Lần đầu tiên VCV giới thiệu nhà văn Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan sinh năm 1962, cùng gia đình rời Sài Gòn ngày 27 tháng 4-1975. Tốt nghiệp kỹ sư điện toán, Phạm Chi Lan làm phân tích viên hệ thống tại Texas cho đến khi bạo bệnh rồi qua đời ngày 21 tháng 9 năm 2009 tại Dallas. Là chủ bút của web site Văn học Nghệ thuật Liên mạng đầu tiên ra mắt tháng 7-1995 tại Hoa Kỳ, Phạm Chi Lan còn cộng tác mật thiết với các tập san Văn học, Văn, Hợp Lưu. Cô chuyên về thể tùy bút, ký, với lối văn nhẹ nhàng đằm thắm. Ký Tháng Tư Tội Lỗi chưa in lại hay xuất hiện trên internet.
Chủ nhật, 27 tháng 4-1975.
Ðang ngủ ngon thì mẹ gọi thốc dậy. Vẻ mặt nghiêm trọng, mẹ gọi tôi và Biếc ra góc bếp rồi dúi vào tay chị em tôi mỗi đứa một cuộn giấy bạc. Mẹ cho tiền tiêu vặt, muốn mua gì thì mua thỏa thích này. Và không giải thích gì thêm. Cầm cuộn tiền trong tay, tôi bối rối, ngại ngùng. Lần đầu tiên được giữ nhiều tiền, tôi hỏi Biếc làm gì với nó, chị ngơ ngác bảo không biết. Mỗi đứa có 50.000 đồng, số tiền quá lớn đối với một đứa trẻ. Hồi hộp với cảm giác lạ, không biết lấy làm vui sướng hay lo sợ một điều gì mơ hồ đang xảy đến. Số tiền này, chị em tôi có thể hùn mua được chiếc xe đạp mini, một mơ ước ngoài tầm với những ngày trước. Nhà nghèo, chị tôi vẫn mơ có một chiếc xe đạp xinh xinh để đi học và chở tôi đến trường, thay vì phải lội bộ dưới những cơn nắng gắt. Nhưng, lúc này, chiếc mini không còn là giấc mơ hay cần thiết nữa. Chỉ thấy lòng dửng dưng với xấp giấy bạc. Tiền để làm gì bây giờ nhỉ?
Mấy tháng nay tình hình xao động, chung quanh không bình thường, yên ổn như ngày này năm ngoái, những ngày chuẩn bị mùa nghỉ hè. Có nhiều chuyện quan trọng khác, chẳng hạn như cảm giác bất an trong lòng mà tôi không định hình được. Tôi đang thấp thỏm chờ đợi một biến cố tâm lý, cơ thể đứa con gái bắt đầu dậy thì, đang xôn xao với nhiều bồn chồn, lo lắng. Như lần đầu tiên mặc cái áo nịt ngực, xấu hổ tưởng ai cũng đang nhìn mình chằm chằm, xuyên qua lớp áo nhìn thấy hết...
Bà bắp luộc cắp rổ đi ngang, tôi gọi mua một chục cái bắp nóng hổi. 12 cái à, dạ hôm nay con bao cả nhà ăn bắp. Tôi tặng bà luôn số tiền thối lại khá lớn. Gặm một cái và đưa Biếc một cái. Ngô nhạt nhẽo, miệng mồm tôi cũng nhạt nhẽo, không cảm thấy thèm quà vặt. Những chiếc bắp dư thừa nằm lăn lóc trên bàn không ai ngó ngàng tới, ruồi bậu vo ve. Không khí im sững lại. Tôi nghe tiếng thở của mình nặng nề giữa buổi trưa nóng nực. Biếc có vẻ tư lự, suy nghĩ gì, chị bảo chạy đi đây một tí, sẽ về ngay. Tôi nhắc theo, mẹ dặn không được đi đâu quá một tiếng đồng hồ đấy. Bố mẹ lại thì thào, bàn tính chuyện gì không muốn cho bọn trẻ nghe. Tôi tò mò, không biết bố mẹ đang có chuyện gì quan trọng. Vẻ mặt mẹ rầu rầu đăm chiêu, tôi hồi hộp nhưng không dám hỏi. Ðến chiều, bà chị ở Bến Ðình đạp xe vào, rón rén nhìn trước nhìn sau. Mẹ và chị kéo nhau ra góc thì thầm. Chị Thuận nói nhỏ, “gia đình con thu xếp xong rồi, nhà có 5 người, tiền thì mua vàng hết, chỉ có cái TV và xe honda thì để lại, dấu trong góc vườn, nếu không đi lọt trở lại…” Tôi bàng hoàng, tay nổi gai, rờn rợn khắp người. Cái lo bỗng ập đến, tôi hoang mang vô cùng. Ðiều ghê gớm là gia đình tôi đang tính đi xa, nhưng mà đi đâu? Con Hà hàng xóm chạy sang rủ đi ciné có phim hay đang chiếu, tôi lắc đầu không đi. Cũng không muốn tâm sự gì với nó.
