Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.206
123.161.878
 
Quỉ khóc
Thanh Giang

Đô thị hóa phát triển nhanh, Quan xây biệt thự năm tầng vừa xong thì huyện cũ chia đôi quận mới. Nhà Quan tiện nghi sang trọng, của cải quí giá, lo giữ của nên nuôi chó cả bầy. Tên mỗi con kêu theo màu lông của nó: Vện, Phèn, Mực, Đốm. Còn con chưa đặt tên vì bị ghẻ xà mâu ăn lan, lông cùn mằn, da còi cọc đỏ hỏn nhìn ghê rợn; Quan kêu bán, hàng thịt chê, bèn sai đầy tớ đem bỏ thiệt xa cho rảnh mắt. Có câu: lạc đường nắm đuôi chó; chó ghẻ trở về. Quan sai đem bỏ thiệt xa nữa; chó ghẻ vẫn nhớ chủ, lại trở về. Chủ xuýt bầy chó mập ra cắn. Bầy chó hùa cắn đồng loại bị bỏ rơi một trận tơi bời.

Chủ hắt hủi còn trở về, bị đồng loại cắn càng rầu rũ riệt, chó ghẻ đi lang thang. Mon men vào phố, người ta ghê chó xà mâu, sợ chó điên, xua đuổi; ra đồng: cỏ úa, xuống rạch: tanh rình…Đói cho sạch, không ăn vụng, uống dơ, chó ghẻ ốm đói còn da bọc xương. Một đêm mưa gió mù trời, chó đói ghẻ hành hấp hối, cất tiếng tru rùng rợn nghe rởn ốc cùng mình tưởng chừng như quỉ khóc:

Ú-u-u-u!… Người ơi! Ngư-ười ơ-ơi!…

Dù con chó ghẻ

Tôi vẫn yêu ngư-ười!…

Tôi vẫn muốn sống

Sống cùng con ngư-ười! Ú-u-u-u…

Tiếng tru dài vút nhọn, mõn dần tưởng bứt, chợt nháng lửa lằng ngoằng; bồi âm sấm sét; dựng tóc gáy nhân gian. Lần mò trong cụm vườn cây trái lưa thưa, ông lão trùm nilong, tay quơ đuốc đi lần về hướng chó tru. Ánh đuốc tỏa hồng màn mưa một khuôn mặt sạm nắng, mắt sáng nhân từ, râu tóc trắng phau. Ông khom người nhìn con chó ghẻ thoi thóp hơi tàn. Một ánh nhìn le lói hiền lành giao cảm. Ông lão bọc con chó ôm về nhà; đúng hơn là về căn chòi lá ọp ẹp. Ông đốt lửa hơ cho chó, vừa bắc lên nồi cháo. Chó ấm lại, qua cơn hấp hối, cháo hoa cũng vừa chín. Cho vào tô cháo chút muối, thổi nguội, ông đút cho chó ăn từng muổng. Chó đói hồi sinh, khẽ ngoắt đuôi tạ ơn. Dọn dẹp rổ rá đan bằng tre trúc để bừa bộn, ông lão lấy manh bố tời lót dưới chỏng tre ông nằm cho chó ngủ. Ông lão độc thân không ai rõ nguồn cơn, thấy ông sống bằng nghề đươn đác, bà con quanh vùng quen gọi là Già Đươn.

Hết ốm đói nhưng chó vẫn còn ghẻ, xà mâu lây lan đến đâu, còi lông đến đó. Nhìn chó ghẻ ngứa ngáy, đau nhức run rẩy, Già Đươn xa xót bức rức! Nhân đem rổ rá bán chợ vườn, ông đi tìm hái trái mù u về lấy hạt, phơi khô ép dầu. Công phu mấy đoạn mới ra được giọt dầu mù u xức xà mâu cho chó. (Loại dầu dân gian từng xức ghẻ hồm, hoại thư bịnh tiểu đường hiệu nghiệm). Xức một lần xà mâu hết lan; xức hai lần khô mặt; xức ba lần kéo da non. Da lành lông mọc. Chăm sóc bằng tấm lòng yêu thương, chó ghẻ lành trơn, bộ lông tơ màu măng xù lên óng mượt như bờm sư tử. Con người sanh ra ai cũng có tên; con chó cũng vậy! Ông muốn đặt tên cho chó, nghĩ mãi chưa ra, chỉ sợ trùng tên với người mà lỗi đạo. Giờ nhìn con chó trổ mã bộ lông xù mướt ruợt, Già Đươn nghĩ ra được tên. Theo tập tục như người, ông mua đường đậu nấu nồi chè đặt tên. Chè chín, ông múc ra hai tô đặt lên mâm, tróc chó lại, bảo rằng:

– Đời ông mồ côi trôi nổi, thiên hạ gọi thành danh Già Đươn theo nghề kiếm sống, đành rồi! Giờ mày được ông nuôi, ông đặt tên cho. Tên mày là Xù. Chó Xù, nghe rõ chưa? Xù là bộ lông, xù còn có nghĩa là xóa bỏ; xóa bỏ buồn đau, xóa bỏ giận hờn; cả xóa bỏ oán thù. Xóa bỏ hết, xù hết chuyện cũ cho nhẹ nhàng để lo chuyện mới. Thôi, Xù ăn chè với ông mà nhận tên đi!

Chó Xù chồm lên trìu mến liếm vào má Già Đươn, rồi cùng ăn chè. Lòng vui vì cả hai giờ có bạn, căn chòi lá thôi quạnh hiu, Già Đươn ôm chó xù nựng nịu. Xù ngừng ăn, luýnh quýnh liếm chủ vừa rên ư-ử… vừa nhảy dựng dựng. Cả hai ôm nhau cùng nhảy múa. Cao hứng Già Đươn hát lên:

Xù ơi là Xù-ù-ù!…

Dù là con chó

Mầy cũng có tên

Tên dù tốt xấu

Đừng để ô danh!…

2

Đồ nhựa thịnh hành, rổ rá tre trúc ế ẩm. Bữa ăn giảm dần. Già Đươn ốm bịnh. Ông đói. Chó Xù cùng đói!

Già Đươn nuôi chó ghẻ lành mạnh trổ mã chó Xù khỏe đẹp, khôn ngoan, dân làng trầm trồ thấu tai Quan. Đến nhìn tận mắt, Quan tiếc ngẩn ngơ; đem tiền chuộc lại, Già Đươn chối từ. Quan tức giận hầm hầm. Nghèo đói của Già Đươn là cơ hội của nhà Quan giàu sang. Y sai đầy tớ nướng thịt thơm, tới dụ chó Xù. Đầy tớ dụ không xong, Quan ra tay. Chó Xù đói nằm gác đầu lên hai chân trước, mắt lim dim. Quan tróc “ô-ô!…”. Xù mở mắt nhìn, biết chủ cũ nhưng làm ngơ, lim dim mắt lại. Quan vào gần bẹo thịt thơm, Xù vẫn nằm im. Quan về, hôm sau đem thịt thơm cùng tô cơm trắng, kê tận mõm Xù,  dỗ ngọt :

Xu Xù! Trở về chủ cũ

Cơm trắng, thịt thơm

Đừng ở chủ nghèo

Đói meo cái bụng!

Đói ba ngày, mùi thịt thơm bắt thèm rỏ giải, Xù từ từ đứng lên. Quan lùi ba bước, Xù chẳng bước theo. Quan trở vô, bẹo thịt thơm cơm trắng. Nước giải Xù ứa ra ràn rụa. Quan lại lùi ba bước. Xù vẫn đứng yên, liếm mép thật khô rồi bước vô chòi, nằm khoanh dưới chõng Già Đươn. Nhứt hóa tam ba lần, Quan chịu thua, về nghĩ toan mưu khác.

