Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
630
123.242.060
 
Văn xuôi ĐBSCL qua cái nhìn của những người trong cuộc
Trương Trọng Nghĩa

"Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng khó khăn nhất, xa nhất, nhưng lại làm được nhiều nhất và luôn đi tiên phong..." - Đó là lời khen ngợi chân tình của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam, Ban liên lạc Hội Nhà văn tại ĐBSCL và Hội VHNT Tiền Giang phối hợp tổ chức vào ngày 10.09.2004 tại thành phố Mỹ Tho.

 

Đến dự có ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch UBND tỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, các vị khách mời: nhà văn Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, Chim Trắng, Nguyễn Duy, nhà lý luận phê bình Phạm Quang Trung, lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật và đông đảo các nhà văn, nhà thơ trong khu vực. Với 26 tham luận gửi về Ban tổ chức và 19 tham luận được giới thiệu tại Bàn tròn đã cho ta cái nhìn tương đối đầy đủ về tình hình văn xuôi của ĐBSCL hiện nay.

 

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: "Sáng kiến tổ chức Bàn tròn văn xuôi để có cái nhìn tổng quát về thực trạng, chất lượng và đội ngũ sáng tác văn xuôi ĐBSCL, nhằm định ra phương hướng hoạt động văn học cho những năm sắp tới nhằm đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, là việc làm cần thiết".

 

Đi tìm "chân dung" truyện ngắn ĐBSCL

 

"Tính cách con người Nam bộ qua trang văn của các tác giả ĐBSCL" là tiêu đề bài tham luận mở đầu cuộc hội thảo của nhà văn Thu Trang (Tiền Giang). Chị đã "đọc, chiêm nghiệm và tìm kiếm để nhận ra một mẫu số chung cho tính cách con người Nam bộ được khắc họa. Đó là mẫu người hảo hán trọng đạo nghĩa theo kiểu "Nhớ câu kiến ngãi bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng" của Lục Vân Tiên, là mẫu người lạc quan, hào phóng, thiệt thà chân chất, đôi khi bị tác động bởi hoàn cảnh có biến đổi một chút, nhưng rồi cũng trở về với bản chất nhân hậu, hành hiệp vì nghĩa. Các tuyến nhân vật trong các trang văn của các tác giả ĐBSCL thường được phân chia rạch ròi giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa thiện và ác, hoạt động theo định tính đã mang trong suốt chiều dài tác phẩm".

 

Chị đã đặt ra trong bài tham luận của mình câu hỏi đầy trăn trở: "Lẽ nào Nam bộ chỉ là cánh đồng oằn lúa, là vườn cây trĩu quả với những "anh Hai" nhiều tiền học hành dở dang và thích chơi ngông?"

 

Với bài tham luận dài gần 6 trang đánh máy nhà văn Hồ Tĩnh Tâm (Vĩnh Long) đã cố gắng phác thảo thật chi tiết cá tính và bản lĩnh của văn xuôi Nam bộ. Anh nhận ra: "Cái đáng quý lớn nhất của văn xuôi Nam bộ, là hầu như tất cả các tác giả đều sử dụng rất thuần thục những giá trị đặc trưng của ngôn ngữ Nam bộ. Thậm chí, với một số tác giả, họ còn nâng được nó lên ở tầm cao của cái đẹp về ngôn ngữ văn học". Tuy nhiên, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm cũng đã thẳng thắn thừa nhận: "Nếu chúng ta làm phép cộng các tác phẩm lại, rồi chia đều ra, chúng ta sẽ có số thành của văn xuôi Nam bộ là tỉnh táo quá, bình chân quá. Rất nhiều truyện ngắn hầu như chỉ có một giọng điệu, một thứ ngôn ngữ được diễn đạt với tốc độ đều đều, dàn trải, chưa có được cú nhảy đột biến".

 

Trong khi đó nhà thơ - nhà lý luận phê bình Võ Tấn Cường (Tiền Giang) lại "nhận ra sự "đóng băng" trong việc miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật của một số tác giả" và đưa ra nhận định: "Những đổi thay, biến đổi dồn dập của các trường phái, trào lưu văn xuôi trên thế giới có vẻ ít ảnh hưởng đến cảm thức cá nhân và phong cách sáng tạo của các nhà văn ĐBSCL". Theo anh thì "thời hiện đại tính cách con người đa diện và phức tạp đâu chỉ có những nét tính cách phóng khoáng, hào hiệp và giàu tình nghĩa".

 

ĐBSCL không thể không có nhiều tác phẩm dài hơi và giá trị cao.

