1.
Tập thơ Ô Cửa của Trần Hoài Thư dày 380 trang, gồm 247 bài thơ. Có lẽ đây là tập thơ mà anh “ tâm huyết” nhất, sau khi đã “tổng hợp” lại tất cả những bài anh đã làm trong suốt ba mươi năm (?), lấy cái mốc tháng tư, một chín bảy mươi lăm. Tháng có nhiều nghiệt ngã và bạc bẽo ( chữ của anh Đặng Tiến ).
Mở đầu tập Ô Cửa, THT viết: “ Thấm thoát hơn ba mươi năm tôi xa bạn, và 25 năm tôi ở xứ người. Tôi bây giờ như con ốc mang hồn đi hoang.Vỏ tôi đó nhưng hồn tôi trôi dạt...Hồn tôi xin được gởi trên những trang chữ nghĩa của tập thơ này. Xin được gởi đến bạn như là một món quà văn nghệ của một người bạn cũ từ lâu xa cách.”
Lời mở cho một tập thơ dày 380 trang chỉ bằng đó con chữ. Theo tôi: vừa đủ nhưng cũng không thiếu những ý, những từ mà anh đã trải lòng mình trong tập thơ để gởi đến bạn bè ngày hôm nay.
Với 247 bài, tập Ô Cửa chia làm 6 phần:
* Dưới Trời Khói Lửa ( 80 bài)
* Tình Si ( 61 bài)
* Lao Khổ Rừng Chàm ( 6 bài )
* Quê Nhà Bỏ Lại ( 23 bài)
* Bạn Bè ( 7 bài )
* Cõi Riêng ( 70 bài )
Tôi nhận được 2 tập Ô Cửa do anh gởi tặng. Tập đầu xuất bản tháng 10 năm 2004. Và, một năm sau, đúng vào tháng 10 năm 2005 tái bản lần thứ hai. Nhưng với tập tái bản lại lần thứ hai, người đọc dễ dàng tìm đọc những bài thơ nào trước, nào sau ( theo ý thích ) hơn tập xuất bản đầu tiên. Tôi viết bài này khi nhận tập Ô Cửa mà anh tái bản ( tháng 10-2005)
Tại sao anh chọn đề cho tập thơ là Ô Cửa? Theo tôi, có lẽ hình ảnh những ô cửa từ trong ngôi trường cũ ngày nào; mà nơi ấy: thầy, bạn bè đã một lần hay nhiều lần vẫn mãi mãi hiện diện trong tâm thức của anh.
“Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa
Để tôi về đếm những đám mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những con chim từ xa vắng lạc bầy
.....
Tôi sẽ về để biết mình bé dại
Hôm nào đây chạy đuổi cuộc hành trình
Sông nuí ấy hai bên bờ ngăn cách
Đứa nào còn, nào mất giữa đao binh
Tôi sẽ nhớ một người tôi yêu dấu
Người nào đâu về lại giữa đêm qua
Dấu chân nhỏ như vết hài vạn cổ
Đôi mắt nào theo dõi cuộc đời ta
......
( Ô Cửa- trang 235)
Vâng. “Những con chim từ xa vắng lạc bầy” ấy đã mãi mãi còn lại trong tâm thức của anh, để anh hình thành nên một tập thơ “ đồ sộ” với 380 trang.
Trích vài đoạn trong bài Ô Cửa, có lẽ, tôi hiểu được lòng anh: bạn bè, người yêu, chiến tranh, quê hương sông núi mà “ đã theo anh” trong suốt chặng đường dài gian khổ. Chặng đường chông gai, mất mát ( tuổi trẻ) trong chiến tranh, mất mát hay nói cách khác là quá “uổng phí” trong những trại cải tạo. Cũng vì những tháng năm nghiệt ngã ấy, mà anh chỉ thấy: Bốn năm ở Trà Tiên/ Tràm xanh mờ lên mắt/ Mênh mông đầm lau lách/ Bèo lớp lớp ngụy trang. hay: Chỉ thấy đám tù binh/ ngoi ngớp cùng nước lũ...Để rồi, sau những năm cải tạo anh cũng như bao nhiêu người khác ra đi để tìm cho mình một “lối thoát” mà “tứ bề” đang vây bủa. Thoát, không có nghĩa là anh chối bỏ quê hương. Rõ ràng: bụi chuối bên đường tình cờ anh bắt gặp, thì...hình ảnh quê nhà trong máu huyết của anh trỗi dậy trên quê người:
....
