Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.120
123.162.919
 
Bia mộ
Lê Đình Trường

Ông ta đấy!

 

Ông ta tức Mã Dư, hiện là phó giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp dệt... Không biết bằng thủ đoạn đen tối nào Mã Dư đã đạt đến địa vị ấy. Vài năm trước đây, ông ta còn là người hợp đồng thu mua phế liệu cho Sở Công nghiệp... Giống như một khoảnh khắc, ông ta leo lên được chức phó giám đốc. Chỉ ít lâu sau, trong những chuyến đi công tác đến thành phố để nhận chỉ sợi, vật tư thiết bị cho ngành dệt, Mã Dư đều mang vợ theo. Vợ Mã Dư ở trong giới giang hồ tứ chiếng độc quyền tranh mua hải sản với Nhà nước ở Sông Đốc. Nay, bà ta theo chồng để hỗ trợ ông ta làm ăn theo địa bàn mới.

 

Cả hai độ tứ tuần, đang thời kỳ sức khỏe sung mãn.

 

Từ ngày giữ chức vụ ấy nguồn lợi riêng tư của Mã Dư vô kể. Ông ta thừa biết rằng, do ông ta “làm ăn” được, nên những gì ngấm ngầm diễn ra sau lưng ông ta sẽ chực nổ như một khối bộc phá. Nhưng có gì làm chứng bằng cụ thể về các vụ phạm pháp của ông ta? Chỉ có dư luận. Người ta đồn rằng vợ Mã Dư, sau những chuyến từ thành phố vế. Bà ta đã mua sắm vô kể. Bà ta mua bất cứ thứ gì bà ta thấy thích mắt. Và bà ta đã bắt đầu mua bán hột xoàn. Người ta nói rằng, Mã Dư đã tung ra thị trường bên ngoài: chỉ sợi, vật tư thiết bị trong ngành dệt không biết bao nhiêu mà kể... Có người nhận định rằng, những vụ phạm pháp của Mã Dư thật có hại trầm trọng đến tài sản quốc gia - Bạn không tin? - Người ấy cả quyết. - Hãy tới tận nơi Mã Dư giao hàng, bạn sẽ thấy giới này xao động cả lên khi bánh xe của Mã Dư vừa chạm ranh giới tỉnh. Công việc làm ăn của ông ta vẫn xuôi chảy. Ông ta vẫn bình chân như vại. Dư luận lại tung ra một tin mới: Mã Dư đang bị thanh tra! Ông ta đã phải ba lần làm tờ trình về một vụ ông ta tung ra thị trường chợ đen một số vật tư quan trọng làm cho ngành dệt trong tỉnh phải đình trệ trong nửa tháng. (Ba tờ trình chung quy một vụ, nhưng số liệu Mã Dư khai ra do tâm trạng khá bối rối nên hoàn toàn khác nhau!) Như vậy, đó là những lời đồn đãi có ác ý chăng? Một vài người tỏ ra biết chuyện bảo rằng, ngành dệt tỉnh này, ông ta là người chạy vật tư số một. Không có ông ta ngành dệt trong tỉnh sẽ gặp khó khăn đấy...

 

Mã Dư mới mua một biệt thự rộng nơi tỉnh ông ta đang làm việc. Chung quanh  biệt thự là hàng rào tường cao, trên gờ tường có gắn những mảnh thủy tinh nhọn sắc. Mã Dư đã xem xét ngôi biệt thự ấy với đôi mắt tinh đời. Ông ta để ý ngay đến  khoảng vườn nhỏ phía sau nhà. Khuất trong khu vườn này có một ngôi nhà gỗ nhỏ của người đàn bà làm thợ đá. Hàng ngày, người đàn bà ấy thường ngồi chỗ gốc cây vú sữa dưới tàn lá xum xuê để làm công việc của bà - tạc những bia mộ cho người chết. Trong đầu Mã Dư suy tính ngay, sẽ tìm cách buộc người đàn bà ấy nhượng khoảng vườn cho ông ta. Mã Dư sẽ xây trên đó một ngôi nhà tuyệt  đẹp cho thằng Xái, con của ông ta. Đó là vấn đề Mã Dư và vợ bàn bạc suốt một tuần nay.

 

Bây giờ, hai vợ chồng Mã Dư đang trong phòng thuộc một khách sạn sang trọng bậc nhất ở thành phố.

 

Vợ Mã Dư ngồi trên giường, bà ta đang xếp thật đều những tập giấy bạc vào trong chiếc cặp lớn. Xong đâu đấy, bà ta khóa cặp lại, đặt tất cả dưới nệm - chỗ đầu nằm. Bà ta nói với chồng:

 

- Xong chuyến công tác này, mình về dưới chuẩn bị xây nhà cho thằng Xái nghen ông.

 

Đang nằm im lìm trên ghế dài, nghe vợ nói, Mã Dư hơi rùng mình như câu nói ném trúng một chỗ đau nào đó của ông ta. Mã Dư trả lời:

 

- Tôi đang nghĩ đến việc đó. - Nói xong, ông ta nằm im lìm như cũ.

