Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.157.960
 
Thế Giới Nghệ Thuật Đoàn Hữu Nam Trong Tiểu Thuyết Thổ Phỉ.
Sương Nguyệt Minh

Tôi biết nhà văn Đoàn Hữu Nam đã lâu, nhưng anh sống ở Lào Cai cách xa Hà Nội đến 300km nên ít khi gặp gỡ nhau. Tuy vậy, đã là người theo nghiệp văn chương nên vẫn đọc văn của anh thường xuyên, cái thì in trên sách, báo, cái thì gửi qua đường Internet. Quả thật, tôi không vừa lòng với những gì nhà văn họ Đoàn này đã sáng tác. Anh viết có văn, có chuyện, đọc được, nhưng cứ thấy có cái gì đó giản đơn, sơ lược, cứ thấy người kể chuyện dễ dãi, miên man, nhiều lúc đi khỏi con người nhà văn. Bảo rằng, Đoàn Hữu Nam đã vượt thoát khỏi cái tầm địa phương để đến với văn chương quốc gia thì chắc chắn khẳng định ngay là…không. Nhưng, cho rằng anh cứ loay hoay, vừa lòng với giá trị “vĩ nhân tỉnh lẻ” không chịu, vượt thoát, bứt phá thì lại càng không phải. Đoàn Hữu Nam là một cái gì đó ngập ngừng, chấp chớp bên lằn ranh giới mỏng manh vô hình giữa người làm văn chương chuyên nghiệp tài hoa với kẻ viết văn thật thà, trơn chu, sạch sẽ, ít sáng tạo.

 

Ắng đi một dạo lâu không viết, không in, anh mang bản thảo tiểu thuyết THỔ PHỈ khoe với tôi. Cũng không hào hứng lắm, bởi tôi vẫn mang tâm trạng đọc Đoàn Hữu Nam để xem bạn mình viết thế nào, đọc vì không thể từ chối được như mấy năm về trước. Vậy mà, lần này đọc THỔ PHỈ tôi bị cuốn vào từng trang sách và mừng cho bạn như một người muốn dọn dẹp vứt bỏ tất cả những gì mình đã có trước kia để đi con đường lớn, để xây ngôi đền văn chương mới của riêng mình.

 

1. Một thế giới THỔ PHỈ tối tăm, quỷ ác.

 

Đọc THỔ PHỈ cái ám ảnh, sợ hãi đầu tiên của tôi là một thế giới nhân vật lạ, có đời sống lạ, có suy nghĩ lạ và có hành động khác với những cái thông thường. Từ một sự kiện có thật: Dưới sự hà hơi tiếp sức của người Pháp, người Mỹ, bọn thổ phỉ ở Phong Thổ - Lai Châu nổi dậy đồng loạt, thành lập mặt trận tự trị, cướp, giết, hiếp dân lành, cướp chính quyền; sau đó                                                               bị trấn áp, đánh tan, bị bắt hết đến tên cuối cùng, bằng tư duy và hư cấu nghệ thuật của nhà văn, Đoàn Hữu Nam đã dựng nên một thế giới tội ác tăm tối, một thế giới nhân vật sinh động và khác biệt.

 

Trước hết, anh cắt nghĩa bằng hình tượng nghệ thuật: Thổ phỉ là ai? Là một bộ phận nhỏ người Mông, người Dao, người Tày, người Nùng, người Kinh… có nghĩa là họ cũng là con dân nước Việt lìa xa tổ mẹ đang sống ở nước Việt ta. Thổ phỉ chỉ có ở rừng núi hoang sơ, xa xôi heo hút. Ngoại trừ một số kẻ cầm đầu ranh mãnh, khôn ngoan, còn họ là những lì lợm, kẻ tối tăm, dốt nát, a dua, theo đóm ăn tàn. Con đường dẫn họ vào rừng cầm súng chống lại nhân dân không phải vì hành động có lý tưởng riêng mà chỉ do u tối, nhẹ dạ cả tin, bị kích động, tham lam, do hiểu lầm, do bị ép buộc… Bọn chúng chiến đấu có tổ chức: Triệu Tá Sắn là Tổng chỉ huy, dưới là bộ tham mưu gồm Hoàng Seo Lùng, Bàn Vần Sing, Lý Văn Thanh, thầy mo Bàn A Quấy…; đằng sau là cột trụ tựa đỡ, nuôi dưỡng của người Pháp, người Mỹ.

