Bước ra khỏi máy bay, người phụ nữ dáo dác nhìn quanh. Gương mặt trái soan với nước da trắng xanh, nhăn nheo, đôi mắt to sâu hóm, mái tóc nhuộm vàng xã xượi trước trán càng làm tăng thêm nét già nua, mệt mõi trên gương mặt.
Tôi cố nhìn thật kỹ. Không lẽ con Mận? Mà cũng có thể lắm. Nghe má nó nói lúc nầy nó bị bệnh xuyễn nặng lại thêm xuất huyết dạ dày, xuống gần mười kí lô, nó phải về nước trị bệnh. Mất mười ki lô đâu phải chuyện tầm thường, con người trông lạ lắm. Chiếc mũi cao cao và đôi mắt to to đó chắc của nó chớ của ai.
Người phụ nữ đến gần ,tôi bật gọi:
- Mận! Phải mầy hôn Mận?
- Ờ! Ờ! Tao là Mận đây. Nó khựng lại nhìn tôi hồi lâu rồi mừng rỡ: Mầy hả Đào? Ủa! Má tao đâu mà mầy đi đây?
Tôi nhìn nó chưng hửng:
- Bác nói có báo mầy hay bả bị khớp không đi đón được, nhờ tao đi thế mà mầy nói gì kỳ vậy?
- Ờ! Ờ! Tao quên. Xin lỗi! Mầy đừng giận, lúc nầy tao bị bệnh, hay quên quá. Cám ơn mầy nhiều.
- Không có đứa nào về với mầy sao?
- Không. Thằng con tao bận học. Nó sắp tốt nghiệp “hai-x-kul” (high shool ) rồi.
- Đồ đạc đâu, đưa tao xách phụ cho. Tao có mướn taxi, đậu đằng kia kìa!
- Vậy hả? Cám ơn mầy nhiều lắm.Ủa! Tao bỏ quên giỏ xách chỗ bàn Hải quan rồi. Tao với mầy tới xin lại coi được không?
Con Mận quầy quả trở lại. Tôi cũng chạy lúp xúp theo nó. Đến gần phòng kiểm tra hành lý, có tiếng gọi trong loa:
- Xin mời hành khách Nguyễn Thị Mận đến nhận lại hành lý . Xin mời chị Nguyễn Thị Mận đến phòng kiểm tra hành lý…”. Con Mận mừng rỡ chen vào trong, một lát sau quay ra với cái giỏ xách to tướng, mặt mày đỏ gay, nó cười:
- Hên thiệt! Ở đây làm ăn coi bộ được.
Tôi giục:
- Đưa tao xách cho. Đi lẹ lên. Taxi đang chờ mình .
Nó vịn vai tôi cố bước nhanh. Trông nó hom hem như bà già háp, thấy tồi tội thế nào. Ngồi trên xe, nó thở dốc, giọng nói mệt nhọc:
- Tao đau nhiều lắm. Chuyến nầy tom góp tiền bạc về Việt Nam trị bệnh, không hết thì thà chết ở bên nây sướng hơn.
- Không khoái xứ người nữa sao?
- Hồi đó buồn chuyện chồng con mới bỏ đi. Bây giờ lớn tuổi, sống xứ người tuy có đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng khổ hơn chó, cô đơn, trầm uất đến độ mắc bệnh nặng, chán lắm mầy ơi!
Tôi ghẹo:
- Về đây gặp lại người yêu hết bệnh liền hà.
- Mới bước xuống phi trường, nhìn người mình đông như kiến là thấy ấm lòng, ấm dạ rồi. Bên đó, tao ở nhằm khu không có người Việt, hàng xóm kế bên là thằng Mỹ da đen, nó từng đi đánh Việt Nam bị thương mất một bàn tay nên nó ghét người Việt lắm. Nhà kế bên nó là hai vợ chồng người da trắng có con chết trận ở Việt Nam, thấy tao họ nhếch miệng chào một tiếng rồi thôi . Tới chỗ làm thì tụi “ xếp” không cho nói chuyện, nói chuyện nhiều lần nó bắt gặp bị đuổi việc, đi trể hai lần nó đuổi luôn. Bởi vậy giấc ngủ của tao lúc nào cũng chập chờn, sợ trễ giờ làm. Buổi trưa cho nghỉ có nữa giờ ăn cơm nên tao rất mệt. Ở bên mình làm việc thong thả hơn nhiều, áp lực công việc không nặng nề như bên đó đâu. Tội nghiệp thằng con tao ! Đi học về tới nhà là lật đật lo đi làm thêm để trả tiền nhà, nhà mua trả góp dài hạn, không trả một tháng, họ lấy lại nhà. Mà phải rẻ rúng gì sao, trả góp tính ra tiền lời mua được hai cái nhà nữa. Thành ra, làm việc suốt đời vẫn mắc nợ họ. Tao bây giờ tối ngày như người câm, chỉ biết rù rì, nói chuyện với con Lucky. Bên xứ đó, con người sống lạnh lùng, tính toán lắm.Thiệt mầy, qua bển lâu rồi mà tao vẫn chưa quên được ba thằng Tân, sao kỳ vậy tao cũng không hiểu.
