Cát Vàng. Tập truyện ngắn. Gồm 12 truyện do Văn Mới xuất bản lần đầu tiên tại Hoa kỳ năm 2006. Bìa do Đinh Cường vẽ.
Tác giả Lữ Quỳnh không lạ gì đối với tôi. Anh là một trong những cây bút trẻ trước 1975. Cái thích thú của tôi hôm nay là được đọc lại tập truyện của anh, dù trước năm 1975 Ý Thức đã xuất bản ( 1971). Với tập truyện Cát Vàng đã được tái bản lại ở Hoa Kỳ, tôi và những người bạn của anh hy vọng anh không còn giữ sự im lặng trong bạn bè...mà hôm nay, anh bắt đầu cầm bút trở lại. Một Lữ Quỳnh trước 1975.
Cuộc chiến đã qua hơn 30 năm. Hôm nay nhận được tập truyện Cát Vàng do anh gởi tặng, đọc hết 12 truyện ngắn tôi không khỏi bồi hồi và càng thấy đau lòng hơn cho thân phận của người dân trong vùng xôi đậu, cũng như không khỏi bồi hồi khi thấy lại những “đồng đội” của tôi bị thương đưa về quân y viện. Tôi biết bối cảnh trong những truyện ngắn mà anh viết không đâu khác hơn là chiến trường BĐ. Nơi tôi, anh và những người bạn của tôi, trong đó có cả anh Trần Hoài Thư đã tham chiến. Sinh tử đời lính như chúng tôi không nói làm gì; vì lịch sử đã chọn chúng tôi chứ chúng tôi không chọn lịch sử- câu nói của Lữ Kiều- khác với năm 1954, với gần một triệu người miền Bắc đã chọn miền Nam.
Trong 12 truyện ngắn, ta có thể tạm chia ra làm hai phần : viết về lính ( Cuộc Chơi, Bão Đêm, Mùa Xuân Hư Vô, Người Ngồi Đợi Mưa). Về thân phận con người trong cuộc chiến ( Chỉ Có kẻ Còn lại, Bóng Tối Dưới Hầm, Bụi Đá, Sông Sương Mù, Ngày Hòa Bình Đầu Tiên, Cát Vàng, Ngõ Cụt, Cõi Yên Nghĩ ).
Khi anh viết về lính: cũng chỉ là thân phận của người lính bình thường, không quan to quan nhỏ. Cũng như khi nói đến thân phận của người dân cũng là người dân bình thường, không ông này bà nọ ở thành phố....
Dưới sự quan sát rất chính xác khi anh muốn tả một nhân vật ( như trong truyện Bụi Đá ) cho đến những cốt truyện mà anh xây dựng đều là có thực trong một đất nước mà chiến tranh triền miên. Anh viết về thân phận con người trong chiến tranh chứ không viết chiến trường. Cho nên trong 12 truyện ngắn ta thấy không có “ đại bàng- diều hâu- máu đổ – thịt rơi” mà, chiến tranh đã gây nên bao cảnh lo sợ cho người dân sống trong vùng xôi đậu.
Rất thích thú khi đọc xong Cát Vàng. Bởi vì hình ảnh của những người dân sống trong vùng chiến tranh mà ta có thể gọi- ngày quốc gia, đêm cộng sản- ấy đã sống lai trong tôi. Có lẽ, nơi những vùng ấy, chúng ta đã bắt gặp những đứa bé bụng ỏng, da vàng chỉ biết ngồi đùa với bóng nắng trên sân đất ẩm dưới những ngọn dừa mà tưởng tượng, bên cạnh người mẹ gương mặt buồn thiu chẳng biết cuộc sống tương lai như thế nào. Những hình ảnh trong Cát Vàng tôi đã qua và tôi đã bắt gặp. Tuổi trẻ của chúng tôi mà nhà văn Trần Hoài Thư thường gọi là: “thế hệ chiến tranh” đã ném chúng tôi vào một chiến trường có thể nói là khốc liệt như chiến trường BĐ mà tôi, mà Lữ Quỳnh, mà THT và nhiều bạn bè khác đã tham chiến ít nhiều trong thập niên 60.
Vâng, đúng như vậy, thế hệ của chúng tôi không còn lối nào khác hơn là vào lính . Nếu nói trên quan điểm bình thường không mang một liên hệ gia đình hay xã hội, hay vì một động cơ nào khác...( không chiến đấu bên này cũng phải chiến đấu bên kia, nếu có liên hệ - ranh giới giữa hai ý thức hệ “xanh đỏ” chỉ cách nhau một cánh rừng, một con suối, một con sông mà thôi-).
