Từ giữa Thế kỷ 20, công việc nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học theo tinh thần Thi pháp học là xu hướng chung trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, với chủ trương hòa nhập thế giới, từ sau cao trào Đổi mới 1986, đến nay chúng ta đã có nhiều điều kiện tốt để thực hiện điều này. Chúng ta đã có một đội ngũ các nhà Thi pháp học khá đông đảo. Việc tiếp cận và ứng dụng quan điểm Thi pháp học trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở VN đã có bề dày hơn 20 năm. Sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành và các công trình nghiên cứu chuyên biệt chứa đựng rất nhiều tri thức về Thi pháp học. Tuy nhiên, cách hiểu về Thi pháp học chưa thống nhất và việc vận dụng Thi pháp học vào nghiên cứu, phê bình văn học còn có nhiều sự máy móc, thiên lệch, phiến diện như quá chú trọng phân tích hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học. Đọc các bài viết về Thi pháp học, ta dễ nhận thấy các nhà Thi pháp học đều khẳng định: Nghiên cứu, phê bình theo hướng thi pháp học nghĩa là nghiêng về phân tích hình thức nghệ thuật tác phẩm bởi nội dung trong tác phẩm phải được suy ra từ hình thức, đó là “hình thức mang tính nội dung”. Ta có thể thấy, các nhà Thi pháp học, từ nhẹ đến nặng đều phê phán và đối lập với xu hướng nghiên cứu, phê bình trước đây là thô thiển, là “xã hội học dung tục”, chỉ đề cao “tính hiện thực”, chú trọng phân tích nội dung của tác phẩm văn học.
Nói cách khác, từ khi có “vũ khí Thi pháp học”, công tác nghiên cứu, phê bình văn học như là đang chuyển dịch về chủ nghĩa hình thức: khi thẩm định một tác phẩm văn học, người ta quan tâm trước nhất đến hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà chưa xem xét kỹ nội dung của nó là gì (vấn đề mà nó đề cập có phải là vấn đề trọng tâm của thời đại hay không, hình tượng nhân vật của tác phẩm có phải là con người thời đại hay không, v.v…). Nói cụ thể hơn: nếu như trước đây, vấn đề mà tác phẩm đề cập phải là những vấn đề “quốc gia đại sự” thì bây giờ là những vấn đề rất bình thường, rất “đời” chẳng hạn như khát khao tình dục, ngoại tình, đồng tính luyến ái, v.v…; nếu như trước đây, nhân vật của tác phẩm phải là những con người thời đại luôn sống vì nghĩa lớn, cao hơn là những anh hùng thời đại với những hành động anh hùng làm biến cải xã hội, thì bây giờ nhân vật của tác phẩm là những “con người bé mọn” với những khát khao bản năng sinh tồn và lấy đó làm lẽ sống… Nghiêm túc mà nói thì khá nhiều những tác phẩm của văn học VN hiện đại được viết theo trào lưu “hậu hiện đại” mà thực ra chỉ là sự tổng hợp, thậm chí “nhai lại” các thủ pháp nghệ thuật của những trào lưu văn học ở phương Tây đầu thế kỷ 20 như chủ nghĩa đa đa, hiện sinh, văn học phi lý, v.v…
Như vậy, vấn đề đặt ra là: Thi pháp học là gì và việc vận dụng thi pháp học vào nghiên cứu, phê bình văn học sẽ phải như thế nào để nó tác động tích cực đến sáng tác? Vì thế, bài viết nghiêng về tính “Tổng thuật” này sẽ có ba nội dung chính là nhìn lại lịch sử Thi pháp học; về những nội dung cơ bản của Thi pháp học và cuối cùng là những “thành tựu”, “đóng góp” cùng những “hạn chế” của nó, cũng tức là nhận diện lại Thi pháp học.
*
Nhìn vào đời sống văn học từ sau 1975, nhất là từ sau cao trào “Đổi mới” (1986) đến nay, chúng ta có thể thấy rằng Thi pháp học không phải là hướng nghiên cứu, phê bình văn học duy nhất, nhưng phải thừa nhận nó là hiện tượng nổi bật nhất. Quả là như thế, nghiên cứu, phê bình văn học được dán nhãn mác “Thi pháp học” đã trở thành “mốt thời thượng”, Thi pháp học trở thành “Miền đất hứa” nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học trẻ … Vì thế, việc “nhận diện” lại Thi pháp học luôn là vấn đề cần thiết.
Khái niệm “Thi pháp học” đã xuất hiện ở Hy Lạp từ thời cổ đại với tác phẩm Poetica (Nghệ thuật thơ ca) (*) của Aristote. Nhưng Thi pháp học với tư cách là một bộ môn khoa học, một phương pháp nghiên cứu, phê bình tác phẩm văn học dựa trên lý thuyết cấu trúc luận (**) (Thi pháp học là bộ phận quan trọng nhất trong khoa nghiên cứu văn học. Nó nghiên cứu cấu trúc tác phẩm và những hợp thể của các cấu trúc đó: các tác phẩm của một nhà văn, các khuynh hướng văn học, các thời đại văn học) thì mới hình thành vào đầu thế kỷ XX ở Nga rồi dịch chuyển sang Âu - Mỹ và phổ biến khắp thế giới. Nói cách khác, Thi pháp học là hệ quả của lý thuyết cấu trúc luận chứ không phải đã có từ thời Aristote với tác phẩm “Nghệ thuật thơ ca”.
Hiện nay, có nhiều cách hiểu về Thi pháp học. Có thể hiểu, thi pháp học là cách thức phân tích tác phẩm bám vào văn bản là chính, không chú trọng đến những vấn đề nằm ngoài văn bản như: tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh sáng tác, nguyên mẫu nhân vật, giá trị hiện thực, tác dụng xã hội… Thi pháp học chỉ chú ý đến những yếu tố hình thức tác phẩm như: hình tượng nhân vật - không gian - thời gian, kết cấu - cốt truyện - điểm nhìn, ngôn ngữ, thể loại… Nội dung trong tác phẩm phải được suy ra từ hình thức, đó là “hình thức mang tính nội dung”. Phương pháp chủ yếu của Thi pháp học là phương pháp hình thức. Chúng ta hiểu, “Phương pháp hình thức là phương pháp phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của nó”. Nghiên cứu, phê bình theo hướng thi pháp học nghĩa là nghiêng về phân tích hình thức nghệ thuật tác phẩm, nó đối lập với lý thuyết “Phản ánh luận” trước đây: nội dung quyết định hình thức.
*
Thi pháp học ở Nga xuất hiện rải rác từ cuối thế kỉ XIX (1), và thực sự bùng phát từ đầu thế kỉ XX với chủ nghĩa hình thức Nga, sau đó nó bị trấn áp để nhường chỗ cho nghiên cứu xã hội học mác-xít. Chỉ từ giữa những năm 50 trở đi, theo Kozhinov, mới có thể nói tới “một thời kỳ mới của sự phát triển thi học”. Năm 1968, cuốn “Khoa nghiên cứu văn học Xô-viết sau 50 năm”, có một bài điểm chung về những vấn đề lý luận văn học và thi học. Phần 1, do Kiseleva viết, điểm qua sự phát triển các quan niệm về phương pháp, phong cách, khuynh hướng, thế giới quan. Phần 2 do Kozhinov viết, bàn riêng về thi học (toàn bộ khoa học nghiên cứu thi pháp), trong đó nói về vị trí và vai trò đặc biệt của M. Bakhtin (2).
Năm 1929, M. Bakhtin cho xuất bản cuốn “Mấy vấn đề sáng tác Dostoievki”. Cuốn sách ra đời được nhiều người đánh giá rất cao, coi đây là một cái mốc quan trọng trong việc nghiên cứu về Dostoievski. Bởi vì, trong khi những người khác chỉ có những nhận xét tản mạn về Dostoievki thì Bakhtin cho rằng một trong những nguyên tắc chỉ đạo sáng tác của nhà văn này là nguyên tắc đối thoại. Đối thoại về tư tưởng - những cuộc nói chuyện triền miên giữa các nhân vật và trong từng nhân vật, thậm chí giữa tác giả và nhân vật, trong đó, các tư tưởng nảy sinh, hình thành, tự tìm cách khẳng định rồi lại tiếp tục thay đổi. Đối thoại về hình thức thể loại - hình thức tiểu thuyết mà tác giả sử dụng là có tính đa thanh. Đối thoại trong ngôn ngữ v.v... Nói cách khác, Bakhtin đã tìm được những nguyên tắc chỉ đạo tác giả trong việc tổ chức cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm.
Những vấn đề về Dostoievki đến Bakhtin chưa kết thúc. Giới nghiên cứu văn học Nga thời Xô-viết còn nhiều lần bàn cãi chung quanh tác giả Dostoievki, trong đó quan trọng nhất là tìm xem cơ sở toàn bộ sáng tác của nhà văn này là gì. Có điều, trong khi tranh cãi với Bakhtin, mọi người đều có ý hướng muốn tìm ra những nguyên tắc chi phối toàn bộ sáng tác của một tác giả, tức những nguyên tắc quán xuyến cả các yếu tố hình thức lẫn nội dung tác phẩm. Và tên gọi của nó là gì? Cuối cùng, cũng lại là ý tưởng của Bakhtin: là trở lại với khái niệm “Thi pháp” có từ thời Aristot nhưng đã bị các nhà nghiên cứu xô-viết quên lãng. Vì thế, khi tái bản vào năm 1963, cuốn “Mấy vấn đề sáng tác Dostoievki” của Bakhtin mang cái tên mới: Mấy vấn đề thi pháp Dostoievki.
Những năm 70, 80, thi pháp học lịch sử được đề xướng rầm rộ. Năm 1976, trong sách Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, rồi tiếp theo, năm 1983, Khrapchenco tổng kết thi pháp học lịch sử như là khuynh hướng nổi bật của nghiên cứu văn học Liên Xô từ năm 1959 cho đến lúc ấy với nhiều tên tuổi lừng danh. Nhiều tác phẩm của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga được in lại, các công trình của Bakhtin được chỉnh lí xuất bản. Một số công trình thi pháp học cấu trúc cũng được xuất bản. Các tạp chí nghiên cứu văn học thường có mục “thi pháp học” bên cạnh mục “phong cách học”. Đó là hướng nghiên cứu xuất hiện như là phản ứng lại hướng nghiên cứu xã hội học độc tôn một thời.
Về đối tượng cụ thể, việc nghiên cứu thi pháp sau này không chỉ bó hẹp trong khu vực mà nó thành công ngay từ đầu và có thể cố thủ rất lâu là văn học dân gian (với các công trình Propp và tiếp theo là Meletinski), mà đã mở rộng sang các khu vực khác, từ văn học cổ, đến các tác giả thuộc văn học hiện đại.
Về quan niệm, trong khi vẫn coi trọng việc nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật (tiêu biểu là trường phái của viện sĩ Vinogradov), bản thân thi pháp lúc này được hiểu rộng rãi hơn. Nó nghiên cứu cái “ngữ pháp của sự sáng tạo” ở mọi cấp độ của cấu trúc văn học, từ sự vận dụng các phương tiện miêu tả, sự vận dụng thể loại, cho đến sự hình thành các hiện tượng văn học như một chỉnh thể nói chung. Đây chính là lĩnh vực mà giới nghiên cứu văn học xô-viết gặt hái được nhiều thành tựu hơn cả.