 

Vợ Mã Dư mỉm cười hài lòng. Vợ chồng Mã Dư có ba con: một trai, hai gái. Đứa con trai tên Xái, năm nay mười sáu tuổi. Mã Dư rất cưng chiều nó. Ông ta quan niệm rằng: “Nữ sanh ngoại tộc”, con gái không đáng kể. Năm tới Mã Dư sẽ đưa thằng Xái lên thành phố học nghề in hoa trên vải. Theo ông ta, tỉnh này chưa ai có thể làm được việc đó. Rồi chẳng mấy chốc, thằng Xái sẽ giữ một địa vị quan trọng trong ngành dệt. Nó sẽ giàu...

 

Vợ Mã Dư rời giường, bước tới chỗ máy điều hòa không khí, nhận nút hạ thấp nhiệt độ trong phòng. Bà ta đi vào phòng rửa mặt, chốc sau, bà ta bước ra, toàn thân bà ta khoác hờ hững một chiếc áo ngủ. Bà ta tới chỗ Mã Dư đang nằm. Đôi mắt bà ta dịu xuống long lanh. Bà ta kêu ư ư nũng nịu. Nhưng Mã Dư vẫn bất động, trầm ngâm. Thình lình, ông ta choàng dậy bước tới bàn để điện thoại. Ông ta gọi sang phòng bên  cạnh, bảo tài xế chuẩn bị xe ngay. Vợ Mã Dư kêu lên:

 

- Ông đi đâu ?

 

- Tôi phải về dưới ngay. Lúc chiều này, cơ quan có điện thoại gọi tôi về làm việc. - Mã Dư gằn giọng - Tiện dịp, tôi về xem kỹ coi khoảng vườn ấy rộng bao nhiêu. Tôi sẽ hợp đồng với thợ thành phố xây cho thằng Xái một ngôi nhà coi cho được - Bỗng ông ta trở nên lấp liếm - tôi sẽ trở lên ngay, bà đừng lo.

 

Vợ Mã Dư hiểu rằng, có lẽ, có một công việc gì đó ở cơ quan, ông ta cần phải trở về. Nhưng bà ta cố ngăn:

 

- Thì để sáng mai ông về cho khỏe. Bây giờ là chín giời tối rồi, ông không biết sao?

 

Mã Dư hơi nhếch cười. Ông ta hiểu vị trí của ông ta trong gia đình. Ông ta là chủ, người đàn bà chỉ là sự phụ thuộc. Mã Dư mở cửa bước ra khỏi phòng.

 

Chiếc xe du lịch màu sữa mới tinh đang đậu trước cửa khách sạn chờ Mã Dư.

 

Mã Dư khom mình bước vào. Tự tay ông ta hạ tất cả cửa kính trong xe. Ngoài trời một cơn mưa nhỏ đang rắc xuống. Chiếc xe quẹo vào lòng đường trôi theo dòng xe cộ, ra khỏi thành phố. Trong xe tối mờ mờ. Mã Dư ngồi bất động. Thỉnh thoảng Mã Dư đưa thuốc lên môi, qua đóm lửa, gương mặt ông ta đanh lại.  Ông ta cố gìm một cơn bão bí mật bên trong. Một hạt nước mưa đập vào khóe môi, trông Mã Dư như đang ngồi khóc câm lặng. Bỗng Mã Dư ném về phía tài xế một hiệu lệnh:

 

- Nhanh lên.

 

Chiếc xe bắn đi trên quốc lộ trơn ướt. Toàn thân chiếc xe rung lên khe khẽ, đều đều.

 

Khi xe đến nơi, trời đã sáng rõ.

 

Mã Dư bước xuống, nhận chuông.

 

Từ trong biệt thự có một cô gái chạy ra mở cửa. Đó là cô Kía, người giúp việc trong gia đình Mã Dư. Cô bị tật chân trái, nên dáng đi khập khiễng. Khi thấy  Mã Dư đứng ngoài cổng, cả người cô rủn đi vì sợ. Ông ta về bất ngờ, không có vợ cùng về. Thật đáng ngại. Cô Kía cố gắng bước tới mở cổng. Mã Dư tỏ vẻ lạnh nhạt. Ông quan sát bàn tay run rẩy của cô Kía đang cầm chìa khóa tra vào ổ khóa. Chùm chìa khóa cứ mãi kêu loảng xoảng, mà cô vẫn chưa mở được. Cái bồn chồn, bứt rứt của Mã Dư đêm qua nhường chỗ cho sự khoái trá và khát muốn. Cô Kía - lý do, sau khi giải quyết xong ít việc ở cơ quan, ông sẽ nán lại nhà một đêm. Tuy bề ngoài, ông ta đôi khi còn tỏ ra ghét bỏ cô nữa. Mã Dư không bao giờ tự hỏi tại sao ông ta có cái đam mê kỳ quặc này. Ông ta đã quen buông mình cho tình cảm bệnh hoạn, ác độc mà không bao giờ tự cưỡng chống.

