Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.157.452
 
Đọc thơ Lâm Hảo Dũng nghĩ đến những ngày đã qua
Phạm Văn Nhàn

Tôi nhớ vào năm 2005, anh Trần Hoài Thư và tôi cùng rủ nhau thành lập “Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam” (TSDSVCMN), bởi một lý do thật đơn giản là sau tháng tư năm 1975 những tác phẩm “văn học” của nhiều tác giả miền Nam trước đây chắc chắn không còn nữa; Vì thời cuộc và chế độ đương đại lúc bấy giờ. Với mục đích là duy trì và bảo tồn một nền văn học đích thực không thể chối bỏ được sau năm 1954-1975. Những tác phẩm văn học ấy của những người viết về nhiều thể loại sau 30 năm chắc chắn khó tìm ở Hải ngoại và ngay ở cả trong nước. Tuy nhiên với quyết tâm làm cho được TSDSVCMN từ ý nghĩ của anh Trần Hoài Thư và tôi sau gần một năm tìm kiếm, sưu tầm và nhờ bạn bè giúp sức, tháng 10 năm 2006 phát hành tập sách đầu mang tên Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, Tập 1. Dày 687 trang gồm 263 tác giả. Qua năm 2007 tập thơ thứ 2 được phát hành, sách dày 739 trang và sưu tầm thêm 198 nhà thơ nữa. Nâng tổng số nhà thơ Miền Nam trong thời chiến tranh lên con số đáng kể 461 nhà thơ. Mà hầu hết những nhà thơ miền Nam ngày đó là những người lính. Trong số 461 nhà thơ mà tôi với anh Trần Hoài Thư sưu tầm được trong đó có nhà thơ LÂM HẢO DŨNG ( sưu tầm được 9 bài ).

 

Hầu hết những nhà thơ miền Nam lớn lên trong chiến tranh và thế hệ chúng tôi phải “xếp bút nghiên lên đường chinh chiến”, nhà thơ Lâm Hảo Dũng không thoát khỏi. Tuy nhiên với tuổi trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ dưới góc độ chiến tranh càng ngày càng khốc liệc, chúng tôi có cái nhìn thực, suy nghĩ thực, viết thực khi chính mình trực diện “đầu sóng ngọn gió” nơi chiến trường. Cái chết chỉ xảy ra trong từng sát na khi lâm trận. Và, sau đó là nỗi buồn kế tiếp nỗi buồn: Ngày xuống mua vui tiền chẳng có/ giầy đi há mỏm đổi không xong/ áo trên vai rách dăm đường vá/ ai xót thương đời xương máu không? Đó, tuổi trẻ chúng tôi là như vậy. Tuy nhiên, những người lính miền Nam vừa cầm súng vừa cầm bút nói chung đều có một tấm lòng rất nhân bản không dùng  chữ nghĩa để kích động hận thù mà có lần tôi viết:

 

“nhưng qua những bài thơ của những nhà thơ trước năm 1975 hầu hết là những quân nhân không bao giờ mang tính cách hận thù hay kích động hận thù trong lòng người đọc. Đó là nhân bản. Mà thơ họ vẫn nói lên được: thân phận, chiến tranh, tình yêu đích thực của một nền văn học” 

 

Đọc thơ Lâm Hảo Dũng, những bài thơ anh làm trước 1975, những nơi anh đến, anh đi trong đời  pháo thủ ghi lại những kỷ niệm của đời lính. Với những con chữ giản dị không cầu kì khó hiểu. Giản dị như đời lính chiến của nhà thơ rày đây mai đó. Có khi ở dưới đồng bằng. Có khi lên tận cao nguyên rừng thẳm. Giản dị như những đồng đội và bạn bè của anh đã sinh ra trong thời chinh chiến. Có lẽ hầu hết những người lính vừa cầm súng vừa cầm bút đều có chung một ý nghĩ xem cuộc chiến này như cuộc rong chơi. Hào khí biết bao khi nhà thơ đã vào lính chẳng chút gì bận tâm, nào ta hãy nghe nhà thơ nói: ra đi làm linh- ừ thì lính. Rõ ràng là một câu nói đã thành văn thật  bình thường và giản dị trên cửa miệng của tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Mặc dù phía trước đang chờ sự may rủi xảy ra. Ừ thì lính!  Có phải đó là một cuộc rong chơi không? như Nguyễn Bắc Sơn, như Lâm Hảo Dũng. như Trần Hoài Thư, như Nguyễn Dương Quang và nhiều nhà thơ vừa cầm súng ra mặt trận nữa….Nhưng, tựu chung họ đều có một tấm lòng. Tôi muốn nói đến tấm lòng nhân ái của người cầm súng vừa cầm bút của người lính miền Nam.

 

Và, nhất là, với một người lính pháo thủ như anh, anh không lãng mạn như những nhà thơ tiền chiến. Anh đã nhìn thực với con mắt thực từ cuộc chiến mà anh tham dự . Ai đã bày ra cảnh chiến tranh? Than vãn ư! Để làm gì? Có lẽ nhà thơ chỉ buồn cho thân phận chung trong lớp tuổi của anh, của chúng tôi. Anh, như thay lời muốn nói đến với những bạn bè cùng lứa tuổi sinh ra trong kiếp nhiễu nhương này cho lớp trẻ hai miền Nam Bắc: anh ở miền Nam lạc đến đây/ còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay/ chiến tranh như thể trò tiêu khiển/ của lũ con buôn xác chết này. Tôi tin là nhà thơ lúc bấy giờ chẳng biết hận thù ngay cả đối với những ngưới lính phương Bắc  đối diện với anh trong từng phút giây sinh tử. Nhà thơ chỉ buồn cho thân phận trước lũ con buôn xác chết này.

