Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.106
123.163.246
 
Một cuộc kiếm tìm không ngưng nghỉ
Nguyễn Quang Thiều

Làm thơ từ khi là sinh viên mặc áo lính từ những năm 80 của thế kỷ trước và đã 30 năm “đi xa” nàng thơ, đến năm 2008, Từ Sâm đột đột ngột xuất hiện trở lại và chỉ sau chưa đầy ba năm đã có hai tập thơ, quả là một sự “dồn nén cảm xúc” của người đi xa khi gặp lại.

 

Cầm trên tay tập thơ, có lẽ tôi sẽ chẳng nói được điều gì quan trọng hay cần thiết cho cả nhà thơ, tác giả của Cánh đồng ký ức, và bạn đọc của nó bằng những dòng tôi sẽ viết dưới đây về tập thơ này.

 

Nhưng điều cá nhân tôi muốn nói nhất về tập thơ này là: Cánh đồng ký ức chính là cuộc kiếm tìm không ngưng nghỉ những vẻ đẹp của một đời sống mà những vẻ đẹp đó đã và đang biến mất. Nói chính xác hơn, đó là những vẻ đẹp của đời sống thôn quê. Và những vẻ đẹp đời sống đó đã dựng lên văn hóa Việt. Cuộc kiếm tìm này được hiển hiện trong nhiều cách thức khác nhau :

 

Một, nỗi đau đớn của tác giả về sự biến mất hay đổ vỡ của những vẻ đẹp đó.

 

Hai, lời cảnh báo về những nguy cơ đã và đang giết chết những vẻ đẹp đó.

 

Ba, sự khám phá với một cái nhìn mới về những vẻ đẹp ẩn chứa trong đời sống đương đại.

 

Cả ba cách thức này đều xuất hiện trong Cánh đồng ký ức. Và nó cho thấy sự khốc liệt của một lối sống bị chủ nghĩa vật chất thống trị đang săn lùng và tiêu diệt những vẻ đẹp ấy. Trong thơ Từ Sâm, những vẻ đẹp bền vững hàng ngàn năm, những giá trị nhân bản… đang bị tách ra, bị làm vỡ và bị đẩy đi lang thang giống như những người ăn mày. Thậm chí những vẻ đẹp và những giá trị ấy bị truy đuổi đến nơi tận cùng ngự trị những điều thiêng liêng nhất như bàn thờ của mỗi gia đình.

 

Khi đọc những bài thơ trong Cánh đồng ký ức, tôi bị tác giả kéo vào một thế giới khác của ngôn ngữ, của hình ảnh, của giai điệu và hình thức những câu thơ và những bài thơ viết về thôn quê. Đó là một thế giới mà tôi ít gặp trong các tác giả khác viết về thôn quê hay một thế giới tương tự như thế. Có thể đó là cá tính sáng tạo của tác giả Từ Sâm. Và có thể đó là bởi hiện thực của đời sống không cho phép tác giả quá thi vị hóa những khổ đau, những mất mát, những chịu đựng, những sợ hãi…mà con người đang phái đối mặt như chúng ta từng biết.

 

Với tôi, ý thức “ tiêu diệt ” các “ mỹ từ” trong hầu hết những bài thơ của Cánh đồng ký ức cho thấy nhân cách của tác giả trước những hiện thực đau đớn và nhiều suy ngẫm. Về nghệ thuật, đó là một sự chọn lựa hợp lý và tạo nên những hiệu quả quan trọng. Những chữ trần trụi, những câu sắc lạnh, những hình ảnh chính xác, những cảm xúc nén chặt cùng với những câu thơ thường ngắn, nhanh và ít diễn giải …đôi lúc giống một ngọn lửa táp thẳng vào mặt người đọc hoặc giống một lưỡi dao cạo phất vào da thịt. Nhưng ẩn dưới tất cả những cảm giác đó là sự da diết, nguôi ngoai, tiếc nuối và yêu thương vô tận con người và mảnh đất mà tác giả sinh ra và lớn lên.

 

Cánh đồng ký ức là tập hợp các bài thơ của Từ Sâm đã đăng trên các tạp chí văn học trong và ngoài nước những năm gần đây và là tập thơ tiếp theo tập Cà phê một mình - NXB HNV xuất bản năm 2008.

 

Điều mà vượt lên tất cả nội dung và hình thức của tập thơ là biến lòng thương cảm của mình thành hiện thực khi anh dành tòan bộ số tiền bán sách để tặng người khuyết tật của quê hương .

 

Hà nội , tháng 12 năm 2010

* Nhà thơ-PCT Hội nhà văn VN

Nguyễn Quang Thiều
Số lần đọc: 1435
Ngày đăng: 14.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cát Vàng của Lữ Quỳnh, qua cảm nhận - Phạm Văn Nhàn
Đọc thơ Lâm Hảo Dũng nghĩ đến những ngày đã qua - Phạm Văn Nhàn
Rong bút - Trần Hoài Thư
Chu Cẩm Phong Có Viết 2 Cuốn Nhật Ký Trong Cùng Một Thời Gian ? - Bùi Minh Quốc
Thư Quán Bản Thảo Số 45 tháng 1-2011 - Nhiều Tác Giả
Không Gian Tôn Giáo Và Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Đinh Văn Hạnh
Cảm Nhận Về Cá Tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nghiên cứu văn học và xã hội diễn giải - Chân Phương
Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn - Chân Phương
Vài gợi ý cho một “ Lễ hội văn hóa Hà Tiên” định kỳ - Đinh Văn Hạnh