Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.164.576
 
Bông Huệ đỏ
Thanh Giang

Mẹ Thành Thị Du năm ấy khỏang bảy mươi tuổi, thân hình cao to, mặt hơi vuông, gân guốc,  trán rộng, tóc vấn, răng đen, mũi thẳng, mắt sâu phúc hậu u trầm. Nhiều năm từng sống với nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, tôi cảm nhận ngay sự giống nhau giữa hai mẹ con khi  thọat  đón  mẹ  đến nhà.  Mẹ cũng đã biết tôi có mối quan hệ đồng đội gắn bó mật thiết với Tấn nên vừa gặp là chan hòa thân tình như ruột thịt. Cô quyên – vợ tôi săn sóc mẹ như nàng dâu hiền. Luôn những ngày sau, từ bữa ăn, giấc ngủ, đến đưa mẹ đi xem hát… cô lo lường chu tòan làm mẹ phải kêu rầy :

   

- Vợ chồng chúng mầy sống với lương ba cọc ba   đồng, thế mà bữa ăn nào cũng lám món !  Liệu đấy, cho mẹ ăn sướng mẹ về sớm !…

    

Quyên thưa:

      

- Mẹ ơi! Anh Tấn trong chuyến về Bến Tre với anh Giang con năm ấy, ảnh đã làm chủ hôn vừa là chủ lễ, tác thành  hạnh phúc cho vợ chồng con.  Coi như con cũng là con dâu của mẹ. Con trai con năm nay đã mười một tuổi, được gọi mẹ bằng bà nội, nó rất vui mừng, bởi bà nội cháu vừa mới mất hồi đầu năm bảy lăm. Nên đã như một nhà, mẹ ở chơi lâu với tụi  con càng quý. Người sống hơn đống vàng, mà mẹ!

 

Mẹ Du vẻ rạng rỡ, ôm Giang Con vào lòng và hôn nó, vừa bảo :

  

-  Từ Nam Định vào thành phố Hồ Chí Minh , đến đây mẹ cảm thấy thoải mái , ấm cúng.

Nghe mẹ, chúng tôi càng xúc động, biết rằng mẹ khát khao tình cảm gia đình đối với con trai đầu của mẹ thật là  thâm sâu!

   

Đó là Nguyễn  Hòang Ca, tức Nguyễn Ngọc Tấn, mới hai tuổi đã ở tù theo mẹ từ năm 1930. Rồi bố mất, mẹ còn trẻ đi bước nữa là thường tình. Tấn sống với anh chị em con dòng mẹ lớn . Cố nhiên mẹ con cùng dằn lòng nỗi đau chia xa. Rồi tuổi thơ lưu lạc , Tấn theo gánh hát Đồng Au, sau theo người anh vào Sài Gòn kiếm sống. Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, Tấn 17 tuổi , cuốn theo các đơn vị bộ đội, theo đuổi “ mộng hồn văn”, trong nỗi hoài mong thương nhớ mẹ. Mãi đến hòa bình năm 1954, Tấn  tập  kết ra Bắc, mẹ con mới lại gặp nhau, tràn nước mắt mừng mừng tủi tủi, vừa lại ngỡ ngàng  !

    

Chú bé Ca gầy gò bỗng là anh bộ đội nhà văn ! Tính ra gần hai mươi năm mẹ con cách xa! Nhưng rồi mẹ con cũng chỉ gần nhau năm, ba ngày ngắn ngủi . Mẹ vẫn ở quê Nam Định; con trở về Hà Nội, sống tập thể, làm Tạp chí Văn nghệ quân đội và đi viết. Nỗi của Tấn , từ lòng thương mẹ, đến cuộc tình duyên… tất cả đều lận đận và lỡ dở… mẹ thương cảm biết bao nhiêu ! Nhưng những ngày gặp mặt chưa kịp nguôi thương nhớ thì chiến trường miền Nam kêu gọi, Tấn lại giã biệt mẹ lên đường Trường Sơn. Mẹ lại thêm một lần đứt ruột ! Bấy giờ la vào giữa năm 1962. Ngờ đâu đây là lần   vĩnh biệt !