 

Cổng mở ra, Mã Dư bước vào. Ông kín đáo liếc nhìn cô Kía. Mã Dư hỏi thăm quý tử của ông ta:

 

- Xái đâu rồi?

 

- Dạ, Xái còn ngủ.

 

Ông ta bảo cô Kía chuẩn bị cà phê nóng. Suốt con đường dài, trời mưa dai dẳng làm cho Mã Dư bị lạnh. Ông ta bước vào phòng khách. Chốc sau cô Kía mang cà phê lên, rồi cô lặng lẽ rút lui. Chờ cô Kía quay đi, Mã Dư mới chăm chú ngắm phía sau lưng cô. Mái tóc  cắt ngắn cúp vào, vóc dáng, cả cái chân tật nguyền. Dẫu cô Kía đã thuộc về ông ta, nhưng ông ta vẫn còn cảm thấy khoái trá một cách bệnh hoạn khi ngắm cô Kía.

 

Như chợt nhớ ra điều gì, ông ta gọi giật cô Kía lại:

 

- Này Kía!

 

- Dạ! ? Cô Kía dừng lại.

 

Mã Dư hất hàm:

 

- Bà già làm bia mộ còn ở phía sau không?

 

- Dạ còn.

Mã Dư vừa hớp cà phê từng ngụm nhỏ vừa ngắm nhìn, thưởng thức cô Kía. Cô Kía đi khuất vào nhà sau. Mã Dư chuồi người nằm xuống sa lông, thoải mái.

 

Cô Kía trước đây là người ở cho một gia đình người Hoa ở Chợ Lớn. Chủ gia đình này là bạn của Mã Dư. Gia đình này đã trốn ra nước ngoài, bỏ cô Kía cù bơ cù bất ngoài vỉa hè. Mã Dư, trong một chuyến công tác, lúc chiếc xe  du lịch của ông ta lượn vào trung tâm Chợ Lớn, ông ta thấy một cô gái từ vỉa hè lao ra vẫy theo xe rối rít. Vợ Mã Dư nhận ra cô Kía, bảo xe dừng lại. Sau khi rõ tình cảnh, Mã Dư mang cô về giúp việc bếp núc, giặt giũ...  Lúc ấy cô Kía mười bảy tuổi, bị chủ đuổi ra khỏi nhà gần một tháng...

 

Thằng Xái, con Mã Dư nhỏ hơn cô Kía ít tuổi. Nó đã biết thế nào là chủ nhà, thế nào là con ở. Nó biết cách để hành hạ một người tàn tật. Một hôm nó đổ dầu lửa vào hết các lò trong bếp. Nó đốt lên. Rồi nó hốt hoảng kêu: Cháy ! Cháy ! Lúc ấy nhà không có ai. Cô Kía đang lau chùi sàn nhà ở phía trước thấy lửa đỏ rực cả nhà bếp, cô ném thùng nước, chạy vội ra sau. Nhưng vì quá sợ, thần kinh cô như bị liệt đi. Cái chân khỏe của cô bước tới, cô tưởng mình có thể di chuyển về phía trước. Thật ra, cô như bị chôn tại chỗ, cả thân thể cô cứ vặn vẹo, đong đưa. Và cô cũng la lên: Cháy ! Cháy ! Với giọng bất lực và đâu khổ không kể xiết. Cuối cùng, cô bám vào ghế, quăng được cái chân yếu đuối về phía trước, nhưng chân cô yếu quá, cô xụm xuống... Cứ thế, cô bò lết về phía nhà bếp như một con vật khốn nạn. Trong khi thằng Xái cứ nhảy vòng quanh cô la loạn cả lên: “Trời ơi ! Cháy ! Cháy nhà!” Cô Kía bò lết ra tới phía sau, thì dầu trong lò cháy hết, lửa nhỏ ngọn sắp tắt. Sau vụ đó, thằng Xái bắt chước dáng đi của cô để cười nhạo cô. Nó còn gài những mảnh thủy tinh trước cửa phòng cô. Cô mà đạp nhằm nhưng mảnh nhọn ấy, sự đi đứng của cô càng thảm não, khổ sở. Đôi lúc, thằng Xái buồn bực, ngứa ngáy chân tay, nó bảo cô Kía đánh nó đi, đánh bất cứ chỗ nào cũgn được, nó sẽ đỡ được hết. Cô Kía đời nào làm việc đó. Nó dọa, nếu không làm theo ý nó, nó sẽ đốt lửa một lần nữa. Cô Kía hoảng quá, cô đành giơ tay, giả vờ đánh vào vai nó. Thế là, nó trổ hết nghề ra - Nó đỡ bạt tay cô ra. Chân nó gạt cân cô, cô quỵ xuống.

 

Cô Kía câm lặng chịu đựng hết.