*
Ở Pháp, thi pháp học thực sự thu hút với sự bùng phát của chủ nghĩa cấu trúc những năm 60 và do ảnh hưởng của việc giới thiệu thi pháp học Nga đầu thế kỉ. Tuy nhiên khái niệm thi pháp học chưa rõ ràng và không nhất quán. Theo trình bày của Jean Yves Tadié (3) trong sách La critique litterature au XXème siècle (Phê bình văn học thế kỉ XX) , thi pháp học được hiểu là một hướng nghiên cứu phân biệt với các trường phái Phê bình văn học Đức, Phê bình ý thức chủ thể, Phê bình ý tượng khách thể, Phê bình phân tâm học, Phê bình xã hội học, Phê bình ngôn ngữ học, Kí hiệu học văn học, Phê bình cội nguồn. Bản thân thi pháp học ở Pháp cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc thiên về nghiên cứu thi pháp thể loại như văn xuôi, thi ca, kịch, hoặc theo một lí luận nào đó như kí hiệu học. Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng thi pháp học bao gồm hầu như toàn bộ lí luận văn học, cả xã hội học, phân tâm học, cả phong cách học và tu từ học. Một cách hiểu thứ hai bắt nguồn từ các công trình phê bình phong cách học phương Tây và thi pháp học lịch sử Nga, ở đó mục tiêu chủ yếu là khám phá các hệ thống thi pháp cụ thể của các tác phẩm, tác giả, thể loại, thời đại văn học. Cách hiểu này đòi hỏi nghiên cứu các hiện tượng văn học như là những hệ thống toàn vẹn.
ở Việt Nam, từ những năm 30 cho đến trước CM /Tám 1945, thi pháp chỉ được nhắc đến lẻ tẻ trong một số công trình phê bình văn học mà chưa phải là một phương pháp luận của một trào lưu, một xu hướng thẩm mỹ. Từ 1945 đến 1975, nói chung các nhà lí luận và sáng tác văn học cách mạng dường như chỉ quan tâm nội dung phản ánh hiện thực mà ít chú ý đến phương diện thi pháp, mặc dù đôi lúc có quan tâm đến phong cách, bút pháp sáng tác của nhà văn. Với quan niệm phản ánh hiện thực được hiểu nhiều khi thô thiển, giản đơn và phương pháp hiện thực chủ nghĩa không cho phép người ta đi sâu vào các vấn đề thi pháp bởi nếu đi sâu vào các vấn đề thi pháp sẽ bị gán tội “chủ nghĩa hình thức” hoặc “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Ở miền Nam trong vùng kiểm soát của chính quyền cũ, tuy có điều kiện giới thiệu về lí thuyết cấu trúc song chưa nêu vấn đề nghiên cứu thi pháp văn học. Đã có một số công trình lí luận, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các giáo sư bậc đại học (3*) nhưng còn tản mạn, phân tán và về cơ bản, thi pháp học vẫn chỉ được quan niệm như là phép tắc làm thơ, kiến thức về thi ca. Việc nghiên cứu, phê bình văn học về cơ bản vẫn theo truyền thống cũ.
Từ sau 1975, ở Việt Nam, ảnh hưởng của Liên Xô cũ (quê hương của phương pháp hiện thực XHCN - phương pháp chính thống và duy nhất cả trong lý luận và sáng tác của văn học VN hiện đại) vẫn là chủ yếu bởi tất cả các lý thuyết về khoa học nhân văn phương Tây vẫn bị coi là “quan điểm của chủ nghĩa tư bản” - đều bị phê phán và không cho “nhập cảnh”. Đầu những năm 1980 một số nhà nghiên cứu văn học như Phạm Vĩnh Cư, Duy Lập (Trường Viết Văn Nguyễn Du), Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân (NXB Tác phẩm Mới Hội Nhà văn VN), v.v…đã giới thiệu thi pháp học Liên Xô vào Việt Nam, dịch một số công trình của Ba khtin, Khrapchenco… trong đó có phần về thi pháp học. Đồng thời, chuyên đề thi pháp học được Trần Đình Sử mở tại ĐH Sư phạm Hà Nội, một số cuộc Hội thảo chuyên đề về Thi Pháp học đã được tổ chức tại Hà Nội… Từ đó nhu cầu tìm hiểu thi pháp học trở nên sôi động trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học, nhiều người xem đó là cách để tạo nên sự đổi mới trong nghiên cứu, phê bình văn học. Bên cạnh đó, việc giới thiệu các lý thuyết, trường phái nghiên cứu của phương Tây cũng được thực hiện, từ khi có sự “cởi trói”, “mở cửa” và nhất là phong trào “Ðổi mới”, từ năm 1986. Ðến cuối những năm 1990, Thi pháp học đã được Trần Đình Sử viết thành giáo trình đầu tiên ở bậc Đại học, cao đẳng. Trong không khí đó, nhiều công trình vận dụng thi pháp học vào nghiên cứu, phê bình văn học lần lượt xuất hiện, tạo thành phong trào chiếm ưu thế, một khuynh hướng nghiên cứu, phê bình “thời thượng”. Trong số những người đi tiên phong đáng chú ý là các tác giả chuyên ngành ngôn ngữ học như Phan Ngọc (với các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều (1985) và về thơ Đường (1990), thơ song thất lục bát, cách đọc văn học theo ngôn ngữ học); Nguyễn Phan Cảnh [(với cuốn Ngôn ngữ thơ, vừa có tính lí thuyết vừa có tính phổ cập, đề cập nhiều vấn đề của thơ. Đây là công trình đầu tiên ở VN viết về đặc trưng thi pháp của ngôn ngữ thơ theo quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc thuộc trường phái R. Jakobson (4)]; Nguyễn Tài Cẩn với hai công trình: Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thủy của Thiệu Trị (tìm cách đọc và khả năng đọc bài thơ liên hoàn viết dưới hình thức bát quái, một hình thức thơ độc đáo thời xưa) và Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn (nghiên cứu về cách sử dụng chữ Hán trong văn thơ của người Việt qua trường hợp Nguyễn Trung Ngạn). Đó là các nhà Ngôn ngữ học. Còn các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đi vào thi pháp học khá đông đảo và cũng đạt được những kết quả bước đầu rất đáng chú ý: Hoàng Trinh, Bùi Công Hùng, Nguyễn Kim Đính, Đỗ Đức Hiểu, v.v… Danh sách đội ngũ đông đảo này khá dài và có đủ các thế hệ, các vùng miền (xin xem thêm bài viết có sự liệt kê khá đầy đủ của TS Phạm Ngọc Hiền: Lược Sử Thi Pháp Học Việt Nam).
Khuynh hướng nghiên cứu, phê bình văn học theo tinh thần Thi pháp học thu hút đông đảo giới nghiên cứu, phê bình tham gia quả là một “hiện tượng” của đời sống văn học VN, nó chứng tỏ sự cáo chung của lối nghiên cứu văn học xã hội học dung tục, thô thiển ngự trị suốt một thời gian dài từ 1945 cho đến những năm 1980. Nhìn tổng thể, ta có thể thấy thi pháp học ở Việt Nam có nguồn gốc từ thi pháp học hiện đại trên thế giới. Có khuynh hướng phong cách học ngôn ngữ, có khuynh hướng kí hiệu học, có khuynh hướng phân tâm học, có khuynh hướng thi pháp học xã hội, có hướng thi pháp học lịch sử, văn hóa. Thi pháp học đã đem lại những phạm trù mới, những đề tài mới và trên hết là cách nhìn mới cho nghiên cứu - phê bình văn học, mở rộng các cánh cửa tiếp cận văn bản - tác phẩm văn học bởi Thi pháp học là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều bộ phận, trường phái, nhiều quan điểm và phương pháp khác nhau. Rõ ràng là Thi pháp học có ảnh hưởng rất lớn trong ngành nghiên cứu văn học hiện nay, nó ngày càng mang nội dung mới hơn, rất đa dạng về quan niệm, phương pháp, đồng thời tự nó cũng biến đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử. Đó là sự phân nhánh đa dạng của Thi pháp học thành các “Tiểu vương quốc Thi pháp”: Thi pháp miêu tả, thi học lịch sử, v.v…Xét theo những nguyên tắc phương pháp luận và những cảm hứng gợi ý cho việc nghiên cứu thi pháp, người ta còn nói tới: thi học ngôn ngữ học, thi học tâm lý học, thi học xã hội học, thi học so sánh, v.v... Lại nữa, có thi học vĩ mô và thi học vi mô…Rồi ta lại có Tự sự học là một nhánh mới của thi pháp học nảy sinh trên nền tảng của thi pháp học cấu trúc, có giá trị mở rộng chân trời nghiên cứu thể loại tự sự, đặc biệt là văn xuôi, tiểu thuyết. Tu từ học lại là sự tái sinh của một lĩnh vực nghiên cứu có từ thời cổ đại, vận dụng vào tiểu thuyết, nghiêng về nghiên cứu các yếu tố biểu cảm của diễn ngôn.
Sang đầu thế kỉ XX vấn đề ngôn ngữ, kí hiệu, văn bản, cấu trúc của văn học được đặt lên hàng đầu, tạo thành khuynh hướng thi pháp học ngôn ngữ nghệ thuật. Lấy văn bản làm đối tượng nghiên cứu đã đổi mới thi pháp học. Từ những năm 60 thế kỉ XX, khi văn học từ thẩm mĩ chuyển mạnh sang tiêu dùng, từ hình thái kinh điển chuyển sang hình thái văn hóa đại chúng, từ ý thức hiện đại chuyển sang hậu hiện đại thì nghiên cứu văn học từ bình diện ngôn ngữ chuyển sang văn hóa học, nghiên cứu các vấn đề văn hóa. Đó đang là hướng vận động của thi pháp học hiện đại.
Việc đi tìm định nghĩa về thi pháp học luôn được chú ý và là câu chuyện không có hồi kết. Song, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa bao quát được hết nội hàm của khái niệm “Thi pháp học”. Tuy nhiên, dù có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng vẫn có điểm chung ở một phạm vi nhất định của bộ môn chuyên ngành này là nghiên cứu hình thức và ngôn ngữ của văn học. Chẳng hạn như một số định nghĩa đáng lưu ý sau: “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi ca (tức là văn học) như là một nghệ thuật; “Thi pháp học là khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mĩ được sử dụng trong đó”. Thi pháp học bao gồm thi pháp học đại cương, nghiên cứu các phương tiện và quy luật xây dựng bất cứ tác phẩm nào; Thi pháp học miêu tả thực hiện sự miêu tả cấu trúc của tác phẩm cụ thể của tác giả riêng biệt hoặc của cả một thời kỳ; và thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự phát triển của các phương tiện nghệ thuật. Trong cách hiểu rộng hơn, thi pháp học trùng với lí luận văn học, khi hiểu hẹp thì trùng với nghiên cứu ngôn ngữ thơ hay ngôn từ nghệ thuật. Thi pháp học đại cương nghiên cứu các phương thức có thể có trong việc thể hiện cấu tứ nghệ thuật của nhà văn văn và các quy tắc kết hợp, các phương thức phụ thuộc vào thể loại, loại hình văn học. Các phương tiện nghệ thuật có thể được phân loại theo các cấp độ khác nhau giữa cấu tứ nghệ thuật, coi như cấp độ cao nhất và sự thể hiện cuối cùng của văn bản ngôn từ. Thi pháp học miêu tả đặt mục đích tái hiện con đường từ cấu tứ đến văn bản cuối cùng, qua đó nhà nghiên cứu có thể hoàn toàn thâm nhập vào cấu tứ của tác giả. Ở đây, các cấp độ và bộ phận của tác phẩm được xem xét như một chỉnh thể. Thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự phát triển của các biện pháp nghệ thuật riêng lẻ (định ngữ, ẩn dụ, vần,…); nghiên cứu các phạm trù (thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, các đối lập cơ bản), cũng như cả hệ thống các thủ pháp hay phạm trù vốn có của những thời đại văn học; Thi pháp học - khoa học về hệ thống các phương tiện biểu hiện trong tác phẩm văn học. Trong nghĩa rộng thi pháp học trùng với lí luận văn học, trong nghĩa hẹp trùng với một trong các lĩnh vực của thi pháp lí thuyết. Là lĩnh vực của lí luận văn học, thi pháp học nghiên cứu đặc trưng của các loại hình, thể loại văn học, các dòng và trào lưu, các phong cách, phương pháp, nghiên cứu quy luật liên hệ nội tại và tương quan các cấp độ của chỉnh thể nghệ thuật. Bởi vì tất cả các phương tiện biểu hiện trong văn học suy đến cùng đều quy về ngôn ngữ, vì thế có thể định nghĩa thi pháp học như là khoa học nghiên cứu cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ. Văn bản ngôn từ của tác phẩm là hình thức tồn tại vật chất duy nhất của nội dung. Mục đích của thi pháp học là chỉ ra và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản tham gia vào việc tạo thành ấn tượng thẩm mĩ của tác phẩm. Thông thường người ta phân biệt thi pháp học đại cương (hay lí thuyết), thi pháp học bộ phận (miêu tả) và thi pháp học lịch sử ; Thi pháp học là khoa học về các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm sáng tác ngôn từ, về các kiểu cấu trúc và các thể loại tác phẩm văn học. Nó muốn bao quát không chỉ ngôn từ thơ, mà còn cả các khía cạnh khác nhau nhất của tác phẩm văn học và sáng tác dân gian. Nhiệm vụ của thi pháp học là nghiên cứu phương thức cấu tạo của tác phẩm văn học. Đối tượng của thi pháp học là các sáng tác có giá trị. Phương pháp nghiên cứu thi pháp là tiến hành miêu tả, phân loại và giải thích các hiện tượng được nghiên cứu”. Đối với R. Jakobson, đối tượng của thi pháp học là “tính văn học” và “các thủ pháp” tạo nên nó, phương pháp nghiên cứu thi pháp học là phương pháp ngôn ngữ học (Thi pháp học và ngôn ngữ học).
