Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
909
123.197.047
 
Mẹ
Lê Lộc

Trở lại nhà mình ở thành phố, con vẫn chưa hết bần thần. Vợ chồng con và các cháu đã cố tình trì hoãn rất nhiều lần việc phải để mẹ về lại ngoài Trung. Nhưng cuối cùng vẫn không thể nào giữ mẹ ở lại với chúng con được. “Bay làm răng thì làm phải đưa mẹ về quê, mẹ ở đây lâu quá rồi!” - lời mẹ vừa như bắt đền, vừa như nài nỉ, cứ lặp đi lặp lại mấy chục lần, chúng con cầm lòng không đậu. Thế là con phải đành lòng đưa mẹ về quê. Nơi đầu làng có ngôi mộ của cha. Có lẽ cha cũng đang ngóng chờ mẹ. Chắc là cha rất vui khi mẹ lại về. Gần hai năm rồi phải không mẹ?!

 

Ngày mẹ tạm rời làng quê để vào thành phố thăm con, dâu, cùng các cháu nội, mẹ chỉ định ở chơi vài tháng rồi về. Mẹ không nghĩ mình lại “bị” ở lâu đến thế! Cái thành phố lạ hoắc lạ huơ, lần đầu tiên trong đời mẹ đặt chân tới, răng mà nhà cửa chen chúc, xe cộ thì lúc nhúc, còn người ở mô mà đông như kiến. Thỉnh thoảng, thằng cháu nội đích tôn chở mẹ đi thăm bà con, họ hàng; ngồi phía sau mẹ ôm chặt lưng nó, mắt mẹ nhắm lại, không dám ngó chung quanh. Có hỏi thì mẹ bảo: “Hễ ngó là mẹ chóng mặt, người với xe ở mô mà nhiều rứa không biết. Kinh quá!”. Nói rồi mẹ lè lưỡi.

 

Hằng ngày, lúc trời chưa sáng, con dâu của mẹ đã dậy sớm lục đục lo bữa ăn điểm tâm. Rồi cả nhà ăn vội vội vàng vàng cho kịp giờ đi làm. Sau đó, chỉ còn mình mẹ trông nhà. Trống vắng. Trơ trọi. Con đi làm gần nhà, có một buổi trưa tranh thủ xin về xem sao, con thấy mẹ ngồi đăm chiêu trên chiếc giường tre, (vào phố, mẹ vẫn chỉ muốn nằm giường tre), mắt nhìn ra đường mà như trông về hướng quê nhà xa xăm…! Bất ngờ chứng kiến hình ảnh ấy, con bỗng nghe lòng mình đau nhói. Khi vào bếp, thấy cơm canh đã nguội lạnh, vẫn còn nguyên trên bàn ăn, con hỏi “mẹ có mệt không,  sao chẳng ăn cơm trưa?”. “Ăn một mình, răng mà ăn không nổi, mà mẹ cũng chẳng nghe đói chi hết con ơi!” - giọng mẹ trả lời nghe sao buồn buồn!

 

Những nhà kế cận toàn người nhập cư từ miền bắc, miền tây, khi người ta nói chuyện mẹ chỉ biết cười cười, hoặc ừ ừ, hử hử… Lúc vào nhà trong mẹ mới nói với chúng con: “Họ nói cái chi mà khó nghe quá!”. Với lại tuổi tác chênh nhau một vài thế hệ, làm sao giao tiếp, chuyện trò được. Đã không giao tiếp với ai được mẹ càng thấy trống vắng, trơ trọi hơn giữa bốn bức tường gạch vô cảm, vô tri. Con chợt thấm thía đến đau lòng cảnh “cá chậu, chim lồng” của mẹ, giữa phố xá đông đúc, ồn ào!