 

Tuy cô Kía bị tạt chân trái, nhưng trong dáng đi của cô không có gì nặng nhọc. Khi chân phải bước tới, toàn thân cô dừng lại rồi từ từ, giống như một cử chỉ dịu dàng, cô nhẹ nhàng giơ chân trái lên đặt về phía trước. Cứ thế, cô bước đi, người hơi nghiêng về phía trái, nhưng không có vẻ gì nặng nhọc. Ông Mã Dư là người lúc nào cũng để ý đến cái tôi của mình - cái tôi của địa vị và thế lực. Thế mà, có nhiều lúc ông quên hẳn mình đi, để ngắm cô Kía. Đôi mắt cô mở to. Gương mặt trắng muốt, hơi xanh. Hầu như suốt ngày cô chỉ giam mình trong biệt thự ấy - như trong một thâm cung. Khi cô đứng phơi quần áo, chân phải cô đứng thẳng chịu tất cả những lực do cơ thể nén xuống. Chân trái co lại, hơi đổ về phía trước, đầu ngón chân đặt nhẹ trên nền xi măng. Những sợi dây phơi hình như quá cao đối với cô. Cô phải với hất chiếc áo  qua dây phơi, rồi cô còn phải với lên nữa để kéo chiếc áo cho thật thẳng thớm. Những lúc ấy Mã Dư như bị choáng, khi nhìn thấy gương mặt cô Kía ngước lên, đôi môi đỏ thật mềm, và bộ ngực tròn của cô rung lên nhè nhẹ như muốn thoát ra lần vải đang căng. Tuy thế, ông ta vẫn không dành một đặc ân nào cho cô. Vẫn những công việc lút đầu, lút cổ từ bốn giờ sáng đến mười giờ đêm - giặt giũ, đi chợ, nấu cơm, lau nhà, cho heo ăn... Hai đứa con gái của Mã Dư mới lên năm lên sáu, hỗn như chó sói. Mỗi lần cô tắm rửa, kỳ cọ cho chúng, chúng chửi cô ra rả. Chúng tạt nước vào người cô. Chúng cào vào mặt cô. Chúng chồm lên, bứt đứt cả hàng nút áo của cô... Những công việc như thế, thường là đến chiều cô Kía đã mỏi đuối. Nhất là cái chân  tàn tật, ốm nhỏ của cô - Khi đi, cô phải cúi xuống dùng tay giữ lấy đầu gối. Cái chân ấy không còn sức chống đỡ nữa. Những lúc ấy, trông dáng cô như một cây thụ cầm. Phải chi có một nhạc sĩ hiền lành nào đó... nhưng đó chỉ là điều ước. Hiện tại cô Kía như một nô lệ trong biệt thự của Mã Dư.

 

Đáng tiếc! Cô Kía không phải là người nô lệ xấu xí. Nên cô đã rơi vào bi kịch đau thương nhất của đời sống - đời sống diễn ra trong thâm cung của Mã Dư. Một tối đang ngủ, cô choàng tỉnh. Phải một lúc lâu cô mới nhận ra trước mặt cô là ông Mã - chủ của cô. Một tay ông ta vòng sau gáy cô, tay còn lại ông ta vuốt ve cô. Như có một phản ứng tự vệ, cô bật lên. Cái chân khỏe của cô bước xuống giường, cái chân tật nguyền của cô kéo lê lết trên chiếu. Không biết bằng thủ thuật nào, Mã Dư đã kéo bật cô trở lại. Cổ cô bị siết chận, cô không thể nào kêu la được. Tiếng Mã Dư chắc nịch:

 

- Kía nên nhớ, tôi đã nhặt Kía trên vỉa hè. Lúc đó Kía là con bé ốm giơ xương...

 

Cô Kía lặng câm. Thật ra, cô đã mềm nhũn, ngất đi. Lúc đó, trên gương mặt thánh nữ của cô hãy còn ràn rụa nước mắt. Rồi là đau đớn. Tủi nhục. Và bóng tối đen đặc. Kía ơi! Bóng tối dày đặc đời em. Không biết Kía có nghĩ đến điều ấy chăng! Sao em không gào thét? Sao em, bằng sự tàn tật của mình, em không tung cánh cửa ngôi nhà ấy, lê lết trên đường kêu cứu? Ngoài kia là ánh sáng, là lương tâm, là luật pháp. Em ưng chịu chăng? Không tin được. Không muốn tin như thế. Sao em câm lặng? Sự câm lặng đau đớn đến bật máu thế nào? Rồi đời em ra sao? Tất nhiên đâu phải chỉ một lần đó. Hắn luôn có những chuyến bỏ vợ lại thành phố, về bất ngờ vì một lý do gì đó. Hắn đã quen sống với tội ác. Tuy thế, cô vẫn câm lặng làm việc như con vật. Cô giặt quần áo, cô vo gạo... Môi cô vẫn hé mở. Ngực cô vẫn xao xuyến. Nhưng đôi mắt... Ai chưa biết thế nào là ý định tự sát hãy hình vào đôi mắt đó...