Các học giả Pháp, cho rằng thi pháp học tức là lí luận văn học; thi pháp học nghiên cứu các văn bản quá độ, khám phá cái tính liên văn bản trong đó, tức là “tất cả những nhân tố khiến cho văn bản ấy liên hệ với các văn bản khác”. Tz. Todorov khẳng định thi pháp học có nhiệm vụ xây dựng và nắm bắt các loại hình đồng nhất và đa dạng trong tất cả tác phẩm văn học. Tác phẩm cá biệt chỉ thể hiện các loại hình ấy, có vị trí mẫu, chứ không phải là model cuối cùng của tác phẩm (Jean-Yves Tadié: La critique litterature au XXème siècle). Tz. Todorov phân biệt nghiên cứu thi pháp với việc giảng văn, giải mã, phân tích ý nghĩa hay phê bình, đánh giá tác phẩm văn học cụ thể theo phong cách báo chí hay tùy bút, chân dung, bởi cách làm đó bao hàm yếu tố chủ quan của người bình giảng, không phải khoa học. Ông cũng phân biệt thi pháp học với nghiên cứu xã hội học, tâm lí học, triết học, ngữ văn học, văn hóa học, bởi các nghiên cứu này xóa nhòa ranh giới tác phẩm văn học với các nhân tố ngoài văn học. Phương pháp chủ yếu của thi pháp học là miêu tả cấu trúc của văn bản (diễn ngôn) với các thành phần của chúng. (Poétique,1973). Cuối cùng có rất nhiều tạp chí, từ điển, tập bình luận lấy “thi pháp” làm nhan đề của mình, nội dung càng phong phú, bác tạp.
Từ các định nghĩa trên, ta thấy thi pháp học chủ yếu là một lĩnh vực nghiên cứu về đặc trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc làm nên giá trị thẩm mĩ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản. Đó là lĩnh vực nghiên cứu quy luật nội tại của tác phẩm, cấu tạo và phong cách, nó phân biệt (chứ không đối lập) với các lĩnh vực nghiên cứu khác. Thi pháp về thực chất là hệ thống ngôn ngữ (kí hiệu) nghệ thuật, mang tính mở. Thi pháp học bao gồm các bộ phận lí thuyết, miêu tả và lịch sử, gồm cả phong cách học, và ngày nay bao gồm cả tự sự học, tu từ học - mỗi bộ phận có đối tượng riêng, nhưng đều không ra ngoài phạm vi nói trên. Xét về cách tiếp cận còn có thể phân biệt thi pháp học lịch sử, thi pháp học ngôn ngữ học (cấu trúc), thi pháp học so sánh, thi pháp học xã hội học, thi pháp học văn hóa. Nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng đồng nhất thi pháp học với lí luận văn học, trong trường hợp đó, nên dùng thuật ngữ “lí luận văn học” thay cho thi pháp học bởi vì hàm ý của lí luận văn học rộng hơn thi pháp học. Tuy nhiên người ta vẫn thích nói “thi pháp” để nhấn mạnh tính chất nghiên cứu nội tại của nó. Tất cả các trường phái nghiên cứu thi pháp học về cơ bản đều thống nhất trong phạm vi và tính chất đó, mặc dù nguyên tắc xuất phát có thể khác nhau. Mặc dù từ những năm 20 thế kỉ trước, M.Bakhtin đã phê phán chủ nghĩa hình thức Nga, chỉ trích tính chất thiếu mĩ học và triết học của nó, đề xướng thi pháp học xã hội học, gắn với ý thức hệ, nhưng bản thân Bakhtin cũng đánh giá cao chủ nghĩa hình thức và tự mình cũng không ra ngoài phạm vi thi pháp ngôn ngữ văn học như là khuynh hướng của thời đại. Viện sĩ Nga Averincev ví thi pháp của văn học như là ngữ pháp trong ngôn ngữ, cho đến nay đã có nhiều lí thuyết và cách miêu tả ngữ pháp, nhưng không có một lí thuyết duy nhất miêu tả đầy đủ, trọn vẹn về ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể nào. Tình hình đó cũng giống như thi pháp học.
*
Cùng thời gian đầu thế kỉ XX, nổi lên trường phái “Phê bình mới” Anh, Mĩ lấy văn bản làm đối tượng trung tâm của nghiên cứu, khám phá tính văn học qua cấu trúc và cơ chất (texture) của ngôn từ. Lấy văn bản làm bản thể của văn học, phê phán hiểu lầm về ý đồ tác giả, nghiên cứu các đặc tính của ngôn ngữ thơ như trương lực, tính mơ hồ, đa nghĩa, tính nghịch lí, tính biểu tượng, tính giả vờ (“lối nói ngược”, nghĩa rộng hơn “mỉa mai”), vai trò của ngữ cảnh. Họ chủ trương một cách đọc kĩ (close reading) đối với văn bản để phát hiện các tính chất đó. Các phạm trù này giúp người ta hiểu rõ hơn bản chất của ngôn ngữ văn học. Wellek và Warren phát triển lí thuyết cấu trúc văn bản và phân biệt nghiên cứu nội tại với nghiên cứu ngoại tại.
Ở Đức, cũng gần như cùng thời với các trường phái hình thức ở Nga và Anh, Mĩ, do chịu ảnh hưởng của triết học hiện tượng học xuất hiện trường phái nghiên cứu thế giới tinh thần và thế giới nghệ thuật của nhà văn biểu hiện qua văn bản ngôn ngữ. Fredric Gundolf chủ trương phân biệt cuộc sống kinh nghiệm thực tế của nhà văn với cuộc sống trong tác phẩm nghệ thuật. E.R. Curtius căn cứ vào ngôn ngữ mà nghiên cứu thế giới tinh thần của nhà văn, phản đối lối nghiên cứu dựa vào các quy tắc để đánh giá sáng tác. Eric Auerbach nghiên cứu phương thức “mô phỏng” thế giới của các văn bản kinh điển mà ông trích từng đoạn để phân tích, so sánh, chỉ ra cách cảm nhận con người, không gian, thời gian, đồ vật. Leo Spitzer được coi là tác giả nổi bật trong giới nghiên cứu phong cách chủ trương đi tìm “thế giới bên trong”, “cách cảm nhận thế giới” của nhà văn và giải thích bằng hệ thống biểu hiện ngôn ngữ, nhưng không loại trừ tác động của các nhân tố thời đại, thực tại. Họ đã nhận thấy nghệ thuật là một thế giới chủ quan của nghệ sĩ, phân biệt với thực tại khách quan. Trường phái này cùng triết học hiện tượng học đã ảnh hưởng đến trường phái Genève chủ trương nghiên cứu ý thức nhà văn thể hiện trong tác phẩm. Họ xem tác phẩm văn học như một thế giới thẩm mĩ đặc thù. G. Poulet chủ trương đối tượng nghiên cứu của văn học là ý thức của chủ thể nghệ thuật, và để nghiên cứu ý thức đó ông sử dụng các phạm trù của thế giới quan như thế giới, không gian, thời gian… Cách tiếp cận này cho phép người ta khám phá các chiều kích thi pháp, phong cách nghệ thuật ngay trong tác phẩm nghệ thuật.
Đặc điểm chung của thi pháp học cấu trúc là dựa vào mô hình ngôn ngữ, đó không chỉ vì ngôn ngữ là cơ sở của khoa học nhân văn và khoa học xã hội, mà còn vì họ nhận thấy mọi nhận thức không tách rời với sự ràng buộc của ngôn ngữ. Sự nhấn mạnh tính hệ thống đòi hỏi xem văn bản là một hệ thống hoàn chỉnh, coi trọng phân tích hình thức là yếu tố có ý nghĩa then chốt. M. L. Gasparov nói: “Thi pháp học cấu trúc không phải là thi pháp của các yếu tố tách rời, mà là thi pháp về các quan hệ của các yếu tố tạo nên tác phẩm”.
Thi pháp học cấu trúc chủ nghĩa về thơ ở Pháp nổi bật qua công trình phân tích cấu trúc kí hiệu của Jakobson và C-L.Strauss. Ở Nga, công trình Phân tích văn bản thơ của Ju. Lotman cũng gây chú ý. Thành công hơn cả của chủ nghĩa cấu trúc là “Tự sự học” của G. Genette với một hệ thống các thuật ngữ dành để phân tích cấu trúc văn bản tự sự mà ngày nay đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu có hiệu quả như lĩnh vực thi pháp tiểu thuyết và nghệ thuật tự sự nói chung. Tự sự học là sự mở rộng của thi pháp học, thể hiện sự gắn kết của nó với tu từ học (Rhetorica), một bộ môn mà vào thời cổ đại đã phân biệt với thi pháp học. Hiện thời tự sự học “kinh điển” đã chuyển sang tự sự học hậu kinh điển, một giai đoạn mới của thi pháp học tiểu thuyết và tự sự học.
Thi pháp tự sự học không phải thoát thai từ chủ nghĩa cấu trúc mà có cội nguồn từ thi pháp học tiểu thuyết Anh Mĩ đầu thế kỉ. Trước thế kỉ XX, khái niệm văn học không bao gồm tiểu thuyết vì nó là văn xuôi, mọi bình luận về tiểu thuyết chỉ dựa vào chủ đề và nội dung chứ chưa quan tâm hình thức. Vấn đề là phải chứng minh hình thức nghệ thuật của thể loại văn xuôi - tiểu thuyết, và thế là nghiên cứu hình thức tiểu thuyết bắt đầu. Thi pháp học cấu trúc không tách rời với kí hiệu học. Bởi nghệ thuật nguyên là tái hiện đời sống, trong khi tái hiện, nghệ thuật sử dụng các chất liệu đã được mã hóa (ngôn ngữ, hình ảnh con người, thiên nhiên, màu sắc, chi tiết đời sống…) rồi theo ý tưởng của mình mà tạo ra một cái được biểu đạt mang hình thức biểu đạt khác với đời sống. Như thế văn học vừa là nghệ thuật ngôn từ lại vừa là khách thể kí hiệu tạo ra một cái biểu đạt mới. Văn học cũng là một hệ thống kí hiệu đặc thù. Đem nguyên lí kí hiệu học mà xét văn học nghệ thuật bắt đầu với E. Cassirer (Đức) và Susanne Langer (Anh). Cassirer xem con người là động vật biết sử dụng kí hiệu và xem văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, khoa học…đều là sản phẩm của hoạt động kí hiệu.