Nhìn chung, không phải chỉ có một Lữ Quỳnh trước 1975 viết về chiến tranh, về thân phận con người, mà đã có nhiều người viết. Trong đó phải nói đến nhà văn Y Uyên, Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long...đã viết, đã đưa lên hình ảnh về cuộc sống có quá nhiều sợ hãi từ bom đạn, và từ “con người” nữa. Viết về thân phận con người ( dân cũng như lính) đòi hỏi tác giả phải sống thực, nhìn thực thì mới hoàn thành một tác phẩm hay. Phải đi phải thấy nỗi cực khổ, sợ hãi, âu lo của người dân, người lính như chính bản thân mình...chứ không ngồi một nơi nào đó để mà tưởng tượng ra rồi viết.
Khi đọc xong 12 truyện, tôi biết anh không hư cấu nhiều trong mỗi truyện; vì trong mỗi truyện ấy tôi thấy có tôi- tuổi thơ- cũng như anh và bạn bè. Như trong truyện Cát Vàng, hay trong truyện Cõi Yên Nghĩ, hay trong truyện Người Ngồi Đợi Mưa....
Tôi nghĩ, Cát Vàng trước 1975 đã hình thành được, cũng vì quê hương mình chiến tranh triền miên phải không Lữ Quỳnh?
Tôi nhớ trong bài thơ Trung Đội của anh Trần Hoài Thư
“...Nước nguồn đổ xuống ngày binh lửa
những xác nào đã thối hôm qua
ai bạn ai thù sao quá thảm
trên một dòng cuồn cuộn oan gia”
Nỗi oan gia, oan nghiệt ấy ai đã tạo nên để rồi người bên này hay người bên kia phải chịu bao thảm cảnh. Đến nổi THT cũng phải thốt lên: còn một nơi nào hơn ở Việt Nam.
Và, trong bài thơ Tiếng Quê Hương của nhà thơ Hoài Khanh làm trước 1975 cũng vậy ( xin trích 4 câu trong bài thơ ấy)
“ Quê hương tôi ở chốn nào
Phải chăng Châu Á buồn đau ngút ngàn
Mẹ hiền sớm chít khăn tang
Màu hương khói lạnh: đồng hoang, chiến trường
....
Vâng. Nhìn lại tuổi của tôi, của Lữ Quỳnh ( tác giả) sau bìa của tập Cát Vàng. Tôi nghĩ xa hơn một chút...vào năm 1954, tôi chỉ là một cậu bé con còn học trường làng, sống ven thành phố, đêm đêm ngủ phải xuống hầm vì sợ súng “cà nông” của Tây từ trên phi trường- plateau- bắn tới. Căn hầm ngộp hơi vì mùi đất ẩm và đầy bóng tối. Nhưng không còn lối nào khác...vì người lớn sợ đám trẻ chúng tôi mê ngủ. Và, đêm nào cũng có súng cà nông bắn tới.
Năm ấy( 1954), tôi nghe người lớn nói có hòa bình. Mừng, vì không còn ngủ dưới hầm nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, tôi lại thấy trên con đường làng dẫn vào thành phố- đường đất- nhiều người dân quê mang “cờ đỏ sao vàng” cùng biểu ngữ hô to những khẩu hiệu hòa bình tiến vào thành phố. Trong đòan người đó cũng có những đứa trẻ bạn học với tôi. Mới tới ven ranh, thì chuyện gì xảy ra? Một chiếc xe “tàu bò” chận họ lại, và xả đạn bắn xối xả vào đoàn người ấy. Máu đã đổ. Người chết, người bị thương bỏ chạy tán loạn vào trong những nhà chung quanh. Tôi đã mục kích thấy tận mắt cái ngày hôm ấy, và chúng tôi còn nghe người lớn nhắc đến tên của hai anh em “ thằng Lu thằng Lai”- người lớn gọi hai anh người Tây lai bằng “thằng” giết người như ngóe. Chẳng những người lớn sợ mà bọn trẻ của chúng tôi nghe tên cũng đã sợ rồi...Từ đó lớn lên, nơi cái làng ven đô ấy không bao giờ có sự yên ổn. Bạn bè của tôi, ngày còn học trong ngôi trường làng rồi cũng chọn cho mình một hướng đi “trái ngược” nhau. Người bên này. Kẻ bên kia.
Cho nên khi tôi đọc truyện: Bóng Tối Dưới Hầm tôi liên tưởng đến những tràng đạn liên thanh từ trên chiến xe “tàu bò” của hai anh em thằng Tây Lai xả súng bắn vào người dân quê của tôi khi hòa bình đã ký. Mặc dù nội dung của truyện có khác đi, nhưng từ ngày chinh chiến mùa thu mà người nhạc sĩ đã ôm đàn đứng hát bên ánh lửa bập bùng nơi xã Mỹ Lộc hôm nào. Ta đọc một đoạn văn ngắn rất “nên thơ và lãng mạn” cũa những năm đầu hiệp định ký. ( xin trích):
“...người nhạc sĩ đứng bên ánh lửa bập bùng, một chân gác lên ghế đẩu thấp, gảy đàn ghi-ta. Từ ngày chinh chiến mùa thu. Giọng hát của người tình gã. Người tình, có phải là người tình không? Người con gái mặc áo nâu và quần đen bóng láng, tóc kẹp sau gáy chảy xuống nửa lưng. Đôi môi không phấn son mà mọng thắm. Nàng hát, những đầu ngón tay bối rối quấn vào nhau. Tiếng đàn người nhạc sĩ chậm rãi. Anh ngẩn mặt lên trời mà đàn. Đàn hững hờ, như không một chút bận tâm. Nhưng tiếng đàn, giọng hát đã làm những người ngồi vây quanh ánh lửa hồng mà chết ngất cõi lòng...”(trang 49).
