Gió luồn qua cái một thời là trẻ thơ và thiếu nữ của tôi khi nó chạy ào qua đồi cát đầy những bụi xương rồng và những cây bông mủ lá màu xám bạc. Đứng đây nhìn xuống, căn nhà nhỏ tí, nằm giữa một khu đất rộng rào quanh bằng dây thép nối xuyên qua nhữngï cột trụ xi măng. Mỗi tháng cha tôi cắm xuống một trụ, nối dần những sợi dây thép dài ra qua những cái lỗ lớn bằng đồng xu. Khi trời vừa chạng vạng, Đen bày Lư lum khum úp lon sữa bò đã đục trống hai đầu vào những lỗ hổng ấy để bắt những con thằn lằn rồi quạt than lên nướng. Một trụ, hai trụ, ba trụ, mười lăm trụ... Tôi nhảy tung tăng bên cha tôi đếm những cột trụ ông đúc với thứ cát trắng tinh xúc về từ nơi tôi đang đứng, hay ngồi chồm hổm nhìn Đen ngắt đầu lột da những con thằn lằn chảy mở xèo xèo trên mấy cục than đỏ vừa bốc mùi thơm vừa thấy ghê ghê. Ghê như chân Đen mốc meo không bao giờ chịu mang dép, tròng mắt ngoài con ngươi, khi cười ngoác hai khóe miệng rách lở trông càng hung nghịch .
Buổi sáng nghỉ học tôi với Lư đứng bên dưới nhìn lên cha tôi đang trèo từng bước cẩn thận trên cái thang gỗ tựa vào thân cây dừa, náo nức ngước chờ ông quăng xuống những trái dừa xiêm mỏng cơm ngọt lịm nhưng rồi bẻn lẽn ngó đi nơi khác, khi lần đầu tiên tình cờ nhìn thấy vật của ông thỏng đưa trong ống quần đùi rộng. Những buổi trưa nắng hanh hao vàng khô, tôi đi loanh quanh nhìn áo quần phơi rang trên dây thép bay phần phật, lắng nghe tiếng gà gáy từ xa vắng tanh, buồn vẩn vơ như đang mất mát dần những điều gì không rõ, mơ hồ thấy có một biên giới nào đó bắt đầu làm ngăn cách tôi với cha tôi với Đen với Lư. Buổi tối tiếng súng thỉnh thoảng vọng từ núi xuống làm tôi thức giấc sợ hãi. Lam ôm tôi dỗ, "Ngủ đi. Người ta bắn nhau trên núi, không xuống đây đâu." Nhưng cũng có vài lần cha mẹ tôi cuống cuồng đánh thức mấy chị em vào giữa khuya, hối thúc chúng tôi theo họ lên nhà một người quen trên phố lánh đạn. Có đêm con chó Mimi chạy theo rồi đi lạc đến mấy ngày mới tìm được đường về, ốm tong teo. Tôi mừng muốn khóc, những ngày trước đó tôi đã buồn thắt ruột tưởng đâu nó sẽ đi lạc mãi mãi, không biết ai sẽ cho nó ăn, ai sẽ vuốt ve thương nó.
