Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.020
123.197.552
 
Ba bài quy khứ.
Nguyễn Đông Nhật

Mười năm trước, ở tuổi thất thập, sau hơn 50 năm gắn bó với thơ và đã thành danh khi tuổi đời chưa đến 20, nhà thơ Tường Linh viết bài Khúc ca qui ẩn như lời “chia tay” sau một đời thơ. Ông trở về với Đường luật, thể thơ bắt đầu sự nghiệp thơ của mình, qua những vần xướng họa với bằng hữu trong những ngày “gác kiếm” còn lại.

 

Nhân đọc những dòng cảm khái của nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ viết Qui ẩn, về đâu?, dài 62 câu (không kể 4 câu dẫn lại của Tường Linh). Đó là một nét “lễ”, của cách ứng xử trong truyền thống văn hóa.

 

Khúc ca qui ẩn là nỗi ngậm ngùi trước lẽ biến trôi của vạn hữu. Qui ẩn, về đâu? là câu hỏi muôn đời, trước chính mình và trước hư vô.

 

Nguyễn Đông Nhật viết tiếp Qui khứ, về đây như một lời nhắn gửi chân tình: Cuộc đời, dẫu có nhiều cay đắng, ngậm ngùi, thì vẫn là nơi con người phải gánh trọn số phận để đi qua hết cuộc tồn sinh. Bài thơ dài 58 câu, cũng nằm trong tinh thần ứng xử ấy: tôn ti trật tự về tuổi đời, tuổi nghề là điều nên trân trọng.

 

Điều có thể ghi nhận: Mỗi bài, là một tính cách, một giọng điệu riêng, dù cả ba đều được viết theo một thể thơ cổ, đòi hỏi sự nhuần nhuyễn trong nghề thơ: hành độc vận. Một điểm thú vj: bài thứ hai (của T.H.D.V) sử dụng lại 4 câu trong bài thứ nhất; bài thứ ba (của N.Đ.N) sử dụng lại 3 câu trong hai bài trên.

 

Văn chương Việt giới thiệu ba bài hành này như món quà cuối năm, nhằm nhắc lại một nét đẹp trong văn học truyền thống, từ lâu, gần như bị lãng quên.

 

TƯỜNG LINH

KHÚC CA QUY ẨN

 

Bạch diện qua rồi, vẫn trắng tay

thư sinh buổi trước, gã cuồng nay

lạc đường, quay ngựa, vương tình bút

xa ruộng, lìa quê, nhớ ruộng cày

đọc sách nửa đời chưa sáng ý

bão bùng tơi tả cánh mơ bay

nghìn câu nguyện ước tan theo mộng

ráng đỏ mây phai nắng cuối ngày

hiên vắng ta ngồi đêm nguyệt tận

mắt buồn người hiện giữa cơn say

 

Khúc thu người tiễn ta chiều cũ

dương liễu đầu sông lá rụng đầy

không chén trường đình mà lảo đảo

không màng sự nghiệp cũng ngây ngây

sông Thu nào phải là sông Dịch

hai phía thầm đau nhạn lạc bầy

ta đã hẹn người ngày tái kiến

hội xuân đời ghép hội rồng mây

người không còn nữa, ta phiêu bạt

trở lại, còn ai gặp nữa đây?

quê cũ. cổng làng ai đứng đợi?

chiều xuân lạnh chiếu rượu xuân bày

sông xưa lở cả đôi bờ đẹp

hoang vắng, đò thôi cập bến này

trời mênh mông quá, vô tình quá!

không hận nhưng lòng tiếc lắm thay!

vốn nặng cưu mang tình cố lý

về nhìn hiên cúc gió thu lay

ta ngâm khe khẽ bài tương biệt

người trách thầm qua nét nhíu mày

nhân ảnh mờ chìm trong đáy cốc

rượu chiều sóng sánh bởi heo may

ta chờ nghe tiếng thân thương cũ

người gửi riêng ta thuở đọa đày

chiều bỗng tuôn mưa, trời nổi sấm

chén buồn còn lại chất men cay

bóng người mãi mãi là hư ảnh

mưa suốt đêm trường, gió lạnh vây

rượu rót chờ người không hiện nữa

bài thơ chiêu niệm ý hao gầy

 

Cố nhân! ta gọi tên bằng hữu

vạn nẻo trầm luân mất dấu giày

ta ngó lên nguồn, trông xuống biển

hỏi cùng nam bắc, hỏi đông tây…

lặng im, xẻ nghé tan đàn hết!

tiếp những mười năm hẹn đã chầy

mồ bạn lạc loài bao cõi lạ

nén hương chưa đốt tỏ lòng này

tri âm tri kỷ như sao sớm

chút nghĩa kim bằng cũng hiếm thay!