R. Jakobson vận dụng lí thuyết giao tiếp ngôn ngữ, chỉ ra 6 thành phần của hoạt động giao tiếp và khẳng định “tính văn học” tức là “tính tự chỉ”(self-reflexity) của kí hiệu văn học. Todorov nói rõ hơn: “Tính văn học” chính là cái năng lực của kí hiệu chỉ về phía bản thân nó chứ không phải chỉ ra vật khác.”. Trường phái kí hiệu học Tartu-Moskva, trào lưu phê bình mới của Pháp, trường phái Ðức làm cho kí hiệu học văn học phát triển rầm rộ. Việc vận dụng kí hiệu học làm cho khái niệm cấu trúc văn học mất đi tính khép kín, và đi theo chiều hướng hậu cấu trúc, bởi theo Ju. Lotman, nếu chủ nghĩa cấu trúc là nghiên cứu các quan hệ của các yếu tố thuộc văn bản văn học, thì cấu trúc ấy ngoài các quan hệ nội tại của văn bản, còn có các quan hệ ngoài văn bản nữa. Mỗi từ trong bài thơ không chỉ có quan hệ với các từ trong bài mà còn có quan hệ với từ đó trong tất cả các bài thơ (và không thơ) còn nhớ trong kí ức người đọc (Bài giảng thi pháp học cấu trúc). Thi pháp học cấu trúc của Lotman xây dựng trên nền tảng kí hiệu học, nêu ra cấu trúc nhiều tầng lớp, nhiều hệ thống mã của văn bản, đặt cấu trúc văn bản trong tổng thể văn hóa, cho phép nhìn nhận hoạt động chức năng của văn học một cách toàn diện, khoa học.
Phong trào kí hiệu học Pháp hiện đại rất sôi động, phần đông họ nghiên cứu theo hướng khám phá “tính văn học”, khai thác ý nghĩa siêu ngôn từ của văn bản văn học. Mô hình phân tích văn bản của họ về cơ bản là mô hình kí hiệu. Chẳng hạn nguyên lí kí hiệu học của Roland Barthes hay ngữ nghĩa học cấu trúc của Greimas, phân tích ngữ nghĩa huyền thoại của C. Levy -Strauss, phân tích tu từ của Genette, Todorov hay phân tích kí hiệu của hình thái ý thức văn hóa của J. Kristeva…Thi pháp học cấu trúc và kí hiệu học đã mở rộng phạm vi của thi pháp học, muốn biến nó thành khoa học, nhưng mặt khác, quy văn học vào thủ pháp, vào tính văn học, vào cái biểu đạt, mẫu gốc tập thể, vào diễn ngôn, liên văn bản… mở ra nhiều khả năng để nghiên cứu tính nghệ thuật, đồng thời cũng làm cho nó lan sang lĩnh vực văn hóa.
Đáng chú ý là nghiên cứu kí hiệu học trong phong cách học. Phong cách học cũng là một bộ phận của thi pháp học, vì thế ở đây xin nhắc đến các phong cách học cấu trúc - kí hiệu học trong trào lưu “Phê bình mới” ở Pháp những năm 60 - 70. Trước hết là dòng phong cách học cấu trúc phát sinh, nghiên cứu những sai lệch (deviasion) so với chuẩn mực ngôn ngữ, coi là dấu hiệu của lựa chọn, tái mã hóa làm thành phong cách riêng. Khái niệm này thực ra đã có trong khái niệm “lạ hóa” của Shklovski, nhưng được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thống kê tìm tần xuất sử dụng. Sự “lệch chuẩn” biểu hiện ở tần xuất cao của các từ cùng chủ đề, các “hình ảnh ám ảnh”, các “từ ngữ chìa khóa” trong một hay nhiều văn bản của nhà văn là căn cứ phân tích phong cách. P. Guiraud xem tác phẩm là thế giới ngôn từ tự trị, sự “lệch chuẩn” làm nên “trường phong cách”, dựa vào đó nhà nghiên cứu có thể kiến tạo lại ngôn ngữ của nhà văn.
Phân tâm học đem lại cho nghiên cứu phong cách một đường lối giải thích sự thống nhất của phong cách. Ch. Mauron là đại diện nổi tiếng cho hướng nghiên cứu này đã giải thích các “hình tượng ám ảnh” chỉ từ phương diện tâm lí vô thức. Ông giả thiết rằng nhà văn nào cũng có một “huyền thoại về cá nhân mình” gắn liền với cái tôi tiềm thức thể hiện trong văn bản. Ông dùng phương pháp “xếp chồng” các văn bản của một nhà văn lên nhau (tức là so sánh) để tìm ra mối liên hệ của các từ ngữ trong một màng lưới liên tưởng thể hiện thế giới của nhà văn. Phương pháp này có thể góp phần nghiên cứu hình tượng tác giả.
Từ sau 1960, thi pháp học ở Liên Xô phát triển đa dạng: thi pháp học cấu trúc của Yuri Lotman (4*), thi pháp học văn hóa của Bakhtin, thi pháp học lịch sử. Thi pháp học lịch sử không chỉ nghiên cứu sự tiến hóa của hình thức, mà còn nghiên cứu sự phát triển của khái niệm về văn học. Chẳng hạn bộ sách Lí luận văn học dưới cái nhìn lịch sử ba tập của Viện văn học thế giới mang tên Gorki đầu những năm 60. Bộ này hiện nay đang được biên soạn lại và đã ra mắt bạn đọc. Năm 1983, Khrapchenco, người cổ vũ và tổng kết thi pháp học lịch sử Liên Xô nhận định: “Thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự tiến hóa của các phương thức, phương tiện chiếm lĩnh thế giới bằng hình tượng nghệ thuật, chức năng xã hội, thẩm mĩ của chúng, số phận lịch sử của các khám phá nghệ thuật.” D. X. Likhachev trong sách Con người trong văn học Nga cổ, Thi pháp văn học Nga cổ miêu tả các hình thức và phong cách miêu tả con người, các phương tiện miêu tả nghệ thuật như không gian, thời gian nghệ thuật, các hình thức khái quát nghệ thuật, các công thức, nghi thức, biểu tượng…trong văn học Nga cổ. Đối với ông thi pháp là phong cách, là các yếu tố và nguyên tắc của phong cách. M. M. Bakhtin qua công trình Francois Rabelais và văn hóa dân gian thời phục hưng và trung đại, Những vấn đề thi pháp Dostoievski nghiên cứu ảnh huởng của văn hóa dân gian trung cổ hoặc các thể loại văn học cổ đại đối với hình thức tiểu thuyết của Rabelais, Dostoievski; nghiên cứu cấu trúc đối thoại của tiểu thuyết, cấu trúc không - thời gian, các hình thức không thời gian, hình thức thời gian trong tiểu thuyết cổ đại, cận đại. Đặc biệt ông quan tâm nghiên cứu ngôn từ tiểu thuyết. Ju. Lotman nghiên cứu không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX, trong tác phẩm của Gogol. Steblin-Kamenski trong Thi pháp học lịch sử chủ trương nghiên cứu “văn học” (tính văn học) trong quá trình lịch sử, từ nảy sinh quan niệm văn học, quan niệm tác giả, quan niệm hư cấu, thể loại. Thi pháp học lịch sử của một nhóm tác giả đã nghiên cứu các thời đại văn học, các loại hình của ý thức nghệ thuật, có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu loại hình các giai đoạn lịch sử văn học. Thi pháp học lịch sử nghiên cứu thi pháp huyền thoại, thi pháp sử thi Nga, cũng nghiên cứu các thi pháp trào lưu như Thi pháp chủ nghĩa lãng mạn, Thi pháp chủ nghĩa hiện thực …
Ở Nga hiện tại, thời hậu xô viết, thi pháp học lí thuyết (lí luận văn học) được hồi sinh, tiếp tục phát triển trên cơ sở lí thuyết của các học giả Nga như Bakhtin, Lotman, Gasparov [M.L. Gasparov (1935 – 2005): Tiến sĩ Ngữ Văn, Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm khoa học Nga] cùng các tác giả khác trên thế giới. Công trình Thi pháp học lí thuyết do N. D. Tamarchenco biên soạn đã tổng kết các vấn đề cơ bản của nó.
Sự gặp gỡ của Thi pháp học với các bộ môn khoa học khác đã xây dựng nên một nền thi pháp học hiện đại khoa học, phong phú, đa dạng, có hiệu quả, nhất là khi Thi pháp học chuyển biến từ ngôn ngữ học sang thi pháp học văn hóa - nghiên cứu văn hóa (cultural studies). Cuộc chuyển biến này bắt đầu từ những năm 50 - 60 thế kỉ XX với khuynh hướng nghiên cứu văn hóa đại chúng ở các nước Anh Mĩ. Nghiên cứu văn hóa ở phương Tây được chú ý bắt đầu từ khát vọng vượt qua tính hạn chế của nghiên cứu văn học truyền thống: chỉ chú ý văn học bác học, bỏ qua văn hóa đại chúng; chỉ quan tâm cấu trúc, tính nội tại, coi nhẹ giá trị xã hội, lịch sử; chỉ chú ý thẩm mĩ, không quan tâm đến giá trị tiêu dùng. “Văn hóa đại chúng” bao gồm: báo, tạp chí, quảng cáo, điện ảnh, truyền hình, ca khúc thịnh hành, mod, văn học thông tục (gồm truyện kinh dị, tình yêu, cao bồi, truyện viến tưởng…), nhiếp ảnh, văn học phụ nữ,…là những “văn bản” thể hiện quyền lực trong lĩnh vực công cộng, chi phối ý thức xã hội, không thể bỏ qua. Các học giả đã nhận thấy văn học là bộ phận của văn hóa. Nghiên cứu văn hóa là khuynh hướng nảy sinh sau khi các đại tự sự về văn học bị hoài nghi: văn học đã chết, tác giả đã chết, nghiên cứu văn học, thi pháp học đã chết…Văn học là bất cứ tác phẩm nào mà xã hội thời đó coi là văn học... Nghệ thuật biến thành một trò chơi. Lịch sử chỉ ghi lại qua văn bản, nhưng không có văn bản nào thể hiện được đầy đủ, khách quan lịch sử, do đó người ta chỉ có thể diễn giải về lịch sử, còn lịch sử đích thực thì vắng mặt, mâu thuẫn đó đã làm nảy sinh chủ nghĩa tân lịch sử của Stephen Jay Greenblatt và ông này khởi xướng hướng nghiên cứu “Thi pháp học văn hóa”, hướng tới một sự diễn giải xóa bỏ giới hạn của các chuyên ngành khoa học. “Thi pháp học văn hóa” (Cultural poetics) là thuật ngữ do Greenblatt mượn của nhà văn hóa học Clifford Greetz. Hai chữ “văn hóa” nhằm chỉ nghiên cứu các sáng tác tập thể và quy luật của chúng, bắt đầu từ niềm tin, có giá trị thẩm mĩ, trở thành giá trị tiêu dùng. Hai chữ “thi pháp” nhấn mạnh đến giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật, và hình thức thể hiện “văn bản” của chúng, theo nghĩa rộng. Văn hóa là ý nghĩa được sản sinh, truyền đạt và tiếp nhận. Văn hóa có tính chất ức chế, khống chế và cơ động, di động, nó thể hiện trong hoạt động giao dịch trong đời sống. Thi pháp học văn hóa là khuynh hướng diễn giải các văn bản văn hóa, khám phá ý nghĩa tiềm tại của chúng trong hoạt động giao dịch. Nhà marxist Mĩ Fredric Jameson xây dựng quan niệm thi pháp học văn hóa theo quan điểm chủ nghĩa Mác. Theo đó văn học được diễn giải theo các phạm trù: lịch sử, ý thức hệ, ngụ ngôn, diễn giải. Dựa vào quan điểm thi pháp học văn hóa nhiều người chủ trương mở rộng biên giới của thi pháp học, lí luận văn học, nghiên cứu các hiện tượng phi văn học, ngoài văn học. Một số người nói thi pháp học đang đứng trước nguy cơ đánh mất hoặc đổi thay đối tượng của mình như cuối thế kỉ trước.