Thời cha tôi để tôi trên hai đùi làm máy bay chở đi cái vù cho tôi cười sặc sụa qua đi đã lâu. Ông tránh né mỗi lúc tôi sà tới ôm cổ ông mà hôn. Đen càng lớn càng hoang đàng hung tợn chưởi thề đánh lộn và khinh tôi con gái không biết tạt lon đánh đáo. Tôi bảo Lư tôi không thích chơi với Đen nữa, chuyển qua đọc truyện và ngồi hàng giờ nơi bàn để tập viết những kiểu chữ. Lư để móng tay dài, tóc tai khi nào cũng thẳng mượt, càng ngày càng xa cách giấu kín, lừ lừ ít nói. Những căn nhà cứ từ từ mà mọc lên bao giờ không biết, vùng đồi cát hoang vu ngày nào chỉ toàn cây dại thú hoang giờ đã có xóm trên xóm dưới, xe lục lộ chạy lên chạy xuống ầm ầm cán nhựa làm đường, gió bớt lồng lộng từ bốn hướng. Ông kỹ sư lục lộ hay vào nhà xin ngồi nghỉ trưa uống nước mang tặng mẹ tôi những bao xoài cát những xấp vải lụa. Hai gò má ửng hồng bên bếp lửa, những giọt mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương dưới những sợi tóc còn đen mỏng, mẹ cắm cúi nấu cơm mặc người đàn ông ngồi nhìn chăm bẳm kể lể đủ thứ chuyện trên đời. Tôi nhìn theo mắt ông ta nhưng chỉ thấy mẹ lúc nào cũng buồn rầu lem luốc vất vả, chẳng bao giờ được chưng diện son phấn như người ta. Những trái xoài cát tươi rói ngọt lịm ông ta hái từ vườn nhà, mẹ cho tôi và Lư tha hồ ăn. Xấp vải lụa mẹ không cầm, ông ta cứ để trên bàn. Mẹ làm gì có thì giờ cho người đàn ông lạ, tôi và Lư ăn cơm xong là mẹ thúng gánh nhào ra chợ tiếp. Nhưng cha tôi cầm rìu bổ rầm xuống chiếc bàn ăn gỗ mun tét một đường dài và rồi là tiếng la hét kêu rú chạy quanh điên cuồng hoảng hốt.
Mẹ tôi mang khuôn mặt tím bầm trở về từ bệnh viện lầm lì. Nửa đêm thức dậy nghe mẹ khóc rấm rứt sát mặt mình, buồn hoang mang, "Con ơi, chắc mẹ phải bỏ đi thôi. Cha con là một thằng điên!" "Mẹ không yêu cha con được, nhưng làm sao bỏ các con đây hả con?" Ngày tháng đầy tiếng gây gỗ chưởi rủa. "Tôi thù ông, khổ suốt đời vì cha con ông! Đừng hòng bắt tôi đẻ thêm. Đi kiếm một hốc cây mà đút vô. Đừng hành tội tôi nữa!" Mỗi buổi sáng khuôn mặt cha đầy căng thẳng, ông sẽ quát tháo cáu bẳn một hồi trước khi hối hả cầm hộp đựng cơm đi làm. Có lúc tôi đứng ở cửa sổ nhìn theo dáng đi tội nghiệp của cha, cái cẳng bị teo tóp này cố gắng lết một cách khổ sở cho kịp chiếc chân khỏe mạnh kia, càng vội đi cho nhanh thì dáng đi trông càng kỳ dị. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, mẹ ngồi đếm những tờ bạc nhàu nát mặt nhăn nhúm lo âu. Tôi trốn vào phòng, trèo lên ngó ghê tởm những con chuột con đỏ hỏn nằm phình bụng trên trần nhà nhưng không nỡ bắt ném đi.
"Sự sống, sự sống để làm gì mà nặng nề đau khổ đến thế cho cha mẹ tôi, cho tôi? Tôi đã bị cướp đi sự thơ ngây và lòng tin cậy để còn tiếp tục..." Chữ Lam nghuệch ngoạc lem nhem. Tôi cạy những viên gạch trên tường, khoét một khoảng trống nho nhỏ cất vào đó con búp bê nhỏ bé làm bằng vải độn bông mặc áo đầm xanh viền thêu ren trắng, lầm thầm một mình, "Mày chết rồi! Chôn mày đi!"