 

Có một người đàn bà hiểu được đôi mắt đó. Tuy không hiểu được ngọn nguồn, nhưng bằng thiên tánh nồng nàn của người đàn bà phúc hậu, người đàn bà ấy đã an ủi cô Kía trong những lúc cô buồn. Người đàn bà ấy ở trong căn nhà nhỏ ngoài vạt đất hậu nhà Mã Dư. Bà khoảng sáu mươi tuổi, làm nghề thợ đá - khắc tên người chết trên bia. Bà thường làm công việc ấy trong khu vườn nhỏ của bà. Ở tỉnh này nghề đó không thông dụng. Thành ra, bà sống chật vật. Bà sống một mình, không con cái. Nguồn vui của bà là giúp hàng xóm trong những lúc tối lửa, tắt đèn.

 

Có một anh kỹ sư  kiến trúc phụ trách thi công công trình nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, một hôm, tình cờ đi ngang qua nhà bà. Anh buột miệng:

 

- Ồ! Một người đàn bà làm thợ đá. - Anh ngạc nhiên pha lẫn thích thú.

 

Anh ghé vào thăm bà. Và anh nảy ra ý định đặt người đàn bà làm bia mộ cho từng mồ liệt sĩ. Người đàn bà đã vui vẻ nhận lời. Từ đó, bà mãi chìm trong công việc. Anh kỹ sư kiến trúc ngày ngày đến thăm bà, cũng để theo dõi, góp ý cho công việc. Anh thấy bà lao vào công việc với một sức cuốn hút khôn tả. Bà làm việc như một nghệ sĩ. Đôi khi trong lòng anh bật lên tiếng kêu tự nhiên: “Mẹ ơi!...”, như đó là người mẹ ruột của anh. Và rồi anh biết bà có một đứa con trai đi bộ đội đã hy sinh.

 

Cô Kía thường đứng sau hàng rão kẽm gai nhìn bà làm việc.

 

Mỗi buổi sáng, trước khi đi chợ, cô Kía kêu sang:

 

- Đi chợ chưa dì Ba? Con đi chợ đây. Dì Ba có gởi mua gì không?

 

Bữa nay cô Kía ăn cơm với dì nghen. - Người đàn bà trả lời. - Dì cũng chuẩn bị đi chợ đây. Dì mua thức ăn đãi cô Kía một bữa. Dì mời thêm anh kỹ sư kiến trúc nữa. Chốc nữa, anh ta tới.

 

Cô Kía bối rối kêu:

 

- Thôi ! Thôi. Dì Ba nghèo lắm.

 

- Ăn với dì một bữa, cho vui. - Người đàn bà cười. Nụ cười hiền lành, phúc hậu như khuyến khích cô Kía nhận lời.

 

Bà đã sờ được nỗi đau của cô. Dù cô Kía chưa hề nói với bà. Những chuyện như vậy, nói làm sao được. càng ngày, bà càng hiểu rõ nỗi đau sâu kín, bí mật của cô. Bà cố xoa dịu...

 

Có hôm, cô Kía kêu với sang, giọng vui vẻ:

 

-  Dì Ba ơi! Dì đừng có đi chân không. Coi chừng mảnh vụn của đá, đâm vào chân dì đó nghe.

 

- Chân tay dì đã chai đá rồi, giọng bà đổi thành ngạc nhiên. - Cô Kía bữa nay cũng biết nói đùa nữa sao? Chắc có gì vui lắm đây.

 

Cô Kía lính quýnh:

 

- Không. Không đâu dì. Con buồn lắm! Mấy tiếng sau nhỏ dần như một tiếng than.

 

Người đàn bà tự trách mình sao thiếu tế nhị. Đáng lẽ để cho cô Kía vui vẻ, hồn nhiên. Dẫu một câu nói vô tình, nhưng cô Kía tưởng là một khơi gợi xa xôi về nỗi đau của cô.

 

Sáng hôm đó, sau khi uống cà phê xong, Mã Dư thực hiện ý định của hắn. - Chuẩn bị xem đất để xây cho thằng Xái cũng là một việc quan trọng, gấp rút. Giải quyết việc này xong, hắn mới đến cơ quan để xem coi việc gì người ta gọi hắn về bất ngờ.

 