Già Đươn bịnh nằm theo dõi, những tưởng chó Xù trở về chủ cũ cũng phải. Trước ông cứu vì từ tâm, rồi cưu mang làm bạn hủ hỉ, dẫu biết thân già tự nuôi cũng đủ mệt! Nuôi thêm chó Xù, để nó đói càng thêm tội! Nhưng, Xù trung thành không ăn đồ dụ, không bỏ chủ nghèo, thà cam chịu đói, làm Già Đươn ứa nước mắt nhớ câu:

Con không chê cha mẹ khó

Chó không bỏ chủ nghèo.

Con chó ai giáo hóa? Ngẫm con người mà vong ơn phụ bạc thì hỗ thẹn biết chừng nào!… Lòng yêu thương do tâm thiền Già Đươn nghe thần vượng, thể yên, trở dậy cầm mác vót nan. Vừa lúc bà lão láng giềng bưng qua tô cháo cảm, thơm lừng mùi tiêu hành.

– Cơ khổ ! - Bà lão đặt tô cháo bên ông, càm ràm - Già Đươn bịnh mà không hô lên! Người ta: bán anh em xa mua láng giềng gần. Già Đươn có láng giềng gần mà mà…Thôi, Già Đươn ăn cháo đi cho nóng, ra mồ hôi là giải cảm liền!

Chó Xù liếc tô cháo, liếm mép rồi cụp đuôi như có lỗi, rón rén đi ra thềm nằm lim dim. Nhìn theo, bà lão thốt kêu lên:

­ Mèn đéc ơi! Con Xù bữa nay coi ốm nhom ốm nhách vầy nè!?

Già Đươn nghẹn ngào, lấy tô toan sớt cháo chia chó Xù. Hiểu ra, bà lão ngăn lại:

­ Già Đươn ăn cháo đi! Để tôi dắt con Xù về bển xúc cho nó chém cơm nguội.

­ Nết của nó không ăn dơ - Già Đươn nói - mà cũng không ăn chực, ăn vụng! Thà…

Bà hàng xóm nhìn con Xù trìu mến hơn:

­ Thôi, để tôi về xúc cơm bưng qua cho nó.

Lát sau, bà bưng cơm qua, chó Xù mắt ướt rượt ngước nhìn, ngoắt đuôi, liếm tay liếm chân bà rồi mới ăn. Bà hàng xóm vui vẻ gợi ý Già Đươn:

­ Quỹ xóa đói giảm nghèo có cho vay tiền, sao ông không vay? Hoặc cần giúp đỡ gì?

Trầm ngâm một lúc Già Đươn xướng câu ca dao:

­ Liệu bề đác đặng thì đươn

 

Đừng gầy rồi bỏ thế thường cười chê!…Nghề của tôi vốn vậy mà! Làm người tệ lậu là không nuôi nổi mình, nói gì nuôi ai?! Tôi liệu còn tự lực được! Ngặt…- Già Đươn nhìn  chó Xù…bỗng chỉ sang chồng rổ tre - Ngặt đươn rồi để… ế đó! Tôi định thay mặt hàng cũ, đươn kiểu mới hợp thời, dễ bán, kế bịnh! Mà vay ăn rồi lấy gì trả?

Bà lão ngẫm nghĩ một lúc rồi săn sớm:

­ Nếu Già Đươn ngại vay, để tôi đi bán chồng rổ ế đó, đong gạo ăn tạm. Giờ đổi mới đươn bội con trồng hoa hổng chừng có lý đó! Để tôi cùng với tổ tự quản đi giao kèo bán cho mấy cơ sở trồng hoa chợ tết thử coi?

­ Được vậy tôi cám ơn bà lắm!

­ Ta nói láng giềng là tình làng nghĩa xóm. - Bà lão làm mặt giận - Không kể ơn!

