Năm trước, một bạn nhà báo dự định làm cuộc phỏng vấn các nhà thơ chỉ với hai câu hỏi.
Một: Bạn vẫn làm thơ, bạn có điên không?
Hai: Bao giờ thơ chết?
Dĩ nhiên tòa báo không chấp nhận cho thực hiện cuộc phỏng vấn nhiều tính “khiêu khích” trên, nhưng thực tình, hai câu hỏi của bạn tôi có đầy đủ sự nghiêm túc và hợp thời. Bởi người ta đang chứng kiến sự ghẻ lạnh của công chúng với Thơ. Riêng đối với tôi, dấu hiệu lâm nguy rõ nhất của Thơ Việt Nam là: thế hệ hai mươi tuổi không hiện diện trên thi đàn, trong khi những tên tuổi quan trọng nhất đều nằm trong lớp “lão niên” và “trung niên thi sĩ”.
Tưởng nên nhớ lại rằng: 60 năm trước, tất cả các nhà “Thơ Mới” đã nhất tề làm nên một thời đại thi ca ở tuổi 20. Chế Lan Viên mới 16 đã xuất hiện “như một niềm kinh dị”. “Hèn” hơn nhiều, như thế hệ “chống Mỹ” chúng tôi, cũng đã làm nên một cái gì đó khi chưa đến 30 tuổi.
Sau năm 1975, những người trẻ đến với Thơ nhìn chung đã không ghi được dấu ấn của một thế hệ, họ giống như một sự kéo dài muộn màng của các thế hệ trước. Rồi đến thời “kinh tế thị trường” thì nguy cơ “dứt cái dây Thơ ngàn năm” quá rõ.
Trong tình cảnh ấy, tôi thật ngỡ ngàng khi một cô gái 20 tuổi mang đến một quyển vở dày chép đầy thơ – đúng hơn là những trang nhật ký viết từ năm cô 18 tuổi. Chị nhờ tôi đọc, chọn giùm để in một tập thơ. Sự tò mò của tôi nhanh chóng biến thành vui sướng. Tôi đang thấy trước mắt cái mà mình chờ đợi từ rất lâu, sự chờ đợi sắp trở thành vô vọng: một giọng điệu, một nhịp điệu, một cách cảm, và hơn thế, một thẩm mỹ mới về Thơ. Ðây là Thơ của lớp người trẻ lớn lên trong môi trường đại đô thị – có nghĩa là chủ nhân tương lai của một nước Việt Nam hiện đại hoá.
Trinh Lê, tên cô gái, chỉ cần vài câu để dựng cả một không khí đời sống đô thị: phòng tranh, quán cà phê, đường phố mưa, cảnh quay phim... Nhịp điệu thị trường hối hả ghi nhận ở một cửa hàng bách hoá. “Ðến rồi đi/Ðưa rồi lấy/Cười rồi thôi/Hỏi rồi đứng/Ðứng rồi đi/Mặt đối mặt/Tiền đứng giữa/Lời cắt cụp”.
Chị rất sớm cảm nhận được sự cô đơn tận cùng của cá thể giữa cái lạnh giá của thời đại kim khí. Hình ảnh cô bé con “lần chân” trên đường ray tàu điện tuy vậy không làm ta mủi lòng, vì cô bé đầy tự tin. Cô “thôi miên nó” và biến nó thành phương tiện cho mục đích của mình: “Cả thế giới chỉ một mình tôi/Cái lạnh ngắt – trơn bóng/Ðưa tôi về quê ngoại” (Hà Nội).
Hãy so sánh bước đi của cô bé hôm nay với lời khẩn cầu của chàng trai 17 tuổi 60 năm trước để thấy khoảng cách giữa các thế hệ: “Ai ơi trở lại mùa thu cũ/Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/Và của hoa tươi muôn cánh úa/Về đây đem chắn nẻo xuân sang” (Chế Lan Viên).
Người con gái 18 tuổi này còn hơn một lần làm tôi giật mình bởi năng lực “bắt” được cái vô hình, cái trừu tượng. Chị nhìn ra hình khối tinh thần của một đám đông được quay phim: “Không chút sợ hãi/Họ trở thành/Một tập thể trống rỗng” (Buổi quay phim).
