Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.162.331
 
Miền Vĩnh Phúc―2
Vũ Quỳnh Hương

 

 

Monpavio Gustavo thuở còn trẻ có lẽ cũng nói chút tiếng Anh, nhưng từ ngày lão được đưa vào đây thì số lượng Anh ngữ mà lão dùng để tiếp xúc với loài người dường như chỉ còn gom vỏn vẹn vào hai câu bất hủ: “Number one” và “Number two”. Number one có nghĩa là lão muốn đi tiểu và Number two khi lão muốn đại tiện. Dĩ nhiên lão nói number one thường xuyên hơn dù thật ra lão cũng chẳng cần phải nói năng gì khi làm cái công việc đó, lại cũng không cần phải hét vang dội khắp cùng như thế. Bên thành giường lão lúc nào cũng được máng sẵn ít nhất là một cái urinal ngay trong tầm tay lão để lão có thể dùng cả những lúc cần lẫn những lúc không cần. Đối với một người khách lạ mới đến thăm viện thì number one number two có vẻ như là một lối đếm nhịp cho buổi tập thể dục hằng ngày cho các bệnh nhân. Lâu ngày rồi nó cũng trở thành bình thường và nhàm tai như vô số điệp khúc kỳ dị của các bệnh nhân khác đã trở thành bình thường và nhàm tai vậy. Mỗi người một câu riêng, một cách la hét khác nhau, một nguyên nhân do tâm lý hay sinh lý lặng thầm. Mỗi người là một câu chuyện dài buồn rầu và nhiều chuyện dài buồn rầu sống lẫn nhau trong một không gian, gọi tên la lớn hàng ngày trở thành những chuyện buồn cười những chuyện phát điên. Riêng với Monpavio thì chỉ khi nào điệp khúc của lão được hét lên với giọng hốt hoảng khẩn cấp lắm thì người ta mới chạy đến vì như thế có nghĩa là cái urinal tuột khỏi tay lão, ở cuối chân giường hay rơi dưới đất, đâu đó. Cũng có lúc người ta nghe giọng lão gần như nghẹt thở, chạy vào thì thấy lão đang úp cái urinal vào miệng mà hét như một đứa trẻ chơi trò hét vào trong ống bơ có luồn dây để truyền tiếng nói rền rền cho một đứa trẻ khác ở đầu dây bên kia. Tấm thân khô đét của lão như chìm mất hẳn giữa đống chăn mền tràn ngập, không đắp chăn như vậy thì lão không chịu. Cả chiếc đầu lưa thưa vài sợi tóc xám của lão cũng được trùm quanh năm suốt tháng bằng một chiếc mũ len không rõ ngày xưa vốn là màu nâu, xanh dương hay xám. Ngoài trái thận được cắt bỏ từ hai năm trước, lão liệt hai chân, lãng tai và mù nên cử động của đôi bàn tay tương đối còn khỏe mạnh của lão rất chậm chạp. Đứng nhìn lão, người ta sẽ có cảm tưởng sẽ không bao giờ lão rút xong đôi cánh tay từ trong lớp chăn ra ngoài hay từ ngoài trở vào trong chăn. Tuy vậy, mọi sự săn sóc muốn dành cho lão phải dừng lại ở đó vì lão sẽ nổi giận với bất cứ ai tự tiện mở lớp chăn hôi như tổ cú của lão ra mà không mất khoảng mười lăm phút đến nửa tiếng để xin phép và năn nỉ lão trước. Và như thế, thay giường cho lão hằng ngày là cả một cực hình mà không ai muốn làm. Mỗi khi hét Number one xong, lão cầm lấy cái urinal, luồn vào dưới lớp chăn, rờ rẫm rất thận trọng, đoạn miệng lão nói to: “Go”. Một câu Anh ngữ nữa, như thể không nói thì sẽ không go được vậy. Xong xuôi, vui vẻ lắm thì lão máng cái urinal trở lại vào thành giường, nhưng hiếm có khi nào lão chịu tử tế như thế. Thường thì lão lại từ từ, thận trọng giơ cái bình ra khỏi thành giường, dốc miệng bình xuống, đổ ào hết nước tiểu xuống sàn nhà. Tuy mù nhưng lão đổ rất khéo, không để lại chút gì trong bình cũng không bao giờ để rơi một giọt vào trong chăn. Sau đó, lão lại từ từ máng cái urinal trở lại thành giường để lại tiếp tục từng ấy điệp khúc và động tác cũ, khoảng mười lăm phút sau. Do cái tật quái ác đó mà góc phòng lão nằm giường A, sát cửa ra vào, nhưng khi phát giác ra được cái tật bất trị trời cho ấy, lão được chuyển vào nằm giường trong cùng để nước tiểu lão có đổ thì cũng chỉ đọng vào góc phòng chứ không tràn trề ra từ ngoài cửa. Ban ngày bọn housekeepers phải lau phòng lão hàng chục lần nên không đứa nào ưa lão, và càng lau thì người ta lại càng thấy rõ ràng nước gạch đã bị chết màu, không thể nào đánh bóng lên được nữa. Việc đầu tiên của con Maria mỗi lần phải xách đồ nghề vào lau góc phòng kinh khiếp của Monpavio là dứ dứ đầu cây lau nhà vào mặt lão, nguyền rủa : “Quỉ bắt lão đi, lão sống làm chi mãi vậy, có ích lợi cho ai nữa đâu... “ Đám housekeepers, aides, và đám nhà bếp phần lớn là dân Mễ vượt biên giới sang đây, lén lút làm chỗ này một job, chỗ khác một job, đàn ông trông bẩn thỉu và dữ dằn, đàn bà có cái thứ nhan sắc lồ lộ say mê và chóng tàn như một thứ hoa nở một đêm thì không thiếu gì ngôn ngữ tục tằn để nói về lão Monpavio, nói riêng, cũng như về tất cả mọi câu chuyện khác xảy ra trong phạm vi của Nursing Home, nếu không được nhìn dưới cái nhìn đòi hỏi kiến thức tổng hợp của y học, khoa học, tâm lý học và tính nhân bản. Nhưng rất may, những người bệnh khốn khổ ở đây, nói chung, và lão Monpavio, nói riêng, thì không nghe được những câu chuyện tục tằn vẫn được nói, được kể hằng ngày trong giờ break, giờ lunch, ở ngoài Employees Lounge, nên lão vẫn tỉnh bơ, vẫn tiếp tục hét Number one và vẫn tiếp tục đổ nước tiểu xuống sàn mỗi ngày trung bình năm lần. Cuối cùng, bọn Marita phải tự an ủi là cũng còn may, vì lão chỉ đổ Number one chứ không đổ Number two. Không hiểu vì cái bed pan kềnh càng quá đối với lão, lão không thể giơ qua thành giường mà đổ được, hay vì lão cũng nhận thấy rằng đổ Number two xuống sàn nhà thì thật dơ dáy quá. Cứ như thế, ban ngày tiếng lão tương đối chìm lẫn giữa mọi tiếng động ồn ào khác, nhưng giữa đêm khuya, khi mà mọi tiếng động của đời sống trở nên rì rầm mơ hồ và những tiếng động không hẳn của đời sống, mà cũng không hẳn của cõi chết, những tiếng rên la mê sảng dội vào trí óc thảng hoặc chập chờn như những cơn mơ kinh dị thì những tiếng hét lồng lộn của lão Monpavio dội giữa những dãy hành lang hun hút nghe vừa quái đản vừa khó chịu đến rợn người. Có lần, trong một lúc bận rộn vì nhiều case bệnh nặng dồn dập xẩy ra, tiếng hét của lão cất lên tức khắc làm Chi nghĩ tới caí mùi nước tiểu nồng nặc chát lên đến tận óc của góc phòng lão, nghĩ tới những cái urinal máng thành hàng dài bên thành giường lão trông vừa khôi hài vừa tục tằn như thách đố lòng nhẫn nhục của con người áo trắng.

 

Nàng tự nhiên thấy giận dữ và khổ sở đến muốn làm bất cứ một điều gì đó để bắt lão phải im miệng, bất cứ một điều gì đó, chẳng hạn như chận một chiếc gối lên mặt lão, chích cho lão một mũi thuốc để lão không bao giờ còn có thể hét được nữa... Những ý nghĩ vụt qua đầu Chi trong một chớp mắt làm nàng sợ hãi đến lạnh lẽo cả người. Một lúc sau đó, đến giờ phải cho lão uống thuốc, Chi bước vào phòng lão, nhìn cái khuôn mặt khô đét chìm khuất giữa lớp chăn ấy bằng cái nhìn sợ hãi của một kẻ phạm tội. Cái tội giết người tư tưởng, dù là một loại Mercy Killing cũng ở lại trong đầu như một vệt đen không cách gì tẩy xóa. Chi đã dày vò mình về cái vệt đen mà nàng tự vẽ lên trong đầu ấy trong rất nhiều đêm dài. Chi khổ sở vì đó là một điều mà nàng không thể nói với ai, kể cả với Henrietta và Grace. Nàng cứ tự hỏi, có khi nào, có một giây phút nào chúng nó có những tư tưởng tương tự như vậy trong đầu không? Chẳng hạn như khi Henrietta, một con nhỏ táo bạo, hành động trước khi suy nghĩ, nói rất khẽ bên tai nàng, tao thấy Gloria đã già quá rồi để phải sống thêm nữa và mộng thêm nữa những giấc mộng đẹp buồn rầu như vậy.

