm khi cô độc thảm hại. Nguyễn Đình Thi đã phải sửa thơ không vần của mình cho vần trở lại, Chế Lan Viên luôn luôn phải giấu một nửa bộ mặt, Đặng Đình Hưng lặng lẽ sáng tạo trong ba mươi năm để chết rồi mới được công bố một tác phẩm đáng coi là hiện đại bậc nhất của thơ Việt Nam nhưng cũng chỉ tìm nổi tri âm trong một lượng độc giả bỏ túi. Ở đây tôi không nói đến thơ Sài Gòn từ 1954 đến 1975, do hoàn cảnh lịch sử đã có điều kiện đi được những bước tiếp tục Thơ Mới trong việc hội nhập thơ thế giới, với Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Nhã Ca, Đỗ Quý Toàn... Một dịp thuận lợi khác chúng ta phải khôi phục những giá trị và đóng góp của thơ Sài Gòn đối với thơ hiện đại Việt Nam. Cố tình làm ngơ việc này đến gần 20 năm thật là quá đáng.

 

Trở lại với Thơ Mới. Đến Hàn Mặc Tư, Chế Lan Viên, Bích Khê, Xuân Thu Nhã Tập, Thơ Mới đã đi vào quỹ đạo thơ tượng trưng của Âu Mỹ. Với thơ tượng trưng, các hình ảnh không còn là để diễn tả cuộc sống bình thường mà là những kí hiệu của một đời sống siêu nhiên, những phát lộ về thế giới ám ảnh của giấc mơ, câu thơ tượng trưng có sức khơi gợi rộng lớn của âm nhạc, lời thơ tượng trưng có sự phong phú của các giác cảm giao hoà. Tất nhiên các nhà thơ Việt Nam không triệt để "tượng trưng" đến thế. Chế Lan Viên còn quá tỉnh táo và nhân tạo, Bích Khê còn quá rườm lời và lộ ý. Còn Xuân Thu Nhã Tập theo tôi đã đi lạc đường: muốn đạt cái mơ hồ họ lại dùng sự lắt léo của lý trí, họ lẫn lộn sự mù mờ tăm tối mà tiềm thức trực cảm được với sự khó hiểu cầu kỳ phải dùng trí năng để giải thích. Chỉ có Hàn Mặc Tử lê cả tấm thân bệnh hoạn đau thương của mình vào thơ, nhiều lúc đã vào chạm được cõi hư ảo tâm linh. Và như thế ông phải được coi là người mở đầu của thơ hiện đại đúng nghĩa. Cổ điển là lí trí, lãng mạn là tình cảm, thì hiện đại là tâm linh là vô thức, tiềm thức. Toàn bộ nghệ thuật thế giới thế kỷ 20 từ thơ, văn đến kịch, mỹ thuật, âm nhạc đều có sự ngự trị của tâm linh, vô thức. Từ khi Freud phát hiện ra sức mạnh ghê gớm của vô thức, hoạt động sáng tạo của nghệ thuật lẫn khoa học đã có một bước ngoặt vĩ đại, lần thứ hai loài người hái được quả cấm của thượng đế. Tất nhiên quả nhận thức ấy cũng là quả tội lỗi. Thiên tài sát liền với thác loạn. Song cái gì mà chẳng có hai mặt, tránh mặt này e cũng chẳng có luôn mặt kia.

 

Cái cõi mênh mông tăm tối mà bước chân cuối cùng của Thơ Mới vừa đặt vào, đã lập tức khép lại khi thời cuộc cần tỉnh táo để tranh đấu. Và đến tận bây giờ, với cõi ấy chúng ta vẫn đầy nghi ngại, đầy thành kiến, thiện chí lắm thì cũng chỉ "kính nhi viễn chi" như Hoài Thanh 50 trước. Nhưng kìa, ta đã thấy đây đó những kể mạo hiểu tiếp tục lại cuộc thăm dò bỏ dở 50 năm trước. Họ có tất cả sự chân thành của Apollinaire:

Chúng tôi không phải là kẻ thù của các anh

Chúng tôi muốn đem cho các em những miền đất lạ lùng rộng lớn

Nơi sự bí mật nở hoa hiến dâng người muốn hái

Những ngọn lửa mới những sắc màu chưa ai thấy

Ngàn ảo ảnh khinh không

Mà ta phải biến thành hiện thực

 

Ý nghĩa thứ ba của Thơ Mới: Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thế hệ trẻ đồng thanh cất cao giọng khẳng định mình trước sự lỗi thời già nua thủ cựu. Sức sống tươi mới dài lâu của Thơ Mới là ở đó.

 

Nhìn vào thơ hôm nay, ta giật mình thấy: những gương mặt chủ đạo của thơ đều là "trung niên thi sĩ" không có ai dưới 30 tuổi. Có phải thế hệ trẻ hôm nay đã có những hình thức tự bộc lộ, những con đường thăng hoa khác hiệu quả hơn nhiều so với thơ, hay bởi sau 50 năm chúng ta đã chắt hết tinh tủy của Thơ Mới và bắt đầu nhai đi nhai lại cái bã của nó mà vẫn yên tâm coi đó là chuẩn mực? Những bài thơ sáo rỗng mang cái xác Thơ Mới đang tràn ngập nhiều tờ báo.

 

Rất có thể trong lớp trẻ hôm nay đang ấp ủ những nhà thơ thực sự của thế hệ họ mà sự già nua của chúng ta đang đè nặng thì đàn chưa cho phép lộ diện?

Cách đây 30 năm, nhà thơ Trần Dần đã tuyên bố: "Chúng ta phải chôn tiền chiến"... Bây giờ ông vẫn nhắc lại khẩu hiệu ấy. Tôi hiểu ông theo cách của tôi. Học Thơ Mới thì phải chôn Thơ Mới, vì học Thơ Mới là học tinh thần Đổi mới của nó.

 

(Phát biểu tại hội thảo về "Thơ mới" ngày 16-12-1992 ở TP Hồ Chí Minh. In trong sách Thơ mới những bước thăng trầm, NXB Giáo dục, 1993).Bản gửi từ tác giả.

Hoàng Hưng
Số lần đọc: 2243
Ngày đăng: 30.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vấn đề linh cảm hay cảm hứng trong sáng tác … - Khổng Ðức
Đổi Mới Quyết Liệt Nguyễn Minh Châu - Đỗ Ngọc Thạch
Cần tự do thanh nghị - Ngô Nhân Dụng
Một Công Trình Nghiên Cứu Mới Về Tiểu Thuyết Việt Nam 1945 - 1975 - Bùi Việt Thắng
Vũ Hoàng Chương Và Những Ẩn Số Vũ Trụ - Trần Văn Nam
Tiếng Cười Bi Phẫn Của Cao Xuân Huy ,Trong Mẩu Chuyện “ Trả Lại Tiền” - Trịnh Y Thư
Dưới Bóng Trưởng Lão, Gabriel García Márquez và những ma quỷ của thời đại ông- 1 - Hiếu Tân
Dưới Bóng Trưởng Lão, Gabriel García Márquez và những ma quỷ của thời đại ông- 2 - Hiếu Tân
Về thơ - Nguyễn Bình Phương
Thuyết Tương Đối: Các Hệ Quả Triết Học - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Bài Lorca: (nghệ thuật)
(tiểu luận)