 

Đặc biệt, Đoàn Hữu Nam vẽ nên một thế giới tội ác khủng khiếp do bọn thổ phỉ gây ra: “Bản Tà Thàng  hơn một trăm nóc nhà, bình thường nhộn nhịp chó kêu, ngựa hí, người khóc, người gọi nhau giờ vắng lặng như bản hoang. Trên cây cơi lủng lẳng hai xác chết, trần truồng như nhộng. Một xác bị móc mắt, hai hố mắt sâu hoắm, đen ngòm như đầu lâu  thây ma. Một xác bị mổ bụng, phanh ngực, toàn thân bết máu, ruột chảy lòng thòng, bụng, ngực trống hoác...”

 

Bản làng cháy. Ruộng nương hoang hóa, tiêu điều. Người lam lũ, còm cõi, mòn mỏi trong cảnh nồi da xáo thịt. Cái ác cứ ngang nghiên tồn tại, chiếm lĩnh, hoành hành.

“… phút chốc cái bụng trắng hếu của anh bị rạch làm đôi, hai bàn tay hung bạo thò vào khoang bụng đang phập phồng móc ra hai lá gan đưa cho viên chỉ huy thổ phỉ. Viên chỉ huy lừ lừ lấy bình tông rượu tu một ngụm rồi đưa lá gan lên cắn, xé, nhai, nuốt, mồm miệng hắn nhoe nhoét máu trông chẳng khác gì hang hốc của người phụ nữ sau khi đẻ”.

 

Đúng là man rợ, mất hết tính người. Lì lợm, bị du kích bắt dong đi dọc đường, dù bị trói cũng liều mạng lao xuống vực, trốn được thì trốn, không thì chết vẫn cứ làm. Những cái đầu thổ phỉ tối tăm, trong lúc hoảng loạn còn bày trò săn bắt khỉ và gán cho mỗi con khỉ là một người Việt Minh, chúng lập tòa án xử đàn khỉ, hành hình đàn khỉ, phạt chỏm đầu khỉ rồi múc óc ăn nhồm nhoàm.

Dù chiến đấu có tổ chức, nhưng bọn thổ phỉ vẫn trong tình trạng chiến binh chuyên nghiệp thì ít mà dân binh nửa vời thì nhiều, dặt một đám đông ô hợp, hoang dã: “Trong hang, trên cái sạp kê chắc chắn, Lùng và San đang nhồm nhoàm gặm thịt. Mỗi thằng nửa con gà béo luộc, vừa gặm vừa tợp rượu. Mỡ gà vàng óng nhoe nhoét quanh miệng, đầy tay, chảy dòng dòng xuống bộ ngực trần đầy lông lá”. 

  

Hầu như tất cả đám phỉ trong tiểu thuyết vô học, tham lam. Sẵn sàng làm ác. Và làm ác không run tay.

 

2. Thế giới nhân vật đặc sắc, sinh động, đa dạng.

 

Có thể nói, trước đây Đoàn Hữu Nam sống và viết về vùng đất anh am tường bằng tâm thế của người trong cuộc. Nhưng, đến tiểu thuyết THỔ PHỈ, anh đã “đứng từ xa” nhìn về vùng đất thân thuộc ấy để viết bằng một tâm thế khác, tư duy khác. Các nhân vật trong THỔ PHỈ như: Thủ lĩnh Triệu Tá Sắn, cụ giáo Choong, cô gái Đàu, người đàn bà tên Pham đã có số phận riêng, có tính cách và cá tính đậm nét, có đời sống riêng.