Có một ngày giữa tiểu bang mênh mông
Chúng tôi đã bàng hoàng dừng xe, thổn thức
Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc
Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà
Có điều gì rưng rức trong tim ta
Khi cả một quê hương bỗng nhiên trở lại
Thấy cả vườn sau cây xoài cây mận
Bụi chuối sau hè, lu nước, mương con
Chiếc gáo dừa còn để đấy héo hon
Thấy cả bụi chuối con nép mình nhỏ bé
....
( Bụi Chuối Bên Đường- trang 244 )
Hình ảnh một “ thôn dã” mà anh đã đánh mất. Bỗng nhiên : Có điều gì rưng rức trong tim ta. Một điều gì vậy? Cây chuối mà anh đã bắt gặp trên đường đi làm nơi xứ người. Ai rồi cũng phải có một quê hương trong ngăn trí nhớ của mỗi người. Nó trừu tượng lắm. Nhưng cũng mãnh liệt lắm khi có ai nhắc đến tên một con đường, một con sông, một khu phố cũ, một cây đa bến nước mà mỗi chúng ta đã trải qua...chỉ có ai đó nhắc đến thôi, ta cũng quay quắt rồi...huống chi anh đã bắt gặp hình ảnh quê hương của anh qua “ cây chuối”
Để rồi qua hình ảnh “ cây chuối” mà anh đã bắt gặp, dù chỉ gì là vô tình, anh đã xúc động mạnh: “ Chúng tôi đã ngồi trong lòng xe, lệ ứa/ Giữa muôn trùng tiếng gọi của quê hương” Đối với một người bình thường cho dù chỉ bắt gặp một cây chuối hay một vườn chuối đi chăng nữa thì cũng chỉ ...“ a” lên một tiếng mà thôi. Còn với một người làm thơ như anh...thì khác. Khác ở chỗ anh đã “lệ ứa ” khi bắt gặp một hình ảnh thực cũng đủ để cho lòng anh thổn thức và quay quắt. Hình ảnh đó đã “ trỗi dậy” để anh nhớ về một thời thơ ấu trên quê nhà: Nha Trang, Đơn Dương, và ...Huế.
....
Da tôi sạm đen ngâm hoài nước bể
Tóc vàng hoe vì nắng lửa rừng Dương
Hồn tôi xanh, xanh rau muống Sinh Trung
Mắt dư dật, mây Hà Ra Xóm Bóng
Mười mấy năm rồi, tôi không về thăm
Cơn sóng biển đã trở thành sóng nhớ
Nha Trang ơi trái bàng khô vỏ
Đi đâu rồi cũng thương nhớ Nha Trang..
( Tuổi ấu thơ tôi ở Nha Trang – 271)
Hay, khi anh về Huế:
Bao năm đi biền biệt
Mang nỗi buồn cách xa
Con dế mèn đã ngủ
xanh xao mùa trăng xưa
...
Ôi một ngày về lại
Chắc sẽ buồn úa thêm
( Đường Lá Me- trang 153)
Khi viết về Huế, tuổi ấu thơ đã đánh mất : con dế mèn đã ngủ . Nhưng phải nói bài: Huế Gọi Ta Về đọc nghe thật dễ thương. Nhưng buồn quá đỗi. Có lẽ: Huế đã buồn rồi. Buồn từ con đường góc phố. Buồn trên những đọt cây. Buồn từ những giọng rao hàng của các O trong những đêm khuya khoắt. Buồn từ những giọt sương đêm rơi trên lá. Buồn từ ngôi nhà kín cổng, kín rào. Buồn! Phải nói như thế, cho nên, tôi đọc Huế Gọi Ta Về- trang 253 rõ ràng buồn thật. Xin trích:
Có một dòng sông mềm như dãi lụa
Có hai ngôi trường như hai tình nhân
Có một con đường mỗi ngày hai bận
Anh theo em về, qua bến qua sông
Có một chiếc cầu bắc qua thành phố
Thành phố mù sương, phố cổ mù sương
Có anh tội tình như loài cổ thụ
Em đậu trên cành làm anh bâng khuâng
.......
