.. phải nói, suốt bốn mùa tôi cứ đi đi về
về “đường xưa lối cũ*” lắm lúc dăm lượt mỗi
ngày (!) kỳ thực, chỉ quanh quẩn từ chỗ trọ đến
chỗ cấp bữa ăn chiều miễn phí [chỗ tranh sống!]
kể cũng lạ, mỗi bận đi đi về về, mặc
dù lặp lại theo quán tính, nhưng tôi cứ suy
nghĩ miết về vai trò của con đường! vai trò
của bóng cây hai bên đường! vai trò của xác
những chiếc lá vàng! về phần xác của những chiếc
lá vàng tôi cứ tự hỏi tại sao chúng cứ
rụng từ thời tiền chiến mãi cho đến giờ vẫn
rụng đầy rẫy trong thơ ca, trong mộng? nhiều năm
ròng rã tôi không sao nghiệm ra tại sao mình
suy nghĩ như thế (!) để rồi nổi dóa hét tướng
lên “.. về con đường, về bóng cây hai bên đường,
về xác của những chiếc lá vàng [mùa thu] đã
chết tiệt bao đời nay, trên khắp các ngả đường
bao lâu nay chúng chưa bao giờ đóng một vai
trò gì sất (!) và, cũng chả một tình cờ nào
khiến hằng ngày cứ đi đi về về lắm lúc
dăm ba bận suốt bốn mùa trên đường xưa lối
cũ!” mà kỳ thực, quanh quẩn cũng chỉ từ chỗ
trọ đến chỗ tranh sống, chỗ phát bữa ăn trưa
miễn phí (!) kể thực lạ, lắm lúc lại nẩy thêm
ý niệm, rất rắc rối, đại khái như vai trò
của chính tôi nơi cuộc đời này kèm cơ man
câu hỏi, chẳng hạn- tôi đang làm gì? tôi đang
đâu/ về đâu? tôi là ai? nhiều năm ròng rã,
vẫn không sao lý giải nổi, mãi những năm sau
này mới thấy lờ mờ.. với bao điều ấm ớ
hội tề (!) sở dĩ chúng nẩy tất bật thành ý,
tưởng này/ nọ suốt bốn mùa trên đường xưa lối
cũ, chẳng qua nhằm khiến cho có lý do hầu
dăm ba bận mỗi ngày phải đi đi về về
mặc dù chẳng làm gì, dù có làm chi đi
nữa cũng chỉ để những nghĩ suy bao đồng (…) được
dịp lặp đi lặp lại hòng có lý cớ để
nói về chẳng hạn, vai trò của con đường, vai
trò của bóng cây hai bên đường, vai trò của
xác những chiếc lá vàng, riêng về phần xác của
những chiếc lá vàng tôi tự hỏi rằng tại làm
sao chúng rụng từ thời tiền chiến cho mãi đến
giờ hãy còn rụng đầy rẫy trong thơ ca, trong
mộng (!) mặc cho việc tranh sống dành miếng ăn đổ
.. mồ hôi nước mắt, máu.
*tựa ca khúc của Hoàng Thi Thơ.