Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
759
123.366.372
 
Thế Giới Và Những Lát Cắt Siêu Thực
Hoàng Thụy Anh

Tiếp cận một bài thơ, người đọc cần nhận diện các lớp sóng khuất lấp. Rồi thâm nhập, bóc tách, giải mã chúng để dần chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật. Đến với thơ Trương Đăng Dung, người đọc phải tuân theo quy trình đó. Thơ ông chứa một thế giới phi lý, nghiệt ngã, bất an. Một thế giới ngổn ngang, đầy những giới hạn. Một thế giới trống rỗng, xác xơ. Thế giới ấy được giải phẫu bằng tư duy của một nhà thơ mang tâm thức hậu hiện đại.

 

Kiến tạo hình ảnh lạ, ít có sự tương đồng là đặc điểm chung của các nhà thơ theo tinh thần hậu hiện đại. Trương Đăng Dung cũng dấn thân vào con đường thơ hậu hiện đại bằng những chuỗi hình ảnh lạ: sông thanh thản kéo trời, chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ, dang tay đòi hái mặt trời, những chú chuột ăn cắp tã vá..., mười ngón tay thức dậy trước bình minh, từng giọt trăng đỏ ối... Không đánh đố, “ma trận” với ngôn từ, hình ảnh trong thơ Trương Đăng Dung phần nhiều hướng đến cái phi lý, cái ngược đời được pha dung dịch humour. Chúng kết thành một trường phi lý, bung mở những cánh cửa vô hình trong thơ Trương Đăng Dung, thẩm thấu kiệt cùng của sự trống rỗng.

 

Inrasara tâm niệm: “Thơ vẫn có thể cư ngụ nơi ba loài nhà thơ, nhưng chỉ khi nào họ viết trong tinh thần rời bỏ nhiệm sở để đối mặt thường trực với vô nghĩa của nỗi có mặt của con người trên mặt đất này. Vô nghĩa nhưng vẫn kiên nhẫn ở lại với vô nghĩa để suy tư về ý nghĩa của vô nghĩa kia… Thơ như thế sẽ dự cuộc phiêu lưu còn uyên nguyên hơn mọi cuộc phiêu lưu của thơ đã từng đi theo dấu vết của những quan niệm”[1]. Thơ Trương Đăng Dung đối diện với sự vô nghĩa ấy. Mỗi bài thơ của ông như những mảnh vỡ đời sống. Những mảnh vỡ ghép lại thành khuôn mặt đầy nham nhở của thế giới. Bên trong là một sự ráo hoảnh đến thê thảm. Ông phơi bày cái vô nghĩa bằng chính nỗi đau của mình, bằng lối tư duy trái ngược, phi lý. Trong thơ ông, cái phi lý vấn vít từ lúc khởi nguyên sự sống:

 

ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện

các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời

họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu

(Những kỉ niệm tưởng tượng)

 

Bằng cái nhìn của một nhà thơ chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh, Trương Đăng Dung cật vấn tính chất vô nghĩa cái phần - thế - giới đã lùi vào đường xa cát bụi. Trên đồi Vọng Cảnh, nhà thơ xoáy cái nhìn kép vào hai cõi: cõi vận hành và cõi vĩnh viễn im lìm. Hai cõi song hành trong nỗi đau:

 

Sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm

những đền đài quạnh quẽ

(Trên đồi Vọng Cảnh)

 

Trên chuyến tàu đi qua Roma, đấu trường bi hài một thuở như đang hiển hiện trước mắt ông:

Đấu trường Colosseo lạnh lùng

những bóng ma vất vưởng

những khán đài âm u

đêm khép lại

đâu là lịch sử

đâu là trò chơi?

Mona Lisa mỉm cười

bí ẩn

(Đêm ở Roma)

 

Ở đây, các sự kiện làm nên lịch sử cũng chính là trò chơi. Phải chăng giữa lịch sử và trò chơi có sự thống nhất? Nụ cười bí ẩn của Mona Lisa như mời mọc mọi người cùng đối thoại, lật trở quá khứ.