Nhưng tuổi thơ của anh lớn lên, cũng có thể nói lớn lên từ: giữa một vùng đầy nhạc dế xênh xang....nơi rộc rau muống, ấp Hà Thanh, Nha Trang ( anh vẫn nhắc nhiều về địa danh này trong Ra Biển Gọi Thầm). Khi anh viết về tuổi thơ, tôi vẫn thích:
Con dế nào của tuổi dại u mê
Cứ than vãn giữa đêm hè xứ Mỹ
Hay chú dế của một thời ủy mị
Đang gọi những mùa hè đã mất trong ta
Đang gọi những cánh đồng xưa bao la
Những cánh đồng ngập tràn rau muống
Ôi những ruộng đường
Những bước chân luống cuống
Giữa một vùng đầy nhạc dế xênh xang
....
Đứa nhỏ thời nào của xứ Nha Trang
Của thời Sinh Trung chưa bồi chưa lỡ
( Rộc Rau Muống- trang 262)
Rộc rau muống, nơi đây, cũng là nhà của người bạn tôi, anh Nguyễn Huy Hoàng. Anh có tiệm sách trên đường Độc Lập. Mỗi lần về NT là ngủ lại nhà anh. Nằm trên căn gác, đêm nghe tiếng dế gáy vang dưới rộc rau muống. Ấp Hà Thanh ngày xưa. Bây giờ chắc có nhiều đổi thay. Với THT, hình ảnh nào anh bắt gặp cũng gợi lên cho anh “quê nhà” trong “ ngăn nhớ” của anh, bàn bạc, nhẹ nhàng những nhiều kỷ niệm.
Cũng như nhà thơ Vũ Hữu Định, công tác một nơi nào đó, khi nhìn những cánh cò bay, ông có những vần thơ:
Buổi chiều đứng ngắm đăm đăm
Mấy thân cò dạt xiêu tầm mắt xa
Thấy gì không giữa bao la?
Mà nghe tâm động nỗi nhà quạnh hiu
( Nhìn Cò Bay, Nhớ Nhà.Thơ Vũ Hữu Định- trang 25- Thư Ấn Quán 2006)
Hay, khi nhà thơ VHĐ nghe tiếng còi tàu thôi, lòng ông cũng “khao khát và rướm máu”
“ Nhà anh ở gần ga
đêm thao thức nghe còi tàu giục giã
giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ
mấy năm không di trời đất nhỏ dần
ôi tiếng còi tàu như một nhát gươm
rướm máu lòng khao khát.
(Đêm Nghe Còi Tàu- Thư Ấn Quán 2006)
Với Trần Hoài Thư hay với một nhà thơ nào khác, tôi nghĩ cũng “ rất nhạy cảm” khi nhìn một “ ngoại cảnh”... mà thấm đẫm vào lòng.
2.
Với độc giả khi đọc Ô Cửa của nhà thơ Trần Hoài Thư, tôi nghĩ, đọc để cảm nhận cái hay những bài thơ trong tập thơ ấy. Với những con chữ bình dị. Với lối gieo vần tự nhiên không gò bó trong khi đi tìm vần...thơ anh dễ đọc và dễ gieo vào lòng người. Còn đối với tôi thì khác, Giữa tôi với anh như có một “ thiện duyên” gắn bó. (!). Cái “duyên” ấy kéo dài từ ngày mà tuổi trẻ chúng tôi “ được hay bị” ném vào cuộc chiến ( thập niên 60 ) trên chiến trường Bình Định. Chiến trường, không phân biệt ai, “bạn cũ hay mới”. Gian khổ chia cho nhau, vui sướng cũng chia cho nhau. Mà nói thật khổ nhiều hơn là sướng đối với những người lính như chúng tôi. Nhất là tuổi trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ chỉ biết “ thẳng hướng” ra chiến trường. Gặp nhau nơi phố thị ngày nào, là vui ngày náy...Cho mãi đến hôm nay, tôi không nghĩ ra là khi nào, do ai... mà tôi với anh gặp nhau trong cùng....một chí hướng ( lính trận- và khổ).
