truyện vừa
Trung thiên truyện Giáo sĩ phản ảnh mối tương quan giữa nhân vật và tác giả, giữa văn bản và dịch thuật, giữa tình yêu và tôn giáo làm khung sườn cho tác phẩm, song song truyện còn phản ảnh cuộc chiến đẫm máu giữa lính Lê Dương và quân đội Việt Minh. Qua Giáo sĩ, Trần Vũ muốn lật lại lịch sử, giải thích theo cách riêng của anh: Nguyên nhân thảm bại tại Việt Nam của quân đoàn viễn chinh Đông Dương nằm trong chính tôn giáo bế tắt của họ chờ đợi ngày phán xét cuối cùng không xảy đến, trong lúc Việt Minh thừa hưởng tính chất luân hồi của Phật giáo chết đi sống lại vẫn tiếp tục giành độc lập.
Giáo sĩ còn phản ánh một khía cạnh quan trọng khác: Sự giao thoa và ảnh hưởng của hai nền văn hóa Pháp-Việt. Hình ảnh nhân vật Tuyết trong tiểu thuyết “Đời mưa gió” bật dậy bước ra từ trang sách, để sống một kiếp đời khác, gần như một kiếp luân hồi tinh thần, là một sáng tạo kỳ lạ. Kết thúc truyện người đọc càng nhận rõ sự nối kết văn hóa qua hình ảnh tượng trưng này: “…Tuyết hiểu nàng không có tên trên danh sách loài người khi Jésus Christ gỡ tay (…) Sáng đó Tuyết đã khóc thật nhiều vì vụt hiểu ra nàng chỉ có thể hiện hữu bằng tình yêu khai hóa duy nhất của Alexandre Lucien Abel de Rhodes.” Nàng, là Tuyết của Đời Mưa Gió của Khái Hưng và Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn, một nhân vật được khai sinh từ chữ Quốc ngữ, nàng chính là văn chương nghệ thuật, hiện hữu bằng thứ chữ ký âm của Alexandre de Rhodes.
Truyện vừa Giáo sĩ thực chất là tiểu thuyết luận đề về con người, chứa đựng rõ nét những chủ đề mà nhân loại hằng quan tâm: tôn giáo, chiến tranh, lịch sử, tình yêu, sáng tạo, dịch thuật, tình dục, nghệ thuật, niềm tin, thượng đế, thần chết và cả Jesus Christ cũng mang bước chân nhẹ hẩng không trọng lượng của một nhận vật tiểu thuyết. Giáo sĩ kết hợp nhiều mối tương quan: quá khứ với hiện tại, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, quan hệ giữa người đọc và người viết, giữa Công giáo và Phật giáo, giữa người sống với người chết vì người chết chỉ sống trong lòng người sống.
Với bút pháp hiện thực huyền ảo pha nhiều kịch tính châm biếm, nhà văn cố tình xây dựng câu chuyện một cách hư hư thực thực, với nhiều tình tiết khôi hài và đảo lộn như một câu chuyện đùa. Làm sao nhân vật tiểu thuyết lại có thể bước ra từ trang sách làm chức năng “cứu rỗi” những người đàn ông? Làm sao hồn ma giáo sĩ lại có thể làm tình với nhân vật tiểu thuyết? Làm sao trung úy De Lattre lại có thể đọc được định nghĩa tình yêu chép trên thân thể một phụ nữ hư cấu? Làm sao chúa Jésus lại tái thế ở Đông Khê để cứu chuộc binh đoàn tác chiến Le Page và Charton đang sa lầy ở đèo Lũng Phài? Làm sao Henri Rivière và Françis Garnier đã bị chém chết ở Ô Cầu Giấy lại hiện về chỉ huy tiểu đoàn trận vong hay vì sao các sĩ quan Pháp đều là người chết? Đặc biệt xuất hiện trong truyện cả những nhân vật lịch sử như cậu bé Lê Quý Đôn, thảo khấu Lưu Vĩnh Phúc, thống chế Ney của thời Nã Phá Luân hiện về làm tư lệnh đặc khu Cao Bằng-Lạng Sơn... Trần Vũ còn giải thích vì sao cố đạo Đắc Lộ đã ký âm tiếng An Nam nhằm giúp dân An Nam có thể lưu trữ ký ức qua văn bản mà chấm dứt học thuộc lòng chữ Hán.
Giáo Sĩ gần như một siêu thị mà món hàng văn chương nào cũng có, và tuy người đọc biết rằng không có thật, vẫn say mê theo dõi tình tiết, diễn biến. Chính không khí đặc biệt đi liền với mạch văn đậm đặc và trí tưởng tượng kỳ lạ của tác giả đã tạo ra giá trị của Giáo sĩ.
Tìm ra được một chủ đề khác thường để phản ảnh đã khó, đem tất cả những nội dung ấy đan thành một truyện vừa cực kỳ hỗn tạp mà vẫn liền lạc, nhất quán, xuyên suốt có tư tưởng và nhân sinh quan rõ rệt phải là một sự dày công suy nghĩ. Thế nhưng, làm thế nào để lôi cuốn người đọc vào tác phẩm của mình, bằng lối diễn đạt khác lạ, hấp dẫn lại là điều khó hơn. Vậy mà, Trần Vũ đã làm được tất cả những điều ấy một cách nghệ thuật. Giáo sĩ xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc tiêu biểu của văn chương hiện thực huyền ảo Việt Nam.
Một lần nữa, Trần Vũ ở hải ngoại đã cùng với Cung Tích Biền (Dị Mộng), Nguyễn Huy Thiệp (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết), Phạm Thị Hoài (Thiên sứ, Người đoán mộng giỏi nhất thế gian), Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế) tạo thêm kinh ngạc cho người đọc về mặt tiếp nhận tác phẩm, chính những tác phẩm này góp phần làm thay đổi cách đọc truyền thống của người Việt trước những đề tài và bút pháp lạ lẫm.
Bao giờ cũng vậy, trái ngược nào cũng gây nhiều phản ứng. Chính những nhà văn tài năng này đã góp phần hình thành nên một cách tiếp nhận mới trong tiến trình tiếp nhận văn học tại Việt Nam.