 

Cuối cuộc viễn trình đơn độc quá!

bơ phờ cánh hạc khép đường bay

gẫm bao chí lớn trong thiên hạ

chẳng được còn xanh với cỏ cây

thì ta một chấm nhân sinh nhỏ

mong mỏi gì hơn ở kiếp này?

cũng chẳng tính chi còn với mất

càng không than vãn chuyện riêng tây

đàn xưa trỗi lại bài lưu thủy

lắm nỗi niềm trao với nước mây

khúc ca quy ẩn đưa xa nhịp

khắc nét đời thơ chiếc bóng gầy

vang mãi dư âm triều hệ lụy

thơ chào tuyệt tích gửi ai đây?

 

Tân Tỵ – 2001

 

Khi đi xa lâu ngày trở về nhà, trên bàn viết, tôi đã thấy "Khúc ca quy ẩn". Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ này nhiều lần. Cảm động. Bồi hồi. Đọc thơ mà vừa thương nhà thơ lại vừa thương mình, vì dẫu có chênh nhau về tuổi tác, nhưng vẫn thấy vừa đồng cảm vừa đồng điệu…

 

Thơ Tường Linh, tôi đã đọc nhiều và đã thuộc nhiều bài từ khi còn là cậu học trò trung học . Nhưng đã lâu, tôi chưa đọc được bài thơ nào của anh lại khiến tôi cảm khái và liên hệ đến thân phận của chính mình như bài "Khúc ca quy ẩn " này.

 

Tôi thương anh chăng, qua bài thơ, hay bài thơ đã là nguyên nhân gây nên nỗi trắc ẩn cho chính tôi? Phải chăng đó chính là năng lực của thơ, với một sức chuyển dịch kỳ diệu nhờ ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc diệu, ảo tưởng và cả sự liên tưởng lạ lùng, mà nhà thơ đã đem ta đặt vào chính trung tâm sống động của bản ngã và vũ tru?

Nhưng anh Tường Linh ơi, giữa cuộc sống này còn có nơi nào để quy ẩn? Cả một thế giới đang tràn đầy những cái ác giả danh, không ngừng reo hò chiếm đoạt trái tim con người. Chính trong cái cảnh giới ấy, trong đêm tối của lòng mình, thơ anh đã như một ngọn đèn bật sáng trong tôi. Và cũng chính thơ anh đã khiến tôi phải ngồi dậy nhiều lần trong những nửa đêm về sáng; đã giúp tôi cầm lại được cây bút sau nhiều ngày sống với nỗi đau quằn quại, để viết được liền một mạch bài thơ "Quy ẩn, về đâu? ". Gửi bài thơ đến anh, chẳng phải để mong được làm người đồng điệu (một cao vọng chăng?) mà để anh nhận ra rằng, dẫu sao anh vẫn "ngộ" hơn tôi. Anh có quyết tâm quy ẩn, ít nhất là về mặt tư tưởng. Còn tôi, loay hoay mãi vẫn chẳng tìm thấy được một bến bờ. Tôi đã đi tìm sự hiện hữu trong hành động. Thất vọng. Tôi đã đến với tình yêu để mong tìm lối ra cho những thao thức tâm hồn. Lại chỉ thêm một lần thất vọng. Và rồi, ngay cả tôn giáo, triết học cũng không thể giải thoát tôi ra khỏi những xao xuyến, băn khoăn. Tôi đã vất bỏ nhiều thứ, một ngày kia quay về làng xưa; Ở đó, tuy lòng có tạm lắng lại mà vẫn không thể nào trốn khỏi nỗi bơ vơ. Tôi lạc lõng, xa lạ trên chính mảnh đất quê nhà. Và thế là đành nhìn lại mình để thảng thốt nhận ra: Không còn có nơi nào để quy ẩn, ngay cả ở quê nhà. Hư vô hiện diện ngay trong cái nhìn.