    

Hiểu lòng mẹ, tôi tránh  gợi lại nỗi đau, kể những kỷ niệm vui về anh Tấn. Như năm 1963, anh Tấn đi  chiến trường Mỹ Tho với Võ Trần Nhã, thì đứng ra lo cưới vợ cho Nhã. Năm 1964, đi chiến trường Bến Tre, anh lại lo hạnh phúc cho Thanh Giang, hôn lễ của Nhã được tổ chức ở vùng giải phóng Tây Ninh, anh Tấn đóng vai trò chủ hôn, chủ lễ. Nhưng với Giang thì Quyên không đi hợp pháp được, nên phải tổ chức hôn lễ tại  quê nhà. Đó là vùng giải phóng “lõm” thuộc xã Tân Thành Bình huyện Mỏ Cày, đồn bót địch dày đặc cả đường bộ đường sông bao quanh. Đêm hôn lễ pháo     bắn ùng oàng. Anh Tấn điềm nhiên mặc pháo bắn, ngồi cắt chim bồ câu, cắt chữ… dán phông. Ông chủ hôn lễ còn hát giúp vui xen cùng tiết mục của mấy em thiếu nhi, làm bà con ai nấy càng thêm yêu mến anh. Đặc biệt là má tôi rước anh về nhà ở nhiều hôm. Chị Hai tôi làm thịt thỏ đãi, đêm đưa anh đi “giấu” trong vườn sâu, ngủ ở nhà cơ sở có hầm bí mật bảo đảm. Má miền Nam, từng cam nỗi có đứa con xa, nay được có con miền Bắc vào lo cho con mình nên lứa đôi hạnh phúc, càng ngẫm thương mẹ miền Bắc  vô hồi!… Anh Tấn rất xúc động trước dòng nước mắt của má tôi.

 

Nghe tôi kể, mẹ Du bỗng rưng rưng, đăm đắm nhìn ảnh má tôi đang trên bàn thờ. Rồi mẹ hỏi về những ngày cuối cùng của anh Tấn. Tôi ngại không kềm chế được giọng mình, đưa mẹ xem bài tôi viết : Nguyễn Thi – nhà văn cầm súng, đăng trong Văn nghệ Quân giải phóng số 35, số Văn nghệ cuối cùng mà buổi đầu anh Tấn đã cùng chúng tôi tạo dựng cơ quan Tạp chí này. Đọc xong bài báo, mẹ Du không biểu lộ gì. Có lẽ mẹ cũng biết rồi : việc Tấn theo một đơn vị đánh vào Sài Gòn và đã hy sinh. Mẹ hỏi :

   

- Thế , hiện giờ mồ mả Tấn chôn đâu ?

 

Câu hỏi, vừa là chủ tâm thôi thúc mẹ vượt ngót hai ngàn cây số vào đây, tôi thầm dự đoán mà giờ đâm lúng túng. Không ai có thể trả lời cho mẹ điều nầy ! Tôi cũng không thể an ủi mẹ bằng những lời chung chung. Mắt mẹ vẫn tỉnh khô. Giống mắt Tấn thường nhìn ngược vào trong hồn, chiêm nghiệm và chịu đựng. Rồi thay vì tôi phải trả lời, mẹ như an ủi ngược lại tôi, bởi lẽ mặt tôi bấy giờ chắc trông khổ não lắm :

  

- Con ơi ! Hằng bao nhiêu người đã hy sinh cho sự nghiệp nầy, rồi hài cốt thất lạc, thậm chí tên tuổi cũng không còn, chứ có phải riêng mình thằng Tấn của mẹ đâu ! Tấn chứ cũng may mắn hơn là còn để lại cho đời những tác phẫm.

     

Tôi thầm cảm phục mẹ, bỗng nhớ mẹ từng hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, từng mang con nhỏ ngồi tù…

 

Hôm sau, mẹ bảo tôi chỉ đường để mẹ đến con đường Minh Phụng. Tôi  hiểu ý định mẹ muốn gì. Bởi theo bài viết của tôi, qua lời kể của vài cán bộ của Đoàn 10, đã mục kích Tấn theo đơn vị và cùng chiến đấu trên đường Minh Phụng từ ngày 5 – 5 đến ngày 9 – 5, rồi lùi ra chống phản kích, hy sinh tại ngã ba Tham Lương, xác  thân  Tấn, con của mẹ cũng đã trở về với cát bụi. Mẹ đi theo tiếng gọi tâm linh, hòng tìm lại hơi hướng con mình. Tôi ngỏ lời đưa mẹ đi, mẹ bảo :

  

-  Để mẹ đi một mình. Chừng nào muốn trở về thì mẹ về, mặc mẹ.

Tôi đưa mẹ từ lầu ba xuống đường kêu xích lô, phát qua cung đường cho anh xích lô chở mẹ đến đường Minh Phụng. Mẹ yêu cầu : cho mẹ mua hoa.

   

Tôi đáp :

 

-  Nếu mẹ muốn mua hoa sớm thì ghé chợ Năn-xi, còn không, đến chợ Lớn mua cũng tiện.