 

Con Marta có một lần ghé sát tai Monpavio hỏi: “Hey, Monpavio, còn Number three là cái gì vậy?” Không biết lão có hiểu câu hỏi hay không mà chỉ biết rằng lão lồng lộn lên chửi rủa bằng tiếng Ý, hai tay lão quơ múa tứ phía, lão chửi xối xả như nước chảy, chửi dữ dội đến nỗi cuối cùng Marta hoảng sợ chạy lên báo rằng nó lỡ đùa làm Monpavio giận và bây giờ không biết cách gì để làm lão nguôi. Đáng tiếc rằng Marta lại báo cáo với một cô y tá trời đánh như Henrietta, Henrietta cười ha hả: “Có gì đâu, để mặc cho lão chửi cho nó... nở phổi. Mày chỉ cần coi chừng bà Beth thôi chứ tao thì dễ lắm. Mày không hỏi lão câu đó thì cũng có lúc sẽ có đứa khác hỏi. Tao hiểu mà...”

 Grace ngồi bên cạnh nghe Henrietta, giơ hết hai tay lên kêu trời, Henrietta quay lại:

 - Mày sợ lão la lối quá sẽ lăn ra mà chết mất hả? Đừng có ngốc quá đi. Coi, suốt ngày lão có được nói năng gì đâu ngoài mấy cái numbers dơ dáy của lão. Shift ban ngày tụi nó đâu có thì giờ để chọc cho lão nói đâu, mà tụi therapists thì cũng chịu thua không tới gần lão được. Chỉ có tụi mình là tương đối... hiểu lão thì cũng nên làm phước tập cho lão nói không thôi sẽ có ngày lão quên mất cả tiếng Ý luôn thì khổ. Lão có xuống địa ngục hay lên thiên đàng thì cũng phải biết nói một thứ tiếng gì đó để người ta còn phân biệt được quốc tịch lão chứ.

 Không cãi lại được Henrietta, Grace quay qua đe dọa:

 - Mày có dám nói như vậy trước mắt bà Beth không?

 Henrietta nhún vai bỏ đi:

 - Bộ mày cho là tao... ngu lắm sao!

 

 Ở phòng 120, Marie và Edna đang bắt đầu chương trình cãi nhau hằng đêm của hai mụ. Phòng ấy có ba người nhưng Cecile coi như không đáng kể vì mụ không gây ra phiền hà rắc rối gì ngoài cái tật nghêu ngao hát và hát thật lớn suốt cả ngày. Mỗi sáng sau khi được đánh răng rửa mặt thay quần áo rồi thẩy lên xe lăn, đẩy ra phòng ăn chờ bữa điểm tâm, mụ bắt đầu hát vang rền cho đến bữa ăn trưa. Sau bữa trưa, mụ được đẩy trở về phòng ngủ một giấc ngắn cho đến khoảng hai giờ chiều, rồi từ đó mụ lại tiếp tục hát cho đến chín giờ tối là giờ lên giường ngủ. Mụ không những được gọi là con chim sơn ca, đối với Chi thì đây là loại sơn ca bị nhốt trong lồng nhưng vẫn hót cho đến khi nhỏ hết giọt máu cuối cùng ra khỏi buồng phổi héo khô, mụ còn được gọi là người nhạc sĩ có khả năng sáng tác nhanh nhất và khỏe nhất vì tất cả mọi lời lẽ người ta nói vào tai mụ, chẳng hạn: “Cecile, hôm qua mụ ngủ ngon không?”, hay: “Cecile, mụ chưa ăn hết phần điểm tâm mà!...” đều được mụ lập tức lập lại nguyên văn và phổ thành nhạc với âm giai du dương trầm bổng. Nhưng với Marie và Edna thì cuộc đời không du dương với đầy nhạc điệu như thế. Hai mụ này, ban ngày là đôi bạn khắn khít nhất đời, có mặt bên nhau ở bất cứ mọi nơi, bất cứ mọi lúc, ngồi cạnh nhau trong phòng ăn, đẩy về phòng ngủ cùng lúc, trả lên giường ngủ cùng giờ. Nếu ở trong phòng thì Marie bấm đèn liên tu bất tận, không phải để đòi hỏi điều gì cho mụ mà là để cho Edna: “Edna nó cần thêm một ly sữa nữa.” “Thay tã thay váy cho Edna đi, nó mới tiểu ướt hết nữa rồi đó!”, “Không, không được đút thức ăn cho Edna như vậy, nó sẽ mắc nghẹn cho mà coi, phải đút từng muỗng nhỏ thôi, và đút vào bên mé trái, vì cái răng hàm bên mặt của nó đang đau”... Marie không những là bạn, là chị, là cô giáo, là mẹ Edna mà mụ còn kiêm luôn cả công việc làm luật sư cho Edna nữa:” Con step-daughter của Edna vừa bán mất cái nhà của chồng nó để lại, con nhỏ đó nó không có quyền gì về cái nhà đó hết. Thằng cha luật sư làm ẩu. Tao sẽ gọi luật sư của tao kiện vụ này cho nó...” ...Nhưng đến khi đêm xuống, khi cả hai đã được đem lên giường ngủ và bắt đầu thiu thiu ngủ thì hai mụ biến thành hai mụ hàng xóm không thể đội trời chung. Edna ngủ hay trở giấc, hay khóc nỉ non gọi tên con gái mụ trong giấc ngủ; “Victoria, Victoria...” và tệ hơn nữa, mụ hay bấm đèn để hỏi bây giờ là mấy giờ, bây giờ là ngày hay đêm, bây giờ Victoria nó ở đâu... Marie choàng dậy hét lên:”Con Victoria của mày nó đang ngủ, nó đang ở nhà, nó đang ở nhà nó, mày im đi, im đi, im miệng đi...” Cứ như thế khoảng mười lăm phút thì câu trả lời của Marie sẽ là:”Con Victoria khốn kiếp nó chết rồi, nó chết lâu rồi...” Edna tức khắc gào lên ầm ĩ và Marie thì tiếp tục hét với cái giọng the thé của mụ, im đi, im đi, im miệng đi... Cứ như thế hai mụ kéo dài cho đến khi nào một trong hai mệt ngủ lịm đi thì trận chiến được coi như tạm chấm dứt để lại bắt đầu bằng một sáng ngày mai thắm thiết tình chị em. Henrietta thì cực chẳng đã mới chịu bước chân vào phòng này, nó luôn miệng lập đi lập lại, mai mốt tao lấy chồng mà mụ mẹ chồng tao có cái giọng the thé như Marie thì tao thề sẽ chỉ nói với mụ hai câu trong đời: Hi và Bye!

 

Trông thấy Chi bước vào, Marie vớ lấy:

 - Chi, Chi, tao phải được đổi qua phòng khác mới được. Tao không thể nào nằm thêm ở cái phòng này với Edna thêm một đêm nào nữa. Nó làm tao điên mất... Chi...

 Chi với tay tắt ngọn đèn đầu giường soi chói chang trên sống mũi khoắm và những nếp nhăn như những lượn sóng nhấp nhô trên trán Marie:

 - Sao mụ không tắt đèn đi. Để thế này chẳng trách mụ không ngủ được. Đổi đi phòng khác thì rồi mụ cũng lại đòi đổi trở về vì mụ nhớ Edna, mụ lo không có ai khuyên lơn nhắc nhở Edna. Mụ cứ đổi đi đổi về như vậy mấy lần rồi nhớ không?

 Marie nhỏm dậy:

 - Tao thề lần này tao sẽ không đòi trở về nữa. Tao chán nó lắm rồi, tao chán cái con Victoria khốn kiếp nào của nó lắm rồi.

 Chi bật cười:

 - Tốt hơn là mụ nên để cho Edna rên rỉ một chút rồi mụ sẽ ngủ lại ngay. Nếu mụ gây gổ thì Edna cũng sẽ thức mà gây với mụ suốt đêm. Cứ như vậy hoài thì cả hai cùng mệt. Và mụ thì sẽ không được đổi phòng nữa đâu, cũng sẽ không có thuốc ngủ hàng đêm nữa đâu. Tôi lập lại, không đâu.

 Marie tiu nghỉu như đứa trẻ không vòi được quà. Biết là không thay đổi gì được, mụ quay qua yêu sách:

 - Tao muốn uống một ly sữa. Tao khát quá. Một ly nhỏ nữa thôi, và tao cần thêm một tấm chăn nữa, một tấm chăn mỏng thôi. Đêm nay trời lạnh quá Chi. Chi coi kìa, mày làm ơn kéo màn cửa sổ lại hết cho tao nghe. Tao không chịu được cái thứ ánh trăng này đâu. Nó lạnh tới tận xương tao, tới óc tao...

