Gã là một kẻ lang thang không nhà theo đúng nghĩa của nó. Nhiều năm trời, gã sống trên những chiếc xe di động cũ được chủ nhân sửa sang lại thành căn phòng cho thuê. Đây là một đất nước tươi đẹp mà nhiều người mong ước đặt chân đến để xem qua một tí, để định cư. Nơi hiện nay gã tạm dừng chân là một tiểu bang có thời tiết trái hẳn với các nơi khác, thay vào mùa đông lạnh lẽo là mặt trời chiếu rọi lên các rừng cây um tùm , lên biển xanh bất tận. Mùa hè Tây Úc còn là mùa của cỏ cây hoa lá với nhiều màu sắc sáng sủa, tươi sáng, mùa của những du khách đến khám phá những ruộng nho, ruộng cà chua vào mùa thu hoạch, trải nghiệm những làn bão bụi và cái nắng chói chang rực rỡ.
Thế nhưng, gã là một kẻ làm thuê hết trang trại này đến trang trại khác. Những người chủ luôn muốn giữ gã lại vì gã có sức làm việc dẻo dai với một sự tập trung cao độ tạo năng suất gấp đôi những người bình thường khác. Tuy nhiên không ai thấy gã lưu lại một nơi nào quá sáu tháng và cũng không ai biết được gã làm gì tiêu gì vào số tiền kiếm được, không ai biết tại sao gã lại không có một mảnh đất cắm dùi. Những cô gái làm thuê len lén nhìn gã rồi lặng lẽ quay đi khi bắt gặp đôi mắt phớt đời của gã, không ai trong số đó biết rằng, nếu họ chăm chú nhìn gã lâu hơn vài giây, họ sẽ khám phá rằng ẩn sau đôi mắt có vẻ vô cảm kia là mặt hồ sâu thẳm vời vợi những ưu tư chất ngất pha lẫn một nét gì đó rất hiền từ và tình cảm.
Gã mê đọc thơ, quả là một sở thích xa xỉ đối với những người dân nhập cư trên trang trại bao la này, những người mà tiếng Anh cũng không rành và chả bao giờ có trong tay một tờ tạp chí hay sách báo bằng tiếng mẹ đẻ để xem, những người chỉ biết làm quần quật từ tờ mờ sáng đến tối mịt, tranh dành nhau từng luống cà chua, luống dâu tây và tị nạnh nhau việc dễ việc khó, cân đo đong đếm sản phẩm và quy ra tiền thu nhập trong ngày, xếp hàng để tắm táp, đến nhà ăn, quay về nơi ở chật chội, rồi lăn ra ngủ say như chết. Thế mà gã mê đọc thơ.
Vì làm việc rất nhanh nên gã thường nghỉ sớm, 6h tối gã đã tắm táp sạch sẽ, ăn uống xong xuôi, ngồi dưới một tán cây râm mát và cẩn thận rút ra một tập thơ từ cái túi xách cũ sờn, vuốt vuốt thẳng nếp rồi say sưa đọc. Dĩ nhiên, ngoài việc chẳng biết lấy đâu ra những tập thơ mới, gã còn trang bị cho mình một chiếc laptop nối mạng wifi miễn phí từ đường truyền của chủ nhà. Xung quanh gã không một tiếng chim hót và cái nắng khắc nghiệt vẫn còn đọng trên tán lá cây và phả vào mặt gã một ít nhiệt lượng cuối ngày.
Hôm nay người ta thấy gã đã ngồi dưới gốc cây quen thuộc từ bốn giờ chiều, da mặt sạm đen và các bắp tay cuồn cuộn khoẻ mạnh. Gã cầm trên tay một tập thơ còn thơm mùi giấy mới với tựa đề “Nắng Qua Lăng Kính” của tác giả Khaly Chàm (NXB Văn Hoá – Văn Nghệ, 2010). Sở dĩ gã buộc dây cà chua nhanh hơn mọi hôm để về sớm thưởng thức tập thơ này là do gã trước đây đã từng đọc một số thơ của Khaly rải rác đây đó, gã vẫn chưa hiểu được ý tứ trong những bài thơ ấy nhưng sao dấu ấn của chúng để lại trong lòng gã khó phai đến thế. Những lời thơ của Khaly rất mạnh mẽ và dữ dội, va đập vào tâm khảm gã đến độ miên man.
ai là người một thuở … gọi tình nhân?
đừng ngỡ ngàng hoàng hôn trăng vàng úa
đến khi nào cùng nắm tay nhảy múa
trên cầu vồng bảy sắc đợi lai sinh
(Ai Là Người Một Thuở)
Tím chiều mưa biệt li buồn ai hát
ngửa bàn tay sao giọt rụng nhẹ hều
cọc đời lạnh thời gian đang vuốt nhọn
con chim nào về đậu vọng tiếng kêu?
