Eben Harrell / Stockholm, TIME, Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010, HIẾU TÂN dịch
Khách nước ngoài đến những quán bar sôi động ở Stockholm thường rất ấn tượng với vẻ dạn dĩ của những phụ nữ nước này - người phụ nữ Thụy điển điển hình dường như không hề e ngại đến gần đàn ông để bắt chuyện hay khởi đầu một cuộc gặp gỡ lãng mạn. Đối với những nhà nữ quyền Thụy điển, sự tự tin ấy chỉ là một phần của những cố gắng rộng lớn hơn của nước này để khuyến khích các quyền của phụ nữ. “Cả xã hội ngày nay chờ mong phụ nữ cũng có thái độ tân tiến đối với tình dục như nam giới. Dù sao đó cũng là một phần thành tựu của công cuộc bình đẳng giới,” Karine Arakelian, chủ tịch của Terrafem, một tổ chức cứu trợ những phụ nữ bị lạm dụng nói.
Nhưng mặc dù có quyền tự do kiểm soát các quan hệ tình dục của họ, phụ nữ Thụy điển đối mặt với một sự kiện rắc rối: Thụy điển theo báo cáo có số vụ cưỡng hiếp nhiều nhất châu Âu và tỉ lệ kết tội thấp nhất trong các nước phát triển. Các tổ chức quốc tế khác nhau, từ Liên Hiệp Quốc đến Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kịch liệt phê bình nước này về sự lan tràn của các tội ác tình dục do công dân của nó phạm. Đáp lại, chính phủ Thụy điển trong những năm gần đây đã tiến hành những biện pháp gắt gao để xiết chặt các luật về tội ác tình dục của nó.
Và chính trong bối cảnh này người sáng lập WikiLeaks Assange hiện nay đang dưới sự giám sát của cảnh sát London, thấy mình đang trong trạng thái chờ đợi bị dẫn độ sang Thụy điển để đối mặt với thẩm vấn liên quan đến năm cáo buộc khác nhau về tội tình dục. Những cáo buộc này, trong đó có cả cưỡng hiếp, xuất phát từ cuộc gặp gỡ của Assange với hai phụ nữ hồi tháng Tám, ban đầu như thuận tình nhưng sau đó, theo những người cáo buộc ông, đã trở thành cưỡng bức. Assange và luật sư của ông đã khẳng định rằng công tố Thụy điển đang truy nã người hắc-kơ cũ này theo mệnh lệnh của chính phủ Mỹ, như sự trừng phạt vụ các bức mật điện ngoại giao gây bối rối được WikiLeaks công bố gần đây. Nhưng có khả năng nhiều hơn là sức ép chính trị loại khác đã đẩy Assange vào vòng theo dõi của cảnh sát: chiến dịch gần đây của Thụy điển truy nã gắt gao tất cả những kẻ bị kết tội về tình dục.
Vào hôm thứ ba, quan tòa Anh đã cho Assange được tại ngoại với điều kiện ông phải nộp lại hộ chiếu và mang dụng cụ theo dõi điện tử, cho đến khi các thủ tục dẫn độ hoàn tất; ông hiện đang bị giam giữ trong khi chờ kháng án. Assange chưa bị buộc tội gì, và ông phủ nhận mọi hành vi phạm pháp. Nhưng việc bắt ông là một mẩu khác của cuộc đối thoại nội bộ về việc đất nước này có thể chống lại cuộc khủng hoảng về tội ác tình dục như thế nào.
Mỗi năm Thụy điển ghi nhận 46 ca cưỡng hiếp được báo cáo trong số 100. 000 người, vào khoảng hai lần lớn hơn tỷ lệ ở Mỹ và Anh. Tuy nhiên tỉ lệ bị kết tội chỉ bằng 10%, một tỷ lệ thấp nhất trong các nước phát triển. Và một vấn đề nữa dường như còn tồi tệ hơn: tỉ lệ tội ác tình dục được báo cáo theo thống kê của chính phủ đã tăng 60% trong thập kỷ qua. Một số nhà bình luận gợi ý các tỉ lệ cao này về số vụ cưỡng hiếp được báo cáo có thể, một cách ngược đời, là một dấu hiệu về sự thành công của Thụy điển trong việc khuyến khích bình đẳng giới: những phụ nữ có ý thức hơn về quyền của họ thường dễ nói ra nếu các quyền đó bị vi phạm. “Hiếp dâm không phổ biến hơn ở Thụy điển [hơn những nơi khác]” Karin Sandell Trung tâm Quốc gia vì Kiến thức về Bạo hành của đàn ông đối với đàn bà thuộc trường đại học Uppsala, lặp lại ý kiến của một số chuyên gia Thụy điển về hiếp dâm. “Đấy chẳng qua là phụ nữ Thụy điển cảm thấy dễ dàng hơn trong việc báo cáo chuyện đó với cảnh sát.”
