Nhà báo Nguyễn Hữu Hương, sinh năm 1955 tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Suốt thời trai trẻ, anh là một con người bận rộn, hầu như dành tất cả thời gian cho công việc. Hết làm cán bộ tuyên giáo tỉnh đoàn, anh lại làm đầu tàu tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội, hết làm báo lại làm công việc xuất bản sách...Nhưng chung quy, nhắc đến Nguyễn Hữu Hương, ai nấy vẫn thường nghĩ về anh như một trong những gương mặt xuất sắc tiêu biểu của làng báo đất Quảng - thuộc thế hệ trưởng thành sau 1975. Trong đó, dấu ấn để lại đậm nét nhất trong sự nghiệp của anh là thời kỳ làm tạp chí Khoa học và phát triển và một giai đoạn ngắn làm báo Doanh Nghiệp Chủ Nhật (thể hiện qua hai tuyển tập : Chào năm 2000 và Câu chuyện thời chúng ta đang sống).
Do mắc bạo bệnh, Nguyễn Hữu Hương mất ngày 1/9/2010. Anh ra đi quá lặng lẽ(!). Nhưng chắc chắn với những gì anh đã cống hiến, bạn đọc và các đồng nghiệp sẽ còn nhiều lần nhắc đến anh.
Thật khó nhớ tự khi nào, tại vì sao tôi đã gặp và quen Nguyễn Hữu Hương(!). Nhưng chính xác nhất, trong công việc báo chí, bài viết đầu tiên mà tôi cộng tác với Hương là vào dịp anh khởi xướng đặc san Đối Thoại – một ấn phẩm chào mừng Đại hội Đoàn TNCSHCM thành phố Đà Nẵng vào năm 1986. Tôi còn nhớ rõ, lúc ấy, Đối Thoại là một trong những ấn phẩm đầu tiên mang bộ mặt đổi mới của làng báo đất Quảng ấn hành tại TPHCM, được trình bày trang nhã, thực hiện rất chuyên nghiệp, với nội dung phản ánh những vấn đề quan tâm nhất của xã hội, bằng cái nhìn đầy hăm hở, nồng nhiệt và trong sáng của tuổi trẻ.
Nguyễn Hữu Hương tại một buổi tọa đàm phát hành sách
Chính vì vậy, vào khoảng hơn 5 năm sau, tôi không ngạc nhiên, khi Nguyễn Hữu Hương khởi nghiệp và nhanh chóng định hình, tạo dựng vị trí vững chắc ở tạp chí Khoa Học và Phát Triển (thành lập cuối năm 1992, trực thuộc Sở Khoa học –công nghệ và môi trường thành phố Đà Nẵng)
Cần nhắc lại, đầu tiên, nhiều người vẫn nghĩ Khoa học và phát triển (KHPT)– theo như tên gọi của nó, là một ấn phẩm báo chí khó thoát khỏi khuôn khổ “lưu hành nội bộ”, không dễ tổ chức mạng lưới cộng tác viên, không dễ thu hút bạn đọc..., nhất là nó nằm trên địa bàn tỉnh lẽ, trong bối cảnh báo chí cả nước đang bắt đầu phát triển ồ ạt theo xu hướng cạnh tranh thị trường. Thế nhưng, bằng tất cả tâm huyết và lòng say mê của Nguyễn Hữu Hương, qua một thời gian ngắn, tạp chí đã được nhiều người đọc quan tâm, chú ý theo dõi. Bởi nơi đây, thường xuyên có nhiều bài viết phản ánh các vấn đề thiết thực, đôi khi gai góc, nổi cộm trong đời sống xã hội tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành miền Trung.
Nhiều người thật ngạc nhiên, với một tạp chí mang măng-sết chuyên ngành như KHPT, bằng cách nào đã thu hút được một lực lượng cộng tác viên gắn bó mà không phải đơn vị báo chí nào dễ có thể có được. Có thể dẫn chứng, đó là sự góp mặt của những cây bút tên tuổi của cả nước như: GS Trần Quốc Vượng, GS Phong Lê, GS Trần Kim Thạch, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, nhà thơ Thanh Thảo, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên... Tại địa phương như: nhà văn Nguyễn văn Xuân, nhà nghiên cứu Phan thị Minh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nhà văn Vĩnh Quyền, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, nhà nghiên cứu Nguyễn văn Đoàn...Bên cạnh đó, KHPT cũng là nơi từng làm công việc phóng viên, biên tập của không ít những người làm báo thành đạt hiện nay như: Phan Tấn Tu, Trương Điện Thắng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Phan Hoàng Phương, Trần Hân, Cửu Loan, Đình Lạc...
Theo tôi, sở dĩ KHPT có được một hấp lực như vậy là vì người chèo lái con thuyền của tạp chí – Nguyễn Hữu Hương có một năng khiếu làm báo bẩm sinh. Hầu như thường xuyên, tâm trạng anh luôn chứa đầy những niềm trăn trở với cuộc sống, với xã hội. Nghe nói, trong những ấn phẩm đầu tiên của KHPT, do điều kiện đầu tư của đơn vị chủ quản quá hạn hẹp, bản thân anh đã từng bán rốt ráo tài sản riêng để có tiền trang trải công nợ in ấn, nhuận bút... của tạp chí. Nhờ điều đó, mà đa phần cộng tác viên đến cùng anh vì cái tình, sự trách nhiệm lẫn nhau, chứ không hẳn vì quyền lợi nào khác. Sinh thời, nhà văn Nguyễn văn Xuân – người gắn bó khá keo sơn với KHPT vẫn luôn khích lệ:” Ở miền Trung này mà gầy dựng được một tạp chí như KHPT như vậy là khó lắm, không dễ dàng đâu (!). Anh em nên gắng ủng hộ Hữu Hương. Nếu Hương có như thế nào (ý ông nói trong sinh hoạt đời thường, Hương có cá tính hay bị bạn bè kêu ca), mình cũng nên bỏ qua, bởi trong việc làm báo Hương là đứa tâm huyết, rất có nghề”.