(Về Kiên Giang Tìm Kỷ Niệm)
cuộc chơi điểm sắc tô màu
rằng ly là biệt tại sao tương phùng
được gì hàng triệu năm chung
đất trời hoà nhịp khôn cùng hóa sinh
(Sự Cảm Nhận Vĩnh Cửu)
Người ta bảo rằng thơ Khaly trước đây rất kén người đọc, có lẽ do nhà thơ “đã dũng cảm, bạo liệt phá vỡ và hỗn đồng lại những mảnh vỡ của ngôn ngữ thường nhật, của trật tự cú pháp thường nhật, để, sau đó, nhào nặn lại khuôn mặt ý nghĩa mới cho chúng bằng chính hơi nóng khát khao tra vấn và truy tầm những giá trị thẩm mỹ mới cho thơ, cho mình và cho đời” (Nhất Loan, 2008). Đối với gã, ngay cả những lời nhận xét tinh tế như thế cũng khá hoa mỹ và khó có thể hiểu được một cách sâu xa, bởi gã chỉ đơn giản cảm nhận vẻ đẹp của thơ Khaly khi ngâm nga những dòng thơ ấy, khi thả mình vào dòng thơ ”đa chiều, đa cực” và liên tưởng đến tháng năm dài rong ruổi trên các chặng đường của gã.
khi vô thức rơi tan vào tĩnh lặng
ngàn triệu năm hằng số để nghi ngờ
tâm thức hỡi, biết rằng ta hiện hữu
bóng nhập hình một giọt sáng trong mơ!
(Tất Cả Không Là Gì)
khi đã rơi chạm tận cùng sâu thẳm
ta trong mơ hay tỉnh đến sững sờ
nếu phải sống nhìn đất trời im lặng
rượu ngọt ngào đẫm ướt những vần thơ
(Tận Cùng Sâu Thẳm)
Tận cùng sâu thẳm, gã biết mình vẫn tồi tại giữa đất trời. Tinh hoa của con chữ lấp lánh nhiều ý tượng và lung linh đa chiều tư duy cảm xúc (1) khiến gã bồi hồi dừng lại dõi mắt xa xăm. Hai mươi mấy năm gã gần như cắt đứt với thế giới sinh động bên ngoài. Dĩ nhiên với một người nhập cư lâu như gã, đa phần người ta đã yên bề gia thất con cháu đầy đàn và chỉ việc ngồi rung đùi hưởng thụ. Nhưng cứ xem như gã thuộc về số lượng kém may mắn hoặc cũng có thể hiểu rằng do bản thân gã chọn con đường đó. Đi đến đâu thì gọi nơi ấy là nhà, còn sức khoẻ còn lao động mà đã lao động thì khỏi phải suy nghĩ lung tung cho đến hết một ngày. Lao động nặng nhọc ở các trang trại dường như là sở trường của gã, cứ như gã được sinh ra là chỉ làm mỗi một việc ấy.
dốc đời trượt chạm thời gian
trời xuân vàng nắng vô vàn hoa bay
choàng vai kiều nữ chau mày
dăm li bia bọt đếm ngày qua mau
(Qua Bình Dương Say Với Bạn Ta)
có con đường ta chạy muốn hụt hơi
những vọng tưởng vần hào quang trước mắt
ta gọi tên ta chỉ lập loè đom đóm
nếu không có vách đời bật ngửa lại phía sau
(Những Con Đường)
Những con đường gã đã từng đi qua của một thời tuổi trẻ, gập gềnh có, phẳng phiu có, ngoằng ngoèo có và thẳng tắp có. Những con đường đưa gã đến tột cùng vinh hiển cũng là những con đường dễ dàng nhấn chìm gã nhất. Có những lúc gã tưởng mình đã chết đi chết lại mấy lần nhưng ý nghĩ tồn tại vì người khác luôn là thần lực vực gã đứng dậy và dò dẫm bước tiếp. Câu thơ chạm vào những tế bào mẫn cảm của tim và óc và chúng nhạy bén nhảy vào hố thẳm câm nín của gã (2).
rồi một hôm những hạt lửa cháy bùng
bụi tàn tro hoà tan vào biển cả
thế mới biết sinh thành từ nghiệt ngã
có bao giờ ta sẽ gặp lại nhau?