 

Do đó, đời lính thú của nhà thơ, theo anh nghĩ như một cuộc rong chơi và trận mạc đối với anh chẳng khác gì như  nỗi chán chê khi đã xa nhà: và có gì đâu đời trận mạc/ chán chê như thưở biết xa nhà.

 

Chán chê, nhưng biết làm sao. Cứ thế, nhà thơ kể chuyện rừng sâu trầm mặc quá, cứ thế cố sống dù câm điếc. Và, cứ mơ dù biết chẳng có thanh bình trên đất nước Việt Nam.  Và cứ thế  nhà thơ chẳng   bao giờ mang trong lòng một chút âu lo sợ hãi. Ta nghe nhà thơ tâm sự: Khi ở Đại Sơn ngồi nghĩ quẩn/ ngày mai xuống núi hát nghêu ngao/ lỡ buông tay súng thôi đành vậy/ buồn có bao giờ quên hết đâu?  Hay: bởi chiến tranh hoài sao biết được/ nên đời trai gởi gió sương nuôi/ một mai máu có trào trên đất/ hãy cắn răng đau hãy hận đời.

 

Hận đời! Biết thế mà khi có lệnh lên đường nhập ngũ, cái hào khí của nhà thơ chẳng chút âu lo. Chẳng khác với những “con ông cháu cha” lo chạy chọt khi ra trường lính, hay chạy chọt được cái giấy miễn dịch trốn lính phây phây ở thành phố. Cái hào khí của Lâm Hảo Dũng ra đi làm lính- ừ thì lính  làm tôi khoái quá, như ngất ngây men rượu say. Tôi khoái câu thơ này quá. Hào khi biết bao.( dù biết không cách nào tránh khỏi).!

 

Tuy nhiên, với nhà thơ lính này, sau bao năm tháng làm lính thú, vui buồn bên những đồng đội: một máy truyền tin hai đệ tử/ một hầm trú ẩn chuột kêu vang. Ấy thế mà hết ngày này qua tháng nọ, Cứ thế, vẫn khoảng không gian buồn, vẫn rừng cây, vẫn đồi , vẫn núi, những con đường  xa đầy mìn khi di chuyển. Người lính, nhà thơ Lâm Hảo Dũng ngày qua ngày vẫn sống thầm như thưở đợi bình yên. Để mơ về : thương mẹ ngày xưa muốn bỏ đời/ nhớ gian nhà lá đám mồng tơi/ nhớ sân dậu cũ chùn hoa bí/ và mẫu vườn xanh ổi chin mùi. Và, giấc mơ người lính nào cũng gần giống nhau. Mơ một ngày im tiếng súng, để: có không ngày của thanh bình đến/ta nhớ vười xưa, nhớ mẹ già/ còn hái mồng tơi ngoài dậu cũ/ lệ buồn năm tháng có phôi pha?  Giấc mơ thật tầm thường như thế mà sao “người ta” không cho chúng tôi thực hiện được. Có phải bởi những con buôn trên xác người đã tạo nên .Nhưng chiến tranh hoài sao biết được. Có phải chiến tranh hoài chẳng thấy hòa bình không?

 

Đọc thơ của Lâm Hảo Dũng, chắc chắn nhà thơ cùng một  thời với chúng tôi cầm súng. Cái thời mà anh bạn Trần Hoài Thư gọi là  “thế hệ chiến tranh” làm sao  thoát được khỏi cái gọng kềm binh đao này. Cho nên đọc thơ trong thời chiến của Lâm Hảo Dũng, đã ít nhiều ghi đậm trong lòng . Những địa danh anh đã đi qua tôi cũng nhiều lần đặt chân đến: Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An lão , Vĩnh Tường, và dòng Lệ Khánh. Ngay cả căn cứ Hàm Rồng  mấy tháng công tác ở đó: Hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp/ và quê hương tha thướt lá xanh trà.

 

Về Bồng Sơn những ngày đầu lính thú. Mưa buồn hắt hiu. Đọc bài thơ  Ngày Trở Lại Bồng Sơn  sao nhớ quá đỗi. ta đứng bên cầu xe lửa cũ/ quê em còn cách một dòng sông. Thơ anh như thay lời muốn nói đến với tôi vậy.

 

Đọc thơ Lâm Hảo Dũng mới thấy hết nỗi buồn của thân phận, của quê hương, của chiến tranh. Không riêng gì anh mà cả tôi nữa. Cái buồn trong thơ anh man mác  từ từ thấm đẫm vào lòng người đọc. Và, với tôi, những bài thơ anh làm trong thời chiến ấy nó gần gũi làm sao. Hôm nay, đọc lại  như để nhớ những ngày gian khổ đã qua. Dù biết rằng: Chiến tranh là chuyện người trần/ Ta say quên hết may còn cái vui . Phải không anh Lâm Hảo Dũng?

 

* Những chữ nghiêng là thơ của Lâm Hảo Dũng.    

Amarillo, đêm tuyết rơi 12-11-2010. (nguồn TQBT).Bản tác giả gửi

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 2321
Ngày đăng: 10.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rong bút - Trần Hoài Thư
Chu Cẩm Phong Có Viết 2 Cuốn Nhật Ký Trong Cùng Một Thời Gian ? - Bùi Minh Quốc
Thư Quán Bản Thảo Số 45 tháng 1-2011 - Nhiều Tác Giả
Không Gian Tôn Giáo Và Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Đinh Văn Hạnh
Cảm Nhận Về Cá Tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nghiên cứu văn học và xã hội diễn giải - Chân Phương
Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn - Chân Phương
Vài gợi ý cho một “ Lễ hội văn hóa Hà Tiên” định kỳ - Đinh Văn Hạnh
Chúng ta làm gì cho con cháu? - Đinh Văn Hạnh