Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
834
123.236.534
 
thôi nôi
Du Tử Lê

Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010, là những vết cháy, phỏng của mùa đông dưới không độ, tới sớm trên cảnh vật cùng khắp nước Mỹ. Riêng miền nam California, nơi chúng tôi đang cư ngụ, dấu ấn bà-mẹ-thiên-nhiên để lại, là những ngày mưa. Phẫn nộ.


Đêm, mưa thúc bầy ngựa soải vó rầm rập trên mái nhà. Như cuộc rượt đuổi bất tận của bâng khuâng những mối sầu, xưa; nỗi niềm, cũ, quê nhà một thời khuất lấp. Ngày, mưa đem theo gió. Như những tờ giấy nhám chà xát da mặt tôi tấy, mưng buốt, rét.


Mưa cũng để lại đường phố nơi tôi ở, những vết thương dị dạng. Như sự lơ đễnh ngày một nhiều thêm, của những bà mụ vô trách nhiệm trước những bào thai thiếu tháng. Trong khi cống, rãnh hai bên đường vẫn ngửa cổ hối hả nuốt những dòng cuồng lưu ầm ầm rác, giấy…   


Trong ghi nhận riêng của tôi, không ít lần mưa đã chọn tôi như thửa ruộng mầu mỡ nhất, để gieo hạt. Cá nhân, dù cố gắng, tôi vẫn không thể phân biệt đó là những hạt giống thương mẹ? Những hạt giống nhớ bạn? Những hạt giống (bất chợt) bồi hồi cảm nghiệm tình, nghĩa thâm sâu của những người nữ đã đi qua đời tôi? Hay đó là những hạt giống mái ấm êm đềm mà, người bạn đời đang cho tôi những ngày sót. Mót?


Tôi không hiểu! Chỉ biết, rồi cũng chính những sáng, những trưa, những chiều, những tối mưa kia, đã gặt hái tâm hồn tôi, bằng những lưỡi hái nhớ nhung, xa vắng. Tôi không khỏi nghi ngờ có một toa rập, ăn ý nào đó, giữa mưa và những tháng, ngày chông chênh, như thế.
Tôi cũng không hiểu, có một toa rập, ăn ý nào không, giữa mưa và những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010 với Ngọn-Nến-Thôi-Nôi, thinh lặng thắp lên trong tâm tưởng của nhúm người (đúng hơn, chỉ một người) thực hiện trang mạng mang tên tôi - - Như mặt khác của yêu thương, trân trọng…Đồng thời là sân chơi chung của mọi bằng hữu (dù chưa quen), vốn chung nhau một mẫu số: Văn học, nghệ thuật Việt.  


Từ những bờ, luống gieo trồng những hạt giống văn nghệ, 29 tháng 12 vừa qua, tôi nghĩ, cũng trong thinh lặng, đã có hàng ngàn ngọn nến (bạn đọc) và, hàng trăm đốm lửa (tác giả) đằm thắm chia sẻ, ân cần thắp lên từ 365 ngày qua. Và, biết đâu, sẽ vẫn còn ở 365 năm, kế tiếp? Khi chúng ta, hôm nay, đã nhiều lần hóa kiếp.


Tôi hiểu, cuộc chơi nào cũng chỉ thực sự ý nghĩa khi có được sự tiếp tay, hưởng ứng của đám đông. Dù cho cuộc chơi được khởi xướng bởi một hay nhiều người thì, căn bản, công đầu vẫn thuộc về người gieo, trồng, giữ sân thứ nhất. Trong ngày “Thôi Nôi” này, ngoài độc giả, bằng hữu, tôi nghĩ, tôi cũng phải làm một điều đó, để tỏ bày lòng biết ơn của mình, với người gieo, trồng và giữ sân thứ nhất kia. Mặc dù, tôi biết, như mưa, cuối cùng tôi sẽ tự gặt, hái (thu lại, cất riêng) lòng biết ơn của mình.    




Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010, là những vết cháy, phỏng của mùa đông dưới không độ, tới sớm trên cảnh vật cùng khắp nước Mỹ. Riêng miền nam California nơi chúng tôi đang cư ngụ, dấu ấn bà-mẹ-thiên-nhiên để lại, là những ngày mưa.
Đêm, mưa thúc bày ngựa soải vó rầm rập trên mái nhà. Như cuộc rượt đuổi bất tận của bâng khuâng những mối sầu, xưa; nỗi niềm, cũ, quê nhà một thời khuất lấp. Ngày, mưa đem theo gió. Như những tờ giấy nhám chà xát da mặt tôi tấy, mưng buốt, rét.


Nhưng, giữa những ngày mưa, gió rải tro cùng khắp trời đất, những ngày các bạn tôi ở vùng đông bắc hay tây nam nước Mỹ, mùa đông này họ khốn đốn biết bao khi bị vây khổn bởi những chập trùng biển, bão tuyết…Tôi chợt hiểu, tự thân cái xấu xa, điều đáng ghét của thiên nhiên, cũng sinh nở cho chúng ta những đứa con đĩnh ngộ. Như sa mạc cho chúng ta xương rồng. Rừng rậm cho chúng ta cổ thụ. Chim muông, sông, suối cho chúng ta những hồi chuông thánh hạnh…Vấn đề là ta có nhận biết?


Dù cho, mây không mang trái tim nhân loại và, mưa không hề là nước mắt chúng sinh.  Nhưng đám mây nào rồi cũng trôi đi! Trận mưa nào rồi cũng có lúc chấm dứt! Như thương yêu là giọt ngọn nến hồng nhiễu chảy, ấm lại mọi chia, ly, thảm kịch.


Như khi nắng lên, bước ra vườn sau của T., thấy nhiều mầm xanh bất động trên cành khô đã ngả mầu nâu, xỉn; tôi nghĩ dường chúng đã truyền hy vọng, sự sống xuống tới nghìn rễ sâu, lòng đất. Phải chăng chúng muốn nhắc nhở tôi:


- Chết, chỉ là cách nói về một đời sống khác?


Từ đó, tôi suy ra:


- Con người có thói quen cắt bỏ một cách hồn nhiên sự chết khỏi thân cây sự sống. Như sự cắt bỏ phần hư thối của một trái táo. Trong khi sống / chết vốn chỉ một!  


Tôi không dám chắc cảm nhận của mình. Tôi chỉ biết những ngày vừa qua, mưa không chỉ chọn tôi như thửa ruộng mầu mỡ nhất, để gieo trồng đủ mọi loại hạt mầm…Mà, mưa còn dạy tôi những bài học mới.


Thí dụ, bài học: Thời gian chính là kẻ thi hành bản án của tử thần chính xác và, lặng lẽ nhất. Nhưng trong mỗi đời người, cũng có những lúc thời gian chểnh mảng, nhắm mắt, quay lưng cho ta có được đôi khoảnh khắc hạnh phúc, gói trọn trăm năm.


Thí dụ, bài học: Bày quạ (bạn tôi), những ngày mưa không biết đã siêu tán về đâu(?) Nhưng trước đây, mỗi buổi chiều, chúng vẫn trở về ngôi nhà xây trên hàng khuynh diệp, bên kia lộ. Chúng thường líu lo kể với nhau, cách của chúng, về những được / mất…Trước khi xóa sạch mọi buồn / vui, được / mất ngày qua.


Những cập nhị nguyên này xẻ chúng ta thành hai phần niết bàn và địa ngục.
Đôi lần, khi trời vừa chạng vạng, tôi thấy trong những người bạn đen…thui của tôi, có chú bị què chân. Chú bị xệ cánh... (Hậu quả của những cuộc “không chiến” với các loài chim khác hoặc, bị trúng đạn từ những người giữ vườn?) Những bạn quạ của tôi tuy có cất tiếng kêu ai oán, não nùng trong tình tương lân…Nhưng thường không lâu, nếu không muốn nói là rất ngắn, các bạn tôi đã sớm bảo nhau tìm vào giấc ngủ bình an giữa cành, lá châng lâng. Tựa, cuộc đời, vết thương thấy vậy, thật ra, cũng chẳng có điều gì đáng kể!    