Trong phần đầu viết “ dưới trời khói lửa” tôi bắt gặp ngay nơi trang 7 bài thơ Qui Nhơn:
Đã la cà vĩa phố đến mòn chân
Đã lê la đến mòn rách đáy quần
Đã quen thuộc từng tên đường nẻo ngõ
Mai lỡ chết cũng quay đầu về thành phố
Để nhớ về những ngày thuốc lá cà phê
Để nhớ về một vũng máu hôm tê
Đã nhuộm đỏ cây xăng Ông Tề
Trong ngày tái chiếm
( Qui Nhơn )
Vâng. Vĩa phố/ mòn chân/ rách đáy quần/ thuốc lá cà phê. Và cây xăng Ông Tề...Những con chữ trong bài Qui Nhơn làm sao tôi không nhớ được. Đã lâu, 37 qua mà hình ảnh đó như ngày nào, đọc lại những con chữ trong bài thơ ấy tôi nhớ như in. Vâng: “ để nhớ về một vùng máu hôm tê/ đã nhuộm đỏ cây xăng Ông Tề” Tôi biết, và những người lính thám kích 405 biết. Sáng hôm sau, mùng một tết ( năm 1968) tôi lại vào thăm anh nơi quân y viện Qui Nhơn. Gặp nhau...cười méo xẹo; và mong “cậu” sớm bình phục để còn về phố la cà “ thuốc lá, cà phê” với bạn bè, rong chơi được ngày nào vui ngày náy để biết bọn mình “thoát vòng tử sinh”.
Bởi vì, có lẽ, Qui Nhơn là nơi...hấp dẫn đám “ lính trẻ” chúng tôi thời bấy giờ. Khi mà, nơi ấy dù gì cũng là chỗ ...vui hơn là “ lội ” ngoài chiến trường. Vì nơi ấy:
....
“ Thành phố nọ trở về vui một bữa
Đám cô hồn mấy đứa buồn như nhau
Tiếng hát Khánh Ly, quán mờ đèn lu
Ai nức nở xoáy hồn ta, đau nhói
Mắt mỗi đứa nhắm nghiền,
u hồn khói thuốc
Đêm bên ngoài, hay
đêm của thanh xuân
Giọt cà phê đen, quạnh đặc linh hồn
Đôi mắt bạn bè chao ơi, buồn quá đỗi..
( Về Với Phố – trang 68 )
Và, thật tình mà nói: “Đôi mắt bạn bè chao ơi, buồn quá đỗi” ấy như vẫn còn hiện diện với tôi, khi những kỷ niệm trở về, khi tôi đọc bài thơ: Căn Nhà Trong Khu Sáu ( phần 5- Bạn bè )
...
“ nhắc nhở chuyện trò huyên thuyên bất tận
Kể lại một thời gian hồ áo trận
Căn nhà xưa, bạn cũ quây quần
Chiếc áo cơ hàn bao đứa đặt lưng
Nghe như đâu đây mùi hôi ẩm mốc
Phòng để cửa mùa đông tối đặc
Đêm về khuya nghe sóng vỗ Quy Hòa
...