Tiếng hát, tiếng đàn và ánh lửa bập bùng trong đêm trước một đám đông nơi xã Mỹ Lộc năm nào cùng với bao nhiêu địa danh khác cũng náo nức, cũng lửa trại, cũng chia tay để qua “bên kia sông”. Cái lãng mạn của lớp người thanh niên, thanh nữ năm nào dù trước đó chỉ có: nớp với giáo mang trên vai thôi, cũng làm nức lòng người rồi qua dĩ vãng. Nhưng, cũng năm ấy, ai ngờ vừa mới tới bến sông thì những chiếc máy bay bay tơi bắn xối xả, và người nhạc sĩ đã chết ( trong tuyện). Truyện ngắn Bóng Tối Dưới Hầm đủ để mở đầu cho một cuộc chiến lâu dài trên phần đất mà tưởng rằng đã có hòa bình sau năm 1954. Đọc: Bóng Tối Dưới Hầm mới thấy cái thương tâm của những con người “tiến cũng không được, mà thối cũng không được” giữa hai lằn đạn, trong cái ngỏ cụt của cuộc chiến. Với tâm trạng của ba nhân vật- hai người đàn ông và một người con gái- trong căm hầm định mệnh. Và, bối cảnh gia đình sống trong vùng: ngày quốc gia, đêm cộng sản, có lẽ thường như vậy, khi mà:
“Những ý nghĩ buồn thảm hiện ra trong đầu người thiếy nữ. Nàng nghĩ tới người mẹ rồi ứa nước mắt. Kể từ ngày cha chết đi, mẹ đã kéo dài chuỗi sống hẩm hiu với anh ba và nàng trên mảnh vườn nhỏ với hoa lợi mỗi ngày chỉ đủ sống. Bà thường ái ngại nhìn hai con với nỗi lo lắng duy nhất, bệnh thần kinh di truyền. Hình ảnh của người chồng trước khi chết đã làm bà hãi hùng tưởng không bao giờ nguôi. sau này vì cuộc sống bất ổn ở quê, anh ba bỏ lên tỉnh đầu quân vào lính. Người mẹ bề ngoài tỏ ra phàn nàn, nhưng tự thâm tâm bà hài lòng. Dù sao nó cũng yên được một bề, còn hơn ở quê để chịu không biết bao nhiêu áp lực. Thời buổi chiến tranh lòng nhân đạo thường vắng mặt, chỉ thấy có áp bức, đe dọa và tàn sát...”( trang 54).
Từ đó, ta đọc tiếp để thấy cái thảm cảnh của ba nhân vật trong truyện Bóng Tối Dưới Hầm:
“...Làng bị oanh tạc thường xuyên. Hai mẹ con sống giữa gọng kìm. Hãi hùng tất cả. Họ sống giữa nỗi hoài nghi của mọi người. Và chỉ còn một cách duy nhất để tồn tại là trốn. Người mẹ nhận làm cái chìa khóa của căn hầm bí mật này từ đó. Người đàn ông giữ thiếu nữ như một con tin. Không còn cách nào hơn. Mọi thủ đoạn chỉ có tính cách tạm thời, cố gắng thoát chết từng ngày, cố gắng vượt qua từng chặng nguy hiểm....”( trang 55)
Rồi chuyện gì xảy ra dưới căn hầm bí mật đó. Câu chuyện có hư ảo không? Hay chỉ là cảnh hư cấu để tạo nên một câu chuyện kể? Không, tôi nghĩ là không; vì theo như Trần Hoài Thư đã gọi có một nơi nào hơn ở Việt Nam thì tất cả thủ đoạn gì dù tàn át đến đâu – nhỏ hay lớn- cũng có thể xảy ra cho người dân sống trong vùng xôi đậu. Và nhất là: “ “...dù sao nó cũng yên được một bề, còn hơn ở quê để chịu không biết bao nhiêu áp lực. chiến tranh lòng nhân đạo thường vắng mặt. Rõ ràng là như thế. Áp lực từ đâu. Từ hai phía đối kháng nhau. Để rồi kết thúc câu chuyện thương tâm dưới căn hầm ấy, người con gái không chịu nổi sự chờ đợi người mẹ trở lại- đưa tin- nàng đã âm thầm cắt gân máu để chết. Còn hai người đàn ông thì sao? Ta đọc tiếp một đoạn văn ngắn để thấy cái lo sợ của người thanh niên trong căn hầm:
“...Thanh niên đưa tay mò mẫm mấy quả lựu đạn mà đêm qua hắn vùi dưới cát. Hắn nghĩ đến cách thoát khỏi căn hầm. Không còn cách nào hơn. Hãy chấp nhận trước sự rủi ro, sống hoặc chết. Hắn chợt nghĩ đến số tuổi hai mươi của mình. Số tuổi mà chiến tranh đã tước đoạt mọi ý nghĩa, đã cướp hết thời gian để sống của hắn. Hai mươi tuổi, hắn không có một lựa chọn nào hết. Sinh và lớn lên giữa chiến tranh, hắn thụ động trước mọi áp lực. Hắn như con thú sợ hãi trước họng súng của người thợ săn. Ai cũng có thể bắn ngã, và suốt cả phần đời hắn chỉ biết chạy trốn. Hắn cảm thấy cay đắng và nước mắt chực trào ra khi nghĩ đến cái chết như côn trùng của mình. Một cái chết tẻ lạnh như nổi tình cờ...”( trang 57)
Bóng Tối Dưới Hầm với những cái chết “ không lối thoát” như thế cho những con người bên kia thường xảy ra trong cuộc chiến không quy ước như cuộc chiến tranh Việt Nam.