Nó nói một thôi một hồi, không cho tôi chen vô câu nào. Chừng như hết hơi, nó mới ngưng lại. Tôi thông báo với nó một tin quan trọng:
- Ông chồng mầy hồi nầy xuống cấp lắm . Con bồ “nhí” đi lấy chồng khác lâu rồi. Hôm trước gặp tao, ổng nói muốn viết thư thăm mầy mà không dám , ổng biết mầy còn hận lắm. Thôi kệ đi. Đàn ông mà! Nhất là đàn ông như ổng, con gái nào không mê. Bây giờ già cả hết rồi, tha thứ nhau cho dễ sống, mà sống có được mấy bữa nữa đâu, cố chấp làm chi.
Mận nhìn tôi chăm bẳm, nó nói giọng buồn thiu:
- Ổng không hạnh phúc sao? Vậy mà tao tưởng…
- Có hạnh phúc gì đâu. Mầy không biết ất giáp gì hết. Hình như ảnh bị sơ gan hay bị gì đó. Ở đâu bên Gò Vấp, có một mình với thằng cháu kêu bằng cậu. Có cho tao địa chỉ nữa đây.
- Vậy à? Sao không nghe má tao nói cà?
- Ai biết đâu. Chắc bả sợ mầy buồn. Thôi! Nghỉ ngơi cho khoẻ rồi tao dẫn đi trị bệnh. Bớt bệnh rồi tính , còn nhiều chuyện lắm. Về được bên bà già chắc mầy sẽ khá hơn.
- Ờ. Về đây có má, có mầy, tao như sống lại. Cám ơn mầy nhiều.
Lần đầu gặp lại nhau sau mười mấy năm xa cách, hai má con con Mận chỉ biết khóc . Nhìn mặt con, bà than thở:
- Con ơi! Người ta đi nước ngòai có tiền có bạc còn con làm lụng cực nhọc thế nào mà thân tàn ma dại như vầy ! Về nước ở với má đi ! Má gần đất xa trời rồi mà tao bên nây một mình, bây bên kia một thân sống làm sao nổi con ơi! Mà.. ai đày ai đoạ con, nhà mình, cha mẹ,họ hàng mình đây mà bườn đi đâu? Con coi con Đào đó, nó ăn nên làm ra có thua gì ai đâu.
Tôi khuyên:
- Nó mới đi về mệt, để nghỉ cho khoẻ rồi nói chuyện sau bác à. Mỗi người một cảnh, làm sao so sánh được. Thôi con về cho nó nghỉ ngơi. Mai con tới đưa nó đến bác sĩ quen trị bệnh. Mọi việc để con lo cho, bác đừng buồn nữa.
- Cám ơn con nghe Đào. Không có con, bác không biết làm sao.
Mận dặn đi dặn lại, ngày mai phải tới, đừng bỏ nó, mới về còn lạ lẫm lắm, không biết đường xoay sở, trăm sự chỉ biết trông cậy vào tôi.
***
Mận nằm viện vì bị sốt cao, ú ớ mê sảng suốt đêm. Nó giật mình đờm đợp, hai chân co giật liên tục, thỉnh thoảng ụa ra một ngụm máu tươi. Cậu em bác sĩ nói với tôi: “ Chị nầy bao tử bị xuất huyết nặng, nếu chuyễn qua K thì nguy, cơ thể suy kiệt, thần kinh suy nhược nặng, phải cho xét nghiệm lại toàn bộ. Bên đó, chị ấy trị theo hệ bảo hiểm lao động, họ trị cũng tốt nhưng hơi chậm.
Tôi nói:
- Trăm sự nhờ em. Hoàn cảnh nó tội lắm .Nó là bạn thân của chị hồi học dưới quê, lưu lạc xứ người bao nhiêu năm rồi mà còn khổ như vậy đó. Ráng cứu nó dùm, tiền bạc bao nhiêu chị tính, em đừng ngại tốn tiền mà hà tiện thuốc. Bằng mọi phương tiện, em chữa trị tận tình cho nó đi.
