Lúc 12 giờ 45, ngày 01 tháng 4 năm 2001, Trịnh Công Sơn đã ra đi. Trái tim nhân ái và nhạy cảm ấy đã ngừng đập; bộ óc đầy mỹ cảm và sáng tạo ấy đã thôi vận động. Anh đã để lại cho bạn bè và những người hâm mộ anh một nỗi tiếc thương vô hạn. Một sự mất mát lớn, một khoảng trống không gì bù đắp nổi cho nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Một nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời đã nhìn nhận một cách vô tư rằng Trịnh Công Sơn là người viết tình ca hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Nói về sự ra đi của anh, những người mến mộ còn ở lại cái cõi trần ai này đã bày tỏ bằng nhiều cách với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Nhưng nói bằng cách gì và với ý nghĩa nào thì cũng không thể làm vơi đi được nỗi đau thương và mất mát ấy. Rõ ràng là có một sự biến mất về hình hài vật chất mà cha mẹ anh đã tạo nên anh. Quy luật tự nhiên của vũ trụ vô tình vốn hữu sinh thì hữu diệt, hữu hình thì hữu hoại. Nhưng mà thật ra anh vẫn ở lại, ở lại mãi mãi với nền âm nhạc, với nền văn minh và văn hóa nước nhà. Cả một đời lao động sáng tạo cật lực anh đã góp được vào trong sự nghiệp nghệ thuật chung của cả nước hơn 600 ca khúc. Một sự nghiệp đồ sộ. Và đây chính là cái phương tiện, cái quyền năng đã giúp anh chống lại định mệnh. Cái định mệnh của đời người vốn khắc nghiệt và độc ác đã chưa từng bao giờ cho phép ai sống đến tận cùng niềm vui và nỗi khát vọng sống như chính mình mong muốn.
Đối với cộng đồng xã hội, một khi anh nằm xuống, anh đã thanh thỏa hết mọi " trái khoản" một cách sòng phẳng với trần gian. Một đời mình anh đã làm hết mọi điều mà anh mong muốn, và đã ra đi đúng lúc. Còn tất cả những gì mà anh đã để lại cuộc đời nó sẽ cứ tồn tại một cách hiển nhiên và minh bạch. Không có gì đáng trách và cũng không có gì phải hồ nghi cả.
Thiên tài ư ? Anh đâu cần cái hư danh ấy. Anh là anh, chính điều này mới lớn lao. Vả lại, chính hậu thế vốn rộng lòng và trong sáng hơn đương thời sẽ quyết định điều này. Nhưng dù gì thì gì, đấy vẫn là hư danh. Cái hư danh khiến cho những con người đầy tham vọng sẽ vật lộn, tranh giành nhau một cách đau khổ. Mà thật ra chưa khi nào, dù một lần anh đã thầm ước mơ đến cái tên gọi đầy sân hận đó.
Nhân cách của anh ? Tôi sẽ trả lời rằng Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ đầy nhân cách. Còn lớn hay nhỏ ư ? So với ai ? - Người đời vốn hay chấp về hình tướng, mà hình tướng thì thường làm cho con người mê.
Tôi nói nhân cách của Trịnh Công Sơn nó đầy đủ ở trong thái độ nghệ thuật của anh. Thái độ nghệ thuật này luôn nhất quán ở trong sáng tạo nghệ thuật của mình mà chưa hề khi nào vong thân hay thoái hóa biến chất cho đến phút cuối cùng. Khẳng định về một điều như thế đối với một người đang còn sống thật khó. Nhưng đối với một người đã nằm xuống ta sẽ không còn phải lo sợ rằng họ còn có thể tốt hay có thể xấu, còn có thể đúng hay có thể sai, xứng đáng hoặc không xứng đáng nữa.