Nghe điện thoại mà chị nhận ra “tiếng rè rè của không gian sâu thẳm”. Quý lắm, nếu nhớ rằng văn, thơ, nghệ thuật truyền thống của ta rất ít khi mở ra được chiều siêu hình – cũng dễ hiểu vì đó không phải điểm mạnh của tư duy tiểu nông.
Những bài thơ đầu tiên của Trinh Lê được giới thiệu trên các báo Lao Ðộng, Tuổi Trẻ, Sông Hương, cũng như tập thơ gần 50 bài của cô sinh viên Ðại học Mỹ thuật do NXB Văn Nghệ TPHCM xuất bản năm 1990 đã không gây được sự chú ý của công chúng vốn quen nghe những âm điệu du dương tiền chiến hoặc dễ phấn khích với những ý tưởng chính trị, những bức xúc xã hội phát ra bằng văn vần.
Thế là sự thất vọng của tôi chuyển đối tượng: Tôi bắt đầu nghĩ rằng lớp trẻ đã tiềm tàng những nhà thơ đích thực của họ, mà “sự già nua của chúng ta đang đè nặng thi đàn không cho phép lộ diện” (tham luận tại Hội thảo về Thơ Mới tại TPHCM tháng 12.1992), và tôi bắt đầu chăm chú.
Ðầu năm nay, vô tình, một cuốn sách nhỏ của một NXB địa phương rơi vào tay tôi, cuốn “Mây bán đảo” do nhà thơ Hoàng Minh Nhân tập hợp sáng tác của những cây bút mới Quảng Nam – Ðà Nẵng. Hai cái tên xuất hiện trên mục “Thơ của cây bút mới” của báo Lao Ðộng lần này gây tiếng vang đáng kể trong làng Thơ.
Lê Thu Thuỷ với tứ thơ táo bạo: “Ðêm/Chúa ở chỗ nào cứ ở nguyên chỗ ấy...”. Ðể kết thúc bằng sự khẳng định thân phận trần thế của con người: “Tôi nhỏ tí như một vì sao lạc/Lũ gián bò lặng lẽ đến rờ tôi” (Ðêm). Bài thơ viết năm 18 tuổi. Sau đó, cô sinh viên Ðại học Ngoại ngữ Ðà Nẵng gửi cho tôi một tập thơ đã xuất bản năm 1991 (lúc 19 tuổi) ở Ðà Nẵng (Thơ cho Isaura). Tập thơ xứng đáng được ghi nhận vì giọng điệu mới lạ trong thể thơ bậc thang đã lâu bị quên lãng nhưng được chị làm mới trở lại một cách dễ thương. Tập thơ có nhiều bài khiến tôi phải ngạc nhiên vì cái nhìn đầy bản lĩnh về thế giới, vũ trụ, loài người, trong cái cảm vẫn hồn nhiên nghịch ngợm của cô học trò ương bướng, thách đố. Tiếc thay, tập thơ cũng đã chịu chung số phận với người bạn đồng lứa ở Sài Gòn.
Người thứ hai là Lê Viết Hoàng Mai, cũng sinh viên Ðà Nẵng. Tôi mới đọc vài bài của cô, nhưng tôi cho bài “Hẹn chị trên đồi cỏ úa” mà báo Lao Ðộng giới thiệu là một trong những bài thơ tình độc đáo và xúc động nhất. Ðây là thơ của một người con gái thương một người con gái vất vả lỡ thì. Bài thơ rất thực thà, dân dã: “Chị tôi đen/sấp ngửa nắng mưa trên cánh đồng nứt nẻ/ra đường chị te tái chạy/duyên đâu?/mà để tìm chồng” để rồi hạ một câu kết bàng hoàng thật nhân bản: “Ước chị hoá đàn ông/hẹn chị trên đồi cỏ tía”. Sắc cỏ này thật là thời đại, nó không vàng ảo não như đã thành sáo trong tiền chiến, không xanh mướt một cách thông dụng dễ dãi mỗi khi nói về tình yêu. Sắc tía này có sự cứng cỏi và có vị đắng. Còn cái hẹn ước ở đây, giữa hai người đàn bà, dù được cẩn thận rào đón (ước chị hoá đàn ông), cũng thật là thấm đượm tinh thần thời đại!
Ba cây bút trên có điểm chung là phóng bút nhanh, bao quát gọn, đường thơ bất ngờ, câu sắc, kiệm lời. Tôi nhìn thấy bóng dáng những cô gái cưỡi xe phân khối lớn lướt vèo trên đường phố.