- Bác sĩ nào không tận tình, chị căn dặn làm chi, chỉ sợ bệnh ngặt nghèo thì em chịu thua. Có kết quả xét nghiệm đầy đủ rồi mới lập phác đồ điều trị được, chị cố gắng hổ trợ chỉ về tinh thần, làm sao cho người bệnh an tâm mới mau lành bệnh được. Nhóm bác sĩ ở đây khá lắm, chị đừng lo. Sống chết có số hết, lo nhiều cũng không giải quyết được gì, còn làm cho tình hình xấu thêm.Một chút chị đưa chị ấy đến phòng nội soi dùm em,nhớ đừng cho ăn gì cả.
- Được rồi. Em soi dùm nó, đừng để người khác làm chị không yên tâm.
- Dạ. Bữa nay em trực mà, chị dừng lo.Em phải đi họp giao ban đây.
Ngồi chờ ở phòng nội soi mà như ngồi trên đống lửa. Mấy hôm nay, con Mận không ăn uống gì vào bụng mà đi nội soi không biết nó có chịu nổi hay không. Mắc chi cái bệnh ác nhơn sát đức vậy không biết. Nhè ngay chỗ cái máy nghiền thức ăn mà nó đau, làm sao sống nổi.
Tội nghiệp con Mận, đâu ai ngờ số phận của nó( ngày xưa cũng là hoa khôi của trường tôi ) đen đủi như vậy. Số khổ, đi đâu cũng khổ. Ở trong nước gặp ông chồng đào hoa giữ không nổi, ra nước ngòai sống cũng không ra làm sao. Thà khổ, ở quê hương mình còn có người chia xẻ, khổ ơ’ xứ người biết nói với ai .Cầu mong cho nó không mắc bệnh hiểm nghèo để còn sống được đôi ngày bên má nó.
***
Kết quả nội soi cho biết viêm loét nặng vùng hành tá tràng, sinh thiết khu vực tổn thương chưa thấy tế bào lạ. Bệnh vẫn còn khả năng trị được nhưng thể trạng của Mận sa sút nhiều, nhất là trạng thái tâm thần luôn bất định. Đang ngũ, nó chợt ngồi dậy, hoãng hốt kêu: “ Chết cha! Trể giờ đi làm rồi!” hay có khi lãm nhãm gọi: “ Tân ơi! Tân! Về sớm với mẹ nghe con!”
Tôi phải bao lần lặp đi lặp lại câu nói:” Mầy đã về nước ở với tao, đang trị bệnh đây mà” Nó ngơ ngác nhìn tôi vài giây , lắc đầu:” Vậy hả? Vậy mà tao quên. Xin lỗi mầy.” Rồi nó khóc: “ Đào ơi! Tội nghiệp thằng Tân con tao lắm, bỏ nó bên đó tao không yên lòng. Chiều nào nó cũng đi làm vệ sinh, dọn phòng cho người ta để lấy tiền đóng tiền nhà, tiền học đó mầy à”
Tôi an ủi:
- Mầy khoẻ rồi về bển phụ với nó. Ở xứ người mà con ngoan như vậy là phước đức lắm, nó cực khổ, lăn lóc như vậy mới nên người, hơi đâu mầy buồn, đau bao tử mà buồn lo như vậy làm sao hết được. Kết quả nội soi như vậy mừng rồi, từ từ trị sẽ hết thôi.
- Chuyện nhà tao bây giờ khó lo liệu lắm. Tao muốn về bên nây nhưng kẹt thằng Tân nó đang là học sinh giỏi của trường bên đó, nếu cho nó về nước thì lỡ chuyện học hành, nhà nghèo muốn cho con đi du học đâu phải dễ. Vả lại, nhà cửa cũng chưa đâu vào đâu, bỏ một mình thằng Tân làm sao nó lo nổi. Mà tiếp tục ở bên đó thì tao buồn chán quá . Bây giờ tao cũng không biết tính sao nữa, lỡ bến lỡ đò hết rồi.
- Có gì đâu mà lỡ. Bớt bệnh rồi trở về bển lo cho thằng Tân ra trường, nhà cửa thu xếp xong hai mẹ con về đây luôn. Nếu nó không chịu, mầy về một mình, có gì đâu khó.