Nhưng chẳng ai biết chắc. Một số quan sát viên lo ngại có một luồng bạo lực tình dục chảy ngầm bên dưới cái hình ảnh một xã hội có vẻ bình yên của Thụy điển. (Chẳng hạn tiểu thuyết về tội phạm Thụy điển nổi tiếng về những cảnh mô tả rùng rợn về bạo lực tình dục. Tựa sách Thụy điển cho cuốn đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết ăn khách của Stieg Larson là “Người đàn ông ghét phụ nữ.”) Trong một báo cáo năm 2007, Báo cáo viên đặc trách về bạo hành với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc viết: “Trong khi chương trình nghị sự về những cơ hội bình đẳng mở đường cho những bước tiến có ý nghĩa về sự đại diện của phụ nữ trong xã hội…kinh nghiệm của Thụy điển lại ít có hiệu quả trong việc chống lại sự bất bình đẳng trong quan hệ quyền lực giữa phụ nữ và đàn ông trong phạm vi riêng tư, như vậy dẫn đến việc bình thường hóa bạo lực.” Quả thật không phải chỉ có những báo cáo cảnh sát vẽ nên bức tranh phiền muộn này, một cuộc điều tra của chính phủ năm 2001 thấy gần một nửa phụ nữ trả lời rằng họ đã từng là nạn nhân của bạo hành hoặc tấn công tình dục của một người đàn ông từ sau ngày sinh nhật thứ 15 của họ.
Đặc biệt lo ngại về tỉ lệ buộc tội thấp sau các báo cáo hiếp dâm, chính phủ đã đưa ra một chương trình 3 năm trong năm 2007 nhằm giáo dục các yếu tố trong hệ thống luật hình sự về làm thế nào truy cứu gắt gao hơn những kẻ bị buộc tội hiếp dâm, vì nạn nhân thường buông không dám buộc tội vì sợ, vì xấu hổ hay vì trung thành với bị cáo. Và trong các năm 1998 và 2005, tội danh hiếp dâm được mở rộng ra để bao gồm, chẳng hạn, cưỡng bức tình dục qua đe dọa bạo lực và làm tình với người phụ nữ đang ngủ hay bất tỉnh.
Chính là theo định nghĩa rộng hơn này cảnh sát muốn thẩm vấn Assange. Các báo cáo cảnh sát tuyên bố rằng những cáo buộc chống Assange tập trung quanh những khiếu nại của hai phụ nữ Thụy điển nói trong các trường hợp khác nhau mỗi người đã thỏa thuận làm tình với Assange nhưng trong hoặc sau khi gặp gỡ thấy rằng ông ta có những hành vi tình dục trái với ý muốn của họ. Theo chi nhánh Interpol ở Thụy điển, một lệnh bắt gần đây đối với Assange nói rằng cáo buộc cưỡng hiếp xuất phát từ cuộc gặp gỡ trong đó người phụ nữ “đang ngủ và trong tình trạng không được bảo vệ.” Còn có một cáo buộc quấy nhiễu tình dục dựa trên khiếu nại rằng trong một vụ khác, “cặp đôi đang ngủ trần truồng với nhau và kẻ tình nghi [đẩy] dương vật trần cương cứng của anh ta vào người cô ta” Và các công tố cũng muốn hỏi Assange trong mối nghi ngờ rằng ông đã ép buộc tình dục một trong những phụ nữ này bằng cách “nằm đè lên người [cô ta] dùng sức nặng của mình không cho cô ta cựa quậy, và cưỡng bức dang rộng hai chân cô ta ra,” và rằng ông quấy nhiễu tình dục hai phụ nữ này bằng “làm tình không dùng bao cao su mà không cho người phụ nữ biết.”
Không ai có thể đoán trước Assange trở thành một trong những người bị Thụy điển truy nã gắt gao nhất khi ông đến nước này hồi tháng Tám để tiến hành một loạt bài giảng về WikiLeaks và được hoan nghênh nồng nhiệt. Theo Thomas Mattsson, biên tập viên tờ báo hàng ngày của Thụy điển Expressen, sự đồng cảm của đất nước này với Assange đến một cách tự nhiên: người Thụy điển chia sẻ với ông tình yêu công nghệ và niềm tin vào chính phủ công khai. Nhưng Mattsson nói người Thụy điển cũng có một đam mê khác không kém quan trọng: “Chúng tôi rất coi trọng khía cạnh đạo đức về một con người nổi tiếng và mạnh mẽ đối xử thế nào với phụ nữ trong mọi tình huống, tình cảm hay nghề nghiệp,” ông nói.
Và đối với những người Thụy điển đang bức xúc về những tỷ lệ cao về tội phạm tình dục đối với phụ nữ, khi gặp chuyện tình dục không đồng thuận, điều gì xảy ra đằng sau những cánh cửa đóng kín không nên còn là bí mật nữa. Nếu ai có thể hiểu sự bắt buộc phải phơi bày bất công ra ánh sáng, thì đó là Assange./.