Nghiên cứu văn hóa nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy đã có từ lâu, bởi từ xưa đến nay, văn học và văn hóa có mối quan hệ không thể tách rời. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cũng đã có cái nhìn văn hóa. Nghiên cứu thi pháp cũng chính là nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Nghiên cứu văn hóa hiện nay mang một nội dung khác hơn, nó hướng tới các hiện tượng văn hóa trong đời sống hiện tại, nhưng điều đó không phải là phủ nhận nghiên cứu văn hóa truyền thống. Giải cấu trúc văn học chỉ là cách hiểu văn học trong sự đa dạng chứ không phủ nhận văn học, bởi giải cấu trúc buộc phải dựa vào cấu trúc mới có thể tồn tại. Cũng vậy, sự hoài nghi đại tự sự tự nó cũng không thể trở thành đại tự sự mới, bởi như thế thì mâu thuẫn với chính lí thuyết kinh điển của hậu hiện đại. Do đó sự phủ định cấu trúc, trung tâm, cũng như hoài nghi đại tự sự không bao giờ có thể trở thành tuyệt đối. Thêm nữa, giải cấu trúc, hậu hiện đại tuy có tham vọng “lật đổ” các lí thuyết trước đó, thì bản thân nó cũng vẫn chỉ là một trong các lí thuyết sinh sau mà thôi, chứ không phải là lí thuyết duy nhất đúng trong thời đại đa nguyên đối thoại về tri thức. Văn học đại chúng có thể có vị trí phổ biến trong đời sống, nhưng chắc chắn khó có thể thủ tiêu văn học bác học, bởi văn học đại chúng không phải là tất cả văn học. Như thế khái niệm văn học mở rộng bao quát hơn và nội dung thi pháp học cũng mở rộng theo, dù cho thi pháp học văn hóa có thể được áp dụng phổ biến.
Văn học hậu hiện đại cũng chỉ là một khuynh hướng văn học, không phải là duy nhất, và nó cũng có thi pháp của mình. Theo Linda Hutcheon, phạm trù cơ bản của Thi pháp hậu hiện đại là sự hoang tưởng, giễu nhại, trò chơi…
*
Tuy chất lượng chưa đồng đều, nhưng với một đội ngũ nghiên cứu, phê bình đông đảo đã góp phần khám phá, phát hiện nhiều phương diện nghệ thuật của rất nhiều hiện tượng văn học thế kỉ XX, trả lại những giá trị đích thực cho không ít tác phẩm văn học đã từng bị “vùi dập” oan uổng; thi pháp văn học trung đại với con người và các thể loại cũng được nghiên cứu sâu hơn, tạo nên một diện mạo mới của khoa nghiên cứu, phê bình văn học sau gần ba mươi năm của phong trào đổi mới. Có thể nói, Thi pháp học thực sự làm thay đổi diện mạo của khoa nghiên cứu, phê bình văn học vốn bị coi là èo uột trong một thời gian dài, với sự xuất hiện những khuôn mặt sáng giá…Cho đến nay, thi pháp là một công cụ nghiên cứu mang lại nhiều hiệu quả và đã được tín nhiệm. Song, khi vận dụng vào việc nghiên cứu, phê bình một tác phẩm, một tác giả cụ thể thì cái nguyên tắc “Phương pháp chủ yếu của Thi pháp học là phương pháp hình thức” gặp không ít rắc rối. Nếu cứ “ngang bằng sổ thẳng”, lạnh lùng khách quan như Bao Thanh Thiên mặt sắt đen sì thì sẽ có không ít nhà văn, nhà thơ của chúng ta bị gạt ra ngoài vì tác phẩm chưa đạt chuẩn, tức tác phẩm của họ sẽ bị loại ngay khi đưa vào “cái máy cân đo” Thi pháp học. Hoặc “nói trắng phớ” như Nguyễn Huy Thiệp: “...Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều..."vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả...” (xem: ĐỌC “TIỂU LUẬN” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP - ĐỖ NGỌC THẠCH).
Trong một bài viết về Thi pháp học năm 2009, GS Trần Đình Sử nhận xét: “Nhìn khái quát, có thể thấy thi pháp học Việt Nam cho đến nay vẫn đi theo phương hướng chủ yếu của lí thuyết cấu trúc, hệ thống, chưa bước sang giai đoạn giải cấu trúc (5) và hậu hiện đại. ở phương Tây”. Vậy là Thi pháp học ở Việt Nam chưa tiến kịp với xu thế chung của thế giới. Bởi như ta đã biết, năm 1960 công trình nổi tiếng Tư duy và tính man dã của C. Levi - Strauss làm cho thanh thế của chủ nghĩa cấu trúc lên cao, chủ nghĩa cấu trúc trở thành “điểm nóng” của văn học phương Tây. Nhưng đến tháng 10 năm 1966, là năm Đại học Hopkins ở Hoa Kì tổ chức Hội thảo để tiếp cận chủ nghĩa cấu trúc, thì J. Derrida đọc bài báo Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi đã đánh một đòn chí mạng vào học thuyết cấu trúc chủ nghĩa làm cho nó chuyển sang Hậu cấu trúc. Điều này chứng tỏ lí thuyết cấu trúc có phần thiếu căn cứ khoa học đầy đủ. Do chuộng mới nhiều nhà khoa học chưa thấy được điểm mù của nó. Vì thế, rõ ràng là Thi pháp học Việt Nam không thể dừng lại trước cánh cửa giải cấu trúc. Đây là một vấn đề chưa có câu trả lời của các nhà Thi pháp học Việt Nam. Và nữa, mặc dù đại gia Roland Barthes đã đưa ra kết luận choáng váng về Cái chết của tác giả (6), song ở thi pháp học Việt Nam, tác giả vẫn còn ở vị trí trung tâm, người ta không đành lòng “làm đám tang” cho Tác giả - như là động lực chính tạo cảm hứng cho nhà nghiên cứu, phê bình khi “xử lý văn bản”!
Rõ ràng là Thi pháp học VN cần đa dạng hóa cách tiếp cận, trang bị thêm “công cụ” và nghiền ngẫm sâu hơn về lí thuyết Thi pháp học. Thi pháp học ở VN đã và đang được xác định là một phương hướng nghiên cứu có ý nghĩa lâu dài, vì thế muốn phát triển cần có sự phân hóa thành những trường phái với những “thủ lĩnh” cùng những “tuyên ngôn nghệ thuật” hẳn hòi với những ý tưởng mới mẻ. Còn như hiện nay, tuy đã có một số thành tựu đáng kể, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học vân dụng thi pháp học một cách máy móc, sao chép trong khi ở quê hương của nó, Thi pháp học đã lỗi thời... Vì thế, việc nghiên cứu Thi pháp học cần được chú ý đầu tư thích đáng, tổ chức đội ngũ bài bản với kế hoạch cụ thể và điều quan trọng là cần liên tục rà soát lại công việc để có được hướng đi đúng và theo kịp sự thay đổi của thế giới!
*
Trong một bài viết mới đây về “Giải cấu trúc”, GS Trần Đình Sử viết: “Giải cấu trúc đem lại cái gì mới cho phê bình văn học hôm nay? Đối tượng chủ yếu của giải cấu trúc trước hết chính là phê bình, nghiên cứu văn học, lí luận văn học, văn học sử, phương Đông học, các thứ tiểu luận và các thứ lí luận nói chung... là nơi đầy rẫy những quy luật, những nguyên lí, những nhận định đúng sai chắc như đinh đóng cột hoặc tùy tiện, mơ hồ hết chỗ nói mang định kiến của cả một thời. Giải cấu trúc phải soát xét lại tất cả, không trừ một chỗ nào mọi nguyên lí, định lí, nguyên tắc, phương pháp, nhận định, khái niệm. Giải cấu trúc đòi hỏi phải viết lại văn học sử, viết lại lí luận, đọc lại người trước với tinh thần khoa học, phát hiện mọi ngộ nhận, mọi thành kiến, phát hiện những nhận thức mới, chân lí mới, đưa người đọc vào những tìm tòi mới” (Tuần báo Văn nghệ số 34, 21/8/2010). Sẽ là một sự thách đố rất lớn đối với những nhà Thi pháp học VN. Dừng lại trước cánh cửa “Giải cấu trúc” hay làm như sự đòi hỏi của “Giải cấu trúc”: “ … viết lại văn học sử, viết lại lí luận, đọc lại người trước với tinh thần khoa học, phát hiện mọi ngộ nhận, mọi thành kiến, phát hiện những nhận thức mới, chân lí mới, đưa người đọc vào những tìm tòi mới”? Chúng ta đành phải chờ đợi - Chờ Godot!
Tuy nhiên, ý kiến sau đây của nhà lý luận Nguyễn Văn Dân trong bài viết “ROLAND BARTHES ĐÃ “GIẢI CẤU TRÚC NHƯ THẾ ĐẤY!” rất đáng để các nhà Thi pháp học VN suy nghĩ: “Nhân tiện tôi xin có một nhận xét rằng, các nhà lý luận phương Tây rất có ý thức tìm tòi thử nghiệm các lý thuyết mới. Thậm chí nhiều người còn coi việc thử nghiệm này là một trò chơi. Cho nên họ sẵn sàng thay đổi lý thuyết như thể thay đổi trò chơi, bởi vì họ không lý tưởng hóa các lý thuyết của họ, mà chỉ coi đó là những thử nghiệm không ngừng trong trò chơi logic bất tận, trong đó các lý thuyết có thể đúng, có thể sai, có thể mâu thuẫn nhau, vì chúng thể hiện những cách nhìn đa dạng về đối tượng nhận thức của con người. Trong những cách nhìn này không có kẻ thắng người thua, mà chỉ có những sự đa sắc của những lá bài mà tính hấp dẫn của chúng nằm ở khả năng tổ hợp lá bài của các nhà lý luận. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta nên coi các thử nghiệm nói trên vừa là những nỗ lực tìm tòi cái mới, vừa là những trò chơi rèn luyện tư duy, không nên cứ thấy lấp lánh thì tưởng là vàng; nếu cứ thần thánh hóa mọi thử nghiệm lý thuyết thì sẽ đi đến chỗ ngộ nhận, thất vọng và mâu thuẫn. Lý thuyết giải cấu trúc của Barthes là một trong những trường hợp như vậy”.
Sài Gòn, cuối năm 2010
Tài liệu tham khảo:
- M. Bakhtin: Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch và giới thiệu). NXB.Văn học và Trường viết văn Nguyễn Du, H. 1992, NXB Hội nhà văn, in lần thứ 2, H. 2003.