- Cầu Trời cho tao khỏe để còn tính toán công việc. Ở bển, tao trị hoài không hết. Trị theo hệ” Health insurance” nên chậm lắm, bệnh khẩn cấp vậy mà đăng ký mấy tháng trời họ mới cho đi khám. Ai cũng biểu về Việt Nam, bác sĩ có kinh nghiệm trị bệnh nầy hơn, nhanh mà rẻ nữa, tinh thần lại được thoải mái sẽ mau lành .
Tôi thắc mắc:
- Mầy vô quốc tịch chưa?
- Tao định trở về Việt Nam nên chưa thi vô quốc tịch.
- Thôi ! Vậy cũng tốt. Bây giờ mầy yên tâm trị bệnh,chi phí để tao lo, chừng nào có tiền trả lại. Cuộc sống của tao bây giờ đở nhiều, mầy đừng ngại.
Mận nở nụ cười héo hắt:
- Tao mang ơn mầy biết chừng nào trả được. Việt kiều như tao thà chết sướng hơn. Mầy nói thằng em cho thuốc mạnh đô đi, tao cũng có đem về số tiền đây.
- Để đó lo cho bà già, bả không khoẻ đâu. Mầy cố gắng ăn ngủ cho mau lại sức để lo cho bả. Tao hỏi thiệt, mầy còn muốn gặp lại anh Khánh không?
- Mầy hỏi chi vậy?
Tôi cười :
- Thì hỏi để biết vậy thôi. Tao thấy mầy nên tha thứ ảnh đi cho nhẹ lòng. Lá thế nào cũng rụng về cội chớ rụng đi đâu. Nghe mầy về chắc ảnh mừng lắm. Thôi để đó tao lo liệu cho. Có ảnh, hỏng chừng mầy mau bớt bệnh.
- Bây giờ lớn tuổi rồi, lại yếu đau như vầy nữa tao thấy cô đơn lạ lùng, không còn hơi sức đâu mà thù ghét, nhưng tình yêu đối với ảnh sứt mẻ quá nhiều, chắc cũng khó hàn gắn được mầy à.
- Chừng nào xuất viện tao sẽ báo cho ảnh đến thăm mầy.
- Mầy sao lo chuyện bao đồng, chuyện xưa cũ rích rồi giở ra làm gì.
Nói là nói vậy chớ dường như con Mận cũng có ý muốn gặp lại anh Khánh, dầu gì cũng tình đầu của nó, đã từng cho nó đứa con khôi ngô đỉnh đạc như thằng Tân. Hơn nữa, anh Khánh chỉ có cái tội đào hoa chớ thời còn ở với con Mận, ảnh cũng lo cho mẹ con nó chu toàn.
Mận ăn uống khá hơn, giấc ngủ của nó đầm sâu hơn, mặt mày đã tươi lại phần nào, nó thường ngắm nghía trước gương hàng giờ, thỉnh thoảng còn nghe nó hát nho nhỏ nữa.
Tôi lo thủ tục cho Mận xuất viện. Nó mừng lắm, nói năng huyên thiên không ngớt miệng, thỉnh thoảng chen vô vài tiếng nước ngoài nghe hơi chương chướng . Đi có mấy năm mà sao nó đổi khác quá chừng vậy không biết , mà phải nó giỏi tiếng Anh cũng không nói, đàng nầy nó chỉ biết bập bẹ thôi mà sao thích xài tiếng nước người, thật là lạ.
***
Được sưởi ấm bên tình gia đình, tình bạn bè Mận bình phục khá nhanh, chỉ có bệnh đãng trí là chưa khắc phục được. Nói chuyện với nó chán chết đi được. Một chuyện, nó nói đi nói lại năm ba lần, để đồ đạc ở đâu quên đó. Nó như cái cây thiếu phân, thiếu nước trồng nơi đất lạ, nay được đất nhà ấp ủ, có bàn tay ân cần chăm sóc, nó gượng lại được, biết đâu rồi sẽ tươi xanh trở lại.
Tôi dẫn Mận đi siêu thị mua chút ít quần áo, phấn son. Đi tới đâu nó cũng khen đồ đạc rẽ, đẹp. Nó nói ở bển, lâu lâu hai mẹ con đi mua đồ “sale”, có khi mua được cái áo vừa ý, coi lại nhản hịêu là hàng Việt Nam, buồn cười vậy đó. Đi qua khu phố nào đẹp nó cũng trầm trồ, làm như hồi đó giờ nó chưa biết Sài Gòn ra sao vậy. Rồi nó tiếc, nó nói phải chi hồi đó đừng đi, ở đây làm ăn vẫn sống mạnh giỏi như thường, có thua ai đâu, mà bệnh hoạn chắc không nặng như vậy.