 

Hàng tuần, chỉ có ngày chủ nhật, con cháu được nghỉ việc quây quần ở nhà, mới thấy mẹ vui vẻ hẳn lên. Mẹ kể đủ thứ chuyện của thời xa xưa. Theo mẹ, hồi trước thường đói khổ, nhưng tình cảm giữa người với người “răng mà gần gũi, thân thiện?!”. Còn thời nay, người ta sống vật chất  chẳng thiếu thứ chi mà đối xử với nhau “răng cứ lạt lạt lẽo lẽo?!”. Rồi mẹ nói về con người, về làng quê trong nỗi nhớ trào lòng, trong niềm thương da diết.

 

Mẹ bảo ở quê không khí trong lành, cây cối xanh tươi mát mẻ, không gian thoáng đãng… Mỗi sáng sớm nghe tiếng gà gáy, tiếng chim hót, lòng người mới thanh thản, trong trẻo làm sao!. Những trưa hè, nằm dưới bóng cây trong vườn, nghe tiếng ve râm ran, ru giấc ngủ yên bình. Buổi chiều, vừa thong thả thăm ruộng, vừa nghe mùi khói rạ đốt đồng thơm ngai ngái, tâm hồn lâng lâng, êm đềm như những cánh diều in trên nền trời hoàng hôn. Tối lại, ra bờ sông ngồi hóng mát, ngây ngất nhìn ánh trăng lung linh trên sóng nước… “Ôi, làng quê! Nhớ chi mà nhớ!” - giọng mẹ bùi ngùi.

 

Người dân quê vẫn còn nặng tình, nặng nghĩa. Hàng xóm láng giềng tới bữa ăn, tô canh bưng qua, chén mắm bưng lại. Rồi tay chỉ cháu nội, mẹ nói: “Nhớ hồi con về quê thăm nội không? Người lớn, con nít tới thăm chật nhà”. Rứa đó, hễ nghe tin con cháu đi xa về là cả xóm vui vẻ chạy tới nhà thăm hỏi. Ra đường, ai gặp cũng chào, cũng hỏi han ân cần, thân mật. “Chu choa! Tình cảm lắm! Còn ở đây… răng mà…!!!”, mẹ bỏ lửng câu nói, giọng chùng xuống.

 

Tối nay, con gọi điện về, đầu giây bên kia tiếng mẹ hớn hở: “Mẹ đi thắp hương mộ cha con hồi chiều. Về đây có mấy dì của con gần gũi hủ hỉ, mẹ vui lắm! Mẹ thấy khoẻ ra, ăn ngon ngủ kỹ con ạ, đừng lo chi cho mẹ hết, nghe con!”. Con đọc được qua giọng nói của mẹ tất cả lòng yêu thương, độ lượng vô bờ bến. Và con cảm thấu rằng mẹ đang giả vui, đang kìm nén, đang “cắn răng”  giấu đi nỗi nhớ conthương cháu đến đau thắt lòng mẹ!

 

Buổi sáng, hôm con mang túi xách trở vào thành phố, mẹ bùi ngùi nắm tay con, giọng mẹ chầm chậm, đều đều: “Thôi, con cứ yên tâm vô với vợ, với con đi! Mẹ nghĩ kỹ rồi, mẹ phải về ngoài ni, chớ ở trong nớ có sự chi thì khổ cho con, cực lây cho cháu nữa. Mà mẹ phải về, rủi mai mốt có “chuyện chi” thì được nằm gần cha con!”. Con lặng người, ôm vai mẹ, nuốt nước mắt vào lòng!!!./.

Lê Lộc
Số lần đọc: 1917
Ngày đăng: 10.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nô tài thi sĩ - Hiếu Tân
Quỳnh Lan, tiếng hát như tặng phẩm từ thượng đế. - Du Tử Lê
Tạp Bút Cuối Năm . - Nguyễn Hồng Nhung
Thư Gửi Chị - Trần Dzạ Lữ
Giấc mơ và thơ ca - Nguyễn Bình Phương
Phố Biển - Hồ Ngạc Ngữ
Hai Câu Thơ Chế Lan Viên Và Chút Trải Nghiệm Riêng Của Tôi - Bùi Minh Quốc
Về Thăm Quê - Lê Lộc
Tạp bút của tro tàn - Ban Mai
Cấm Sách, Sách Cấm - Phan Khôi