( trang 286)
Làm sao tôi không nhớ được bạn bè trong ngôi nhà ấy, mà anh đã nhắc đến: Phạm cao hoàng, Lê Văn Trung, Mường Mán, Thái Ngọc san, Mai Khế, Lê văn Ngăn. Vâng, còn nữa. Cả nhà thơ Nguyễn Ngọc Loan ( pháo binh- chết trên kontum) cả nhà báo Huy Hoàng- đã mất- một thời đến ở chơi trong căn nhà khu sáu này. Ngôi nhà ấy: chiếc mền đắp ba bốn thằng dơ bẩn/ những chén cơm khô chưa rửa/ Và cửa đôi khi mở ra/ Một gương mặt ló vào/ Để không bao giờ tìm gặp lại.
Những bạn bè ngày nào còn ai, ở đâu khi tuổi trẻ chúng tôi, nói thật, lúc bấy giờ chán chường trong cuộc chiến. Trong số những bạn bè ấy, hôm nay, còn có người ngoài nước, như tôi, THT và Phạm Cao Hoàng... Nhưng, như tôi đã nói, hình như tôi với anh có cái duyên . Mà cái duyên này phải là “ thiện duyên”. Do đó, cũng trong bài “Căn Nhà Trong Khu Sáu” ấy, anh đã viết:
...
“ Bạn còn nhớ không những ngày ở Phan Rang
Ta trở về để tóc để râu
Những toa tàu đen, và con đường sắt
Bỗng nhớ vô cùng hoa qùy Đơn Dương
Thương tội tình toa sắt trống trơn
Dưới chân đèo trong mùa tiêu thổ
Khi núi sông đau màu cách trở
Thì xá gì những kẻ xa nhau.
....
( trang 288)
Cái duyên ấy kéo dài cho mãi đến hôm nay, tôi với anh gặp lại nhau, hỏi thăm nhau. Anh viết thay tôi: hỏi người làm gì- đóng tủ đóng bàn/ Hỏi ta làm gì- hành nghề điện toán/ Cười ha hả, ngày xưa cầm súng/ Giờ làm thêm ba thứ lạ đời/ Thôi còn chút tình bằng hữu chia đôi/ cho ấm chút lòng quê người đất khách.
Cái “ ấm lòng một chút nơi quê người đất khách” đó không phải mới có ngày hôm nay, phải không THT? mà nó đã có từ những ngày đầu anh mới ra khỏi quân trường đã bị “ viên đạn AK” bắn vào ngực anh nơi cây xăng Ông Tề. Qui Nhơn. Để rồi, với 247 bài thơ anh vẫn còn nhớ... đêm ngủ trong chuồng ngựa Pasteur/ Nha Trang mà viết:
“ Lính trận về thành, không chỗ ngủ
May viện Pasteur còn chuồng ngựa
Hai thằng tuổi ngựa nhờ qua đêm
Nằm nghe sóng biển ru buồn tênh
Tuổi ngựa thì ngủ chuồng cũng xứng
Quen rồi mả mương hầm thức trắng
Ngủ đi, hãy cố ngủ đi con
Để mai còn về Quân Khu Năm
Chọc đám hậu cần trên An lão
Bài thơ ghi lại những kỷ niệm của ba người, nhưng chỉ còn hai ( tôi và anh ) còn một người bạn nữa, ký giả Lê Minh ( trong nước ) thì đã ra người thiên cổ.
Đọc lại bài thơ Đêm Tiếp Cứu Chợ Huyện trang 28. Tôi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm khi quận bị những người bên kia tấn công vào, quận trưởng bị giết (thiếu tá Tùng), và một cô giáo sinh sư phạm bị bắn chết, một cô khác bị thương. Những chiếc xe nhà binh 10 bánh, mở đèn “ mắt mèo” chạy trong đêm đưa tôi với một toán lính đến để giữ an ninh lúc ấy. Nửa khuya, THT cho tôi biết, toán quân anh sẽ tiến vào, và tôi hãy cận thận vì họ đang chuẩn bị tập kích quận lần nữa. Có đơn vị anh vào, tôi an tâm để “rút quân” ra. Và, có lẽ, chính THT cũng không ngờ một cô giáo sinh sư phạm bị thương ngày nào đó lại đang định cư ở Houston. Chị Tiếu Lan ( người Huế ) là bạn với gia đình chúng tôi.