[Ban Mai giới thiệu]
Vừa bước vào buồng khách. Chương giật mình. Một người thiếu nữ đứng xây lưng ra phía ngoài, đang cắm những cánh hoa. Chương nghĩ thầm:
“Quái! Ai thế? Mà ta không có lọ, có bình thì cô ta cắm hoa vào đâu?”.
Người thiếu nữ vụt quay mặt lại, như đoán có ai nhìn mình. Chương ngạc nhiên kêu:
– Trời ơi! Cô...
– Thưa anh, cô Tuyết ạ.
Vừa nói, Tuyết vừa ngả đầu chào.
– Cô Tuyết?
– Vâng, cô Tuyết, người chịu ơn của anh.
– Sao cô lại đến đây?
Tuyết cười khanh khách:
– Sao em lại đến đây? Thì em đã thưa cùng anh rằng em đến tạ ơn anh... và hỏi thăm xem vết thương của anh đã khỏi chưa.
Chương đứng ngẩn người như mất linh hồn, đăm đăm nhìn Tuyết.
– Mời anh ngồi chơi.
Rồi nàng cười giòn như nắc nẻ và cất tiếng gọi:
– Vi! Pha nước.
Cái giọng khàn khàn của Tuyết làm cho Chương rùng mình. Thốt nhiên, chàng tưởng tới một cô danh ca trên màn chớp bóng nói, và truyện “nàng tiên xanh”, một truyện đã làm cho chàng căm tức khi chàng ở rạp chớp bóng về nhà.
Thấy Tuyết nhìn mình một cách tò mò, Chương hất hàm hỏi:
– Cô muốn cái gì?
[ Đời Mưa Gió, Khái Hưng và Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn, Nxb Đời Nay, trang 35 ]
Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm Thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc toả từ nhà thờ chính toà Cao Bằng. Thời kỳ đường thuộc địa số 4 chưa bị cắt, con đường hun hút treo vắt qua những triền núi thăm thẳm, các chuyến quân xa hãy còn tấp nập đổ những đám lính say rượu ầm ĩ xuống xóm nhà thổ, pháo đài đầy rẫy hiện tượng.
Mỗi khi Alexandre de Rhodes thăm các họ đạo, các ruộng mạ mới xanh mơn mởn bỗng dưng héo úa hoá ra cằn cỗi rồi đổ rạp xuống thành đống rạ cũ mốc như đã cháy khô từ bao kiếp nào. Các gốc sữa chai sần không thể trổ hoa và ngay đến con sông Hiểm nổi tiếng hung dữ, mặt nước bình thường cuộn siết xoáy nhận chìm biết bao bè gỗ cũng vụt trở nên lặng lờ thiu chảy. Nỗi buồn thống thiết trống vắng tình yêu ở cha cố lây lan đến khắp vạn vật, kể cả con người. Mỗi sáng chúa nhật rước lễ, trông thấy De Rhodes hiện hình trên bục giảng, các con chiên giáo xứ oà khóc vật vã tức tưởi như vừa trông thấy chính đấng Chirst đang chịu thương khó trên thập tự giá. Chứng trầm uất Thừa Sai phủ trùm lấp pháo đài đến mức những tháng sau cùng trước trận đánh đường biên giới, đại tá Antoine Marie Pierre Charton chỉ huy trung đoàn 3 Lê Dương và cố thống chế Ney tư lệnh Khu Biên thùy Đông Bắc phải nghiêm cấm các binh sĩ lui tới nhà thờ để tránh hội chứng cô buồn giáo sĩ. Ðó là thời kỳ Cao Bằng thác loạn với những trận làm tình thâu đêm của lính Lê Dương, những trận cười suốt sáng ở xóm thổ, những viên thuốc tẩy não vong bác sĩ Louis Pasteur phát cho các đứa bé mắc chứng cừu run chân, của bệnh viêm khứu giác Marốc không chịu nổi xú uế, của những cô gái Mèo khâu vá màn trinh vội vã và của cả những linh hồn sĩ quan da trắng thất lạc trong kế sách bình định của tổng chỉ huy Carpentier.
Vương cung thánh đường thị xã mang kiến trúc Y Pha Nho thời Phục Hưng pha lẫn kiến trúc nặng nề Áo Phổ. Thời đó, các xóm Lương đã gọi giáo đường là Lăng Cha Cả, ai cũng biết giáo sĩ De Rhodes chết từ lâu lắm, vong hồn chưa siêu thoát, còn đợi Ngày Phán xét Cuối cùng chưa xẩy đến, hãy còn quyến luyến Ðông Dương vùng đất ông đã đến truyền giáo và lập chữ viết bản xứ. Tất cả giáo dân kính trọng quyết định của toà thánh, cho phép vong giáo sĩ trở về cai quản địa hạt Cao Bằng, nhưng nhà thờ chính toà đã mục nát lắm. Ngoài mùi xú uế xông từ nỗi buồn chín thối ruột gan của cha cố, hình như không còn thứ gì tươi tốt. Từ những nhành huệ đã tàn rữa rụng chậm chạp, những trang kinh thánh đã hoá tro, các chân nến đã hết sáp nhưng vẫn tiếp tục cháy ngọn lửa leo lét mà không ai hiểu vì sao, đến các băng gỗ cũ mục mối mọt kê dưới chân tượng thánh Michel đã bắt đầu nổi ghẻ và tháp chuông thẳng đứng cao vút cũng chìm trong vũng mây xiêu đổ hoang tàn. Alexandre de Rhodes chui rúc trong nhà nguyện. Giáo sĩ mặc cảm với tất cả mọi đàn bà sinh sống trong pháo đài từ lúc nhận chân ông đã bị thượng đế tước mất chức năng đàn ông, từ lúc khám phá rặng sữa sau nhà thờ không bao giờ có thể đơm hoa trắng và vườn cà ông trồng đã ba trăm năm không thể cho trái. De Rhodes chỉ còn một nỗi đam mê cuối cùng duy nhất. Nỗi đam mê tiểu thuyết.