Nhật Lệ thì phức tạp, dùng dằng hơn. Cô gái gốc Quảng Bình học ở Huế, sống ở TPHCM này giãi bày suy tư trong một tâm thế vừa xô đẩy vừa giằng co. Băn khoăn tự nhận dạng thế hệ mình, chị cảm nhận được sức mạnh của bản thân nhưng không giấu giếm sự bất lực và lo sợ trước thế giới “người lớn”: “Tôi thích dùng những động từ mạnh, những hình dung từ treo ngược chính tôi/Nhưng tôi chưa thấu hiểu/Cái gì mạnh, cái gì đáng sợ treo ngược con người” (Năm tôi 23 tuổi).
Trong tình yêu cũng thế, khước từ đi liền khẩn khoản, hoài nghi rồi lại cuồng nhiệt, càng phân tích lại càng rối rắm. Nhưng cuối cùng, chết gục trong hạnh phúc bao giờ cũng là khao khát của thế hệ hiện đại này, như lời tuyên ngôn của Nhật Lệ: “Những con thiêu thân nằm duỗi cánh trên đồng/Cuộc sống của chúng được chôn trong ngày hội.../...Anh chẳng cần biết gì nhiều về em/Hãy biết một con sói cần làm gì khi con mồi bật khóc” (Nếu như anh biết yêu em).
Những giọng điệu mới này đã được công chúng năm 1993 đón nhận. Thế là việc phải đến đã đến, hay nói cách khác, cái gì cũng phải chờ đến lúc của nó!
Cuộc thi Thơ báo Văn Nghệ TPHCM vừa qua, Nguyễn Quyến, học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học ở một tỉnh trung du phía bắc là phát hiện ý nghĩa nhất của nó. Ðến nỗi nhiều người coi việc anh không được giải thưởng vì phạm quy đã khiến “chông chênh” cả giải.
Không ngoa, nếu so sự mới lạ của anh với vẻ cũ kỹ khó gây ấn tượng của hầu hết các giải được trao. Trước đó, Nguyễn Quyến tham gia “Nhóm thơ Thanh Xuân” (Hà Nội) do Nguyễn Quang Thiều sáng lập và cũng mới giật giải thưởng lần thứ nhất của nhóm này (chỉ có 50.000đ!). Anh cũng đã tự in một tập thơ riêng (“Mưa ban mai”).
Người ta sửng sốt vì tài tung phá ngôn từ của cậu học trò 18 tuổi: “Không còn gì đón phía trước/Không còn gì đợi phía sau/Nhìn cỏ cây bằng cái nhìn vàng úa/Nhìn sỏi đá bằng cái nhìn nhớp nhúa”; những “triết lý” ngược ngược, hay hay kiểu như: “Không phải ta khát mặt trời mà chính mặt trời khát ta/Không phải ta khát cặp môi em mà chính ta khát cặp môi ta”.
Cũng theo con đường của Nguyễn Quang Thiều: Ðưa cách nói mới, kỹ thuật mới (của phương Tây) vào những đề tài quen thuộc của đời sống nông thôn (Việt Nam), nhưng Nguyễn Quyến hấp dẫn hơn nhờ cái giọng sôi nổi của tuổi trẻ. Kể ra có hơi “ồn” và lắm khi biểu diễn lý sự, nhưng cũng quý như bất cứ nỗ lực nào “vần” bánh xe Thơ đi tới.
Trong khi phần lớn các nhà nghiên cứu, phê bình, giảng dạy vận dụng kiến thức thi pháp giữa thế kỷ XIX để bàn, giảng, đánh giá Thơ hôm nay, rõ ràng cái thiếu nhất để thế hệ thơ hai mươi tuổi làm nên chuyện là những thông tin đáng tin cậy về mỹ học nói chung và thi pháp thơ nói riêng của nhân loại thế kỷ XX, tương tự những điều mà các bạn đồng lứa của họ bên hội họa được hưởng. Dẫu sao, năm 1993, này, mối ưu tư của tôi đã được giải tỏa: Thơ Việt Nam đã tiềm tàng một kíp đổi gác để sống sót qua thiên niên kỷ mới./.
Sài Gòn, tháng 11.93-Lao Ðộng Xuân 1993.