Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chẳng để ai nghi ngờ về việc hiện nay ai đang kiểm soát nước ông ta sau cuộc bầu cử tuần qua. Liên hiệp châu Âu đã hy vọng có nhiều dân chủ hơn. Nhưng hóa ra ở Belarus nhiều người thỏa mãn với tình trạng hiện tại.
Tổng thống Venezuela Hugo Chaves là một trong những người đầu tiên chúc mừng “nhà lãnh đạo châu Âu cừ khôi” Alexander Lukashenko về cuộc bầu cử của ông ta, gọi đất nước của nhà lãnh đạo Belarus này là “thành trì của phẩm giá và phồn vinh giữa lòng một châu Âu bị kích động bởi lòng tham vô độ của tư bản xuyên quốc gia”.
Trong bức điện chúc mừng của mình, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhắc đến “thêm một chương vàng của lịch sử chói lọi của dân tộc Belarus vĩ đại.”
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng gửi điện mừng, mặc dầu hơi có chút áy náy hổ thẹn với lương tâm. Ông nói, cuộc bầu cử là một “công việc nội bộ,” mô tả đất nước Belarus như một trong những nước “gần gũi nhất với nước Nga, không kể đến lãnh đạo chính trị của nó.’
“Chương vàng” mà tổng thống Iran nói là nhắc tới cuộc bầu cử ở Belarus, trong đó, theo thống kê chính thức, 7,8 triệu người đi bỏ phiếu bầu cho vị tổng thống kế tiếp vào Chủ nhật vừa rồi. Nhưng chương ấy không phải là vàng, nó là một chương đẫm máu.
Vừa mới nghe loan báo rằng lãnh tụ chuyên quyền vẫn nắm quyền (đây là thắng lợi bầu cử lần thứ tư liên tiếp của ông ta, vào lúc này số phiếu kiểm chiếm 79,7% tổng số phiếu bầu) thì hơn 10.000 công dân đã tràn ra các đường phố của thủ đô Minsk. Một mưu toan đột chiếm tòa nhà chính phủ bị thất bại. Công an chìm, hóa ra đã chuẩn bị sẵn từ trước, nện dùi cui xuống đầu những người biểu tình, bắt giam hàng trăm người và bắt đưa đi bẩy ứng cử viên tổng thống đối lập.
Những cuộc tấn công cuối tuần.
Tổng thống cũ-và-mới nói rằng “bọn cướp” đã kích động cuộc náo loạn của quần chúng, và rằng ông ta sẽ không cho phép một cuộc cách mạng xảy ra trên đất nước của ông ta. Trong biên bản lưu hiện hành, ông ta có khoảng 600 người phê phán chế độ bị kết án tù. Bộ tư pháp của ông ta đe dọa sẽ cấm tất cả các chính đảng, các phong trào và các công đoàn có thành viên đã tham gia vào cuộc biểu tình phản đối này - làm như những tổ chức như thế có tồn tại thật. Vào dịp cuối tuần, cảnh sát tấn công nhà ở và văn phòng của nhiều nhà hoạt động đối lập.
Đây là sự trở lại tồi tệ những thời đã qua, và nó gây ra một cuộc khủng hoảng quan hệ công khai với Tây Âu. Hai ngày sau cuộc bầu cử, 27 nước thành viên Liên Hiệp châu Âu nhận xét rằng họ đã có những “cảm giác tồi tệ” về những hình ảnh đến từ Minsk. Vào tháng Giêng, EU sẽ quyết định xem có lập lại những trừng phạt trước đây với chế độ ở Minsk hay không.
Chỉ mới năm ngoái, các chính trị gia ở Brussels, khi nêu lên việc giảm bớt căng thẳng trong lãnh địa của nhà độc tài dài hạn Lukashenko, đã dỡ bỏ một lệnh cấm vào EU áp đặt năm 2006 lên Lukashenko và khoảng ba chục người theo ông ta. Châu Âu viện lẽ rằng Belarus đã có những bước tiến tích cực, trong đó có việc thả các tù nhân chính trị và chấp nhận hai tờ báo đối lập. Ngay sau đó ông ta đã được mời tham dự lễ ra mắt chương trình Cộng tác viên phương Đông của EU, được tổ chức ở Prague. Động thái này đã khiến tờ báo Minsk Komsomolskaja prawda (Sự thật Thanh niên cộng sản) hoan hỉ, gọi Lukashenko là “một tay chơi hợp pháp trong chính trường châu Âu.”