Hiếm ai biết những cuốn tiểu thuyết An Nam diễm tình dịch sang tiếng La Tinh và Bồ Ðào Nha bày bán ở hiệu sách Tôn Thọ Tường những tháng đầu năm 1950 do chính tay Alexandre de Rhodes chuyển ngữ. Giáo sĩ kinh hoảng khám phá thứ chữ ông ký âm ba thế kỷ trước đã trở nên lúc nhúc đông đúc thoát ra khỏi quy tắc văn phạm do chính ông thiết lập trong tự vị Việt-Bồ-La. Lúc sinh tiền, De Rhodes đã nhận ra mọi thứ biến hoá cấp kỳ ở An Nam. Lần chứng kiến cố Du tử đạo, De Rhodes đã để ý những khóm dứa trồng quanh pháp trường chỉ cao bằng đọt măng tây, đã lớn nhanh như thổi từ lúc đao phủ của Chúa Nguyễn hươi đao cho đến khi chặt thủ cấp cố Du, đã đơm trái chín vàng ngọt rụng xuống các gánh hàng rong xăm que bán cho khách đi xem hành quyết. Mãi về sau ông mới hiểu, khóm dứa nhờ thấm phân cố Du quá sợ hãi vãi đái mà lớn nhanh như vậy. De Rhodes cũng chứng kiến sắc tộc Kinh có khả năng học ngoại ngữ rất nhanh. Những ngày ở Ðàng Trong, khuyến khích các con chiên vừa mới theo đạo xưng tội, De Rhodes để ý các cô gái chỉ biết khai bằng tiếng Khmer ông không sao hiểu, nhưng cũng các cô gái đó, khi lập gia đình đến nhờ ông làm phép Giao, đã nói lưu loát tiếng Trung Hoa và khi De Rhodes rửa tội cho đứa con đầu lòng, các cô dâu trẻ đã biết nói merci và xin pourboire. Thời kỳ trông coi giáo phận Cao Bằng, De Rhodes quyết tâm dành hết thời gian khám phá những bí ẩn trong con người An Nam. Ông không còn ăn bổng lộc của hội Thừa Sai và có đủ thời gian cần thiết cho đến ngày chúa sống lại. De Rhodes tin bí mật sắc tộc Kinh chỉ có thể phô diễn và lưu lại qua chữ viết. Ông bắt đầu lùng sục những chợ sách, nhưng rất nhanh De Rhodes ngạc nhiên thấy tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh in hệt tiểu thuyết Pháp, tiểu thuyết Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Trọng Quản không khác mấy thời ông viết Phép Giảng Tám Ngày và tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng châm biếm nhức nhối ông không sao hiểu hết. Giáo sĩ bắt đầu tuyệt vọng, ông ợ hơi thum thủm và nỗi buồn chín thối ruột gan càng lúc càng nồng nặc thối hoăng khắp vùng. Các họ đạo xa lánh dần nhà thờ, mỗi lúc làm lễ De Rhodes phải giảng kinh Sám Hối ven sông Bằng Giang để gió xua bớt mùi thối. Giáo đường mỗi lúc một hoang vắng, ngay cả dì phước Louise Marie de Bourbon, nữ tu không còn chức năng đàn bà, cũng không dám thường xuyên đến chăm sóc cha cố, chỉ liên lạc với cố đạo qua thư tín. Tấm áo chùng gai của Alexandre de Rhodes không còn được dì Louise giặt giũ, mỗi lúc một cũ nát, bẩn thỉu và chảy nước vàng của chứng thối ruột. Nhà thờ chính toà trở nên thê lương, mối ăn ruỗng các cột quân và vòm mái đìu hiu leo lét tim đèn không còn dầu. Các xóm đạo chung quanh đã phải dọn đi vì sợ giáo đường sụp đổ bất cứ lúc nào. Cho đến ngày vong cố Du Paul Marchand ghé thăm, thâm tạ De Rhodes đã tiễn đưa ra pháp trường Thọ Ðức lúc lâm chung, đã mách chỉ cho giáo sĩ thư viện to lớn cổ xưa của nhà thờ xây chìm sâu trong một căn hầm đá, lúc đó, Alexandre de Rhodes mới khám phá ra Tự Lực Văn Ðoàn.
Alexandre Lucien Abel de Rhodes đọc miên man những cuốn tiểu thuyết diễm tình. Giáo sĩ không ra khỏi hầm đá, ăn uống tiêu tiểu ngay bên cạnh giá sách Tự Lực. Thậm chí ông không có thì giờ vén áo chùng mỗi khi đại tiện. De Rhodes đọc đi đọc lại những cuốn tiểu thuyết, đọc hết chương này sang chương khác, đọc hết cuốn này sang cuốn khác, ông vừa tra tự vị mỗi khi gặp những chữ mới không do ông ký âm, vừa phiên dịch sang tử ngữ La Tinh và tiếng Bồ Ðào Nha, ông bắt gặp trở lại niềm đam mê cuồng nhiệt nồng thắm ngôn ngữ thời trẻ, và càng đọc De Rhodes càng cảm văn phong trong sáng rất gần gũi Tây Phương vừa đầy tâm lý ý nhị An Nam. Giáo sĩ dịch bốn cuốn Bướm Trắng, Ðôi Bạn, Anh Phải Sống và Gánh Hàng Hoa gởi cho các nhà xuất bản Âu Châu nhưng ông chỉ nhận được những hồi âm thờ ơ của nhà Pléïade cho biết thị trường tiểu thuyết Ðông Dương không chạy, nhà xuất bản Plon trả lời thẳng truyện dài An Nam còn quá phôi thai chỉ sao chép lại tiểu thuyết Pháp, và nhà Flammarion chê bản dịch chưa chuẩn. Nhưng giáo sĩ không nản chí, ông gởi bán ở hiệu sách Tôn Thọ Tường bên hông Pharmacie de Garde thị xã. Thỉnh thoảng De Rhodes cũng nhận được thư độc giả của các sĩ quan trung đoàn 3 phê bình này nọ. Thư của cố hải quân thiếu tá Henri Rivière khen ngợi văn rất mạch lạc, gẫy gọn, khúc chiết, chỉ ít scène gây cấn. Thư của cố hải quân đại úy Francis Garnier nhận xét nếu thêm chút dâm dục, da diết, dữ dội và loạn luân sẽ lôi cuống hơn. Thư dì phước Louise thích đặt biệt truyện