Trong ghi nhận của tôi về 20 năm văn học miền nam, có nhà văn Lữ Quỳnh. Nhưng, cũng trong ghi nhận của tôi, Lữ Quỳnh còn là một thi sĩ. Ông không chỉ là thi sĩ qua những hình ảnh trong văn xuôi. Ông cũng không chỉ là thi sĩ qua những so sánh, liên tưởng, nhân cách hóa trong khá nhiều truyện ngắn của ông. (Mà,) với tôi, ông còn là thi sĩ chan hòa tính nhân bản, trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa trên lộ trình sống / chết miền Nam điêu linh, 20 năm.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe thỏang hương thơm của lòng nhân hậu. Hay, tính-lành của một con người không bị ô nhiễm bởi lầm than, nguy nàn, tổ quốc.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được tiếng reo vui, hân hoan của những con chữ búng mình trên mặt sông máu / xương gập ghềnh nghiệt, oan vận nước.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được những hồi chuông, khánh tình yêu thao thiết. Hay, những ngọn nến cháy bằng tim bấc trăm năm, giữa nghìn sao rung động, thứ nhất.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi cũng còn nghe được tiếng gọi rộn rã thanh niên, đi ra từ trái tim sóng sánh nhiệt-hứng-trẻ-thơ tình bằng hữu. Tất cả cảm thức trên của tôi, được thực chứng trong thi phẩm “Sinh nhật của một người không còn trẻ,” của ông, hôm nay.
Tôi không có tham vọng vào sâu thổ ngơi, thi giới của ba mươi lăm bài thơ của Lữ Quỳnh, nơi tuyển tập này. Tôi cũng không có tham vọng thuyết phục, thậm chí, “đánh đổ” nhan đề “Sinh nhật của một người không còn trẻ” của tác giả, để độc giả (như tôi,) có được một nhan đề khác. Thí dụ “Sinh nhật một người luôn còn rất trẻ!” Tôi thấy không cần thiết.
Điều cần thiết hơn cả, với tôi, lúc này là, gửi tới ông, lời cảm ơn cùng lúc, chúc mừng.
Tôi muốn cảm ơn ông đã cho tôi, thấy được nhiều hơn, “những con chữ búng mình trên mặt sông máu / xương, gập ghềnh oan nghiệt, vận nước.” Lênh đênh.
Tôi muốn cảm ơn ông đã cho tôi, nghe được nhiều hơn, rõ hơn, “những hồi chuông, khánh tình yêu thao thiết. Hay, những ngọn nến cháy bằng tim bấc trăm năm, giữa nghìn sao rung động, thứ nhất.”
Và, tôi xin được chúc mừng ông, hôm nay, vẫn rộnrã- thanh-niên, tiếng gọi “…đi ra từ trái tim sóng sánh nhiệt hứng- trẻ-thơ tình bằng hữu.”
Nói cách khác, với tôi, “sinh nhật” nào của Lữ Quỳnh, cũng là “sinh nhật” của “một người luôn còn rất trẻ.”
(Garden Grove,Calif. 8 09.)