Nhưng như cuộc bầu cử gần đây ở Minsk cho thấy, ông ta hoàn toàn không phải thế. Một lần nữa, các nhà quan sát phải tự hỏi, động cơ nào đã thúc đẩy con người 56 tuổi con của một công nhân dệt và ông ta đã kiên trì xoay sở như thế nào để giành được sự ủng hộ của nhân dân, bất chấp mọi sự phản đối.
Một đa số im lặng
Ổn định và thịnh vượng vừa phải, một đường lối dân tộc chủ nghĩa và một phe đối lập không răng - đấy là ba nguồn gốc mà từ đó Lukashenko lấy ra quyền lực và sự tự tin của ông ta. Mấy tháng trước cuộc bầu cử, ông ta tăng dần trợ cấp hưu trí cho 2,5 triệu người về hưu lên đến 20%, và sang năm tới ông trù tính tăng gấp đôi tiền lương của các bác sĩ và giáo viên.
Đất nước này đã có thời là trung tâm công nghiệp và nơi sản xuất vũ khí cho Liên xô, quả thật gần đây đã có một số thành công. Kinh tế đã tăng trưởng khoảng một phần ba kể từ 2005. Xuất khẩu nông sản tăng sáu lần trong 10 năm qua, vì Lukashenko đã cho hiện đại hóa các tổ hợp sữa và bán được 15.000 máy kéo. Chính phủ khoe rằng không có nước nào khác trong các khu vực hậu Xô viết xây dựng nhiều nhà ở tính theo đầu người như Belarus.
Theo một điều tra của Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus, có cơ sở ở Lithuania, 51 phần trăm người Belarus tin rằng đất nước họ đang phát triển một cách mỹ mãn, (con số này năm 2001 là 38 phần trăm). Cuộc điều tra cũng cho thấy đa số những người trẻ trung thành với Luakshenko. Có vẻ như nhà độc tài Minsk là tổng thống của một đa số im lặng, họ sẽ tiếp tục bao dung ông ta chừng nào họ cảm thấy kinh tế đang trên đà hồi phục.
Gần như nằm ở trung tâm của châu Âu, cách Berlin 625km, lãnh địa của Lukashenko tượng trưng cho một kiểu phát triển không theo những gì mà phương Tây đã hình dung. Gần hai mươi năm sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, các chế độ độc tài đã trở nên định hình ở hầu hết các nước cộng hòa cũ của nó.
Ổn định, trật tự và bình yên
Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã trị vì Kazakhstan trong hơn hai thập niên. Ở Uzbekistan, nhà độc tài Islam Karimov có lần đã cho các lực lượng an ninh của ông ta bắn gục hàng trăm người biểu tình. Cuộc “Cách mạng Cam” theo phương Tây ở Ukraine đã thất bại, và bây giờ đất nước này đang quay trở lại phong cách lãnh đạo chuyên quyền. Cuối cùng ở nước Nga, tổng thống Vladimir Putin đã thiết lập một hệ thống cai trị độc đảng được quét một nước vôi bằng các đảng cùng phe biết vâng lời.
Tất cả các chế độ này phụ thuộc vào một hệ thống đàn áp được kế thừa, tiến hành bằng các cơ quan tình báo và cảnh sát. Và quyền lãnh đạo trong mỗi nước nhờ ở một dân chúng bị khốn khổ vì đồng tiền mất giá, những cuộc khủng hoảng và cuộc sống bấp bênh, không chấp nhận thay đổi và đặt cược vào ổn định, trật tự và yên ổn.