Hắn mở cửa, bước vào khu vườn của người đàn bà làm thợ đá. Đằng kia, dưới bóng râm của tàn cây vú sữa, người đàn bà mải mê công việc trên một tấm đá. Bà đang dùng một chiếc đục bén tỉa lại cho thật sắc sảo những nét chữ trên bia mộ. Mồ hôi làm áo bà dính vào lưng. Trên, trên mặt bà, mồ hôi cũng đang chảy ròng. Bà đang khóc hay sao! Cái kính trắng của bà thỉnh thoảng lóa sáng, rung rinh. Phía bên trong cặp kính, nước mắt bà chảy ra, lâu lau, rớt trên tấm bia. Bà đang trong cơn chấn động, thảng thốt. Phía trước bà, một khoảng nắng nhỏ tươi tắn, nhẹ nhàng. Trên cao, một chiếc lá xoay xoay đáp xuống trên khoảng sân. Những chiếc lá vàng khô nằm im trên nhữngvụn đá mịn màng trông thầm lặng, bình yên. Hướng về phía người đàn bà, Mã Dư bước. Hắn bước. Hắn lọt vào trong khoảng sân nắng. Hắn dừng lại trước người đàn bà. Đôi giày hắn cấn lên những chiếc lá, làm những chiếc lá cựa mình, cong lên. Người đàn bà vẫn không hay biết. Hắn quyết định làm người đàn bà chú ý. Hắn đặt chân lên góc bia đá mà người đàn bà đang làm việc. Thoạt đầu, chưa hiểu việc gì xảy ra, người đàn bà bỗng run bắn lên, ngơ ngác. Một giây sau, bà nhận ra một bàn chân mang giày, của người đàn ông. Bà rú lên. Không kịp suy nghĩ, bà kéo tấm bia ra khỏi bàn chân đó bằng tất cả sức lực của bà. Rồi bà vung tay cắm chiếc đục đá bén ngọt đang cầm trên tay vào bàn chân mang giày đó. Phản xạ nhanh như chớp, hắn rụt chân tránh khỏi. Lưỡi đục vụt găm xuống đất. Mã Dư sửng sốt đến há hốc. Điếu thuốc rơi khỏi mồm.

 

Người đàn bà đứng dậy. Trong cơn tức giận mờ mịt lý trí, bà vừa la lên vừa xua tay như trong cơn mớ sảng:

 

- Đi. Đi. Tránh ra.

 

Mã Dư đứng đó. Trấn tĩnh. Bây giờ hắn làm chủ tình hình. Hắn quan sát cơn chấn động khó hiểu của bà già.

 

Một lần nữa, người đàn bà kêu lên:

 

- Đi. Hãy đi đi.

 

Hắn giơ tay làm một cử chỉ ngan lại như bảo người đàn bà thôi đi, đừng gào thét nữa. Bằng một giọng kỳ lạ, hắn nói:

 

- Này bà già! Ngày mai bà hãy dọn hết những mảnh đá vô ích này đi, hay tất cả những gì của bà trong khu vườn này. Tôi sẽ xây cho con trai tôi một ngôi nhà trên khu đất này. Dĩ nhiên, tôi sẽ bồi thường cho bà. Khi hắn nói, hàm răng hắn khít lại, giọng nói nghe như rít lên. Âm thanh giọng nói nghe như mỗi tiếng nói đều ẩn chứa những bọt khí bẩn. Khi tiếng nói thoát ra đồng thời những bọt khí ấy liên tục vỡ ra bám vào da thịt người đối diện, rồi lan ra như những vi nấm. Nghe như có cái gì hơi nhớp nháp, làm bồn chồn cả người.

 

Người đàn bà đứng im. Cơn phẫn nộ lắng dần xuống. Bà lấy kính ra khỏi mắt, lau tròng kính vào vạt áo. Bà đeo kính lên. Gương mặt bà toát ra vẻ trí thức, uy nghiêm. Bà đã nhận ra người đang đứng trước mặt bà là ai. Mã Dư, phó giám đốc xí nghiệp liên hiệp dệt...  Người láng giềng xa lạ của bà đấy. Lần đầu tiên, bà đối diện với hắn. Thực  ra, bà chỉ biết hắn qua những lời đồn đãi về những vụ buôn lậu chỉ sợi, các vật tư máy móc thiết bị trong ngành dệt... Bà không  tin. Nếu đã xảy ra những việc ấy, thì ông ta ở tù rồi - bà phản ứng lại các lời đồn đãi, có ý bênh vực ông ta. Nhưng bây giờ, gã đang đứng trước mặt bà, lộ nguyên hình người đàn ông hiểm ác.

 

- Ông biết đấy, - người đàn bà lấy giọng bình thản. - Tôi làm nghề thợ đá trong khu vườn này hai mươi năm rồi. Xin ông hãy bỏ ý định ấy đi thì phải hơn.

 

Mã Dư trơ tráo:

 

- Bà cũng biết tôi là phó giám đốc, - tay hắn vỗ vỗ vào ngực. - Tất nhiên, tôi cần những tiện nghi để làm việc hơn bà.

 

Người đàn bà mỉm cười, nụ cười rất lạnh:

 

- Ông cố tình hiểu sai vấn đề làm chi, thưa ông. - Bỗng nhớ đến sự việc lúc nãy. Đôi mắt người đàn bà sắc lại, cặp kính loáng ra một thứ ánh sáng kỳ dị. Giọng bà trở lại giọng của một người mớ hoảng, y hệt lúc nãy:

 

- Đi. Đi. Ông về ngay đi.