Vợ Chồng A Phủ của Tô Hoài hơn hết… Các thư độc giả khiến De Rhodes càng hăng say mê mẩn, ông đọc Ðời Mưa Gió như sống một mối tình thật sự. Lần đầu tiên giáo sĩ khám phá trong tiểu thuyết ghi chép những điều mà kinh thánh không hề nhắc đến. Ðời Mưa Gió ghi chép tất cả tâm trạng con người khi yêu mà De Rhodes chưa hề thấy trong Tân Ước, Cựu Ước. Ông si mê Ðời Mưa Gió đến quên đại tiện, quên lễ mifa, quên cả làm phép sức dầu ở nhà xác thị xã cho toán lính Marốc vừa tử trận. De Rhodes dịch mê man Ðời Mưa Gió, ông viết thoăn thoắt tựa như chữ đã nhập vào mình, tựa ông đã sống ở phố Quan Thánh nơi nhân vật Chương sinh sống, tựa đã trông thấy Tuyết uống champagne và khiêu vũ. De Rhodes viết đêm ngày, trăng lên trăng xuống ông không hay, mưa bão ông không hề biết, viết đến rách giấy, viết đến thủng bàn gỗ cẩm lai khiến ý văn tung toé, chảy lai láng trên mặt đất. Thậm chí bình mực đã cạn giáo sĩ vẫn tiếp tục chấm, tiếp tục viết đến lúc ngòi bút cùn vẹt, cán bút lụn dần rồi biến mất mà mực vẫn cứ tiếp tục trào ra chảy ở đầu ngón tay ông sưng đỏ như quả ớt.
Những năm Thánh chiến, ở Cao Bằng xuất hiện một hiện tượng kỳ quái, không liên quan đến giáo sĩ, mỗi cuối tháng ở nghĩa địa đất thánh Tây ùn lên một đám mây xám ẩm ướt lạnh lẽo phủ trùm khắp hai bờ sông Hiểm. Chính một trong những áng mây nặng chì u uất xám lạnh này đã len lỏi bay xuyên qua vách tường đá của căn hầm thư viện. Nhưng De Rhodes không trông thấy, ông vừa dịch đến câu chữ cuối, đóng bản thảo rồi lim dim mắt. Chưa bao giờ giáo sĩ hài lòng đến vậy suốt kiếp ma khắc khoải không lối thoát. Ông vừa hoàn tất công trình phiên dịch văn chương trác tuyệt, vừa cho các nhân vật tiểu thuyết Tự Lực một kiếp đời khác, trong một ngôn ngữ khác. De Rhodes nhắm mắt sung sướng, gương mặt ông phản chiếu trong mây nỗi hân hoan nhẹ nhàng của cậu bé Alexandre khi rước lễ thành niên lần đầu trong thành Goa. Ðã lâu lắm De Rhodes quên ngủ. Từ sau khi chết ba trăm năm, ông không còn phân định được tương lai, thực tại hay quá khứ. Nhưng buổi sáng đó, buổi sáng ngập mây xám trong tầng hầm vách đá của nhà thờ chính toà Cao Bằng, cha cố bất chợt nhớ đến thời trẻ đã có lần trông thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp, đội khăn vành trắng không rõ mặt nhưng ánh mắt đen tuyền lấp lánh nghịch ngợm và mái tóc đen bóng của đàn bà Bồ Ðào Nha đã để lại trong lòng cậu bé Alexandre nhiều luyến tiếc. Alexandre đã ước mơ được đi theo thiếu nữ, sau rước lễ, cùng sóng đôi rảo bước trên những con đường lát đá cổ xưa của bến cảng trông ra đại dương mênh mông xa vắng, cùng nắm tay trong các lối đi quanh co nhỏ hẹp giăng hoa, treo cờ ngũ sắc và thắp đèn lồng của ngày kiệu Maria. Alexandre cảm giác anh đứng gần lắm thiếu nữ, gần có thể chạm được vào những đầu ngón tay thuôn mảnh dẻ nhú ra ở ống tay áo mỏng, gần đến mức có thể nghe được làn da cô gái đang hô hấp, gần sát đến nỗi anh trông rõ hàng mày đen tinh nghịch đang nhíu cong trông đợi. Alexandre nghĩ anh đang đứng cạnh đức mẹ Maria thời còn con gái. Cả hai chờ đợi nhau lâu lắm, chờ đợi tiếng thở của mỗi người lên xuống trong lòng ngực tràn máu ấm. Thiếu nữ chỉ đợi anh mời lôi kéo vào điệu vũ rước đám đang tưng bừng trẩy hội, để ngã mình xoay trong vòng tay đưa đón của Alexandre điệu múa của sóng biển. Song vũ trụ bất động. Chiếc bánh thánh còn ngậm trong miệng khiến Alexandre không thể cất tiếng. Ðức hồng y Richelieu của hội đồng giáo phẩm tối cao toà thánh đã không ngừng răn đe: Các con chiên không được nhai nuốt bánh thánh, chỉ có quyền ngậm cho đến khi mình thánh Chúa hoá thân thành xương thịt của mỗi con chiên, nếu không lửa thiêng sẽ đổ xuống trái đất đời đời. Alexandre nhắm mắt, nước mắt anh chảy ra vì đau đớn, cho nỗi đau bẩm sinh tật nguyền của một thiếu niên mười bốn. Ðến khi chiếc bánh thánh tan di, Alexandre mở mắt, cô gái đã biến mất. Alexandre còn trở lại giáo đường nhiều lần nữa với hy vọng gặp lại thiếu nữ, anh đã trở lại nhiều lần đến nỗi thuộc lòng hết bốn ngàn bản thánh ca, thuộc lòng tất cả những bài giảng của các linh mục, thuộc lòng toàn bộ kinh thánh và trở thành cha xứ Dòng Tên lúc nào anh cũng không hay. Alexandre trông coi nhà thờ Goa trong nhiều năm, với hy vọng gặp lại thiếu nữ có đôi mắt đen láy đầy khát khao sự sống, đến lúc gần tuyệt vọng, anh được tin người đàn bà đã kết hôn và theo chồng đi khai trí Châu Á. Cha xứ De Rhodes dấn thân vào hành trình truyền giáo Phương Ðông kể từ lúc đó, nhưng mãi mãi, giáo sĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại người đàn bà của thành Goa.