Bây giờ đồi cát vẫn tinh nguyên, tôi quì xuống bên một bụi xương rồng mập mạp, hai bàn tay trong suốt vọc sâu xuống cát vốc lên quả trứng có những đường vân xanh xanh hồng hồng ngắm nghía. Tiếng chân Lư và Đen xạt xào dò hỏi trong gió thì thầm, "Còn rắn mẹ đâu?" Tôi đào cát lấp lại trứng. Chỗ này cũng là nơi Mimi trốn ra nằm những ngày già bệnh bắt tôi đi tìm lung tung đây. Nó chẳng buồn ăn đĩa cơm tôi mang tới, chuồi mõm xuống cát không phản ứng lại những cái vuốt ve của tôi. Hai con mắt mệt mỏi buồn rầu bảo, "Thôi Ly về nhà đi, ta muốn nằm yên lặng một mình ở đây."
Nắng nhạt dần, đồi cát phớt màu xám mỏng mênh mông. Ngày xưa, khi trời vừa dịu nắng là tôi đã chạy về nhà, sợ sự vắng vẻ của những buổi chiều tà trên đồi. Ban đêm thì có lẽ chỉ có những con thú hoang và rắn rết mới lui tới chỗ này. Mimi gật đầu, "Ừ, ngày xưa. Sáng hôm sau ta về chạy quanh chân Ly ba vòng rồi mới ngã xuống, còn nhớ à?" "Nhớ chứ sao lại không, đúng ba vòng..." Tôi trả lời xoa đầu Mimi rồi lửng thững trở về nhà. Tôi cũng còn nhớ tôi đã cất con búp bê vải độn bông bé bằng cái lon nước ở đâu.
Đứa bé gái quì xuống khom đầu cúi nhìn sát chiếc lưới nhện giăng móc trên mấy cành cỏ hoang. Con nhện nhỏ màu xám tro có những cái cẳng dài co quắp, nhúc nhích di chuyển một tí rồi nằm yên bất động. Đứa bé kêu lên, "Ê tụi bây, ở đây có con nhện này! Nhện ơi, đang làm cái gì đó?" Hai thằng con trai đang cầm que gõ lóc cóc trên mấy cột trụ xi măng đã đổ nát phá lên cười, " Khùng. Nhện đâu biết nghe tiếng người!" Đứa bé khoa bàn tay bé tí của nó trước những sợi tơ, con vật vẫn nằm im không nhúc nhích. "Nó không sợ, tụi bây ơi!" Thằng bé lớn hơn leo lên bức tường gạch chỉ còn non nửa chiều cao, đứng dang hai tay lấy thăng bằng, hét lớn, "Xem đây!" rồi cong mình lộn nhào xuống. Đứa bé gái lẩm bẩm, "Té ra mày không thấy gì hết. Mày đâu có thấy tao!"
Những vệt máu trên mấy bậc đá rửa màu lục nhạt đã thâm khô từ nhiều ngày vẫn còn đó khi tôi kéo những tờ nhật trình đậy bên trên ra. Tôi ngồi xuống, lấy một đầu ngón tay rờ rẫm. Cha tôi cười mừng rỡ, giọng ấm áp âu yếm như vẫn luôn như thế với tôi, "A, Ly về rồi đó hả con?" Tiếng dép lạt xạt quen thuộc âm mạnh âm yếu tiến về chỗ tôi và mẹ kêu "Ui chào, nó về rồi kìa!" nhẹ nhõm. Tôi nói, "Dạ, con đây...!" và chảy nước mắt.
Mọi đồ vật trong nhà còn y nguyên, không xê dịch thay đổi, cái tủ chén già ở phòng khách chưng lỉnh kỉnh những chiếc ly thủy tinh cao cổ tôi đã bày ra mời nước mỗi khi có bạn bè đến chơi, bình trà cổ khắc chạm hai con rồng uốn lượn đã mẻ miệng, những cái tách bé tí gãy quai, gạt tàn đá trắng hình con voi, mấy cái ghế gỗ rộng. Trong bếp cái bàn ăn còn nguyên vết rìu chém đựng đầy hủ nọ lọ kia bịt bằøng những mẫu giấy dầu ố cũ, những con dán to tướng chạy ra lấp ló như chào hỏi từ cái tủ gỗ chứa nồi niêu soong chảo đen thui móp méo. Phòng nhỏ của tôi trên gác, bàn viết vẫn nhìn ra lan can có ba chậu bông hồng cha trồng cho tôi còn đang hoa đỏ thắm. Lọ mực, cây bút máy ngay ngắn bên cạnh mấy cuốn tập, những cuốn sách tôi thu nhặt đây đó thời trẻ vẫn san sát đứng trên kệ. Cả những lá thư ướt át trẻ dại nhớ thương cũng còn trong hộc tủ.