Có điều gì trong tôi đang giằng co, bứt rứt mà không thể nói với ai được. Tôi vẫn giữ trong bụng nhiều điều, Biếc vẫn bảo tôi bày đặt kín đáo, khó tính như bà cụ non. Bà cụ non đang buồn muốn chết… Cả tháng nay tin thời sự nóng bỏng. Tối nào ăn cơm xong tôi cũng phải đọc báo cho bố nghe khan cả cổ. Tôi đọc như con vẹt, toàn những từ ngữ dao to búa lớn, những địa danh khói lửa. Nội dung là trận chiến đang thảm khốc, tới hồi quyết liệt. Báo đăng toàn tin xấu: Huế, Ðà Nẵng thất thủ, Khe Sanh, Pleiku tơi bời. Bên ta, bên địch người chết như rạ. Lính bỏ áo giáp, súng ống chạy có cờ. Mỹ thì đã bỏ chạy từ kiếp nào. Chữ “Time” tôi đọc là “Ti-me” mặc Biếc che miệng cười. Tham-mờ, nhỏ này quê quá, là tờ Thời Báo của Mỹ đó. Kệ tui, tui đọc bố hiểu là được rồi… Bố mua gần hết nhật trình ở sạp. Ðối với tôi những tin gì liên quan tới chiến tranh, Việt cộng, Giải phóng nằm vùng, Nguyễn văn Thiệu, Dương văn Minh, Mỹ Mẽo… đều chán phèo, tôi đọc như một cái máy, đọc vì được bố trả công, vì cặp kính lão của bố bị gãy càng. Ðọc mà không biết mình đọc gì, đầu rỗng toang. Chỉ chờ đọc xong phần tin tức cho bố, tôi lật ngay trang trong có đăng từng kỳ truyện “Áo mơ phai” của Nguyễn Ðình Toàn, đọc ngấu nghiến. Văn nhẹ nhàng, thơ mộng, hợp với tuổi ô mai hơn. Giọng ông này đêm mà đọc truyện trên đài Quân Ðội thì tuyệt, ru ngủ rất ngon, tối nào chị em tôi cũng dành cái radio nghe nhạc.
Tôi đang chán ghê vì những gì người lớn đang toan tính. Không ai hỏi ý kiến bọn trẻ có muốn đi hay không. Biết đi là trọng đại, ai cũng mơ hồ cảm nhận, vừa thấy thích vừa hoang mang, hồi hộp.
Nhưng một khi bố đã quyết định thì không còn một chọn lựa khác. Mẹ lúc này tiêu tiền phóng khoáng, không hà tiện chắt chiu như lúc thường. Dường như tiền không còn ý nghĩa giá trị trong những ngày loạn lạc, hay mẹ dùng tiền dành dụm bao lâu nay để bù đắp cho chúng tôi những món ngon, vui hưởng những giờ phút còn lại ở nơi này? Mua một lúc 2 ký nhãn và mấy chục cái lạp xưởng, bánh mì, phó mát… mẹ xài sang như dân Saigon có tiền vậy. Gia đình bà chị cả đã kéo ra Cấp tối qua, lễ mễ hành lý, radio, máy hát lỉnh kỉnh. Biếc tìm được trong thùng cuộn băng nhạc Trịnh Công Sơn, khoái chí. Giọng Khánh Ly khàn khàn, rên rỉ. “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…” Họ nói tất cả đã sẵn sàng, tăng lều đã được dựng lên ở đảo Guam, đảo Wake, Philippine… Người Mỹ đã biết hết thời cuộc. Bố kêu nhức đầu nằm ngả lưng trên phản, bảo tôi mang báo có hình quang cảnh trại tị nạn cho bố xem. Bố ngồi ngay dậy: “Ðây này, tin xác thực có cả hình đây, bác Gián nói không sai. Tình hình không ổn đâu, trước sau gì cũng mất nước. Mình là dân Bắc di cư không thể chần chừ được...”, bố phân trần với mẹ. Mẹ đang loay hoay thu xếp, mẹ buông tay thẫn thờ. Dưới ánh đèn, hình ảnh mẹ chịu đựng như một bức tượng. Miền Trung đã mất cả tuần nay, bố bồn chồn đứng ngồi không yên.