Vui vẻ vuốt lông chó Xù mát rượi bàn tay, bà lão quày quã ra về. Từ ấy, Già Đươn thay “mặt hàng” đươn bội con trồng hoa không kịp bán. Cũng “nhờ” vụ đói, bà lão láng giềng lên tiếng, cảnh đời ăn ở lụp xụp của Già Đươn được tổ chức xã hội biết đến, vừa giúp việc làm còn cất tặng Già Đươn căn nhà Tình Thương. Mỗi lần Già Đươn mang bội đi giao, Xù theo. Nòi chó săn, Xù “khám phá” vùng đất trồng hoa lắm chuột phá hoại hoa mầu; được dịp Xù trổ tài bắt chuột. Chuột đồng, ăn hoa, ăn rể cây nên mập béo, Xù tha về cho Già Đươn lột da, cặp gắp nướng, ăn với cơm nếp, ngon tuyệt vời! Trừ bớt chuột phá hoại, chủ vườn hoa mừng lắm, thưởng công cho Xù, qua Già Đươn mua quà bồi dưỡng. Chó Xù say mê “lao động” vui không biết mệt mà ngày càng mập mạp phương phi...

3

Giàu có thường ỷ mạnh; thua ai càng ghen tức. Quan phát đơn kiện Già Đươn ăn trộm chó, mượn tay hàng thịt cầy làm chứng. Sau khi nghe nguyên đơn, bị đơn kể hết sự tình, có nhân chứng đôi bên biện hộ, nhưng thói thường thiên vị hơn là công lý, tòa xử:

­ Già Đươn tình ngay không ăn trộm, nhưng lý gian là chó Xù gốc của nhà Quan, theo lý phải hoàn trả về chủ cũ. Phần Quan được nhận chó, phải đền bù Già Đươn số tiền là…vì đã có công trị ghẻ và nuôi chó Xù bấy lâu. Đó là xử  công bằng!

Già Đươn biết thân nghèo tu hú miệng chai, cãi lý thêm hao hơi với giàu tà loa miệng tộ, đành hứa trả chó Xù về chủ cũ. Còn tiền đền bù ông không nhận, bảo rằng:

­ Cứu nạn do lòng nhân đức; nhận tiền công, thất đức!

Già Đươn về tới nhà, chó Xù chạy ra mừng rối rít. Ông quay mặt, giấu nước mắt chảy ròng ròng. Xù linh cảm xụ tai, chồm lên liếm nước mắt chủ. Vừa lúc hai đầy tớ của Quan đem xích tới toan xích cổ chó Xù. Xù nhe răng ngừ, hai tên cả sợ lùi ra; buộc Già Đươn phải tự tay xích chó giao cho họ. Đã hứa là giữ lời, Già Đươn nuốt nước mắt vuốt ve chó Xù chịu cho xích cổ. Khi sợi xích trao tay người lạ, Xù lồng lên, rống tru thảm thiết, trì lại. Dùng dằng thiệt lâu, một lần nữa, Già Đươn lại nuốt nước mắt dỗ dành rồi ôm chó Xù thả vào bao cho hai đầy tớ nhà Quan khiêng đi. Nằm trong bao hết phương vùng vẫy, Xù  bấn loạn, ngộ nhận mình có lỗi gì chăng với chủ, tru lên não nùng!…

Ú u…Người có đức! Trời có mắt! Ặc! Ặc!

Người ơ-ơ-ơi!…Trơ-ời ơ-ơ-ơi!…Ú…u…ú!…ú!…ú!…

Tiếng tru quỉ khóc rùng rợn còn hơn hôm đêm mưa gió, vút lên nhọn hoắc như muôn ngàn mũi tên cấm phập phập vào trái tim đau Già Đươn. Ông lã xuống, bịt tai, mặt méo xệch rúm ró, từng đường nhăn khắc khổ tuôn suối nguồn nước mắt già bất lực, uất ức!