Chiếc giường nệm sờn rách còn ấm hơi người, tôi nằm xuống nghiêng đầu nhìn Thục đang khoe răng khểnh cười nũng nịu, "Không nhớ hả? Nhớ mà sao không ôm!", nhắm mắt nghe môi Xoan nóng hổi mê man vùi trên ngực đi lần xuống bụng, "Yêu Ly nghe?" Và Hài đang nhào tới vừa khóc vừa đấm thình thịch lên người tôi điên dại, "Đồ phản bội! Đồ phản bội!’ Rồi là Khanh là Vân đang khúc khích trêu chọc, "Ôi, nó ghen quá rồi!" Mẹ tôi thở dài quay mặt đi, " Loạn quá..." Tôi cười rạng rỡ, cả thân thể bừng lên ấm áp, hiếu kỳ say đắm từng phân vuông trên người của mỗi đứa con gái xinh đẹp như bông rừng hoa núi man dại quanh tôi. Những cơ thịt dưới bụng họ rung lên làm tôi thích thú, tiếng rên khẽ khoái lạc của họ làm tôi sung sướng. "Có hạnh phúc không? Yêu lắm phải không?" Những đôi mắt đen lánh long lanh cười lên bí mật đồng lõa và màu hồng trên mặt họ đẹp làm sao, ngắn ngủi thoáng qua làm sao. Họ nắm lấy tay tôi như ngày xưa, cười trong trẽo, môi mi đều lay động, "Rồi tụi mình phải đi lấy chồng cả thôi, đẻ ra những đứa con có da trắng ngà và những con mắt màu tím!" Cha tôi cầm những chiếc mũ của đám con gái trên tay, đếm một mình, "Mũ trắng, mũ xanh, mũ đà, mũ đen, mũ xanh, mũ hồng, mũ trắng..." Rồi bật cười kêu lên như reo, "Tự do! Màu chi thì màu!" A, cha thương con biết chừng nào. "Ừ, hồi nhỏ con thiệt là ngoan, con dễ thương lắm, không hay khóc lóc..." Vậy mà lần về trước cha nằm dài bất động trên chiếc ghế bố cho tôi năn nỉ khóc, "Cha ơi, đừng chết, đừng chết, cha ơi..."
Tôi khóc cái chết của ông ba lần những ngày ấy, mỗi lần cách nhau khoảng mười năm đời người, nước mắt cứ tuôn ra như suối. Lần này bình thản lạ lùng, mân mê rờ những vệt máu trên bậc thang lầu tôi hỏi dịu dàng, "Cha có bị đau không?" và nghe ông cười nhỏ, "Không, chẳng đau chi, cha chỉ đi theo mẹ. Sợ mẹ con đau thôi. Nhưng mà cũng mau lắm, đơn giản lắm, con a.ï" Mẹ tôi vẫn hay hờn dỗi như bao giờ, buông câu trách cứ từ cuối căn phòng khuất tối, "Sao không hỏi mẹ này? Hỏi chi cái ông điên đó?" Tôi đến ôm bàn tay mềm lủn những đường gân phồng, vuốt ve và đưa áp lên mặt, "Lúc nào con chẳng yêu mẹ, chẳng xót ruột yêu mẹ, hả mẹ?"
Những chiếc bóng chúng tôi lung linh ngã vào nhau, như ngày nào, tôi vẫn quấn quít, cựa quậy, ở giữa họ.