Báo và radio toàn loan tin thời sự, từng thành phố một thất thủ. Người miền Trung bỏ chạy về phía nam, những khuôn mặt thất thần, nhếch nhác, rách rưới, nhà cửa cháy tan hoang… Họ thoát chết vì bom đạn
trên quốc lộ số một. Người chết nhiều lắm. Xe tăng Việt cộng đang tiến vào Sàigòn. Xuân Lộc đang tử thủ. Lại nghe đồn giá gạo mắm sẽ lên. “Ôi dào,” mẹ thở ra, “tôi chẳng biết, ông tính sao thì tính…” Người
bạn của bố ghé nhà mấy lần có vẻ vội vã, thầm thì với bố điều gì, rồi phóng xe đi ngay. Không khí căng thẳng ngột ngạt một điều gì… Biếc nói bên trường trung học phải nhường phòng lớp cho người di tản.
Nghe nhiều chuyện dễ sợ lắm, có người chết hết cả gia đình. Tuần trước, lớp tôi quyên được ít tiền ủy lạo nạn nhân thời cuộc, tôi nhịn tiền quà sáng đóng góp. Các cửa hàng bán đồ khô, gạo, nước mắm đắt như tôm tươi. Ai cũng lo dự trữ thực phẩm. Tối qua mẹ chở về nhà 2 tạ gạo, bố gắt um lên, bà mua làm gì lắm thế. Mẹ cẩn thận bao giờ cũng lo đến cái ăn trước tiên. “Ông có nhớ năm đói không? Tôi phải tích trữ gạo, nước mắm… kẻo chết đói cả lũ.” Bố lắc đầu, đầu hàng mẹ.
Sáng thứ hai, 28 tháng 4, cả nhà thức dậy sớm hơn thường lệ. Bố hô hào chuẩn bị hành lý. Túi lớn túi nhỏ, bóp ví đã đặt ở đầu giường từ đêm qua để khỏi quên. Trời nắng rất đẹp. Trong nắng có một cái gì long lanh mà buồn hiu hắt. Có ai vừa bật cái máy hát, lại nhạc họ Trịnh, giọng Khánh Ly ngân nga, sướt mướt: “Người con gái Việt nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín…” Mấy chị gánh hàng rong đi ngang, mẹ gọi mua mỗi người một gói xôi và chén đậu hũ đường. Không ai nuốt được, bảo không đói. Hàng xóm đi lại thơ thẩn, thản nhiên như thường ngày. Vài người nhìn chúng tôi tò mò, dò hỏi. Gia đình Bắc kỳ này lạ lùng, làm cái gì cũng kín kín mở mở, ít ai hiểu. Mà chẳng ai thèm quan tâm đến chuyện người khác trong lúc này. Có ai biết chuyện gì ghê gớm đang xảy ra không? Ðời sống vẫn đang tiếp diễn. Chiến tranh kẻ thù ở nơi khác, ở đây chỉ có giá vàng là tăng, bến tàu thì nhộn nhịp khác thường, và ngư phủ ra giá từng khoang tàu bằng những cây vàng. Tôi cảm thấy có điều gì bứt rứt không yên. “Em chưa thấy quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam…”
Lại dấy lên ý nghĩ so sánh giữa đi và ở. Tội nghiệp họ hay tội nghiệp mình? Có biết ai may mắn hơn ai? Ðám con nít chạy chơi rông ngoài đầu ngõ, trường cho nghỉ học cả tuần nay vì biến động thời cuộc.