(Có Bao Giờ Ta Sẽ Gặp Lại Nhau)
đừng bảo rằng: ốc chỉ là vỏ bọc nỗi đau
ai đã mượn hồn nhìn thời gian trừng mắt
nếu ta chạy một vòng hàng vạn dặm
cũng phải quay về nơi đã ra đi
(Biển Và Ngụ Ngôn)
Quay về nơi đã ra đi? Quay về nơi đã từng sinh ra gã, quay về nơi lần đầu tiên gã đặt chân đến một miền đất xa lạ hay quay về với một cuộc sống nhàn nhã cho riêng mình? Chừng nào chưa trả lời được câu hỏi này, chừng ấy gã vẫn còn rong ruổi. Nhà thơ có lẽ phải nhìn thấy khổ đế của trần gian, phải lịch trải trong cuộc tồn sinh, phải bị đoanh vây giữa muôn trùng hư vô và ảo ảnh mới thai nghén được những câu thơ chạnh lòng đến thế. (3).
Đâu là bến, đâu là bờ hư ảo
quê hương nào nơi chốn cũ mơ xa
những bí ẩn chập chờn theo giấc ngủ
trôi bềnh bồng có phải xác của ta?
(Bến & Bờ)
ra đi tha hương nào dám nói giang hồ
nỗi nhớ quê đành gửi theo mây trắng
ai đã cấy lên đầu ta vạt nắng?
tóc úa màu rụng xuống chạm trăm năm
(Về Quê)
Những câu thơ này khiến gã buồn muốn khóc, khiến gã cảm thấy thương cảm vô cùng những người phải rời xa quê hương của mình với lý do này hay lý do khác mà tâm hồn luôn bay bổng hướng về một cõi xa xăm, những người qua bao năm tháng vẫn thấy mình là rong là rêu nương hờ gửi tạm và mãi mãi vẫn không thể hoà nhập được, những người mà qua mấy mươi năm hình ảnh quê nhà hiện lên trong trí nhớ vẫn đằm thắm, ngọt ngào và xưa cũ kể cả khi đất nước đã khoát lên mình chiếc áo rất mới, rất hiện đại. Gã cũng thấy thương cho những người thành đạt bảnh bao xênh xang và ồn ào như hội nhưng lại không có một sợi dây kết nối nào với cái nơi đã từng nuôi dưỡng mình từ tấm bé. Thương thay, thương thay!
dế rung cánh gọi bình minh bao nắng
đêm hội hè ve sữa chạm thân cây
ta chợt biết tử – sinh từng giây phút
với hư vô cay đắng ngọt ly đầy
…
ánh sáng rực bốn phương trời vô định
có hay không cũng lắm chuyện mơ hồ
…
trong màu đất vỡ hoang nghe âm hưởng
ta nhập hồn theo tiếng hát mùa xanh
(Ta Nhập Hồn Theo Tiếng Hát Mùa Xanh)
sân nhà bạn mưa rơi nhiều bong bóng
rồi cũng vỡ tan như mộng anh hùng
thà làm chuồn chuồn bay cao bay thấp
nào biết đất trời vô thủy vô chung
(Ô Môn Một Ngày Với Bạn)
Nói gì cho bao la, hơn hai trăm người nhập cư đến từ các nước khác nhau để làm việc tối mặt tối mày ở trang trại cách xa trung tâm thành phố này là điển hình rõ nét nhất cho niềm thương cảm của gã. Mà cũng phải, nếu không có họ thì ai sẽ là người gieo trồng và thu hoạch cho mùa màng, ai sẽ là người trồng cây để hái quả ngọt. Những người dân bản xứ hoặc những người đã lập nghiệp vững vàng có nơi ăn chốn ở thì dại gì mò mẫm đến một nơi heo hút và bỏ sức lao lực thế này, mà có muốn họ cũng làm không nổi và khó mà có thể chống chọi với công suất làm việc hết cỡ với tiền công rẻ mạt. Cách đây lâu lắm rồi, bạn gã bảo rằng muốn chạy giấy tờ sang đó làm nông vì đời sống phố thị đắt đỏ khó mà trụ nổi, gã chỉ một mực xua tay, thôi thôi, cơ cực quá thì xin ông về quê mà sống cho thanh nhàn, để tôi làm một tuần thêm mấy giờ nữa. Và trong quyển sổ tay be bé của mình, gã gạch đầu dòng thêm một ghi chú.
màu nắng hồng, màu nắng rất thân thương
áo lụa trắng trên cung đường hoa bướm
với tình yêu có phải là ảo tưởng?