 - Màn đã kéo kín hết rồi Marie. Mụ thử quay mặt vào trong đi. Đừng nghĩ tới trăng, cũng đừng nghĩ tới Edna nữa. Nào đếm đi. Một, hai, ba. Marie, Marettie. Một, hai , ba. Marie, Marettie...

 - Marie đã quay mặt vào trong, bật lên cười, tiếng cười úp trong gối chận bớt cái âm the thé của mụ biến thành dễ thương như tiếng cười của một cô bé ngủ mơ. Mụ thì thào nói tiếp trong chiếc gối trong khi Chi rón rén bước ra.

 - Sao có lúc mày hiền có lúc mày dữ. Có lúc mày thương tao cũng có lúc mày ghét tao... Chi Chi... Nhưng lúc nào tao cũng thương mày hết vì mày lo cho tao, mày nói chuyện với tao nhiều hơn là con cháu tao nói chuyện với tao. Có nhiều đêm thức dậy bấm đèn chỉ thấy mày tao buồn quá. Tụi nó bỏ tao hết rồi Chi Chi...

 

 Bên cạnh giường Marie và Edna là một cặp hết sức tương xứng khác. Tính chất tương xứng thoạt đầu được xếp trên tính ngoan đạo của cả hai mụ, Madalena và Pamela. Hai mụ được xếp cùng phòng vào cùng ra sức trang hoàng bày biện góc tủ đầu giường của mình để nói lên niềm tin tưởng về sự cứu rỗi của tôn giáo. Vì cũng tham lam trong việc bày tỏ niềm tin ấy và cũng không thống nhất với nhau về một giới hạn tối thiểu để giữ cho căn phòng một vẻ hòa hợp nhìn trên phương diện thẩm mỹ nên kết quả là căn phòng hai mụ có một vẻ bề bộn khó thở với tranh ảnh tượng Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng, thiên thần, kinh thánh, tràng hạt và vòng hoa. Thêm vào đó, Madalena xếp bên cạnh giường mụ ba chiếc ghế, trên ba chiếc ghế ấy được chất khăn trải giường, khăn mặt và khăn tắm đủ dùng cho hai mụ trong vòng một tháng. Không có thế lực nào trên đời có khả năng dẹp bỏ của mụ đống khăn ấy đi, và cũng không ai có thể lén cất dẹp bớt đi của mụ, dù chỉ một chiếc khăn mặt nhỏ được thử cất dấu đi vào ban đêm. Mụ đếm đi đếm lại đống khăn ấy hàng đêm, sau giờ cầu kinh vào lúc hai giờ khuya của mụ. Mỗi ngày, sau khi phải dùng một bộ trải giường, một chiếc khăn nhỏ, mụ bấm đèn đòi cho được một bộ khăn khác mang tới, giống như bất cứ một kẻ đầu cơ biển lận nào trên cõi đời, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đống của cải của mình sẽ hao hụt mất mát đi. Ngoài cái tật hơi phiền hà đó, nói chung Madalena là một mụ già vui tính, dễ thương và Chi thích nói chuyện với mụ hàng đêm, sau giờ kinh nguyện bất di bất dịch vào lúc hai giờ khuya. Mụ Madalena nói rất quan trọng trong khi Chi chỉ đùa và mụ không hiểu ý nghĩa cách đùa của nàng nhưng cả hai vẫn nói chuyện với nhau hàng đêm và nếu đêm nào Chi tới trễ, mụ thức đợi nàng, bấm đèn gọi cho được Chi tới để lại nói với Chi từng ấy câu, từng ấy chữ và để Chi cười xoà chúc mụ ngủ lại cho ngon.

 - Mày tốt lắm, ngoan lắm, Chi. Good girl. Tao đã cầu nguyện và sẽ tiếp tục cầu nguyện mãi cho mày. Chúng ta sẽ gặp nhau ở trên thiên đàng.

 - Cám ơn Madalena, nhưng tôi mới vừa ở địa ngục trốn ra đây mà.

 - Đừng có đùa, địa ngục như thế nào, kể tao nghe coi.

 - Không được đâu, tôi mà kể ra thì mụ sợ chết mất. Thôi tốt hơn hết là mụ đừng biết vì mụ cũng sẽ không bao giờ có dịp xuống đó đâu.

 - Tội nghiệp Chi nhỏ bé. Tao sẽ cầu nguyện cho mày lên nước thiên đàng.

 - Cám ơn mụ lần nữa, nhưng thiên đàng của mụ màu gì mới được. Đỏ hay xanh?

 - Oh, tao... tao không biết nữa. Có lẽ là nhiều màu lắm...

 - Ok, màu gì cũng được hết, chỉ riêng có màu đỏ là tôi chê nghe. Tôi biết rõ thiên đường đỏ lắm rồi...

 Mắt mụ mở to ngơ ngác nhìn Chi. Thoạt đầu thì mụ còn hỏi cố cho bằng được nhưng sau này thì cứ nói đến đây là Chi lại cười ngặt nghẽo, ấn đầu mụ nằm xuống.

 - Nhưng mà thôi, chuyện đó dài lắm, kể đến hàng ngàn đêm cũng không hết đâu. Mụ đi ngủ đi là hơn. Good night...

 

 Bên cạnh giường Madalena, Pamela nằm ngửa, hai chân co lại chống trên nệm, hai tay chắp trước ngực với chuỗi tràng hạt, mụ ngủ say sưa. Kiểu ngoan đạo của mụ không ồn ào với những bài kinh nguyện nửa khuya như Madalena nhưng gây phiền toái cho người chung quanh hơn. Cuốn Tân Ước và xâu chuỗi hạt không lúc nào rời tay, ban ngày ở trên xe lăn, ban đêm ở trên giường, một tay mụ lần chuỗi, một tay giở từng trang sách, mụ đọc rì rầm những hồi kinh bằng cái giọng đều đều đều đều. Lúc nào tìm được người nghe mụ nói, mụ nhanh nhẹn khoác tràng hạt vào cổ, cánh tay dang rộng, bàn tay ngửa lên trời. Mụ nói về cuộc đời, sự hi sinh và những phép lạ của Chúa. Dù người nghe mụ không tỏ ý phản đối hoặc nghi nghờ gì, thỉnh thoảng mụ vẫn ngưng lại, mở cuốn Tân Ước mà mụ nói là mụ đã giữ từ 30 năm qua, lật đến đúng một trang nào đó. Rồi cặp kính trễ xuống mũi, mụ bắt đầu đọc, mụ đọc cho đến lúc chợt nhận ra rằng mụ già ngồi nghe mụ nói, nạn nhân của mụ đã ngủ gà ngủ gật hay đã lẳng lặng đẩy xe bỏ đi nơi khác tự bao giờ. Thường thì những bài thuyết giảng của mụ bị chấm dứt một cách không lấy gì làm khích lệ như thế, và thường thì mụ lại nhún vai, hai cánh tay mở rộng, lắc đầu như tội nghiệp cho những tâm hồn chưa tìm thấy sự cứu rỗi, rồi lẳng lặng đẩy xe trở về phòng. Không hiểu sao Chi cứ cảm thấy trong cái kiểu thuyết giảng của mụ có một vẻ gì hết sức giả trá và nàng không đùa được với mụ như đùa với Madalena và những bài kinh nguyện ồn ào của mụ. Pam có cái dáng nằm ngủ không mấy đẹp đẽ, mụ luôn nằm thẳng, hai chân co lại chống trên nệm dang rộng thành một góc 120 độ, có khi rộng hơn nữa. Cái kiểu nằm chống chân như thế cùng với tấm chăn phủ trùm lên tạo thành một vòm chăn gối kềnh càng làm cho giường mụ lúc nào cũng có cái vẻ bề bộn khác hẳn với vẻ phẳng phiu ngăn nắp vẫn thường gìn giữ ở mọi giường bệnh khác. Henrietta gọi kiểu nằm của mụ là kiểu Woman at birth và nó thách Grace tìm ra được cái tên nào thanh tao, chính xác và gợi hình hơn. Dĩ nhiên là Grace chịu thua. Chi nghĩ giá Henrietta là người Việt và sính dùng chữ Hán Việt chắc chắn nó sẽ đổi tên kiểu nằm của mụ Pam thành kiểu “lâm bồn”, nghe vẫn chính xác như thường mà lại có thừa thanh tao. Cho đến một đêm kia như thường lệ, con Elsa mở chăn mụ để xếp hai chân mụ lại cho xuôi, hoảng hốt thấy mụ cầm cứng một vật gì đó đã được thọc sâu vào cửa mình, nét mặt ngủ mê tràn trề hoan lạc. Elsa cắm đầu cắm cổ chạy lên Nurse’s Station báo cáo. Phải có Chi và Grace đứng hai bên giường giữ chặt chân tay mụ, Henrietta mới rút được vật ấy ra khỏ mụ và người ta nhận ra được đó là một điếu xì gà. Pam la hét vùng vẫy điên cuồng như một con thú dữ, không phải đau mà vì hổ thẹn quá hoá thành giận dữ. Bảy giờ sáng ngày hôm sau, Shift buổi sáng vừa vào, câu chuyện điếu xì gà của mụ Pam đã được truyền đi nhanh như điện giật. Nguyên một vùng Nurse’s Station toàn đàn bà con gái rúc rích những tiếng kêu trời, những tiếng ha hả cười rúc rích cười ngặt nghẽo cười đỏ mặt tía tai. Bà Margaret có lẽ cũng đã giấu tia cười sau cặp kính dày cộm, đập tay xuống mặt bàn, đi thẳng vào vấn đề trách nhiệm: “Các cô nào trực phòng đó sáng và chiều hôm qua? Tại sao Pam lại có được điếu xì gà? Tại sao?” Đám con gái thoắt một cái ngưng bặt hết tiếng cười, lảng đi hết, ra cái điều bận rộn mỗi người một việc. Henrietta sau khi bấm thẻ ra về sớm hơn thường lệ, còn cố ném lại được một câu: “Tôi không hút xì gà, Maggie. Có Chúa chứng giám.” Phải vài ngày sau, khi được thân nhân Pamela xác nhận, người ta mới biết rằng chính ông con trai của mụ đã vào thăm vào buổi chiều hôm trước đó; hôm sinh nhật mụ và để lại điếu xì gà vì mụ năn nỉ rằng mụ thích ngửi cái mùi thơm dễ chịu của loại xì gà ngày xưa chồng mụ hay hút. Mụ hứa đi hứa lại với người con trai rằng mụ sẽ chỉ cầm ngửi chơi thôi chứ không đốt hút. Lại một lần nữa, Henrietta nói với Chi và Grace rằng từ nay nó đổi tên kiểu nằm của mụ Pam thành kiểu “Xì gà”, rằng Grace và Chi sẽ không thể phản đối gì được cả vì không ai có thể phủ nhận được cái mùi thơm nhẹ nhàng lịch sự và đắt tiền của xì gà. Trong vòng hai tuần lễ sau đó, Pamela ở trong tình trạng giận dữ kích động chưa bao giờ xảy ra trong suốt thời gian ba năm qua của mụ ở đây. Hình như mụ phẫn nộ với cả cuộc đời vì đời đã khám phá ra cái trò khoái lạc cuối đời của mụ. Sau đó thì mụ rút sâu vào trong góc phòng có tranh ảnh tượng, quyển Tân Ước, chuỗi hạt và những bài kinh nguyện rầm rì của mụ. Riêng những bài thuyết giảng lớn tiếng với mọi người chung quanh thì từ đó không bao giờ còn xẩy ra nữa.