- M. Bakhtin: Những vấn đề thi pháp Dostoievski (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch). NXB. Giáo dục, H. 1993. -Mikhail Mikhailovich Bakhtin: Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ (Phạm Vĩnh Cư dịch). Trong cuốn Lí luận-phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên), tập 1, NXB Giáo dục, H. 2007.
- Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. NXB. KHXH, H, 1985; Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học. NXB. Trẻ, TP.HCM, 1990; Thử xét văn hóa văn học bằng ngôn ngữ học. NXB, Thanh niên, H. 2000.
-Nguyễn Xuân Kính: Thi pháp ca dao - NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2007.
-Nhiều tác giả: Nghệ thuật như là thủ pháp - Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga (Đỗ Lai Thúy và các CTV biên soạn và dịch , H. 2001).
- Nguyễn Văn Dân : Phương pháp luận nghiên cứu văn học - NXB Khoa học xã hội, H. 2004.
-N. T. Tamarchenco: Thi pháp học lí thuyết - Khái niệm và định
nghĩa.http://philologos.narod.ru/index.html
-Trần Hoài Anh: Ảnh hưởng phương Tây đến lý luận- phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975, TC Văn học, số 4/2009
- Phạm Ngọc Hiền: Lược sử thi pháp học Viêt Nam- vanchuongviet.org
-Đỗ Đức Hiểu: Lịch sử văn học Pháp (5 tập) - đồng chủ biên. NXB Thế giới, 1990, 1992; Đổi mới phê bình văn học. NXB. KHXH và NXB. Mũi Cà Mau, 1993; Thi pháp hiện đại. NXB. Hội Nhà văn, H. 2000.
- Đỗ Lai Thúy: Con mắt thơ. NXB. Lao động, H. 1992 (được tái bản nhiều lần).
- Trần Đình Sử: Một số vấn đề thi pháp học hiện đại. Vụ Giáo viên xb, H. 1993; Những thế giới nghệ thuật thơ. NXB. Giáo dục, H, 1995; Lí luận và phê bình văn học. NXB. Hội Nhà văn, H, 1996; Thi pháp văn học trung đại Việt Nam. NXB. Giáo dục, H. 1998; Dẫn luận thi pháp học. NXB. Giáo dục, H. 1998, 2004; Thi pháp Truyện Kiều. NXB. Giáo dục, H, 2002; Thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2- 2009.
-M.Bakhtin: Nhà triết học, nhà nghiên cứu văn học - PGS.TS Lã Nguyên.
- Tzavetan Todorov: Di sản Bakhtin (La Khắc Hòa dịch. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học).
Chú thích:
(1) Xin xem thêm: Vương Trí Nhàn: Thi pháp: Sự hình thành, nghĩa, và xu thế ứng dụng (Một số thu hoạch từ những kinh nghiệm của khoa nghiên cứu văn học xô-viết).
(2) Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975): là nhà nghiên cứu khoa học xã hội, khoa học nhân văn lỗi lạc của Liên Xô (cũ), nổi tiếng với những tác phẩm nghiên cứu về triết học Marx, văn học và mỹ học trong đó được biết đến nhiều nhất trong giới nghiên cứu về sau là Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian thời Trung cổ-Phục hưng, và Thi pháp tiểu thuyết Dostoevski.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, năm 1913, Bakhtin theo học khoa Lịch sử-Ngữ văn thuộc Trường đại học tổng hợp Sankt-Peterburg và tốt nghiệp trường này vào năm 1918. Trong những năm nội chiến 1918-1922, ông về dạy học ở Vitebsk và đến năm 1923 thì trở lại Peterburg….Tuy viết nhiều và hoạt động sôi nổi nhưng phải đến năm 1929, khi đã 34 tuổi, Bakhtin mới cho in cuốn sách đầu tiên mang tên mình, cuốn Những vấn đề của sáng tác Dostoevski (sau này tái bản có sửa chữa và bổ sung dưới tên Những vấn đề thi pháp Dostoevski). Tuy vậy, sự mỉa mai của số phận đã khiến tác giả không được thấy mặt cuốn sách khi công bố lần đầu: do tham gia một nhóm nghiên cứu tôn giáo, ông bị kết án phạm tội chính trị và tuyên phạt 10 năm tù khổ sai, và chỉ nhờ những người thân lo liệu nhà đương cục giảm án mới được rút xuống thành 5 năm lưu đày tại Bắc Kazakhstan. Phải đến tận năm 1966, tòa án tối cao Cộng hòa Liên Bang Nga mới xét lại và phục hồi danh dự cho tất cả những người bị kết tội.
Từ giữa những năm 1930 khi hết hạn lưu đày, Bakhtin được trở về Moskva và tại đây, trong vòng 5 năm ông đã viết một loạt công trình về thể loại tiểu thuyết (được in vào những năm 70 nhưng cũng đã có công trình thất truyền) và hoàn thành về cơ bản chuyên khảo về Francois Rabelais và văn hóa trào tiếu dân gian… Khi cuộc chiến tranh chống phát xít Đức bùng nổ. Bakhtin phải về một vùng nông thôn Trung Nga, và dạy ngoại ngữ cho một trường phổ thông ở đấy trong 5 năm. Năm 1947 Bakhtin trở lại Moskva, bảo vệ công trình về Rabelais nhưng chỉ được phong học vị phó tiến sĩ. Sau đó ông được nhận vào làm giảng viên trong biên chế của trường Đại học Sư phạm (từ năm 1950 đổi thành Đại học Tổng hợp) ở Saransk. Từ đó cho đến 1960, Bakhtin tham gia dạy văn học nước ngoài ở trường đại học, và sau 1960 ông nghỉ hưu. Cho đến năm 1963, tên tuổi Bakhtin hoàn toàn bị quên lãng ở Liên Xô, nhưng đến cuối 1963, từ một bức thư ngỏ thống thiết của một nhóm nhà văn và nhà khoa học có tên tuổi, công trình của ông về Dostoevski được tái bản và năm 1965, Sáng tác của Francois Rabelais với văn hóa dân gian Trung đại và Phục hưng ra mắt độc giả. Tên tuổi Bakhtin mau chóng trở nên lừng lẫy, thậm chí thời thượng ở Liên Xô, rồi cả trên trường quốc tế. Tuy nổi tiếng, giai đoạn này Bakhtin vẫn sống trong nghèo túng, trong bệnh tật và tuổi già tại Saransk. Năm 1967, Bakhtin được minh oan và năm 1969, ông trở về Moscow. Suốt 40 năm, M. Bakhtin sống như một người vô danh. Không mấy ai còn nhớ tới tên tuổi của ông, thậm chí không ít người nghĩ rằng ông đã chết. Lúc bị bắt đi đầy, M. Bakhtin mới 33 tuổi. Tức là ở thời điểm tài năng đang nở rộ nhất, sức lực đang cường tráng, sung mãn nhất, M. Bakhtin đã bị tước quyền xuất bản những tác phẩm của mình. Như là sự bù đắp của Tạo hóa, từ năm 1967, nhiều công trình của M. Bakhtin lần lượt được dịch ra tiếng nước ngoài. Các tạp chí thi nhau đăng tải các bài viết của M. Bakhtin. Xung quanh những công trình của M. Bakhtin thường xuyên diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Danh tiếng của M. Bakhtin ngày càng vang dội, nhất là trong giảng đường các trường đại học, đội ngũ những người sùng mộ ông ngày càng đông đảo hơn. Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, một thời đại mới - “thời đại Bakhtin” - mới thực sự được mở ra. Vào giữa những năm 1980 lại xuất hiện một làn sóng mới, làn sóng đam mê Bakhtin vô cùng mạnh mẽ, đến những năm 1990, làn sóng ấy hóa thành cuộc “Bakhtin đại náo loạn” vô cùng ầm ỹ”. Viện Văn học thế giới (IML) bắt đầu biên soạn Tuyển tác phẩm M. Bakhtin. Bộ “Tuyển” này gồm 6 tập, được biên soạn hết sức công phu…Tính đến năm 1993, các công trình của M. Bakhtin đã được ấn hành lên tới gần nửa triệu bản in. Nếu vào những năm 1960 và 1970, M. Bakhtin chủ yếu là đối tượng của phê bình, thì nay di sản của ông trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên sâu. Chỉ trong vòng 5 năm, từ 1988 đến 1992, ở các nước Âu - Mĩ đã có trên 40 đầu sách viết về M. Bakhtin. Khoa Bakhtin học (“Bakhtinologie”, “Bakhtinovedenie”, “Bakhtinistika”) chính thức ra đời. Nhiều “Trung tâm” nghiên cứu Bakhtin được thành lập tại Moscow, Peterburg, Saransk, Vitebsk… Tạp chí Dialogue. Carnaval. Chronotope (do N.A. Pankov làm Tổng biên tập) dành riêng cho việc nghiên cứu Bakhtin chính thức ra mắt bạn đọc vào năm 1992, tại Vitebsk, nơi M. Bakhtin từng sống thời trẻ….
Trong suốt cuộc đời phải chiến đấu với bệnh tật và cả những định kiến chính trị cũng như những rào cản nhận thức của thời đại, M. Bakhtin vẫn để lại một di sản khoa học xã hội-nhân văn đồ sộ trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến bao gồm: 1-Những vấn đề thi pháp Dostoevski (được tái bản vào các năm 1963, 1967, 1979): Tác phẩm kết tinh những giá trị tinh hoa trong phương pháp tư duy của Bakhtin và đem ứng dụng vào nghiên cứu một trong những sáng tác phức tạp nhất của văn học Nga, hiện tượng Dostoevski. Tác phẩm này đã đem lại một cái nhìn mới mẻ không chỉ đối với sáng tác của nhà văn hiện thực Dostoevski mà còn đối với văn học nghệ thuật nói chung, đối với mối quan hệ giữa văn học và hiện thực nói riêng. 2-Sáng tác của Francois Rabelais và văn hóa dân gian thời Trung cổ và Phục hưng (1965); 3-Những vấn đề văn học và mỹ học (1975); 4-Mỹ học sáng tác ngôn từ (1979); - Những bài báo phê bình văn học (1986). Di sản mà Bakhtin để lại (2*), phần lớn được viết từ những năm 1920 - 1940, bao trùm trên những khu vực tri thức vô cùng rộng lớn bao gồm nghiên cứu về văn học, ngôn ngữ học, mỹ học, văn hóa học và triết học…Bakhtin được phát hiện chủ yếu từ giác độ phương pháp luận, từ hệ hình thế giới quan và di sản của ông được nghiên cứu trên cái nền của tiến trình lịch sử tư tưởng Nga, của bối cảnh văn hóa toàn nhân loại. Từ giác độ ấy, M. Bakhtin hiện lên trong hình ảnh một “nhà triết học của thiên niên kỉ thứ ba” và di sản triết học của ông đã đặt nền tảng cho hệ hình tư duy của thời đại mới. Bakhtin giống một nhân vật huyền thoại nhiều hơn là một học giả bằng xương bằng thịt… Có thể ca ngợi Bakhtin hết lời mà không sợ sai, bởi: “… những trước tác của M. Bakhtin đến nay vẫn giữ nguyên giá trị cách tân: chúng đặt ra cho khoa học một loạt vấn đề mới hệ trọng, cung cấp những phương pháp luận, cách tiếp cận mới, đầy hiệu năng, kích thích tinh thần tìm tòi, sáng tạo, nhận thức và nhận thức lại không ngừng trong khoa học. Một trong những công lao lớn của Bakhtin là ông đã nâng lý thuyết thể loại - một bộ phận vốn không được quan tâm lắm của khoa học văn học, đặc biệt ở các nước XHCN - lên một vị trí quan trọng chưa từng thấy. Theo Bakhtin, thể loại chứ không phải phương pháp hoặc trường phái sáng tác là nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học. Mỗi một thể loại, nhất là thể loại lớn, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người. Thể loại là cái trí nhớ siêu cá nhân của nghệ thuật, nơi tích lũy, đúc kết những kinh nghiệm nhận thức thẩm mỹ thế giới. Mỗi thời đại lịch sử có hệ thống thể loại của mình, trong đó những thể loại chính thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất tâm thức, tầm nhìn, những mối quan tâm, những quan niệm và chuẩn mực giá trị của con người trong thời đại đó; những thể loại chính ấy như những mặt trời thu hút những thể loại khác vào trong quỹ đạo của chúng. Lịch sử văn học, theo Bakhtin, trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại…” (PGS. TS Phạm Vĩnh Cư: Lời giới thiệu bản dịch “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” của M Bakhtin).