Bao lần tôi những muốn bắt chước đám bạn quạ đen của mình. Tôi tự nhắc nhở, thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương. Ngay những vết dao mổ dọc ngang thân thể tôi, nay cũng chỉ như những lằn roi đỏ, nổi cộm tựa những bờ đê đắp vụng… Nhưng tôi nghĩ, cách gì, cũng vẫn có những vết thương mà, thời gian phải nghiêm trang, cúi đầu tuyên bố bó tay! Bất lực. Bạn có thể gọi đó là vết-thương-định-mệnh. Bạn cũng có thể chỉ danh: Đó là những vết thương nông nổi đời thường. Hoặc giả, nếu ngậm ngùi lãng mạn hơn, bạn có thể gọi đó là vết thương tâm thể: Kỷ niệm khởi đầu một kiếp!   


Riêng tôi, chưa bao giờ tôi có được cho mình một kết luận, định nghĩa rốt ráo về loại vết thương ấy. Có thể vì tôi đã từng nhiều lần, bị nhận chìm, dìm sâu đáy cùng thất vọng. (Như tôi từng bị nhận chìm, dìm sau đáy cùng thương, nhớ!)”


Cũng có thể vì tôi sớm hiểu, đời sống là dòng sông nước xiết. Đổi thay là tên gọi thứ hai của đời thường. Có ngạc nhiên chăng, chính là sự không đổi thay đời thường, nếu có!
Nhưng bằng vào kinh nghiệm riêng mình, tôi tin, có những tình yêu bất biến. Đó là thứ tình yêu được làm thành bởi những bất toàn, mất mát, tổn thương và, tâm từ?


Tuổi già (như mưa,) cho chúng ta nhiều tâm từ hơn thời trẻ dại. Ngay cả khi đó là sự gieo, trồng và tự gặt hái lấy (thu về, giữ lại) những gì mình đã gieo xuống.  


Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010, là những vết cháy, phỏng của mùa đông dưới không độ, tới sớm trên cảnh vật cùng khắp nước Mỹ. Riêng miền nam California, nơi chúng tôi đang cư ngụ, dấu ấn bà-mẹ-thiên-nhiên để lại, là những ngày mưa. Phẫn nộ.
Trong ghi nhận riêng của tôi, không ít lần mưa đã chọn tôi như thửa ruộng mầu mỡ nhất, để gieo hạt. Cá nhân, dù cố gắng, tôi vẫn không thể phân biệt đó là những hạt giống thương mẹ? Những hạt giống nhớ bạn? Những hạt giống (bất chợt) bồi hồi cảm nghiệm tình, nghĩa thâm sâu của những người nữ đã đi qua đời tôi? Hay đó là những hạt giống mái ấm êm đềm mà, người bạn đời đang cho tôi những ngày sót. Mót?


Những sớm mai mưa rải tro khắp cùng trời đất, ngồi với Th. và, Ph. dưới hàng hiên của mấy quán café quen, nhiều lần tôi tôi buột miệng, “mưa, nhớ Việt Nam!”


Tôi không biết liên tưởng trực hay gián tiếp từ ký ức nào, khiến tôi buông lời, như nói với chính mình. Tôi nhớ, tôi có nói với Th. và Ph. mưa làm nhớ Pleiku!  


