Hannah Beech/Rangoon, 29/12/10, TIME, Hiếu Tân dịch
Nguồn: Aung San Suu Kyi: Burma's First Lady of Freedom
http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2039939-1,00.html
Bọn mật vụ này đã săn đuổi chúng tôi khắp thành phố trong nhiều giờ qua những đường phố ma ám, bết đầy quết trầu của Rangoon cổ, lướt qua trước mặt những thợ may vỉa hè đang gập cong người trên những chiếc máy khâu cổ lỗ và qua những giá sách ngoài trời chất đầy những sách mọt gặm, những Orwell và Kipling. Chẳng làm sao giũ nổi lũ đuôi cuối cùng - bọn an ninh quốc gia - theo sát chân chúng tôi, chúng tôi nhảy sang một chiếc taxi khò khè, kiểu cổ lỗ sĩ giữa thế kỷ 20. Người lái xe trẻ mở to mắt nhìn những người nước ngoài ném mình vào sau xe và quát bảo xe chạy - nhanh!. Khi xe đã lao đi, anh ta cho chúng tôi biết lập trường của anh ta bằng cách rút ra từ trong túi áo sơ mi một tấm hình mỏng. Tất nhiên, đó là bức hình Phu nhân.
Aung San Suu Kyi, người đàn bà Burma 65 tuổi đoạt giải Nobel Hòa bình, được giải thoát khỏi quản thúc tại gia hôm 13 tháng 11, không có mặt trong xe với hai đồng nghiệp của chúng tôi và tôi. Nhưng bà luôn được mang trong trái tim - và ảnh bà trong túi áo, trong mề đay và trong những nơi cất giấu bí mật - của hàng triệu người dân Burma. Nằm trong số những dân tộc nghèo khổ nhất và bị áp bức nhất trên thế giới, tâm hồn họ được nuôi dưỡng bởi hình ảnh người phụ nữ duyên dáng này, người chỉ có những nguyên tắc phản kháng bất bạo động làm vũ khí, đã dám đứng lên đối đầu với những tướng lĩnh kiểm soát Burma trong gần năm thập kỷ. Mười lăm năm trong số 21 năm qua, chế độ quân phiệt luôn giữ bà trong vòng giam hãm. Nhưng nếu những viên tướng này muốn Suu Kyi lu mờ đi trong quên lãng thì chúng đã thất bại. Những năm tháng dài giam hãm đã biến bà thành người tù chính trị nổi tiếng nhất thế giới. Nổi lên từ bảy năm giam cầm gần đây nhất, bà quyết định chiến đấu cho các quyền tự do công dân của 50 triệu dân Burma. “Điều chúng tôi kêu gọi là thay đổi cách mạng bằng phương pháp hòa bình” bà nói với tôi trong cuộc gặp gần đây ở Rangoon. “Tôi không sợ nói ra điều đó, tôi không sợ yêu cầu mọi sự giúp đỡ mà tôi có thể có được.”
Phạm vi mà bọn quân phiệt cố gắng ngăn chặn Phu nhân, như Suu Kyi được mọi người ở mọi nơi biết nói đến một cách trìu mến, là đáng kể. Vì từ chối tham gia vào một cuộc bầu cử lừa đảo hồi tháng 11 trong đó đảng thân giới quân phiệt đã thắng cử, đảng của Suu Kyi - Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) - đã bị tước đi các quyền chính trị. NLD đã thắng áp đảo trong các cuộc trưng cầu dân ý năm 1990, thắng lợi lẽ ra đã khiến Suu Kyi trở thành Thủ tướng của đất nước. Nhưng khi đó nhóm tướng lĩnh quân phiệt đã phớt lờ phán quyết của nhân dân, và một hiến pháp mới trong đó có những điều khoản được đặc biệt soạn ra để vĩnh viễn đẩy bà xa khỏi cương vị lãnh đạo của Burma.
Từ năm 1962, các tướng lĩnh dạn dày chiến trận đã đánh bại những người cộng sản khởi nghĩa, những đội quân của các sắc dân thiểu số, và ngay cả các chính phủ phương Tây áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên chế độ này. Nhưng họ vẫn hành động như thể không có kẻ thù nào lớn hơn người phụ nữ mảnh mai này, với đóa hoa cài trên mái tóc. Nỗi sợ hãi Suu Kyi của họ không phải hoàn toàn không đúng chỗ. “Chúng tôi nghĩ lãnh tụ của chúng tôi là người phụ nữ lý tưởng, không chỉ cho Burma mà còn cho toàn thế giới,” Aye Aye Nyein, một giáo viên và đảng viên cánh trẻ NLD nói. “Người Burma chúng tôi sống trong một nhà tù. Bà dạy chúng tôi cách chiến đấu cho tự do.” Và tất nhiên, niềm khao khát tự do chung ấy là lý do khiến bọn an ninh săn lùng chúng tôi, chụp trộm hình chúng tôi bằng những máy ảnh có ống kính têlê dùng cho bọn paparazzi Hollywood. Sáng sớm hôm nay, ít nhất có đến hàng chục tên sĩ quan đặc vụ săn lùng chúng tôi, gọi vào máy điện thoại di động của chúng báo đường đi của chúng tôi.