 

Đó là trăn trở của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (An Giang) khi bàn về tiểu thuyết ĐBSCL. Thể loại tiểu thuyết đã xuất hiện ở ĐBSCL tương đối sớm so với cả nước từ những năm đầu thế kỷ 20 khi văn học quốc ngữ bắt đầu xuất hiện ở ĐBSCL. Nhiều quyển tiểu thuyết của các tác giả ĐBSCL đã gây được tiếng vang lớn, đã từng làm say đắm biết bao thế hệ độc giả. Tuy nhiên bước sang thập niên 90, cũng như một số khu vực khác, tiểu thuyết ĐBSCL đã có dấu hiện chững lại.

 

Kết thúc bài tham luận của mình, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã đưa ra hàng loạt câu hỏi còn bỏ ngõ: "Nhà văn ĐBSCL ít viết tiểu thuyết có phải vì chưa có đề tài, chưa có điều kiện? Có phải chúng ta chưa thể hiện hết nhiệt huyết và trách nhiệm của nhà văn với cuộc sống, đối với xã hội đang phục vụ cho chúng ta. Có phải chúng ta chưa thực sự cần cù, nghiêm túc trong lao động và lãng phí thời gian, chưa có khát vọng vươn lên, chưa đột phá và cách tân ngòi bút của mình. Có phải chúng ta còn trông chờ, ỷ lại vào một sự hỗ trợ nào đó hơn là lòng say mê nghề nghiệp. Có phải chúng ta còn lúng túng hay đuối sức đối với những tác phẩm dài hơi."

 

Văn chương cũng cần được tiếp thị?

 

Trong tham luận của mình nhà văn Trần Thanh Giao đã mạnh dạn đưa ra ý kiến: "Vấn đề là sự tự giới thiệu của văn học ĐBSCL. Vì thời buổi kinh tế thị trường, người ta hay tổ chức hội chợ hay ít ra cũng tăng cường "tiếp thị". Văn chương ĐBSCL không thể không quan tâm tới việc này. Công việc tiếp thị trong văn chương khác hẳn trong kinh tế, không thể "lăng xê" vô tội vạ để bán sách lấy tiền, cũng không thể không hiểu thấu đáo tình hình mà đã "lăng xê". Cho nên công tác nghiên cứu, phê bình… về văn chương và các tác giả ĐBSCL là vần đề cần gấp và hết sức quan trọng".

 

Cũng đề cập đến vấn đề này nhà văn Nguyễn Hồ lại muốn xây dựng một "thương hiệu" riêng văn xuôi ĐBSCL. Theo ông, văn xuôi ĐBSCL từ trước đến nay do "không quảng bá thương hiệu, cứ mãi "hữu xạ tự nhiên hương" nên sinh ra lu mờ so với nhiều vùng miền khác, chưa dám so với cả nước." 

 

Qua đó, nhà văn Nguyễn Hồ đã đưa ra nhiều kiến nghị như: Các Hội Văn học nghệ thuật địa phương cần có trang bị tối thiểu để nối mạng với cả nước, trao đổi sáng tác, cập nhật thông tin văn học trong và ngoài nước; Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, báo Văn nghệ… các nhà xuất bản cần dành những trang thường xuyên giới thiệu tác giả tác phẩm đồng bằng; Hội Nhà văn Việt Nam nên mạnh dạn cho xuất bản phụ trương báo Văn nghệ của ĐBSCL...

 

Văn chương phải chăng chỉ là một cuộc dạo chơi?

 

Tại Bàn tròn văn xuôi lần này nhiều nhà văn - nhà thơ cũng đã trăn trở về lực lượng sáng tác trẻ hiện nay của ĐBSCL. Nhà văn Vũ Hồng (Bến Tre) cho rằng: "Lực lượng viết văn xuôi trẻ gần như chưa mang tính chuyên nghiệp cao". Anh đã chứng minh bằng việc: "Gần như 90% các tác giả trẻ khi được hỏi đều "bị khiêm tốn" cho rằng "đến với văn chương là như đến với một cuộc chơi", hoặc là do hoàn cảnh đời sống nên "khi viết khi không"... Các tác giả trẻ khi xem việc đến với văn chương như một cuộc chơi thì độc giả cũng có quyền thích thì đến chơi với văn chương, không thích thì thôi, không trách cứ gì chuyện độc giả quay lưng với văn chương được".

 

Trong khi đó nhà văn Vũ Đức Nghĩa (An Giang) lại ưu tư về việc phát hiện và bồi dưỡng những cây viết trẻ. Theo anh thì: "Các Hội văn học nghệ thuật địa phương phải làm nhiệm vụ của "những bà mụ" mát tay, luôn tìm tòi những cây viết trẻ có nhiều triển vọng và phân công những nhà văn giàu tâm huyết để động viên, khuyến khích bồi dưỡng họ để họ có thêm niềm tin đối với nghề nghiệp, chấp nhận hy sinh một số thú vui hằng ngày để có thời gian đầu tư, sáng tạo những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và có tầm khái quát cao..."