 

Đối diện với phòng Pamela là phòng Ophelia và Oberg, Chi thích gọi tên Ophelia Ophelia. Cái tên nghe cổ kính, đẹp và buồn như tên một nhân vật kịch Shakespeare. Lần đầu tiên nghe Chi nói như thế, Ophelia rưng rưng nước mắt cầm tay Chi nói: “Cảm ơn Chi, lâu lắm rồi, kể từ năm chồng tao chết đi, không ai còn nói với tao những điều tương tự như thế cả. Chữ nghĩa mỗi ngày nó cũng một thay đổi đi, ở thời này, không còn ai đặt tên con gái như thế nữa... “ Tuy không có cái vẻ đẹp trầm tư của de Beauvoir như Katrina nhưng Ophelia mới chính là người có những hoạt động tinh thần phong phú nhất. Mụ là một trong những bệnh nhân còn tỉnh táo và trí thức nhất. Sách vở tạp chí chất đầy trên tủ mụ. Những cuốn sách, những cuốn mẫu thêu, sách dạy móc crochet, dạy nấu ăn, những cuốn album và những cuốn sổ chi tiêu tiền chợ, tiền điện nước... tất cả đều già hơn Chi hằng chục năm tuổi, đều xa lạ, xưa cũ, vàng úa và mỏng manh cơ hồ như sẽ tan mất thành bụi bất cứ lúc nào. Được hỏi rằng quả thật sách vở thì cũng nên giữ nhưng sổ chi tiêu thì còn giữ làm gì, mụ trân trối nhìn người hỏi tựa như kẻ ấy vừa hỏi một điều ngu xuẩn nhất đời rồi lẳng lặng lôi một trong những cuốn sổ ấy ra, lật giở đến một trang nào đó, dí sát tận mặt kẻ ngu xuẩn: “... Ngày - tháng - năm - một hộp kẹo chanh 75 xu. Đưa Tommy đi học lần đầu... Ngày - tháng - năm - Billy quên trả tiền nước. Cúp nước nửa ngày. Cả nhà phải đi ăn tiệm. 8 $ 47 xu... Ngày - tháng - năm - Bỏ quên hộp xà bông 20 lbs ở tiệm giặt. Quên luôn cây dù mới mua 3 $ 28 xu. Trở lại tìm không thấy. Billy nói mình ngốc. Cãi nhau... Ngày - tháng - năm - Billy nhặt hết tiền lẻ trong ví mình, nói để mua thuốc lá. Buổi chiều Kim điện thoại nói Billy mua cho con Sue một bông hồng. Cãi nhau... Ngoài ra, mụ còn giữ kè kè bên mình một chiếc ví da lớn và luôn luôn mang nó theo mỗi khi bước chân ra khỏi phòng, giống như bất cứ người đàn bà lịch sự nào trên cõi đời luôn luôn bước ra đường với chiếc ví nhỏ trong tay. Chỉ khác là trong chiếc ví của mụ không có giấy tờ tùy thân cũng không có tiền bạc mà chỉ có những cây son cụt đầu, những cây bút chì kẻ mắt gẫy, những lọ nước hoa cạn khô và vô số thứ giấy tờ lỉnh kỉnh, coupon, bill, thiệp Giáng sinh, Sinh nhật... lẫn giữa những mảnh giấy viết khoáy của chồng mụ, một ông Billy quá cố nào đó đã bỏ mụ mà đi từ mười mấy năm xưa. Bên cạnh chiếc ví gia bảo và đám sách báo mà Ophelia nói rằng mụ sẽ giữ cho đến chết, mụ còn giữ được một thói quen rất dễ thương và rất trí thức khác. Mụ viết nhật ký. Ophelia có một quyển sổ dày cộm rách mướp mà trong đó mụ ghi lại tất cả những điều, những sinh hoạt xảy ra hàng ngày. Người ta có thể rất dễ hình dung ra được rằng đó là một quyển nhật ký rất đáng chán vì tất cả những điều được ghi lại là những điều gói trọn giữa bốn vòng tường trắng, trôi đi theo một thời khóa biểu bất di bất dịch sáng trưa chiều tối ngày đêm. Cả những cơn mưa buồn rầu chờ đợi thao thức cũng trôi đi như thế. Lẳng lặng không ngày tháng không thứ bảy chủ nhật thứ hai thứ ba, ngày nào cũng giống như nhau cũng tiếp tiếp không rõ rệt vì cũng dài hai mươi bốn tiếng... ;... Ngày tháng năm... Điểm tâm có trà, sữa, nước cam, trứng và một miếng bánh mì. Buổi trưa nước cam, trà, súp, một miếng thịt chiên. Buổi tối chắc cũng sẽ không khác ngày hôm qua. Mong rằng họ sẽ dọn một thứ gì đó để nuốt, một thứ gì đó không khó nhai quá... Ngày tháng năm... Tommy và Elliot nói sẽ đến đây trước bữa ăn tối. Mong rằng chúng nó sẽ đến sớm. Mẹ mong các con. Cầu nguyện cho các con. Có lẽ... mình muốn có một chiếc gương nhỏ để trong ví, một đôi giầy khác, hai đôi giày này cũ quá rồi... Mình còn muốn gì nữa không... có thể... thuốc lá chăng?... Nếu chúng nó không cấm mình... Ngày tháng năm... Tommy và Elliot đã không tới tối hôm qua. Có chuyện gì không? Hôm nay chúng sẽ tới không? Hãy tới, hãy tới Tommy. Mẹ cần con biết bao... Ngày tháng năm... Món thịt cừu tối nay khó nuốt quá. Mình đã ăn cả trái táo của mình lẫn trái táo của Oberg. Hôm nay hình mhư lạnh hơn hôm qua vài độ. Chắc chắn mình sẽ nói Tommy mua cho mình một đôi giày mới... Tối mai chắc nó phải tới...

