Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
875
123.366.637
 
Mấy cách nhìn về Nguyễn Trung
Lý Đợi

Triển lãm Xám trắng đen của Nguyễn Trung khai mạc lúc 18 giờ ngày 9.12.2010 tại phòng tranh Quỳnh (65 Đề Thám, Q.1, TP.HCM) và còn kéo dài đến ngày 26.2.2011. Theo chủ quan, triển lãm này đáng chú ý, không phải vì đã có 3 tác phẩm được bán, mà vì nó có thể mang đến cho người xem mấy cách nhìn khác nhau: thích, không thích, hoặc băn khoăn.

 

 

Tác phẩm BM, acrylic, house paint, pencil, oil stick on canvas, 150x150cm, 2010.

 

 

1.

Với những người đã quen-thích-yêu Nguyễn Trung ở “bề nổi tiếng”, với các tranh vẽ thiếu nữ lãng mạn, thơ ngây, bán chạy ngoài thị trường thì sẽ tỏ ra thất vọng vì triển lãm “không hình” này. Vì với họ, vẽ có hình mới là công phu, “không hình”, trừu tượng có vẻ như quá cẩu thả, dễ dãi.

 

Cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Trung đã hơi đơn điệu trong việc cấu trúc tác phẩm, nhiều bức không có được điểm nhấn để tạo chiều sâu nơi người xem. “Trừu tượng ăn nhau là ở chiều sâu tương tác giữa tác phẩm và người xem”.

 

 

Tác phẩm AaA, acrylic, house paint, pencil on canvas, 200x285cm, 2010.

 

2.

Triển lãm sẽ gây phấn khích với những ai quan sát Nguyễn Trung trong tiến trình hội họa của bản thân; và cả việc các họa sĩ Việt Nam tiếp xúc với ngôn ngữ trừu tượng trong mấy chục năm qua.

 

Một họa sĩ (không muốn xuất hiện tên) nói rằng Nguyễn Trung đã khá thong dong trong việc xử lý các khoảng trắng lớn trên tác phẩm. Nhiều bức có chu vi hơn 2 mét vuông, mà màu trắng và màu xám chiếm chủ đạo, Nguyễn Trung vẫn xử lý được, quả là tài tình. “Không hình” chứ không phải là “không vẽ”, anh bạn này nói.

 

Theo vài quan niệm trong hội cổ xưa, thì màu trắng (có khả năng hòa mình trọn vẹn vào màu khác) và màu đen (“nuốt chửng” các màu khác) không phải là “thật màu”. Thậm chí, có nhiều họa sĩ tranh thủy mặc (thường chỉ có trắng với đen), không xem trắng là màu, nên chỉ tư duy với màu đen. Nếu nhìn theo hướng này, Nguyễn Trung chỉ tư duy với màu xám, vì hai màu kia không là “thật màu”.

 

Tuy nhiên, theo tên của triển lãm, Nguyễn Trung đã không làm vậy, ông tư duy với cả 3 màu. Trong một hỏi đáp với báo Tuổi trẻ mới đây, Nguyễn Trung nói: Xám, trắng, đen không có ý nghĩa gì quan trọng hết. Chỉ là một ý tưởng về tạo hình, chỉ là muốn dùng màu sắc tối thiểu để hình thành bức tranh.

 

Trong đợt tranh này vẫn còn lởn vởn trong đầu tôi những ấn tượng mạnh mẽ về tuyết lạnh, cái màu trắng tinh khiết đã theo đuổi mình bao nhiêu năm, tưởng đã vứt bỏ được nhưng rốt cuộc vẫn còn nguyên đó. Ngoài ra cũng với những hình ảnh đường phố, những vết bẩn, hoen ố trên tường, trên lối đi, những chữ viết, những con số nguệch ngoạc, vô nghĩa nhưng đối với tôi là những gì dễ thương nhất, là những yếu tố đầy chất thi ca”.