(2*) Xin xem thêm: Di sản Bakhtin: Tzavetan Todorov (2**), La Khắc Hòa dịch. Tạp chí Nghiên cứu Văn học (Viện Văn học).
(2**) Tzvetan Todorov (sinh năm 1939 tại Sofia): là một Nhà nghiên cứu lý luận văn học Pháp. Ông sống ở Pháp từ năm 1963 với người vợ Nancy Huston và hai người con, viết sách và tiểu luận về lý thuyết văn học, lịch sử tư tưởng và lý thuyết văn hóa.
(3) Jean-Yves Tadié (sinh 1936): cựu học sinh École Normale Supérieure, tiến sĩ văn chương, dậy văn học Pháp tại Đại học Oxford và Sorbonne, còn chủ trì tủ sách Folio Classiques. Cuốn sách "La critique littéraire au XXe siècle", cho rằng, thế kỷ 20 là thế kỷ văn học về văn học, tức phê bình, nở hoa. Lần đầu tiên, vào thế kỷ 20, phê bình văn học đã tự coi bằng vai với những tác phẩm mà nó nghiên cứu. Rất nhiều nhà phê bình của thời đại chúng ta còn là những nhà văn cự phách, từ Charles Du Bos tới Roland Barthes, từ Jacques Rivière tới Maurice Blanchot. Nhưng không phải do phẩm chất của văn phong mà phê bình, kể từ Barthes, đã trở thành cùng một lúc, đọc và viết - lecture et écriture - nhưng là bởi vì cương vị, hay thế giá - statut - của tác phẩm nghệ thuật đã thay đổi.
Trong cuốn sách của mình, Tadié trình bầy những phương pháp phê bình quan trọng của thế kỷ 20: phê bình hình thức của Nga, những thành quả (synthèses) lớn về phê bình của Đức, trường phái Genève và nghiên cứu ý thức, phê bình về tưởng tượng, về phân tâm học, xã hội học, liên hệ giữa ngôn ngữ học và phê bình...
(3*) Xem: Trần Hoài Anh: Ảnh hưởng phương Tây đến lý luận- phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4/2009.
(4) Roman Jakobson (1896 -1982): Roman Jakobson gốc Nga định cư ở Mỹ và phạm vi hoạt động vòng quanh thế giới . Từ 1915, ông đã tích cực đóng góp vào trường phái hình thức Nga, và một trong vài ba lãnh tụ Câu Lạc Bộ Ngôn Ngữ Học Praha: nhóm này, tại hội nghị Ngôn ngữ học Quốc tế họp tại Den Haag, Hà Lan, 1928 đã đặt những viên đá đầu tiên cho nền ngữ học cấu trúc (Linguistique Structurale) từng bước tiến bộ về sau, bước sang nhiều lãnh vực khoa học và dần dà ngày một ngày hai trong nửa thế kỷ, sẽ chiếm địa vị quan trọng - nếu không phải là độc tôn, trong sinh hoạt nghiên cứu khoa học nhân văn trên toàn cầu. Công trình nghiên cứu của Roman Jakobson bao trùm nhiều lĩnh vực, ngôn ngữ nhiều nước, là nguồn kiến thức cho giới nghiên cứu nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới . Đóng góp lớn lao nhất của Roman Jakobson trong lý luận về thi pháp là đã thuyết minh tương quan giữa ngữ âm và ngữ nghĩa, giữa từ và nghĩa, phản biện lý thuyết lừng danh của F.de Saussure trong Giáo trình ngữ học đại cương (1913), kinh điển của khoa ngữ học hiện đại: tương quan giữa ngữ âm (cái biểu hiện) và nghĩa (cái được biểu hiện) là võ đoán . Cuốn Vấn đề thi pháp của Roman Jakobson xuất bản năm 1973, là sách kinh điển cho giới lý luận . Còn Sáu Bài Giảng, là những ghi chép làm nền cho giáo trình, cho nên mãi đến năm 1976 tác giả mới công bố, nên ít người biết và tham khảo. Trong phần kết luận Sáu bài giảng ông còn nhắc lại một lần nữa, ý kiến đã phát biểu từ 1919 : “ trong ngôn ngữ thi ca ký hiệu tự bản thân nó đã hoàn tất một giá trị độc lập”. Roman Jakobson trước hết là một chuyên gia ngữ học với kiến thức vừa bao la vừa sâu sắc, ông mở biên giới ngữ học vào các lãnh vực văn chương, nghệ thuật và các nền khoa học khác.
(4*) Yuri Lotman (1922-1993) là nhân vật số một của trường phái Ký hiệu học Tartu (Estonia). Các bài viết của ông có nhiều kiến giải sắc sảo, minh triết về bản chất của nghệ thuật, đặc biệt gợi mở những cách suy nghĩ khác về các hiện tượng phức tạp của nghệ thuật hiện đại.
(5) Giải cấu trúc (Deconstruction) hay hậu cấu trúc luận (Post-structuralism) xuất hiện tại Pháp vào cuối thập niên 1960, gắn liền với hai khuôn mặt: Jacques Derrida - một triết gia, và người thứ hai, Roland Barthes - nhà ký hiệu học và cũng là nhà phê bình văn học lừng lẫy tại Paris. Người ta cho rằng lý thuyết giải cấu trúc, dù không phải là tất cả, nhưng chủ yếu và phần lớn bắt nguồn từ những công trình phê bình triết học của Jacques Derrida; trong khi, R. Barthes (dù không muốn phủ nhận sự đóng góp của ông) chỉ là nhà thực hành hậu cấu trúc luận (practical poststructuralist critics). Những công trình của Barthes trong khoảng thời gian trên bắt đầu có sự chuyển đổi từ cấu trúc luận sang hậu cấu trúc, sự chuyển hướng trong lý thuyết phê bình này có thể nhận thấy rõ qua sự so sánh hai luận văn xuất hiện cách nhau bảy năm: Khởi đầu cho việc phân tích cấu trúc của tính tự sự (Introduction to the Structural Analysis of Narrative, 1966) và Ðiều thú vị của văn bản (The Pleasure of the Text, 1973) .Tính chất khác biệt giữa phương pháp nghiên cứu giữa hai luận văn trên đã đánh dấu sự chuyển hướng nhanh chóng của Barthes trong đường hướng phê bình; trong khi cuốn đầu mang màu sắc chặt chẽ ở phương pháp với những kỹ thuật phân tích dựa trên nền tảng của cấu trúc luận, thì luận văn thứ hai, chỉ là loạt bài bình luận về thể tự sự sắp xếp theo trật tự alphabet - là sự trình bày nhằm nhấn mạnh một cách có chủ ý về tính chất ngẫu nhiên; giữa hai luận văn trên là Cái chết của tác giả (The death of Author- 1968), báo hiệu sự chuyển hướng lý thuyết của Barthes. Phải thừa nhận rằng, trong những thập niên sau cùng của thế kỷ 20, Roland Barthes là nhà phê bình có tầm ảnh hưởng rộng lớn và mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực lý thuyết phê bình, công trình nghiên cứu và phê bình của ông đã gần như xuất hiện đồng thời với các chủ thuyết lớn, dù rằng ông thuần túy là nhà phê bình chứ không phải là nhà tư tưởng.
Giải cấu trúc xuất phát từ lý thuyết triết học tại Pháp nhưng lại tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ vào văn học chủ yếu tại Hoa Kỳ thông qua các nhà lý thuyết của trường đại học Yale. Giải cấu trúc thu hút được giới phê bình văn học một phần vì nó nhìn nhận tất cả mọi tác phẩm là kết quả của một quá trình tương tác tinh vi của lịch sử và văn hóa, có nguồn gốc từ những sự liên hệ của hệ thống liên văn bản (intertexuality) và từ những định chế cũng như những quy ước của văn học. Phần khác, giải cấu trúc đã tác động mạnh vào giới phê bình vì tính chất đa phương và cường độ mãnh liệt trong sự tấn công vào những nền tảng được xem là căn bản vững chắc nhất của tri thức luận Phương Tây (Western epistemology): Khoa học và tri thức con người. Giải cấu trúc tấn công trực diện vào thành trì của nền tảng triết lý này bằng cách tranh luận rằng tri thức con người không có khả năng và không thể có khả năng tìm đến sự thật tuyệt đối (vì không bao giờ có một sự thật khách quan hằng hữu và bất biến tồn tại trong vũ trụ) - sự thật phát hiện dưới ánh sáng khoa học, một biểu hiện của tri thức, đơn giản chỉ là những cảm nhận chủ quan và rất tương đối. Sau cùng, giải cấu trúc lật đổ quan niệm cấu trúc ngôn ngữ của cấu trúc luận (5*) khi phản bác rằng, ngôn ngữ hoạt động theo một cách thức vô cùng tinh vi và đôi khi ở trong tình trạng mâu thuẫn, chứ không tồn tại như những khuôn mẫu cấu trúc hằng định, vì vậy sẽ không có một cấu trúc văn bản nào bền vững với thời gian; thêm vào đó, tính chất năng động của thực tiễn trong ngôn ngữ sẽ luôn luôn vượt qua mọi hiểu biết của chúng ta, ngôn ngữ trượt đi trong một mạng lưới chằng chịt và sự phi tâm hóa (decenteralization) sẽ làm cho chúng chuyển dịch không ngừng nghỉ trong hệ thống liên văn bản.