 

Hắn vẫn đứng đó, lì lợm. Trong tay hắn chiếc quẹt ga nhô len, hắn bật lửa châm thuốc hút. Cơn cuồng dại trong hắn lại dấy lên. Hắn muốn khiêu khích sự giận dữ của người đàn bà. Nhưng người đàn bà đã cúi xuống rút lưỡi đục đang cắm trong đất lên. Hắn vội lùi ra. Rồi hắn xoay mình rảo bước trở về.

 

Đứng phía sau biệt thự, nép vào góc tường, cô Kía  chứng kiến hết tấn kịch giữa dì Ba và Mã Dư. Cô tự hỏi, tại sao đối với Mã Dư, cô đã không dám chống trả một mất một còn như người đàn bà kia.

 

Trong khi đó, người đàn bà trở lại ngồi dưới gốc cây, trước tấm bia đã khắc xong. Bà úp mặt vào hai bàn tay, gục xuống, - mãi mãi bất động. Có ai thấu nỗi đau của bà? Bà đang khắc bia mộ cho con trai bà. Trong danh sách gần hai trăm liệt sĩ bà đã làm bia, bà nhận ra trong đó có con trai bà. Từ lâu, bà được tin con trai bà đã bị B.52 giập tan xác ở mặt trận An Lộc vào mùa hè 1972. Những khi đau khổ bà không biết vịn vào đâu, bà chỉ biết thầm thì với khoảng không. Bà tưởng tượng một tia chớp lóe ra, theo đó là tiếng nổ làm đá tan cát chảy trùm xuống hầm thằng bé. Thế là chú bé ấy bay vào khoảng không... Nhưng không phải thế. Hài cốt con bà đã được tìm thấy rồi đây. Nó hiện trước bà tên tuổi, ngày, tháng, nguyên quán, ngày hy sinh. Từ đó, ngày ngày trong bà hiện lên mồn một những âm thanh của chiếc đục gõ vào đá. Những vụn đá bắn ra làm cay mắt bà. Con bà, dần dần tên nó hiện ra. Một sự thật rõ ràng. Mẹ nghĩ thế - chính vì vậy mà mẹ đã vĩnh viễn mất con. Mẹ tưởng mẹ đang khắc trong mẹ hình ảnh chú mặt trời nhỏ của mẹ. Nhưng hắn đã đặt chân lên đó. Con đừng buồn. Mẹ cũng không buồn đâu. Mẹ không chấp hắn làm gì. Hắn nào biết quê hương là gì. Hắn nào biết đến sự đổ máu cho quê hương này. Hắn chỉ muốn đoạt chiếm. Nhưng mẹ có lỗi với con. Đáng lẽ ngày khánh thành nghĩa trang liệt sĩ, mẹ giao đủ tất cả bia mộ mà mẹ đã khắc. Nhưng mẹ đã giữ con lại với mẹ. Mẹ rói rằng mẹ chưa tìm được một phiến đá vừa ý. Mẹ vừa nói vừa lùi lại như sợ người ta vào nhà khám phá ra bia mộ của con mà mẹ đã tạc xong. Mẹ giữ con lại để ngày ngày mẹ nói chuyện với con. Mẹ biết, anh kỹ sư kiến trúc phụ trách thi công công trình nghĩa trang liệt sĩ đã hiểu hết ngọn ngành, vì anh đã cầm giấy báo tìm được hài cốt đến cho mẹ. Nhưng anh vẫn im lặng. Anh tôn trọng nỗi đau của mẹ. Mẹ biết , rồi mẹ sẽ vịn anh như vịn vào con trai mẹ để đi nốt quãng đời còn lại của mẹ. Rất nhẹ nhàng, từ từ người đàn bà tỉnh dậy như sau một giấc ngủ dài. Bà nhấc bia mộ lên. Vào nhà, bà gói bia mộ trong một mảnh vải lớn. Bà mặc vào chiếc áo bà ba đẹp nhất. Ôm bia mộ, mang theo bó hương, bà ra đường vẫy xe đến nghĩa trang liệt sĩ.

 

Trời sắp trưa, nắng vàng lịm xuống.

 

Tới nghĩa trang, một mình và đi trên lối đi trải sỏi giữa hai hàng dương. Một mình bà đi giữa khoảng trời xanh ngát, uy nghiêm. Tiếng sỏi lạo xạo sạch sẽ dưới chân. Bà đi. Chỉ có cơn gió lồng lộng dìu bà. Hãy đi, đi lên chỗ đồi kia nơi có những đóa hoa hướng dương nở vàng rực. Ô! Gió còn mềm yếu hơn bà nữa kia. Gió dừng lại. Lên trên đó, bà sẽ đặt bia mộ xuống, gởi gắm mặt trời nhỏ của bà lại. Gió sợ tim bà chịu không nổi. Gió! Gió đâu, hãy cùng đi với ta. Bà thì thầm. Và thật chậm rãi, gió lại dìu bà lên đồi. Giữa những mộ chí xếp hàng đều đặn, bà quỳ xuống trước ngôi mộ chưa có bia. Bà mở gói vải, lấy tấm bia đặt trước mộ. TRẦN SONG, SINH NGÀY: 16/3/1952 CÀ MAU, HY SINH: 30/5/1972. Hãy ở lại cùng các bạn con nhé. Con hãy ngủ đi, thật ngoan. Thằng bé nghịch ngợm của mẹ, con chưa chịu ngủ sao! Hay con còn thích nhìn lên tầng không mây trắng. Bà đốt nhang cắm lên mộ. Bà rờ rẫm lên bia mộ như thể bà đang vuốt ve, sờ nắn gương mặt, tay chân con bà. Và bà ngồi mãi cho đến khi chiều xuống. Tạm biệt con. Mẹ sẽ tới thăm con như ngày nào con còn học nội trú...  Trên trời sao hôm đã mọc soi rõ những đám mây trắng đang vỡ òa...

