Hơn 30 năm, 3 lần đến Cù Lao Chàm. Ngẫu nhiên, 3 lần đến, mỗi lần cách nhau đến hơn 10 năm với những cảm nhận rất khác nhau về cụm đảo ấy…
danangcitytours.com
1. Mỗi lần nghĩ đến Cù Lao Chàm tôi hay nhớ đến câu thơ “Đây Cù Lao Chàm sóng nước quyện đồi xanh” được chế từ một câu thơ quen thuộc của Tường Linh. Câu thơ gắn với cuộc ra khơi của một cậu bé 16 tuổi là tôi hồi ấy theo tiếng gọi sóng nước, một cuộc đi có một không hai. Hết một buổi “đàm phán” với một chủ tàu đầu mạn chợ cá Cẩm Hà - Hội An, chúng tôi thuê được tàu. Chủ tàu bảo rằng họ sẽ chở ra Lao, 7 - 8 ngày gì đó tàu lại ra đón về, nhận mua củi và khấu trừ vào tiền thuê tàu. Bảy đứa chúng tôi (hay là 9 đứa, không còn nhớ rõ) cơm đùm cơm nắm, một cuộc ra đi có “không khí” kiểu Kinh Kha qua sông Dịch ngày xưa…
Một khúc sông từ Cẩm Hà ra Cửa Đại hút lấy mấy thằng giang hồ vặt trong nỗi sướng mê tơi. Chẳng mấy chốc đã ra đến Cửa Đại. Cảm giác giống như một miếng vô chiêu của Trương Vô Kỵ đánh vào khoảng không vậy. Hẫng và ngợp. Một cảm giác vỡ òa. Tiếng máy tàu và tiếng chim hải âu chao chát trên đầu. Lũ cá chuồn nghe động đua nhau phóng lên trên mặt nước cao cả mét. Chúng tôi mất gần buổi trời lênh đênh trên sóng mới thấy thấp thoáng bóng Cù Lao. Cứ ngỡ đã đến tận đảo Đào hoa của Đông tà Hoàng Dược Sư trong “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung. Nhưng bóng dáng làng xóm mờ dần rồi khuất hẳn. Chủ tàu giải thích rằng phải ra phía “đằng sau lưng” đảo mới có củi. Phía bãi Làng ấy mà củi nỏ gì? Ra thế, phải đến tận “thâm sơn cùng cốc” mới tìm ra “bí kíp”!
Sáu ngày ở “sau lưng” đảo chúng tôi tha hồ tắm biển, lặn ngắm san hô và leo núi kỳ thích. Và không quên nhiệm vụ chính: đốn củi trả nợ. Sáng ngày thứ 7 trời bắt đầu âm u. Đến xế thì “tố” lên dữ dội. Cả bọn xanh mặt nhìn nhau. Mấy ngày sau chúng tôi chỉ ăn mỗi thứ vú nàng và thỉnh thoảng có được vài chú cua đá thay cơm (hồi ấy cua đá chưa phải là đặc sản cần được bảo vệ như bây giờ). Mưa giăng giăng và sấm chớp cứ nhì nhằng... Ngày thứ 10 ở đảo. Đầu tiên là thằng Bổn, vừa thấy bóng dáng chiếc tàu hiện ra ngoài khơi xa lắc đã tung cao chiếc nồi lên tận trời xanh. “Tàu ra rồi! Tàu ra rồi!”. Cả bọn ào ra mép nước. Không nhớ chuyến đi ấy lỗ bao nhiêu chỉ biết rằng Cù Lao Chàm trở thành một dấu ấn khó quên suốt một thời trai trẻ.
2. Hơn 15 cây số tính theo đường chim bay, cho dù là đường biển cũng nhiều nhặn gì cho cam. Chỉ vài tiếng tàu chợ hoặc chỉ hai mươi phút tàu cao tốc là tới nơi. Vậy mà đến gần 15 năm sau, tôi mới làm được chuyến thứ hai ra đảo! Một chuyến đi đúng vào những ngày tháng khó khăn nhất của đất nước sau chiến tranh. Phải có đầy đủ giấy tờ tùy thân, qua mấy cửa công an biên phòng mới ra được biển, mới tới và rời đảo được. Chỉ là một cuộc tìm về nơi lưu giữ ký ức của một mùa hè đã xa. Rồi cùng được ra với biển. Chỉ khác là bầy cá chuồn không nhảy cao trên mặt nước như đợt đi trước, bầy hải âu cũng bớt chao chát và tiếng máy tàu cũng ầm ì hơn.
Một người khách đi tàu chỉ hòn Mồ bảo hòn giống ngôi mộ nên có tên gọi thế. Gọi hòn Lá vì trên ấy có nhiều lá nón. Còn trên hòn Khô thì chẳng có cây cỏ gì sống được. Cả Khô mẹ, Khô con đều thế. Người ta đặt tên đảo thật dân dã. Hồi ấy bến tàu ở hòn Lao chỉ sơ sài mấy mảnh ván kê trên mấy chiếc cọc. Khách nương nhau lên xuống. Làng là những ngôi nhà lụp xụp khá giống những túp lều (nhỉnh hơn một chút) ở các chợ quê trong đất liền. Những đứa trẻ ở truồng, mặt mũi nhem nhuốc chạy loăng quăng. Rất ít quán xá. Chợ bãi Làng chỉ là đôi căn nhà lợp ngói và mấy chòi lá dừa xiêu vẹo cùng những dáng ngồi đầy nhẫn nại.
