Nina Mc Pherson, 1993,Trần Vũ chuyển ngữ từ bản Pháp văn.
Nina Mc Pherson, dịch giả của Dương Thu Hương, được thế giới biết đến qua nhiều tác phẩm dịch thuật: Beyond Illusions (Bên kia bờ ảo vọng), Paradise of the Blind (Những thiên đường mù), Novel Without a Name (Tiểu thuyết vô đề), No Man's Land (Chốn vắng), Memories of a pure spring (Lưu Ly), v.v.. còn là dịch giả của Bảo Ninh, Trần Vũ, Nguyễn Thị Ấm, Đỗ Phước Tiến, Trần Trung Chính, Võ Đình, Ngọc Khôi... Sinh 1961, tốt nghiệp đại học Yale môn sử Trung Hoa, cử nhân tiếng Quan Thoại và giảng dạy Anh ngữ tại đại học Vũ-Hán, cố vấn châu Á cho ngân hàng Indo-Suez, và tốt nghiệp cử nhân văn chương Việt Nam tại đại học Jussieu, Nina Mc Pherson từng bị trục xuất khỏi Trung Hoa trong thời gian làm phóng viên cho Pháp Tấn Xã khi bao sân biến động Thiên An Môn tại Bắc Kinh. Rửa Tội là tự truyện được viết năm 1993 với tựa gốc Facts of Live.
Có một thành phố cách Paris mười lăm phút xe hỏa. Tôi không trở lại nữa từ năm mười sáu.
Hắn tên Roger. Chúng tôi quen nhau trong một đám nhảy đầm khu phố. Hắn dẫn tôi vào quán, bên kia nhà thờ, và mời uống Tango Panaché, thứ bia pha xi-rô lựu phủ bọt hồng, đắng. Chúng tôi khiêu vũ, hắn đưa tôi về bộ. Trước cổng, hắn hôn tôi. Hắn không xin phép.
Hắn vận, tối đó, áo len dầy màu vàng tươi, quần gin chẽn, ủng cao bồi. Mẹ khen hắn điển trai. Tôi cũng nghĩ vậy, sau này.
Hắn mơ lái môtô, và đến một ngày, giấc mơ thực hiện. Tối thứ bảy, hắn chở tôi sau lưng. Chúng tôi chạy ngược lên Champs Elysées hết tốc lực. Tôi khép mắt chắn gió, đang xuyên suốt ánh sáng, đang ném màu sắc về phía Khải Hoàn Môn. Hắn mê tốc độ. Vận tốc làm tôi hãi.
Roger tiêu thời giờ trong các quán cà phê, đánh flip, hút Gauloises; hắn quen những người bạn khiến tôi sợ. Hắn thích rượu vang, vận tốc, nhạc Rock, la cà muộn trong quán bar. Hắn uống quá nhiều. Tôi, tôi thích học, và đọc sách. Tuy nhiên, chúng tôi tạo cho nhau một khoảng sân chung, chốn gặp gỡ.
Cửa sổ phòng tôi đẹp. Những cây lật trước đường in hệt trong một bức hoạ ửng trăng xanh, cổ tích. Roger thường hay ném sỏi lên cửa sổ đánh thức tôi. Những tối thứ sáu, khi hắn đi gặp bạn, tôi lắng nghe tiếng máy xe nổ. Hắn tắt máy, đậu dưới cửa sổ, hay ngừng trước cổng, châm thuốc, trong lúc tôi lẻn ra vuờn bằng cổng sau. Đôi lúc, hắn kể, hắn chỉ đứng đó đợi tôi ngủ.
Tôi nhớ, chúng tôi cãi vả để biết có cần thiết phải ngủ với nhau, chúng tôi tranh chấp đủ thứ, từng chút. Luôn luôn xẩy ra trong các quán cà phê ám khói, dưới ánh điện lạnh lẽo, giữa một đám lái môtô. Một lần cả hai cãi nhau – tôi buồn ngủ muốn về nhà – nhảy xuống xe nằm nhoài trên hè phố, bực tức hắn không ngỏ lời với tôi hai ngày liền.
Tôi đã đến Pháp đầy nguyên tắc, tóc còn thắt bím, và chưa trang điểm, dĩ nhiên; khi xa hắn, tôi mặc quần da bó, nịt ngực, mí mắt đánh xanh.
Trong một năm trời, tôi từ chối ngủ với hắn. Một lần, trong lúc dạo chơi Tây Ban Nha, giận dữ, hắn ném cả nắm bao cao xu xuống biển – vùng duyên hải Costa Brava thì phải. Hắn dạy tôi biết hình dáng ngực mình. Gìn giữ cũng chẳng còn ý nghĩa. Một đêm, hắn không xin phép; hắn không cần phải xin phép.