 

Thủ lĩnh Triệu Tá Sắn xưng “vua”, là một tên trùm sỏ thổ phỉ cũng là người có học. Sắn là người Dao nên hắn hiểu người Dao đến tận cùng nếp sống, tâm lý, phong tục, kinh tế… và sử dụng luôn thế mạnh ấy để lôi kéo, tập hợp lực lượng, khuếch trương thanh thế. Người đọc không khó nhận ra tính ranh mãnh, tài thuyết phục người khác, Sắn lọc lõi, lại có tính lì lợm nên chất đầu lĩnh bộc lộ rõ trên từng con chữ trong tiểu thuyết. “Vua” Triệu Tá Sắn loạn dâm, tính dục mạnh, đã từng quần hôn với sáu đứa con gái, nhưng khi cần vì “sự nghiệp lớn” y cũng gồng sức kiêng khem, hãm gái hơn 2000 ngày, đắp lá dục. Y có thể ăn tim hổ tươi, ăn thịt sống một cách man rợ và tinh ranh. Y cũng tự biết đắp lên mình vòng hào quang và màn sương huyền ảo “vua người Dao” để đánh lừa bàn dân thiên hạ u mê. Y là loại có chí lớn. Một loại kẻ thù ghê gớm. Một con người phi thường ở núi rừng hoang dã Phòng Tô.

 

Cụ giáo Choong hơn 90 tuổi là đại diện điển hình cho một lớp trí thức người Dao hiếm hoi, thạo chữ Hán, uy tín bao trùm cả một vùng bởi gia thế vọng tộc. Cụ giáo học chữ thông thái, đức độ, thâm trầm… như là thủ lĩnh tinh thần cho cả một vùng cộng đồng người Dao rộng lớn. Nhân vật văn học cụ giáo chinh phục cả những người đọc khó tính bởi tính “hai mặt của tính cách”. Khi thì ẩn nhẫn, dấu mình, chờ thời, lúc lộ diện xuất thân, đối đầu. Cụ vừa là con trăn đá thâm trầm triết luận cuộn mình trong hang đá mùa đông, vừa là con hổ mãnh liệt rời khỏi hang lúc kiếm mồi. Tính hai mặt của tính cách không mâu thuẫn nhau mà thống nhất ở trong một con người biết thời biết thế, biết ẩn nhẫn chờ cơ hội. Đỉnh cao của tính cách này là: Cụ là một người rất ghét thổ phỉ, nhưng trong chừng mực nhất định, vẫn chấp nhận cho hơn một chục cháu chắt, gia nhân của mình đi theo thổ phỉ, chỉ vì đã cùng đường, không theo không được, theo mới bảo toàn được tính mạng, giữ yên được nhà Triệu. Nhưng, đến thời cơ, cụ một mình vào hang thổ phỉ thuyết phục chúng ra hàng, cũng như đưa đứa chắt nội đầu quân làm bộ đội tiễu phỉ.

 

Nhân vật văn học mà không có số phận thì hình ảnh rất mờ nhạt, thiếu sức sống, và không ám ảnh. Có lẽ, nhân vật mang số phận bi đát, thê thảm nhất trong tiểu thuyết THỔ PHỈ là người đàn bà tên Pham. Nhà văn Đoàn Hữu Nam đã đi đến tận cùng khổ đau con người Dao ở miền núi. Pham là gái có chồng. Bố chồng, và chồng suốt ngày u mê chìm trong khói thuốc phiện ma mị. Hoàn cảnh trớ trêu, sắp đặt hay vô tình, đùa giỡn con người đến mức bố chồng và Pham bị “ném” vào một nơi đầy rắn rết trong sự tàn phá khủng khiếp của vòi rồng miền núi. Con dâu đang tắm khỏa thân chạy bão giông gặp bố chồng nghiện ngập đóng khố cũng chạy trốn giông bão ở đó. Bố chồng vừa u tối, vô học, cô con dâu bạc nhược thất thần khi đã giết chết hàng trăm con rắn độc. Họ làm cuộc truy hoan vô đạo đến mức cái thai của người chồng không giữ được, ông giết cháu là thế. Pham trở thành con trâu con chó trong nhà chồng.