Chiến tranh đã mò về tới thị xã du lịch miền biển này. Vũng Tàu mà cũng đi chạy giặc là đánh tới đít rồi. Việt cộng vào sẽ không tha một ai. Ông Hùng là nằm vùng đó, ổng biết hết ai tẻ ai nếp… Những lời truyền miệng hoang mang. Sôi động khắp nơi, thày cô nhớn nhác, hiệu trưởng bù đầu với đám tị nạn thời cuộc lếch thếch, rách rưới, gồng gánh từ Ðà Nẵng vào chiếm ngụ hết cả nhà trường. Họ nằm ngổn ngang, lều chõng la liệt, nấu nướng giặt giũ giống cái trại tị nạn. “Ðàn bò vào thành phố, không còn ai hỏi thăm… Ðàn bò tìm dòng sông, nhưng dòng nước cạn khô… Cái máy lải nhải, đĩa nhựa đứng tại chỗ không nhảy qua vòng khác được. Rồi người bỗng thấy buồn… Rồi người đã thấy buồn. Chiến tranh thảm khốc ở đâu đâu chẳng biết, ở đây, tôi nhìn thấy hậu quả. Chiến tranh chính là mi đấy ư? Ôi quê hương đã lầm than sao còn chiến tranh? Mười giờ sáng, xe lam tới đậu trước cửa nhà, bố chạy ra bảo chờ. Ðại gia đình nhà tôi tất cả 20 người đã tề tựu từ mấy hôm trước. Ðã sẵn sàng cả rồi. Bố dặn túi xách của ai người nấy mang. Trong túi, ai cũng có một số tiền mẹ phát “để dằn túi”. Tôi vẫn còn một bó nhỏ, gài kim băng cẩn thận. Mới tiêu hết có vài nghìn, tiền ăn hàng, mua mấy tập truyện và một đôi dép mới. Tôi mua mấy cuốn Tuổi Hoa đỏ và tím là mấy loại tôi thích nhưng vẫn chưa động tới. Có gì trong nắng mà nhớ…
Nắng lung linh nhảy múa, buổi trưa nóng gắt. Tôi bỗng hoảng hốt nhìn quanh quất, linh tính lần cuối cùng nhìn khung cảnh căn nhà quen thuộc này. Con mèo tam thể chạy đến gạ gạ dưới chân, tôi bồng nó lên vuốt nhè nhẹ. Thôi ở lại nha mèo, sao hôm nay mày nhiều tình cảm thế này. Con Mướp cũng tới meo meo đòi nựng. Tôi vẫn cưng Tam thể hơn vì nó nhu mì, mắt nó trong veo, lim dim nhắm nghiền. Mẹ dục, rồi đẩy tôi lên xe lam ngồi trước cạnh ông tài. Nhìn lại con ngõ một lần cuối, tôi cố thu hết hình ảnh.
Ðến Cầu Ðá chuẩn bị xuống ghe, mẹ khóc, vai mẹ rung nhè nhẹ. Ông anh thứ vẫn còn kẹt ở đơn vị chưa về kịp. Mẹ nói bố chờ đến tối xem anh có về kịp, bố gạt đi bảo không thể chờ, nó lớn tự lo đường đi sau. Bến tàu đông nghẹt người, người ở đâu ra nhiều thế? Trên mặt ai cũng lộ hoang mang, hoảng hốt điều gì. Ghe tàu đủ loại đậu kín các bãi. Bến đậu bẩn thỉu, hỗn loạn, bát nháo. Người ta chen lấn, giành giật, chửi rủa nhau vì không được mang gà vịt, chó, xe honda, tủ lạnh xuống ghe. Nhìn ra biển, tôi thấy lo. Nếu đắm tàu, tôi sẽ níu ai, ai có thể cứu tôi. Lần đầu tiên đi biển trên một chiếc ghe, tôi bỗng thấy khiếp. Tôi không thể bơi, và Biếc thì sợ nước giống con mèo Tam thể. Thuyền chòng chành, ruột gan bắt đầu nhộn nhạo. Chạy một đoạn thì tấp vào một tàu đánh cá lớn, đây là tàu bố tôi mua chỗ do bác Gián môi giới thu xếp. Sóng lớn, ghe trồi lên dập xuống. Chân tôi mềm oặt không có điểm tựa, tôi cố trèo lên tàu. Người trên thì kéo, ngừơi dưới thì đẩy, ngón tay tôi bị kẹp dập tím, đau điếng. Trên tàu đã chật ních người, ngột ngạt mùi tanh lợm của cá chết và gây gây nặng mùi mồ hôi của mấy gã đánh cá. Sóng lớn, gió nóng và rát bỏng, mặt ai cũng đỏ gay vì say nắng, say sóng. Ðầu mơ màng, tôi ói tận mật xanh. Tôi thiếp đi một giấc dài, tỉnh dậy thấy trời đã tối mịt. Mênh mông trời nước. Một rừng ghe tàu đông nghẹt trên mặt biển, nhấp nháy đèn dầu sáng lung linh như một thành phố nổi. Phía xa, những đốm sáng của những chiếc tàu lớn đen ngòm, lừng lững một góc trời.