*

Trở lại nhà Quan, Xù bị xích vào gốc cột. Trước bộ vó to mập, oai vệ của Xù, bầy chó Vện, Phèn, Mực, Đốm thoạt chưa nhận ra bạn một nhà, chờn vờn làm quen, ra tuồng: chúng ông là “ma cũ” đây, “ma mới” coi chừng à! Nhưng không lâu, chúng nhận ra Xù là con chó ghẻ mà chúng hùa nhau cắn hồi nào, bèn nhảy xổ vô, ghen tức cắn sủa ầm ĩ. Xù gầm vang: “Phản! Phản!”. Quan bực mình, la hét bầy chó nhà. Ban đầu chúng còn nghe, sau thấy Xù: được dụ ăn ngon hơn, được chủ dỗ dành cưng hơn, chúng càng tức nư, sủa cắn dữ tợn hơn. Bầy chó om sòm tối ngày, biệt thự năm tầng náo động; lớp vợ con cháu chắt kêu ca, Quan cũng chịu không nổi, toan mở xích thả chó Xù. Nhưng nghĩ tiếc món tiền lót tay kiện tụng, Quan bèn kêu bán Xù cho lão hàng thịt cầy. Hồi nào chó ghẻ, lão hàng thịt chê, giờ Xù mập mạp trơn lông, cao giá, lão mua lẹ. Đã là nghề, lão hàng thịt bắt chó rất nghề, làm thịt chó cũng nghề, thay vì đập đầu, lão bỏ vào bao bố trấn nước, giữ huyết không chảy ra mà ngấm trở vào cho ngọt thịt. Số phận chó Xù đến đây coi như  rồi đời!…

Khi bị trấn nước, chó Xù lùng tung trong bao, huy động tận cẩu lực bản năng sinh tồn, sục mõm búa sua ngoạm nhằm chỗ bục, tức thời hàm răng chó bén như dao cạo, Xù cắn lia lịa. Răng chó vô cùng lợi hại. (Con người trời cho cũng có “răng chó”, nhưng chỉ có hai cái thôi, mọc hai bên hàm trên, còn gọi là răng nanh). Xù cắn một hơi, cái bao rách toác. Thoát nạn, Xù thót lên bờ, chạy quắn khói tìm đường về nhà Già Đươn. Tới ngõ, Xù dừng lại, rùng mình vẩy ráo nước, “chỉnh đốn” bộ lông xù trơn mướt trở lại, cóm róm bước êm vào nhà. Thoạt nhìn thấy Già Đươn ngồi ngoẽo bên thềm ủ dột. Xù cụp tai, quỳ mọp sát đất, ngoắt đuôi bụi bay mù, chòi hai chân sau, bườn hai chân trước trườn lết vô nhà. Bắt gặp mắt Già Đươn chợt nhìn ra, Xù khép mắt hi hí, cổ họng rít ứ-ứ…thành khẩn nguyện cầu vị tha; quên mất hôm ấy chủ dụ dỗ để thả Xù vô bao cho người ta khiêng đi!…

Già Đươn sau phút giây bàng hoàng, xúc động, không đợi Xù bò vào, ông chạy vội ra, khom xuống bồng chó Xù trung thành lên, ôm cứng vào lòng. Xù rên ư ử tỏ ra sung sướng ngây ngất…

Từ ấy Xù bên Già Đươn thảnh thơi an cư lạc nghiệp. Ông đươn tăng năng xuất. Xù bắt chuột giỏi. Hưởng thụ thành quả lao động, ăn uống phủ phê, thể hình Xù nở nang tráng kiện, bộ lông xù màu măng mướt rượt. Chó trong vùng và cả bầy chó của Quan chạm mặt là cụp đuôi bét bét. Chỉ có mấy nàng cái tơ là xửng lỗ tai làm duyên, lẳng lơ ve vãn Xù.

Tp. Hồ Chí Minh, 14 - 7 - 2004

Thanh Giang
Số lần đọc: 3069
Ngày đăng: 21.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vểnh râu - Nguyễn Quang Sáng
Lá rụng - Kim Quyên
Hàng xóm - Kim Quyên
Chị Nhẩm - Hàn Vĩnh Nguyên
Con chim chìa voi, chiếc lồng bỏ trống và thằng ăn hại - Hàn Vĩnh Nguyên
Thời gian thầm lặng - Hàn Vĩnh Nguyên
Có mưa trên núi - Lê Đình Trường
Qua sông - Anh Động
Khói lam vắt vẻo - Anh Động
Bến thần Kê - Hồ Tĩnh Tâm