 

Ophelia cao 5ft 8, dáng gầy và lưng rất thẳng. Chứng bệnh osteoporosis hành hạ vào làm còng lưng một phần ba bệnh nhân phụ nữ ở đây không ảnh hưởng chút nào đến mụ. Mỗi tối mụ và Gloria thường ngồi cạnh nhau ở TV Room, bấm hết từ đài này sang đài khác nhưng cứ đến khoảng 11 giờ 30, khi mụ vừa chán phần tin tức hằng ngày ở các đài và Gloria cũng vừa cúi xuống ngủ gục, Ophelia bỏ đứng dậy, một tay kẹp chặt chiếc ví dưới nách, một tay vịn vào tường, đi lần lần từng bước một trở về phòng... Cứ bị trêu chọc vì những thứ đựng trong ví, Ophelia rầu rầu nói một thôi một hồi:

 - Tao không có tiền đâu. Ở đây người ta không có tiền đâu mà chỉ có thì giờ thôi. Mà thì giờ thì biết làm gì cho hết nên tao cất bớt vào trong ví này vậy. Các cô có cần thì cứ đến lấy mà dùng đi, dùng hết đi kẻo không kịp hối tiếc. Nào lại đây, lại đây, ta cho Grace thêm thì giờ để yêu, Henrietta thêm thì giờ để ca hát, Chi thêm thì giờ để thương nhớ về đất nước xa xăm của nó... Nào lại đây... Tất cả các cô gái non trẻ kia lại đây...

 

Với cái dáng cao gầy, tấm lưng thon thẳng trong những chiếc áo ngủ hoa dài lướt thướt, nhìn từ phía sau lưng trông Ophelia cũng còn cái vẻ đẹp của một thiếu phụ còn xuân với chiếc ví da đựng thời gian và những trang nhật ký như một nhân vật vừa bước ra từ những vở kịch Shakespeare ấy đã phải sống chung từ năm năm qua với Oberg. Thật ra Oberg năm nay 79 tuổi, trẻ hơn Ophelia nhưng vào đây từ trước Ophelia và bệnh hoạn hơn Ophelia. Mụ giống Sylvia ở chiếc bụng vĩ đại nhưng trông mụ nặng nề hơn cả Sylvia vì mụ thấp người hơn. Và, cũng như Sylvia, phải có ít nhất hai người mới trở mình được cho mụ ở trên giường và ít nhất ba người để đem mụ từ giường ra xe lăn hoặc từ xe lăn trở về. Từ dạo Giáng Sinh, không biết có ai đó đem cho mụ một con búp bê và mụ ôm rịn nó bên người, đem theo nó vào phòng tắm, phòng ăn, ôm nó lên giường ngủ. Đó là một con búp bê mà mọi người đều xác định là con gái vì mái tóc bạch kim dài óng ả và chiếc váy đầm màu hồng của nó, nhưng Oberg thì có lẽ vì nghe Ophelia nhắc mãi đến ông con trai Tommy nên nhất mực gọi con búp bê là Tommy. Nó là Tommy của tao. Tommy như thế sớm trở thành một con búp bê bất hạnh. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, mái tóc bạch kim của nó biến thành vàng xỉn tả tơi, chiếc váy đầm hồng thì vì phải theo Oberg vào phòng tắm quá nhiều nên cuối cùng được bọn Aides cởi luôn ra cho tiện việc. Chiếc miệng hồng nhỏ với cặp răng cửa xinh xắn thì vì được Oberg đút cho ăn mỗi ngày ba lần nên không lúc nào được sạch sẽ, cereals khô dính lem luốc trên tóc trên má, vướng mắc vào trong kẽ răng hốc miệng của nó. Buổi tối, khi lau rửa cho Oberg để đưa mụ lên giường ngủ, người ta cũng phải lau rửa luôn cho Tommy. Oberg xoay người nằm nghiêng ôm cứng lấy con búp bê nhỏ bé, vạch nhét chiếc vú nhăn nheo khô quắt vào miệng nó, bú đi bú đi bú đi con... Không thấy con búp bê phản ứng gì, một lúc sau, mụ đổi chiếc vú khác vào miệng nó, tiếp tục câu ru ơi hời, bú đi bú đi bú đi con... Oberg cho con búp bê bú như thế khoảng từ hai mươi phút đến nửa tiếng thì ngủ thiếp đi. Con Tommy nằm bẹp dí dưới bụng mụ. Một tay mụ vẫn chặn ngang người nó, tay kia mụ bỏ ngoặt về phía sau, ngón tay trỏ thọc vào hậu môn. Cứ mỗi hai tiếng đồng hồ thì người ta trở mình cho mụ một lần và mụ cũng đổi ngón tay trỏ trong động tác ấy một lần. Kết quả là gần như sáng nào hai ngón tay trỏ của mụ và mắt mũi con Tommy cũng dính ít nhiều phân. Những biện pháp ngăn ngừa như chận tay mụ xuống dưới chăn hay mang bao tay cho mụ đều không mang lại kết quả gì. Chỉ có cách cột tay mụ vào thành giường là tương đối có kết quả nhưng lại không có ai nỡ cột tay mụ hằng đêm và cũng không có ai đủ kiên nhẫn cột đi cột lại mỗi hai tiếng đồng hồ như thế. Sức nặng quá mức trung bình và những đầu ngón tay vấy phân tốn công tắm rửa của Oberg biến mụ thành một trong những assignment nặng nề mà sáng nào các cô Aides cũng tỵ hiềm nhau để khỏi phải nhận lãnh, và không ai trong những lúc phải lau rửa hai đầu ngón tay vấy phân ấy của mụ mà không kèm theo những lời đay nghiến dằn vặt. Oberg lẳng lặng đón nhận những lời đay nghiến dằn vặt ấy bằng đôi con mắt lờ đờ vô cảm, chiếc cằm lởm chởm râu và chiếc miệng há hốc hít thở từng cơn như phân trần ai oán. Nhìn mụ người ta rất dễ dàng nhận ra tính chất tương đồng giữa những đứa trẻ sơ sinh và những người rất già nua mà sinh hoạt hằng ngày giới hạn trong nhu cầu vận dụng những khả năng bình thường bằng năm giác quan, ăn ngủ đi đứng khóc cười hít thở. Tất cả có vẻ như là một cái cớ để chờ đợi thời gian trôi qua.

 

Có một lần, con búp bê Tommy trần truồng của mụ rơi từ trên xe lăn xuống đất đúng lúc Maria đẩy chiếc xô lau nhà đầy nước đi tới. Con búp bê bị cán dẹp đầu. Chiếc đầu cao su chỉ trong chốc lát lại tròn xoe như cũ nhưng Oberg ôm lấy con búp bê mà khóc lóc thảm thiết, Tommy Tommy con ơi. Tiếng khóc cũng kể lể ai oán như tiếng khóc bị tình phụ của Katrina. Hơn thế nữa, mụ đẩy con búp bê lên Nurse’s Station đòi băng bó cho bằng được chiếc đầu và đòi khám bệnh chích thuốc cho nó. Bà Margaret bỏ công ngồi bên mụ khoảng nửa giờ, giải thích cho mụ hiểu rằng con Tommy chỉ là một con búp bê bằng nhựa, rằng chiếc đầu nó đã lành lặn như cũ không cần thuốc men gì hết. Vô ích. Mụ cứ khóc lóc nỉ non như đâm như chích vào tai từng người. Cuối cùng bà Margaret đành phải làm ngơ để cho một cô y tá nào đó quấn vào đầu con búp bê mấy vòng băng trắng kín mít và chích vào tay nó mấy cc nước để mụ im miệng. Nhớ chiếc đầu băng bó ấy mà mụ không đem con búp bê vào phòng tắm trong khoảng một tuần lễ. Sau tuần lễ ấy mụ đem nó trở lên, đòi gỡ băng và khám bệnh lại. Margaret thì cứ lắc đi lắc lại mãi chiếc đầu đã xù tóc của bà ta... “Chúng ta có bổn phận phải đưa bệnh nhân trở về trạng thái bình thường bằng cách giải thích cho họ hiều, bằng định nghĩa bình thường và với lý lẽ đơn giản. Chúng ta đã không làm được như thế mà phải nghe theo mụ, quấn băng vào đầu con búp bê thì thật là khôi hài. Thật là khôi hài...”