Ðệ thất hạm đội Mỹ đó, người ta đang bàn tán, chỉ chỏ. Bụng cồn cào, buồn nôn vì mùi tanh tanh, mùi muối mặn, gió nồng… Tôi nhịn tiểu đã gần một ngày, người bứt rứt khó chịu. Mệt lả, lịm đi không còn cảm giác, không muốn ăn uống, tiêu tiểu như bình thường… Mồ hôi ra rịn ướt, chất cặn trong người thải ra đỡ khỏi tiểu. Biếc ôm khư khư cái túi vải, không biết có gì quí mà ôm chặt không rời, Biếc ngủ gục trên cái túi đó. Tôi gặm một miếng bánh mì cứng như khúc củi, miệng khô rát, đắng ngắt. Chúng tôi ở trên ghe đánh cá đã 2 ngày đêm rồi, tàu cắm neo một chỗ, tay chân tôi tê điếng vì gò bó không nhúc nhích được. Sáng nay, tôi và Biếc phụ họa với chị Cả đòi vào bờ. Mình cứ đậu đây hoài sao, để làm gì chứ, quay về đi bố ơi. Bố quát bảo im miệng, con nít biết gì…
Giữa đêm có tiếng nhốn nháo, mọi người chồm ra tàu nhìn xuống. Một chiếc ghe nhỏ táp lại gần, nhao nhao đòi lên. Ông Biên chủ tàu quát lớn: “Không cho nó lên. Lấy cái chày đâu, đưa tao…” Ông ta đập túi bụi vào đầu người đàn ông bận đồ lính thủy quân lục chiến. Hắn nhảy được lên tàu, mắt long sòng sọc, hắn rút khẩu súng lục, lên đạn, bắn mấy phát lên trời, rồi chộp ngay một đứa bé ngồi ở mạn tàu. “Ð.M. không cho gia đình tao lên, tao quăng con nhỏ này xuống nước.” Bà chủ ghe hét lớn “Ối, không được đụng tới con tao. Cho nó lên đi, ghe còn chỗ đấy…” Họ kéo nhau lên. Nhiều người lầu bầu chửi, ỷ đi lính có súng giỏi uy hiếp. Mệt và chán nản, không ai thèm quan tâm tới ai. Chúng tôi nằm chồng chất lên nhau, thiêm thiếp trong mỗi tâm trạng riêng. Có tiếng đọc kinh tối của một gia đình ngoan đạo nào trong hầm tàu, tiếng kinh líu ríu quyện với tiếng sóng vỗ đều đặn. Tôi cố làm quen với những đợt sóng ngả nghiêng, chòng chành, tôi dựa đầu lên lưng mẹ. Ðêm ấy bầu trời trong đầy sao. Tôi nhìn những khoảng trống đen trên biển, cảm thấy lạc lõng. Rồi tôi thiếp đi. Giữa đêm tàu bị sóng động, tôi bị nhồi sóng không ngủ lại được. Nằm thao thức, tôi thấy Biếc thò tay vào túi vải, cái túi cựa quậy.
Tôi kinh ngạc chồm dậy. Biếc ra hiệu cho tôi im lặng. Tam Thể hay Mướp? Tam Thể đó. Nó đòi theo. Ðừng nói cho ai biết nghe. Miu miu, nằm im, ngoan nào. Tôi cười đồng loã với Biếc. Sáng 30 rồi, bố thì thào với mẹ, tay ôm cái radio áp sát tai nghe đài. Mẹ vấn lại mái tóc xổ, nhìn hướng vào bờ, trông ngóng. Núi lớn nổi rõ, sừng sững. Ngọn hải đăng đã tắt ngúm từ bao giờ, mặt trời chói chan trồi lên mặt biển. Tôi choàng tỉnh dậy giữa tiếng nhốn nháo ở đầu ghe. Ông Biên chủ tàu đang quát nạt một người đàn bà. “Không được! Bao giờ có lệnh thì tàu chạy.” Ông Biên hách dịch cắp đít bỏ đi.
