Những năm trước, chậm nhất là hai mươi sáu Tết, tôi đã vừa thong dong, vừa tươi tỉnh, vừa khoan khoái khi ngồi trên tàu về quê. Năm nay, đến ba mươi Tết rồi, mà tôi vẫn còn ở đây, với vợ con, trong căn nhà giữa phố ồn ào, lòng trống huơ, dửng dưng không hề gợn một chút cảm giác Tết. Vậy là không thể về được nữa rồi. Sao không bực bội! Tôi đi ra lơ ngơ, đi vào thờ thẫn. Ngồi bần thần, nằm rã rượi. Chốc chốc, ra đứng tựa cửa, mắt xa xăm, tay buông thõng. Dáng vẻ ủ rũ, có lẽ trông tôi y như cây chuối cụp lá, vàng nhợt sau mùa lụt trong vườn quê thuở nào. Cái cách phố lạnh lùng, thờ ơ với Tết, càng khiến tôi đờ đẫn nhớ Tết làng quê.
Hằng năm, từ rằm tháng chạp, khi nắng chớm xuân ấm áp trải khắp ruộng đồng, cha tôi đã hì hục đốn hạ những cây sầu đông trong vườn, rồi đẵn khúc và bửa nhỏ thành củi, phơi đầy sân, đầy ngõ. Củi cây sầu đông phơi được nắng thoang thoảng mùi thơm, pha chút hăng hăng, gây cảm giác dễ chịu, cùng với ý nghĩ mẹ và em gái sẽ có một cái Tết được nấu nướng thoải mái, nhàn nhã bằng củi. Chứ không phải chịu cảnh lui cui ngồi dính rịt trong bếp, không dám rời đi nửa bước, luôn tay cầm đũa bếp đùn đẩy rơm rạ, hoặc lá tre, lá mít, lá chuối khô... vào lửa. Khói bếp ùn tỏa cay xè, ràn rụa mắt mẹ, mắt em. Nhưng, dường như làn khói bếp lại ngần ngại bay lên cao, vào không trung. Như thể bay lên sẽ phai, sẽ loãng, sẽ tan đi hơi ấm. Là mất, là hết, là vô tâm, là đoạn tình đoạn nghĩa với bếp lửa, với tình người. Nên cứ là đà, quấn quít, vấn vương, bịn rịn trên mái tranh. Những sáng sớm trong lãng đãng mù sương, những chiều tà trong nhàn nhạt nắng, hình ảnh làn khói lam vật vờ uốn lượn quyến luyến mái tranh, hư ảo trên nền xanh thẫm của lũy tre làng, vẫn ngàn đời lắng đọng niềm yên ả, êm đềm trong lòng người xa quê.
Trong khi cha lo toan chuyện củi lửa, phần việc của tôi là quét váng nhện, bụi bặm khắp nhà trên, nhà dưới. Sau đó, lau dọn và trang trí bàn thờ. Sao cho đến trưa hai mươi ba phải xong đâu vào đó. Để kịp chiều tối hôm ấy lễ đưa ông táo về trời. Những giá ảnh và di ảnh ông bà trên bàn thờ được lau rất cẩn thận. Tấm vải điều phủ bên trên cũng được giặt sạch sẽ, thơm tho. Mấy bộ lư hương, chân đèn bằng đồng được đánh sáng bóng. Chân tàn hương, cha mẹ tôi bảo phải đặt vào thùng thiếc rồi đốt, không được vứt bừa bãi. Nếu làm thế là thất kính đối với người khuất mặt, là mang tội. Cát trong nồi hương, dứt khoát phải thay mới. Mẹ buộc tôi đi lấy cát tận dưới lòng sông, về phơi thật khô, rồi mới thay cát cũ.
