1
Ông Tam đi họp về với chiếc cặp trống không. Chừng mươi con cào cào con đựng trong chiếc lon sữa bò. Chiếc long được bịt kín có chừa lỗ thông hơi to bằng đầu ngón tay út - nhờ một tờ giấy pelure và sợi dây thụ rịt gần nơi miệng lon. Những con vật quen bay nhảy chốc chốc lại nhao lên. Chúng búng quẫy vào thành lon, truyền qua dàn da tay một thứ âm thanh là lạ, vừa đủ để ông Tam nhận biết bằng cảm giác. Người tài xế - vốn là chỗ cháu con cật ruột - dẫu thật lòng áy náy, vẫn không thể làm khác hơn việc phải cho xe đậu ngoài đại lộ. Từ đây, muốn vào được căn phòng của mình, ông Tam phải đi bộ thêm một khoảng ngắn chừng hơn tám mươi mét, trên một con đường nhỏ, rộng vừa đủ cho hai chiếc xe đạp đi cùng chiều lách với nhau, qua mặt. Trên mình ông, bộ quần áo đã mờ nước ủi. Ông bước khó nhọc, lầm lũi trong cái dáng hơi khọm như thể ông đang muốn kiểm tra lại từng bước đi của chính mình. Một nửa lưng áo, chắc là do sự cọ xát hơi tùy tiện vào thành ghế trong lúc ông mệt còn để lại những vết nhăn và sự cáu bẩn. Phần lai áo và nửa vạt dưới được ông tháo ra khỏi thắt lưng hồi xuống xe, nhưng không tụt ra hết, còn vướng lại một phần ở phía sau, làm cho tướng đi của ông giữa cơn đau dạ dày - trông thật đáng thương, mà cũng cảm thấy buồn cười như một con gà chọi bị khẩm đòn, xệ cánh, đang muốn "ne" về phía hậu trường.
Mặt trời đang ở đỉnh đầu. Sức nắng chừng như muốn thiêu đốt mọi vật. Những tàng cây cao vẫn thường hay ngã bóng vào các buổi sớm, chiều, giờ đây ngoài việc chỉ đủ che cho chính bản thân nó, nó không còn khả năng che mắt từng khoảng trống đang hừng hực bởi sức nắng và sự phản xạ nhiệt từ phía mặt đường. Ông tam cố sửa lại tướng đi. Cái dáng - lúc bình thường hơi cao và tưởng được bề dẹp - đang bị cơn đau làm co quặp, nhiều lúc muốn khơi gợi với xung quanh sự mường tượng đến một chiếc quạt bằng mo cau bị người ta đem phơi nắng rồi rứt đi hai cánh chỉ để độc cái chuôi cầm nối liền với phần thân còn lại thành một bản hơi cong, ngồ ngộ. Ông Tam vẫn lầm lũi, từng bước đi, vì cơn đau buộc phải chậm lại. Ông dẫm qua những hạt sỏi, những chiếc lá khô nằm vãi trên mặt đường. Căn nhà số 191, với đầy đủ tiện nghi do Nhà nước cấp, ngày nào được ông xem là "lý tưởng", bỗng chốc trở thành chán chê, kể từ khi ông xác định nó không thuộc quyền sở hữu của ông. Sự buộc phải ngăn đôi: một nửa dành cho vợ chống ông, một nửa để hai người độc thân khác ở đã làm ông khó chịu. Hoài bảo về một căn nhà riêng, có để mà hãnh diện với mọi người, bấy giờ tự nó thành cái nhục mạ ông. Lâu rồi, ông cố bỏ quên, nhưng càng cố bỏ quên, nó lại thành món nợ, thành cục bò hòn để ông ngậm nhớ, có lẽ đến suốt đời. Giờ đây, giữa cơn đau, nó tạm vắng trong nồng độ của vị đắng ấy. Ông đang nghĩ tới hộp Quinocacbune và bị thuốc muối đang để ở nhà. Giá mà có nó bên cạnh chắc ông đỡ đau. Chỉ cần dốc một muỗng cà phê, đặt nó trên bàn tay, kề bên lý nước trà ấm, ông tợp một cái. Sự tỉnh táo sẽ vãn hôi. Và chắc rằng ông sẽ không phải lúng túng trước sự vây bủa của nhiều người như hôm nay. Lúc sáng, vì đi gấp, ông bỏ quên hai thứ thuốc trên bàn. Trưa nay về sớm, không biết bà Phận, trong lúc bực bội vì phải lo dọn dẹp có đổi chỗ nó đi đâu? Thiệt tình! Cái bụng của ông nó hành hạ ông. Từ sáng sớm tới giờ, ông có được hột cơm hột cháo gì đâu. Cả cái bán ngọt trong cuộc họp cũng không dám cầm. Họp Đảng, chớ phải họp cơ quan, họp ngành gì đâu mà tiệc nhỏ, tiệc to. Mà có tiệc nhỏ, tiệc to đi nữa thì ông cũng chẳng nhấm nháp được thứ gì, cao lắm cũng chỉ lua vài miếng cháo, nhai quấy quá vài ngọn tía tô rồi ngồi đó chứng giám cho thiên hạ ăn nhậu no say, để tới dịp phê bình kiểm điểm lại quay ra phản bác ông. Quỉ thiệt! Giậu sập bìm bìm leo. Thằng Mạnh. Chính cái thằng Mạnh ấy! Trước đây, mặc dù có nhiều ý kiến không đồng ý, ông đã lấy quyền thủ trưởng chọn và đặt nó thành người kế cận bên ông. Có Mạnh để khi có người phê bình chỉ trích ông về một việc gì đó, nó đứng ra chống chế, bênh vực ông. Không phải ông không nhận ra những nhược điểm của Mạnh ngay từ đầu. Giữa Mạnh và những người có tài đức hơn rõ là ông có cân phân. Nhưng ở thời điểm mới lên cầm Giám đốc ấy, ông dùng Mạnh quả có lợi cho ông nhiều hơn. Công việc vừa qua đúng là trôi chảy. Mặc dù sự trôi chảy nhiều lúc hơi giả tạo, rõ nhất là trên các ngoa bản, dùng để vừa lòng cấp trên. Ông có nhận thấy điều đó trong các lần đọc lại những báo cáo được ông giao cho Mạnh chấp bút. Ông hơi lấy làm lạ. Nhiều vấn đề tự dưng Mạnh muốn nhấn mạnh, có khi thổi phồng, cố làm cho quan trọng mà thực chất thì chẳng có gì là căn cơ. Nhìn qua thực tế, ông thấy việc mình làm được quá ít mà báo cáo thì nhiều, càng đọc kỹ báo cáo càng thấy mình làm được nhiều hơn. Nhưng ông còn phải đối đầu với hàng loạt báo cáo của nhiều cơ quan khác. Trước cấp trên, chác chắn họ sẽ đẩy ông vào hạng em út, nếu như ông không giữ nguyên được sự lưu loát ấy của Mạnh. Mặt khác, ông cũng phải nghĩ đến uy tín của ông. Từ lâu, người ta vẫn coi ông là Giám đốc tuyệt đối uy tín. Biết bao người đã từng khâm phục ông về tài "trên bảo, dưới nghe". Lạ riết thành quen. Chính điều đó làm ông đứng vững trên ghế Giám đốc từ hơn bảy năm nay. Đã nhiều lần ông nhận thấy Mạnh tỏ ra vâng dạ ông ỏ chỗ đông người, mặc dù sự vâng dạ ấy hơi hình thức và có vẻ "đầu môi". Song ở chừng mức, nó làm tăng thêm uy tín cho ông. Nó làm cho mọi người đặc biệt lưu ý đến ông. Không phải ông không nhìn ra cái mã "sớm đầu tối đánh" của Mạnh, khi có người bảo. Nhưng ông nghĩ khi ông đương quyền Giám đốc thì Mạnh chưa dám làm gì, ngoại trừ tới lúc ông về hưu, hoặc chuyển sang làm lãnh đạo ở một cơ quan khác. Thế mà lúc sáng nay, trong đợt tổng tự phê bình và phê bình của đảng viên lần này, chính nó đã khơi mào để mọi người tập trung đả kích ông. Nào là lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, không sâu sát. Nào là ích kỷ, hẹp hòi, có chiều thu vén cá nhân. Thử hỏi thằng nào sống mà không thu vén? Nào là tính hay bảo thủ, thích bao biện, ôm đồm những công việc không vừa với năng lực và sức khỏe của mình. Thay vì trước, cũng chính Mạnh một mực đề nghị ông ngồi lại chức Bí thư Đảng ủy, song song với chức Giám đốc đương nhiệm. Rồi cũng chính Mạnh đề nghị ông tham gia sinh hoạt Đảng ở Chi bộ của Xí nghiệp 3 tháng 2; kiêm luôn việc phụ trách Đảng bộ bộ phận ở công ty dịch vụ để tăng cường sức lãnh đạo. Bây giờ gẫm lại, ông càng ngán ngẫm.