*
Một con đường dẫn nhập vòng quanh như vậy đối với tôi là cần thiết, để dọn đường vào vấn đề mà tôi đã tự đặt ra cho mình : Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của anh. Trong quá trình trình bày vấn đề này, tôi sẽ cố gắng làm toát ra cái tài năng và nhân cách hiếm có đó nổi bật lên trên cái bối cảnh Việt Nam máu và nước mắt, khói lửa và nỗi kinh hoàng trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt thời bấy giờ. Một cuộc chiến tranh mang tính tất yếu lịch sử của một dân tộc bị áp bức ; nhưng sự chọn lựa và quyết tâm ấy đã không ít đau thương. Và Trịnh Công Sơn đã xuất hiện trong bối cảnh đó như lương tâm của một con người mang trái tim nhân ái nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói.
Tôi sẽ không nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn với tư cách một nhà phê bình văn học về lời nhạc, cũng như không phải trong tư cách của một nhà nghiên cứu âm nhạc đối với nghệ thuật âm thanh của anh. Mà với tư cách của một người chứng, sống cùng thời và từng sinh hoạt với anh, tôi sẽ nói về thái độ dấn thân bằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong công cuộc vận động hòa bình cho đất nước đầy tuyệt vọng ; nhưng cũng đầy ý nghĩa và giá trị nhân bản đó. Nghĩa là nói về một Trịnh Công Sơn nghệ sĩ đích thực, một con dân nước Việt mang tình yêu chân thực đối với quê hương vào cuộc. Khẳng định anh trong ý nghĩa này là khẳng định chính sự đóng góp của anh vào trong những giá trị văn hóa, văn minh của cả nước. Một Việt Nam luôn xây dựng trên nền tảng con người và hòa bình.
Thế nào là nhạc phản chiến, và phản chiến như thế nào ?
Phản chiến ở đây là bày tỏ thái độ của mình không tán thành chiến tranh, và sự không tán thành này có nghĩa là một sự đồng cảm, chia sẻ với những con người đang phải gánh chịu những nỗi mất mát, đau thương trong chiến tranh. Đồng cảm mà không đứng ở ngoài, đứng ở một bên ; mà đứng ở cái thế chung cùng một số phận, một định mệnh. Sơn không nhân danh một " Isme " nào cả; cũng như không chủ trương chống lại một " Isme " nào cả. Hoặc có chăng là anh nhân danh cái gọi là " humanisme ", xu hướng nhân bản. Mà thật ra cũng chỉ là một cách gọi đấy thôi. Nói cho cùng, đó là tất cả những gì mình cảm xúc, tất cả những gì vang vọng trong tâm khảm của mình từ một thực tại máu xương như thế của đồng bào thì mình nói ngay ra. Nói không do dự, nói như một lời khẩn báo. Đỗ Phủ ngày xưa ở bên Tàu làm thơ bày tỏ sự xót thương đối với hàng vạn con đỏ đang bị dìm trong máu lửa chiến tranh mà người đời sau cho rằng ông có tinh thần chống chiến tranh là vậy. Thật ra ông chỉ muốn nói lên niềm xúc động sâu xa của mình đối với thời thế, mà ở bên sau cái nỗi niềm này không tiềm chứa một ý thức, một tinh thần cơ hội nào.
Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả là làm theo mệnh lệnh của con tim mình, một con tim thương đời, thương người, để nói lên tiếng nói của con tim đó đối với quê hương, dân tộc một cách trung thực và chân thành. Và một khi anh đã vĩnh viễn nằm xuống yên nghỉ thì câu khẳng định này đã trở nên hùng hồn hơn.
Ảnh Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Đổ Quang Em.
Ta sẽ thấy mệnh lệnh của trái tim này đi xuyên suốt trong tất cả các sáng tác thuộc dòng nhạc phản chiến này của anh. Trước hết ta có thể tạm sơ lược về con đường sáng tác các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn như sau :
- Ý thức phản chiến trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã manh nha vào những năm 1965, 1966. Trong giai đoạn này anh đã cho ra đời tập ca khúc Ca khúc Trịnh Công Sơn (Thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận) do An Tiêm xuất bản 1966. Sau đó phát triển dần trong tập Ca khúc da vàng vào cuối 1966 và đầu 1967, tập Kinh Việt Nam năm 1968, tất cả đều do anh tự ấn hành lấy. Cùng với những cuộc xuống đường rầm rộ của thanh niên, sinh viên, học sinh ở đô thị miền nam Việt Nam chống Mỹ và chế độ cũ đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, anh đã cho xuất bản tập ca khúc Ta phải thấy mặt trời vào năm 1970 (Tự ấn hành dưới cái tên Nhà xuất bản Nhân Bản). Năm 1972, khi tình hình chiến sự ở miền nam Việt Nam ngày càng leo thang đến độ khốc liệt nhất, anh đã cho ra đời tiếp tập Phụ khúc da vàng (tự ấn hành dưới cái tên Nhà xuất bản Nhân Bản). Đây là tập cuối cùng của dòng nhạc phản chiến của anh. Tổng kết tất cả gồm 5 tập, với 58 ca khúc, chưa kể những bài rời được sáng tác ngay trong những cuộc xuống đường cùng thanh niên, sinh viên, học sinh Huế.