Buổi sáng đó, buổi sáng có những khúc lụa bay chậm rãi trong giấc ngủ thiu thiu, De Rhodes có cảm giác một làn sương sớm tinh khiết thơm cây trái đang phả suốt hầm. Hương hoa mỗi lúc một toả ngát đậm đặc lấn át dần mùi xú uế. Cha cố tỉnh ngủ hẳn. Ông nhìn trân trối đoá hồng đỏ gắt đang mọc nhú từ từ, trổ từ bức tường lâu năm ám khói, thứ hồng đỏ gắt rực rỡ Nhật Tân mà có lần De Rhodes đã trông thấy ở xứ bảo hộ Bắc kỳ. Cha cố kinh ngạc không hiểu vì sao khóm hồng đỏ lịm đã có thể đâm xuyên thủng trần hầm thư viện. Nhưng rõ ràng các đài hoa đang nứt rạn vách đá. Trong một phút, ngôi huyệt cổ đơm chi chít mẫu đơn, glaïeul và hồng tía, tựa nhà thờ sắp có lễ Giao. De Rhodes lấy tay phủi mây để nhìn cho rõ và ông chết cứng khi ấy, khi tay hãy còn nắm níu những cọng mây đang trôi lơ lửng.
Alexandre chết sững. Người đàn bà có đôi mắt thông minh của thành Goa đang ngồi trước mắt anh, chỉ cách một mặt bàn. Vẫn thiếu nữ nở nang khoẻ mạnh của đêm kiệu Maria, vẫn mái tóc đen loang loáng bóng tối loã xoã trước sống mũi tinh nghịch. Alexandre nghe hơi thở của thiếu nữ lên xuống trong lồng ngực đã qua tuổi dậy thì bung nở kiêu hãnh, nghe hơi thở hổn hển của chính anh, của vong hồn đã tắt thở ba trăm năm. Anh muốn hỏi, nhưng không sao cất tiếng. Muốn thốt lên nỗi nhớ mong da diết diệu vợi của một trăm ba mươi ngàn ngày xa cách nhưng anh chỉ có thể lắp bắp.
- Blời ơi !
Alexandre muốn nói anh đã tìm cô gái suốt từ bấy, từ đêm kiệu Maria chấm dứt anh đã hốt hoảng chạy suốt đêm trong thành Goa tìm kiếm, từ năm 1624 khi anh bước chân xuống những thương thuyền Bồ Ðào Nha vượt đại dương đi tìm chân lý của sự sống, từ những tháng ngày lang thang lếch thếch giảng kinh ở các xóm đạo Ấn Ðộ, Mã Lai, Ma Cao, Hồng Kông, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, đến đâu Alexandre cũng chỉ hỏi thăm một người đàn bà duy nhất, mong có ai thấy. Cho đến phút lâm chung trút hơi thở cuối cùng, trên giường bệnh trong thành Ba Tư, Alexandre vẫn hãy còn kêu tên người đàn bà mà anh chưa hề biết. Nhưng anh không tìm ra chữ. Không sao diễn tả thứ tình cảm vĩnh cửu nhân loại còn dai dẳng hơn cả sự sống hứa hẹn đời đời trên nước Chúa. Anh không thể thốt lên lời tỏ tình chưa ghi chép trong kinh thánh. Alexandre nhận ra miệng anh vẫn hãy còn ngậm chiếc bánh thánh ngày nào. Chiếc bánh thánh chưa bao giờ tan, chưa hề tan, chưa hoá thành máu thịt, còn ở nguyên trên lưỡi anh vị nhạt nhẽo của bột lúa mạch xây nhuyễn. Thiếu nữ cũng nhìn anh trừng trừng trân trối, cho đến khi cô gái chắp hai tay vái:
- Vâng em là Tuyết của Ðời Mưa Gió, của Nhất Linh và Khái Hưng trong Tự Lực Văn Ðoàn, người chịu ơn của anh !
Alexandre Lucien Abel de Rhodes chỉ kêu lên được hai chữ thảng thốt Blời ơi rồi ngất đi. Chữ Blời mà cách đây ba thế kỷ, giáo sĩ đã nhạy cảm hiểu trong ngôn ngữ bản xứ mang cùng một ý nghĩa Ðức Chúa Cha trong kinh thánh.
Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny là một trong những sĩ quan trẻ còn sống hiếm hoi của trung đoàn 3 Lê Dương. Khác với đồng đội, đa số đã quá cố nhưng vẫn tiếp tục hiện dịch, Bernard mang trên mình sức sống còn trinh nguyên của những bông lys trắng chưa héo úa. Viên trung úy trẻ mang vẻ đẹp cao sang quyền quý của những tử tước thời trung cổ, vừa vương giả, vừa tinh khiết của các cô dâu ngày cưới. Nét đẹp của Bernard de Lattre trong trắng đến mức quân phục của anh không bao giờ có thể lấm lem, ngay cả những khi viên trung úy lội sình bùn dẫn một trung đội đi phục kích ở làng Trà Linh, sát cạnh biên giới Trung Hoa. Suốt một đêm ngâm trong sình lỏng, hỗn chiến ác liệt lúc chạm súng, đám lính Lê Dương cáu bẩn bê bết máu, nhưng trung úy De Lattre thẳng thớm như vừa bước chân ra khỏi hiệu giặt ủi. Nhưng khác hẳn đại tướng Jean de Lattre, Bernard không đi tìm hào quang chiến thắng, không ước muốn chinh phục Ðông Dương, anh chỉ mang một khát vọng duy nhất, đơn sơ, thầm kín, tìm thấy tình yêu lứa đôi trong đời sống. Trung úy De Lattre là sĩ quan duy nhất không xuống xóm nhà thổ, anh tin vào thượng đế và giữ mình cho tình yêu lớn sau này. Nhưng đó là chuyện của một năm trước, khi đồn Phủ Thông Hóa chưa thất thủ, khi đường thuộc địa số 3 chưa bị cắt. Thời gian Cao Bằng bắt đầu bị vây hãm, tựa tên khổng lồ bị chôn giữa rừng, chỉ còn nhô chiếc đầu cổ quái khổng lồ lên nhìn ngắm núi đá, hai tay, một níu Bắc Cạn đã bị chặt, một níu Lạng Sơn cố gắng vung chiếc chùy sắt đập lũ dơi đang hút máu, Bernard de Lattre chỉ còn là một thân xác tuyệt vọng sống đợi chết.
