Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.515
 
Cảm Nhận Về Cá Tính Nam Bộ
Đinh Văn Hạnh

Đầu Công nguyên, địa bàn cư trú của người Việt chủ yếu ở phần đất Bắc Bộ và bắc Trung Bộ ngày nay. Ở phía nam, năm 192, vương quốc của người Chăm (tổ tiên của họ vốn đến từ hải đảo) được thành lập lấy tên là Lâm Ấp (Champa), cương vực kéo dài từ bắc Quảng Nam ra đến đèo Ngang… Từ thế kỷ XI, giữa hai quốc gia phong kiến Đại Việt và Champa thường xẩy ra xâm lấn bờ cõi. Năm 1068, Champa sang quấy nhiễu biên giới Đại Việt. Năm sau, 1069, Champa bị vua Lý Thánh Tông đánh bại, buộc phải nhường ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh cho Đại Việt. Như vậy, sau hơn nửa thế kỷ xây dựng kinh đô Thăng Long, biên giới Đại Việt được mở rộng (ra ngoài Bắc Bộ), đánh dấu thời kỳ Nam tiến của dân tộc Việt. Năm 1306, vua Champa là Chế Mân xin cưới công chúa Huyền Trân với sính lễ là hai châu Ô, Lý (đất Thuận Hóa sau này). Nhưng trong suốt thế kỷ XIV và nửa đầu thế kỷ XV, Champa nhiều lần đưa quân quấy nhiễu, đánh chiếm không những tại phần đất sính lễ mà còn tiến ra tận kinh đô Thăng Long. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đích thân chinh phạt Champa, kết quả là biên giới Đại Việt kéo xuống tận dãy Cù Mông. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Năm 1611, Champa xâm lấn bờ cõi. Chúa Nguyễn cho quân đánh và lấy luôn phần đất Phú Yên ngày nay. Năm 1653, Champa lại xâm lấn bờ cõi, chúa Nguyễn sai quân đi đánh và mở rộng cương giới đến sông Phan Rang. Đầu năm 1692, chúa Nguyễn đã sáp nhập phần đất còn lại của Champa vào lãnh thổ Đại Việt, kết thúc hơn sáu thế kỷ Nam tiến trên phần đất duyên hải miền Trung…

 

Từ đầu công nguyên trên phần đất Nam Bộ ngày nay vương quốc Phù Nam đã ra đời và phát triển. Nhưng vương quốc này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn từ thế kỷ I đến thế kỷ VI. Từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XVI, vùng đất này được xem là thuộc quyền quản lý của vương triều Chân Lạp. Vùng phù sa cổ thuộc lưu vực sông Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ) cư dân chủ yếu là người S’Tiêng, Chơro, Mạ… Vùng châu thổ thuộc lưu vực sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ) chủ yếu là người Khmer. Nhưng họ sống rãi rác trên các giồng đất cao. Vùng đầm lầy, trũng thấp vốn là sinh thái đặc trưng của vùng đất này không phù hợp với tập quán canh tác của họ. Nhiều nguồn tài liệu cho biết từ thế kỷ XIII cho đến nhiều thế kỷ sau đó, vùng đất Nam Bộ ngày nay vẫn là một vùng hoang vu: dân cư ít, chính quyền lỏng lẻo, thậm chí không có sự quản lý và gần như vô chủ… Đó là điều kiện cho những lớp người mới di cư đến khai khẩn, sinh sống. Năm 1623, nhân việc chúa Nguyễn gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, chúa Nguyễn đã đề nghị cho thu thuế của người Việt sinh sống trên vùng Sài Gòn và Bến Nghé. Năm 1698, chúa Nguyễn bắt đầu chia đặt các đơn vị hành chính, thiết lập chính quyền ở Nam Bộ để thuận lợi việc quản lý, thu thuế, bảo vệ lưu dân và tiếp tục khai mở đất hoang… Năm 1708, một người Hoa tên là Mạc Cửu dâng vùng đất khai khẩn được ven biển phía Tây cho chúa Nguyễn. Đến nửa đầu thể kỷ XVIII, người Việt hầu như đã có mặt khai phá, sinh cư khắp sông Tiền, sông Hậu. Những biến cố lịch sử trong các thế kỷ từ XVII - XIX thu hút lưu dân người Việt vào khai hoang, mở đất, sinh sống ở Nam Bộ ngày càng nhiều, biến vùng đất hoang vu ngày trước thành một vùng trù phú bậc nhất Đông Nam Á trong suốt nhiều thế kỷ.