Và đây, gửi anh cái bóng của hư vô trong thơ tôi.

 

Tiết Đại Tuyết.Mùa đông, năm Tân Tỵ.7. 12. 2001.

 

TẦN HOÀI DẠ VŨ

QUY ẨN, VỀ ĐÂU?

Kính tặng anh Tường Linh (nhân đọc “Khúc ca quy ẩn”)

 

Chiều xuống bên trời, mưa nữa đây

buồn như triều rộng sóng dâng đầy

phương xa đã thấm mùi lưu lạc

đã ngán chuyện mình mãi đổi thay

chẳng tiếc hư danh, đành phận mỏng

xoa tay mộng ngắn chẳng qua ngày

chiều nao soi bóng trong vinh hiển

để tối nay ngồi nhẫm đắng cay

thôi thế màu đời trăm sắc ảo

ngày về mây trắng trói hai tay

 

Nhớ xưa ta đến đời như mới

nuôi mộng sông hồ mắt đắm say

phơi phới tim vui lòng nhịp bước

buồn đau ngỡ đạp dưới chân giày

ta đi không nhớ người thương nhớ

không tiếc tình vương ở cuối mày

không hẹn đâu màng câu lỗi hẹn

cười khinh danh lợi thế gian này

đâu hay đời cứ cho gian dối

thế sự trêu người mưa bóng mây

lối cũ quay về sương khói lạnh

tuổi xuân che mặt khóc hao gầy

thì ra ảo tưởng là ta đấy

và cũng là ta kẻ trót vay

giấc mộng sông hồ tan bọt nước

cười mình trí cạn, chẳng cơ may

“gẫm bao chí lớn trong thiên hạ

chẳng được còn xanh với cỏ cây

thì ta một chấm nhân sinh nhỏ

mong mỏi gì hơn ở kiếp này?”(1)

biết thế mà không đành dạ thế

bụi đường trăm lớp giũ chưa bay

 

Tìm em cửa nhỏ mong tương ngộ

duyên muộn còn chăng một chút này

mỏi gối gan hùm thay lốt thỏ

gửi thân yếm thắm, óc chưa lầy

đêm đêm đối bóng thầm tâm sự

chẳng bắt trăng vàng trên gối say

chẳng hẹn người về chung lối mộng

chỉ mong dâu bể lấp mau đầy

nào hay nhân ngãi không đành phận

cuối cuộc tang thương để dấu giày

trong máu pha cung đàn tiễn hận

quạt mồ xanh nắm cỏ trên tay

 

Ai dẫn chân ta về xóm trúc?

am không xơ xác tấm thân gầy

nghe câu thuyết pháp lòng như đất

chẳng ngộ cho mình được mảy may

quay bước, làng xưa tìm lối cũ

mẹ cha già yếu bỏ bao ngày

về nương bóng hạc quên đời bạc

bất hiếu thôi đành con chắp tay

quê cũ dòng xanh sông chảy lại?

tuổi thơ khói bếp có sum vầy?

ngàn năm mảnh đất đan trong kén

lại hóa thành thơ cho bướm bay

bạn cũ đã xa ngoài vạn lý

tạ lòng ai hát bóng trăng lay?

 

Ai về cố quận cam quy ẩn

ta xót chi đời những lúc say

manh áo ân tình đành bạc thếch

sầu lòng mấy buổi chẳng ai hay

đời thôi xin cứ bay như khói

chẳng có ai về lau mắt cay

dẫu trốn được ra ngoài hữu hạn

hư vô cũng lạnh cuối chân mày!

 

2-12-2001

(1)     Thơ Tường Linh - Khúc ca quy ẩn

 

 

Nguyễn Đông Nhật

QUY  KHỨ  -  VỀ  ĐÂY

 

kính tặng anh Tường Linh &  anh Tần Hoài Dạ Vũ

 

Thì vẫn muôn trùng vẫn gió lay

Cay chua dâu bể bạc chân mày

U minh chìm nổi triền miên giấc

Trong trận cờ ma loạn dấu giày

Ai hỏi ngàn câu trên biển lớn

Can chi thân gởi chốn lưu đày

Đời soi huyễn mộng gương như chém

Chữ nghĩa tan theo nắng cuối ngày

Trí bạc xem ra đành phận mốc

Mờ mờ qua lối huyệt mù say.