(5*) Cấu trúc luận (Chủ nghĩa cấu trúc): Trường phái này có cội nguồn từ ngôn ngữ học Saussure (5**), được đề cập trong trước tác của chủ nghĩa hình thức Nga với Jakobson, của Bakhtin, phát triển với trường phái ngữ học Praha và trở thành trào lưu ở Pháp từ những năm 60 với các tên tuổi như Claude Levi - Strauss, R. Barthes, Tz. Todorov… Nhà khoa học Thuỵ sĩ xem ngôn ngữ là một hệ thống và chỉ ra phương thức cấu trúc của hệ thống đó gồm quan hệ giữa trục kết hợp và trục lựa chọn (liên tưởng), quan hệ giữ biểu hiện bề mặt (lời nói) và cấu trúc bề sâu (ngôn ngữ ), ông đặt ngôn ngữ trong một môn học lớn hơn là kí hiệu học, trong đó mỗi kí hiệu là sự thống nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nguyên tắc võ đoán, ý nghĩa biểu hiện qua đối lập của các kí hiệu, đối lập ngôn ngữ và lời nói, đối lập đồng đại và lịch đại. Tư tưởng cấu trúc của Saussure dấy lên trào lưu cấu trúc chủ nghĩa trong văn học. Thực ra trong sách của Saussure không có từ “cấu trúc”, chỉ có từ hệ thống. Từ cấu trúc có lẽ do Jakobson đưa ra. Cấu trúc có nguồn gốc Latin, “structum” nghĩa là trải qua tập họp và chỉnh lí, tạo thành một chỉnh thể có tổ chức. Nếu hệ thống (system) là cái toàn thể do các thực thể liên quan kết hợp với nhau mà thành thì cấu trúc chỉ là những quan hệ ổn định, bất biến ở trong đó, cấu trúc phụ thuộc vào hệ thống. Trong lí thuyết ngôn ngữ cấu trúc chỉ là các quan hệ bất biến để tạo thành giao tiếp. Thuật ngữ “chủ nghĩa cấu trúc” do Jakobson đặt ra vào năm 1929 tại Praha. Sau này J. Piajet viết sách Chủ nghĩa cấu trúc, khẳng định cấu trúc có tính hệ thống, tính chuyển đổi và tính tự điều chỉnh. Từ nguyên lí ngôn ngữ là hệ thống của những khu biệt, người ta đi tìm hệ thống khu biệt của văn học. Từ nguyên lí cơ sở của ý nghĩa là khu biệt, người ta đi t́m hệ thống các đối lập để giải mã văn bản. Các phương pháp phân đoạn, đối lập, thay thế, lập mô hình được sử dung phổ biến. Ngôn ngữ học Saussure đối lập phương thức nghiên cứu đồng đại với phương thức nghiên cứu thực chứng lịch đại của ngữ học thế kỉ XIX, dẫn đến sự từ chối quan điểm lịch sử, từ chối chủ thể, từ chối khoa học nhân văn truyền thống tạo thành một cuộc cách mạng về hệ hình trong khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu cụ thể, các nhà cấu trúc chủ nghĩa Praha kết hợp cấu trúc với quan điểm mĩ học, chủ trương chống tự động hóa, coi đó là cơ chế tự phát triển của văn học, quan tâm bối cảnh lịch sử. Có thể do nhạy cảm khoa học, các nhà cấu trúc Pháp như Todorov, Greimas, Brémon… đều từ chối tên gọi chủ nghĩa cấu trúc, không gọi mình là nhà cấu trúc chủ nghĩa và thực tế nghiên cứu của họ chuyển dần sang hậu cấu trúc (mở).
Jean Piaget trong sách Chủ nghĩa cấu trúc (Le structuralisme, Paris, 1979) cho rằng đặc điểm chung của chủ nghĩa cấu trúc là nghiên cứu nội tại, lập thành công thức để ứng dụng. Một cấu trúc gồm 3 yếu tố: tính chỉnh thể, có quy tắc chuyển đổi, có năng lực tự điều chỉnh. Chủ nghĩa cấu trúc yêu cầu phá bỏ nghiên cứu nguyên tử luận, bắt đầu nghiên cứu từ chỉnh thể. Nghiên cứu tính chỉnh thể, hệ thống, toàn bộ tập hợp đều gọi là nghiên cứu cấu trúc.
(5**) Ferdinan de Saussure (1857 - 1913) vốn là nhà ngữ học Thuỵ Sĩ sinh thời ít trước tác và ít người biết, sau khi ông qua đời, có hai người bạn dựa vào bài giảng của ông mà sinh viên ghi được chỉnh lí thành Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, xuất bản lần đầu năm 1916. Đến năm 1955 tái bản 5 lần nhưng tại Pháp không được quan tâm. Ông được nhà khoa học Nga R. Jakobson vận dụng đạt thành tựu về âm vị học.
(6) Cái chết của tác giả: Roland Barthes (Phan Luân dịch), Tạp chí Nghiên cứu Văn học.
(*) Thuật ngữ “thi pháp học”(poétique, poetics) có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp “Poietike”, chỉ một lĩnh vực tri thức về các quy tắc chuyên ngành sáng tác nghệ thuật, phân loại về thể loại nghệ thuật, thể hiện tập trung trong công trình Poetica của Aristote (384 - 322). Khái niệm Poetica của Aristote được Phan Ngọc dịch là Nghệ thuật thơ ca xuất bản năm 1964, đây là bản dịch chuẩn đầu tiên ở Việt Nam. Có người cho rằng Poetica dịch là Nghệ thuật thơ ca, Bàn về nghệ thuật thơ ca, là không đúng, bởi vì xét về thực chất trước tác của Aristote không chỉ bàn về thơ ca mà còn bàn về sử thi, bi kịch. Các dịch giả Trung Quốc dịch là “Thi học”, với cách hiểu đó là toàn bộ lí luận văn học, nghiên cứu văn học. Đúng hơn có thể nói thi học là tiền thân của lý luận văn học. Khái niệm “thi học” còn được hiểu theo nghĩa hẹp truyền thống: học vấn, tri thức về thơ ca, “Cái học về làm thơ và đọc thơ”. Cách hiểu như vậy không phù hợp với nội hàm của thi pháp học hiện đại, nên có người dịch Poetica là “Thi pháp học”. Thi pháp học của Aristote đã có ảnh hưởng tới lí luận văn học hàng nghìn năm, khái niệm Thi pháp học của Aristote được nhiều người dùng lại như Tasso với Discorsi dell’arte poetica, Thi pháp học của Scaliger, Thi pháp học của Boileau L’art poétique, rồi tiếp sau là Lessing, Herder, Humbold, V. Hugo, Muller Freielffel, Potebnia, A. Veselovski…
(**) Jacques Derrida (1930-2007): Triết gia hậu hiện đại Pháp, thành lập và là thủ lãnh của thuyết giải cấu trúc (Deconstruction). Sinh tại Algeria, năm 19 tuổi, ông sang Pháp học triết tại trường Ecole Normale Supérieure của Paris, chuyên nghiên cứu hai triết gia Ðức là Husserl và Heidegger. Năm 1956, ông được học bổng du học Ðại học Harvard; bốn năm sau, về dạy triết tại Ðại học Sorbonne. Từ năm 1985, ông dạy môn khoa học xã hội tại Ecole des Hautes Etudes. Từ thập niên 1990, những công trình của Derrida gợi được sự chú ý trong những nhà phê bình văn học và phê bình lý thuyết trong phần thế giới nói tiếng Anh. Năm 1992, Ðại học Cambridge trao ông văn bằng danh dự. Sự việc ấy khích động cuộc tranh luận công khai giữa những người ủng hộ và những người chống đối ông. Và có lẽ sự đối lập rõ nét của hai phía từng đọc tác phẩm Derrida sẽ không bao giờ chấm dứt. Tính tới năm 1999, đã có 400 cuốn sách lấy quan điểm mới mẻ của Derrida làm đề tài nghiên cứu, 500 sinh viên Anh Mỹ lấy ông làm đề tài luận án tiến sĩ và hơn 14.000 bài báo có nhắc tới tên ông. Derrida nổi danh vì công trình của ông liên quan tới tư tưởng và ngôn ngữ với những thẩm tra đùa giỡn bên lề văn bản triết học và văn học. Ông tấn công vào cái mà ông gọi là duy tập trung ngôn từ (logoscentrism) của triết học phương Tây. Ông xem lý trí bị chế ngự bởi siêu hình học từng thời kỳ, trong khi thật ra lập luận thì chỉ để mà lập luận.
Khái niệm giải cấu trúc (Déconstrcution) được ông trình bày lần đầu trong Lời dẫn nhập cho bản dịch của ông cuốn Origine de Geometrie (Nguồn gốc hình học) của Husserl. Với thuyết giải cấu trúc, câu nói thời danh của Derrida là “Không có gì ngoài văn bản”. Phê bình của Derrida về những gì ngôn ngữ chứa đựng và tính chất khách quan của các cấu trúc được đặt cơ sở trên trường phái phê bình có tên là giải cấu trúc. Ý tưởng thì không thể tách rời khỏi phương cách diễn tả tuy ngôn ngữ dù cố diễn đạt tới mấy đi nữa, cũng không hoàn toàn nêu bật được ý nghĩa. Thế nên theo Derrida, độc giả nên nhìn vào cách thức văn bản được đặt liền nhau - gọi là liên văn bản - để làm bộc lộ những ý nghĩa ẩn giấu và những giả định của tác giả. Tuy có thể ta không xác định được ý nghĩa, nhưng vẫn có thể vạch trần những nơi ẩn náu các mâu thuẫn của người tự cho mình là lý trí và nhất thể, để phá hủy cái gọi là mạch lạc trong luận cứ của họ. Trong hàng chục tác phẩm của Derrida, các cuốn gây được ảnh hưởng lớn có L’écriture et la difference (Văn bản và khác biệt, 1967); Ba cuốn giản yếu La voix et la phenomène (Lời nói và hiện tượng, 19767); Marge de la philosophie (Bản lề triết học, 1972), v.v… Trong đó L'écriture et la différence là tác phẩm được coi là quan trọng nhất.. Qua những tác phẩm trên, từ những văn bản triết lý cổ điển Âu Châu, ông muốn đề nghị một tư tưởng chủ đạo : "Déconstrcution".
Năm 1966, Jacques Derrida từ Pháp qua thăm Mỹ. Diễn thuyết của Derrida về lí luận giải cấu trúc chủ nghĩa chống Logos trung tâm luận của ông gây chấn động lớn trong giới học giả Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu thì Ý niệm “Déconstruction" không phải một triết thuyết, một isme, một duy nọ duy kia, một hệ thống tư tưởng, hoặc một phương pháp. Gọi nó là một triết thuyết là phản lại tinh thần của tư tưởng J. Derrida luôn luôn chống lại những cơ chế, những chủ thuyết hoàn chỉnh, những truyền thống tư tưởng từ trước đến nay. Chính Derrida trong một lá thư gửi một người bạn Nhật Bản, vào năm 1985 đã phủ nhận dứt khoát tất cả mọi tham vọng muốn đi đến một định nghĩa về từ "déconstruction". Ngay cả khi muốn định nghĩa từ đó thì tự nó đã hàm chứa ý niệm “déconstruction” rồi. Phải chăng đó là một thứ biện chứng phủ định, hay phủ định hàm chứa phủ định. Cho nên, nói cho cùng chỉ có thể nói về "déconstruction" là một tư tuởng khác với những tư tưởng khác, hay chống lại những tư tưởng khác. Nó chống lại thuyết cấu trúc của Claude Lévy- Strauss vốn rất thịnh hành ở nước Pháp. Nó là thứ hậu cấu trúc, hậu hiện đại ( Post-structuralisme và Post-modernisme ). Nó giải thể để tái tạo lại, nó đặt lại không ngừng những điều đã được nhìn nhận. Tư tưởng của ông vì thế đã làm lung lay, đã xô đẩy những nguyên tắc, những định đề trong triết lý cổ điển Tây Phương. Chuyển ngữ “khái niệm” Desconstruction sang tiếng Việt là một cuộc tranh cãi kéo dài và có rất nhiều cách dịch như: “giải cấu luận”, “giải cấu”, “Hủy cấu trúc”, “giải kiến tạo”, “giải cấu trúc”, “giải giới kiến tạo”, “Hủy tạo”, v.v…
Những người ủng hộ thì coi tư tưởng của Derrida như một thứ giải phóng tâm thức con người ra khỏi những trì trệ, ngưng đọng, tiền giả định cứng nhắc của ngôn ngữ, của hệ tư duy, của lịch sử, của tôn giáo chính trị, của những thảm họa mà lịch sử đã để lại của tội ác mà cả thế giới đang được " toàn cầu hóa" hiện nay. Nhưng những kẻ cảm thấy bị xô ngã trong những định kiến của mình thì tố cáo ông như một thứ triết gia " hư vô chủ nghĩa" , hoặc bi quan yếm thế có tính phá đổ triệt để. Sự ngộ nhận đó đã kéo dài suốt hơn một phần tư thế kỷ mà chính J.Derridan cho rằng không dễ gì cải sửa được những ngộ nhận đó về tư tưởng của ông.
(Hết)