Người tài xế taxi chỉ cần vài phút là hình dung ra chúng tôi có đuôi bám theo. Quay lại chỉ vào chiếc xe con đằng sau gần như tông vào xe chúng tôi, anh ta cười toác miệng và dấn ga. Trong hơn nửa giờ, cuộc săn đuổi cao tốc của chúng tôi vòng vèo qua các đường phố của thủ đô cũ mốc meo của Burma, qua những xác nhà của các tòa dinh thự chính phủ phong cách Victoria bị bỏ không khi bọn quân phiệt bí mật dời trụ sở chính quyền về những đồn lũy xa xôi cách đây năm năm. Chúng tôi chạy vòng quanh ngọn tháp vàng đồ sộ của ngôi chùa Shwedagon, một địa điểm linh thiêng nhất của Burma, và lao nhanh qua bên cạnh cái bóng to đùng của nhà tù Insein, nơi Suu Kyi đã có lần bị tù và là nơi mà một số trong 2200 tù chính trị của nước này vẫn đang héo mòn trong đó.
Trời chạng vạng tối. Gầm rít lao vào một chợ họp ngoài trời, chiếc taxi cuối cùng cũng giũ bỏ được bọn đuổi theo chúng tôi. Với lòng biết ơn, chúng tôi nói lời chào tạm biệt anh lái xe. Một lần nữa anh lại thò tay vào túi áo, lấy ra tấm hình Suu Kyi đưa tặng tôi như một món quà. Tôi cảm động, bởi vì đây là lá bùa mà anh ấp ủ. Tôi có thể rời Burma. Anh ấy cần Bà để bảo hộ cho anh an toàn.
Cuộc đấu tranh trường cửu
Chiếc xe ngựa của bà vương giả. Giọng tiếng Anh của bà không chê vào đâu được, những bông hoa bà thường xuyên cài trên mái tóc dường như không bao giờ héo, ngay cả dưới cái nóng hầm hập của Burma làm cho mọi thứ khác như rũ xuống. Trong văn phòng của NLD, với anh điện chập chờn lúc có lúc không, và những tấm bản đồ mốc meo treo khắp các bức tường bê tông, Suu Kyi lướt đi như sự hiện diện của một người từ cõi khác, bình thản và điềm tĩnh khi những người khác xúc động đến cuồng lên. Kể từ khi bà được trả tự do khỏi quản thúc tại gia vào giữa tháng 11, ngày của Suu Kyi bị chia nhỏ và nhỏ nữa, thành những đoạn một giờ và mười lăm phút, trong đó bà gặp hàng đoàn người nhiều đến chóng mặt, những nhà ngoại giao nước ngoài, những bệnh nhân AIDS, những giám đốc các tổ chức phi chính phủ, các nhà kinh tế địa phương, các quan chức Liên Hiệp Quốc và những thân nhân tù chính trị. Thậm chí tháng 12 bà còn trò chuyện qua điện thoại với cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush, người đã ủng hộ sự nghiệp của nhân dân Burma.
Nhưng ngay cả khi thế giới quan sát Burma với sự quan tâm mới, sau khi Suu Kyi được trả tự do, thì bà vẫn chưa được gặp những người mà bà muốn nói chuyện nhiều nhất. Chế độ đã phớt lờ những đề nghị lặp lại nhiều lần của bà về đối thoại hòa giải dân tộc. Từ khi trả tự do cho bà, nhóm tướng lĩnh đối xử với bà như thể bà không tồn tại, không nhắc đến tên bà trên báo chí trong nước, và mặc dầu lịch làm việc của bà bận rộn và những đám đông khổng lồ vây bọc bà mỗi nơi bà đến, họ hy vọng rằng bà sẽ thu nhỏ mình lại cách nào đó để trở nên không thích hợp nữa. “Tôi muốn tôi có thể ngồi uống trà với họ mỗi buổi chiều thứ bẩy, một cách thân mật” bà nói về các viên tướng, những kẻ đã không cho phép người chồng sắp chết của bà đến Burma lần cuối vào năm 1999. Và nếu họ từ chối một tách trà ngon? “Thì chúng tôi vẫn có thể thử mời cà phê,” bà nói một cách thất vọng.
Chuyện vị Phu nhân chống lại các viên tướng hoàn toàn không phải là câu chuyện đơn giản về cái thiện thắng cái ác, điều đang xảy ra ở Burma có ý nghĩa toàn cầu. Bị kẹp giữa hai cường quốc mới trỗi dậy, Trung Hoa và Ấn Độ, Burma nhạy cảm về mặt chiến lược, là một mảng cực kỳ quan trọng trong Trò chơi mới của chính trị toàn cầu. Đây không phải một chế độ toàn trị tù đọng như Bắc Triều Tiên. Mặc dầu nhiều chính phủ phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận lên chế độ quân phiệt vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nó, một cuộc tranh đua mới đang bộc lộ ra trên đất nước nằm ở giao lộ này: các cường quốc khu vực tranh nhau để tiếp cận đến nguồn khí tự nhiên, gỗ và khoáng sản phong phú của Burma. Trung Hoa, vốn kẹt tài nguyên, đang xây dựng những đường ống dẫn dầu và khí xuyên qua Burma để tạo ra đường huyết mạch cung cấp nhiên liệu cho động cơ kinh tế của nó. Các quan hệ nồng ấm của Bắc Kinh với Burma đã làm kinh hãi nước Ấn Độ dân chủ, nước này đã đổi những lời lên án bọn quân phiệt trước đây lấy các sứ mệnh thương mại, một lập trường đã khiến tổng thống Barach Obama mất lòng công chúng khi ông đến thăm Ấn Độ vào tháng 11. Đối với nhóm quân sự chóp bu của Burma - những kẻ có trong tay một quân đội 400.000 người, và một hồ sơ nhân quyền đầy hiếp chóc, tra tấn và lao động cưỡng bức, các cải cách dân chủ không chỉ có nghĩa là xóa bỏ uy quyền chính trị tối cao, mà còn là từ bỏ những cơ hội bòn rút của cải từ kho bạc đang không ngừng lớn lên của nhà nước.
(còn tiếp)