Nguyễn Hữu Hương và tác giả tại buổi khai trương sự kiện “ Bay trên không gian xanh Đà Nẵng 2005”
Một yếu tố quan trọng khác tạo dựng “thương hiệu” cho KHPT là Nguyễn Hữu Hương không chỉ làm công việc phản ánh thông tin, mà chính anh là người thường xuyên tạo ra thông tin. Ngay từ những năm thập niên 80-90, khi các công việc mang tên “tổ chức sự kiện, PR...”còn đang xa lạ, thì chính Hương là một gương mặt quen thuộc cáng đáng các hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương. Điển hình nhất như chương trình “Đêm hội văn hóa dân tộc QNĐN” - một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất tại Đà Nẵng vào thời điểm này mà Hữu Hương là người điều hành, trong đó để lại kỷ niệm đáng nhớ là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng giới thiệu về sản phẩm làng pháo Nam Ô. Ngay tại trụ sở KHPT cũng hình thành nên một Hội quán S&D, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Hội thảo về phim “Mùi đu đủ xanh”, Triển lãm tranh “Đất Quảng qua mắt Chóe”, Triển lãm ảnh Dương Minh Long, Triển lãm ảnh Đà Nẵng xưa và nay”, Hội thảo “phát triển kinh tế biển TP Đà Nẵng”...
Dấu ấn của Nguyễn Hữu Hương để lại đậm nét với KHPT có thể nhận ra rõ nhất ở tuyển tập “ Chào năm 2000” (Nxb Đà Nẵng, 1999). Đây là tập sách in những bài viết tiêu biểu chọn lọc trên tạp chí từ số 1 đến số 62 (1992-1999). Thế nhưng, đến tận mãi hôm nay, đọc lại những bài viết nơi đây, chúng ta vẫn gặp không ít những vấn đề về Đà Nẵng, về Dung Quất, về Chu Lai, Chân Mây, Lao Bảo...đầy ray rứt, bởi vẫn còn nguyên tính thời sự.
Sau khi rời khỏi KHPT, Nguyễn Hữu Hương vẫn tiếp tục cộng tác gầy dựng cho một vài tờ báo khác. Trong đó, vào khoảng hơn 5 năm gần đây, có lúc Nguyễn Hữu Hương giữ vai trò chủ biên báo Doanh Nghiệp Chủ Nhật. Đánh dấu giai đoạn này, anh cũng để lại một tuyển tập mang tên “ Chuyện thời chúng ta đang sống”(Nxb Tri thức, 2007), tập hợp gồm những bài báo trên DNCN với những câu hỏi bức bối xoáy sâu vào đời sống không khoan nhượng... Điều này, khẳng định cái tâm và cái tầm của Hương trong nghiệp làm báo.
Định mệnh lạ lùng không bắc cầu tôi đến với Hương vào thời kỳ sôi nỗi, thịnh đạt của anh, mà lại gắn kết tôi vào thời điểm cuộc sống của anh đang rơi vào những bất trắc, khó khăn. Lúc này, Hương đã gác bỏ mọi việc, hầu như chỉ tập trung vào một mục đích chính là làm sách – hướng đến việc thành lập một đơn vị xuất bản sách, khẳng định vị thế bản sắc văn hóa miền Trung.
Trong số mấy đầu sách Hương lên kế hoạch ấn hành vào giữa năm 2010 có một đầu sách của tôi. Tuy nhiên, biết Hương đã lâm trọng bệnh, tôi xin rút lại hủy bỏ, để anh nghỉ ngơi. Nhưng Hương khăng khăng tin tưởng mình sẽ vượt qua. Anh vẫn đề nghị tôi nhờ họa sĩ Phạm văn Hạng làm bìa sách, nhờ nhà báo Cung Văn viết lời tựa. Thậm chí, khi tôi và anh Cung Văn đến thăm Hương, anh vẫn đòi đọc bản viết tay của lời tựa...
Trước ngày Hương được gia đình chuyển ra Hà Nội theo ý nguyện của anh, không đến tiễn anh kịp, tôi gọi điện khích lệ:” Ngày mai nghe nói ông ra ngoài đó chữa bệnh, tôi không đến tiễn kịp, nhưng dù sao tôi vẫn hy vọng chuyến đi của ông sẽ thành công...”. Giọng Hương lúc này đã yếu ớt, nhưng vẫn quyết liệt:” Sao lại hy vọng? Phải nói rằng tin tưởng chớ...”.
Hơn một ngày sau, vào sáng 1-9-2010, tôi lại nóng lòng gọi điện với ý định thăm hỏi diễn biến chuyến đi của Hương. Tôi không hay biết, bên kia chiếc điện thoại vô tri, Hương đã vĩnh viễn bước vào cõi vĩnh hằng...Giờ đây, ở một nơi nào đó, nếu thật sự có một thế giới tiếp nối để trú ngụ sau khi giã từ cuộc sống, tôi tin rằng, Nguyễn Hữu Hương vẫn đầy bận rộn với những con chữ dỡ dang.../.
(Đà Nẵng, cuối tháng 11/2010)