Bình thường, cha mẹ tôi đã đặc biệt chú trọng việc cúng kính. “Cúng phải kính”, cha mẹ tôi thường căn dặn mỗi lần kỵ giỗ. Trước hết, trên bàn thờ phải có hoa và quả, theo vị trí nhất định: đông bình tây quả. Tiếp đến, ly nước trong (để ông bà súc miệng), đĩa trầu cau. Thức cúng phải bày biện cân đối, tề chỉnh. Khi thắp hương, phải cắm bằng hai tay, thẳng đứng, không đươc nghiêng xiêu. Hễ thờ tự phải thanh sạch, thành kính, cha mẹ tôi luôn khuyên răn con cái. Những điều có vẻ nghiêm ngặt như thế, tự bao giờ đã thấm trong tiềm thức tôi tình cảm quý trọng tổ tông, nguồn cội.
Chuẩn bị Tết, mẹ và em gái tôi có quá nhiều việc để làm. Đầu tiên, soạn tất cả chén bát, đũa muỗng, ly tách, ấm trà, bình rượu... trong chạn ra rửa kỹ, phơi phong khô ráo, rồi xếp trở vào. Những đồ đạc này chỉ dùng riêng cho dịp cúng giỗ, đám tiệc và tết nhứt mà thôi. Sang ngày mai, mẹ đi chợ mua kiệu, hành, ca-rốt, củ cải... về cùng em gọt, xắt, phơi... chuẩn bị cho món dưa kiệu truyền thống không thể thiếu. Mới nghĩ tới thẩu dưa kiệu tim tím, đo đỏ... bắt mắt là đã nghe thèm bánh tét, bánh rò rồi. Đến ngày kia, mẹ với em rang nếp, rang đậu, rồi xay thành bột thơm phức để chuẩn bị làm các thứ bánh: bánh in, bánh tổ, bánh dẻo, bánh nổ... Nhưng đến công đoạn cuối cùng, trộn, chà, in, nện... là phần việc của cha con tôi. Những chiếc bánh sắc cạnh,thơm nức, ngó phát thèm lần lượt ra khỏi khuôn chỉ chờ sấy nữa là cho vào thùng, vào hộp. Cứ thế, cả nhà ngày nào cũng bận bịu đến khuya lơ khuya lắc. Nhưng niềm vui, tiếng cười tràn ngập, căn nhà càng thêm ấm cúng.
Sắm sanh, chuẩn bị ăn Tết, người dân quê vẫn quen tự tay mình làm lấy các món ăn, bánh trái, bằng vật liệu cây nhà lá vườn, do chính công sức, mồ hôi của mình tạo ra. Hớp ngụm trà, nhâm nhi chiếc bánh, ta sẽ liên tưởng bột đậu, bột nếp mềm mịn, thơm lựng thế này là thành quả của bao ngày cày sâu cuốc chín, dầm mưa dãi nắng, thức khuya dậy sớm... Mồ hôi người từng gieo vào đất, thì đất sẽ lại trả ơn người bằng những mùa vụ ruộng đồng lúa nếp trĩu bông, bằng những chum lu ắp đầy đậu bắp. Để rồi, mỗi năm một lần, chỉ có dịp Tết, người dân quê mới thực sự thong thả, xúm xít cùng nhau thưởng thức hương vị các món ăn Tết. Và, chỉ có dịp Tết, người dân quê mới khoan khoái, an nhàn tận hưởng hương vị cuộc sống. Cũng chính vì thế mà cái Tết ở làng quê là sự bừng lên rõ rệt nhất.