2
Căn nhà số 191 nằm ở đầu dãy trong cùng. Đó là một trong ba dãy lệch về hướng tây. Mới nhìn tưởng như biệt lập với mười hai dãy xây trước bởi một con lạch từ khu nội ô chảy qua - con lạch còn kéo dài ra đến tận rạch Ba Ngả. Vào trong, cảm giác biệt lập mất đi, có lẽ nhờ chiếc cầu đúc bắc ngang con lạch và những đường dây điện kéo qua, kéo lại nhằng nhịt. Có điều hơi khác với mười hai dãy thuộc lô phía bên kia, ba dãy đứng bên này không có đường ô tô. Những người được cấp nhà trong ấy, dù là cán bộ có xe con vẫn phải đi bộ hoặc đi xe đạp trên một đường nội bộ từ đại lộ rẽ vào, tuy hẹp, nhưng được trải đá cẩn thận. Toàn khu, các dãy nhà tường quét vôi ẩn hiện dưới những tàng cây ăn trái. Đó là một khu vườn rộng hơn tám héc ta, trước kia thuộc quyền sơ hữu của một viên nghị sĩ dưới triều Thiệu đã trốn ra nước ngoài từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngôi biệt thự với nhiều chậu hoa và ao cá kiểng của hắn được giữa nguyên làm trung tâm liên lạc cho toàn khu. Những người xây dựng, thay vì phải đốn hết các loài cây trước khi san lắp mặt bằng đã biết chừa lại những cây không cần đốn. Những cây ấy, bây giờ ngoài chức phận cho hoa trái và điều tiết nhiệt độ môi trường còn là vật trang điểm cho toàn khu và có thể thay thế dài hạn sự trống vắng của những con cá kiểng, những chậu hoa ở ngôi nhà trung tâm đã bị mất cắp gần hết. Ban đêm, khu vườn vang lên tiếng đàn, tiếng sáo. Ban ngày, ngoài tiếng ô tô vẳng từ đại lộ còn nghe thấy cả tiếng chim. Những con chim bắt sâu nhỏ xíu, chuyền thật nhanh trong các chúm lá kêu "choạch", "choạch". Những con chim chìa vôi có dáng đẹp như cô học trò đến lớp, thường hay là lượn qua những khoảng sân trống. Thỉnh thoảng nó đậu lại trên những cành cây, có nơi chưa vượt khỏi đầu người, vẫy vẫy. Chim ở đây có nhiều loài, nhưng loài có tiếng hót được nhiều người yêu mến có lẽ là con chìa vôi. Tiếng con chìa voi thật trong trẻo, dễ thương, nhất là được nghe nó hót vào giữa lúc mình cố ngủ thêm. Trong trạng thái dở tỉnh dở mơ, tiếng của nó vọng vào tai khiến con người cứ tưởng mình được xoa vuốt bởi một bàn tay mềm dịu nào đó, còn để lại trên da thịt một cảm giác vừa sảng khoái, vừa đê mê, mà khi tỉnh hẳn cảm giác ấy không còn. Ông Tam là người đặc biệt ham thích tiếng con chìa vôi. Hồi nhỏ, ông đã từng thấy người ta nhốt con chìa vôi trong một chiếc lồng, cho nó ăn những con cào cào con. Ở đây có thông lệ, cứ mỗi sớm, thật sớm, thằng Nhã - con của Ba Kỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng đang ở phòng bên cạnh - ra đứng trước sân thổi sáo. Mỗi lần nó thổi, con chìa vôi không biết từ đâu bay tới lượn vòng. Con chim lượn theo tiếng sáo một hồi, rồi đậu lại, thường là trên cành cây khế, hót thật vui. Những lúc ấy, ông Tam nghĩ: bằng cách nào bắt cho được nó đem vào phòng riêng của mình. Ông bỏ ra một khoản tiền mua toàn sợi cước. Thuê người đan xong đụm lưới, ông cho lưới vào một cái gọng sắt, có tra cán dài, dựng trong phòng. Bà Phận thu xếp đồ đạc nhìn thấy. Bà chọc tức chồng:
- Ông làm như dễ lắm. Người ở dưới đất. Vật ở trên trời. Đuổi bắt nhau cách nào được?
Ông Tam cười, chống chữa:
- Mặc kệ vậy! May rủi biết đâu hờ. Không bắt được chim cũng còn cái để tụi nhỏ hái xoài, hái mận, chẳng phí đâu.
Nói vậy, nhưng ông Tam cũng không hiểu hết mình. Hình như trong phút nông nổi, sự ham muốn đã dẫn ông tới quyết định táo bạo này. Ông nghĩ, trong cảnh chập choạng của bình minh, con chìa vôi hơi đặc biệt mê tiếng hót nhại và tiếng sáo sẽ không để ý đến chiếc vợt của ông. Ông sẽ bất thình lình vung chiếc vợt lên thật nhanh, chặn ngay trước mũi nó, rồi nhanh chóng ụp miệng vợt xuống đất. Con chim chỉ còn biết vùng vẫy. Và thế là... Nhưng chưa cần đến việc thể nghiệm những thao tác mà bà Phận cho là lẩm cẩm, cả tin của ông, ông tam đã tóm gọn cả tổ, một mẹ và hai chú chim con vào một đêm tối trời. Việc đó có thể tính từ ban chiều, sau hồi ông dùng cuốc xới một đụn đất ngay dưới chân đống rác để tìm mồi cho vịt. Đang lúc vào nhà rửa tay, ngoái nhìn lại, tình cờ ông phát hiện con chìa vôi sà xuống chỗ đất vừa xới. Nó gắp một đoạn trùng (1), không chịu nuốt, bay đi. Chim tha mồi! Ông thầm kêu. Hình ảnh ấy xốc dậy trong tìm thức ông số phận những con vật sắp lọt đến tay người. Kinh nghiệm sống cho ông hiểu: chim tha mồi hẳn là chim đang có con. Con của nó phải trong độ tuổi từ mới nở cho tới lúc gần đủ lông. Con càng nhỏ, mẹ càng yêu. Càng yêu con, chim mẹ càng liều lĩnh, không chịu rời tổ, không sợ đến sự giết chóc của con người. Thế là cuộc săn đuổi bắt đầu. Một mình, một bóng, ông Tam thập thò trong các lùm cây, để ý từng chuyến bay đi, bay về của con vật. Đến chạng dạng thì cuộc săn đuổi tới đích. Ông Tam phát hiện ra cái tổ nhỏ xíu của nó nằm ngay trên đầu ruỗng của một than cây, giữa bụi duối, bên ngoài lá xanh che kín. Ông nhờ một thằng bé trèo cây giỏi cùng rình với ông và đổi công nó bằng một chiếc gìan thun. Thằng bé cùng ông đợi đến đêm. Bóng tối làm con vật không kịp nhận ra những cử động của hai người.
