Richard Stengel. TIME, Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010. HIẾU TÂN dịch
“Trong hoặc gần khoảng tháng 12, 1910, tính cách loài người thay đổi”
Virginia Woolf, 1924
Bà hơi cường điệu, chỉ hơi thôi. Woolf đã thấy một biến chuyển căn bản trong các mối quan hệ của loài người diễn ra vào đầu thế kỷ 20 “giữa chủ và tớ, chồng và vợ, cha mẹ và con cái,” Những thay đổi này, bà tiên đoán, sẽ đem lại những biến đổi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ tôn giáo đến chính trị đến hành vi của con người. Ít người bảo bà đã đoán sai.
Một thế kỷ sau, chúng ta đang sống qua một sự chuyển đổi khác. Cách chúng ta liên hệ với nhau và những thiết chế trong đó chúng ta sống đang biến chuyển. Có sự xói mòn niềm tin vào quyền uy, một sự phi tập trung hóa quyền lực và đồng thời, có lẽ, một niềm tin lớn hơn vào nhau. Ý thức về sự đồng nhất của chúng ta biến động nhiều hơn, trong khi ý thức về tính riêng tư đang rộng mở. Những điều trước đây được coi là thầm kín thì nay được chia sẻ với hàng triệu người bằng một nhát bấm trên bàn phím.
Hơn bất kỳ ai trên sân khấu thế giới này, Mark Zuckerberg của Facebook ở tâm điểm của sự biến chuyển này. Sinh năm 1984, cùng năm máy tính Macintosh được tung ra, anh vừa là sản phẩm của thế hệ anh, vừa là kiến trúc sư của nó. Sân chơi mạng-xã hội mà anh sáng tạo ra đang lôi cuốn đến 600 triệu người dùng. Chỉ trong một ngày, vào khoảng một tỷ mẩu nội dung được post lên Facebook. Nó là một mảng liên kết gần một phần mười hành tinh. Ngày nay Facebook là quốc gia lớn thứ ba trên trái đất và chắc chắn có nhiều thông tin về các công dân của nó hơn bất kỳ chính phủ nào. Zuckerberg, người bỏ học giữa chừng trường Harvard, là nguyên thủ mặc áo thun của nhà nước này.
Các nhà sinh học tiến hóa gợi ý rằng có sự tương quan giữa kích thước neocortex (vỏ não mới) với số quan hệ xã hội mà một loài linh trưởng có thể có. Con người có quan hệ xã hội lớn nhất và rộng rãi nhất: khoảng 150 - theo nhà khoa học Robin Dunbar. Con số của Dunbar -150 - cũng phản ánh con số bạn bè trung bình của những người trên Facebook. Nhờ có máy bay và điện thoại và ngày nay là các phương tiện thông tin, con người giao tiếp với đời sống của nhiều người hơn ông cha chúng ta, họ có lẽ chỉ gặp 150 người trong cả cuộc đời. Ngày nay khả năng kết nối đang tăng tốc với một nhịp độ phi thường. Như nhà sinh học lớn E.O. Wilson nói “chúng ta đang sống trong một vùng đất chưa được thăm dò.”
Tất cả mọi phương tiện truyền thông xã hội là hỗn hợp của lòng yên bản thân và tính tò mò bệnh hoạn. Phần lớn chúng ta thể hiện sự kết hợp của hai cái đó, đó là lý do tại sao các phương tiện truyền thông xã hội nảy nở nhanh đến thế và thâm nhập sâu vào trí nhớ của chúng ta hơn bất kỳ hiện tượng xã hội nào khác. Các phương tiện truyền thông xã hội tác động vào những phần của tính cách con người không thay đổi, ngay cả khi thay đổi bản chất của những gì trước nay dường như không thể thay đổi.
Giống như hai ‘nhân vật’ mà chúng tôi đưa lên năm nay, Julian Assange và phong trào Tea Party, Mark Zuckerberg không có nhiều lòng tôn sùng đối với quyền uy truyền thống. Theo một nghĩa, Zuckerberg và Assange là hai mặt của một đồng xu. Cả hai đều thể hiện mong muốn công khai và minh bạch. Trong khi Assange tấn công các thiết chế lớn và các chính phủ, thì Zuckerberg tạo điều kiện để các cá nhân tự nguyện chia sẻ thông tin với ý tưởng trao cho họ quyền hành động hợp pháp. Assange thấy thế giới đầy rẫy kẻ thù thật và ảo (tưởng tượng), Zuckerberg thấy thế giới tràn đầy những người bạn tiềm tàng. Cả hai có lòng khinh bỉ rõ rệt với quyền riêng tư: trong trường hợp Assange là vì ông cảm thấy nó cho phép cái xấu tràn ngập, trong trường hợp Zuckerberg bởi vì anh thấy nó như một sự lỗi thời về văn hóa, một trở ngại đối với quan hệ rộng mở và hiệu quả giữa con người.
Ở tuổi 26, Zuckerberg lớn hơn một tuổi so với Charles Lindbergh, Nhân vật của Năm đầu tiên của chúng tôi, một thanh niên đã dùng công nghệ để bắc cầu nối các châu lục. Anh bằng tuổi Nữ Hoàng Elizabeth khi bà là Nhân vật của Năm năm 1952. Nhưng không giống Nữ Hoàng, anh không được thừa hưởng một đế chế, anh tạo ra nó. (Nhân tiện nói thêm, Nữ Hoàng cũng mới mở một trang Facebook trong năm nay). Nhân vật của Năm không phải là và chưa bao giờ là một vinh dự. Đó là sự thừa nhận quyền năng của các cá nhân hình thành nên thế giới chúng ta. Vì kết nối hơn nửa tỉ người và vẽ bản đồ các quan hệ xã hội giữa họ (điều chưa từng có bao giờ), vì tạo ra một hệ thống mới để trao đổi thông tin vừa không thể thiếu được vừa làm kinh hoảng đôi khi, và cuối cùng, vì đã thay đổi cách chúng ta sống cuộc đời của chúng ta sao cho nó mới mẻ và lạc quan, Mark Elliot Zuckerberg được TIME bình chọn là Nhân vật của Năm, năm 2010./.