nghịch lý đời thường rách nát những vần thơ
(Thơ Viết Cuối Năm)
lội dọc kênh sâu hái bông điên điển
một hũ mắm chua để gọi làm qùa
vợ ta sẽ mừng món ăn thôn dã
dẫu lắm bạc tiền không đổi được nghĩa nhân
(Tân Châu Mùa Mưa)
khi nào thức đợi bình minh
lung linh sắc giới chạm hình bóng ta
lời kinh mầu nhiệm tụng ca
gót khuya gõ nhịp mù lòa chân mê
(Daklak Những Ngày Rong Chơi)
Gã vẫn đọc chầm chậm và chăm chú, như thể gã đang cầm một cốc rượu thơm, đưa lên mũi hít vào cái hương vị ngọt ngào của nó rồi mới nhẹ nhàng chạm môi nhấp từng ngụm nhỏ. Đôi mắt thăm thẳm của gã ánh nên những luồn sáng ngời ngời lạc quan. Phong thái thơ Khaly Chàm vẫn thế, vẫn là “một phá cách khá đẹp”, vẫn “sáng tạo khôn nguôi những sắc màu thẩm mỹ mới cho thơ, cho mình và cho đời” (Nhất Loan, 2008). Nội dung, chủ thể và nhân vật trữ tình với cái nhìn nghiền ngẫm về cuộc đời, với tâm tư và suy cảm và với nhạc thơ bay cao toát lên từ các bài thơ thắp sáng tư tưởng làm gã cảm thấy yêu đời đến lạ.
tháng giêng ngẫu hứng tìm lên núi
đá xám căng da dưới mặt trời
phải chi gặp lại ngàn năm trước
múa một đường gươm hoa nắng rơi
(Tháng Giêng Lên Núi)
cám ơn những sáng nắng hồng
bướm bay vũ khúc trắng trong sân trường
ta là người của hoàng hôn
lặng nghe lá rụng trên đường phượng xưa
(Tây Ninh Một Vòng Cuối Năm – Trước Cổng Trường Nguyễn Trãi)
Không gian thơ mênh mông, vô lượng, nhàn thoát, trong sáng và kinh qua sự lịch trải, chiêm nghiệm trên đường đời (4), những dòng thơ mượt mà và niềm thăng hoa trong tiềm thức với hoài cảm da diết đưa gã trôi vào miền nhớ mênh mông về những ngày tháng tươi đẹp tung tăng nơi quê nhà, về đôi mắt tròn lúng liếng và chùm phượng đỏ thắm rực rỡ, về những cuộc vui đình đám và những giờ thả mình dập dìu trong tiếng nhạc du dương ở một quán cà phê vắng. Không biết rằng khi quay về, gã có thể còn được đắm mình vào những hình ảnh thân thương của ngày xưa hay chỉ ngượng ngùng chẳng giải thích được lời nào trước những cái nhìn lạ lẫm.
gió không ngừng đuổi mây trôi tám hướng
tóc xanh bay ta dõi mắt biệt mù
những hạt nắng dễ chừng như giọt lạnh
chạy kiếm tìm chạm mặt cõi hoang vu
…
em yêu hỡi thấy gì trong dáng lửa
chút tàn tro cũng ấm chỗ ta nằm?!
là hạt bụi suốt một đời luân lạc
xin đừng buồn sợi tóc bạc trăm năm
(Chợt Nghĩ Về Sợi Tóc)
khi nào mới tạ ơn nhau
đời xanh giọt lệ sắc màu tàn phai
cho dù xiết chặt bàn tay
thủy chung như nắng trắng ngày hân hoan
(Sự Đồng Cảm Tự Nhiên)
Ôi chao, điều đáng nói là đã bao lâu rồi gã không cố tìm lấy một “sự đồng cảm tự nhiên”, bao lâu rồi gã dấu mình bên trong lớp vỏ xù xì rắn rỏi, bao lâu rồi suy tư của gã chỉ cuồn cuộn xoay chuyển trong cái đầu hạn hẹp của mình mà không có sự giao thoa với bên ngoài. Gã cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng những sợi tóc lốm đốm bạc trên đầu như một lời nhắc nhở gã về sự tồn tại, về quy luật tuần hoàn của thời gian và sự hiện hữu của ban mai, của hoàng hôn và những định luật tự nhiên. Thế nhưng liệu gã có thể quên được không, cái cảnh rừng cháy ngùn ngụt do một kẻ dở hơi đố kỵ nào đó vờ vô tình xoẹt lên một que diêm, một que diêm để rồi cả một trang trại tốt tươi chìm trong biển lửa, có quên được không, trong biển lửa ấy, không chỉ có cà chua, có dâu tây, có cây rừng, có nhà cửa mà có cả con người. Gã đọc đâu đó rằng, hãy thôi làm ngư ông suốt đời chạy theo một con cá cho những điều ước để rồi chỉ cầm trên tay bộ xương khô trắng, thôi làm hòn tuyết lăn xoay tròn để rồi sẽ vỡ tan. Gã đang tập lặng yên trong tâm tưởng và neo đậu con thuyền nơi mặt nước phẳng lặng trái tim mình, gã đang tập cách thảnh thơi và tĩnh lặng.