Ba con chìa vôi. Một chim mẹ và hai chú chim con. Trong lúc chờ đợi một chiếc lồng rộng rãi và đẹp đẽ, ông Tam tạm đưa chúng vào trong chiếc lồng rộng rãi và đẹp đẽ, ông Tam tạm đưa chúng vào trong chiếc giỏ xách. Đó là chiếc giỏ xách bằng nhựa, màu xanh lơ, bà Phận vẫn dùng đi chợ. Thành giỏ với những lỗ sợi dây du rịt lại. Ba con chìa voi được dời chỗ từ khi ông Tam mua được chiếc lồng bằng gỗ, có chạm trổ và quét một lớp sơn vàng, thật bóng. Ông treo chiếc lồng ngang tầm với hai giò phong lan. Khách vào nhà, dù thích hay khong đều buộc phải nhìn thấy chúng. Dầu vây, chiếc lồng mới không làm cho ba con chìa vôi vui. Hình như chúng đang nhìn rõ một thực tại là đường bay xa của chúng đang bị nhốt trong một chiếc lồng. Hai con chìa vôi con sống được hơn một tuần. Con thứ nhất chết vào giữa buổi sáng. Con thứ hai chết trước lúc ông đi làm về. Hai cái móc thời gian cách nhau không xa mấy, vừa đủ để ông nhận biết chúng cùng chết trong ngày thứ tám, kể từ khi ông bắt chúng vào lồng. Ông Tam khều xác hai con vật từ đáy lồng ra. Ông ngồi nhìn chúng một hồi và nghĩ rằng: bây giờ nếu chịu khó nhổ lông, đặt chúng vào cái dĩ sắt trên bếp lò, ắt cũng còn được cho Bé Thủy - cháu ngoại ông - hai miếng thịt.
Con chim mẹ còn lại trong chiếc lồng. Nó không ăn mà cũng không hót. Hằng giờ, nó đứng lặng yên, buồn bã trong bộ lông không còn lấy một lớp dầu. Lâu lám, nó mới kêu được một tiếng khô khàn và thất vọng, rồi rụt đầu vào cánh. Mỗi lần cho ăn, ông Tam buộc phải bắt nó ra ngoài. Ông dùng hai ngón tay mở thật rộng cái miệng nó, ngắt một chú cào cào nhét sâu vào tận cổ, xong bóp chặt hai cái mỏ của nó lại. Con chìa vôi hơi ưỡn cổ lên, và có lẽ không còn cách nào khác hơn, nó nuốt. Nhưng rồi sau mỗi lần ăn, nó lại buồn. Ông có nối buồn riêng của ông, khắc hơn con chim. Khi hai con chìa vôi con chết, ông hy vọng còn con chim mẹ. Ông nghĩ rằng khi con vật được nhốt nhiều năm tự nó phải biết an phận trong chiếc lồng. Lâu mau gì nó cũng sẽ hót. Một ngày nào đó, nó sẽ hót. Tiếng hót của nó sẽ làm cho Bé Thủy vui. Và, ít nhất giữa cái tuổi sắp về chiều, ông cũng còn được sống lại một thời trẻ thơ, mà trước đây, có thể do một sự phát triển không bình thường nào đó về mặt sinh lý, ông không kịp thụ hưởng. Bây giờ nó trỗi dậy trong ông một sự nuối tiếc.
Ông Tam là người thích làm đẹp. Trong những năm gần đây, ngoài những thứ đồ dùng trang trí bằng đồng thau, đất nung, pha lê đặt cố định trong nhà còn có thêm những bức phù điêu, tranh sơn mãi, lịch có phong cảnh đẹp và hình cô gái đẹp do nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh tặng cho ngành, ông bê về đặt ở phòng mình. Bên cạnh những thứ đồ chơi tỉnh ấy, con chìa vôi là một bức tranh sống, nó được tiếng nói. Ông nghĩ, rồi đây, trong những ngày về hưu, nó là vật kế cận bên ông. Tiếng hót của nó sẽ làm cho ông vơi bớt bấy nhiêu trằn trọc về những lỗi lầm mà trong những ngày đương chức ông không dám nhìn nhận. Ông sẽ còn cho con chìa vôi ăn ớt. Không biết nó có giống loài chim sáo không? Ông sẽ để nó tự lột lưỡi, may ra, có thể dạy nó nói lơ lớ tiếng của con người. Ông sẽ còn được hãnh diện với đồng liêu hoặc ít nhất với vài đứa trẻ con lân cận về tài nuôi dạy một loài chim của mình. Ông chờ đợi tiếng hót của nó. Thế mà nó cứ lặng thinh. Ông lo buồn. Biết đâu đến một ngày không xa nữa con chìa vôi mẹ cũng chết theo chim con. Đến như vậy thì chắc ông không còn hy vọng gì. Ông liền nẩy ra sáng kiến cho con chìa vôi đi "du lịch". Hằng ngày sau những buổi làm chiều, về sớm, ông treo chiếc lồng trên ghi đông xe đạp, đưa con chìa vôi ra ngoại ô, những nơi có đồng lúa hoặc cảnh vật quang đãng. Có người khen: nhiều năm rồi, bây giờ mới thấy ông Tam ngồi trên xe đạp. Còn lũ trẻ chạy theo ông là để chúng dòm con chim cho đã mắt. Một lần đi dự hội nghị, do bộ chủ trì để triển khai nghị quyết ngành cho các tỉnh phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, ông chở nó theo. Giữa giờ giải lao, nhiều người, nhất là những người có tuổi xúm lại xem. Có người biểu lộ sự ham thích giống như ông Tam. Nhưng cũng có người chẳng hề để tâm, hoặc có để tâm thì chỉ trong chóng vánh, khi con vật còn ở gần. Lúc đưa nó đi xa, không thấy để lại trên nét mặt họ một sự luyến tiếc, hoặc để từ đó nảy ra ý định gì. Có lẽ họ vẫn xem việc ông Tam làm như một phù phiếm, lập dị.
Đang lúc bàn tụng, có một người tài xế còn khá trẻ đứng cách ông một khoảng. Nom anh ta nhỏ hơn ông chừng một con giáp. Anh này có đôi ria mép thật rậm, chân mày thẳng ngang, toàn khuôn mặt toát lên vẻ tự tin và, lúc nào như cũng sẵn sàng nhìn xoáy sâu vào bên trong để hiểu rõ người khác và hiểu mình. Anh hất hàm hỏi một tài xế khác, người to mập hơn:
- Tôi đố ông, giữa con chim và chủ nó, ai là kẻ mất tự do?
- Chắc hẳn là con chim - Người to mập trả lời.
- Rất tiếc. Ông nhầm. Chính chủ nó. Thật đấy - Anh ta nhấn mạnh - Ông thử nhìn xem: Sau những buổi làm việc, mọi người đều đi dạo chơi hoặc đánh một giấc (nếu là buổi trưa), hoặc có thể nghiên cứu nghiền ngẫm tài liệu để khi trở vào thảo luận sâu hơn. Còn đích thân ông ta? Phải ra tận các bãi có người công viên bắt châu chấu, cào cào. Mà châu cháu cào cào ở giữa thành phố thì có được mấy con. Ông thấy chưa. Xét cho cùng thì khi sống, cả con vật và con người đều cần được tự do. Phá bỏ qui luật đó, cả hai đều trở thành nô lệ, một đàng tự giác, còn một đàng không tự giác. Từ đó mới thấy rằng: Khi con người ta ham muốn chiếm đoạt một cái gì thì trước tiên họ chính là người nô lệ của sự chiếm đoạt đó - Anh ta nói một mạch, cười đắc ý rồi bỏ đi.