*
So với những tình khúc mà Trịnh Công Sơn đã sáng tác được trong suốt cuộc đời mình cho đến lúc qua đời, số lượng của những ca khúc phản chiến tương đối ít. Nhưng chính những ca khúc này đã làm cho danh tiếng của anh sáng lên một cách chói lọi. Phải nói là độc sáng. Và chính trong cái vầng hào quang làm nền này, tình khúc của Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng giá cho đến hôm nay và mai sau. Chính những ca khúc phản chiến thời bấy giờ đã chắp cánh cho danh tiếng của anh bay ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Nơi xứ sở này anh đã từng có những " Đĩa Vàng ". Và lưu danh trong bộ tự điển Bách Khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde.
Thật vậy, vào những năm 58, 59, 61, 62, những tình khúc như Ướt mi, Thương một người, Nhìn những mùa thu đi, Biển nhớ v.v... đã bắt đầu nổi tiếng trong những phòng trà ca nhạc ở miền Nam. Nhưng phải chờ đến những năm 65, 66, 67 khi tiếng hát của Trịnh Công Sơn cất lên trong các giảng đường Đại Học Sài Gòn và Huế, trước hàng ngàn sinh viên học sinh cuồng nhiệt, với những ca khúc trong các tập Ca khúc Trịnh Công Sơn và Ca khúc Da vàng, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một hiện tượng. Hiện tượng Trịnh Công Sơn.
Những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được chép để chuyền tay, được in ra băng cassette, hoặc băng từ loại lớn, còn gọi là băng Akai... Nghĩa là mọi hình thức phổ biến, phương tiện phổ biến đều được tận dụng. Người ta nghe nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn trong quán cà phê, người ta nghe trong những cuộc sinh hoạt tập thể của thanh niên, thậm chí người ta nghe trong khuê phòng và nghe ở cả những tiền đồn heo hút...
Dàn trải trên nền một điệu Blue buồn đau và uất nghẹn, với nhịp hát kể Recitativo, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vút lên :
"... Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
còn có ai không còn người, ôi nhân loại mặt trời
và em tôi này đôi môi xin thương người
ôi nhân loại mặt trời trong tôi..."
(Xin mặt trời ngủ yên - ca khúc Trịnh Công Sơn)
Và,
"... Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng
Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất,đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong"
(Nước mắt cho quê hương - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Rồi,
" Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn. Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn. Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân..."
(Ca dao mẹ - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Hay từ một hiện thực vừa mới xảy ra trong thành phố :
" Ghế đá công viên dời ra đường phố.
Người già co ro chiều thiu thiu ngủ.
Người già co ro buồn nghe tiếng nổ.
Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi..."
(Người già em bé - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Và với Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn v..v... Tiếng hát Trịnh Công Sơn như một sợi dây vô hình đã nhanh chóng nối kết những tâm trạng riêng, những số phận riêng của người dân đô thị miền Nam vào trong một tâm trạng chung, một số phận chung. Tâm trạng và số phận này là gì ? Đó là tâm trạng và số phận của những con người Việt Nam đã từng bị lừa, họ là nạn nhân của bạo lực vô minh, mà niềm tin và hy vọng của họ đã trải qua bao lần bể dâu. Đối với họ, mọi khát vọng, mọi dự phóng đều là hư vô. Họ đang vẫy vùng trong một cảnh sống đầy máu xương, mất mát tang tóc của một cuộc chiến tranh phi lí mà lối thoát chưa một lần thấy lóe sáng ở cuối con đường hầm cuộc đời tăm tối đó.