"Mai mốt chỗ này sẽ là một cái buyn- đinh rất đẹp!" Thằng lớn hơn đi lòng vòng quanh đống gạch đá đang được đập phá và dọn đi dang dở , "Bố tao bảo thế." "Ngày xưa, lâu thật là lâu, ở đây toàn là cây xương rồng," đứa kia thêm vào, "và có những con ngỗng, ngỗng cắn đau lắm, chúng mổ cả những con rắn, Bà tao nói vậy đó. Chẳng có ai ở đây cả!" Đứa bé gái bĩu môi, giọng xảnh xẹ, "Mày biết gì! Không ai ở sao lại có nhà!’ "Nhà đâu mà nhà?" thằng con trai nhỏ gân cổ lên cãi. Đứa bé gái nhảy nhót chạy men những bờ tường đổ, rà tay lên những viên gạch phai màu mòn cạnh, "Trước kia người ta ở đây nè, đây là phòng ăn , đây là phòng ngủ, ngu ơi là ngu!" Đứa bé trai lớn đề nghị, "Chơi tìm kho tàng! Biết đâu có một cái hủ vàng người ta chôn giấu xuống đất rồi quên mất." "Chiều rồi, tao phải về!" đứa bé gái lắc đầu. Thằng nhỏ nhất tiếc rẻ nhìn quanh, chắc mẩm phải có một kho tàng ở đâu đó trong khu đất đổ nát này và nó phải tìm thấy trước khi người ta xây buyn-đinh lên. Nó thỏ thẻ thuyết phục, "Một lát nữa thôi. Mẹ mày chưa về đâu..." "Bố tao thì lâu lắm mới về một bữa!’ thằng con trai lớn nhún vai.
Tôi biết Lưu sẽ làm gì nhưng không buồn nói. Anh sẽ làm cái trò vô ích đi lên đi xuống những căn phòng ngắm nghía thu dọn đồ đạc cho vào những cái thùng giấy lớn rồi gọi người đến chở đi. Mẹ tôi cương quyết bắt ghế ngồi ngáng ở cạnh cửa không cho bất cứ ai di chuyển những vật dụng bà tích trữ từ bao nhiêu năm ra khỏi nhà. Mẹ kêu lên tiếc rẻ, "Để đó, đừng có quăng uổng!" khi chị Lam đem đám chai lọ lủ khủ của bà ra chiếc thùng rác phía sau nhà. "Cái gì mẹ cũng giữ, không biết để làm gì." Giọng Lam phản đối buồn bã, mỏng như gió thoảng. Chị không nhìn Lưu khi họ đi ngang qua mặt nhau, không thấy, như những ngày cuối còn sống chung trong một căn nhà.
"Anh là anh trưởng!" Lưu gằn giọng. Tôi cũng không thấy Lưu, chỉ có Lam quay nhìn ra cửa sổ, nửa mặt ngó nghiêng thanh tú xinh đẹp. Chị mới mười sáu tuổi. Thân thể căng đầy sức sống, những chiếc áo dài lụa trắng chật dần đi nhưng mẹ chưa có tiền cho chị may áo mới cứ làm cho đôi vai càng thấy tròn hơn, hai trái vú mọng hơn. Hồi đó hai mắt Lưu hay ngừng trên ngực chị Lam, "Cấm em không được có bồ!" Nhưng những chàng thanh niên thỉnh thoảng vẫn đưa thư và có kẻ đến trường sau giờ tan học để hộ tống chị về nhà. Mặt chị một dạo buồn hẳn đi, chị bỏ ăn trùm chăn kín mít nhiều ngày, không còn chải tóc cho tôi cũng không giúp tôi giải những bài toán nữa. Có lúc chị đứng ngó trừng trừng ra ngoài trời và hét, "Tại sao? Tại sao?!!"