 

Có rất nhiều điều cần quan tâm khi nghiên cứu quá trình Nam tiến của lưu dân người Việt, nhưng trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi cho rằng có mấy điểm rất đáng lưu ý:

 

1) Quá trình Nam tiến của dân tộc Việt là một quá trình liên tục, kéo dài nhiều thế kỷ, khởi sự từ khi thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc, đất nước bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, thời kỳ phát triển rực rỡ của văn minh Đại Việt/ Hào khí Thăng Long. Vì vậy, những vùng đất mới lần lượt được khai phá nằm trong một quá trình trổi dậy, lan tỏa, mở rộng ra từ trung tâm cố kết cộng đồng Thăng Long-Bắc Bộ vốn phát triển nhiều nghìn năm trước đó. Vai trò của nhà nước phong kiến (trung tâm) thể hiện rất rõ đối với mỗi vùng đất mới: nhà nước gìn giữ an ninh - lưu dân khai phá, lập làng - nhà nước thiết lập chính quyền (rồi củng cố cho quá trình tiếp theo)...

 

2) Một điều dễ nhận thấy là người Việt càng tiến xa về phương nam thì ý thức đoàn kết dân tộc càng mạnh, luôn hướng về cội nguồn, không có ý đồ cát cứ hay tách khỏi cái nôi ban đầu. Ngay cả trong thời kỳ nội chiến thì ý chí thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc luôn trỗi dậy mạnh mẽ. Những ý định cát cứ của tập đoàn thống trị phải nhường bước cho ý chí và nguyện vọng của cả cộng đồng con rồng cháu tiên triển nở từ vùng Bắc Bộ. Nguyễn Hoàng người khởi sự gây dựng đất Đàng Trong và lưu dân luôn chịu ơn riêng dòng họ Nguyễn vẫn ý thức được rằng Nguyễn Hoàng vốn dòng dõi một lòng một dạ vì nhà Lê (khó có thể tìm thấy điểm gặp gỡ giữa ông với họ Mạc hay họ Trịnh), dù đất Đàng Trong có thể “vạn đại dung thân” mà không cần lệ thuộc vào chính quyền trung ương. Dù trải qua nhiều biến động, lưu dân Đàng Trong vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm thống nhất giang sơn (thực tế cho thấy chỉ riêng về kinh tế hàng hóa nếu đất nước chia cắt trong ngoài thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển của miền trong)…

 

3) Lưu dân người Việt, trong suốt nhiều thế kỷ, trước khi đến định cư trên phần đất đậm chất văn hóa Khmer họ đã từng sinh sống trên dãi đất miền Trung với nền văn hóa Champa phát triển rực rỡ một thời… Không giống với văn hóa Việt truyền thống, văn hóa Champa và văn hóa Khmer gần như không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán mà tác động trực tiếp bởi văn minh Ấn Độ.

 

Người Việt đến vùng đất mới, từ duyên hải miền Trung vào đến Nam Bộ đã tiếp cận, kế thừa những di sản văn hóa bản địa đạt đến trình độ cao. Di sản văn hóa mới đã tác động đối với đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, công cụ lao động sản xuất, trang phục, ẩm thực… của lưu dân.

 

Quá trình Nam tiến là quá tiếp cận văn hóa mới. Kết quả nhiều công trình nghiên cứu cho thấy càng tiến xa về phương Nam, dù tiếp cận với di sản văn hóa mới nhưng ý thức cội nguồn của người Việt càng mạnh mẽ. Chính vì vậy quá trình Nam tiến đã nâng sức sống dân tộc lên tầm cao mới với vốn văn hóa phong phú, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh. Quá trình hình thành tính cách người Nam Bộ là quá trình hình thành tính cách mang dấu ấn lịch sử đặc thù của môi trường sinh cư mới, môi trường hoạt động mới trên căn bản hành trang truyền thống cội nguồn. Do đó đã định hình một cá tính năng động từ một vùng đất hấp dẫn, có sức thu hút và dễ lan tỏa và tần suất lan tỏa đó ngày càng mạnh cũng bởi giá trị đích thực do nó tạo nên (sức lan tỏa đó không phải chỉ trước đây mà ngày nay vẫn tiếp tục hấp dẫn).