Ta nghe THT viết:
Diều hâu đã về như một lũ âm binh
Kẻ trước người sau lao vào địa ngục
Đêm không thấy đường, giữ dây khỏi lạc
Chúng tôi băng đồng nước ngập
giải cứu quê em
Ta đã về, giành lại quê hương
Giành lại quận đường hoang tàn đổ nát
Giành lại ngôi trường lời ca tiếng hát
Nhưng ta lại không giành được em gái ta yêu
Ta đã về nhìn bầy chim nhỏ cút côi
Chúng ủ rũ, như lòng ta ủ rũ
Lũ bé qùi bên xác người cô trẻ
Đặc vòng hoa, mếu máo gọi cô về
Cô không về, cô bỏ dạy, cô đi
Cô bỏ chúng con cô về xứ khác
Ta cắn bầm môi, em ơi, ta khóc
Em không về em cũng bỏ thanh xuân
Em bé quê ơi, cho ta nhành bông
Một nhành bông qùi vàng như màu áo
Ta đặt lên em. Trống trường ảo não
Như những hồi mặc niệm em tôi
Ta đã về, và đã trễ, em ơi...
Và, hôm tôi về Houton, Tiếu Lan có đến thăm. Và chị cho biết mới làm giỗ anh Tùng, Quận trưởng quận Tuy Phước ( chợ Huyện ) trong đêm quận bị tấn công ấy. Và, hôm nay, chính chị Tiếu Lan cũng không ngờ, đêm ấy lại có tôi và cả THT đã đưa quân vào quận trong đêm mà có cô giáo sinh Sư Phạm bị bắn chết, và chị Tiếu Lan bị thương. Gần bốn mươi năm qua, đọc bài thơ của anh : Đêm Tiếp Cứu Chợ Huyện, rồi gặp lại gia đình chị Tiếu Lan ở Houston...thử hỏi lòng tôi sao không bồi hồi?
3.
Dù gì với tập thơ dầy cộm mang tên Ô Cửa của anh, đã gợi lại trong tôi bao kỷ niệm; vì trong Ô Cửa tôi đã thấy bạn bè và những kỷ niệm không thể nào quên. Ở Phan Rang ( Tháp Chàm ) mấy tháng với tôi, rồi lên cao nguyên :
“ Khi chuyến xe sáu giờ khởi hành
Hôm nào ta bỏ Nha Trang lên miền cao
Nhớ vô cùng người ở xa
Điếu thuốc mồi chung, ướt nhòe con mắt
Ngươi gởi cho ta chiếc jacket
Xe lên đèo mù, mặc áo bạn trao
Có phải ngươi đở ta như chiếc phao
Khi ta bấp bênh biển đời nổi sóng
...
( Căn Nhà Trong Khu Sáu – trang 285 )
Đâu phải chỉ có tôi, có anh , mà còn những người bạn rất chân tình nữa. Trong đó có cả Lữ Quỳnh ( nam Cali ). Chính Lữ Quỳnh lái chiếc jeep để đưa anh vượt Cù Mông. Từ đó anh mới về được Nha Trang. Và từ NT về chơi vài tháng với tôi ở Tháp Chàm.
Và, với những người bạn chân tình ngày nào trong nhóm Ý Thức như sống lại của những tháng ngày còn “ lận đận” binh đao trong trong căn nhà vách tôn, mái tôn nóng kinh hồn bên đường rầy xe lửa gần ga Tháp Chàm ấy.
....
Những toa tàu đen, và con đường sắt
Bỗng nhớ vô cùng hoa quỳ Đơn Dương
Thương tội tình toa sắt trống trơn
Dưới chân đèo trong mùa tiêu thổ
Khi núi sông đau màu cách trở
Thì sá gì những kẻ xa nhau
( trang 288)
Rồi cũng từ Tháp Chàm này anh lên miền cao, rồi về miền Tây - vào khoảng năm 1970 (?) -. Anh miệt mài nơi miền sông nước, tôi miệt mài nơi Dục Mỹ/ Nha Trang sương lam chướng khí của ngày xa xưa. Tháng tư năm 1975, mỗi người chúng tôi đều có chung một đáp số. Chẳng biết cuộc sống của anh thế nào và bạn bè ra sao ? Bởi vì cuộc sống hằng ngày của tôi khép kín hơn 7 năm trong các trại, và đường thì bị “ ngăn sông cách ngăn” vì nhiều lí do...