 

Pham yêu anh Bắc cán bộ, mối tình vụng trộm khao khát, được sống đúng mình cũng tan vỡ nhanh chóng và rơi vào bi kịch vì Bắc bị thổ phỉ giết. Pham không còn nơi nương tựa tinh thần, vật vờ như ngọn gió lang thang… là điển hình cho phụ nữ vùng cao thụ động, bị coi thường, khinh rẻ như đồ vật, không có quyền làm người.

 

Nhưng, nếu nhà văn chỉ viết về nỗi bất hạnh, về bi kịch con người thì dù tinh tế, sắc xảo bao nhiêu cũng chỉ là người kể chuyện. Đến THỔ PHỈ, Đoàn Hữu Nam đã vượt qua nghệ nhân dân gian - người kể chuyện thông thường về nỗi thống khổ của Pham. Anh đã đưa ra một tình huống nghệ thuật có một không hai:

“Tự nhiên Pham muốn điên lên, muốn đốt nhà, muốn bóp nát, muốn ỉa đái lên con rắn thối tha kia cho hả. “Chết ở đâu không chết lại quay về chết ngay trước cửa nhà bà” Cô rít lên, người ngợm như chui vào đống lửa. Hai hàm răng nghiến chặt, bọt mép sùi ra, cô ném cây đuốc ra sân rồi gồng mình lôi cái xác bố chồng ra cạnh hố phân lợn, quay lại nhặt ngọn đuốc leo lét, luồn qua háng chín lần rồi ném vụt ra vườn”.

 

Oái ăm, và trớ trêu là cô chạy trốn gã bố chồng không xong. Đến lúc gần chết gã vẫn còn cố lết đến chỗ Pham để hành hạ cô cả khi hắn đã chết. Không thể không chôn người bố chồng đã làm hại đời mình, làm hại đứa con trong bụng mình. Pham lê lết lần hồi từng nhà người Dao cầu xin họ làm ma cho gã bố chồng khốn nạn không được rồi chạy đến cậy nhờ chính quyền cách mạng đưa gã xuống lòng đất an nghỉ. Pham hỏi bí thư châu ủy Đoàn Văn Long: “Tại sao con người cứ làm khổ nhau mãi thế này, anh ơi?”, nhưng cũng là tiếng kêu trời và tự hỏi chính mình mà không có câu trả lời.

 

Tình huống nghệ thuật đắt, quý để  nhà văn cởi nút thắt xung đột. Chôn gã bố chồng trong hoàn cảnh ấy là đề cao tính nhân văn. Nhân vật của Đoàn Hữu Nam đã đi qua nỗi bất hạnh thê thảm để vụt lớn.

 

Có một nhân vật văn học nữa khá sinh động là Đàu. Đàu, tiếng Dao có nghĩa là mây. Đàu yêu Vương – chắt cụ giáo Choong, họ là điển hình cho tuổi trẻ, sức sống của núi rừng hoang dã. Đoàn Hữu Nam đã xây dựng một lâu đài tình yêu ngây thơ, hồn nhiên, hoang sơ để Vương và Đàu trú ngụ, để thổi bừng sức sống, tươi mởn, xanh non vào vùng đất chết chóc, đói nghèo Phòng Tô luôn sống trong bần cùng, nơm nớp sợ hãi. Tình yêu tràn đầy lãng của Vương và Đàu là điểm sáng lung linh, đẹp. Nhưng, sống trong sợ hãi giữa một không gian làng bản, núi rừng bất ổn bởi nòng súng, lưỡi lê thì số phận Đàu cũng bất hạnh như nhiều cô gái khác. Đàu bị ba tên phỉ thay nhau hiếp. Sống một cuộc sống bẽ bàng, hoảng loạn, lê lết, câm lặng. Một cây non xanh bị phạt gốc. Một mầm sống bị bầm rập. Một sức sống bị đốn phạt.