Ông Tam nghe được những lời ấy qua lời kể của người tài xế trên đoạn đường về. Hơi nổi nóng. Nhưng dù sao thì người nói đã không nói giáp mặt ông. Hơn hết thảy - ong nghĩ - bây giờ ông đang cầm trong tay một con chim và một chiếc lòng. Ông làm chủ nó và có quyền bắt nó phải phục vụ yêu cầu của ông. Điều đó có gì là trái với qui luật? Ông tin vào một ngày nào đó, khi an phận trong chiếc lồng, con chim sẽ giành cho ông tiếng hót.
3
Bà Phận trong cơn tức giận đến tái mặt vì việc thằng Nhã tự dung thả bỗng con chìa vôi, vẫn phải cố dằn. Từng thớ thịt trên mặt bà rùn lên. Bà nghĩ: gì gì đi nữa thì một thằng con nít mới mười lăm, mười sáu tuổi không được làm ngang như vậy. Ít ra nó cũng phải biết tôn trọng ông Tam - một người hơn tuổi cha nó. Của ông thì để cho ông. Mắc mớ chi nó lại thả đi? Thiệt, chuyện bằng trời. Thằng Nhã nó hại chi mà hại. Ông về, biết được ông sẽ chửu lớn cho mà xem. Ôi, sao mà... Mọi việc, không khéo rồi đây sẽ hỏng hết. Bà Phận vừa nghĩ vừa đi quanh quẩn trong căn phòng sạch gọn mà chừng hơn mươi phút trước đây nó vẫn còn bề bộn bởi những thứ đồ chơi người lớn. Chẳng hạn như chiếc gạt tàn có hình con sư tử vẫn thường đặt sát bên cái điéu cày bằng tre, khéo lắp đặt, mỗi lần hút luôn phát ra những âm thanh giống tiếng kêu của một loài chim: diêm quẹt hết lửa; bao thuốc lá để không; thuốc đau dạ dày; và còn nữa, hàng lô những thứ đại loại như sách báo không có thì giờ đọc, để vãi.
Thật tình thì bà Phận chẳng có thú vui được chăm sóc con chim như ông Tam. Nhiều lần giữa cơn bực dọc vì phải tẩy quét các thứ bậy bạ của nó ngày phía dưới chiếc lông, bà cứ nghĩ bà giống như một đưa ở của ông. Bây giờ, việc đó quên đi, bà cảm thấy việc thằng Nhã tự thả con chìa vôi là xúc phạm đến bà và ông Tam, xúc phạm đến người lớn.
Nồi cơm được bà bắc lên bếp từ lúc nãy bắt đầu sôi. Tiếng sôi kéo bà trở lại với động tác giở nắp vung, cầm hờ chiếc vá trên tay. Lừa vớt từng mớ bọt, cố không để cho những hạt gạo trắng bị nước đẩy nhảy vào, bà cảm thấy nguôi giận. Việc gì cũng phải khéo.
Bà thầm nghĩ và tự khen về tài biết xoay xở của mình, mà ở ông Tam thì không thể nào có được. Ngay như căn nhà này hồi trước cũng vậy. Ông và bà đang ở trong căn phòng lót gạch hoa, nằm bên cạnh phòng làm việc của đồng chí trưởng ty (bây giờ là sở). Lúc đó, ông Tam mới trưởng phòng. Cả ông bà đều mơ có một căn nhà riêng. Giữa lúc đó trên "Nhà đất" định phân về cho đơn vị ông một căn nhà rộng ngoài sáu mươi mét vuông. Xem lại đơn vị mình thấy có cô Thùy, con mọn, chồng công tác ngoài biên giới, hai mẹ con đang ở tạm một góc trong nhà kho, không có ánh sáng. Ai nấy đều thấy rằng căn nhà mới nên cấp cho cô Thùy là hợp lý. Nhưng ông Tam thì nghĩ khác hơn. Ông muốn mình đạng căn nhà, vì theo ông mặt nào nó khá hơn căn phòng của ông bà đang ở. Ông thấy rằng phải như vậy. Phải có cái gì làm thước đo để nhận biết ai trưởng phòng, ai nhân viên, cứ xô bồ, hóa ra cá mè một lứa. Hơn nữa, khi ông dời nhà ắt người ta phải đồn "ông Tam được cấp nhà". Điều đó có lợi cho uy tín ông nhiều. Bởi nhu cầu hưởng thụ vật chất lúc bấy giờ đang thành cái "mốt" xếp đặt trong cách nghĩ của nhiều người rằng: Tỉnh ủy viên được cấp nhà trước, kế đó mới trưởng ty, phó trưởng ty. Hạng trưởng phòng như ông, đang ở trong căn phòng sang như vậy, bây giờ được cấp nhà riêng ắt người ta phải nghĩ ông có nhiều cống hiến, hoặc ít ra cũng ngấp nghẽ phó trưởng ty gì đây. Ngặt một nỗi, ông Tam không thể nói hết những điều đó với mọi người. Không khéo người ta cho rằng "cực, nhân viên làm, sướng vui trưởng phòng hưởng", " cục muối cắn đôi", nhưng gặp cục đường thì lũm hết. Ông mong trong cuộc họp có người đề nghị cấp nhà cho ông. Ít nhất cũng có chỗ để ông lần. Nhưng ngồi cả buổi dài không thấy ai nói được điều đó, hình như họ đều cảm thấy việc ông cứ ở yên tại phòng cũ và cô Thùy chuyển lên căn nhà mới là hợp lý rồi. Ông tam ký quyết định vào bản đề nghị cấp nhà cho cô Thủy. Trưởng ty vốn là chỗ bà con thân cận với bà. Còn những đen tối của ông ta trong các vụ "làm ăn" thì ông Tam biết quá rành. Muốn giải quyết cách nào thì ông ta cũng phải nhớ điều đó.