Ai đó rủ đi thăm chùa Hải Tạng. Ngôi cổ tự tựa lưng vào núi, tam quan ngó ra biển với con dốc nằm vắt ngang phía trước đầy rêu phong. Ngôi chùa như chứng nhân của sự thăng trầm mấy trăm năm. Đó từng là nơi ghé qua của các các thương nhân trên con đường tơ lụa thường đi ngang đảo. Ấn Độ, Trung Cận Đông, Đông Nam Á... đủ cả. Tất cả đã lắng xuống như ngôi giếng Chăm nép bên đường làng loanh quanh dẫn lên chùa. Hay miếu Ông, miếu Bà, đình Đại Càn, lăng Cá Ông... tạo nên dấu ấn thiêng liêng cho cụm đảo? Đêm ở đảo vắng và buồn hiu hắt để lại ấn tượng khó quên mỗi khi nghĩ về Cù Lao Chàm.
3. Đảo xanh huyền thoại là câu “slogan” của ngành du lịch Hội An dành cho Cù Lao Chàm ra đời đâu từ 7 - 8 năm trước đây. Đã xuất hiện thêm tàu cao tốc 20 phút ra vào thay vì tàu chợ một buổi ròng rã như trước. Thêm du lịch lặn biển ngắm san hô gắn với một số lễ hội. Dạo ấy người ta mới trục vớt một số cổ vật ở các vùng đảo xung quanh trong đó gốm sứ Chu Đậu thường xuyên được nhắc tới. Cũng là sự kiện để người ta chú ý đến Cù Lao Chàm. Cùng với lễ hội Hành trình di sản, cách nhìn về đảo thay đổi hẳn. Mãi đến hè này tôi mới có dịp ra Cù Lao Chàm. Nghĩa là sau 24 năm!
Vẫn sóng, vẫn hải âu chao chát trên đầu, chỉ không thấy bọn cá chuồn phóng tung tóe quanh tàu. Hình như cái khái niệm người đảo - người đất liền đã xóa nhòa thì phải. Chỉ hơn hai tiếng là tàu tới cụm đảo. Bóng những ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng. Vậy là Lao đã thực sự thay đổi. Cầu cảng khá hiện đại với nhiều mép cầu cho thuyền dễ dàng ghé vào. Trong ngần ấy năm người ta đã làm được nhiều thứ cho đảo chứ không chỉ có mỗi mấy ngôi trường như lần ghé trước. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thành lập đã góp phần nghiên cứu và bảo tồn vùng biển đẹp này mà Bảo tàng biển nằm sát bên đường đi phần nào giới thiệu những nét đặc trưng của vùng sinh thái biển. Chúng tôi lên chùa Hải Tạng. Khung cảnh lạ huơ lạ hoắc. Vẫn mái ngói rêu phong, vẫn cổng tam quan cũ kỹ và cội bồ đề đổ bóng, nhưng người thì tấp nập cứ như là đang vào lễ hội.
Chúng tôi vào chùa lễ Phật, lắng lòng đôi phút với không khí trang nghiêm mà thiền sư Hương Hải ra sức xây dựng từ thế kỷ XVIII xa lắc lơ. Rồi xuôi dốc chùa thăm giếng Chăm, thăm đình Đại Càn với tấm bình phong còn sót lại và chiếc trụ lẻ loi phía trước. Người ta chỉ còn kịp giữ lại một góc nền để lưu dấu một thời chưa xa. Sau một hồi loanh quanh, lại lên tàu tới bãi Chồng. Đó là một khu nghỉ mát xinh xắn nép vào sườn núi rợp bóng dừa. Cảm giác mọi thứ vất hết lại phía sau lưng. Hèn chi mấy anh Tây ba lô đã lặn lội đến tận hang cùng ngõ hẻm này. Có thể khi lên kế hoạch xây dựng cụm đảo thành đảo xanh huyền thoại người ta đã không thể không nghĩ đến Phu Khet - Thái Lan. Nhưng đến khi nào lại là chuyện khác. Nét hoang sơ, dân dã của nơi này thật sự thu hút mọi người. Có cảm giác hãy đến sớm hơn một chút để còn chiêm ngưỡng chút hoang sơ của thiên nhiên…
Nằm sâu trong lòng vịnh nên đêm ở bãi Làng nóng kinh người. Vẫn thấy khách Tây khách ta đi lại khắp nơi. Nghe nói một đêm nghỉ lại nhà dân chỉ ba chục nghìn đồng. Thêm ba chục nghìn nữa thuê một cây quạt là nghỉ khỏe. Hoặc ra cầu cảng hay bãi biển thuê bạt ngủ. Lúc ngồi ở quán Dân Trí nhìn xuống đường, chúng tôi bắt gặp khá đông những cặp trai gái tay ôm chiếu, tay khoác vai dìu nhau ra phía cầu cảng. Cứ như là đang ở tận phố cổ Hội An. Và thật xa lạ so với cái đêm chúng tôi đi dự đám hỏi của đứa học trò nhỏ bé ngày nào. Chúng tôi ngồi trong cảm giác yên bình đến tận khuya lơ.
Trước khi lội theo đường núi về lại khu nghỉ mát, cả ba cũng kịp ghé miếu Cô thắp hương, coi như một cách cầu phúc cuối cùng để sáng hôm sau rời đảo. Trong khói nhang nghi ngút của ngôi miếu nhỏ nép ven đường lên núi, chúng tôi thầm ước mong xen lẫn chút phân vân: Khi nào thì nơi đây thực sự trở thành một đảo xanh huyền thoại?./.
Ảnh: danangcitytours.com danangcitytours.com