Buổi trưa khi đồn Phủ Thông Hoá thất thủ và mẹ bề trên Thérèse đã một trăm tuổi, đã mù loà của chủng viện Các Thánh Anh Hài bất chợt nằm ác mộng trông thấy đám giặc Cờ Ðen vây đốt tu viện, không biết ở đâu có tin đồn trung úy Bernard de Lattre sắp làm lễ cưới. Tin đồn rùm ben đến nỗi, đại tướng De Lattre khi ấy còn chỉ huy Đệ Nhất Lộ quân Sông Rhin, từ Âu Châu đã phải gởi thư khuyên nhủ con trai chọn hôn phối phải có phẩm hạnh, gốc gác. Tin đồn nhiều đến mức Bernard de Lattre cũng tin là anh sắp thành hôn khi thấy các trại lính kết hoa và câu lạc bộ sĩ quan trải khăn ăn trắng muốt. Trong pháo đài chỉ có một người đàn bà da trắng duy nhất, nữ tu Louise Marie de Bourbon, phẩm hạnh và xinh đẹp. Bernard đã đến hỏi Louise cho ra lẽ, có phải dì phước đã xin rút phép thông công, thôi ân cách để thành thân với anh? Mãi cho đến lúc hy sinh ngoài mặt trận, Bernard vẫn hãy còn hối tiếc đã hỏi câu hỏi quá ngu xuẩn, dì Louise bị xúc phạm tột độ đã đóng sầm cửa tu viện để không bao giờ còn tiếp anh. Thời gian Bắc Cạn triệt thoái, các đơn vị tiền phương của sư đoàn 308 tiến đến sát bờ sông Hiểm, trung úy De Lattre bất chợt khám phá anh không thể nào tìm ra tình yêu lứa đôi trong cuộc đời, vì một lý do duy nhất, anh không thể định nghĩa được tình yêu, do đó, không thể tổng hợp những tiêu chuẩn cần thiết tối thiểu để chọn ý trung nhân. Ý thức tình yêu không thể tìm thấy, rất khó hiện hữu, bỗng khiến Bernard hối tiếc anh chưa bao giờ xuống xóm thổ, chưa bao giờ ân ái với phụ nữ. Viên trung úy đi ngay xuống xóm yên hoa ven sông Hiểm, bất chấp những ổ phục kích đêm của Việt Minh, nhưng Bernard de Lattre khám phám thêm một điều kinh khủng, anh hoàn toàn bất lực, không có khả năng sinh lý, dù nhỏ nhoi, hiếm muộn.
Thời kỳ đó, ở Cao Bằng lại thêm tin đồn trung úy De Lattre, con trai tân tổng tư lệnh Quân đoàn Viễn chinh tương lai, sắp tử vong. Nhưng kỳ quặc, khác với tin đồn thất thiệt lễ cưới, do các sĩ quan Pháp chòng ghẹo chế riễu, chính dân bản xứ kháo nhau đám tang sắp đến của Bernard sẽ đi qua phố Chả Cá, bên hông nhà thờ chính toà. Tin đồn nghiêm chỉnh đến độ mỗi lần Bernard xuống phố, các sắc tộc thiểu số Nùng, Mông, Mán, cả người Kinh đều cúi đầu vái lạy anh như đi điếu. Viên trung úy bắt đầu thắc mắc, nỗi nghi ngờ tăng dần lên sau mỗi khi xin xăm, gieo quẻ ở các ngôi đền An Nam. Khác Francis Garnier, khác Henri Rivière, Bernard yêu thích đặc biệt kiến trúc gỗ Á Ðông. Anh lui tới thường xuyên các chùa chiền và khám phá tục bói toán An Nam. Thời kỳ đó, những ngôi chùa lớn nhất của Thăng Long đều có văn phòng đại diện tại Cao Bằng, Bernard đã viếng hết những văn phòng chùa cổ nổi tiếng nhất, đã đến chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quan Thánh, chùa Trấn Võ, Văn Miếu Quốc Tử Giám và lần nào lấy lá số tử vi, các thầy An Nam cũng đều quả quyết anh sẽ chết ở Ðồng Khê, một trăm thầy như một, nhất quyết anh sẽ chết ngày 30 tháng 5 năm 1950. Thậm chí có quẻ còn cho cả giờ chết, là giờ Thần Trùng khiến sau này anh sẽ bắt đi đại tướng Jean de Lattre de Tassigny, khi ông đang ở trên tột đỉnh vinh quang của danh vọng sau chiến thắng Vĩnh Yên. Ban đầu, Bernard đầy nghi hoặc, đã điện về phòng quân số của bộ tư lệnh Bắc Phần, đích thân tướng Alessandri đã trấn an, khuyên anh yên tâm sẽ không chết ở Ðồng Khê, vì tất cả các phúc trình báo cáo đều ghi rõ tìm thấy xác trung úy Bernard de Lattre tại Ninh Bình, trong trận bờ sông Ðáy, ngày 30 tháng 5-1951, đúng một năm sau đó. Suốt mấy tháng liền, Bernard rất hoang mang, anh không biết đâu là sự thật, đôi lúc tin vào quân sử, vào thực tế hiển nhiên, đại tướng De Lattre chưa sang Ðông Dương, chưa có trận Vĩnh Yên làm sao có trận Ninh Bình, và tổng chỉ huy đương nhiệm vẫn hãy còn là tướng Carpentier, nhưng tất cả các quẻ xin xăm ở đền An Nam đều mang cùng một thông điệp trái ngược rùng rợn: Ðồng Khê mạng vong lúc 9 giờ sáng.