Tôi cho rằng, bằng một khả năng cảm nhận sắc bén bẩm sinh anh đã dễ dàng biến những cảm nhận riêng của mình thành của chung. Bằng một phương cách biểu hiện rất khéo do ở chỗ sử dụng những ẩn dụ, những hình tượng rất mới, anh đã gây được những ấn tượng mạnh cho người nghe, và đặc biệt khi cần phải đối kháng với một thực tại mà anh không thể nào vãn hồi được, anh dựng một thần thoại. Nhờ thế mà tiếng nói của anh dễ dàng lọt vào lòng người, và dễ dàng được đồng cảm.
" Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm
. . .
Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi
Người ngồi đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
Nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay."
(Phúc âm buồn - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Bằng một định hướng, cũng như một phương pháp sáng tác như đã được trình bày ở trên, Trịnh Công Sơn đi vào giai đoạn "Ca khúc da vàng". Ở đây, những cảm nhận về quê hương và thân phận đã trở nên mãnh liệt hơn, quặn thắt hơn và đôi khi dẫn đến sự phẫn nộ. Từ Ngày dài trên quê hương, Người con gái Việt Nam, Đại bác ru đêm cho đến Tôi sẽ đi thăm, Tình ca người mất trí, Hãy nói giùm tôi, Gia tài của mẹ... đã nói lên điều đó.
Ta hãy nghe :
" Người nô lệ da vàng ngủ quên ngủ quên trong căn nhà nhỏ đèn thắp thì mờ ngủ quên quên đã bao năm ngủ quên không thấy quê hương. Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc ta bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do..."
(Đi tìm quê hương- Ca khúc Da vàng)
"Hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi thịt da này dành cho thù hận cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên..."
(Hãy nói giùm tôi - Ca khúc Da vàng)
Tiếng hát đã tạo nên những hiệu quả trong đời sống xã hội thật sự. Nó đã làm cho một số không ít thanh niên nhìn ra cái bản chất phi nhân và tàn bạo của cuộc chiến khiến họ đi đến hành động trốn lính hay đào ngũ. Dưới con mắt của những người cầm quyền thuộc chế độ cũ Sơn là một kẻ phá hoại tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ.
Ở miền Nam lúc bấy giờ cường độ của cuộc chiến càng lúc càng gia tăng. Người Mỹ ra sức củng cố chế độ cũ và đẩy mạnh cuộc chiến. Chiến tranh càng lan tràn khắp nơi một cách khốc liệt. Năm 1968, với cuộc tổng công kích xuân Mậu Thân, nhiều thành phố ở trên khắp miền Nam đã trở thành bãi chiến trường. " Con người trong tôi " của Trịnh Công Sơn lại tiếp tục lên tiếng mỗi lúc một khẩn thiết hơn :
" Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
Trên giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vu..."
(Bài ca dành cho những xác người - Ca khúc da vàng 2)
Và trong cái cảnh tượng trần gian là một lò sát sinh đó,đã có những người mẹ, những người chị đã lâm vào trong một trạng thái tâm thần bệnh lý :
"...Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh chị vỗ tay hoan hô hòa bình người vỗ tay cho thêm thù hận người vỗ tay xa dần ăn năn. "
(Hát trên những xác người - Ca khúc da vàng 2)
Và sau đó nhiều năm, người dân ở trong các thành phố miền Nam vẫn tiếp tục chịu đựng những cuộc nổ mìn, những trận pháo kích gây thương vong không ít cho đám dân lành vô tội. Ngày ngày không dứt tiếng súng tiếng bom. Và hằng đêm trong ánh hỏa châu vàng vọt ghê rợn, người dân thành phố nín thở, nơm nớp đợi chờ những điều không may có thể xảy đến cho mình. Mỗi ngày, từ chiến tuyến những chiếc quan tài phủ cờ được đưa về thành phố, trên đầu những trẻ mồ côi, những góa phụ, khăn tang cứ bay như phướn.