Nhưng tôi không nói với Th. và Ph. những ngày mưa ở Kim Bảng, Hà Nam. Những ngày mưa nghiêng trời, lệch đất mà từ bậc thềm khá cao nơi cổng nhà, tôi không còn thấy chút bóng dáng (dù mù mờ) của ngọn núi Cấm, bên kia bến sông Đáy. Ngọn núi Cấm nơi quê tôi, chiều chiều vẫn nhận mây và, đón chim bay về. Như tôi chiều chiều vẫn nhận, đón nỗi buồn quen thuộc từ những bữa cơm. Những bữa cơm chiều của gia đình tôi, được đánh dấu bằng thưa vắng gia tăng!
Trong ghi nhận của tôi, đó là khoảng thời gian duy nhất trong ngày, mẹ tôi buông, xả, thảnh thơi, ngắm nhìn những đứa con còn lại. Chỉ một hình ảnh bà không bao giờ thấy, là khi chiếc bóng bà hắt xuống, chạm vào một phần chân sơn son thiếp vàng, trạm trổ công phu của bàn thờ chính. Trên đó, lần lượt hình ảnh ông, bà, cố kỵ, rồi thầy tôi, các anh, chị tôi dàn hàng bên những lư đồng, mâm quả…Cùng những cây nhang vòng, cháy không đều, buồn bã rơi thõng, như tiếng thở dài bị đứt đoạn!             


Dù ngồi với nhau rất lâu sau đó, nhưng tôi không kể với Th. và Ph., những ngày mưa Hà Nội, đầu thập niên (19)50. Khi mưa ngập lụt sân trường Hàng Vôi ở đường Hàng Vôi, tan trường, tôi và chị T. tôi phải ở lại; lóng ngóng chờ chị O. chúng tôi đến đón. Thời đó, phương tiện di chuyển của chị O. tôi là cyclo đạp. Nên, dù sốt ruột, nôn nóng cách mấy, chị cũng không thể bắt ông cyclo đạp quen đến đón chúng tôi khi nước chưa rút hết! Bởi thế, sau khi lau người, thay quần áo khác cho tôi, lúc ngồi vào bàn ăn, nơi phần trong của căn nhà sâu hút ở phố Phúc Kiến, buổi tối đã quánh đặc. Hình ảnh chị O. tôi với giải tang dài, nhỏ, mầu đen, chít ngang đầu, phần dư bỏ phía sau hoặc đôi khi được đem về phía trước, với tôi, cả trăm lần buồn hơn thời gian chờ mưa dứt. Hồi đó, tôi không hiểu vì lý do gì, dù đã trên ba năm, kể từ ngày anh U. tôi bị máy bay Pháp bắn chết ở Nho Quan, chị dâu tôi vẫn không chịu lấy đi khỏi mái tóc đã lấm tấm sợi bạc của chị, giải tang đen ấy! Tôi nhớ, lâu lâu hình ảnh giải tang đen trên đầu chị tôi lại lay động, theo ngọn đèn chao động trên cao… Tôi không biết chị tôi nghĩ gì giữa tiếng mưa như hàng nghìn tiếng búa đập đều nơi miếng sân chia đôi căn nhà. Tôi chỉ nhớ, những buổi tối như thế, dường chị O. chỉ ngậm những hạt cơm trong miệng, không nuốt. Nhìn tôi, lạc, xa thần phách!...


Dù ngồi với nhau rất lâu sau đó, nhưng tôi không kể với Th. và Ph., những chiều mưa ở Saigòn. Những chiều mưa nước sông Saigòn dâng cao. Tôi ngồi với người bạn gái (đã qua đời chỉ vài năm sau biến cố 30 tháng 4-1975), ở nhà hàng Ngân Đình. Chúng tôi nghe sóng đưa mưa vỗ ì uồm mấy chân cầu xi măng làm ra trên mặt sông. Tôi không biết người bạn gái của tôi nghĩ gì? Nhớ gì? Riêng tôi, những buổi chiều trôi sớm vào bóng đêm như thế, tôi luôn nhớ, bên tay phải tôi là con đường có tên ba chữ: Bến Chương Dương. Đã trên dưới năm mươi năm, hôm nay, tôi vẫn có thể hình dung: Từ Ngân Đình bước ra, rẽ tay trái, tôi sẽ đi qua khu Ngân Hàng Quốc Gia. Đối diện, ở mé sông là một công viên nhỏ. Đi bộ thêm vài trăm bước, là khu chợ Cầu Ông Lãnh. Cũng ở mé sông, giữa phố chợ, là một quán café không có tên, mở suốt ngày, đêm. Những người bạn làm văn nghệ lớp trước, kể rằng đó là “Quán Biên Thùy.” Tên này do nhà văn Lê Văn Trương đặt, thời ông ngồi thường xuyên và, thâu đêm ở đấy.