Roger làm việc trong bưu điện. Đừng nên nhắc việc làm với hắn. Nhưng hắn yêu tôi. Hắn thường nói sẽ đi theo khi tôi trở về Mỹ học đại học, mà nếu cần, hắn sẽ bán nước ngọt trên bãi biển để sống, chỉ để được gần tôi. Vào giai đoạn cuối, hắn nghĩ thật sự. Tôi không nhớ nữa những gì chúng tôi kể với nhau, cách hắn chọc tôi cười... Cuối tháng, hắn hay dẫn tôi đến một quán nhỏ. Hắn quen thân với chủ tiệm. Hắn gọi ốc hương đút lò cho tôi nếm. Bàn ăn hẹp đến nỗi chúng tôi hôn nhau qua mặt bàn. Một lần, cả hai cãi vả vì giá một chai rượu. Tôi cho quá đắt; hắn lại không nhiều tiền. Không sao, hắn nói, tiền không quan trọng, không gì quan trọng ngoài uống một chai rượu với em. Hắn, cách đó, tuyệt.
Tôi thay đổi. Hắn, không. Mùa xuân sau, tôi đi nghỉ ở Bồ Đào Nha với gia đình. Chúng tôi ở một tuần, đi dạo dọc khắp bãi biển, khám phá các phố cổ, lang thang qua những xóm tồi tàn trong thành Lisbonne. Trên một bãi cát, tôi trông thấy một người đàn bà vận đen, người đàn bà xỏa tóc đen, thêu khăn len đen, y vợ thần chết. Người đàn bà nhìn tôi, tôi nhận ra bà trạc tuổi mình. Thật sự, giống hệt vợ thần chết. Chúng tôi trọ trong một chủng viện sửa thành khách sạn, trong một phố cổ nhất thành. Chúng tôi uống thật nhiều rượu vino verde Bồ Đào Nha. Tôi nhớ hắn điên, nhớ màu xanh rượu khiến tôi buồn bã. Tôi sợ hãi, vì rượu có vị kim khí của những cuộc chia ly. Đêm, trong buồng trọ, cạnh hai đứa em, tôi thao thức trên giường, tôi viết lên một mẩu báo, cái gì đó đã dứt.
Hôm sau, trong máy bay đưa chúng tôi về Paris, con em khóc. Vì con mèo ở nhà có thể đã chết, em tôi nói với mẹ. Đêm trước tôi cũng khóc, vì rượu, vì cái gì đó trong tôi đã tắt.
Ngay khi về tôi gọi Roger. Bố hắn trả lời. Chuyện gì đó chẳng lành. Ông muốn nói chuyện với người lớn. Bố hắn là cựu chiến binh, đã đánh nhau khắp nơi – Algérie, Đông Dương – ông khăn khăn chỉ nói chuyện với người lớn, tôi không cần lời giải thích nào nữa, Roger đã chết.
Đêm đó tôi ném vỡ con voi sành vô tường, món quà ai đó cho tôi với hắn. Ra như thế: cơn giận đến trước nỗi đau. Tai nạn, mọi người nói, tai nạn xe gắn máy. Tai nạn, không phải lỗi tại ai. Tai nạn. Chỉ là tai nạn, không ai có lỗi. Ra như thế: Ngôn từ, trước khi hiểu.
Tôi đi kiếm hắn, ra chỗ họp chợ, từ nhà thờ tôi băng qua quảng trường dốc, vỉa hè trống, về phía quán cà phê, chỗ, lúc trước, một thanh niên trẻ, ngang tàng, quần gin chẽn và ủng cao bồi đã cười, đã mời tôi nhảy. Tôi thử nhớ một gương mặt - gương mặt hắn, thử - nhớ mùi hắn. Tôi đứng ở đó, nhìn đăm đăm quảng trường, nhớ lại vận tốc, cửa sổ, nhớ lại. Tim tôi đập thế nào mỗi chiều, lúc 6 giờ, khi tôi đón nghe tiếng cửa han rỉ. Tôi chạy trốn ra sao trong nhà thờ, bỏ nhà, ngày hắn bồ với một cô gái khác. Tôi về giấc cơm tối, không ai đợi. Mẹ lắc đầu, nói chưa phải tận thế, còn lâu lắm mới tận thế.