 

Bạn đọc cũng bắt gặp một hình ảnh nhân vật Đoàn Văn Long – bí thư châu ủy dẻo dai sức chịu đựng, vững vàng, đầy bản lĩnh, không nhụt chí kể cả khi cách mạng, chính quyền rơi vào tình thế bị động, khó khăn nhất, bản thân anh phải trốn tranh vào rừng. Long là cán bộ Đảng, xông xáo, gần gũi quần chúng, gạn dạ. Sự việc Đoàn Văn Long một mình một ngựa, tay không vào tận hang ổ bọn thổ phỉ tiếp nhận sự đầu hàng của chúng không phải là phiêu lưu manh động mà là hành động can trường, gan dạ. Anh vừa thấm đẫm chất can trường của con người lãnh đạo vừa phảng phất khí phách người anh hùng. Đoàn Văn Long cũng không phải loại nhân vật lãnh đạo chỉ lấy công việc tập thể làm đầu và thiên về hành động. Long cũng có một tình yêu với Liên. Long giàu lãng mạn, hát chèo Tình thư hạ vị đối đáp với Liên hát Sống trụ xôn xao. Đoàn Hữu Nam đã dành khá nhiều trang viết về tâm trạng, nỗi suy tư dằn vặt được mất của bí thư châu ủy Đoàn Văn Long. Long không giáo điều khô cứng, mà sống cuộc sống của một con người bình thường, lúc lãng mạn, hứng khởi. Hình ảnh người lãnh đạo trẻ giàu đời sống nội tâm khá rõ nét.

 

Có thể kể thêm các nhân vật thổ phỉ Bàn Vần Sing, Hoàng Seo Lùng, Phùng Zùn Thanh tội lỗi, vấy máu bàn tay, hay anh Bắc - cán bộ khu vực Thành Tô trẻ trung, hừng hực sức sống, yêu cuồng nhiệt, chơi hết mình vẫn bám dân bám bản, hoặc Triệu Tá Zùn lúc theo phỉ lúc theo ta… đều là những hình ảnh khó quên, có đời sống riêng trong tiểu thuyết.

 

Tiểu thuyết THỔ PHỈ mang hơi hướng sử thi, cuối cùng “ta thắng địch thua cả nhà sum họp”, những người phụ nữ thống khổ không bằng con giun con rế như Pham, Bàu đi theo cách mạng, làm lại cuộc đời. Nhưng tiểu thuyết THỔ PHỈ không chỉ là bản hùng ca chép từ bi kịch lịch sử một vùng đất mà còn là tiểu thuyết hư cấu nghệ thuật đặt ra câu hỏi dằn vặt: Tại sao con người cứ phải đánh nhau?

Nhà văn Đoàn Hữu Nam đã hướng ngòi bút viết về con người và thân phận con người.  

 

3. Không gian nghệ thuật đặc sắc, văn triết luận, phiêu bồng.

 

Hiếm thấy một không gian nghệ thuật riêng đặc sắc trong văn chương như xã hội và con người người Dao trong tiểu thuyết THỔ PHỈ. Tôi đã bị dẫn dụ bởi những trang viết lạ về lễ cấp sắc, về các truyền thuyết dân gian, về săn cầm thú. Bạn đọc có thể chìm ngập vào không khí ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, luật tục của người Dao trong tiểu thuyết THỔ PHỈ, và bạn sẽ hiểu người Dao sống đời sống ra sao qua ngòi bút Đoàn Hữu Nam. Nhà văn viết về rượu người Dao rất tinh:

“Ba đến năm ngày sau, khi mùi thơm sực lên thì cho vào chum ghép bằng gỗ xoan đào, trát gio kín, sau chín ngày thì đem cất. Loại rượu này nấu ra trong vắt, có mùi thơm riêng biệt, nặng, có tính vị quy kinh cay, ngấm vào kinh phế  tùy vị, tâm bào…, có tác dụng hành huyết, kích thích thần kinh, tiêu hóa, thông kinh hoạt lạc. Uống bốc, say nhanh, nhưng không đau đầu, đau bụng”.

 

Cũng là rừng núi, nhưng là “rừng rú Đoàn Hữu Nam”: Vừa âm u, hoang dã, cũ kỹ, mòn mỏi vừa lung linh, sáng rỡ, đẹp huyền hoặc. Nếu chỉ có thế thì THỔ PHỈ sẽ trở thành cuốn sách khảo cứu, hoặc miêu tả phong cảnh núi rừng, phong tục tập quán, lối sống người Dao. Những hang đá tối tăm, ấm thấp, vòi rồng gây tai họa khủng khiếp, bầy rắn độc, thuốc phiện lả lướt ma mị…, đến mùa hổ động dục, sinh đẻ, các loại bẫy thú rừng…vv vừa hoang dã, phong phú vừa lãng mạn, sinh động. Nhà văn đã tạo ra những chất liệu ấy xây dựng một không gian nghệ thuật đặc sắc cho các nhân vật hoạt động, bộc lộ tính cách. Và có một loại nhân vật đặc biệt là thổ phỉ, chỉ có thể bị quẳng vào không gian nghệ thuật ấy thì mới ra hồn thổ phỉ. Một không gian nghệ thuật đặc sắc, không gian khác biệt ấy tất yếu sẽ sinh ra, nuôi dưỡng tính cách con người và tạo các nhân vật khác biệt.

 

Đọc tiểu thuyết THỔ PHỈ, tôi bắt gặp khá nhiều tầng nghĩa, giọng điệu triết luận của nhà văn Đoàn Hữu Nam. Anh kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa thành ngữ, tục ngữ, triết lý dân gian và cái lý người Dao với kiến thức học trong sách vở, học ở trải nghiệm ngoài đời, đưa vào tác phẩm nhiều câu, nhiều đoạn triết lý nhân sinh với tần suất dầy đặc: “Bấc thấm đến đầu, dầu ngấm đến đó”. “Ong độc sợ sừng trâu”. “Khỉ già biết cành cây khô”. “Thân phận người đàn bà khốn khổ vùi tro bếp nhà người”. “Ăn cơm quên ruộng, ăn cá quên sông, đẵn cây xong quên rìu”…vv. Anh triết lý về sự đói nghèo, về kiếp người, về thân phận người phụ nữ trong nhà người Dao dưới chế độ cũ, về cuộc đấu tương tàn. Dù là cách mạng tiễu trừ thổ phỉ - một cuộc chiến chính nghĩa, hợp đạo nghĩa thì cũng là cảnh nồi da xáo thịt, nhưng cần thiết…vv.

 