“Tội nghiệp lắm! Đó là thời gian sa sút nhất của ông ấy!” Người bạn văn nghệ lớn tuổi của tôi, nói.


Tôi không được như nhà văn Lê Văn Trương. Tôi cũng không có những lần ngồi chờ sáng ở Quán Biên Thùy như ông. Nhưng cũng tại ngôi quán bên đường, xập xệ ấy, tôi đã có nhiều tối với Đào Quý Châu, im lặng, nhìn chếch về phía bên kia đường. Nơi có ngôi nhà quen thuộc với tôi. Nơi có ánh đèn neon hắt ra. Như khích lệ niềm hy vọng hão huyền của tôi. Hy vọng được thấy H.C.


Tôi nói hy vọng hão huyền bởi vì ngay cả ban ngày, cũng chưa bao giờ tôi thấy H.C. tựa cửa. Chúng tôi thường chờ đợi cho đến khi hai cánh cửa sắt nặng nề kéo ra, khép lại. Bên này đường, dù ồn ào hay, bị rộn bởi tiếng mưa, tôi cảm tưởng như vẫn nghe được tiếng ngàm sắt móc vào ổ cứng. Có thể bạn tôi cũng nghe được. Nên sau đó  không lâu, bạn tôi thở dài, ái ngại nhắc tôi đứng dậy. Đi về.  


Từ ngôi nhà, ánh đèn và hình ảnh của người con gái kia, rất nhiều bài thơ thời non dại của tôi, ra đời. Hai trong số những bài thơ ấy là, “67, khúc thêm cho huyền châu” sau đổi thành “Trên ngọn tình sầu” với phần nhạc của Từ Công Phụng và, “Một bài thơ nhỏ” sau đổi thành “Người về như bụi” với phần nhạc của Hoàng Quốc Bảo.


Ca khúc “Người về như bụi” của Hoàng Quốc Bảo qua tiếng hát Kim Tước, cũng được nhiều người yêu thích, tuy không bằng “Trên ngọn tình sầu” của họ Từ. Nhưng tôi có khuynh hướng nghiêng về bài “Một bài thơ nhỏ” hơn bài kia. Có dễ vì họ Hoàng lấy được khá nhiều những câu thơ tôi thích, như:


“…tôi buồn như gió
“ngang qua thềm nhà
“thấy ai ngồi đợi
“bóng hình chia đôi
“sầu tôi lụ khụ //
“người về như sóng
“buồn tôi quanh năm
“người về như đêm
“mơ hồ cõi chết
“tình tôi phập phều
“những tăm phụ bạc
“lòng tôi gian ác
“dấu trong miệng cười//
“người về như sương
“ẩn sau lá động
“người về trong gương
“thấy mình mất tích…”

Bây giờ, nếu một người nào đó, cắc cớ hỏi:

 “Ai mất tích? Người trong gương, hay tôi kẻ ngoài gương?”

Nhiều phần, tôi sẽ trả lời:

 “Tôi. Chính tôi là người mất tích!”


Dù ngồi với nhau rất lâu sau đó, nhưng tôi không kể với Th. và Ph., một đêm mưa vật vã, tôi tạt về thăm mẹ tôi, khi đó, bà còn ở vùng Chí Hòa với gia đình người anh lớn của tôi. Tôi biết, không chỉ mẹ tôi mà, tất cả mọi người chẳng ai chờ đợi tôi ghé về nhà trong tình cảnh bùng nhùng ấy. Khi tôi bước vào, mẹ tôi từ phòng trong đi ra. Bà ngỡ ngàng nhìn tôi. Tựa tôi là bóng ma đội mưa trở về! Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm, bà đặt tay lên đầu tôi, chỉ để thăm dò mức độ ướt, lạnh tóc tôi thế nào! Tôi không khỏi cảm động, thấy mình quá sức hư hỏng. Trở lại nhà mình, tôi viết “Đêm mưa về Chí Hòa thăm mẹ.” Tự hứa sẽ không bao giờ lơ là việc thăm mẹ. Nhưng ân hận không ở với tôi lâu! Đời sống riêng của tôi, những ngày Saigòn, xưa vẫn là một đời sống xốc, nổi. Và, hàng năm, mùa mưa vẫn trở về, đôi khi rất sớm, trước tháng mười một. Nhưng mưa đã trôi tuột ân hận tôi về chốn khác!