Sáng hôm sau, 6 giờ đúng, bố mẹ đưa tôi đi xem xác trong một bệnh viện ngoại ô thành phố. Người lớn bao quanh tôi, chống đỡ tôi bằng những cánh tay; tôi trì bằng tất cả sức nặng của thân, cào đất bằng gót giày tựa một con vật hãi hùng. Nhưng khi trông thấy hắn, tôi hoàn toàn hết kinh hãi, tôi được phóng thích. Lạy chúa, không phải hắn. Chỉ là một cái xác, không phải hắn. Mẹ hắn hôn lên trán hắn. Trắng toát, lạnh lẻo. Tất cả mọi người sờ hắn. Trừ tôi. Mẹ với bố đợi ở ngoài. Bố mẹ giắt tôi vào công viên. Trong im lặng chúng tôi đi lang thang. Đã sang xuân Không có gì ngừng; những đứa bé, những cành cây run rẫy trong nắng. Đời sống, khắp nơi. Tôi nghe hoan lạc thức giấc trong mình. Chỉ mới sáu rưỡi sáng.
Tang lễ dự trù muộn trong buổi sáng. Tôi trở ra phố trong chiếc xe cũ 2 ngựa, với Chantal, chị hắn, Jean Marc, bạn thân hắn, René, em họ hắn. Chúng tôi dùng, với nhau, cà phê và rượu táo, chỗ quán hắn đã mời tôi tối đầu tiên thứ bia tên Tango Panaché phủ bọt hồng kỳ quặc. Khách vào, ra. Chúng tôi còn bỡn cợt chút ít. Chantal soi tấm kính sau lưng tôi, trang điểm tỉ mỉ lại môi, mí mắt. Tôi sờ trái tai; nhận ra mình quên đeo bông tai; René chuyện vãn với bồi; Jean Marc đi mua thuốc lá. Đột ngột, tôi thấy, tôi, tất cả chúng tôi, như hắn có thể trông thấy chúng tôi trong lúc đó, giống hắn thích thấy chúng tôi quây quần. Ra như thế, đời sống tiếp diễn trong các quán cà phê, những phố nhỏ, các chợ phiên, những ngôi nhà thờ. Không gì đứng lại vì hắn. Chúng tôi rời quán. Quảng trường đầy người. Ở đây, mọi người biết nhau. Mọi người thông tin cho nhau.
Trong nhà thờ, tôi làm những điều phải làm. Tôi biết, tôi đi đến trước hòm, làm dấu thánh giá, và dù không có đạo, tôi vẩy nước thánh. Người thân hắn nhìn theo tôi. Tôi bắt chước kẻ đi trước. Tôi làm tất cả những gì mọi người chờ đợi mình. Tất cả, trừ khóc. Ra như thế: Không ai dạy tôi nỗi đau đớn thật, là nỗi đau câm lặng, không giống bất cứ gì hết. Tôi phải bình tĩnh, thứ bình tĩnh cảm thấy đau đớn trong xương khi một phần thân thể bị dứt ra mãi mãi, thứ bình tĩnh chảy lan khắp người mày khi mày quỳ xuống trước những khúc thịt gom trên tấm gỗ, tràn lấp mày khi mày chạy hụt hơi dưới mưa, khi vị đắng chát lạ lùng dâng trong cổ họng mày và mày cảm giác bình yên vì mày biết không còn gì để mất.
Tối đó, tôi tránh xa tất cả, tôi chạy xuống đồi, tôi băng ngang những phố hẹp cổ xưa dẫn về nhà. Tôi lảo đảo bước vào vườn, tôi ngã xuống, và tôi ngủ trên cỏ. Chị ở, một chị người Nam Tư tốt bụng tôi không nhớ tên nữa, khám phá tôi nằm đó. Chị không kêu tôi dậy. Chị không nói gì hết. Khi tôi thức giấc, nhà trống rỗng. Tôi leo từng bậc thang, tôi bước vào phòng. Tôi ghi trong nhật ký, giống như đang viết bây giờ: "Roger chết trong tai nạn xe gắn máy". Lần đầu tiên, tôi ghi những sự việc của đời mình, không có gì hết, chỉ sự việc.
Hôm sau thời tiết quá rực rỡ. Nền trời ngoài cửa sổ quá xanh. Mùi bánh mì, cà phê, tiếng động chợ búa, tiếng cười thủy tinh của lũ trẻ trong công viên. Đời sống của mỗi ngày. Các hàng quán sẽ đầy người. Những ông già sẽ tụ họp chơi liệng quả sắt. Đã không có gì dừng lại. Sẽ không có gì dừng lại vĩnh viễn./.
Nina Mc Pherson, 1993, Trần Vũ chuyển ngữ từ bản Pháp văn.