Trong thơ Trương Đăng Dung, thế giới còn được đẩy đến cùng cực. Người với người tàn sát lẫn nhau bởi sự kích động vô hình của chiến tranh:

Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo

máu người nhuộm đỏ sách Kinh

bom nổ ở một chợ Bagdad

thịt người trộn vào rau quả

những người đàn bà choàng khăn đen lăn lộn

không thấy kẻ gây tội ác

chỉ thấy nạn nhân

và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ

(Ghi chép hè 2009)

Chiến tranh là nơi hội tụ của máu và nước mắt. Nỗi đau đó không lụy vào tâm, không trói bằng hành động thiết thực mà chỉ có cảnh người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ.

Ở một đoạn thơ khác, nhà thơ dùng kết cấu vắt dòng, nối liên tục từ câu trước sang câu sau để nỗi đau của người đang sống với người đã chết kéo dài không dứt:

 

Tôi lại nhìn thấy họ

những xác người được tìm thấy

trong lớp đất bom vùi. Những người mẹ

chết vẫn ôm con, những đứa con chết

mặt úp vào ngực mẹ

(Tôi lại nhìn thấy họ)

 

Thấy và viết lên như thế, chúng ta thấu được tấm lòng nhức nhối của nhà thơ. Nỗi đau ấy dồn nén tạo nên một thước phim đầy xót xa:

 

Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm

chân người chết thò ra khỏi chiếu

cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra

vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn

và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo

bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...

(Những kỉ niệm tưởng tượng)

 

Vẫn xuất phát từ cảm hứng nghịch lý, nhà thơ đẩy cái thế giới không thuận chiều ấy, lây lan, trải rộng, liên hoàn khắp hành tinh:

 

New York chiều chiều

những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông

cứu những con chim sẻ

 

Paris trước cửa Viện bảo tàng

người nằm ngáp

trâu xếp hàng mua cỏ

 

Ở Matxcơva những thiếu phụ da vàng

chơi với hổ

trên quảng trường ngập nước

 

Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình

không có miệng

huơ tay chào khán giả

(Giấc mơ của Kafka)

Những điều bất cập, giới hạn cứ mặc nhiên, thản nhiên tồn tại nhỡn tiền. Một khi con người chưa sống được như là con người thực thụ thì liệu đã có tiến bộ xã hội chưa?

 

Khắp nơi

những đôi mắt dính trên cổ những người không có mặt

những tiếng kêu

phát ra từ miệng những người không có cổ

những bàn chân

càng bước càng lún sâu vào đất

(Giấc mơ của Kafka)

 

Không chỉ đưa vào thơ cái nghịch lý mà Trương Đăng Dung còn lạ hoá nó bằng cách đan cài trong cảm hứng nhại: “nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi.../ Nghe lá vàng rơi lòng ta không xào xạc.../ đứng trước tổ chim lòng ta đầy mưu toan độc ác” (Có một thời). Nếu không có những phút giây rung cảm thì tất thảy mọi điều đều trở nên tầm thường. Người với người chỉ tồn tại bằng sự dối trá.

Nhà thơ nhại trong đớn đau:

 

Anh đã thấy những người dị dạng

Dang tay đòi hái mặt trời

Những bóng ma thọt chân, lang thang

Đòi trở về quê cũ

Và những đội quân không mũ

Tay súng, tay đao chân bước thụt lùi

Những nhà thơ chống gậy đứng cười

Trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện

(Chân trời)

 