Từ năm 1970 năm ấy, anh về miền Tây, mới biết:
“ Cảm tạ em. Người em Cần Thơ
Anh theo em bỏ xứ. Bao giờ
Bao giờ. Như thể tiền thân trước
Một kẻ lưu dân trở lại nhà
Và:
“ Cảm tạ em người em Cửu Long
Em cho anh hơi thở đồng bằng
Từ trong lòng dậy nguồn ân lượng
Của chập chùng cam khổ tiền nhân
....
( Cảm Tạ Đồng Bằng – trang140 )
Để rồi, sau bốn năm trong trại cải tạo trở về, anh: lăn chiếc phuy dầu lên cá lớn/ Trời ơi ta từ biệt Việt nam/ Việt nam. Đêm ấy đêm trừ tịch/ Có những con người lại cách ngăn ( Đêm Từ Biệt Việt Nam ). Cảm tạ em, người em Cần Thơ. Khi gặp lại nhau trên xứ người. Ngoài nụ cười “ sảng khoái” của anh ra, tôi hỏi: người em Cần Thơ là chị Y...không? Vẫn nụ cười dù trong gian khổ ngày nào ở chiến trường Bình Định, anh nói đúng. Tôi cười vui...biết rồi, khi chúng tôi còn ở trong căn nhà tôn gần ga Tháp Chàm. Tên chị làm sao tôi quên được, dù chưa gặp chị lần nào...nay thì đã biết “ người em gái Cần Thơ” đã một thời ...“Tôi quá nghèo, chỉ bộ đồ xanh/Dăm thằng bạn quen nhau thời khốn khó/ Nàng thì thào bên tôi cần gì thứ đó/ Miễn tình anh vô lượng như thơ anh”
Tôi vui biết mấy khi đọc câu thơ này: miễn tình anh vô lượng như thơ anh. Rõ ràng là như thế. Trong thơ THT rất “vô lượng” tâm, chẳng mang một chút hận thù nào; dù máu anh đã nhiều lần đổ ra cùng với những người lính trong đơn vị anh, hay bạn bè anh đã nằm xuống. Tôi chưa thấy những câu thơ nào của anh trong tập Ô Cửa ( phần: Dưới Trời Khói Lửa) nói lên những câu đầy hận thù và đầy ... máu. Với anh, tôi biết: anh không dùng thơ để gây kích động một hận thù “ phi nghĩa” mà thơ anh như “ giải tỏa” một tâm sự của thế hệ anh, và thế hệ của chúng tôi: Thế Hệ Chiến Tranh. Có lẽ vì thế, cho nên:
Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
hay:
Quá khứ tương lai, chuỗi ngày vô vọng
Chúng tôi xõa bườm, không biết về đâu
( trang 105)
Chẳng biết về đâu khi tuổi còn thanh xuân. Hận thù không phải là cứu cánh của người lính miền Nam như chúng tôi. Cho nên trong bài: Một Ngày Không Hành Quân ( trang 34 ) ta thấy được tấm lòng của người lính qua những dòng thơ rất đẹp và đầy “ Phật tính” :
Cô hàng ơi cho một ly không
Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thay dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng diệu dàng dưới nắng
Tôi với hắn đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em
Và, trong phần đầu của tập thơ Ô Cửa: Dưới Trời Khói Lửa đã nói lên được phần nào lính miền Nam, mà anh là một:
....