    
Dù ngồi với nhau rất lâu sau đó, nhưng tôi cũng không kể với Th. và Ph., chuyện gần nhất, cách đây khoảng sáu, bẩy năm, B. Tuyết, cô em con bà dì ruột của tôi (một trong những đứa cháu mẹ tôi thương nhất), một buổi sáng hốt hoảng gọi điện thoại cho tôi, kể đêm qua, Tuyết mới nằm mơ thấy mẹ tôi về báo mộng. Tuyết nói, trong giấc mơ, mẹ tôi bảo mẹ tôi lạnh quá, đã ở trên cao, lại không đủ áo quần ấm mà, mưa tầm tã quá nhiều ngày…


Tôi nhớ lại, quả thật nhiều ngày trước đó, bà mẹ thiên nhiên thình lình nổi cơn, vùi dập miền nam Cali của chúng tôi, bằng những giận dữ hiếm thấy! Tuyết hỏi tôi có thể chở Tuyết đi thăm mộ mẹ tôi, ngay ngày hôm sau? Tôi nói được chứ. Tôi sẽ đi, dù không có Tuyết.  


Sáng sau, tôi chở Tuyết cùng hoa, quả, nhang đèn do Tuyết sắm trước, đến nghĩa trang Loma Vista. Dù trời đã tạnh mưa được hai ngày, nắng cao và gió ấm; nhưng trên ngọn đồi Loma Vista, nước mưa còn đọng từng vụng lớn. Quang cảnh hiện ra trong mắt tôi là cả một nghĩa trang bị xé nát! Gió, mưa hất tung tóe tất cả những bó hoa, chậu hoa…Các vòng hoa trên mấy ngôi mộ mới, cũng bị những bàn tay, gót chân đám côn đồ vô hình, điên cuồng dầy xéo…


Trước mộ, tôi khấn hỏi mẹ tôi, “Sao me không báo cho con biết?...”


Đã hẳn, mẹ tôi không trả lời! Nhưng tôi nghĩ, có thể mẹ tôi cho rằng, nhắn qua Tuyết, nhiều phần tôi sẽ sốt sắng hơn? Hơn ai hết, mẹ tôi hiểu, dù tôi đã bước qua vào tuổi sáu mươi, nhưng trong mắt nhìn của mẹ tôi (dù ở thế giới khác,) trước sau, tôi vẫn chỉ là đứa con út hư đốn, nhưng không thể từ bỏ của bà!


Sau ngày ấy, mỗi lần nhớ mẹ, tôi lại lẳng lặng lái xe lên đồi Loma Vista. Tôi ngồi chơi với mẹ tôi. Tôi kể với bà đủ mọi chuyện trên trời, dưới đất. Luôn cả những chuyện xấu xa, tội lỗi…Những chuyện mà bình thường, một mình, tôi cũng không muốn nhớ! Tôi ngồi đó, hút thuốc. Như ngày nào ở ngôi nhà đường Ranchero Way, mẹ tôi ở phòng khách, tôi lẻn ra sân sau hút thuốc lá với Trần Duy Đức, Lê Giang Trần hay, Đặng Thanh Phong…


Bây giờ, Phong đã mất. TD. Đức đã bỏ căn nhà ở đường La Vergn Way, đem căn bệnh vẫn chưa có tên gọi chính xác, về một ngôi nhà khác. LG. Trần đưa vợ con về sống giữa trang trại ở một thành phố nhỏ, Texas. Cái thành phố dù được nghe nhắc nhiều lần, tôi vẫn không thể hình dung… Chỉ riêng mẹ tôi vẫn nằm trên ngọn đồi Loma Vista.