*
Lớn lên từ một ngôi làng quê nhỏ bé ven đô. Bạn bè của tôi thuở còn nhỏ khác, nhưng lớn lên mỗi người đi mỗi hướng. Những người bạn thuở nhỏ ấy, tôi nghĩ có lẽ vì ảnh hưởng gia đình nhiều hơn. Tôi đi bên này, đổi ra Bình Định, hành quân ở những quận phía bắc, nhìn những xóm làng tiêu đìu đã đi qua, những ngôi trường vắng bóng cô thầy, những đứa trẻ da vàng bụng ỏng, những người đàn bà mệt mỏi, thấy lính tới cũng dửng dưng, thấy lính đi cũng chẳng vui, có lẽ “ nguyên do” là vì nỗi sợ hãi của đạn bom, của chết chóc, của ruộng vườn bỏ hoang...mà họ dửng dưng, xem chúng tôi tới như một “tai họa”. Khổ nổi biết đó là một tai họa, nhưng họ phải bám vào miếng đất mà sống. Có đi đâu rồi cũng phải trở về. Sống trong những trại định cư, hay tạm trú trong một con hẽm nào đó ở xóm lao động...khi nghe yên rồi cũng trở về với mảnh vườn xưa. Như trong truyện : Ngày Hòa Bình Đầu Tiên.
“...mày đúng là thằng con nít. Không hòa bình thì tau điên gì mà mang xác về đây. Chính vì hòa bình rồi, mình mới sướng chứ. Tao tưởng hai tiếng hòa bình chỉ dành riêng cho cái hạng người như ông cháu mình thôi. Bởi chiến tranh hay hòa bình gì, thì bọn thành phố cũng vậy.”
Nhưng nỗi vui của ông lão trong truyện có được toại nguyện hay không, khi về lại ngôi nhà tranh đã bỏ hoang lâu năm. Chắc là không. Và, tôi tự hỏi hòa bình đầu tiên là năm nào. 1954 hay 1973? Câu hỏi thì phải có giải đáp. Hòa bình chắc chắn là năm 1954. Và chính ông lão trong truyện cũng không ngờ:
“...có một điều họ không nghĩ tới, không chờ đợi nhưng đã xảy ra: những viên đại bác bắt đầu rơi xuống quanh họ”
và, cuộc chiến sau 1954 ấy đã có sự khác biệt.
Những viên đạn đại bác bắt đầu rớt xuống quanh họ, kể từ ngày ấy. Và ở đâu những viên đại bác cũng có thể bắn tới được. Như trong Sông Sương Mù .
Những viên đạn đại bác bắn tới từ một cánh rừng nào đó làm người dân lo âu. Một tâm trạng chung là lúc nào cũng thấy sợ hãi bao quanh cuộc sống. Điển hình là người đàn bà trong truyện. Muốn trấn an cho bầy con, người đàn bà phải nói dối:
“...Bỡi không có cách nào hơn để trấn tĩnh đám trẻ, người đàn bà đã nói vào tai chúng nó mỗi khi nghe tiếng đạn rít qua đầu và nổ chát trên xóm chợ: súng trên đồn bắn đi đó mà, các con cố ngủ đi đừng sợ...” ( trang 69)
Nhưng thử hỏi người đàn bà cho dù có “cố gắng” nói gì chăng nữa, thì bé Phượng cũng không tin, sau khi nghe thấy tiếng nổ và người mẹ: môi mẹ run rẩy những lời cầu nguyện...