Buổi trưa đến nhà thờ chính toà thị xã, để từ giã vong hồn cha cố, trung úy De Lattre đã xuống tinh thần lắm. Ðã mùng 9 tháng 4, chỉ còn đúng 7 tuần nữa là đúng ngày thần Trùng đến bắt người, mà De Lattre tin chắc anh có tên trong danh sách. Trung úy De Lattre cũng khám phá cơ thể anh đang biến dần thành xác chết, da mặt anh xanh tái, môi thâm và tròng mắt càng lúc càng trắng đục. Bernard cố đổ lỗi do anh mất ngủ, hút thuốc lá quá nhiều và sợ hãi, nhưng rõ ràng là da thịt anh đang chết đi từ từ, chết dần dần đến nỗi anh ăn uống không còn cảm thấy vị giác gì nữa, hai bàn tay lúc nào cũng lạnh ngắt như bàn tay xác chết. Bernard cũng bắt đầu có những dấu hiệu mắc hội chứng buồn thối ruột giáo sĩ. Thứ chứng bệnh chỉ xảy đến cho đàn ông không toại nguyện thân xác. Anh đã bắt đầu ợ hơi thum thủm và mỗi khi đánh rắm, mùi xú uế thối kinh dị. Bernard tin chắc anh sắp chết, không ai có thể cứu nỗi. Anh muốn đến viện Pasteur khám, nhưng trông thấy những đứa trẻ mắc chứng trừu run chân uống thuốc tẩy não, tuy hết bệnh, nhưng tròng mắt ngô nghê, đầu óc trống rỗng, cứ cười toét miệng khiến anh kinh hoảng. Những tuần lễ sau cùng, các quẻ xăm trở nên khẩn cấp, các tờ chú giải chỉ in đậm một chữ duy nhất, tử vong, nhấp nháy liên hồi như muốn báo nguy hiểm.
Buổi trưa đến chào cố đạo, viên trung úy trông thê thảm. Quần áo anh dơ bẩn, vấy ố, tựa vẻ đẹp trắng trong đã bị chứng thối ruột gan ăn nhấm. Bernard vừa nhận được lệnh thuyên chuyển đơn vị đi đóng đồn Ðồng Khê, nơi anh sắp chết. Trung úy De Lattre thấy rõ, anh đang bước dần đến định mệnh, không thể thoát, không thể tránh khỏi. Buổi trưa nắng gay gắt, nắng ran trên mái lô cốt của hàng rào phòng thủ, Bernard de Lattre trang bị rất nhiều vũ khí, ngoài súng colt chỉ huy, anh còn mang bazooka và mìn chống chiến xa, viên sĩ quan luôn sợ hãi chạm trán thần chết, bắt gặp thần Trùng ở mỗi góc phố. Bernard muốn chết trong danh dự, chiến đấu đến phút cuối cùng của đời binh nghiệp ngắn ngủi. Anh cũng không dám đi một mình, sợ thần chết kéo cả bầy. Cùng đi với anh có toán lính da đen lực lưỡng cầm trung liên nồi mở đường. Ðám lính đi qua những con ngõ im ỉm, tất cả mọi cửa sổ, cửa cái của các hiệu thương buôn đều đóng kín, cả những gánh hàng rong cũng vất lây lất, không kẻ mua, người bán, chỉ nổi những váng nước vối tím tái. Ðám lính đi qua lối đi ngoằn ngèo, giữa trưa im phắc, không tiếng động, không một chút âm thanh nào khác ngoài tiếng cựa mình của bụi. Tất cả phố xá đều mang dấu hiệu một lễ tang của những ngày sau hoả thiêu, một nhà mồ. Nhưng khác mọi khi, các gốc sữa phía sau nhà thờ xum xuê rậm rạp trổ hoa trắng khác thường, tiết ra mùi sữa bột Guigoz nhờn nhờn của khi vừa trộn nước sôi và vườn cà đã ba trăm năm chưa cho trái chen chúc, lúc nhúc những quả cà to bằng trái bí rợ nằm lổn ngổn trên đất. Bernard bỗng cảm thấy thấy sợ. Tất cả mọi thứ đều khác lạ, làm như có bàn tay vô hình lướt qua vạn vật. Chỉ có thể là thần Trùng.
- Ối anh đừng bắn ! Em lạy anh đừng bắn !
Thiếu nữ rên lên hốt hoảng lúc viên trung úy tông cửa. Bóng tối của giáo đường vỡ oà với ánh sáng ập vào nền đá như rải lửa. Dưới tượng Ðức Mẹ cũng đang hốt hoảng, Bernard chết sững. Cô gái chắp hai tay vái không ngớt.
- Ối anh đừng bắn ! Em là Tuyết của Ðời Mưa Gió, người chịu ơn của anh !
