Kathy Lally, The Washington Post ,Thứ 6 , 10 tháng 12, 2010, Hiếu Tân dịch
MOSCOW - đây là hình ảnh của xã hội trong một nước mà chính phủ kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng:
Một buổi tối, kênh truyền hình chính dùng thời gian chủ yếu để phát một buổi hòa nhạc trên khắp nước Nga mênh mông, nói lời tôn kính với các nhà thu thuế đáng sợ. Hôm khác, các nhà giám sát truyền thông kết tội một tờ báo khả kính là cực đoan, vì đã đưa tin về các nhóm Tân Quốc xã.
Buổi hòa nhạc tháng 11 vừa rồi để kỷ niệm lần thứ 20 ngành thanh tra thuế vụ là một buổi vui nhộn. Các hoạt náo viên nổi tiếng hát và chọc cười. Một dàn hợp xướng của các nhà thu thuế nhảy vào góp vui, rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu, những giải kim tuyến vàng óng tuôn chảy từ trên vai áo những bộ đồng phục kiểu quân đội, một bài hát về tiền trên môi họ - vừa mới đây các nhân viên đáng sợ này đã có thể hạ bệ một nhà tỷ phú bỗng dưng trở nên khó chịu, hay hủy hoại một doanh nghiệp nhỏ không có những người bạn đáng nể.
Xem thêm: nhà bất đồng chính kiến Nga bị cầm tù cần sự giúp đỡ của Obama
Nhà nước không tặng một cử tọa ngưỡng mộ như thế cho các nhà báo chiến đấu như Dmitri Muratov, biên tập viên của tờ Novaya Gazeta (Báo Mới). Ông đã nhận được lời cảnh cáo vì đã khuyến khích các quan điểm cực đoan. Chỉ cần thêm một cảnh cáo như vậy là tờ báo có thể sẽ bị đóng cửa.
Bài báo chọc giận kia tiếp theo sau vụ giết hai người một cách hung bạo hồi tháng Giêng 2009. Anastasia Baburova, một nữ phóng viên tập sự 25 tuổi của tờ báo, người viết bài về phong trào phát xít trẻ, đã bị bắn vào gáy sau khi cô ra khỏi một cuộc họp báo trên đường đi đến một ga xe điện ngầm tấp nập, cùng với một luật sư và nhà báo về nhân quyền, Stanislav Markelov. Cả hai đều chết.
Đầu năm nay, tờ Novaya Gazeta khảo cứu tổ chức, thành viên và những tuyên bố của các nhóm tân Quốc xã, phần lớn được đưa lên các website của họ. Muratov nghĩ bài báo đó - theo tiêu chuẩn phương Tây thì là bình thường - sẽ khởi động một cuộc điều tra của chính phủ về các nhóm phát xít. “Ngược lại, chúng tôi bị cảnh cáo về thái độ cực đoan,” ông nói.
Gần đây tòa báo này đã thất bại trong kháng cáo về vụ cảnh cáo hồi tháng Ba. Muratov đang chuẩn bị một kháng cáo mới, gửi lên Tòa án Hiến pháp, và thậm chí Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
“Nếu chúng tôi không viết về bọn tân Quốc xã và nạn tham nhũng, thì chúng tôi viết về cái gì?” ông hỏi. “về một ngôi sao mới căng lại da mặt chăng?”
Ý nghĩ ấy rõ ràng là lố bịch đối với Muratov, một biên tập viên lực lưỡng xắn-ống-tay-áo-chiếc-áo-len-dài-tay-đã-sờn, người quản lý hơn 60 nhà báo nôn nóng rọi sáng những góc tối, mặc dầu nguy cơ của cái chết treo trên đầu họ. Sáu nhà báo của tờ Novaya đã bị giết hoặc chết trong những hoàn cảnh bí ẩn. Người nổi tiếng nhất, Anna Politkovskaya, một phóng viên chiến tranh và nhà bảo vệ nhân quyền, bị bắn chết trong căn hộ của bà năm 2006.
Không khí đe dọa ấy đã tạo nên một sự thiếu hụt tự do ngôn luận, nhà tỷ phú Alexander Lebedev một cựu nhân viên KGB sở hữu 49% cổ phần của Novaya Gazeta cùng với Mikhail Gorbachev nói.
Novaya Gazeta thay thế cho ý kiến công luận, Lebedev nói. Và tờ báo mỗi tuần phát hành ba ngày ấy nổi trội lên là nhờ Muratov. “Ông ấy là một người tuyệt vời, rất trung thực, rất can đảm, và là một biên tập viên rất có tài.”
Lebedev là một chủ ngân hàng, ông muốn được coi là một nhà xuất bản và phóng viên điều tra - ông sở hữu cả hai tờ the Evening Standard và the Independent ở London. Mặc dầu quá khứ của ông, ông không hề muốn có sự hạn chế nào đối với việc đi lại và nói năng của ông.
(còn tiếp)