 

4) Theo kết quả nghiên cứu đã được thừa nhận, lưu dân người Việt vào Nam Bộ, trước hết và đông nhất là những người không có đất, không có phương kế sinh sống ngay trên bản quán. Lực lượng thứ hai là những những người chống đối triều đình, quan lại địa phương, bị truy bức nên vào nam tìm đường sống. Lực lượng thứ ba là những người bị tù đày, buộc phải ly hương (đây là hình phạt khá nặng thời phong kiến). Lực lượng tiếp theo là lính thú, trốn nghĩa vụ phiêu bạt vào nam kiếm kế sinh nhai. Ngoài bốn nguồn chính trên còn có số ít người tương đối giàu có, muốn mở rộng và phát triển việc làm ăn trên vùng đất mới nên nhập vào hàng ngũ lưu dân tới Nam Bộ…

 

*

Ca dao Nam Bộ có câu “Ra đi là sự đánh liều/ Dại như con trẻ chơi diều đứt dây” vừa nói lên tâm trạng của người ly hương đi tìm đất mới, vừa bày tỏ thái độ quyết chí ra đi. Tất nhiên, không phải ai ở vào thế bức bách cũng có thể đủ nghị lực để rời được quê cha đất tổ, nhưng một điều chắc chắn rằng những người đã dám rời bỏ xứ sở của mình để đương đầu với khó khăn, tìm đường sống mới là những người giàu nghị lực nếu không muốn nói là phi thường trong bối cảnh xã hội bấy giờ. Hầu hết lưu dân đều có tính cách/ khả năng đối mặt với khó khăn, thử thách, dám đương đầu (đến liều lĩnh) với hiểm nguy và không cam phận. Họ giống nhau ở ý chí “vạch một chân trời mới”. Nói một cách khác là đã có những lớp người giống nhau về tính cách đến làm ăn sinh sống ở Nam Bộ. Chúng ta có thể tìm thấy sự tương tự ở một vài điểm nào đó trong tính cách này của người Việt Nam Bộ với những người châu Âu di cư tìm đất mới và khai phá châu Mỹ cùng thời, trong các thế kỷ từ XVI-XVIII…

 

Do quá trình khai phá Nam Bộ chủ yếu diễn ra trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, chia cắt Trong-Ngoài, nên lưu dân vào Nam chủ yếu vẫn là những người có gốc từ vùng Thuận-Quảng, địa đầu xứ Đàng Trong. Tuy có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau; phong tục, tập quán, cách thức làm ăn, thân phận giàu nghèo, dân tộc và tôn giáo có thể không giống nhau, nhưng tất cả họ đều chung một mục tiêu lớn là đẩy lùi đầm lầy, cây dại, thú dữ để có ruộng đồng phì nhiêu, xóm làng mới trù phú. Những lưu dân đến đất mới hầu hết là dân “tứ chiếng”, cuộc đời của họ, của họ hàng cha mẹ, anh em họ đã trãi qua nhiều sóng gió, vất vả và bất ổn nên “đã tạo ra cho họ bản sắc ngang tàng”, “có đầu óc ít nhiều phiêu lưu mạo hiểm, dám chấp nhận hiểm nguy”... Họ coi nhẹ tính mạng, thích sống ngang tàng, dám đương đầu với thử thách, khó khăn, hiểm nguy đã góp phần tôi luyện họ thành những con người can trường, gan góc, không chịu lùi bước trước trở ngại thiên nhiên, cũng như không chịu luồn cúi trước mọi sức mạnh phi nghĩa. “Trời sanh cây cứng lá dai/ Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều” (ca dao Nam Bộ).

 

Hầu hết lưu dân ra đi bằng đường biển, đường bộ và tất nhiên họ phải đi theo nhóm, theo đoàn. Như vậy, ngay từ buổi đầu trong hành trang của những con người dám đương đầu với phiêu lưu mạo hiểm đã có được ý thức tập thể, tình thân ái, tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau. Khi đến xứ sở lạ lùng “Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”, đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách thì ý thức cộng đồng, nghĩa hiệp, tình nghĩa xóm làng của những người đồng cảnh ngộ lại được nhân lên, trao truyền, thành sức mạnh.