Trước cuộc họp thứ hai để bàn lại việc phân phối nhà, người ta nghe một cú điện thoại từ Ban lãnh đạo ty nói là có ý kiến từ Ủy ban, từ Ban quản lý phân phối nhà ở muốn hỏi lại quá trình công tác của cô Thùy. Cô Thùy có là đảng viên chưa? Giữa cuộc họp lần thứ hai, ông Tam phân bua mình không hề có ý định gì và nhắc lại chính ômg đã ký quyết định vào bản đè nghị cấp hẳn căn nhà mới cho cô Thùy, có điều đây là ý kiến của cấp trên. Đồng chí trưởng ty đề nghị phòng ta nên xem xét lại, cần đặc biệt ưu tiên cấp cho những người có thâm niên. Vả lại đó là khu ở của chuyên viên, phó, trưởng ngành, nhét nhân viên vào e không tiện. Mọi việc đều đúng như xếp đặt của bà Phận. Người ta rất ngạc nhiên vì vấn đề thâm niên được ông tam đặt ra ở chỗ này. Nhưng không ai có thể cãi lại rằng trong phòng bây giờ, ngoài những người có quá trình cống hiến dài lâu đã tậu được nhà, ông tam là người đặng thâm niên cao nhất. Song việc đời thì không phải lúc nào cũng giản đơn như xếp đặt của con người. Trong lúc sự sắp xếp của bà Phận đã thắng cuộc, cả hai vợ chồng trong tư thế chuyển nhà và báo tin đến bạn bè thì Ban quản lý phân phối nhà ở vẫn không hay sự tính toán bịa đặt đó. Họ muốn hiểu căn nhà số 191 ở đầu dãy, mà ngày từ hồi chiều thiết kế xây dựng, họ đã trù tính bố trí ít nhất cho hai hộ gia đình, hoặc một hộ gia đình với hai ba người độc thân ở bây giờ đã sắp xếp tới đâu. Lúc này bà Phận mới hay mình bị hố. Hai vợ chồng cắn cấu nhau. Ông Tam trong cảnh tiến thoái lưỡng nạn, xem ra phân nửa hộ mới không sang bằng căn phòng cũ của mình. Bây giờ ở lại đâm dở, mà chuyển đi chẳng khác ngậm bồ hòn. Ông Tam tính hay tóm gộp những thứ tủn mủn, thường là đồ chơi có đường nét, hình hài kỳ dị, bằng các mua hoặc xin mỗi nơi một ít. Trong lúc chuyển nhà, thấy đồ đạc mình nhiều, ông muốn chiếm nửa phần sau căn hộ, có lối thông vào nhà bếp và khu nhà vệ sinh để tận dụng chỗ trống đặt ba cái "đống nát". Ông quên khả năng hai người độc thân có thể đề nghị ngăn đôi cái phòng khách vốn là của chung để họ được yên tỉnh nghỉ ngơi và học hành thêm. Do vậy, từ trưởng phòng lên đến Giám đốc Sở như bây giờ, bạn bè tìm đến ông vẫn phải đi từ ngõ sau, trên cái lối từ nhà ăn, nhà tắm trở vào. Cảnh đó, từ lâu không làm cho ông bà được vui, nếu không nói là một nỗi buồn căm lặng. Nhưng nếu đừng đi tới nỗi buồn ấy mà chỉ nên dừng lại ở khả năng xoay xở thì phải kể tới bà Phận.
Bà Phận cầm giẻ nhấc nồi cơm vừa chín từ bếp lò ga lên. Xong, bà đặt chiếc chão vào. Mỡ từ chiếc muỗng trên tay bà chảy xuống, lăn ra thành một lớp mỏng nơi đáy chão, bỗng chốc đã sôi lên. Bà Phận nghĩ: trong cái vụ con chim chìa vôi này cũng phải khéo. Không thể vì tức giận mà la ầm ĩ được. Trong cuộc đời làm vợ một trưởng phòng, rồi vợ một Giám đốc Sở như bây giờ, bà hiểu thế nào là sự khôn. Tỏ ra bẵng gắt, nghiêm nghị ở lúc nào. Nhưng ở lúc nào phải biết mềm mỏng, lịch thiệp, có khi còn phải tỏ ra hết sức độ lượng nữa là.
Giữa lúc con cá đang nằm nơi đáy chão, tiếng mỡ sôi xèo xèo, bà Phận cầm chiếc xạng trên tay đứng chờ. Bà kiên nhẫn đợi đến mức dự đoán của bà vừa đủ để khẳng định bề dưới của con cá đã vàng. Bà đặt chiếc xạng thật nhẹ, rồi bằng động tác xoay trở đã quen của người đầu bếp lật lại con cá. Mỡ lại sôi, múi thơm bốc ra. Bà phận đắm say trong mùi thơm giữa cơn đói bụng với những ý nghĩ chưa thể vượt ra ngoài sự rắc rối từ chuyện con chim. Bà nghĩ đến Ba Kỉnh. Dẫu sao giữa ông Tam và Ba Kỉnh vẫn là hai người bạn. Năm ông Tam nhận nhà, Ba Kỉnh, cha của thằng Nhã cũng được cấp một căn bênh cạnh. Hai nhà gần gũi chơi thân nhau. Thằng Nhã chạy qua chạy lại hằng ngày, có khi còn ở lại ngủ đêm. Đối với thằng Nhã, bà xem nó như con cháu trong nhà, thế mà bữa nay nó lại giở chứng. Giá đừng có chuyện Ba Kỉnh hứa duyệt bán cho ông bà bốn tấn xi măng theo giá nội bộ để xây tiếp ngôi biệt thự đang dở dang ngoài "làng giám đốc", bà sẽ mắng vốn cho thằng cha nó đánh nó một trận biết thân. Đằng này... Thôi thì trước nhịn, sau cũng nhịn, chớ tính bà, bà không thích ai làm ngang như vậy. Đằng nào con chim cũng mất rồi. Có làm cho lắm chắc gì tìm lại được. Để mất luôn bốn tấn xi măng chẳng khác nào mình dại. Cho nên - bà Phận nghĩ - gì gì cũng phải xong ngôi nhà; phải có chỗ để hãnh diện với bầu bạn, họ hàng trước đã, sau đó mách Ba Kỉnh đánh nhừ xương nó cũng chẳng muộn. Chớ chẳng lẽ làm Giám đốc như ông Tam mà cứ ở mãi trong căn nhà không đáng để cấp cho một trưởng phòng trước kia. Bà nghĩ đến ba chữ "làng giám đốc" mà lúc nãy nó bất chợt đến với bà. Lâu nay, người ta vẫn dùng ba tiếng đó để mỉa mai, chăm chọc những người lãnh đạo như chồng bà không biết thu nhập từ đâu bỗng dưng cất được nhà cao cửa rộng. Bây giờ sau cú mất con chim, nó lại đến với bà, nhại lại, không tự giác như một phản xạ hơi ngoại lệ. Bà trầm mặc. Thôi cứ liều. Liều như ở đời ai cũng có một chuyện gì đó để người ta bươi vạch.
Bà Phận vừa nghĩ, vừa cầm lấy chiếc xạng trở con cá một lần nữa. Nồi canh được bắc lên. Khi mâm cơm đã dọn xong, cầm chiếc lồng bàn đậy lại, bà Phận đến bên bộ cửa. Nghe tiếng con chó hực, bà nhìn ra. Thấy con chó ngoắc đuôi lia lịa, bà đoán chắc ông Tam đang về. Trong đầu bà nẩy ra một ý nghĩ: Phải đón ông tận ngoài cổng. Phải đưa ông vào nhà bằng một câu vui vẻ. Phải nhanh chóng, đừng để ông kịp nhìn thấy chiếc lồng và hỏi "con chim đâu". Việc này phải để bà, phải chính tay bà xoay xở mới được. Bà Phận vừa nghĩ, vừa bước vội ra phía đường.
4
Sau hồi tập thể dục, thằng Nhã để nguyên bộ ngực trần. Trên mình mặc độc chiếc quần đùi. Những bắp thịt nổi gồng trên đôi tay, đôi chân. Eo bụng thắt và bộ ngực nở. Toàn thân như được vuốt ve trong không khí mát dịu và trong lành của buổi sớm. Thằng Nhã chọn một chỗ thích nhất, đứng kiễng chân trên súc gỗ. Nó cầm lấy cây sáo trúc. Sau một giây xếp đều những đầu ngón tay chực hờ trên các nốt, ngạc nó phập phồng, cái đầu gục gặc, lắc lư tho âm thanh nhịp điệu phát ra từ cây sao. Nó thổi thật say. Say như thể giờ này không phải nó đứng trên sân mà đang lọt vòa một cõi xa. Trong cõi xa đó, nó nghe mắt mình đau. Con chìa vôi đã mổ vào mi mắt và gọi nó:
- Hãy dậy đi! Hãy dậy đi hỡi người bạn tốt. Hãy dậy đi cùng ta ca hát.
- Nhưng mi cần gì ở ta, hỡi con chim nhỏ?
- Cần ư? Không! Ta đòi. Ta đòi hãy thả ta ra. Khi ta thuộc về ta thì ta sẽ thuộc về tất cả mọi người.