 

Bà về đến nhà, phố xá đã lên đèn. Bà dừng lại. Bà không muốn vào nhà. Bà muốn đi đâu đó một lát cho khuây khỏa. Người mẹ, ngôi nhà - đó là nơi trở về. Nhưng thằng bé đã đi rồi, không bao giờ trở lại, thì người mẹ và ngôi nhà đâu có nghĩa gì. Nhưng bên trong đó đã từng có bóng dáng con trai của mẹ. Đã từng có bóng dáng mẹ trong trong khu vườn nhỏ ngồi tạc bia mộ cho con. Đã từng có âm vang chiếc đục mẹ đục vào đá tỉa từng nét tên con. Âm vang trìu mến nhức buốt. Mặt trời bé con của mẹ, con không thấy mẹ của con chỉ một mình đêm nay sao!

 

Thu hết lực, người đàn bà băng qua khoảng sân, bước vào nhà. Khi vừa tới hàng ba, dưới ánh điện đường, bà thấy một cô gái đang đứng dựa vào vách mắt khép lại, dáng người cô như lả đi. Bà kêu lên:

 

- Cô Kía ! cô Kía !

 

Cô gái mở choàng mắt, môi mấp máy: “Dì Ba! Dì Ba! Mở cửa cho con”. Cô không thấy người đàn bà đứng trước cô. Cô chưa thoát khỏi cơn mê. Cô tưởng người đàn bà đang từ trong nhà gọi ra. Cô bước về phía cửa, cả người cô lắc lư. Người đàn bà bước tới, một tay bà nương cho cô Kía  vịn vào vai bà, tay kia bà mở khóa cửa. Bà dìu cô Kía  bước vào nhà. Cô Kía  yếu đến nỗi phải tựa hẳn vào người bà. Bà đỡ cô Kía  xuống giường:

 

- Cô Kía  nằm nghỉ. Người cô sao lạnh quá. Để dì đi nấu chút nước nóng cho cô uống thuốc.

 

Cô Kía  phục xuống giường:

 

- Dì Ba ơi! Cháu khổ quá. - Cô vừa nói vừa khóc rưng rức. Thật não lòng!

 

Giọng người đàn bà thật cảm thương:

 

- Cô Kía ở đây với dì. Dì sẽ lo liệu hết cho cô. Nín đi! Cô Kía  nín đi...

 

Bằng cử chỉ dịu dàng của một người mẹ, bà lấy chiếc mền đắp lên ngực cô.

 

Người đàn bà với tay bật điện, đèn sáng. Cô Kía  đang nằm nghiêng trên giường. Chân phải cô co lên, còn cái chân tật nguyền của cô bỏ thõng xuống dưới đong đưa như cái chân đó đã bất động hoàn toàn. Vạt áo cô Kía  bị lật lên hở một khoảng hông trắng mịn màng. Người đàn bà cúi xuống, nhè nhẹ, bà đỡ chân cô lên. Và khi định kéo vạt áo cô Kía  lại cho kín đáo, thì bà bỗng giật bắn cả người. Bà quay phắt đi. Không còn có thể nói gì được nữa. Bà nhắm nghiền mắt lại.

 

Nghẹn thở, cổ họng bà nóng khô đến rát rúa.

 

Bụng cô Kía  tròn, hơi nhô cao lên.

 

Bà cúi mặt giờ lâu.

 

Có nỗi đau thương - khi bà đặt bia mộ trước mồ con bà - nỗi đau thương ấy mênh mông dịu ngọt. Bà ngây ngất trong nỗi đau thương ấy. Còn nỗi đau thương - khi bà nhìn thây cô Kía  đang có mang -  bà giận sôi lên. Bà muốn ngửa mặt, giơ hai tay lên kêu gào cho thấu trời. Bà muốn xốc tới cầm lấy một mũi nhọn...

 

5- 1984

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2719
Ngày đăng: 17.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Nhầm lẫn - Hoàng Thu Dung
Bông - Kim Quyên
Đám cưới vùng sâu - Kim Quyên
Người bạn lính - Nguyễn Quang Sáng
Đạo Tưởng - Nguyễn Quang Sáng
Gà sanh đôi - Nguyễn Quang Sáng
Chuyện làng Kinh - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)