sắc màu nắng giữa tầng không biến ảo
nhìn ba chiều tròn những giọt đen rơi
hàng triệu sóng siêu âm theo vòng chạy
sẽ tự nhiên tín hiệu nhập môi cười
(Nắng Qua Lăng Kính)
tiếng chim hót véo von trên vòm lá
tỉnh mộng chưa còn sống để làm người
xin tạ ơn đời – ta là thực thể
tiếng cười vang tan vào giọt nắng rơi
(Khi Biết Ta Còn Sống)
đừng bao giờ trách cứ biển nghe em
hãy ngồi xuống cùng ta bên biển
nghe biển hát vỗ về lời ru thánh thiện
ca ngợi tình yêu ngưỡng vọng cuộc đời
(Hãy Ngồi Xuống Cùng Ta Bên Biển)
bên hồ ngắm dải mây trôi
cánh chim bói cá tìm mồi chao nghiêng
âm vang một chuỗi chuông thiền
phải chăng ta lạc giữa thiên đường rồi
(Tây Ninh Một Vòng Cuối Năm – Bên Hồ Dầu Tiếng)
Đây có lẽ là những câu thơ mà gã tâm đắc nhất, những câu thơ đẹp nhất của tác giả dành làm quà tặng riêng cho gã và cho cuộc đời tươi đẹp ngoài kia. Có thể mãi mãi gã vẫn còn những vấn nghi và khắc khoải nhưng gã cũng không nhất thiết phải tìm cho ra được một giải pháp hay một lối thoát, bởi vì đâu đó vẫn vang lên những tiếng cười trong trẻo và trên cành cây cao ở một vùng miền tươi đẹp nào đó chim chóc vẫn hót líu lo và biển cả vẫn vỗ về thánh thiện. Xuyên suốt toàn tập thơ là sắc nắng chiếu sáng lung linh qua thấu kính một tâm hồn thánh thiện với những xúc cảm bùng cháy, của những ngày lao động không mệt mỏi để trau chuốt từng chữ từng vần và tìm ra những tứ thơ mới lạ, tìm ra cách gửi gắm dòng suy tư của mình vào ngôn ngữ tạo hình và và ngôn ngữ biểu hiện.
giọt nước mắt mặn môi cười
lửa tim bùng cháy reo lời trầm ca
đất đai hơi thở hiền hoà
tìm trong ký ức ngàn hoa dâng đời
(Tây Ninh Một Vòng Cuối Năm – Thị Trấn Tân Châu)
sắc lục diệp vườn xanh biếc lá
nắng chiều rơi khúc xạ Cổ Chiêng
(Chiều Trong Vườn Chợ Lách)
Tiếng trò chuyện râm ran của những cô gái trở về từ các luống cây trồng cắt đứt dòng suy tư của gã. Những hạt cát li ti lấp lánh vương trên những sợi tóc bết mồ hôi của các cô gái. Nhìn về phía sau lưng, mảnh trăng non dịu dàng tỏa ra một thứ ánh sáng nhàn nhạt. Gã có biết hay không, rằng thơ cũng như trăng mà trăng cũng như thơ, chẳng chiếu sáng cho riêng mình gã mà tỏa sáng cho tất thảy, cho khách lãng tử và cho bạn tri âm.
nguyệt còn đó ai bảo rằng ngày tận
cổ tích về réo gọi tuổi thơ ơi!
muốn nhắm mắt … ta thằng khờ mông muội
ôm chắc gốc đa bay bổng lên trời
(Nguyệt – Cảm Nhận Riêng Ta)
Cô gái có dáng hình cân đối hình như vấp phải một hòn đá nhỏ và tuột lại phía sau đám bạn của mình. Khi ngẩng lên, cô bắt gặp tia mắt của gã, nhìn sâu vào đôi mắt ấy một vài giây, cô chợt thấy ở đó ánh lên một màu hoàng hôn rất đằm thắm với một rung cảm nhẹ nhàng. Cả hai nhoẻn miệng cười thân thiện cứ như thể họ biết nhau từ ngàn năm trước. Một làn gió xuân thổi nhẹ qua trang trại bao la!./.
Tây Úc 29/12/2010
ghi chú: (1), (2), (3), (4): theo Minh Đức Triều Tâm Ảnh