Từ 1968 cho đến những năm 1969, 1970, 1971, thỉnh thoảng người ta lại nghe phong thanh đâu đó về một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Rồi tất cả lại tắt ngấm. Người dân Việt khát khao hòa bình như kẻ đi trong sa mạc khát đến cháy bỏng cổ họng mà ốc đảo xanh tươi hiện ra trước mặt mình chỉ là những ảo ảnh. Cuộc chiến khốc liệt cứ tiếp diễn. Phong trào đấu tranh hòa bình Việt Nam ở các đô thị lại bùng lên mãnh liệt. Đặt biệt là phong trào thanh niên sinh viên học sinh, bây giờ lập trường đã kiên định : Mỹ cút, ngụy nhào, hòa bình đến. Tôi, kẻ viết bài này đã quyết định, đã chọn lựa đứng vào phong trào đó. Nhưng chọn lựa nào cũng có những đau đớn. Tôi phải đứng về phía dân tộc theo cách của tôi. Để có hòa bình thì dân tộc phải có quyền tự quyết, mà quyền tự quyết thì phải đấu tranh mà dành lấy chứ chẳng ai cho. Nhưng càng đấu tranh thì càng chồng chất đau thương. Những kẻ dễ quên thì dễ sống, còn tôi thì không thể quên điều này. Và phải nói một cách thành thật rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong những năm đầu tiên đã đánh thức trong tôi tình tự dân tộc, sau đó thì tôi chọn một thế đứng quyết liệt hơn, âu cũng là do tánh khí riêng của mình. Nhưng về sau tôi vẫn thường tiếp tục hát những ca khúc phản chiến của anh. Vì tôi thấy nó mang lại cho đầu óc mình sự " mát mẻ ", khi mà mình không thể thường xuyên chịu đựng mãi một sự căng thẳng sắt máu. Và đôi khi nó cũng khiến cho mình mơ mộng về một nền hòa bình có thể thế này mà không phải thế kia... Đó là con đường tự do đi đến hòa bình mà không phải đổ máu. Tôi sợ máu!
Trịnh Công Sơn trong giai đoạn cực đoan này thì sao ? - Vẫn trung thành với con đường mà tự anh đã vạch ra từ trước, anh tiếp tục đi, đi theo tiếng gọi của dân tộc mà anh đã nghe thấy theo cách của mình. Có khi anh đi một cách mạnh dạn hơn, và anh kêu gọi, anh hô hào. Và tinh thần của anh, tùy mỗi hoàn cảnh khác nhau mà hy vọng, hào hứng hay tuyệt vọng... hoặc ngược lại. Kết quả là hai tập ca khúc kế tiếp nhau ra đời Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1970) (anh tự ấn hành dưới tên NXB Nhân Bản). Ở giai đoạn này anh cùng xuống đường với thanh niên, sinh viên, học sinh. Anh hát :
"Nơi đây tôi chờ.
Nơi kia anh chờ.
Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ.
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu.
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù...
... Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng tráng mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thường vỡ bờ.
(Chờ nhìn quê hương sáng chói - Kinh Việt Nam)
Hay :
" Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà..."
(Nối vòng tay lớn - Kinh Việt Nam)
Hoặc :
" Ta bước bước đi, bước bước hoài, trên quê hương dấu yêu này.
Còn bao nhiêu người nhìn nhau hôm nay.
Đôi mắt bóng tối trái tim nghi ngại còn ai quanh đây
chưa góp tiếng nói chưa nối lại nắm tay..."
(Chưa mòn giấc mơ - Ta phải thấy mặt trời)
Và:
" Huế - Sài Gòn - Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa. Huế - Sài Gòn - Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ. Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau..."
(Huế - Sài Gòn - Hà Nội - Ta phải thấy mặt trời)
Sang đến năm 1972, cục diện chiến tranh trên toàn miền nam vô cùng ác liệt, một cuộc " Việt Nam hóa chiến tranh " dưới mắt người Mỹ. Bằng con đường phản chiến lấy trái tim nhân ái mà giải quyết mọi điều, trên cơ sở tình tự dân tộc, Trịnh Công Sơn đến đây thì đã mệt nhoài, và tuyệt vọng. Anh cho ra đời tập ca khúc Phụ khúc da vàng, mà anh đã cho rằng đáng lẽ không nên viết. Đây là tập ca khúc cuối cùng của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.