Những trang nhật ký loang lỗ nước mắt của Lam tôi chỉ đọc được sau ngày chị đi, chúng kể những điều làm tôi rùng mình kinh tởm. Tôi bảo Lư đừng nói ai nghe và nó lồng lên như con thú dại, "Lư giết nó! Lư phải chém cho nó chết đi, thằng khốn nạn!" Nhưng mấy năm sau Lư cũng bỏ đi như Lam . Tôi biết tin Lư đi một buổi chiều trời mưa xám xịt khi mới đi học vềà, mẹ tôi khóc kể thảm thiết và cha ngồi một chỗ bất động nhìn ra cửa, nước mắt ứa. Tôi vẫn tưởng tượng lúc ấy Lư đang nằm ngủ trên chiếc võng máng qua hai chạc cây trong rừng, khuôn mặt còn non dại của nó khi ngủ trông thật bình an ngây thơ. Những viên đạn đi xuyên qua người Lư rất nhanh chắc nó không kịp thấy đau. Tôi kể cho Lư nghe sự mường tượng của tôi và Lư nói, "Mới mấy ngày trước đó Lư còn dắt Ly đi quán cà-phê. Ừ sao tự nhiên bữa đó về nhà rồi quyến luyến không muốn đi nữa, đã tính trốn vậy mà sợ ở tù lại cũng đi. Đù mẹ chiến tranh, Ly hả?" Rồi Lư cười, đôi môi đỏ hồng như con gái, "Giờ thì khỏe rồi. Không thèm làm lính tráng gì nữa. Lư vẫn cặp kè đi chơi với Đen đều đều thôi. Đen xì ke Ly à, nhưng Lư không bắt chước nó đâu."
Mặc Lưu lăng xăng chạy lui chạy tới, tôi đi xuống bếp với Tam. Người đàn bà chỉ lớn hơn tôi mười tuổi, người giúp việc nhà, người tình cuối đời của cha tôi đây, thảo nào dạo sau này ông lại mua về những cái áo thung rất trẻ trung và mặc quần sọt như chuẩn bị đi đánh banh, lưng đột nhiên thẳng lại và trông trẻ hẳn. Tam đang lúi húi bên cái lò ga, quậy thức ăn trong nồi bằng đôi đũa tre, bối rối chào, "Cô mới về?" rồi buồn tủi, " Tôi chỉ ở thêm buổi chiều này thôi. Thăm ông rồi tôi về nhà tôi cô ạ." Tôi cười nghi ngờ, lạ lùng, "Dì thương cha tôi thật à?" Người đàn bà hai mắt đỏ hoe, cúi xuống im lặng. Tôi kiếm lời an ủi, "Dù sao cha tôi cũng đã già quá, gần tám mươi rồi mà Tam. Đừng buồn. Dì còn trẻ, còn cơ hội gặp người khác." Khuôn mặt dì Tam nghiêng cúi xuống, thầm thì, " Nhưng ông làø người tốt, rất là tốt..." Mẹ tôi thở ra, lắc đầu phì cười, "Tự nhiên già sinh tật con ơi, mẹ không thèm nói chi cả." Còn cha tôi lúng túng ho khan, "Cha thiếu tình cảm, mẹ con có đời nào thương cha đâu."
Ít ra cho đến hôm nay cha mẹ đã dịu dàng hẳn với nhau so với những ngày tôi còn bé. Vậy mà họ cũng đã sống với nhau đến hết cuộc đời, đó cũng là một thứ tình yêu dù cay đắng. Tôi về phòng, đo bằng gang bàn tay, đếm một, hai, ba,... Đây là chỗ tôi đã chôn con búp bê bằng vải Lam đã khéo tay làm. "Chị tha thứ cho anh Lưu chưa, hả Lam?" Lam cười hiền hậu, kéo tôi sát vào người, cầm chiếc lược đồi mồi chải tóc cho tôi, "Ly ơi, tóc mày bù xù như cái tổ quạ!"