Mãi về sau, trung úy De Lattre vẫn hãy còn nhớ đã choáng váng, lảo đảo như trúng sét. Anh vừa trông thấy rõ rệt định nghĩa tình yêu bấy lâu tìm kiếm, chép đầy đủ trên thân thể cô gái không sót một hàng, một chữ nào. Bernard đánh rớt quả mìn chống chiến xa lúc đó, trong hồi tưởng anh hoàn toàn không nghe thấy tiếng chân hối hả của đám lính ngã bổ hứng quả mìn sợ bật kíp bung nổ. Cả tiếng hỏi nhốn nháo quát tháo và tiếng động gạt tung các tấm phên chắn trước phòng xưng tội lùng sục đặc công Việt Minh và tiếng cơ bẩm lên đạn lục soát một vòng những băng gỗ cầu nguyện của toán cận vệ. Anh nhớ đã rất ngạc nhiên vì những người lính không trông thấy cô gái, đang quỳ trước mặt anh van vái. Bernard nhớ rõ, thiếu nữ in hệt người đàn bà trong trí tưởng bấy lâu anh lùng kiếm, đôi mắt lá răm cuống quýt, mái tóc đen bóng tối, nước da ửng mật giữa trưa nóng, cô gái mang suốt thân thể những bí ẩn của tình yêu và điều kỳ lạ, anh đọc được hết tất cả những mật mã ghi chép tường tận trên da mặt cô gái, viết chi chít ở vành môi dầy và lan xuống đến hai vai, ở bắp tay thuôn nõn săn chắc, đầy ắp ở lồng ngực lên xuống chỉ bị che khuất bởi vạt áo lụa đang trải ra trước mắt. Bernard nhớ anh đã vật cô gái ra đất, xé toạc áo sống để nhìn cho rõ những nguyên lý thầm kín của tình yêu chép nắn nót trên hai bầu ngực, viết quanh rốn, xâm từng chữ ở hai đùi và chính giữa bụng thiếu nữ. Và kỳ diệu, mỗi khi đọc đến đâu, xác thân anh sống lại, hai bàn tay ấm dần, tròng mắt trong xanh và môi không còn thâm tím. Bernard đọc ngấu nghiến tất cả những chữ viết xoắn xít trên mình thiếu nữ, anh không thể nhớ đó là chữ La Tinh, An Nam hay Tây Ban Nha, chỉ nhớ anh có thể hiểu hết tất cả, những định nghĩa tình yêu đang chảy đột ngột tuôn vào người anh như sấm sét.
Cái chết đột ngột của trung úy Bernard de Lattre de Tassigny ngay sau đó, ở trận tổng công kích Ðồng Khê khiến không ai rõ chuyện gì đã xảy ra trong nhà thờ chính toà, nhưng những năm sau thánh chiến, đám lính da đen Sénégalais ít ỏi còn sống sót kể những câu chuyện lạ lùng. Buổi trưa vong giáo sĩ De Rhodes bay đi giảng kinh ở các bản làng Nùng, Thổ, trung úy De Lattre đến nhà thờ và hoá điên. Ðám lính da đen trông thấy ông vật lộn một mình với khoảng không, tuồng ông rơi vào trạng thái động kinh tâm thần, toán lính cận vệ ngỡ ông sắp sốt xuất huyết, vội vã chích huyết thanh, nhưng De Lattre đã giận dữ đuổi cổ tất cả ra khỏi nhà thờ. Ðứng ngoài cổng những người lính châu Phi nghe rõ viên trung úy thở hào hển, hối hả gục mặt xuống đất hôn như mưa lên nền đá hoa cương, đôi lúc đối thoại bí mật với một người đàn bà nào đó, có lúc gần như tỏ tình đắm đuối đến kiệt sức. Suốt buổi chiều Bernard de Lattre ở trong nhà thờ, cho đến khi bước ra, gương mặt ông mang nỗi si mê kỳ dị. De Lattre vứt bỏ vũ khí, cởi quần áo, nhảy xuống sông Bằng Giang bơi đến tận nguồn, mãi đến tối mịt ông mới bơi trở về, và chuyện lạ hiếm có, lần đầu tiên ông dẫn cả đơn vị xuống xóm thổ, đãi bia và thuê bao tất cả những cô gái điếm kinh nghiệm. Suốt đêm đó, cả thị xã không ai ngủ được vì tiếng rên la thoả mãn không đứt quãng của các cô gái nối tiếp nhau thay phiên làm tình không ngơi nghỉ với viên trung úy. Tiếng kêu la khoái lạc vọng đến sáng và rất đông đã có thai sau đó. Nhiều năm sau chiến tranh vẫn còn nhiều cô gái giắt con đến đại sứ quán Pháp ở phố Lý Quốc Sư, xin mang họ De Lattre, xin nhập tịch và lãnh trợ cấp trong lúc chờ đợi định cư ở mẫu quốc.
Tin trung úy De Lattre tìm thấy định nghĩa tình yêu loan rất nhanh, trở thành hiện tượng trong những ngày trước trận đánh thảm khốc đường biên giới. Ai gặp De Lattre cũng hỏi xin định nghĩa tình yêu nhưng viên trung úy bảo mật cho đến phút chót, cho đến khi lên quân xa dẫn đại đội đi đóng đồn Ðồng Khê. Câu chuyện của toán lính da đen chấm dứt ở đó. Những kẻ tò mò muốn biết bí mật của nhà thờ chỉ nghe kể, khi tiểu đoàn thủy binh từ bờ sông Ðáy được lệnh bằng mọi giá tái chiếm núi đá vôi Ninh Bình, trung đội khinh binh đi đầu đã tìm thấy xác Bernard de Lattre hãy còn tươi nguyên, còn giữ nguyên trong tròng mắt chưa khép những hàng chữ viết li ti chi chít một thứ ngôn ngữ kỳ dị nào đó mà không ai có thể hiểu. Ðó là thời lính Lê Dương ưa hát những bản nhạc của quỷ:
Louise Marie où vas tu dans le monde ?
Je vais où vont les soldats
Louise Marie qui aimes tu ?
J'aime celui qui va mourrir
et le diable en rit, Ha, Ha, Ha, Ha
Cũng là thời Tuyết dứt khoát thôi ăn ở với Chương trong Ðời Mưa Gió.
Défunts 02/ 11/ 2002
Lễ Người Chết Công Giáo
Xem tiếp phần 2
(*) Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny, trưởng đồn Yên Cư Hạ, thuộc trung đoàn 1 Bộ chiến Thuộc địa Bắc kỳ [1er Régiment de Chasseurs Coloniaux du Tonkin], con trai đại tướng tổng tư lệnh quân đoàn viễn chinh Đông Dương Jean de Lattre de Tassigny. Hình chụp vài tháng trước khi Bernard de Lattre tử trận tại Ninh Bình ngày 31 tháng 5-1951.