 

Mẹ bước lên xích lô với vẻ u trầm. Dù mẹ đã nói cứng thế nào thì lòng vẫn đau như cắt, khi trước cảnh hòa bình sum họp, ngay như cảnh vợ chồng tôi ; còn mẹ thì mãi trống vắng đứa con bất hạnh mà mẹ hằng ấp ủ yêu thương, vừa tự  âm thầm chua xót !…

 

Hiểu ý nghĩa tình cảm cao quý của mẹ hôm nay, đi thăm nơi con từng chiến đấu những ngày cuối cùng, coi như đi viếng mồ con. Quyên xúc động rưng rưng nước mắt, nói với tôi :

 

-  Để em đi chợ, nấu mâm cơm, chờ mẹ về cúng kỉ  niệm anh Tấn.

 

Rồi mâm cơm đã xong. Có cả bốn đóa hoa hồng với ngụ ý anh Tấn hy sinh năm tròn bốn mươi tuổi. Nhưng chờ mãi mà mẹ vẫn chưa về. Mẹ đi lúc 8 giờ, đã hơn 11 giờ. Tôi sốt ruột xuống đường đứng đón. Hồi lâu sau tôi mới thấy chiếc xích lô chở mẹ từ bên kia đường tách sang. Thoạt tiên đập vào mắt tôi là bó hoa huệ đỏ, mẹ đang ôm trong lòng. Tôi toan dỡ bó hoa để rước mẹ xuống xe, nhưng mẹ không trao, bảo : “Mặc mẹ”. Rồi mẹ tự xuống xe một cách gọn nhẹ, vừa đứng yên là lo trả tiền xe. Tôi hớt mẹ làm động tác này. Coi lại không phải anh xích lô hồi sáng. Mẹ đọc được trong mắt tôi, nói ngay :

 

-  Cuối đường Minh Phụng là đụng Bình Thới, mẹ trả tiền xích lô rồi quay lại đi bộ. Cho đến hết đường Minh Phụng, giáp cầu Bình Tiên, mẹ kêu xích lô về, cho nên…

 

Lên đến nhà, tôi ái ngại nhìn mặt mẹ đỏ bừng, mệt nhọc. Trông lại bó hoa huệ đỏ thì có những cánh héo úa. Mẹ đem bó hoa đặt ở góc bàn thờ má tôi. Quyên trao mẹ ly trà đường nóng, rồi nhanh nhảu lấy cái bình lục giác, đổ nước, cắm hoa vào. Nghe tôi thuật : mẹ đã ôm bó hoa này đi bộ suốt trên đường Minh Phụng, Quyên chỉ biết kêu trời ! Ôi ! Chặng đường hơn hai ngàn mét dài : xe cộ, cát bụi, nắng nôi…! Cánh hoa huệ đỏ héo kia hẳn là đẫm mồ hôi và nước mắt  vọng tưởng con của mẹ. Phải  chi tên   tuổi nhà văn có mộ bia thì mẹ đỡ khổ biết chừng nào !

 

Nhìn qua sự  bày biện, mẹ Du bấy giờ mới rưng rưng rưng xúc động. Mẹ rút nén nhang cắm sẵn nơi bát hương cúng Tấn, đốt lên, đến trước bàn thờ má tôi, mẹ khấn:

 

-  Cảm ơn   bà má miền Nam, đã có lần chăm sóc Tấn, đứa con xa của mẹ miền Bắc; cảm ơn con dâu hiền của má, đã hiếu đễ với đồng đội chí tình.

 

Rồi sau khi thành kính lễ bái, mẹ thắp nén nhang khác cho Tấn, với giọng ngậm ngùi nói cùng vong linh con:

  

- Tấn ơi ! Con dù có mồ mả hay không, con vẫn trong lòng của mẹ. Hôm nay lòng mẹ ôm hoa làm cuộc viếng mồ con bằng cách đi dài theo bước đường  con từng chiến đấu hy sinh… Thế, mẹ cũng đôi chút hả lòng !

  

Thắp nhang cho con xong,  nhìn lại thấy chúng tôi khóc, mẹ càng cố làm tỉnh. Phong độ tĩnh lặng của mẹ đòi hỏi nghị lưc biết dường nào.

Thanh Giang
Số lần đọc: 2991
Ngày đăng: 17.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa
Mùa tát đìa - Phan Trung Nghĩa
Bến đợi - Bùi Nhất Chi
Xứ lụa một thời - Nguyên Tùng
Ba Khía Cà Mau - Phan Trung Nghĩa