Sự lo sợ những viên đạn pháo kích từ một cánh rừng nào đó pháo tới. Rồi xác một người chết đâu đó được kéo về bỏ trên khoảng đất trống giữa chợ để ruồi nhặng bu. (Trước đây, tôi cũng có viết cái truyện Đất Khô, Người Khổ trong vùng quê mà tôi đã hành quân đi qua ở miệt bắc Bình Định). Tâm trạng người dân sống trong vùng bom đạn, chiến tranh xảy ra hằng ngày, thử hỏi người dân nơi thôn ổ làm sao mà không lo sợ được.
Trong Sông Sương Mù, ngoài cảnh sợ hãi của người dân trong vùng xôi đậu ra qua những trái đạn pháo kích, dưới cái nhìn của Lữ Quỳnh, mà có lẽ của chúng tôi nữa: hận thù không có chỗ đứng trong lòng những người lính trẻ viết văn. Tất cả cũng chỉ là bình thường. Như cảnh sương mù trên sông vào buổi sáng mà bé Phượng sáng nào cũng muốn chơi trò chơi đố với đứa em. Cái gì sẽ hiện ra trên sông sau khi sương mù tan. Một cái nhà? Một con đò ngang hay một khóm tre?...Rồi cũng bình thường như người đàn ông lạ mặt xuất hiện – cho dù có làm cho bé Phượng giựt mình- khi nhìn người đàn ông lạ ấy.
“ Con bé vẫn đứng lặng, trong khi gã tiến thêm vài bước. Bấy giờ Phượng có thể nhìn thật rõ người đàn ông. Đó là một kẻ lạ, quá lạ đối với nó trong khu vực này. Gã đội một chiếc mũ lưỡi trai bằng nỉ xám, áo quần màu cứt ngựa nhưng không giống như đồ lính mà cha nó thường mặc.( trang 73)
Dù với sự khác biệt “ áo quần” không giống như đồ lính mà cha nó mặc. Nhưng, với con bé lòng từ tâm vẫn “chiếm lĩnh” lớn lao trong quả tim của bé. Và, từ bé Phượng cảm thấy gần gũi với người đàn ông lạ muốn qua bên kia sông. Một khoảng cách rất gần, nhưng rất lạ trong đôi mắt trẻ thơ của bé Phượng. Cuối cùng, tác giả kết thúc câu chuyện trong sự “ hững hờ” không màn nghĩ tới một cái chết của người lính - chết xảy ra thường quá- khi nhìn thất xác chết của người đàn ông. Ta đọc ( trang 80)
“...
- Cái gì thế chú?
Người lính nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:
- Hình như xác địch ấy mà, hắn bị bắn chết đêm qua...
Bé Phượng tần ngần một chút rồi không tránh được tò mò nó kéo tay người lính chen vào đám đông. Bỗng con bé dừng hẳn lại. Nó vừa nhìn thấy chiếc mũ lưỡi trai bằng nỉ xám, rồi chỉ trong giây sau thản thốt nhận ra xác chết là người đàn ông, kẻ lạ mặt mà nó đã gặp một lần trên bến sông. Nó bỏ đám đông kéo tay người lính đi. Nó buồn bả, lấy làm tiếc là lần trước không có sẳn hộp diêm cho bác ấy mồi điếu thuốc”
Cái chết của người đàn ông trong “Sông Sương Mù” xem ra cũng bình thường trong cuộc chiến mà nơi nào, ranh giới của cuộc chiến không phân định rõ ràng. Một cuộc chiến tranh không qui ước.
Phải thật lòng mà nói với tác giả, anh có một nhận xét của một người trong cuộc hơn là người đứng ngoài cuộc. Anh cũng không thể ngồi viết trong trạng thái “ sáng sâm banh, tối sữa bò” để dựng nên những nhân vật trong “tháp ngà” tưởng tượng. Mà những con người trong 12 truyện ngắn là những nhân vật đời thường, bình dị. Những con người cực khổ muốn thoát ra khỏi cuộc sống khổ cực, nhưng không biết bằng cách nào, như trong “Bụi Đá”. Từ Bụi Đá ( trang 59) tôi còn biết thêm anh là một nhà “nhiếp ảnh” nữa. Hỏi Lữ Quỳnh, anh đã ngồi chờ bao lâu để quan sát và “bấm máy” nơi bãi đập đá đó? Để ghi lại hình ảnh “ lao lực” trong cuộc sống của già Tuất ngày này qua tháng nọ không cách nào thoát khỏi cảnh đói nghèo và cực khổ của một người đập đá kiếm sống. Ta nhìn hình ảnh của anh ghi được::” Lão Tuất đứng dang chân, hai tay nắm chặt cán búa giơ cao khỏi đầu, rồi giáng xuống thật mạnh, làm tản đá vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ. Lão tiếp tục động tác đó cho đến khi tản đá hoàn toàn vắng mặt giữa đám đá vụn vỡ bằng nửa bàn tay....
Lão thơ thẩn đi về phía tấm cót đã dựng sẵn. Một vùng bóng mát không lớn hơn chiếc chiếu, đủ để cho lão và đứa con trai ngồi nghỉ...”