 

Do ở nơi hẻo lánh, xa quê hương, những người tha phương lập nghiệp rất hiếu khách. Nói về sự hiếu khách của người Nam Bộ, Trịnh Hoài Đức cho biết: “Có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem theo tiền gạo, lại có người trốn xâu trốn thuế đến xứ này ẩn nấp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy” (Gia Định thành thống chí, mục Phong tục chí).

 

Do có cùng cảnh ngộ, cùng thân phận, cùng trãi qua những khó khăn, vất vả, thành công và thất bại như nhau trong quá trình chinh phục thiên nhiên nơi đất mới, đã giúp lưu dân nhận ra rằng: muốn chiến thắng mọi trở lực thì phải cố kết với nhau thành một khối, phải cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Nơi đất mới rộng rãi con người không cần sự bon chen như ở nơi đất hẹp người đông. Họ sống phóng khoáng, cởi mở và hào hiệp hơn. Sự gò bó, cứng nhắc, hẹp hòi được họ cởi bỏ lại đằng sau để sáng tạo ra một phong cách sống tự do, phóng khoáng hơn, và “làm cho nền đạo lý giàu tính nhân ái của dân tộc ánh lên những sắc màu độc đáo”. Họ không khuất phục cường quyền, sẵn sàng làm tất cả vì việc nghĩa, bênh vực kẻ yếu, bảo bọc kẻ thất cơ lỡ vận...

 

Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, sống vì nhau, lo cho nhau, dám xả thân cứu bạn bè, dám hy sinh vì nghĩa lớn là đặc trưng nổi bật của những người đi khai hoang mở đất. Chữ “nghĩa” và tinh thần tương thân, tương ái được đặt lên hàng đầu trong cuộc sống: “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây”.

 

Sống trong những điều kiện lịch sử luôn biến động, người dân Nam Bộ đã tạo dựng một nếp sống tinh thần ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung cang nghĩa khí lúc khó khăn, khi thời vận đổi thay... Trong các đền miếu Nam Bộ đều có thờ Quan Công là bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần ấy. Một ngôi đền vùng Bảy Núi, An Giang có câu đối: “Quân phi quân, thần phi thần, quân thần giai cộng lạc/ Phụ bất phụ, tử bất tử, phụ tử thị đồng hoan” (Vua không là vua, tôi không hẵn tôi, vua tôi cùng chung vui/ Cha không là cha, con không là con, cha con cùng vui vẻ) đã khái quát một cách sâu sắc cá tính và ước vọng của người Nam Bộ. 

 

Những đặc trưng trong bản thân mỗi một người Nam Bộ là điều kiện để họ cũng như các tộc người khác dễ dàng giao lưu văn hóa, ảnh hưởng lẫn nhau. Người Việt trên đất mới Nam Bộ sống chung với cộng đồng các dân tộc. Người Khmer hiền hậu. Người Hoa cần cù, chịu khó, biết cách tổ chức sản xuất, buôn bán, tiết kiệm và có tinh thần cộng đồng... Sự ảnh hưởng của cộng đồng người Hoa đối với người Việt Nam Bộ là từ thực tế món ăn thức uống, mối quan hệ xã giao, quan hệ nhân-thần, tín ngưỡng; là đến từ mắt thấy tai nghe cách thức tổ chức làm ăn buôn bán chứ không phải đến từ triết lý cao siêu của quan niệm Nho giáo thuần túy sách vở. Cuộc sống nhân hậu, hiền lành, trọng Phật/ pháp của người Khmer là thực tiễn mà người Việt Nam Bộ cảm nhận sâu sắc khi cùng sống chung với nhau trên một địa bàn…

 

Cá tính Nam Bộ chịu ảnh hưởng của “khí hậu, đất trời và môi trường sinh trưởng” mới; cởi mở trong giao lưu, nhạy bén với cái mới, thấm nhuần một tinh thần bình đẳng, nhân nghĩa, bao dung, nhưng rạch ròi, quyết liệt và rất mực giản dị, thiết thực, vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu...