Có khói lên từ phía cuối ghe, mùi cơm sôi thơm ngào ngạt. Chắc gia đình chủ tàu nấu cơm cho nhau ăn. Ba ngày nay, gia đình tôi chỉ ăn cơm nắm mẹ bới mỗi đứa một bịch. Ăn cơm nắm với ruốc, vừa mặn vừa khô thật khó nuốt. Cái gì vào bụng cũng muốn tống ra ngay. Tôi thấy ngăm ngăm đau ở bụng, cái đau khác thường lắm. Lòng bàn tay tôi lấm tấm rịn mồ hôi, run run. Tôi ráng nín đau, kềm nó lại. Tàu lại có thêm vài người mới lên. Nắng chói gắt, nóng ghê gớm, mặt trời đã lên trên ngọn núi. Bỗng có tiếng nổ ầm ở mé trái, ngọn nước bắn cao tung toé.
Người nhốn nháo, kêu rú thất thanh. Việt cộng pháo kích, bắn từ trong đất liền ra? Rồi tiếng súng đì đạch phát ra từ những tàu ghe đậu cạnh. Chung quanh tàu ghe đã đậu sẵn từ bao giờ, cả hàng ngàn chiếc ghe đánh cá đầy nhóc người. Tôi run bần bật, níu lấy áo mẹ, sợ như chưa bao giờ sợ. Chưa bao giờ nghe tiếng súng, tiếng nổ to và sát bên tai thế này. Tôi nói mẹ quay vào bờ, thôi không đi Mỹ nữa đâu. Người đàn ông đen thui từ dưới hầm ghe chui lên, mắt đỏ ngầu giận dữ, quát lớn: “Tổ cha đứa nào mang mèo lên tàu! Ði biển mà mang mèo theo là xui tận mạng. Ai? Ð. má đứa nào ngu vậy, tao vặn cổ ném xuống biển…” Mặt Biếc tái xanh không còn giọt máu, tay run cầm cập. Bố chợt hiểu. Bố quay nhìn chị em tôi, nghiến răng trừng mắt giận dữ. Mẹ ra hiệu nín im, không được lên tiếng. Tôi nắm chặt tay Biếc. Con Tam Thể chui ra túi từ hồi nào, chạy rông kêu meo meo nên bọn tài công biết được. Biếc cúi đầu, không dám hó hé. Gã đen đủi xấu xí kia túm được Tam thể, xách cổ nó lên boong, mắt nó ngơ ngác, co rúm vì sợ. Gã rủa, rồi ném mạnh con mèo rơi tõm xuống biển. Biếc rú lên, tôi cấu tay chị. Biếc bụm miệng, rung bần bật. Tôi bỗng thấy cơn giận ập đến, nhoài người ra tàu nhìn theo con mèo hiền lành của mình đang ngụp lặn, ngáp ngáp, dãy dụa trên sóng. Nó quào quào yếu ớt, rồi chìm lỉm, mất hút. Tam thể mọi khi rất sợ nước. Biếc mím chặt môi khóc không thành tiếng. Tối nào nó cũng nằm ngoan ngoãn lim dim trong lòng chị khi học bài. Kẻ thù, chiến tranh, quân địch ở đâu?
Tôi vừa nhìn thấy cái mất mát đầu tiên. Con mèo thân thuộc chìm lỉm làm tôi thấy nhói trong lòng. Cơn đau lại quặn lên từ bụng, nó ngâm ngâm như là… mà không phải, tôi không cần đi ra đầu tàu lúc này… Ðầu tôi quay mòng, nhức khủng khiếp.