“Bụi Đá”. Vị trí nơi bãi đá không lạ gì với tôi đã đi ngang đây nhiều lần. Nếu không đọc Bụi Đá, tôi quên, cũng như bao nhiêu địa danh khác tôi đã qua. Nhưng đọc Bụi Đá tôi nhớ lại nơi đây cho nên thích thú khi đọc “ Bụi Đá”.
Từ vị trí này, không xa cầu bà Di là mấy, đường lên Phú Phong, đi vào chân núi có một đơn vị của lính Mỹ. Tôi nhớ có tên là Chà Rang. Một đơn vị “ huấn luyện” nhỏ của Lữ đoàn 173/ND/HK mà BCH đóng ở phi trường Bồng Sơn. Tôi có dịp đến đây một ngày một đêm trước khi ra Bồng Sơn đến với LĐ 173/ND/HK. Từ Bồng Sơn ( đã chán những quận phía bắc của BĐ) tôi được đưa tới một đơn vị cấp TĐ để phân bổ tới từng đại đôị đóng ở đầm Trà Ổ ( Phù Mỹ). Dọc theo con đường quôc lộ này những ngôi nhà cất vội bằng những vật liệu quân đội. Những cô gái bán bar nham nhở đón những người lính viễn chinh vào làm tình. Và, những chiếc xe nhà binh sơn sao trắng chạy bán mạng trên đường của những tay lái ở trần hùng hục dạo nào, chẳng xem mạng sống của người dân Việt ra sao cả. Hình như họ - những tên lính viễn chinh- chẳng xem luật pháp của chính quyền sở tại ra làm sao khi lái xe cán chết người, hay có hành động “ mất dạy” với đàn bà con gái ngay trong thành phố. Nhất là những thành phố có đồng minh đóng như Qui Nhơn là một ví dụ.Thân phận thấp hèn, bé nhỏ của con người trong chiến tranh thật khốn khổ...Đọc Bụi Đá ngoài cái khốn khổ của cha con lão Tuất ra, khi đọc tới đoạn văn nơi trang 61, tôi nhớ đến hình ảnh “ mất dạy” của những tên lính viễn chinh này. Thật lòng mà nói. Chán ngán:
“...Thằng Xương đã sống và lớn lên bên lão như chiếc bóng. Nhiều lúc hắn chợt nhớ tới người mẹ và không khỏi mủi lòng. Mẹ hắn chết cũng âm thầm như chuỗi ngày đã sống. Thỉnh thoảng Xương cảm thấy căm thù, nhưng đối tượng của sự căm thù đó mờ nhạt quá. Hắn chỉ khốn khổ, và những giọt nước mắt lúc nào cũng khó nhọc lăn dài trên khóe mắt. Giá hôm đó mẹ đừng vội vã đuổi theo chiếc nón thì có lẽ tai nạn không xảy ra rồi. Làm nghề đập đá ở chân núi nầy, gia đình hắn đã chứng kiến biết bao tai nạn thương tâm do quân xa Mỹ gây ra. những cái chết tức tưởi, óc văng trắng đường nhựa, những khuôn mặt bị vỡ vụn méo mó. Có bao giờ mẹ đủ can đảm cho hắn kể hết đâu. Thế mà rồi mẹ hắn cũng vẫn phải chết trong hoàn cảnh tương tự...” (trang 61)
Chắc chắn những cái chết “thương tâm” đó chẳng bao giờ có bồi thường. Như con mèo, con chó chết giữa đường mà thôi. Chẵng biết kêu ai. Ngoài ra, những thanh niên như Xương chẳng hạng, muốn thoát ra khỏi nỗi khốn khổ ấy thì phải làm sao? Chỉ còn có con đường duy nhất là vào lính. Con đường chọn lựa có lẽ dễ dàng nhất. Ta đọc:
“...Thằng Xương đã nói ra được cái quyết định của hắn. Cái quyết định khó khăn đã làm hắn lúng túng từ lâu, bây giờ đã nói rõ cho bố nghe rồi, hắn thấy không còn khó khăn nào nữa cà, nên trả lời bố quyết liệt:
-Đi lính dễ lắm bố à. Đâu có cần tuổi tác gì. Mình đi xin mà. Tôi sẽ ra cái bàn tuyển mộ tân binh đặt ở góc chợ đó, nhờ anh lính ghi tên là được ngay.
Lão Tuất bỏ chỗ đứng quay đi. Những bước chân trần khập khễnh trên đám đá vụn. Lão thầm nghĩ, ờ làm gì, chứ đi lính thời buổi này dễ lắm..”(trang 67)
Có lẽ đây là mẫu số chung của những gia đình khốn khổ mà hình ảnh Xương là một điển hình.