Nguyễn Dương Côn khi bàn về cái phi lý cũng đã nói rõ: “càng phi lý bao nhiêu càng phải có lý bấy nhiêu không chỉ là quy luật mà còn là tiêu chí mỹ học hà khắc, cao nhất dành cho hình tượng thơ...”[2]. Trương Đăng Dung đã hà khắc hình tượng thơ để làm bình phong cho cái thế giới rệu rã, hoen rỉ. Phi lý mà có lý đến nhức nhối, tê lòng. Đằng sau sự nghịch chiều ấy là cả một khoảng lặng không lời. Một nỗi đau khôn xiết của nhà thơ. Nếu Lê Vĩnh Tài đem vào thơ một cái tôi đầy ưu tư trước gương mặt “bầm dập” của cuộc sống: “nước mắt tràn trên mặt/ tôi quên mất mình còn gương mặt/ không biết mình còn là người hay không/ có người chết vì hạnh phúc/ vì yêu.../ dù người ta chết vì bệnh không có tiền mua thuốc nhiều hơn// trên gương mặt không còn nước mắt/ tôi đến mắt tôi/ xa quá không sao thấy được/ từ tôi đến mũi tôi/ xa quá không sao thở được” (Xa quá không sao biết được) thì Trương Đăng Dung lại quặn lòng đến nỗi “ăn mày” ngay cả kí ức của mình: “tôi không còn nhiều bạn/ cây gạo đầu làng cũng bị chặt mất rồi/ tôi không còn kí ức/ tôi không còn những bông hoa gạo/ những giọt máu cuối trời tuổi thơ...” (Ghi chép hè 2009). Nỗi đau của người thơ ấy quá lớn!

            Thế giới vẫn bày những cuộc náo loạn. Không có giới hạn. Sự vô nghĩa của thế giới lên đến “đỉnh rỗng”[3]. Chỉ có nỗi đau cồn lên sôi động. Chúng cần đảo chiều. Bằng bút pháp nghịch lý, giọng thơ pha chút lạnh lùng cùng sắc thái hài hước đen, Trương Đăng Dung tạo độ vênh cho thế giới. Một độ vênh khát khao nhân bản. Những khát khao ấy sẽ cân bằng thế giới, cứu vãn nỗi đau đời:

 

Anh đã thức nhiều đêm chờ đợi

Khao khát một thứ gì nồng cháy như mặt trời

Ngọt ngào như quả chín

 

Từ cảm hứng và điểm nhìn như Trương Đăng Dung, Hoàng Vũ Thuật cũng từng mong muốn làm lại thế giới: “thế giới còn phải làm lại từ đầu/ huống gì một con người/ thế giới sắp xếp tưởng đã ngăn nắp quy củ/ thế rồi xáo tung lên hết thảy” (Thế giới và tôi). Đó là sự gặp gỡ của hai tấm lòng đầy thiết tha với cuộc sống nhân sinh.

 

Thế giới trong thơ Trương Đăng Dung được biểu hiện một cách phi lý từ chốn này sang chốn khác, từ thời gian này sang thời gian khác. Mỗi sự kiện là mỗi lát cắt thế giới. Lắp ghép. Những lát cắt hội tụ, báo hiệu một sự đổ vỡ, suy kiệt đang cận kề. Nhưng tất cả đều nhất quán trong ngôi nhà thơ của Trương Đăng Dung. Thế giới nghệ thuật thơ của Trương Đăng Dung chính là một thông điệp cho con người. Con người sống trong thế giới phi lý, con người cần có ý thức về bản chất đời sống, ý thức sự giới hạn để sống có ý nghĩa hơn, nhân bản hơn, vì con người hơn./.

 

Đồng Hới, ngày 15/7/2010

--------------------

[1] Inrasara, Hoà giải và hoá giải ba loại nhà thơ hôm nay, Tạp chí Sông Hương, số 256, tháng 6/2010, tr. 75.

[2] Nguyễn Dương Côn, Ảo hoá với phi lý, NXB Hội Nhà văn, 2004, tr. 168.

[3] Bài thơ “Đỉnh rỗng” của Trần Tuấn.