Ta lính miền Nam hề, vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng có biết
Có một nơi nào hơn ở Việt Nam?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam
( Ta Lính Miền Nam- trang 25)
Hay trong bài Đồi Xưa nơi trang 32 anh viết về một trận chiến đã qua. Trận Phù Cũ. Hình như xảy ra vào năm 1966 (?) thì phải. Người lính nào đi ngang qua đó mà không nhớ trận đánh năm xưa. Nhưng với THT, anh không trút cái hận thù lên trên ngọn đồi đó khi có những bạn bè của anh ngã xuống. Mà, ta nghe:
Tôi qua đèo xám, mây mờ núi
Thương về đâu, một lũ sáo rừng
Hôm qua đồi ngập hàng trăm xác
Đạn pháo đào sâu bãi chiến trường
....
Có ai dưới lớp mồ hoang dã
Nằm xuôi chân mắt mở trợn trừng
Chiều nay sao mọc về phương Bắc
Sao ruột lòng vắt đỏ phương Nam
Hay:
Những xác hôm qua vàng rám mỡ
Những anh hùng, ngụy tặc, nằm chung
( những anh hùng, ngụy tặc- chữ của những người bên kia thường dùng) . Với anh trong chiến đấu, thơ cũng vẫn nhẹ nhàng, rõ ràng không vẫn đục hận thù.
Nói cho cùng những địa danh anh đã đi qua- chiến trường Bình Định- ít nhiều tôi đã đến. Anh đã gợi lên trong tâm thức tôi những hình ảnh của một thời gian khổ hành quân, của những ngày cơm chan hòa nước mưa dưới vành nón sắt, dưới bóng dừa Tam Quan, An Lão , Hoài Ân, An Thường và bên dòng Lại Giang. Của những ngày “ nuốt đau” vuốt mắt cho người bạn vừa trút hơi thở ở một “địa danh” mà dân “ phố thị” chẳng ai biết đến; vì rõ ràng: có một nơi nào hơn ở Việt Nam?...
Chiến trường Bình Định đã lùi xa. Nhưng làm sao chúng tôi quên được những địa danh mà một thời, ít nhiều tuổi trẻ chúng tôi đã đến. Khói lửa chiến tranh, chết chóc, điêu tàn ... đã chạnh lòng nhà thơ Phạm Triều Nghi (*) khi đi qua đèo Bình Đê đã viết:
...
Tháng tư
Lửa bùng lên đầu chợ
Lửa cháy quanh sông
Lửa vây Đệ Đức
Lửa đốt Bồng Sơn
Người người tan xác giữa đồng
....
Ngó về đâu không rợn màu tang tóc
Ngó Nam ngó Bắc
Nuốt tiếng thở dài
Ai đến Tam Quan thương vay?
Ai đến Sa Quỳnh khóc mướn?
Có nghe những oan hồn vất vưởng
Than van trên ngọn cờ bay
Kêu đòi thân thế hình hài
Trăm năm cát bụi...miệt mài cơn đau.
( TQBT 20- trang 96 )
Nhà thơ Phạm Triều Nghi là một nhà giáo, khi đi ngang qua đèo Bình Đê vào khoảng năm 1973 thấy Bồng Sơn tan hoang, làm sao anh không chạnh lòng? Còn nhà thơ THT dù trực diện với cuộc chiến thì anh vẫn xem nhẹ như mây trời để lòng anh lúc nào cũng thanh thản.
Thì ta ra trận, ta ra trận
Trăm lần, thì cũng chuyện rong chơi
Vẫn chuyến bốc quân vào buổi sáng
Vẫn chuyến trở về không buồn vui.
...
(Nhảy Trực Thăng Ở Phước Lý – trang 30 )
Với 247 bài thơ trong tập Ô Cửa của anh đã làm cho tôi càng thích thú khi đọc. Thích, không phải giữa tôi với anh quen biết nhau từ lúc máu anh đã đổ xuống nơi cây xăng Ông Tề trên phố Qui Nhơn trong năm Mậu Thân ( 1968); mà thơ anh gần... rất gần với bạn bè một thời rong chơi. Khi mà: Giờ thì già, ngựa đã nãn chân bon./.
(*) Bút kiệu của nhà văn Phạm Ngọc Lư
Amarillo, 27-5-2006
(nguồn TQBT). Bản gửi từ tác giả