Còn viết về lính, Lữ Quỳnh, ngoài người lính bình thường ra, anh còn là một người chuyên môn trong ngành quân y. Ta đọc truyện “ Bão Đêm” mới thấy rõ và thương tâm của người lính bị thương đưa về quân y viện. Một đêm, hay nhiều đêm anh trực nơi quân y viện ấy, mà hằng đêm anh đã đi đi lại lại trong căn phòng bịnh nhân. Căn phòng im ắng dưới ngọn đèn vàng hiu hắt để anh nhìn và có nhiều suy nghĩ về bản thân người “đồng đội” của anh đang nằm rên rỉ.
“...Cụt một cánh tay, bị cưa mất đôi chân hay tê liệt cả thân người, anh thương binh nào cũng sống lặng lẽ trong những ngày đầu với đêm đêm ướt sũng nước mắt, với nỗi tuyệt vọng lịm hồn, chỉ vì bấy giờ họ còn gần gũi với ngày hôm qua quá. Ngày qua và hôm nay thật vô cùng cách biệt với cuộc đời họ. Hôm qua với tháng ngày xanh mướt quá khứ, hôm qua với nguyên vẹn thân thể ngày chào đời. Nhưng từ bây giờ trở đi cho đến suốt cả tương lai, họ sẽ sống với tấm thân dị hợm mà chiến tranh tạo nên với không một tình cờ thích thú, không một hy vọng đổi thay.(trang 29)
Đúng vậy, hôm qua với những ngày xanh mướt, thân thể còn nguyên vẹn...thì hôm nay...khoảng cách rất ngắn đủ để cho người thương binh còn chút hy vọng về y khoa. Đọc đoạn văn này tôi nhớ đến Kỳ, người bạn tôi, chỉ bị một mảnh nhỏ của trái lựu đạn ghim vào đốt xương sống cuối cùng và khi tỉnh dậy Kỳ cũng nghĩ đến quá khứ xanh mướt của người thanh niên. mảnh đạn nhỏ chẳng có gì là quan trong...nhưng:
“...Hôm hắn được chở từ mặt trận về với mảnh đạn xuyên vào đốt xương sống phía sau gấy, anh đã không có chút lạc quan nào về vết thương hiểm hóc ấy cả. mảnh đạn thật nhỏ, nhưng tác dụng thật lớn trên một đời ngưừi...” (trang 31)
“ Nhưng tác dụng rất lớn trên một đời người”... không phải chỉ riêng cho người bạn tôi mà còn nhiều người lính khác nữa. Với “ Bão Đêm” của Lữ Quỳnh: hôm qua với tháng ngày xanh mướt quá khứ...và người bạn của tôi- Kỳ- hôm nay vẫn phải ngồi xe lăn ( dù cuộc chiến đã qua), và chiều chiều người vợ vẫn âm thầm đẩy xe cho Kỳ đi dọc con đường bờ sông )( dù hai người đã già) để anh nghĩ về quá khứ xanh mướt, mà Lữ Quỳnh đã viết trong Bão Đêm.
Cảm ơn Lữ Quỳnh đã viết “ Bão Đêm” để tôi đọc và nghĩ về người bạn cũ.
Có cái thật mà ít người lính viết văn nào dám viết lên sự thật ( trước 1975). Tất cả đều bị bao chung quanh một lớp sơn khi viết về những “ông quan lớn” của mình. Cái gì tốt thì khoe. Cái gì “ bê bối” thì đừng nên viết ra. Nhưng, với những người viết trẻ cầm súng trước 1975, chắc chắn không thể nào không viết lên. Khi mà, tuổi trẻ của chúng tôi đã dành sự sống trong sự chết chỉ trong một sát na ngoài chiến trường. Trong khi đó, ngược lại, vẫn có:
“...Tuổi già là gì? tuổi già là nước đái vàng như rượu whisky mỗi tối. Là những thằng bụng phệ năm mươi tuổi sống đời bẩn thỉu như trâu bò, ham chơi cờ bạc suốt đêm, đến sáng về gọi xe tăng hộ tống. Là những tên khôn vặt từng làm chó săn cho thực dân, đế quốc. Là biết nới tiếng lóng: yêu nước, yêu dân, công bằng, dân chủ...Tiếng lóng yêu nước có nghĩa là chấm chấm. Không chấm chấm thì ta bỏ mạng từ lâu rồi...” ( trang 102)
Câu văn trên có “bịa” không? Không. Hoàn toàn không . Thật tế phải nói là đúng hoàn toàn. Chúng tôi đã phải làm những “ nhiệm vụ vô bổ – an ninh trục lộ- mở đường” ấy, để cho những ông bụng phệ mỗi lần đi du hí trở về hậu cứ an toàn.
12 truyện ngắn. 12 thân phận con người trong chiến tranh. Bạn bè. Đồng đội. Con người sống trong cảnh “ tranh tối tranh sáng” giữa một cuộc chiến không rõ ràng. Sự bắt bớ có thể xảy ra; mà “ Cát Vàng” là truyện ngắn mà Lữ Quỳnh chọn làm tựa cho tập truyện.