***
Mận nhìn anh Khánh ngỡ ngàng trong giây lâu, rồi hỏi:
- Anh khoẻ không?
- Em về hồi nào vậy Mận?
Giọng anh Khánh rung rung, đôi mắt đăm đắm nhìn nó không chớp. Trông anh đã già . Nước da hơi vàng, đôi má hóp khiến lưỡng quyền nhô cao, chỉ có chiếc miệng duyên dáng hay cười ngày xưa là vẫn còn giữ được nét của thời trai trẻ. Người đàn ông sau bao năm sống vất vả, cô đơn cũng sa sút không kém gì phụ nữ. Nhưng hoàn cảnh anh Khánh khác con Mận, anh còn được sống bên xóm giềng, bên bạn bè, người thân. Anh vẫn là cái cây cắm rể trên mãnh đất quen thuộc nên dẫu có phong ba bão táp, có đau bệnh trầm kha thì vẫn còn một chút nhựa đời để sống.
- Em về lâu chưa Mận? Anh Khánh lập lại câu hỏi.
- Hơn tháng rồi. Anh khoẻ không?
- Không được khoẻ em à. Em đã bớt nhiều chưa?
- Đỡ đỡ rồi..ồi…
- Thằng Tân gởi hình với thơ cho anh, nó có nói với em không?
- Không..ông..
Con Mận bỗng sụt sịt khóc, đôi vai rung rung tức tưởi. Hồi lâu sau, giọng nó chìm trong nước mắt:
- Tan nát hết rồi. Tại sao gia đình mình tan đàn,xẻ nghé như vầy anh Khánh ơi…Phải chi..
Anh Khánh vẫn ngồi chết lặng ở đó, buồn bả nhìn con Mận, anh nói:
- Phải chi hồi đó em đừng vội vàng ra đi. Sau khi em đi rồi anh hối hận lắm, anh mới biết là mình vừa đánh mất một tình cảm thiêng liêng mà mình không hay. Sự thật là anh với Mỹ Tiên không hợp nhau từ lúc em còn ở đây, cô ấy sống nặng vì tiền, anh muốn chia tay với cô ấy nhưng chưa được, trong khi em cứ ghen tuông ầm ĩ, không cho anh có cơ hội quay đầu lại, em quyết đoán và cực đoan quá. Em không thông cảm cho anh. Đàn ông mà. Em có người chồng mà phụ nữ không muốn nhìn em có thích không? Hãy biết tha thứ cho những phút yếu lòng của anh.
Mận không nói gì, chỉ lặng lẽ khóc, tôi đã sắp sẵn cho nó những câu nói khi gặp anh Khánh mà sao nó lặng thinh, hay là nó quên hết rồi. Mà thôi! Thà không nói lại hay hơn. Vợ chồng đâu phải chuyện nào cũng nói tọet ra hết là được, hơn nữa vợ chồng nó có còn ở với nhau đâu mà tranh cải chi cho khoét thêm mâu thuẫn. Hiện giờ nó bị khủng hoảng tình cảm nghiêm trọng, nó cần một chút yên bình cho cõi lòng lạnh giá bấy lâu.
Hồi lâu sau, Anh Khánh đến ngồi bên cạnh nó, cầm lấy bàn tay xanh xao, gân guốc ủ trong tay mình rồi khẻ khàng đưa lên môi. Tiếng khóc đã dịu, giọng con Mận nghe hơi khác:
- Thằng Tân giấu em chuyện gởi thơ cho anh. Thằng nầy thiệt tệ. Ở bển, nó học giỏi nhất lớp đó. Tội nghiệp lắm, tối nào cũng nhận làm vệ sinh, dọn dẹp cho nhà người ta tới khuya mới về, nó tiết kiệm, tằn tiện , hiếu thảo với mẹ lắm.
- Vậy mà nó nói đứng bán bánh kem cho một cửa hàng, đâu ngờ con khổ như vậy. Bên đó sống không được thì hai mẹ con trở về đây với anh . Anh sống một mình buồn lắm, anh cũng có bệnh biết sống chết ngày nào…
Giọng anh Khánh buồn buồn như lời trối trăn đã đánh trúng vào trái tim côi cút, đơn độc khiến con Mận mũi lòng, tôi lại nghe nó khóc, rồi hai người nói với nhau những gì , không còn nghe rõ nữa.