Đây cũng là trường hợp của Lukashenko ở Belarus, nơi mà cơ quan tình báo vẫn còn được gọi là KGB. “Nhiều người cảm thấy chế độ xô viết không tồi. Người ta nhận thức những năm đầu 1990 như một cú sốc và tin rằng Lukashenko sẽ kéo họ ra khỏi chỗ đó” nhà chính trị học Pavel Morosov ở Minsk nói. “Nhiều người muốn mọi việc cứ như cũ.” Lukashenko cũng tự vẽ chân dung ông ta như một chiến sĩ đấu tranh cho chủ quyền của Belarus và “một người ở giữa” trấn giữ pháo đài giữa những tiếng gọi quyến rũ của Liên hiệp châu Âu và sự thô bạo ngày càng tăng của người Nga, kẻ muốn giữ đối tác nhỏ bé của mình trong vòng kiểm soát thắt ngặt hơn.
Người Belarus sợ rằng những liên hệ gần gũi hơn với nước Nga có thể cho phép các công ty quốc doanh của Moscow mua những doanh nghiệp của họ, trong khi những cải cách kinh tế thị trường mà EU muốn thấy có thể làm cho lạm phát và thất nghiệp tăng lên. Trái lại, Lukashenko đang đặt những hy vọng của ông ta vào những nguồn tư bản mới Venezuela, Iran và Trung Hoa. Bắc Kinh muốn hiện đại hóa đường sắt ở Belarus và sân bay Minsk, và để đổi lại, nó sẽ nhận một trạm chặn thông tin liên lạc.
Sự mỉa mai bị bỏ qua.
Sự yếu ớt của phe đối lập là một trong những lý do khiến Lukashenko không bị trách về sự hung bạo của công an bộc lộ ra trong ngày bầu cử. Dân chúng không đánh giá cao các lãnh tụ đối lập. Họ bị coi là những kẻ quá tự yêu mình, độc đoán và bị các lực lượng nước ngoài kiểm soát. Nhưng có lý do tại sao họ lại phụ thuộc tiền ủng hộ từ phương Tây: phe đối lập thiếu sự ủng hộ của tầng lớp doanh thương tư nhân [trong nước].
Đại sứ Hoa Kỳ ở Minsk, rất năng động, đã nhiều lần chỉ ra sự thiếu hụt này trong những báo cáo gửi về Washington. Trong một bức điện đề ngày tháng Hai năm 2006, trước kỳ bầu cử tổng thống của năm ấy, đại sứ Mỹ George Krol đã mô tả sự ủng hộ cho Lukashenko là “đáng kể” và chế độ này là “mạnh”. Phe đối lập, Krol tiếp tục, chưa có khả năng thuyết phục người dân Belarus rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn dưới một nhà lãnh đạo mới. Nhưng phe đối lập cũng ít có cơ hội để thảo luận những thay đổi với Lukashenko, bởi vì cục tình báo thường xuyên cho vào tù và làm thối chí những người phê phán chế độ.
Mùa thu này, RockerJocker, một nhóm nhạc pop Minsk, đã xuất hiện với bài hát được ưa thích nhất trong năm, một bài hát có tên “Ở lại với chúng tôi, Sanja.” Sanja là biệt hiệu của Lukashenko. Lời bài hát ca ngợi bầu trời xanh của đất nước, những bà mẹ hạnh phúc, những đường phố sạch đẹp và dịch vụ xe buýt đáng tin cậy, và mô tả Belarus là “nơi sạch nhất thế giới.”
Lukashenko đã khôn ngoan mua bản quyền bài hát và cho hát khi ông xuất hiện trong chiến dịch bầu cử. Nó cũng được hát mỗi ngày nhiều lần trong đài phát thanh của chính phủ. Phần lớn người Belarus say sưa nghe bài hát, và tin rằng lời ca là những hứa hẹn mà tổng thống của họ dành cho họ. Không mấy ai nhận ra rằng những lời ấy có nghĩa mỉa mai.
010111
Ảnh: AFP/ Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko chẳng để lại chút nghi ngờ nào về việc hiện nay ai đang kiểm soát nước ông ta.
Hiếu Tân dịch từ bản tiếng Anh của Christopher Sultan
Nguồn: http://www.spiegel.de/international/europe/0,1518,736658,00.html
Bài liên quan:
Belarus của Lukashenko: chịu chấp nhận một bạo chúa châu Âu.
Wikileaks, theo kiểu Belarus.
Belarus có thể là một nước xa xôi, nhưng chúng ta phải đối mặt với một Mugabe châu Âu.