Rồi tới hôm thằng Nhã tự đặt mình vào vị trí của người bạn tốt, con chìa vôi vẫn chưa hay. Nó đứng trên lòng bàn tay thật lâu mà không chịu bay đi. Hình như sự bó buộc trong chiếc lồng đã làm nó tạm quên thói quen bẩm sinh năng động của loài chim. Nó đứng đó, chừng như không thể hiểu nổi con người. Còn người đã từng bắt nó, giam hãm trong chiếc lồng và con người đang muốn được thả nó ra. Giữa hai con người, trong cách nhìn của một loài chim không có sự khác biệt về sinh dạng. Tới lúc thằng Nhã buộc phải nói to: "Nào, hãy bay đi, hỡi con chim nhỏ", lúc ấy nó mới ưỡn mình, ngó quanh. Sau nữa thì dùng chiếc mỏ gí gí vào lòng bàn tay. Nó vẫn đứng, tuy mặt mày đã tỉnh. Thằng Nhã, trong cơn đau xót và tức giận vì thương hại, hất mạnh bàn tay:
- Nào! Bay đi!
Có lẽ đến lúc này, khi cái trọng lượng không to mấy, vừa đủ để làm một gia tốc rơi từ trên không, con vật mới tìm lại được thói quen. Nó chớp chớp đôi cánh một cách ngượng ngập và thô vụng như thể mới tập bay. Chừng mươi phút đầu, nó nhấc từng khoảng ngắn quanh khu nhà; từ những chiếc sào phơi quần áo, qua các cành nhãn, cành cây khế ngọt rồi mới lẫn hút vào trong sự xanh mát của vườn cây. Dù ở tuổi không còn quá tin vào những điều mộng mị, thằng Nhà vẫn mong nhờ một sự quyến rũ nào đó của tự nhiên, con chìa vôi sẽ trở lại hót quanh khu nhà. Tiếng hót ấy sẽ không chỉ dành cho ông Tam mà dành cho tất cả mọi người. Tình cảm của nó ngập chìm trong tiếng sáo. Những âm thanh trầm bỗng dìu dặt chừng như không phải phát ra từ vành môi mà đâu đó trên toàn cơ thể khỏe mạnh của nó; mà đâu đó ngỡ như vừa mới bùng lên từ trong cái yên ắng, dễ chịu của buổi bình minh. Bốn hôm nay, kể từ khi con chìa vôi được bay đi, thằng Nhã vẫn mong và vẫn làm như vậy. Bỗng gần đâu đấy có tiếng xao động của lá cây. Thằng Nhã chợt nhìn lên. Con chìa vôi! Vẫn cái bóng đen nho nhỏ nguýt đuôi trên cành cây khế ngọt. Nó lại thôi. Nó thổi bằng tất cả cuồng nhiệt vừa được nhóm lên từ một niềm vui. Con chìa vôi rời cành cây, bắt đầu lượn vòng. Một lúc sau nó dừng lại - vẫn trên cành cây khế ngọt - cất tiếng hót. Tiếng hót của nó thật trong, thánh thót. Tựa hồ như nó mới mang tất cả những âm điệu từ dồng ruộng, sống nước, làng quê trở về, mà trước đó - trong chiếc lồng - nó không thể nào có được. Nó hót cũng thật say.
Thằng Nhã dừng lại nghe tiêng cựa mình từ phía nhà bên cạnh. Người mẹ nào đó đang gọi con (không ngờ nó đã thức). Bà nói với con về tiếng hót của con chìa vôi. Và, đứa bé đáp lại: "Thôi, từ nay chắc mẹ khỏi vặn đồng hồ reo. Còn chìa vôi sẽ gọi con biết giờ thức dậy".
5
Ông Tam như chìm trong bóng đen. Thường đêm, chiếc đèn ngủ vẫn mờ sáng. Đêm nay, vì nhức đầu, ông muốn giữ nguyên cái màn đen, để may ra nó có thể làm dịu bớt sự căng thẳng trong đầu óc ông. Ông muốn giành một giấc ngủ để sáng mai tỉnh táo, ông sẽ quyết định mình có nên gạp Hoàng Chính một lần nữa không? Mới chưa đầy ba tuần lễ, mà ông phải nhận liên tiếp bốn cú "sóc" tưởng chừng không thể nào sống được. Lúc đầu hôm, ông buông mùng định ngủ thì nhận được cú điện thoại của Ba Kỉnh - đang dự họp từ thành phố Hồ Chí Minh - gọi về. Ba Kình lo mình không còn kịp trọn tình với ông Tam. Qua lượng thông tin nói được trên điện thoại, Ba Kỉnh cho biết từ nay có chủ trương của Trung ương từng mặt hàng hóa đều thống nhất trên cơ chế một giá. Nhưng y lại bỏ nhỏ với ông: trong thời gian chờ đợi làm thông suốt chủ trương từ nội bộ đảng viên ra đến quần chúng, có thể tranh thủ "gỡ kẹt" cho "anh em" mình, miễn là có sự đồng ý của cấp ủy. Hoặc như - theo lời y - ông Tam có thể sang Sở Xây dựng gặp anh chị em đang thừa hành công việc đề nghị họ xuất trước cho ông chừng ba tấn xi măng, khi Ba Kỉnh về sẽ xoay xở tiếp. Điều đó làm ông Tam ở trong trạng thái lửng lơ. Vừa thấy đwọc nhưng cũng vừa thấy lo. Biết đâu Tỉnh ủy không đồng ý với dự kiến của Ba Kỉnh mà cho tiến hành cùng một lúc cả hai việc. Nếu thế thì ngôi biệt thư đang xây để ơ "làng giám đốc" của ông?... Còn chuyện sang gặp những người thừa hành công việc ở cơ quan Ba Kỉnh, nói vậy chớ không dễ. "Không có thủ trưởng ở nhà, họ không đủ thẩm quyền". Nhỡ họ cứ vịn vào cớ đó và đòi ông các loại giấy tờ, thì những câu ra lệnh của Ba Kỉnh qua máy điện thoại đâu có thể thay thế được. Bất giác, ông ngó vào chiếc lồng bỏ trống và suy nghĩ về những câu giãi bày của bà Phận. Gió từ đâu thổi về từng chập, thốc qua cửa sổ, làm lay động vách mùng. Ông Tam nhướng mi mát đã mỏi, nhìn ra lối sau, qua lớp sáng lờ mờ của bầu trời có ánh sao dọi vào. Chiếc lồng vẫn còn đó, trông không, lơ lửng phía dưới sợi dây treo. Mỗi lần gió thổi qua, nó tự quay được chừng một phần ba đường quay quanh mình nó. Xong, lại trở về vị trí cũ, lại tiếp tục quay về phía bên kia cũng với một độ dài tương tự. Có lẽ ông Tam trong giây phút này là cảm nhận đầy đủ nhất sự đơn điệu và thừa mứa đến vô dụng của nó. Chán thật. Ông Tam nghĩ. Nếu chỉ quanh quẩn mãi với ba cái chuyện như thế này thì chắc ông phải điên. Ông tự cáu: Không biết cha mẹ ông hồi đó sinh ra ông nhằm ngày gì mà trong mấy năm gần đây, ông cứ phải đường đầu với toàn chuyện khó xử. Hoàng Chính. Không hiểu sao lúc đó ông không nhận ra hết cái mã của Hoàng Chính? Một người co học vị, tuổi tác chỉ đáng bằng con trai ông. Cầm chiếc bằng kỹ sư từ nhà trường trở về nhận công tác tại cơ quan, anh ta bắt tay vào công việc không để trống một ngày. Năng nổ là một đức tính tốt. Nhưng cứ phê bình cấp trên không nể mồm nể miệng, cái đó làm sao ông không chịu được. Hở ra là sáng kiến, là đề xuất việc này việc nọ. Làm như những người lãnh đạo cơ quan này lú lẫn hết, không còn ai có thể sánh bằng anh ta được. Những tranh chấp về các vấn đề khoa học kỹ thuật cứ diễn ra dài dài. Một bên dùng tri thức để giãi bày, còn một bên lúc nào cũng muỗn lấy quyền lãnh đạo để phủ quyết đã làm cho ông Tam nhận thấy cái chậu tri thức của mình không còn giữ được sự vũng vẫy của một con cá. Tốt hơn là cho nó giong. Dùng thằng khác. Ông đề nghị Hoàng Chính làm bản tự kiểm điểm về việc ăn nói hàm hồ, thiếu tôn trọng cấp trên và ngõ ý với Chính nếu ở đây thấy không thích hợp thì cứ mạnh dạn làm đơn