Cứ thế, không khí chộn rộn chuẩn bị Tết, khiến xóm làng vốn tĩnh lặng cả năm, bỗng bừng thức dậy từ giữa tháng chạp. Nhà nhà tất bật dọn dẹp sửa sang, cười nói rộn rã. Ngoài đường, hối hả kẻ bán, lật đật người đi mua. Rải rác từng nhóm đôi ba cô cậu đi làm ăn phương xa về nhà ăn Tết, tay xách vai mang, lỉnh kỉnh quà cáp, tinh tươm quần áo. Đường làng bỗng tươi tắn sắc màu, rộn ràng chào hỏi. Trẻ em hí hửng đùa nghịch, tung tăng chạy nhảy, hồn nhiên khoe nhau quần áo mới toanh, được cha mẹ, anh chị vừa sắm cho. Hàng xóm láng giềng í ới, lao xao hỏi mượn, trao đổi nhau ô nếp, lon đậu, bát đường... Hoặc nhờ chú, nhờ anh khéo tay gói giúp ang nếp bánh tét, bánh rò. Eng éc tiếng heo kêu làng trên xóm dưới, phía trong đầu ngoài. Người ta xôn xao mổ heo chia nhau cùng ăn Tết. “Có đói cũng ba ngày Tết, có hết cũng ba ngày mùa”, đó là cách người nông dân tự tưởng thưởng chính mình, sau thời gian nhọc nhằn làm lụng. Xong nhà ông Hai, đến nhà bà Ba, rồi nhà chú Lúa, nhà cô Nếp..., nhộn nhịp lễ cúng tất niên kể từ ngày hai mươi ba, liên tục tới chiều ba mươi. Nhà nào cũng sum họp, tề tựu đông đủ ông bà, con cháu, dâu rể... Ấm cúng, đề huề. Và chắc chắn không bao giờ thiếu hàng xóm láng giềng. Những người luôn sẵn lòng sẻ chia lúc tối lửa tắt đèn. “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, chỉ có nơi làng quê, chỉ có người dân quê mới nghĩ, mới hiểu, mới nói, mới làm điều đó một cách vô tư nhất. Nghĩa xóm tình làng thấm đẫm, chứa chan.
Rồi cũng đến chiều ba mươi Tết, mọi việc hầu như đã xong xuôi. Nhà cửa, đường làng khang trang hẳn lên. Nhịp Tết của xóm làng lắng xuống một chút. Khi đêm dần buông, mọi người chờ đón giao thừa. Ngoài sân, bàn cúng đã được trang trọng bày sẵn. Trong nhà, bàn thờ tổ tiên cũng đã đầy đủ bánh trái, hoa quả. Khi phút giây giao hòa của năm cũ và năm mới điểm, hương đèn được thắp lên. Cha tôi trịnh trọng áo dài, khăn đóng, quỳ lạy, khấn vái. Khoảnh sân rộng, trong đêm trừ tịch, giữa đất trời mông mênh, kỳ vĩ, tôi nghe như hồn thiêng quê cha đất tổ lung linh trong ánh nến, kỳ ảo trong nghi ngút khói hương, khói trầm. Vào nhà, chắp tay trước bàn thờ tổ tiên trang nghiêm, tôi cảm nhận mối gắn kết thiêng liêng về cội nguồn tộc họ, về tôn ti thứ bậc họ hàng.
Tất cả những điều rất bình thường, rất giản dị như thế ở làng quê, mà tôi chưa hề cảm nhận suốt gần hai mươi năm nơi phố xá xa hoa này, thì lòng tôi sao khỏi trống huơ, vắng lạnh, hẫng hụt, khi mỗi độ Tết đến, người ta kéo nhau về quê sum vấy, đoàn tụ, bỏ mặc thị thành buồn thiu, ngơ ngác. Có tôi trong nó, thẫn thờ, khắc khoải, chiều ba mươi nát ruột hát bài “Về quê”. Để rồi nghẹn giọng “...thiếu quê hương ta về ta về đâu???” . Và bật khóc ngon lành.
Nhiều khi, thả trôi cảm xúc dập dềnh theo dòng hồi ức miên man, bằng giọng trầm buồn, nửa như có chủ ý, nửa bâng quơ, mẹ kể: “Hồi nớ, cha con đem cái núm rún của con chôn sau vườn, gần bờ tre, giữa bụi chuối và gốc mít”. Cuống rốn ấy đã hóa đất từ lâu lắm rồi. Nó vẫn quẩn quanh, loay hoay trong lòng đất, chỗ gốc mít, bụi chuối, bờ tre xa xưa... Nó là một phần máu thịt của tôi, cũng là của mẹ, của cha tôi. Thử hỏi chiều cuối năm rồi, mà quê nhà vẫn mịt mờ, xa lắc xa lơ, làm sao mình khỏi nát lòng nát dạ, khỏi thắt ruột thắt gan?! ./.