 

Vài họa sĩ có quan tâm đến hội họa trừu tượng và có xem triển lãm này, được tôi hỏi, đã đồng ý với nhận định của phòng tranh Quỳnh, trong thông cáo báo chí: “Kể từ lúc bộ tranh đơn sắc Bảng đen ra đời (2004), nghệ sĩ Nguyễn Trung vẫn đang thử nghiệm với những bức tranh khiêm tốn màu sắc. Xám trắng đen là một bộ tác phẩm phơi bày lối dùng phức tạp chỉ những màu sắc được đề cập, tạo nên một tác phẩm sinh động, không chỉ đầy những suy nghĩ hướng nội mà cũng rất tinh nghịch.

 

Thành thị hiện hữu rất nhiều qua những bức tranh này. Nguyễn Trung đã lấy cảm hứng từ những vỉa hè, những bức tường, những vết xước và dấu vết trong kết cấu đô thị của TP.HCM. Khác với những tác phẩm hoa văn trừu tượng trước đây của ông, vốn ảm đạm hơn ở nơi lịch sử ẩn sau bề mặt vỡ vụn được nhấn mạnh, những bức tranh mới này có vẻ như dẫn dắt người xem đi qua một thành phố thân thuộc, nơi những khám phá mới nhỏ bé được phơi bày”.

 

Sau triển lãm Bảng đen, cũng có nhiều ý kiến đoán rằng với hội họa trừu tượng, có vẻ như Nguyễn Trung đã dừng lại. Nhưng nếu so Bảng đen với triển lãm lần này, thì ngoài sự thong dong và làm chủ bảng màu, Nguyễn Trung đã tỏ rõ sự tiết chế trong việc tối giản màu sắc. Sự tối giản này đã tạo được nhiều cảm xúc nơi người xem.

 

*

Dự kiến treo 19, nhưng chỉ treo 12 tác phẩm, khổ lớn, từ 100x100cm trở lên, phòng tranh Quỳnh trên lầu và dưới đất đã kín vách. Nếu so với hành trình của chính mình, nói nôm na, thì Nguyễn Trung đã “trừu tượng hơn” rất nhiều. Với trữ lượng được hé lộ ở đây, khả năng bức phá và thay đổi của Nguyễn Trung cũng còn nhiều hứa hẹn.

 

Các phẩm được đặt tên với các chữ cái viết hoa và viết thường, các con số, ví dụ: AaA, F, aaa, BM, E, g… Các chữ cái và con số, cũng như các nét vẽ nguệch ngoạc… gần như là biểu hiệu xuất hiện trong tất cả các phẩm, nó là điểm nhấn để gây tương tác nơi người xem.

 

Việc chú thích vật liệu cũng khá chi tiết và lý thú. Ví dụ tác phẩm BM được chú thích như sau: 2010, acrylic, house paint, bút chì, thỏi sơn dầu trên bố, 150x150cm. Việc chú thích cẩn trọng như thế này (chỉ ghi trong một catalog riêng, chứ không dán lên tường), ngoài yêu cầu về chuyên môn trong việc trưng bày, nó còn khơi gợi cho người xem khi nghĩ về cuộc chơi của màu sắc và vật liệu, giống như lời của Nguyễn Trung “muốn dùng màu sắc tối thiểu để hình thành bức tranh”.

 

Trong 12 tác phẩm trưng bày, 11 bức được vẽ xong trong năm 2010. Nếu chỉ nhìn vào ngày tháng ở chữ ký, thấy tháng 7 và 8.2010 được Nguyễn Trung khá yêu thích. Các tranh hoàn thành trong tháng 7.2010 có 3 bức, ký ngày 3, 10 và 15; tháng 8.2010 có 4 bức, ký ngày 1, 10, 13 và 15. Nếu muốn đặt nghi vấn Nguyễn Trung về việc vẽ trừu tượng nhanh hay chậm, có thể dựa vào đây để hỏi?