 

 

CHÙM THƠ CỦA TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

Những kỉ niệm tưởng tượng

 

Tưởng nhớ nhà thơ Hollo Andras[1]

 

Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054
tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời
ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời
họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu
các nữ y tá nhìn ta
kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói
không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội.

Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.

Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa kéo cày vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già.

Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi…
Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.

Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống.

 

Budapest, 4/1983

1. Hollo Andras là nhà thơ Hungary

 

Ghi chép hè 2009

 

Những giọt mưa hôm qua rơi xuống lá khô

những giọt mưa hôm nay rơi xuống mặt hồ

ngày vẫn thế

và mặt trời vẫn thế

 

Người đàn bà đẩy chiếc xe lăn

lần thứ mười ba đưa chồng vào bệnh viện

đêm dài hơn ngày ngày dài hơn con đường đã đi

nỗi buồn của chị

cũ hơn tháng ngày.

 

Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo

máu người nhuộm đỏ sách Kinh

bom nổ ở một chợ Bagdad

thịt người trộn vài rau quả

những người đàn bà chòang khăn đen lăn lộn

không thấy kẻ gây tội ác

chỉ thấy nạn nhân

và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ.

 

Hơn nửa thế kỉ đi lại trên mặt đất này

tôi không còn nhiều bạn

cây gạo đầu làng cũng bị chặt mất rồi

tôi không còn kí ức tôi không còn những bông hoa gạo

giọt máu cuối trời tuổi thơ...

 

5- 2009

Giấc mơ của Kafka

New York chiều chiều
những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông
cứu những con chim sẻ.

Paris trước cửa Viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ.

Ở Matxcơva những thiếu phụ da vàng
chơi với hổ
trên quảng trường ngập nước.

Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình
không có miệng
huơ tay chào khán giả…

Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất.


Hà Nội, 29 tết Canh Dần 2010

 

Chân trời
 
Thấy không em đường chân trời trước mặt?
Anh đã từng đến đó trong mơ
Có khi như Jesu đi trên mặt nước
Lòng anh cao thượng, sáng trong,
Có khi như một tên tội phạm
Anh bước đi uất hận trong lòng,
Có khi như một đứa trẻ
Anh hân hoan, ngơ ngác, chờ mong...

Anh đã thấy những người dị dạng
Dang tay đòi hái mặt trời,
Những bóng ma thọt chân, lang thang
Đòi trở về quê cũ.
Và những đội quân không mũ
Tay súng, tay đao chân bước thụt lùi,
Những nhà thơ chống gậy đứng cười
Trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện...

Anh đã đứng trong màn đêm
Khắc khoải chờ em đến
Cùng đi về phía chân trời.

Anh đã khóc những đêm chờ đợi
Khao khát một thứ gì nồng cháy như mặt trời
Ngọt ngào như quả chín.

Em đã đến
Đẹp như ánh trăng
Cô đơn như ngọn gió,
Chúng ta nằm trên cỏ
Sợ hãi trước chân trời.
 
1994

Hoàng Thụy Anh
Số lần đọc: 2030
Ngày đăng: 03.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Như Là Tình Yêu - Nguyễn Thị Phụng
Một vụ việc cố tình và mấy lời trần tình* - Nguyễn Chính
Địa hạt thơ ca xưa nay luôn sôi động. - Hồ Thế Hà
Lý Luận Tiểu Thuyết Trong Cái Nhìn Của Một Nhà Văn - Nguyễn Văn Tùng
Chút Tình Còn Lại - Nguyễn Liên Châu
"Như Long Lanh Sương Sớm" - Hoàng Thụy Anh
Đọc “Nhìn Phẳng” Của Thái Nam Anh - Nguyễn Bình Phương
Đọc Chân Phương Chiều Chạng Vạng… - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Nguyên Bảy, một “Núi thơ” - Hoàng Xuân Hoạ
Quán cũ, Vân Long - Vân Đình Hùng
Cùng một tác giả
Tin (thơ)