Sau bao nhiêu năm, bây giờ, không cần phải ngồi giữa nghĩa trang, nhiều đêm chợt tỉnh giấc, tôi cảm tưởng như vẫn nghe được tiếng hú từ rừng cây và, từ con vực nhỏ bên hông nghĩa trang, cùng dội âm một đoạn nhạc của Lê Văn Thành, ở Montreal: Ca khúc phổ từ bài thơ “Thương mẹ đã lưng đồi” của tôi:


“tôi đi trên đường gai

“dù Chúa không hề trải

“thương mẹ đã lưng đời

“còn nghe rừng hú mãi…”


Đã hai mươi năm kể từ khi bài thơ được viết xuống. Người con gái, linh hồn thứ hai trong bài thơ, như mẹ tôi, cũng đã “đi xa.” Tôi tin, họ đã về cảnh giới khác! Mặc dù tiếng hú kia vẫn còn trong tôi. Mãi mãi. Có thể, tiếng hú, cảm theo cách nào đó, đã là tiếng dội dập từ vách thành tâm thất trái, phải của tim tôi!


Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010, là những vết cháy, phỏng của mùa đông dưới không độ, tới sớm trên cảnh vật cùng khắp nước Mỹ. Riêng miền nam California nơi chúng tôi đang cư ngụ, dấu ấn bà-mẹ-thiên-nhiên để lại, là những ngày mưa. Phẫn nộ.
Đêm, mưa thúc bày ngựa soải vó rầm rập trên mái nhà. Như cuộc rượt đuổi bất tận của bâng khuâng những mối sầu, xưa; nỗi niềm, cũ, quê nhà một thời khuất lấp. Ngày, mưa đem theo gió. Như những tờ giấy nhám chà xát da mặt tôi tấy, mưng buốt, rét.


Nhưng dù cho mưa có để lại đường phố nơi tôi ở, những vết thương dị dạng. Như sự lơ đễnh ngày một nhiều thêm, của những bà mụ vô trách nhiệm trước những bào thai thiếu tháng. Trong khi cống, rãnh hai bên đường vẫn ngửa cổ hối hả nuốt những dòng cuồng lưu lều bều rác, giấy…Thì, nếu ngày mai quang, tạnh, không cần Tuyết nhắc, tôi cũng sẽ đi thăm mẹ tôi. Trước ngôi mộ của bà, tôi sẽ thầm khấn:


“Thưa Me, con không biết ngày con “thôi nôi,” Me đã bày những gì? Và, con nhặt cái gì? Tuy nhiên, kể từ hôm nay, không phải mỗi năm mà, mỗi ngày là một “thôi nôi” của con. Con sẽ nhặt lấy cho mình nhiều hơn một. Đó là những biết ơn, không chỉ từ T., từ ruột thịt, bằng hữu mà, còn từ đám đông. Xa lạ. Mọi người. Bởi, nếu không có những thiện tâm của họ, nhiều phần, con của Me đã không còn sống đến hôm nay!”./.

   
(California, 12- 30 – 2010.)

 

Du Tử Lê
Số lần đọc: 1588
Ngày đăng: 07.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiều Cuối Năm... - Lê Lộc
Khi đã là quá khứ - Võ Thụy Như Phương
Cao Nguyên - Nguyễn Thị Hậu
Về lại Sorrento - Trương Vũ
Mái Nhà Năm Xưa - Khuất Đẩu
Bài ca Giáng sinh: Trái Tim Đẹp Nhất - Nguyễn Hồng Nhung
Tản Mạn Chữ Tình - Trần Minh Nguyệt
Sài gòn và em - Nguyễn Hồng Nhung
Mẹ - Lê Lộc
Nô tài thi sĩ - Hiếu Tân