Chiến-nhân vật trong truyện- một người bạn thân với tôi ( cũng nhân vật trong truyện), từ một làng quê nghèo cát bỏng. Một quê nghèo đến nỗi:
“...Tôi biết Chiến đã nghĩ gì, khi ánh mắt đăm chiêu nhìn những đứa bé hàng xóm trần truồng ngồi chơi với cái bụng ỏng căng tròn như chiếc trống. Màu vàng trên da lũ trẻ còn thê thảm hơn thân phận của màu da quê hương...” (trang 107)
hay:
“ ...Quê hương tôi đói khổ, lũ trẻ con cần được hướng dẫn. Những người mẹ của chúng không thể suốt đời đi chợ mỗi ngày bằng năm đồng bạc. Năm đồng bạc đủ mua mấy con cá vụn nấu với một trách bỏng nước cho cả gia đình cùng húp...”( trang 107). Cũng từ nỗi khổ ấy, Chiến đã suy nghĩ cần làm một cái gì đó để hy vọng biến đổi cuộc sống. Tác giả không nói rõ ý nghĩ của Chiến đã và đang làm gì. Chỉ nói Chiến bị bắt trên đường và đưa vào nhà lao...Rồi:
“...Tiếng pháo nổ dòn hơn mọi năm. Niềm vui cũng bừng sáng trong lòng mọi người. Tiếng pháo nổ dòn quá, làm người ta nghĩ sự tốt đẹp, thanh bình phải đến trong năm mới. Nhưng pháo đã không nổ giòn như họ tưởng. Sự bình yên vốn có ở thành thị làm người ta không thể phân biệt được tiếng súng bấy giờ. Pháo nổ tràn ngập. Và súng nổ tràn ngập...”(trang109).
Đọc đoạn văn trên, chắc chắn độc giả hiểu được bối cảnh xảy ra từ năm nào. Và cũng từ trong cảnh “ tranh tối tranh sáng” ấy, Chiến thoát ra từ nhà lao ...và bị viên đạn bắn tới. Chiến chết thật thản nhiên trước mặt một trường tiểu học. Và, thành phố bây giờ nhiều xác chết quá...
Đọc Cát Vàng, rõ ràng thân phận con người thật “nhỏ bé” trước hai lằn đạn. Và càng “ thấm thía về hai chữ hòa bình” hơn khi mà cuộc chiến kéo dài từ chiến tranh Pháp Việt tới cuộc chiến ý thức hệ sau này: “- Mày đúng là thằng con nít. Không hòa bình thì tao điên gì mang xác về đây. Chính vì hòa bình rồi, mình mới sướng chứ. tao tưởng hai tiếng hòa bình chỉ dành riêng cho cái hạng người như ông háu mình thôi. Bởi chến tranh hay hòa bình gì, thì bọn thành phố cũng vậy...” (trang 85)
Hòa bình. Đó là nổi mong chờ của người dân.
Nhìn chung, khi đọc Cát Vàng của Lữ Quỳnh, bối cảnh mà anh viết nhiều trong hầu hết các tuyện, có lẽ là nơi anh đóng quân mà một thời tôi tham dự ( Bình Định)
Vùng đất ấy người chết ( dân ) hay ( lính) xảy ra như “ăn cơm bửa”. Những tình tiết trong từng cốt truyện là những tình tiết có thật, không thể nào “tưởng tượng” từ một nơi “an toàn- có máy lạnh- có cà phê- có whisky- có xì gà” để mà viết được. Tuổi trẻ của chúng tôi đã một thời bị “ đẩy ra chiến trường” để giữ phần đất không phân biệt rõ đâu là “của ta- của địch”. Để cho “hậu phương” đèn xanh đèn đỏ, để cho hậu phương “ăn chơi, đĩ điếm”, để cho những ông quan bụng phệ phè phởn, để cho một số ít người buôn “đô la” làm giàu trên xương máu của “thân phận” người lính ngoài tiến tuyến. Lạ! mà những người này họ mới có quyền nói: yêu nước, yêu dân, công bằng, dân chủ...( trang 102). Còn chúng tôi thì sống chết ngoài chiến trường như chơi trò “bốc thăm” trong truyện: Trò Chơi.
Tóm lại, 12 truyện ngắn trong tập Cát Vàng là 12 dữ kiện thật. Và, ước vọng của chúng tôi- hay của người dân trong vùng xôi đậu- cũng là ước vọng thật. Cho dù, hôm nay, ngồi đọc lại 12 truyện ngắn của Lữ Quỳnh, phải nói, chúng tôi không nghĩ gì cả trong thời mà “cường độ” chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Không cần biết “nguyên ủy”của cuộc chiến “xanh đỏ” ra sao, chỉ thấy thương cho “thân phận” con người. Trong đó có chúng tôi.
Một tập truyện ngắn hay. Cần tìm đọc./.
Amarillo, đêm 22/9/2006