 

Vùng đất mới xa xôi, chính quyền quản lý lỏng lẻo là yếu tố để mỗi cá nhân, gia đình mở rộng quy mô khai khẩn. Một thực tế là các đơn vị hành chính lúc đầu rất lớn sau cứ chia tách dần mà vẫn lớn hơn nhiều so với Bắc Bộ và Trung Bộ. Rõ ràng đó là bằng chứng của sức sản xuất mà điều này cũng đã tác động đến tính cách làm ăn của người Nam Bộ. Hễ họ có điều kiện là sẵn sàng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, không thỏa mãn khi thấy còn sức...

 

Nhu cầu thị trường trên vùng đất mới rất lớn, ở vào vùng giao lưu (Nam Bộ như mở được mọi cửa), kinh tế hàng hóa phát triển sớm. Sản lượng lớn, không dùng hết buộc họ phải tìm cách mua bán, trao đổi. Đó là điều kiện để hình thành các trung tâm thương mại. Phải nói trên đất nước Việt Nam ít có nơi nào trung tâm thương mại buôn bán hình thành nhanh, nhiều và có mật độ cao như ở Nam Bộ. Khi kinh tế hàng hóa phát triển thúc đẩy người sản xuất phải chú đến thị trường, yếu tố khách quan đó đã giúp họ loại bỏ tính chủ quan, bảo thủ và đòi hỏi linh hoạt, sáng tạo, biết cách tổ chức sản xuất và buôn bán. Mặt khác, khi kinh tế hàng hóa phát triển, buôn bán sòng phẳng, tạo cho họ ý thức bình đẳng, dần dần trở thành tập quán. Nó trái với điều kiện kinh tế tư cung tự cấp, khác với thân phận người làm thuê cho địa chủ vốn tồn tại lâu đời ờ vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 

Ở một khía cạnh khác, nơi đất mới rộng rãi, người lao động cảm nhận được sự bình đẳng trước kết quả lao động của mình. Đất đai rộng rãi, mọi người, mọi nhà  làm theo sức của mình và toàn quyền quyết định sản phẩm làm được… Đó là cơ hội cho ý thức tự do, dân chủ, quyền sở hữu tài sản từ kết quả làm được, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng ngày càng phát triển. Cũng từ đó ý thức cải tiến công cụ lao động, lựa chọn giống, cách thức canh tác mới, phù hợp điều kiện luôn được quan tâm. Bởi vậy có người nhận xét người Nam Bộ từ xưa đã năng động, sáng tạo, trọng sáng kiến cá thể, thích tìm tòi cái mới, coi trọng hiệu quả thiết thực… không phải là không có căn cứ.

 

Có người nhận xét: càng đi về phương Nam, chất “phong kiến” nhạt dần, thay vào đó là tinh thần dân chủ, bình đẳng thể hiện ngay trong đời sống cộng đồng làng xã và gia đình; đất nước ta càng về phương Nam càng là đất mở đường, đất của những người nổi dậy… Con người tới đây là con người liều, ngang tàng, nghĩa khí, coi nhẹ tính mạng, xem tiền tài như rơm rác, lấy nghĩa khí là trọng (Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, nxb KHXH, .H, 1992, tr. 68).

 

Chúng tôi cảm nhận rằng hình như Nam Bộ thời kỳ mở đất đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để chúng ta có thể tái cấu trúc lại xã hội truyền thống, thậm chí Nam Bộ đã tự mở được một hướng đi mới mà chưa thật sự tới đích…

 

Người Nam Bộ không kỳ thị tôn giáo và thói ăn nét ở của người khác. Họ biết tự kiềm chế để sửa đổi cho nếp sống, cách nghĩ của mình đừng trở nên khác biệt với mọi người. Có người nhận xét “Ra đường gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu” (ca dao Nam Bộ) không hoàn toàn là sự dễ dãi mà chính là thái độ ứng xử-bước ra khỏi mọi định kiến ràng buộc khuôn mẫu gò bó để “đạt đạo” sống theo cách của người Nam Bộ. Người Nam Bộ phóng khoáng, bao dung trong tự do tín ngưỡng. Đây là một trong những lý do để vùng đất này nẩy sinh nhiều tôn giáo nội sinh như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo và rất nhiều ông đạo khác mà các vùng miền khác ở Việt Nam hoàn toàn không có.