 

Nguyễn Thị Diệp Mai - một cây bút trẻ của ĐBSCL vừa nổi lên trong thời gian gần đây cũng đã nói lên những suy nghĩ của mình bằng tham luận: "Chúng tôi mê viết văn nhưng không thể sống bằng nghề viết văn" để rồi đưa ra kết luận "không thể sống bằng "nghề văn" được thì tốt nhất là viết chơi theo kiểu tài tử. Dù cho các bậc "đại gia" của nền văn học có kêu ca giới viết trẻ viết văn giờ thiếu tính chuyên nghiệp cũng đành chịu. Đến khi nào "nghề văn" có thể nuôi sống bản thân, phụ giúp cho gia đình đủ sống thì hẵng hay".

 

Ba điều tồn tại của văn xuôi ĐBSCL

 

Đến tham dự bàn tròn văn xuôi lần này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã dành cho văn nghệ sĩ ĐBSCL nhiều tình cảm ưu ái: "ĐBSCL là một vùng văn học đặc sắc. Nó bổ sung cho bức tranh chung của nền văn học chúng ta. Quả là cực kỳ thiếu sót nếu văn xuôi hiện đại Việt Nam không được bổ sung được bởi mảng văn xuôi rất đặc sắc của các tác giả Nam bộ trong nhiều thập kỷ qua và đặc biệt là hiện nay. Tôi nhận thấy đây là một vùng văn học đang vận động và điều quan trọng nhất là nó vẫn còn khả năng gây bất ngờ cho bạn đọc".

 

Bên cạnh đó nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã chân tình chỉ ra 3 điều còn tồn tại của văn xuôi ĐBSCL. Trước hết đó là các tác phẩm của ĐBSCL, dù là của các tác giả thành công vẫn còn quá nhẹ và quá mỏng. Những năm gần đây, lực lượng viết văn xuôi ĐBSCL dường như chững lại và có dấu hiệu tẻ nhạt. Nhiều cuộc thi về tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký... vắng hẳn các cây bút ở đây. Thậm chí trong tuyển tập 30 truyện ngắn mà báo Văn nghệ sẽ in sắp tới cũng chỉ có 2 truyện ngắn của ĐBSCL. Tồn tại thứ hai là sự mở rộng đề tài thể hiện của các cây bút ĐBSCL vẫn còn hạn chế và chưa được đẩy mạnh. Vấn đề thứ ba  là ĐBSCL hiện vẫn chưa có những cây bút lý luận phê bình tiêu biểu. Nếu như lực lượng lý luận phê bình của cả nước vốn đã ít thì ở ĐBSCL lại cực hiếm. Qua đó ông cũng đưa ra bốn kiến nghị: "Một là, phải có trụ sở, con dấu và cần có một phụ bản báo Văn nghệ dành cho ĐBSCL. Hai là cần đẩy mạnh mảng lý luận phê bình. Thứ ba, công việc có tính chiến lược, gấp rút là phải mạnh dạn thay đổi và bồi dưỡng lực lượng trẻ. Bốn là, các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản cần… cởi mở, công bằng hơn, không nói là ưu ái hơn, cho các sáng tác của vùng ĐBSCL".

 

Bàn tròn Văn xuôi ĐBSCL đã khép lại. Tuy chỉ kéo dài trong vỏn vẹn một ngày nhưng cuộc hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và bổ ích. Hội thảo đã mạnh dạn nhìn nhận chất lượng văn xuôi ĐBSCL qua cái nhìn của những người trong cuộc từ đó đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất những vấn đề xung quanh việc tổ chức, chính sách và sinh hoạt cho đội ngũ những người viết văn ở ĐBSCL. Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lần này thật sự đã tạo được một bầu không khí văn học mới mẻ và nói theo nhà văn Nguyễn Trọng Tín, qua cuộc hội thảo lần này chúng ta vẫn còn đủ lòng tin rằng, vùng đất ĐBSCL "vẫn đang còn ẩn giấu những tài năng văn xuôi. Và, với nội lực của mình, một ngày kia họ sẽ xuất hiện."

Trương Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 4165
Ngày đăng: 18.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có một loài rau dân dã - Nhật Linh
Hành trình cây khóm - Nhật Linh
Sóng Trắng - Lê Ái Siêm
Cà Mau và hạt ngọc phù sa - Lê Tương Ứng
Chùa cổ Tiên Châu - Trần Thành Trung
Đặt trúm ở rừng U Minh - Phan Trung Nghĩa
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu - Nguyễn Viết Chung
Người Chăm An Giang – bản sắc văn hóa độc đáo một vùng biên - Phương Kiều
Phú Quốc không xa - Anh Động
Tính thuần phác trong thơ đồng bằng sông Cửu Long - Kim Ba