Anh hát để kết thúc cho một nỗ lực vô vọng của chính mình :
"...Đường anh em sao đi hoài không tới
Đường văn minh xương cao cùng với núi
Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối
Trái đau thương cho con mới ra đời..."
(Hãy nhìn lại - Phụ khúc da vàng)
*
Sau 1975, có một sự im lặng đè nặng lên những ca khúc phản chiến từng một thời nổi tiếng lẫy lừng của anh. Và chính anh cũng giữ sự im lặng cho đến ngày qua đời.
Nếu hôm nay ta nhìn nhận và đánh giá cao những tình khúc của anh, chúng ta không thể nào bỏ qua được những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Vì chính những ca khúc này đã tạo cho anh có được một tầm cỡ như ngày nay, cho dù những tình khúc của anh vốn đã rất tài hoa.
Có người sẽ cho rằng không phải nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn nữa, vì chữ thời đã qua rồi. Nghĩa là không còn thời tính nữa. Cũng có người sẽ góp ý thêm rằng các ca khúc phản chiến của anh vốn lừng khừng, dễ dãi, nếu không muốn nói là ngây thơ, hoặc thiếu logique lịch sử, chính trị hay là cái gì đó...
Tôi thì cho rằng, đến ngày nay, qua những trò dâu bể của cuộc thế, thời tính của những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn còn. Nó còn trong ý nghĩa của tiếng nói lương tâm và nhân ái. Qua tác phẩm của mình chưa từng ai nói dến lương tâm và lòng nhân ái đậm đà như anh. Tiếng nói này còn phải luôn luôn được tôn trọng trước khi ta bắt tay vào một công việc, mà công việc đó sẽ có ảnh hưởng trên hàng vạn, hàng triệu sinh linh.
Con đường anh đã chọn và anh đã đi suốt cuộc đời mình là một con đường không dễ chọn. Nếu từ thời điểm hôm nay để nhìn lại thời bấy giờ thì rõ ràng là anh đã đi giữa hai làn đạn. Mà bất kỳ khi nào một viên đạn từ một hướng nào đó có thể kết liễu cuộc đời anh. Anh có lý của riêng anh. Là một nghệ sĩ chân chính, anh đã chọn cái logique của quả tim, và bằng trực giác nghệ thuật anh đã dựng nên sự nghiệp của mình. Đừng bắt anh phải làm chính trị, cũng đừng bắt anh, làm một " con buôn thời thế ". Anh sẽ không dại gì đầu cơ, cũng như đầu tư tài năng và tâm huyết của mình cho một cuộc chơi ngắn hạn như vậy, mà kết cục thua lỗ là một điều tất nhiên. Anh chỉ biết sống và rung cảm bằng một quả tim trung thực, và dùng tài năng của mình để nói lên điều mà con tim muốn nói. Vì anh là Trịnh Công Sơn, một nghệ sĩ lớn, một nghệ sĩ của mọi người, và sống giữa mọi người. Chính sự ngưỡng mộ của mọi người đối với anh lúc anh còn sống, và đoàn người đông đảo tiễn đưa anh lúc anh qua đời đã nói lên rằng trong sứ mệnh nghệ thuật đối với dân tộc anh đã thành công.
Trong những ca khúc phản chiến anh còn để lại, phản chiến chẳng qua là một cách gọi, đừng chấp, vẫn có nhiều ca khúc có thể hát đơn hay đồng ca vào thời bấy giờ.
Hãy tiếp tục hát lên những khúc hát về lương tâm và lòng nhân ái của anh. Vì hơn bao giờ hết, hôm nay chúng ta vẫn đang cần đến lương tâm, lòng nhân ái cho những việc lớn lẫn việc nhỏ. Và chúng ta đừng bao giờ nhìn về bi kịch con người bằng một cái nhìn đơn giản./.
Vỹ Dạ, 25-4-2001
http://www.trinh-cong-son.com/buuchi.html