xin đi, ông sẵn sàng ký cho. Trong cuộc họp chi bộ có người hỏi: vì sao Hoàng Chính được Đảng và Nhà nước cho ăn đi học mới trở về tỉnh, chưa làm được bao nhiêu việc lại xin đi tỉnh khác? Chính nói rằng, việc anh ta đi tỉnh khác hoàn toàn không ảnh hưởng đến nhiệt tình phục vụ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội của anh ta. Còn ở đây, anh ta không thể nào phát huy được tài năng trong lối lãnh đạo quá ư là độc đoán, chuyên quyền của ông Tam. Thế mới biết. Mọi người đều lưu ý. Nhưng Hoàng Chính đừng mong làm được gì ở ông Tam. Trong bản tự kiểm của Hoàng Chính mang từ cơ quan cũ, ông Tam lấy tư cách vừa là trưởng ty vừa là bí thư Đảng ủy nhận xét (tất nhiên không phải là nhận xét tốt) và đề nghị nơi mới tiếp tục đòi Chính tự kiểm điểm, nếu cần có thể thi hành kỷ luật Đảng. Ngỡ rằng những câu nhận xét như vậy sẽ làm cho Hoàng Chính suốt đời không ngóc đầu lên nổi. Chuyện đã sáu năm rồi. Giữa ông và Hoàng Chính, mỗi người một chỗ đứng, một môi trường khác nhau. Bận tâm nữa để làm gì. Ấy thế mà mới đây, trong một bữa đánh xe con sang tỉnh bạn dự cuộc gặp gỡ cấp giám đốc để thảo lụan các vẫn đề liên kết, hợp tác giữa hai tỉnh, trời đã xui ông gặp lại Hoàng Chính. Trên đường đi, ông hình dung tới cuộc nói chuyện thân mật giữa ông và đồng chí giám đốc già cùng chạng tuổi đã nhiều lần quen biết qua các kỳ họp ở bộ. Đến nơi mới hay đồng chí ấy đã về hưu. Thay thế chỗ ông ta là một giám đốc mới, còn trẻ: Hoàng Chính! Lúc ấy, ông mới bất ngờ, nói năng ngượng ngập. Giữa hai người cùng bậc giám đốc như nhau, Hoàng Chính đang có chân trong cấp ủy quả là sức nặng hơn ông. Thật ông cũng không ngờ Hoàng Chính tiến nhanh như vậy. Trong những vấn đề được nêu ra mà ông với tư cách đại diện ngành ở một tỉnh buộc phải thảo luận với Hoàng Chính, còn một vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định cho toàn cục, ông phải chờ thỉnh thị ý kiến cấp trên. Trong lúc đó, Hoàng Chính với tư cách vừa là Giám đốc Sở, vừa là Tỉnh ủy viên, đại diện cho cấp ủy đã quyết định ngay. Việc đó làm ông xấu hổ và mặt nào căm tức. Ông nghĩ: Không hiểu vì sao ở tỉnh nhà, người ta chưa chịu cử ông vào Tỉnh ủy viên? Hay là tại mầy thằng "thầy dùi?" Càng nghĩ, ông càng thấy chua xót, không thể nào nhấc nổi khối mặc cảm đang đè nặng trong đầu. Mặc dù với Hoàng Chính, việc đó không thành cái để bận tâm. Cuộc họp tạm đình lại. Hoàng Chính hẹn sẽ sang gặp ông. Hai người sẽ cùng đến gặp cấp thẩm quyền của ông Tam. Trong cuộc bàn luận ấy, nếu còn có trở ngại, Hoàng Chính sẽ dùng sự hiểu biết của mình về khoa học kỹ thuật để làm sáng tỏ. Hoạch định như vậy, nhưng Chính đã thừa hiểu chẳng có việc gì khó. Vì mới đây, theo những điều đã thuận trước giữa hai đảng bộ: việc liên kết hợp tác lần này, nếu được thi hành nghiêm chỉnh sẽ mở ra cho nhân dân hai tỉnh một thời kỳ phát triển nhảy vọt trong sản xuất mà nếu để tự thân nó thì còn lâu mới có được. Bây giờ hình dung tới việc phải gặp lại Hoàng Chính lần nữa, ông càng thấy khó chịu. Ông cần phải quyết định thế nào? Gặp Hoàng Chính? Hay là có thể bất thình lình ông không nhận lãnh trách nhiệm đó bằng lý do cái dạ dày của ông. Việc đó chỉ mình ông biết. Nhưng đã đến thế thì...
Đã qua hai giờ. Khi ông Tam xác định mình không còn ngủ được, miệng thèm điếu thuốc, muốn ngồi dậy, chuyện bài báo - tưởng đã yên - lại trở về. Cách nay chừng mười hôm, ngồi độc báo Nhân dân, ông gặp bài của một ủy viên trung ương - đã có dịp về thăm tỉnh nhà. Trong giới hạn số chữ chừng hai nghìn, tác giả giới thiệu những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, về những thế mạnh kinh tế chiến lược, những nỗ lực nhờ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sau phần đó là đoạn nói đến những hạn chế và sơ hở quá nhiều về mặt quản lý Nhà nước của tỉnh, trong đó có ngành của ông. Bài báo phê phán: "Ở một tỉnh có nhiều truyền thống anh hùng trong đánh giặc, sau chiến tranh lại được những mô hình tiến tiến trong sản xuất, lẽ ra sau mười năm xây dựng nó phải được nhân rộng ra, thế mà cho đến nay vẫn chưa có phong trào". Tỉnh ủy giật mình ngồi lại kiểm điểm. Thử hỏi trong thời gian dài như thế, những cơ quan chức năng đã làm được gì? Ông Tam ngồi dậy mở đèn tìm bao thuốc lá, vì không thể cố nhịn thêm được. Trong đầu ông, ông lo: Sớm muộn gì bộ cũng cho người xuống kiểm tra. Nếu họ cứ đòi ông cho họ được nhìn tậm mắt phong trào mười hai tốt ở một nhà máy, một tập đoàn chẳng hạn. Thế thì đào đâu ra để đừng ậm ừ với họ? Quỉ thiệt. Bất giác ông lại nghĩ tới Mười Mạnh. Cũng chỉ tại cái tài báo cáo dóc của nó. Nhưng nào có phải riêng ngành ông. Đâu đâu người ta chẳng làm như vậy! Nói cải tạo nông nghiệp xong, nói cải tạo công thương nghiệp xong, nổi kèn, nổi trống mở tiệc ăn mừng liên miên. Huyện tin xã. Tỉnh tin huyện. Trung ương tin tỉnh. Rốt cuộc rồi... Ban cải tạo được giải thể. Xem ra chất lượng cải tạo thì chẳng đâu vào đâu, lóc nhóc cứ sạp thịt chó biển đầu dê. Rồi chuyện các chuyên gia người nước ngoài nữa chớ. Một bài báo, ông đọc xong xếp vào cặp khi nhớ khi quên. Còn với họ, họ cứ kề cận bên ông, đòi ông phải để họ được nhập vào hiện trạng phổ biến nhất của ngành mà không phải dừn lại ở các báo cáo điển hình. Việc đó, họ đã đọc trên báo rồi. Ông có từ chối khéo. Nhưng họ vẫn cứ một mực đòi ông, vì - theo họ - chỉ có như thế họ mới hy vọng tìm giúp ông chỗ đặt chiếc chìa khóa để mở ra sức bật cho phong trào. Thế mới khổ. Ông Tam ngồi như đóng cọc, mắt mở hoài. Từng ngụm khói nhã ra không chịu bay đi, cứ lẫn quất. Càng nghĩ, ông Tam càng thấy mình vấn sâu vào giữa gùi chỉ rối, không gỡ ra được. Trong những năm đầu làm giám đốc, không phải ông không nhìn ra những vấn đề như thế, nhưng hoàn cảnh buộc ông phải lờ đi. Bây giờ giữa tuổi ngoài năm mươi, thiệt tình ông không đủ sức vượt qua. Trong những ngày đến, có chủ trương sắp xếp lại cơ cấu lãnh đạo, ông mong rằng cấp trên cũng nên xem xét cho thật kỹ quá trình công tác dài lâu của ông; đừng đẩy ông ra khỏi vị trí của một giám đốc. Việc đó đối với ông còn quá sớm. Sự có mặt của một người cao tuổi, theo ông dầu sao cũng làm cho cơ quan đỡ chông chênh.
