Tranh Trên và dưới, acrylic, giấy, 27x22cm, Rừng
Dòi là ấu trùng của ruồi.
Ruồi đẻ trứng trong những môi trường dơ, khi trứng nở ra dòi, dòi ăn thức ăn dơ đó lớn lên, thành nhộng rồi nở ra ruồi.
Tôi được thấy dòi đầu tiên là trong những vại mắm ở nhà ông bà ngoại, lúc năm,sáu tuổi. Tôi rất sợ dòi. Ðúng hơn, đối với tôi là một con vật sống trong môi trương dơ, không có mắt mũi, mềm oặt, liên tục uốn éo thân thể không tay chân để di chuyển. Không phải một hai con mà từng bầy nhung nhúc hàng triệu con. Nhưng tùy môi trường sống, dòi chia thành đẳng cấp. Dòi cứt người là dơ hơn cả. Dòi mắm không dơ. “Mắm có dòi mới ngon”, bà ngoại tôi nói vậy. Có loại dòi còn làm thức ăn nữa. Hiện nay là một giống vật y học dùng làm “thuốc”. Người ta cho dòi dọn sạch sẽ một vết thương thối thịt. Dòi ăn hết phần thịt hư, làm cho vết thương mau lành!
Như vậy thì dòi không phải là một sinh vật hoàn toàn đáng ghê tỡm, vô ích, mà trái lại. Nó đáng ghê tỡm hay không là tùy những môi trường nó sống mà thôi. Tuy biết thế nhưng cái cảm giác ghê tỡm về giống vật đó luôn ám ảnh tôi, trở thành như một định kiến khó bỏ. Chỉ cần nghĩ đến thôi, một cảm giác ghê sợ, tỡm lợm trong tôi đã tràn ngập.
Sở dĩ như vậy, có thể trong một nghịch cảnh lâu dài tôi phải sống và ngày ngày có dịp thấy hình ảnh từng đống dòi, lớp lớp như sóng cuộn tranh ăn trong hố cứt cầu tiêu lộ thiên? Thời đó cơ thể tôi thiếu thốn đủ thứ, các chất dinh dưỡng, đã khiến tôi ăn đủ loại thức-ăn-mà-trước-đây-tôi-chưa-hề-ăn-con-gì-nhúc-nhích-là-ăn, nhưng có một loài động vật nhúc nhích (hơi bị nhiều nữa) mà tôi không dám ăn. Dòi!!!
Và một lần nữa đã làm cho nỗi ám ảnh và sự tỡm lợm dòi tăng thêm, là lần tôi đưa vợ con về Bắc, thăm quê cha đất tổ. Chúng tôi trú ở Hà nội trước khi về quê. Chúng tôi đi thăm phố phường. Giữa đường tôi đau bụng khẩn cấp, tưởng như sắp cho ra quần. Quanh quẩn mãi mới thấy một cầu tiêu lộ thiên ngay bên vệ đường. Như người sắp chết đuối vớ được miếng ván cứu hộ. Tôi lao vào. Nhưng từ bước chân thứ nhất, tôi khựng lại và thụt lui ngay. Trước mặt tôi, cứt cả đống to, không biết chất chứa từ bao giờ, tràn cả ra đường.
Và dòi! Cơ man là dòi. Chúng đang thi nhau lặn ngụp trong đống cứt. Một số con lạc đường bò ra ngoài, bị lũ kiến đen cấu xé, lăn lộn trên đất khô.
Trước tình cảnh đó, bỗng nhiên cơn đau bụng khẩn trương biến mất. Như sóng thần đụng
trường sơn. Tôi tỉnh hẳn. Về quê, tôi đụng cầu tiêu hai ngăn, chịu chết. Nhưng chửa cháy được nhờ cây cuốc, tôi hưởng thú thứ nhì sau “nhất quận công”.
Trong thời gian ở quê, mặc dù những xúc động “máu đào nước lã” làm tôi chảy nhiều nước mắt, một cơn mơ đeo đẵng tôi hằng đêm, không dứt .Tôi thấy mình chìm trong một cầu tiêu lộ thiên lớn, hoàn toàn tỉnh táo, nghe lũ dòi đục khoét thân thể. Chúng thi nhau ăn mũn khối thịt gồm đầu mình tay chân tôi, cả tim gan phèo phổi. Cho đến lúc chúng chui vào óc, ban đầu là cảm giác nhột nhạt, sau dần là cơn đau đớn tột độ .Tôi gào thét, kêu gọi cầu cứu những người đi đường. Họ đi hàng đàn hàng lũ, như bóng đèn kéo quân, nối tiếp nhau . . . nhưng không ai dừng lại, như họ không nghe tiếng kêu la, gào thét của tôi.
Vợ tôi lay tôi dậy. Cả người mồ hôi dầm dề, lạnh toát.
Tôi chợp mắt. Ðược một lúc rồi lại chìm vào giấc mơ khác, cũng dòi.
Tôi trần truồng nằm trên ba thanh gỗ bằng cổ tay, trong một lán trại trong rừng sâu. Các bạn tù đang ngủ say. Những con dòi từ trên mái tranh, kèo tre rớt xuống. Lúc đầu chúng rớt thưa, sau nhặt dần. Tôi phủi, nghiền nát chúng ra trên da thịt, bốc mùi cứt người. Nhưng chúng rơi xuống càng lúc càng nhiều, chui vào mắt, mũi, miệng tôi. Tôi không còn cựa quậy được khi chúng rơi xuống như một trận mưa rào và bao phủ toàn bộ thân thể tôi, vun lên như nấm mồ dòi. Thân thể tôi tê điếng, lạnh cứng lại không cựa quậy nổi.
Trong một thời gian rất lâu, tôi chịu đựng đau đớn thể xác và tinh thần. Ðến một lúc tôi mê đi, có cảm giác như chết là lúc lũ dòi đã ăn hết thịt trên thân thể, tôi chỉ còn là một bộ xương.
Tôi bật dậy, nhìn ngơ ngác. Vợ tôi nằm bên cạnh, đang ngủ sâu.Tôi muốn lay vợ, nhưng nghĩ rằng, mình chỉ còn là một bộ xương . . .
Tôi nằm xuống bên vợ.
Như một bộ xương./.
26/4/2010