 

 Căn phòng cuối cùng, căn phòng nằm xa tít tận cửa sau và ít cần tới sự chăm sóc nhất là phòng của mụ Rose. Nếu có lúc người ta đặt tên bệnh nhân theo một sổ cá tính hay bệnh trạng riêng của từng người như người này điên nhất, người kia khó chịu nhất, người nọ tội nghiệp nhất thì Rose được coi là bệnh nhân hạnh phúc nhất. Mụ có hai đứa cháu nhỏ. Không phải cháu mà là chắt mới đúng. Hai đứa bé khoảng năm, sáu tuổi mỗi tuần được mẹ chúng và bà ngoại chúng dẫn vào thăm Rose một lần. Những giờ thăm ngắn ngủi của hai đứa bé làm căn phòng tràn ngập những tiếng cười dòn tan, những câu chuyện ngây thơ và những tiếng hát non tươi bay cao vút như tiếng chim hót. Ngoài âm thanh, chúng còn mang theo cả một bầu trời màu sắc với những chiếc bong bóng hình trái tim xanh đỏ trắng vàng, những bức tranh vẽ trong lớp học họa hình người mặt mũi tròn xoe, cầu vồng bảy màu, chim chóc thú vật biết nói và hoa lá cây cỏ biết bay. Chi yêu thích nhất những câu thơ nhỏ viết bằng bút chì đỏ như: Roses are Red. Violets are Blue. Sugar is Sweet. And so are You. Rose sung sướng thấy Chi đứng nhìn ngắm những bài thơ và những bức vẽ trẻ con ấy. Mụ dúi vào tay Chi những viên kẹo cũng tròn to xanh đỏ tím vàng mà mụ để dành riêng cho hai đứa bé... Ăn đi ăn đi Chi... Người ta chỉ có thể ngậm những chiếc kẹo này khi người ta còn trẻ trung mà thôi. Chi bất đắc dĩ bỏ những viên kẹo vào túi để rồi khoảng mười lăm hai mươi phút sau, cần tìm kiếm một vật gì đó trong túi, chợt lôi ra những viên kẹo, nhìn ngắm cái màu sắc tươi tắn tròn trịa của chúng mà nghĩ đến Rose. Mụ nói đúng, Rose, người ta chỉ có thể ngậm những viên kẹo này khi lòng người ta còn trẻ trung thôi.

 

Đầu Rose rụng trơ không còn một sợi tóc nào. Ban ngày mụ luôn luôn đội một mái tóc giả màu hung điểm tô thêm bằng những chiếc kẹp cùng màu với màu áo mặc hằng ngày. Ban đêm mái tóc giả ấy được treo cẩn thận lên một chiếc móc ngay trên đầu giường, ở một chỗ vừa tầm tay để mụ có thể với lấy mà đội một mình từ sáng sớm, không để bất cứ ai trông thấy mụ trong chiếc đầu trọc khô. Lần đầu tiên bước chân vào phòng Rose, Chi đã rợn người bước tháo lui vì mái tóc giả treo lửng lơ trên tường trong bóng đêm mờ trông y hệt như một chiếc đầu lâu lủng lẳng. Cái cảm giác rợn người muốn tháo lui đã được dẹp bỏ ngay nhưng cái cảm tưởng mái tóc giả giống y như chiếc đầu lâu lủng lẳng thì không khi nào buông tha Chi. Và cũng vì không có tóc nên Rose rất yêu quí mái tóc đen dầy dài mượt của Chi. Đi làm ban đêm, lười cuốn chải, lại càng không thể xỏa tóc lướt thướt, Chi luôn luôn búi tóc lên thành một búi lớn sau gáy. Rose thì chỉ đợi dịp kéo Chi ngồi xuống giường, xổ tung mái tóc nàng ra, nâng niu những lượn tóc đen dài trong tay, miệng thì thầm: ngày xưa tóc tao cũng dài như thế này, mượt như thế này, óng ả như thế này... Thời bây giờ tụi con gái không có đứa nào chịu nuôi tóc dài nữa... Chi cố giữ lấy mái tóc này nghe Chi nghe Chi...

 

 Tuy yêu mến Rose, tuy hiểu rằng tất cả mọi người, kể cả người được gọi là hạnh phúc nhất ở đây như Rose đều có ít nhất là một điều thiếu sót cần được bù đắp, tuy hiểu thấm thía cái mặc cảm của mái đầu sói trơ che đậy từ năm này sang năm khác bằng mớ tóc giả, Chi vẫn không thể nào chịu được cảm giác bàn tay mụ vuốt ve trên tóc nàng. Sống lưng Chi cứ rợn lên từng cơn mỗi khi những ngón tay mụ lần sâu trong gáy. Cái cảm giác vừa ghê sợ vừa buồn rầu vừa thương hại trộn lẫn vào nhau giữ Chi ngồi im lặng bên giường mụ hằng đêm. Cuối cùng Chi phải bỏ ra mười lăm phút mỗi tối trước khi đi làm để thắt bím chặt mớ tóc lại trước khi búi cao lên rồi gài thêm bằng một chiếc trâm bạc chạm trổ mua ở phố Tàu. Cái búi tóc kiểu cách cộng thêm hai lọn tóc mai buông lơi bên tai làm thành một kiểu làm dáng độc đáo và kiêu sa khiến mụ Rose không có can đảm xin xổ tóc Chi ra nữa, hình như mụ hiểu. Suốt mấy đêm sau khi thấy mớ tóc tai nịt chặt chẽ của Chi, mụ quay mặt vào trong tường giả vờ ngủ mỗi khi nàng bước vào. Nhưng chỉ được mấy đêm mà thôi. Mụ không có lý do gì để giận được Chi lâu. Còn Chi thì cố tìm cách để đền bù lại cho mụ nhiều hơn, ân cần và dịu dàng với mụ nhiều hơn. Thật ra thì phòng mụ vẫn là căn phòng mà Chi rất ưa bước vào, nhất là vào buổi sáng sớm trước khi ra về, để nhìn ánh sáng sớm mai rực rỡ trên những màu sắc tươi hồng, khi mái tóc giả đã được đội gọn gàng trên đầu Rose, vào đúng vị trí bình thường của một mái tóc, những câu thơ trẻ nhỏ, quả bong bóng hình trái tim, mặt người tròn xoe, chim muông biết nói, hoa lá biết đi và bộ bàn ghế nhỏ xíu cũng hình trái tim xanh đỏ tím vàng xếp ở góc phòng. Kiểu bàn ghế thường thấy ở các kindergarten mà trên đó mụ Rose đặt đầy những chiếc khăn ăn bằng giấy màu xếp đủ kiểu rất đẹp mắt và công phu. Grace nói có lẽ ngày xưa mụ là một mệnh phụ thường xuyên đãi khách những bữa ăn không những ngon miệng mà còn rất đẹp đẽ và cầu kỳ. Henrietta trề môi: “Hứ, xếp khăn đẹp, cầu kỳ và nhanh như chớp thế kia thì ngày xưa mụ chỉ có thể là... waitress mà thôi!”

 

 Khi Chi trở về Nurse’s Station thì đồng hồ đã chỉ gần ba giờ rưỡi sáng. Henrietta đang cắm cúi bên đống hồ sơ bệnh lý, tay nó chống lấy đầu tựa như để đỡ cho chiếc đầu khỏi rơi gục xuống. Chi khoá tủ thuốc, ném chùm chìa khóa lên mặt bàn, ngồi xuống bên cạnh nó:

 - Có gì không Henrie?

 Henrietta ngước lên, đôi mắt mệt mỏi:

 - Mày có giữ hồ sơ của Roger đấy không?

 - Có đây, tao cầm theo đây. Tao định đến 4 giờ cho lão uống thuốc luôn thể... Sao vậy?

 Henrietta gặng lại:

 - Nghĩa là từ lúc 2 giờ đến giờ mày chưa trở lại phòng lão phải không?

 Chi gật đầu sốt ruột:

 - Ừ,... Mà sao?...

 Henrietta lắc đầu:

 - Không... Chắc cũng không có gì đâu... Mày coi lại coi. Bác sĩ của lão đến thăm lần trước vào ngày nào... Tuần trước đứa nào viết lại Patient Care Plan cho lão... Coi có loại PRN nào thì cho lão uống thêm đi... khỏi đợi tới 4 giờ nữa. Sổ của lão mày cầm đi từ nãy đến giờ nên tao không biết.

 Kiểu nói năng rối mù ngắt quãng của Henrietta làm Chi bắt đầu lo ngại. Nàng gằn nó:

 - Mày thấy lão làm sao thì nói cho tao biết ngay để tao xuống đó khỏi mất thêm thì giờ, Henrie!

 Henrietta lại lắc đầu nữa:

 - Không, tao chỉ muốn coi lại hồ sơ lão có gì lạ không... Lão cứ ngồi lên nằm xuống mãi không ngủ một chút nào. Vital signs thì bình thường thôi...

 Thấy Chi còn đứng cau mày, nó hỏi tiếp:

 - Lão hỏi mày đó. Đến ngay đi. Trời sắp sáng rồi còn gì. Mày cũng chưa lấy break nữa phải không?

 

 Chi ngừng bước trước cửa phòng Roger, lắng nghe tiếng thở nặng nề mệt nhọc và ngắt quãng của lão vọng ra. Nhịp thở ấy không giúp cho nàng đoán được rằng lão đang thức hay đang ngủ. Lối nói ngập ngừng của Henrietta tuy làm Chi lo âu nhưng nàng vẫn không muốn đánh thức Roger dậy trước giờ uống thuốc bình thường vì lão là người rất khó dỗ giấc, thêm vào đó lão cũng không thể ngủ ngày để bù vào giấc ngủ thiếu ban đêm. Chi thận trọng bước vào. Roger đang ngủ ngồi trên giường, hai chiếc gối kê sau lưng, chân co chân duỗi như đang dẫy dụa. Có lẽ Henrietta đã đỡ lão dậy lúc nãy cho lão dễ thở. Đầu Roger gục xuống, lão thở toàn bằng miệng, hơi thở phì phò nóng hấp. Chi đặt tay lên trán lão, giật mình thấy trán lão, mặt lão và cả người lão đều ủ hơi nóng hổi ướt đầm. Nhìn xuống chiếc túi nước tiểu máng bên thành giường thấy màu nước tiểu trở vàng sậm, Chi vội vã kéo ngăn tủ tìm mấy chiếc ly nhựa nhỏ để lấy mẫu nước tiểu. Tiếng mở tủ gấp rút của Chi làm Roger choàng dậy, lão chồm tới chụp cổ tay Chi thảng thốt: Chi. Chi đặt bàn tay còn lại lên tay lão, như muốn ủ bàn tay sần sùi to lớn ấy trong tay mình, cúi xuống dịu dàng:

 - Lão thấy trong người thế nào, hả Roger?