Giữa trưa, nắng lên nóng gắt. Tiếng radio của ông chủ ghe mở lớn, át tiếng xì xào nói chuyện, bàn tán, cãi nhau. Ông Biên quát mọi người im lặng để ông nghe đài. Dương văn Minh đã đầu hàng. Thôi, thế là hết rồi. Người ta nhao nhao hét nhổ neo mà chạy thôi. Ðám đàn bà con nít sợ hãi, ré khóc um sùm. Mặc ai nấy khóc, nói, quát nạt, chạy tới chạy lui, bứt đầu bức tóc. Tàu nào chung quanh cũng có cảnh tương tự. Một chiếc ghe lớn đi ngang tông cái rầm vào sườn tàu. Tàu chao nghiêng, tiếng rú thất thanh. Ối lạy chúa, Nam mô a di… Ông Biên hét gã tài công nổ máy, chạy gấp. Ðã có lệnh ra khơi. Ðoàn tàu nhổ neo túa ra biển như những chiếc lá tre, trực chỉ phía hải phận quốc tế. Tai tôi lùng bùng giữa nhiều thứ âm thanh hỗn tạp, tiếng hét, tiếng khóc, tiếng đọc kinh, tiếng súng nổ, tiếng pháo kích, tiếng máy tàu, tiếng trực thăng quạt trên đầu… Có tiếng bàn tán của những người nhanh miệng trước thời cuộc. Việt cộng đã vào Dinh độc lập. Có người ôm mặt khóc. Làn sóng đài thủ đô đang vỗ tay đánh nhịp: Rừng núi dang tay nối lại biển xa… Dương văn Minh chào mừng người anh em từ miền bắc vào giải phóng. Bố đập mạnh tay vào thành tàu: “Khốn nạn!” Không ai còn lòng dạ nào lắng nghe những lời hát, lời nhạc, diễn từ phát ra từ cái radio ấy. Vài thanh niên đứng lên ngồi xuống, nhấp nhổm trông ngóng ra hướng biển xa. Chúng tôi quay nhìn lại trong bờ, đất liền xa dần, ngọn núi Bãi sau chỉ còn là một chấm li ti ở đường chân trời, thu nhỏ rồi mất hút. Giã từ đất liền, giã từ Việt nam.
Chúng tôi đã nhấc chân ra khỏi vùng đất quen thuộc, gắn bó. Tôi chợt nhớ tới một câu trong cuốn sách đã đọc. Chữ quê hương bỗng trở nên lạ lùng, khó hiểu đối với tôi kể từ lúc này.
Chiến hạm khổng lồ xuất hiện. Ghe tàu tị nạn bu quanh như đàn kiến. Tàu Mỹ rất lớn, sừng sững như tòa nhà mười tầng. Chúng tôi tiến về phía đó, mọi người trên ghe la ó, mừng rỡ, tay phất cờ Mỹ và cờ vàng ba sọc đỏ. Có tiếng loa phóng thanh từ trên tàu lớn, người thông dịch viên yêu cầu “đồng bào” lần lượt chờ lên tàu theo trật tự.
Không có gì gọi là trật tự trong giờ phút này, người mất nước bỏ chạy như đàn kiến vỡ tổ. Mạnh ai nấy leo, mạnh ai nấy đẩy, đè đạp lên nhau để trèo lên. Lão Biên ra lệnh cho thân nhân ông ta khiêng vali hành lý của họ lên trước. Lão quay lại nạt nộ bố không được mang theo gì hết, đồ đạc lính Mỹ sẽ mang lên sau. Mẹ đỡ tôi trèo qua được cái xà lan dập dềnh sát cạnh cầu thang lên tàu. Một ngọn sóng lớn trồi lên, xà lan chòng chành, tôi bước hụt chân, tiếng mẹ hét lớn. Bỗng một cánh tay lông lá, rắn chắc khoẻ mạnh của ai vừa nhấc bổng tôi lên. Người lính Mỹ bế tôi lên thang dây, những bậc thang mỏng manh, chòng chành, tôi níu chặt ông ta sợ té. Bụng tôi lại đau quặn, lưng mỏi ghê gớm. Tôi thở ra như sắp đứt hơi. Có cảm giác ẩm ướt chảy sướt, mồ hôi vã ra, bàn tay lạnh ngắt. Ðiều lo sợ kinh hãi nhất trong đời tôi đang xảy đến, trời ơi, không ngờ nó lại là lúc này. Tôi cắn răng, kềm tiếng rên.
Mặt tôi tái nhợt. Trời hành tôi là con gái, tôi than thầm. Không dám rên la hay động đậy mạnh. Những gì “người-lớn” chuẩn bị tinh thần về chuyện hành kinh đầu đời con gái, giờ thấy vô lý hết. Tôi bối rối, sợ và cảm thấy tức giận một điều gì ghê gớm, giận vu vơ. Tại sao lại ngay giờ phút này mà không đợi tháng sau, năm sau? Tủi cực, xấu hổ, tôi ngợp với cảm giác choáng váng, nôn nao, cơn đau càng lúc dồn dập. Gập mình bậm miệng… Ðau này có giống cái đau của đàn bà đau đẻ? Tôi không biết làm sao mình qua được những giây phút khốn khổ đó. Tôi chỉ nhớ, người đàn ông Mỹ đó đặt tôi lên chiếc băng ca lúc vừa lên tàu. Có nhiều người tị nạn đã có mặt sẵn ở đó, có lẽ họ di tản trước bằng trực thăng. Họ nháo nhác tìm gọi người thân từ đám người mới lên. Tôi ngất lịm đi. Vì sợ, hay vì đau. Tôi không thể nhớ.