Những đứa bé vờ vĩnh chạy lăng xăng vòng quanh những đống gạch đá như ba con kiến nhỏ đi tìm kho tàng của chúng. Mỗi đứa kiếm cho mình một nhành cây khô cầm tay để xoi xuống đất, nạy lên những vụn vỡ, gõ cả vào tường, làm bộ áp tai xuống mặt đất nghe ngóng. Hai đứa con trai nản chí sớm xoay qua trò chơi đấu kiếm, đấu súng rồi đấu bằng bom nguyên tử của người địa cầu cùng với sinh vật hỏa tinh, đất cát ném qua ném lại ào ào. Đứa bé gái nhặt một miểng gạch nhỏ, bặm môi khắc bốn chữ "LAM ĐÃ Ở ĐÂY" lên bức tường đổ. Nó phải đè mạnh tay lắm chữ mới hiện ra được. Viết xong chữ Y, nó nhoẻn miệng cười.
Chợt nhìn thấy một mảnh cạc-tông đã vàng ố mục rã treo lủng lẳng dưới hàng chữ của nó vaiø gang tay, đứa bé gỡ ra, cúi mặt nhìn vào. Giữa khoảng hổng của bức tường có một con búp bê bằng vải đã cũ, bé bằng cái lon nước... Đứa bé reo lớn lên, tim đập nhanh trong ngực. Nó cầm con người vải nhỏ tí trong tay, sung sướng kinh ngạc như bất ngờ tìm lại được một vật quí giá đã mất. Có gì như quen thuộc. "Mình đã từng nhìn thấy con búp bê này rồi, nhưng hồi nào, ở đâu?" Nó cố moi óc ra mà nghĩ.
Rồi đêm cũng thật êm ả nhẹ nhàng trong căn nhà của cha mẹ tôi. Họ đã vào phòng nghỉ sớm sau khi bảo tôi đừng bận tâm về cái trượt té của mẹ trên cầu thang.
"Nói vậy thôi chớ ai mà không té hả con. Hồi nhỏ con chơi u mọi té lên té xuống, hai đầu gối đầy sẹo, máu chảy ròng ròng." Một chân mẹ gác lên đùi cha, ông quàng tay qua người mẹ, cả hai ngủ đi ngon lành như hai đứa bé. Lư ngồi đàn ngoài lan can, bên cạnh nó Lam đang ngả đầu buông giọng hát theo, tiếng mỏng nhẹ như gió.
Cái cảm giác này, không phải tôi đã chờ từ rất lâu rồi sao. Tôi đã nghĩ tôi không thể nào thật sự tự do nếu một người thương yêu nào của tôi còn đang đau khổ. Còn con búp bê vải của tôi, nó vẫn còn nằm ở cái vị trí mà tôi đã đặt nó xuống gần trăm năm về trước, vẫn xinh đẹp qua bao nhiêu thời gian, chẳng phai màu, không cũ đi một mảy may nào cả. Ban nãy tôi thật mừng rỡ tìm thấy lại nó, tuổi thơ tôi, nhưng khi tôi vừa định đưa tay để chạm tới thì bỗng dưng nó lại biến mất đi như có một bàn tay vô hình nào đó đã cầm lấy trước tôi trong chỉ một tích tắc! Cảm giác lạ, mà chẳng có gì đáng sợ – tôi đâu còn phải sợ hãi điều gì nữa đâu, cũng thật là sung sướng để nhận ra điều này. Có ai đó, cái gì đó tôi không thấy, không biết, chung quanh đây, một thế giới khác...
Nhưng căn nhà vẫn rất yên tĩnh, chỉ có gió mát rượi lùa qua những cánh cửa khoảng khoát không bao giờ khép lại. Tôi thong thả nằm duỗi xuống bên tiếng thở rất nhẹ của những cây xương rồng xanh thẫm trên đồi cát thênh thang tắm đẫm ánh trăng, trong hai mắt Mimi long lanh ướt sáng nhìn lên trời cao, có tiếng cười trong trẽo tít tắp trên mấy ngôi sao.
Và tôi cảm thấy thật là thảnh thơi./.
Toronto, 3/2001