 Roger cứ rướn tới, nói bằng hơi thở hớp hớp từ miệng như ngộp nước:

 - Có gì đâu Chi... Tao vẫn khỏe... khỏe...

 Chi vuốt ngược những sợi tóc dính bệt trên trán lão:

 - Henrie nói nãy giờ lão không ngủ được chút nào...

 Roger lắc đầu:

 - Tao có ngủ rồi mà... ngủ... ngủ... rồi hồi đầu hôm... Tao... tao mới nằm mơ Chi ạ...

 - Lão mơ thấy gì nào? Mơ gì mà không ngủ được nữa vậy?

 Roger co người lại:

 - Tao thấy lửa. Lửa cháy. Lửa lửa lửa bốn bề... Trời ơi...

 Chi giữ chặt tay Roger hơn nữa, thương cảm:

 - Roger. Quên những giấc mơ ấy đi. Quên đi Roger..

 Giọng Roger đổi não nuột. Lão thở ra từng tiếng một:

 - Tao... sắp. ..chết rồi... Chi...

 - Sao lão cứ nói như vậy mãi. Lão đã hứa là lão sẽ sống để nhìn thấy tôi già kia mà Roger...

 Roger vùng tay ra. Lão vương chụp lấy vai Chi, lắc mạnh:

 - Không Chi. Chi... không kịp nữa rồi... Tao sắp chết mất rồi Chi... Tao biết mà Chi. Chi.

 Mắt lão vụt đỏ ngầu. Hơi thở lão dồn bốc lên nóng hấp trên mặt Chi. Nàng hốt hoảng gỡ tay lão ra:

 - Roger. Roger. Để tôi đi lấy thuốc cho lão uống nghe... Không có gì đâu... Chỉ là lão nằm mơ đấy mà...

 

Roger không cần nghe Chi nói thêm bất cứ điều gì nữa. Những cử động giằng co bấu víu bàn tay của nàng dường như chỉ đem tới tác dụng truyền thêm sức mạnh cho lão. Roger chụp vòng hai tay ra sau lưng Chi, kéo siết lại, mặt lão áp vào cổ nàng, rướn lên, tiếng lão nghẹn từ trong cổ họng. Chi. Chi. Chi. Những sợi râu xám lởm chởm trên bộ mặt sần sùi dúm dó, hơi thở khò khè dồn dập và cả thân hình ướt đẫm của lão đổ xấp vào người Chi. Chi chết cứng người. Cơn sợ hãi và kinh ngạc làm Chi tê điếng. Nàng nghe giọng mình lạc rợn. Roger. Roger. Buông ra. Roger. Roger hốt nghiêng đầu qua như để nghe cho rõ những tiếng kêu của nàng rồi nhắm vùi mắt lại, nét mặt với đường may dài bên mép trái như thoáng cười kéo xệch lên trên thái dương. Chi vùng mạnh ra bằng hết sức bình sinh nhưng vòng tay Roger ràng cứng như thép nguội. Chi bật khóc mím môi luồn tay ra sau lưng dùng hết sức mạnh của hai đầu ngón tay dồn xuống ngón tay cái bấm mạnh vào hai kẽ tay lão, giữa ngón cái và ngón trỏ. Roger kêu ối lên, hai cánh tay thả rơi khỏi vòng eo Chi nhưng mặt lão rớt đổ luôn xuống ngực nàng. Thoạt tiên môi lão chạm phải chiếc bảng tên Chi đeo trên ngực áo. Cái sắc lạnh của miếng kim khí chắc làm lão khựng lại. Môi lão rà qua đụng phải chiếc khuy áo nàng. Lão ngậm luôn lấy chiếc khuy, nhằn nhằn trong miệng nửa như muốn tháo bung nó ra, nửa như muốn cắn nó vỡ ngấu nghiến. Chi cố xoay ngang xoay dọc, ngửa cổ về phía sau tránh hơi thở càng lúc càng dồn dập nặng điếng của lão. Lòng tràn ngập giữa cơn ghê sợ và lòng giận dữ, Chi tát lia tát lịa vào mặt lão, tát bằng hai tay, vừa tát vừa khóc nức nở, nước mắt tuôn đầm đìa, vừa nhận thấy rõ ràng mình đang làm một hành động có thể được gọi là abuse bệnh nhân. Nhưng vô hiệu. Roger vẫn ngậm chặt lấy chiếc khuy áo như thể chiếc khuy nhỏ bé ấy là điểm bấu víu cuối cùng của lão trước cuộc đời. Chi không biết rằng nàng sẽ còn tiếp tục khóc sướt mướt và tát dồn Roger như thế trong bao lâu nữa nếu không có tiếng mở cửa rít lên rồi tiếng chân những nhân viên nhà bếp đầu tiên vừa tới. Giọng Spanish lao xao làm Chi sực tỉnh. Nàng sực nhận ra rằng mình đã quên hết những phương pháp đơn giản nhất để đối phó với những cơn điên quẩn tương tự của bệnh nhân. Trời ơi. Trời ơi. Chi nghiến răng nắm lấy chóp chiếc mũi lõ khô hốc của lão, bóp mạnh. Vừa đau vừa nghẹt thở Roger vội vàng há miệng hớp hớp hơi nhả chiếc khuy ra.

 

Cả thân hình lão đổ vùi xuống giường. Chi nhảy lùi lại, vịn vào chiếc ghế, sẵn sàng thủ thế trước một cơn điên tiếp theo. Chi lầm. Tất cả sức mạnh, tất cả sinh lực, tất cả những cơn ghê sợ và giận dữ của Chi tan biến mất. Nàng đăm đăm nhìn tấm thân tàn nằm xuôi trên giường bệnh. Trời ơi. Trời ơi. Khuôn mặt kinh dị thê lương nhìn trừng oán hận vì không làm gì được cả cuộc đời đang tiếp tục sinh sôi và đào thải sau lưng lão. Nước mắt Chi tiếp tục rơi lả chả. Chi vùng bỏ chạy miết về Nurse’s Station. Tiếng chân nàng làm Henrietta hốt hoảng bước ra. Chuyện gì vậy Chi? Chuyện gì vậy? Chi không trả lời, chạy xô vào ngồi gục đầu trên mặt bàn khóc lớn. Henrietta lắc mạnh hai vai Chi, vực đầu nàng dậy, la lên. Chuyện gì? Nói cho tao biết chuyện gì? Chi ngước lên, tay che ngang mặt nói qua màn nước mắt. ..Roger... Lão Roger... Roger làm sao? Làm sao? Chi nức nở... Lão... lão... lão... ôm tao... Henrietta khựng lại. Hai bàn tay vịn vai Chi lỏng ra. Rồi nó buông Chi xuống, bật cười lớn, lớn hơn tiếng khóc Chi. Vậy mà mày làm tao tưởng có động đất ở dưới đó. Ha ha. Đâu lão ôm mày chỗ nào đâu cho tao coi có mất mát gì không? Ha ha ha... Tiếng cười ha hả riễu cợt của nó làm Chi thấy mình lố bịch. Vừa hổ thẹn vừa giận dữ vừa nghe khổ sở không đâu, Chi hét lên. Im đi. Mày xuống mà coi lão đi. Trời ơi... Henrietta ngưng cười. Nó nhìn khuôn mặt tái mét đẫm nước mắt của Chi, nhận ra tính chất nghiêm trọng của sự việc. Nó bước ra, tay với lấy chiếc ống nghe choàng lên cổ, tay kia thẩy xâu chìa khóa tủ thuốc cho Chi rồi quày quả bước đi.