 

Những đức tính nổi trội, dễ nhận biết của người Nam Bộ không phải bỗng nhiên một lúc mà có được. Nó phải trải qua thời gian dài hun đúc, tôi luyện trong suốt quá trình lập nghiệp...

 

Có một ví dụ khá điển hình về thái độ của người Nam Bộ đối với kẻ thù. Phong trào “Tỵ địa” là ví dụ nổi bật về tính cách dứt khoát của người Nam Bộ. Trong những năm 1862-1874, khi thực dân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đủ hạng người, từ nông dân, thương nhân, kẻ sĩ và ngay cả quan lại triều đình đã bốc chuyển mồ mả cha ông, từ giã phần đất mà do chính họ và tổ tiên khai phá gầy dựng suốt mấy đời làm lụng về sống ở miền Tây. Khi thực Pháp chiếm đóng miền Tây Nam Bộ, họ lại tiếp tục di cư về Bình Thuận để không phải ở lại trong phần đất mà hàng ngày phải thấy tận mắt cương thường đạo lý bị đảo ngược, bị chà đạp và một ngày không xa “tinh thần ái quốc thiêng liêng của ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác cũng sẽ bị mai một với sức lôi cuốn cám dỗ của văn minh vật chất phương Tây”. Phong trào tỵ địa đã bộc lộ tấm lòng yêu nước thiết tha và một thái độ dứt khoát mang cá tính Nam Bộ mà không nơi nào trên nước ta người dân có thái độ phản ứng thực dân theo cách như vậy. Nhà văn Hồ Biểu Chánh từng viết: “Chúng tôi sinh trưởng trong đất Gia Định là vùng ông cha chúng tôi liều xương máu mà chiếm cứ, rồi rưới mồ hôi nước mắt mà khai thác. Chúng tôi nhờ hy sinh với công lao tổ tiên mà nung đúc tinh thần quốc gia, thương đất nước, thương giống nòi”. Đó là gốc tâm hồn, cá tính Nam Bộ vậy. Và sự kết nối giúp chúng ta dễ dàng nhận thấy cái gốc ấy có mạch nguồn từ ngàn năm Thăng Long.

 

Cá tính Nam Bộ là sợi dây kết nối Hào khí Đồng Nai/ Gia Định với Hào khí Thăng Long. Âm vang hào khí Thăng Long vẫn mãi vọng về trong hành trình mở đất mở nước phương Nam. Cá tính Nam Bộ có lẽ đã được đúc kết một cách sâu sắc, trọn vẹn thành phương châm sống trong những câu thơ có sức lay động của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (và trở thành tên gọi của Hội thảo khoa học quốc gia chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội): “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Cá tính của một vùng đất là tài nguyên của không chỉ vùng đất đó mà còn là tài sản và kết quả chung của cả cộng đồng dân tộc, cần bảo vệ và phát huy thành lợi thế chung để hội nhập và phát triển trong xu thế mới./.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, 8-2010

 

Tài liệu tham khảo:

- Trần Ngọc Thêm, Tính cách văn hóa người Việt Nam Bộ như một hệ thống,

http://www.vanhoahoc.edu.vn/site/index.php?option=com_content&task=view&id=408&Itemid=74 16/03/2008

- Trần Văn Nam, Tính cách Nam Bộ qua biểu trưng ca dao,

http://e-cadao.com/tieuluan/cadaodongdao/tinhcachnamboquacadao.htm

- Thu Trang, Tính cách con người Nam bộ qua trang văn,

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=1277&LOAIID=16&TGID=250.

- Đinh Văn Hạnh, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam Bộ (1867-1975), NXB Trẻ, 1999.

- Đinh Văn Hạnh, Phác thảo cá tính Nam Bộ, Tạp chí Xưa & Nay, số 277-278 (2-2007).

 

 

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 3583
Ngày đăng: 02.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghiên cứu văn học và xã hội diễn giải - Chân Phương
Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn - Chân Phương
Vài gợi ý cho một “ Lễ hội văn hóa Hà Tiên” định kỳ - Đinh Văn Hạnh
Chúng ta làm gì cho con cháu? - Đinh Văn Hạnh
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)