Nếu như trong tiểu thuyết TRÊN ĐỈNH ĐÈO DÔNG BÃO và một số tập truyện vừa truyện ngắn trước kia, Đoàn Hữu Nam lấy giọng kể, tả các nhận vật, các sự kiện đời sống là chủ đạo thì đến tiểu thuyết THỔ PHỈ anh đã có nhiều suy tư, nghiền ngẫm các hiện tượng ấy bằng cái nhìn nhà văn day dứt, dằn vặt với giàu lòng nhân ái. Anh đã vượt qua được sự dễ dãi, mòn nhẵn thông thường luôn là lực vô hình cản trở nhà văn để sáng tạo ra những khúc đoạn văn phiêu bồng, cất cánh. Những đoạn văn tả về mùa động dục của hổ của cầm thú trong rừng, người đọc có cảm giác như ngửi được mùi vị. Những đoạn văn tả về thác nước, trăng vàng, rừng xanh non và các cặp trai gái yêu nhau, cứ ngỡ đang đẫm mình vào không gian huyền hiệu run rẩy, nóng bỏng mà quên mình là người đọc. Những đoạn miêu thuật cảnh bọn thổ phỉ giết người đẫm máu, người đọc rùng sợ hãi, và sợ luôn cả chiến tranh. Hoặc đoạn văn miêu tả Pham và bố chồng tình cờ chui vào vương quốc rắn độc, người đọc vừa ám ảnh kinh dị lo sợ, vừa kích thích tìm tòi, khám phá.

Đoàn Hữu Nam viết những đoạn sexy rất tinh tế, thay vì miêu thuật “vua” Dao – thủ lĩnh Triệu Tá Sắn làm tình trần trụi, nhầy nhụa quần hôn với 6 đứa con gái thì anh dùng hình tượng con hổ đực giao phối với đàn hổ cái mang tính tự nhiên mà không thô lậu.

 

Hoặc những đoạn văn miêu tả cuồng nhiệt bỏng rẫy của cặp tình nhân Vương – Đàu, của Bắc – Pham dưới  thác nước, dưới sông, dưới ánh trăng, trong nhà tranh…, rất tinh tế, hấp dẫn, tính dục mang cái đẹp và tràn ngập lãng mạn. Thậm chí anh tả cảnh ba thằng thổ phỉ hiếp cô gái Đàu trong rừng vắng… cũng không rẻ tiền, gây kích thích tò mò, mà chỉ như một chất liệu làm rõ thêm thú tính hoang dã của bọn thổ phỉ. Vốn từ của Đoàn Hữu Nam nhiều, lắm từ lạ. Dù anh sử dụng nhiều câu phức hợp, nhưng tốc độc câu văn khá nhanh, không lê thê, dề dà. Rất nhiều đoạn văn không chỉ đạt đến sự sâu sắc mà còn cất cánh bay phiêu bồng.

 

Sáng tác tiểu thuyết là công việc nặng nhọc đối với nhà văn. Một nhà văn đích thực không chỉ vững tay nghề, viết biến hóa, làm chủ được ngòi bút mà còn phải là một người giàu trí tưởng tượng. Nhà văn Đoàn Hữu Nam là một người giàu tưởng tượng và có khả năng hư cấu nghệ thuật khá cao, trong khi vẫn giữ được cảm xúc chân thực dào dạt chảy cùng ngòi bút. Tôi đồ rằng: Đoàn Hữu Nam viết THỔ PHỈ trong nội lực và hưng phấn như thế. Có thể nói, THỔ PHỈ - một quyển tiểu thuyết rất đáng đọc./.

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2237
Ngày đăng: 04.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Hoài Thư: Cuộc Đời và Thơ Văn như chất keo dính chặt qua Ô Cửa - Phạm Văn Nhàn
Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác - Thụy Khuê
Những Con Chữ Hân Hoan, Búng Mình Trên Mặt Sông Chữ, Nghĩa Lữ Quỳnh - Du Tử Lê
Nghìn năm nghe gió nói lời cây - Lâm Xuân Vi
Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa - Phạm Văn
Tiếng kêu trầm thống trong Những cơn mưa mùa đông (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Bài Hát Ngày Về Thơ Trần Huiền ÂnCuộc Hành Trình Thầm Lặng Trở Về Chơn Tâm - Mang Viên Long
Thế Giới Và Những Lát Cắt Siêu Thực - Hoàng Thụy Anh
Như Là Tình Yêu - Nguyễn Thị Phụng
Một vụ việc cố tình và mấy lời trần tình* - Nguyễn Chính