 

 

Tác phẩm AR, acrylic, house paint, oil stick on canvas, 180x240cm, 2010.

 

3.

Đây là ý kiến của tôi, người viết bài:

 

Trong thông cáo báo chí, có đoạn, phòng tranh Quỳnh viết để khẳng định: “Sinh ra ở Sóc Trăng vào năm 1940, Nguyễn Trung là họa sĩ tranh trừu tượng đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp nghệ thuật của ông trải dài trên 50 năm bắt đầu từ thời thực dân Pháp và cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhà vô địch trong trường phái trừu tượng Việt Nam, Nguyễn Trung và một số nghệ sĩ trẻ mà ông dẫn dắt vẫn sáng tác trong thể loại này, trong khi nó vẫn bị xem là một loại hình nghệ thuật bê tha, suy đồi, đặt cá nhân lên trước quốc gia. Thông qua sự kiên cường, và cam kết gắn bó như một lức lượng sáng tạo thực sự của cộng đồng nghệ thuật Việt Nam của ông, ông được công nhận là một trong các nghệ sĩ hoàn hảo nhất của quốc gia”.

 

Tôi không bình luận gì về nhận định “nhà vô địch” này, chỉ riêng việc khẳng định Nguyễn Trung “là họa sĩ tranh trừu tượng đầu tiên của Việt Nam” thì có vẻ như không chính xác, hoặc có ý hàm hồ (- như ý trên một blog).

 

Không chính xác, vì theo sử liệu nghệ thuật để lại, thông qua các cuộc công bố tác phẩm trên báo chí và triển lãm, thì Tạ Tỵ (1922-2004, có nơi ghi ông sinh năm Tân Dậu 1921) mới là người tiên phong về trừu trượng tại Việt Nam. Thập niên 1950 đã thấy hình chụp những bức tranh trừu tượng, hoặc trừu tượng kết hợp lập thể của Tạ Tỵ xuất hiện trên vài tạp chí. Năm 1956, Tạ Tỵ đã triển lãm 60 bức tranh tại Sài Gòn, có nhiều tranh lập thể. Năm 1961, triển lãm cá nhân giới thiệu 60 tranh lập thể và trừu tượng của Tạ Tỵ diễn ra tại Sài Gòn. Các tác phẩm như Nhịp thời gian (1959, 75x56cm), Nhạc Calypso (1960, 80x80cm), Màu thời gian (1960, 95x180cm) “cho thấy những cấu trúc hình học của giai đoạn lập thể bước hẳn sang trừu tượng với sự nhấn mạnh vào tiết tấu và sự khúc chiết của bố cục”, dẫn theo báo Sáng dội miền Nam, tạp chí Bách khoa, bài viết về Tạ Tỵ của nhà sử học về nghệ thuật Bội Trân Huỳnh-Beattie.

 

Còn hàm hồ, vì có thể xuất phát từ quan điểm cho rằng vẽ như Nguyễn Trung mới là trừu tượng, và trừu tượng nhất (?). Cá nhân tôi thì cho rằng phòng tranh Quỳnh do thiếu thông tin mà khẳng định như thế, chứ không phải do hàm hồ.

 

Theo ý kiến của vài họa sĩ còn sống và sử liệu nghệ thuật để lại, thời tham gia Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam tại Sài Gòn trước 1975, Nguyễn Trung chủ yếu vẽ tranh có hình, cách vẽ thiếu nữ sau này của ông là một hành trình tiệm tiến từ giai đoạn này.

 

Cũng xin nói thêm, Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam thời bấy giờ thu hút nhiều họa trẻ tham gia, mà sau này trở nên các tên tuổi có ảnh hưởng như Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ, Rừng, Lê Tài Điển, Đỗ Quang Em, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng, Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Mai Chửng, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Dương Văn Hùng, Đinh Cường… Trong danh sách này, Nguyễn Phước (sinh khoảng 1941) mới là người vẽ tranh trừu tượng trước tiên, xem lại các tin bài trên báo thời bấy giờ sẽ rõ, hay hỏi các họa sĩ còn sống trong số này, sẽ rõ.