 

Chi không có thì giờ để tiếp tục khóc. Những công việc dồn dập vào buổi sáng sớm dựng nàng dậy. Những cú điện thoại liên tục. Những người làm việc ở nhà bếp, phòng giặt, những người lau chùi dọn dẹp phải đến từ tờ mờ sáng. Tiếng chân ra vào tiếng bấm thẻ tiếng chào hỏi nhau. Tiếng ho tiếng sổ mũi tiếng chửi thề khe khẽ lẫn với tiếng xe chạy ngoài đường và tiếng chim kêu vọng vào từ cửa sổ. Mùi cà phê thơm phức lẫn với mùi donuts mới mua từ một tiệm fast food nào đó. Mùi sương lạnh đẫm trên áo, mùi hơi người... Tất cả lôi Chi dậy, bắt Chi làm việc như cái máy. Chi không biết rằng Henrietta đã bỏ đi xuống phòng Roger trong bao lâu cho đến khi nó trở lại, lặng lẽ kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh Chi, vịn tay lên cánh tay nàng. Bàn tay nó mang găng. Chi thảng thốt quay lại. Henrietta nói thật khẽ: Lão đi rồi. Chi vùng đứng dậy, đẩy ngược chiếc ghế về phía sau. Henrie vươn kéo chiếc ghế lại, ấn Chi ngồi xuống. Thôi xong rồi. Cứ ở đây đi. Mày không phải xuống đó nữa.

 

Henrietta làm thật nhanh những công việc mà đáng lẽ Chi phải làm vì Roger là bệnh nhân của Chi. Gọi cho Bác sĩ của lão. Gọi sang nhà xác. Kiểm soát tất cả quần áo vật dụng tùy thân để trao lại cho thân nhân. Sửa soạn đóng hồ sơ. Đặt lão nằm lại ngay ngắn. Phủ lão bằng một tấm khăn sạch để sửa soạn đưa lão đi. Người Chi cứ đổi từ nóng bừng sang lạnh ngắt. Chân tay nàng lúng túng ôm chụp lẫn lộn đủ mọi thứ. Tới một lúc Henrietta chận tay chân Chi lại. Mày đuối lắm rồi đó Chi. Liệu có lái xe về được không? Thôi ra xe nằm nghỉ để tao đưa về cho. Để phần Report đó tao lo cho. Ra xe nằm đi. Chi quắc mắt lên. Đừng có nói chuyện với tao như là nói với bệnh nhân vậy. Để mặc tao.

Chi quay ra cầm lấy hết mấy quyển sổ lên, sửa soạn cho phần Report với Shift sáng. Đúng lúc đó chiếc băng ca đẩy xác lão Roger đi trờ tới. Chi nghe tiếng Henrietta kêu rít lên. Trời ơi sao lại đi cửa này? Tiếng tên Alphonso đẩy băng ca lúng túng trả lời. Cửa sau bị hai chiếc xe chở thức ăn chận hết lối rồi. Chi từ từ khuỵu xuống, còn nghe ra được tiếng mấy quyển sổ rơi ào dưới chân. Mơ hồ những bóng người chạy đến. Tiếng kêu hốt hoảng của Grace. Bàn tay quen thuộc của Henrietta. Trong một tích tắc Chi nhớ lại tất cả. Tất cả nỗi buồn của nàng niềm vui của nàng. Tất cả những người đã chết đi mà linh hồn còn vật vờ đâu đây. Tất cả những người nàng đã đem tới tình yêu dịu dàng như yêu nỗi buồn của chính mình, những lời thăm hỏi nâng giấc nửa khuya, bàn tay lặng lẽ vuốt mắt lúc chung thân. Chi vụt nhớ tất cả, tất cả những đêm thâu ra đi những sớm tinh mơ trở về, thức ngủ ngược lại với cuộc đời, giờ ăn giấc ngủ xoay vần đảo lộn. Nàng ngủ cùng một giờ với giấc ngủ của mẹ nàng ở Việt Nam. Những đêm mưa lái xe đi làm mưa trắng xoá mưa dập vùi cảnh sắc. Những đêm mùa đông sương muối che sờ mặt kính lái xe đi mù mù trong một biển sương giăng. Những đêm trăng tỏ lộng bàng hoàng những xa lộ vắng đèn thắp hai hàng nhìn xuống thành phố long lanh thức ngủ. Những đêm đứng trước cánh cửa Viện hít một hơi dài không khí của trời đêm trước khi bước vào vì ở bên trong cánh cửa kia là cả một thế giới rầu rầu cả một cái mùi choàng ập vào khứu giác vào mặt mũi tay chân đầu tóc. Một cái mùi chạy đi rất nhanh vào tâm hồn làm chết khựng hết những niềm vui làm tê liệt hết hi vọng. Một cái mùi làm nên ảo giác bải hoải tràn ngập hết châu thân. Em có đủ kiên nhẫn và dịu dàng không? Em có đủ tình yêu đối với con người và lòng can đảm trước sự chết không? Ở đàng sau cánh cửa kia là những người đang nhặt nốt những bông lúa cuối cùng mà họ đã gieo trong đời. Những cơn điên dưới sức hút kỳ dị của mặt trăng. Những ngày rất dài và những đêm rất dài nghĩ đến niềm hạnh phúc đời sau, cảm nghiệm về một nỗi bất lực trước một thế giới đã đang và sẽ còn tiếp tục sinh sôi nảy nở mênh mông chung quanh. Nơi đó tuổi thanh xuân vừa là quá khứ vừa là ước mơ vừa là cơn đau đớn triền miên. Nơi rất nhiều Juliets và rất ít Romeos đêm đêm ngủ những giấc ngủ mơ có kẻ đến kéo chân rủ đi ra tìm lại cuộc đời trẻ đẹp và ngày ngày trở dậy nhìn nhau nói cười ngẩn ngơ. Mỗi người trang bị theo riêng mình một số kỷ niệm một số hành trang dĩ vãng. Con búp bê mái tóc giả những cây thông xanh những bức tranh trẻ nhỏ cuốn nhật ký những bức ảnh tươi cười kêu lớn cùng cuộc đời rằng tôi đã trẻ đẹp như thế này đây. Chi nghe như những bàn tay ai đó nhẹ nhàng đỡ nàng nằm xuống. Những cái xác da vàng nằm dưới đáy biển xanh. Những cái xác da trắng da đen đắp khăn đi mất. Những cuộc đời ở bên lề cuộc đời. Một người chết là một người chết. Một trăm người chết một ngàn người chết là một con số. Sự xúc động lập đi lập lại nhiều lần đáng lẽ phải đắp đầy lên thành thói quen vô cảm. Khéo dư nước mắt nữa sao Chi. Chính cô đã băng qua một đại dương, đã nghiêng sát xuống cái chết màu xanh thăm thẳm kia để đến đây mà. Rồi cô sẽ được sống ở đây được chết ở đây, y như thể này đây. Y như những cái xác da trắng da đen theo nhau đi ra đi ra. Chi cố chồm dậy. Cố quay đầu nhìn hút theo cái xác Roger vừa được đẩy ra khỏi cửa. Chi nhớ lại tiếng kêu Lửa Lửa. Tao thấy lửa bốn bề. Khuôn mặt Roger ướt đầm đìa giữa cơn mơ. Tao sắp chết rồi Chi ơi. Chi nhớ lại hết cơn vuốt ve kinh dị. Cái cảm giác của khuôn mặt nóng hổi méo mó đau đớn. Những sợi râu xám trắng khô cứng rờn rợn trên da thịt nàng. Bàn tay sần sùi nhớp nháp quơ bấu trên má nàng. Chiếc miệng ngậm cứng khuy áo trước ngực nàng và tấm thân đổ vùi xuống nệm. Cả miệng ta trăng là trăng. Cả lòng ta vô số gái hồng nhan. Ta nhả ra đây một nàng.* Chi nhớ lại hết những nụ cười lặng lẽ đêm đêm lão bật ngọn đèn chờ nàng đến bên, bàn tay nâng niu ủ lấy bàn tay nhỏ bé của nàng, tiếng thì thầm nhủ đi nhủ lại Goodnight, Sweetheart, nỗi đau đằm đằm trôi trên một con nước buồn rầu thê thiết. Chi quay đầu quay đầu mãi về phía cửa, thì thầm. Chúa cứu rỗi linh hồn lão, Roger. Cầu cho lão ngủ yên nơi miền vĩnh phúc, Roger... Nước mắt vẫn rơi đầm đìa trên má Chi. Chi biết rằng cái cảnh giới chập chùng mộ chí trong lòng nàng chỉ là một ảo giác. Chi biết rằng nàng sẽ còn tiếp tục thử thách mình về tình yêu đối với con người và lòng can đảm trước sự chết. Chi biết rằng, nàng vẫn thiết tha yêu cuộc đời biết bao./.

 

California, 1986

 (*) thơ Hàn Mặc Tử, bản đánh máy của Phạm Thị Ngọc

Vũ Quỳnh Hương
Số lần đọc: 1577
Ngày đăng: 09.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cầu Sương Điếm Cỏ - Lưu Trọng Lư
Phiên Chợ - Kinh Dương Vương
Vào hội - Vinh Anh
Thời mà nàng còn điên - Trân Sa
Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu - Trần Vũ
Made In The Laboratory - Nguyễn Xuân Tường Vy
Miếu Thờ Thần - Hoàng Xuân Hoạ
Ai Đã Giết A.Q ? - Khuất Đẩu
Im Lặng Của Thiền Sư - Phan Trang Hy
Chanh Cốm - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Miền Vĩnh Phúc- 1 (truyện ngắn)
Miền Vĩnh Phúc―2 (truyện ngắn)