 

*

Ra đi. Âm vọng đầu sông sáng

Khóc lịm hài nhi giập sóng lầy

Ta bước lên đường như phải bước

Từ vô lượng kiếp giạt về đây

Nặng cùng chín chữ thầm trong máu

Tát cạn sông đền chửa mảy may

Tóc trắng bên trời cha mẹ yếu

Mà lưu lạc rã cánh bèo mây

Đành cam bất hiếu lòng pha giấm

Hồn gởi điêu linh lệ thấm dày

Ngút ngút quê nhà sương khói nghẹn

Không về, ai đợi mỏn niềm tây

Lửa bom đã lấp biền dâu sém

Vườn cải hoa bầm lạnh dấu tay

Lịch sử cười điên cơn mất trí

Xé đời tươi máu có ai hay?

“ Ngàn năm mảnh đất đan trong kén ” (1)

Tàn nửa dòng thơ, lạc bướm bay.

 

*

Ra đi. Mơ dựng lời vui mới

Cho ngát mùa lên xanh sắc cây

Cho bếp nhân quần reo lửa ấm

Hát cùng giấc mộng khúc ca say

Đâu hay máu chảy ra ngoài máu

Dìm nát tim yêu cuộc thế bày

Ước nguyện phai màu tan ảo ảnh

Trách lòng chưa tỏ cuộc cờ ngây

Nghìn xưa rồi những nghìn sau nữa

Danh lợi cuồng tâm trái đất quay

Gió hú đêm trường trăng lạnh khóc

Ai đem xương trắng dựng lầu mây?

Ai cười xé lụa hờn sông núi?

Ai hỡi?  Lầm chôn kiếp đọa đày!

 

*

Giận trời, mây cứ điềm nhiên trắng

Tiếng chó tru ma rợn óc lầy

Được mất còn chi ngoài rách nát

Thôi đành che mắt ướt trong tay

Đời ơi ? “… một chấm nhân sinh nhỏ

Mong mỏi gì hơn ở kiếp này ” (2)

Biết thế nên vui cùng nước mắt

Ơn người mong trả giữa niềm cay

Thời gian. Xin giữ đền tơ tóc

Vinh - dự - tang - thương một cõi này

Trái đất già nua mà mới mẻ

Âm thầm ngậm đắng vết thương vay

Ra đi, ngày chật vô tình rộng

Lá hát rung đều nhịp nước mây

Ra đi. Thiên địa trầm ngâm thức

Câu hỏi không lời dạt cỏ cây.

 

12 - 2001

 

(1) :   Qui  ẩn, về  đâu ? Thơ  Tần  Hoài  Dạ Vũ.

(2) :  Khúc  ca  qui  ẩn. Thơ  Tường  Linh.

 

Nguyễn Đông Nhật
Số lần đọc: 2201
Ngày đăng: 10.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lục Bát Không Đề - Trần Phù Thế
Dốc Cao Dốc Thấp Buồn Thiu, Lá Vàng /Chiếc Bóng Gầy Khô /Nụ Hôn - Đặng Kim Côn
Hạnh phúc đầu tiên của ngày - Trầm Hương*
Bài Thơ Viết Lúc Nửa Đêm - Trần Dzạ Lữ
Phút Nhớ Châu Âu, Dịch Thơ Juhász Gyula - Nguyễn Hồng Nhung
Tiễn Tiểu Kiều - Âu thị Phục An
Gió - Đinh Cường
Lạc vào miền khát của em /Chưa thu mà nắng vẫn hồng - Vân Trinh
Khóc bạn - Nguyễn Ước
Dồng dộc phương nào - Trần Hạ Tháp
Cùng một tác giả
Trăng (thơ)
Xi măng (thơ)
Quên (thơ)
Ban mai (thơ)
Mộ âm (thơ)
Nhà (thơ)
Noel (thơ)
Má Ơi ! (tạp văn)
Mùa thu (thơ)