 

 

Tác phẩm aaa, ccrylic, house paint, pencil, oil stick on canvas, 180x180cm, 2010.

 

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy trong cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt nam hiện đại (VAALA, USA, 2008), trang 164, có đoạn viết: “Khoảng 1963, Nguyễn Phước và Nguyễn Lâm thường triển lãm chung với nhau, với những tác phẩm biểu tượng đầy bi quan. Lần lần hai khuynh hướng của họ càng khác nhau. Nguyễn Phước có lẽ là người thay đổi nhiều nhất, không phải chỉ đối với Nguyễn Lâm mà đối với phần đông các họa sĩ đồng thời. Anh khởi đầu bằng những nhân vật khắc khổ với đôi mắt sâu đen, màu sắc đạm bạc. Khoảng 1966-1967, anh chuyển hẳn sang lối trừu tượng với màu sắc mịn màng, tế nhị, cho đến nay”.

 

Có một trùng hợp thú vị, là khi triển lãm của Nguyễn Trung diễn ra thì trang web Da Màu (http://damau.org/) lại in tác phẩm Phù điêu xám lỗ chỗ với ký hiệu đen số X (Grey Relief Perforated with Black Sign No X) của danh họa Antoni Tàpies (1923–), vẽ năm 1955, với vật liệu hỗn hợp trên vải bố (mixed media on canvas). Có thể xem tác phẩm này tại đây: http://damau.org/wp-content/uploads/2010/12/L1000609665x10241.jpg và các tác phẩm khác của Antoni Tàpies tại đây: http://oseculoprodigioso.blogspot.com/2005/04/tpies-antoni-arte-abstracta.html

 

Và tiếp tục nói thêm, khi xem tranh trừu tượng của Nguyễn Trung, kể từ thập niên 1990, sau khi ông đi Pháp về (1991), tự nhiên tôi lại nhớ đến danh họa Pierre Soulages (1919-), người làm cả sơn khắc và điêu khắc. Sự nhớ cũng được vài họa sĩ nhớ ra, nhưng có điều họ ngai nói ra, hoặc không muốn nêu tên. Vào google thì có thể nhìn thấy nhiều tác phẩm của Pierre Soulages, đơn cử: http://www.balkon.hu/balkon_2000_09/soulage_foto.htm hoặc: http://manfredunger-list.blogspot.com/2010/10/pierre-soulages.html 

 

*

Cuối cùng, khi đứng ngoài sự thích, không thích, hoặc băn khoăn, xét về lịch sử và tiến trình hội họa, tôi vẫn cho rằng Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ đáng nể của Việt Nam./.

 

La Hán Phòng, 11.12.2010

Lý Đợi
Số lần đọc: 2598
Ngày đăng: 15.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời có mảnh dài mảnh ngắn - Nguyễn Hương Giang
Tranh Hoạ Sĩ Tuýt :”Cái Tôi Của Văn Nghệ Sĩ” - Vũ Trọng Quang
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh hoạ Trần Văn Cẩn (13/8/1910- 13/8/2010): Khúc minuet dành cho “Em Thúy” - Trần Trung Sáng
Không gian sống và ngôn ngữ hội họa của Lê Thánh Thư - Hồ Tịnh Tình
Sự cố về bức tranh được giải cuả họa sĩ người Chăm - Dư Thị Hoàn
Vẽ… như… mơ!!! - Phương Giang
Cá hóa rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam - Nguyễn Thu Thủy
Lặng lẽ, những mảng màu toả sáng - Lê Huỳnh Lâm
Triết lý nhân luân trong tam giác nhân quả của tranh hứng dừa - Vũ Ngọc Tiến
Thế giới kim loại của Vũ Thanh Nghị - Lê Anh Hoài
Cùng một tác giả
Trợ giúp ! (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)