Ông nghe trong người bải oải, tự nhiên muốn đi nằm. Trong mùng, chưa ngủ được, ông mồi lửa đốt thuốc tiếp. Quầng sáng quanh đầu điếu chốc chốc lóe lên rồi lại chìm ngẩm trong bóng đêm. Bỗng đâu có tiếng sáo. Ông định thân và nhớ ra. Thằng Nhã. Ừ, phải thế! Nó đã thả mất con chìa vôi của ông thì giờ này chính nó phải thổi gọi con chìa vôi về cho ông. Ông thầm nghĩ và bất chợt nhớ chiếc vợt đang đựng chỗ vách tường. Cũng như thằng Nhã, ông mong chờ một sự quyến rũ nào đó của tự nhiên và tiếng sáo, con chìa voi sẽ trở lại. Khác hơn có lẽ là ông phải dùng tới biện pháp cuối cùng bằng chiếc vợt để bắt con chim. Ý định ấy quả không còn bất chợt nữa kể từ khi ông phát hiện trong dìu dặt của tiếng sáo có lẫn tiếng con chìa vôi. Ông bật dậy, tay cầm chiếc kính đeo mắt, tay còn lại chộp lấy chiếc vợt. Ông bước thật vội ra ngõ sau rồi tiến về hướng có tiếng con chìa vôi. Ông dừng lại chỗ góc nhà, nơi có bóng đen của tàng cây nhãn và ẩn mình trong đó. Từ đây tới đường bay của con chim có thể đo bằng chiếc cán vợt. Ông đứng thập thò một lúc, hai tay cầm chặt chiếc cán vợt như thể người ta cầm cây súng. Bất thình lình, từ trong rậm rạp của vòm cây nhãn, ông đẩy thật nhanh chiếc vợt lên. Con chìa vôi không thể đột ngột ngừng trớn bay được. Nó vướng vào trong lưới, vùng vẫy giữa lúc ông Tam đang cố úp miệng vợt xuống đất. Thời may. Chiếc kính đeo mắt - có lẽ chạm vào cành nhãn - rời xuống. Ồng cần phải giữ lấy. Trong một dây dừng lại ông lỡ mất cơ hội. Đụn lưới bị thụp hẫng. Miệng vợt đã đổi chiều. Còn chìa vôi để lại một chiếc lông. Đường bay bị chao đảo. Nhưng nó kịp lấy lại thăng bằng và bay đi. Thằng Nhã nghe tiếng động, dừng thổi sáo. Nó bắt gặp cái bóng đen mờ mờ thất vọng của ông Tam từ bụi rậm của tàng nhãn đi ra. Nó định lẩm bẩm một câu gì đó, nhưng thôi. Nó nghĩ: Trong khoảng cách giữa nó và ông Tam lẽ nào không có chỗ để xích lại gần, ngoài việc phải chửi tục mà ở tuổi nó thì không nên? Cây sáo trúc từ tay nó lại vang lên những âm thanh. Từng chập. Ngừng thổi sáo, nó lại hót nhại tiếng con chìa vôi.
Sau hồi thất vọng, ông Tam đi quanh quẩn. Trên mình còn giữ nguyên chiếc áo lạnh và đôi tròng kính từng lúc ngước lên bầu trời còn mờ mờ đục bởi bóng đêm chưa dứt hẳn mà tia sáng mặt trời chưa kịp ánh lên. Bỗng sao con chìa vôi trở lại. Nó tiếp tục bay vòng quanh tiếng sáo cuả thằng Nhã. Bây giờ, ông Tam chọn một chỗ kín khác, với hy vọng đã mỏng đi nhiều. Ông nghĩ, trong phút chập choạng giữa đêm tối với ban ngày phải tranh thủ, chậm hơn là không kịp. Mặc dù việc đó, ông cũng hiểu chỉ còn trong rủi may. Ông cầm lấy chiếc vợt. Và, vẫn như lần trước bất thình lình vung chiếc vợt lên. Lần này không đụng được con chim. Vẫn còn cách một khoảng xa. Một lần nữa. Rồi một lần nữa. Trời đã sáng. Thằng Nhã bực bội. Nó cầm cây sáo trúc không thèm thổi. Nó đứng chống nạnh nhìn con chim bay đi. Ông Tam cũng đứng chống nạnh. Hai người không nhìn mặt nhau. Ông Tam tức giận vì biết chắc mình không còn giành được con chìa vôi nữa. Còn thằng Nhã, nó cũng cảm thấy khó chịu vì việc làm lẩm cẩm của ông Tam. Song nó vẫn còn hy vọng. Nó tin con chìa vôi vì lời hứa - mặc dù lới hứa ấy nó chỉ được nghe trong giấc mơ - sẽ trở lại với mọi người. Trong mọi người đang có nó. Đột nhiên nó mỉm cười. Ở giữa tuổi mười sáu của cuộc đời, không biét nó cười như vậy là đã thú vị về một trò chơi tinh nghịch hay vì để chế nhạo ông Tam bằng chính sự trưởng thành của nó. Nó căng ngực, hít thật đầy không khí rồi đủng đỉnh đi vào. Cử chỉ ấy làm ông Tam nổi nóng. Mặc ông đỏ bừng. Vừa đi, ông vừa nói một câu gì, nghe không rõ.
Sáng nay, thoe lời bạn, ông phải đến khách sạn thật sớm để cùng ăn sáng với các chuyên gia.
Ông cầm lấy chiếc cặp, hộp Quinocacbine. Vẫn chưa hết giận, sự nhũng nhẵng từ chuyện con chim cho tới bốn tấn xi măng, làm ông khó chịu. Vì món lợi mà bà Phận bắt ông cứ phải nèn dằn, ông bước ra đến cổng. Cơn giận càng tăng cao, ông khép mạnh cửa, miệng bật ra thành tiếng:
- Mẹ kiếp! Đồ ăn hại!
Không có ai đi gần để nghe thấy. Mà có nghe thấy chắc gì người ta hiểu được ông Tam dùng câu ấy để nói với ai?!
Tháng 11 năm 1986