Lúc ấy chỉ kịp ghi nhận hình ảnh mẹ tôi lếch thếch chạy theo đám người Mỹ khiêng tôi trên chiếc băng ca về trạm y tế. Tôi không nhớ cảm giác đau bụng đó kéo dài bao lâu. Người y tá cho tôi uống một viên thuốc và đưa tôi hộp băng vệ sinh. Hình như mẹ thay cho tôi cái quần khác. Tôi mơ màng, nóng sốt giữa nhiều hình ảnh. Tiếng khóc, tiếng người gọi nhau trên loa phóng thanh, tiếng sụt sịt, tiếng gào, tiếng thở dài… Tôi hỏi mẹ gia đình mình đâu hết rồi. Mẹ dìu tôi leo những nấc thang lên tầng trên, tìm mãi mới thấy cả nhà tôi đã chiếm ngụ một góc. Chị Biếc đưa cho tôi hộp lương khô lính Mỹ vừa phát và một cái ca đựng cơm nấu độn với cá hộp nhão nhét. Tôi ngồi thu mình trong góc chiến hạm. Tôi không thấy đói, không có cảm giác gì rõ rệt lúc bấy giờ.
Người ta đổ lên chiến hạm mỗi lúc mỗi đông, tàu đã chứa cả gần mười ngàn người. Bố tức giận khi khám phá tất cả tài sản, đồ đạc, vali xách tay của gia đình tôi đều bị bỏ lại trên ghe, gã tài công đã bỏ chạy về đất liền. Mấy bà chị của tôi bật khóc. Thôi, thế là mất hết hình ảnh kỷ niệm, cùng những món đồ quí mang theo. Không ai còn quần áo thay, trừ bộ đồ duy nhất mặc trên người. Tôi rờ túi, tiền mẹ cho vẫn còn. Những tờ giấy bạc làm được gì cho hoàn cảnh gia đình tôi lúc này? Một người đàn ông đầu hói mặc áo vest đen lang thang trên boong, bỗng ông ta ôm mặt khóc thảm thiết. Lúc này, người khóc người cười không còn đánh động sự tò mò chung quanh. Ông ta đi một mình, người ta xì xầm bàn tán. Nghe nói là ông chủ nhà băng, mang được nhiều tiền nhưng không mang được một người thân nào. Người đàn ông cầm cặp táp da, ngồi quị xuống. Ông ta loay hoay mở cặp. Cái nắp bật ra, những tờ giấy bạc văng tung toé, toàn giấy bạc mới tinh. Một cơn gió biển lướt ngang, những mảnh giấy bạc bay như bướm lượn. Ðám trẻ nít nhào tới vồ chộp những tờ giấy. Tiền của Việt Nam Cộng Hòa, giờ vô nghĩa như giấy lộn không mua đổi được gì. Một người thủy thủ Mỹ đi ngang, cúi nhặt một tờ bạc, chăm chú ngắm rồi đút vào túi quần. Ðể làm kỷ niệm. “Một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây… Hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ để lại cho con…”
Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn. Ðêm 30 tháng 4, biển gầm sóng, chúng tôi nằm lăn lóc trong góc tối của chiến hạm. Tương lai về đâu. Ðất liền ở đâu. Những chòm sao đêm vẫn bình thản ngó. Tôi ứa nước mắt, nằm quay mặt vào trong vách. Cơn đau hành kinh của tuổi 13 đã xảy đến đúng cái ngày oan nghiệt. Không biết gọi điều nào là biến cố lớn trong đời tôi. Rồi cứ đến mỗi tháng, khi cơ thể trở mình theo chu kỳ con gái , tôi sẽ lại đau cái đau ngất ngư này. Cơn đau ngấm ngầm của một đổi thay, ùa vỡ. Tôi ghét tôi, tôi ghét thân phận mình trong một đất nước Việt nam đã sinh ra tôi, để phải tủi cực bỏ nó ra đi trong một ngày kinh hoàng nhất. Tôi khóc vùi trong lòng mẹ. “Dạy cho con tiếng nói thật thà, dạy cho con chớ quên màu da, ôi nước Việt xưa…”./.
Viết cho tháng 4 đã 30 năm. Texas, 21 tháng 2-2005