Chắc là hòa rồi. Thôi! Vậy cũng mừng cho nó. Cuộc chiến nào mà không có hồi kết thúc dù đó là chiến trường tình, nhất là cuộc chiến chỉ còn hai con người cô đơn, đau yếu đang cần nương tựa vào nhau .
Tôi len lén đẩy xe ra cổng sau nhà con Mận, bước ra đường. Đường phố chiều thứ bảy nhộn nhịp người, xe. Người ta đưa nhau đi ăn uống, mua sắm, giải trí.. Một niềm vui bình dị trên một đất nước yên bình, niềm vui giản đơn vậy mà con Mận, bạn tôi vẫn mãi khát khao, vẫn mãi kiếm tìm.
***
Tôi với anh Khánh đưa Mận ra phi trường. Mặc bộ váy mới may màu hoa đào trông nó hồng hào hẳn lên. Nó cân nặng hơn trước được hai ki lô,đi đứng nhanh nhẹn, nói năng tỉnh táo, ánh mắt nhìn cũng có thần hơn . Ngồi ở phòng chờ, anh Khánh dặn :
- Em nhớ uống hết toa thuốc đó rồi anh gởi qua tiếp, nghệ với mật ong là không được bỏ qua. Hè năm tới, anh sẽ gởi tiền cho hai mẹ con về chơi , chừng nào thằng Tân ra trường tính sau.Nhớ về thăm má với thăm anh, thăm con Đào nữa. Anh sẽ kêu bán miếng đất dưới quê, xây lại cái nhà…
Con Mận lại sụt sùi. Sao bây giờ nó mau nước mắt như vậy không biết . Dẫn đi xem kịch” Dạ cổ hoài lang” nó cũng khóc tức tưởi. Thấy khóc hòai,tôi đòi về nó không chịu, nó nói kịch hay để nó coi. Cho đi coi cải lương, vỡ Kiều Nguyệt Nga nó chùi nước mắt lia lịa. Người đâu mà đa sầu đa cảm, làm sao sống nổi với xã hội công nghiệp hiện đại đó. Cái tạng của con Mận mà qua xứ sở “băng giá” đó khác nào thả con cá đồng về nơi biển mặn.
Mận cầm tay tôi nói:
- Ơn mầy kiếp sau tao trả. Ở nhà qua lại với bà già dùm tao. Qua bên đó ráng cày vài năm nữa về, thằng Tân không về tao cũng về. Nếu anh Khánh gởi tiền qua được thì hè năm tới tao về dưỡng bệnh tiếp. Tội bà già quá! Lòng tao bây giờ nữa đi, nữa ở, cũng không biết tính sao. Mà nè…( nó kề tai tôi nói nhỏ) anh Khánh đau cũng nhiều không có ai lo, mầy ngó chừng ảnh dùm tao, có gì thì điện qua liền.
Tôi cười cho nó yên tâm:
- Hết ghét rồi phải hôn? Vậy đó! Đắng cay mấy cũng là chồng mình, cực khổ mấy cũng quê mình. Bôn ba chi nhiều, cuối cùng cũng rụng về cội thôi. Mầy cứ lo thân mầy đi, anh Khánh có giòng họ, bạn bè ảnh thiếu gì, coi vậy chớ còn yêu đời lắm, chưa sao đâu. Cây nhà trồng đất nhà mà lo gì, lo là lo cho mầy, thân gái xứ xa không ai nương tựa. Thôi ! Ở đây nói chuyện với anh Khánh, tao ra mua mấy bịch ô mai cho mầy ngậm đở lạt miệng rồi vô liền.
Khi tôi trở lại thì con Mận đã vào phòng cách ly, bịch ô mai không kịp đưa cho nó. Nó vẫy vẫy tay chào tôi với anh Khánh. Mặt mũi nó đỏ lựng vì khóc. Mắt tôi cũng cay xè nhìn theo cái dáng nó đã nhòe ,tôi chưa kịp dặn kỹ nó cách uống nghệ với mật ong, không biết qua bển, nó có nhớ uống hay không?
Quay qua bên cạnh, không thấy anh Khánh đâu. Đảo mắt hồi lâu mới thấy ảnh đứng khuất sau dãy hành lang, đầu cúi thấp, tay cầm chiếc khăn trắng che nữa bên mặt, chắc ảnh sợ tôi nhìn thấy ảnh khóc. Mà được khóc như vậy cũng mãn nguyện rồi, có gì đâu mà sợ.