Những cây cầu hoang này vẫn cứ thâm trầm, nín lặng, phong sương ôm lấy những con suối, dòng sông miền Thượng, nối đôi bờ thảo mộc. Cho dù con người đã không cần đi lại trên nó nữa thì nó vẫn cứ tồn tại, với vóc dáng khi thì ngang tàng, kiêu hãnh, lúc lại kiều diễm, gầy guộc, mong manh, mặc cảm, mơ tưởng, phơi ra như những sợi tơ lịch sử. Sự vô tri của cây cầu ở thể vật chất thế đấy, nhưng lạ là khi nhìn thấy nó có người giật mình ...
Cầu là một tác phẩm kiến trúc, không chỉ để đi lại
Những khi leo trong mù sương ban mai ở đèo K'rông K'pa(Sông Pha) của quốc lộ 27 lên cao nguyên Langbian, hay trong khói núi chiều tà ở đèo Bảo Lộc lên cao nguyên Dijring của quốc lộ 20, hoặc lướt đi trong gió bụi nắng cháy rát da mùa khô cao nguyên Dak Lak của quốc lộ 14... tôi cứ muốn đối thoại với nó, những cây cầu hoang_ cầu xưa bụi phủ...
NGÔN NGỮ CỦA CẦU HOANG
Ngắm nhìn nó bao dạo, chụp hình nó hoài, ảnh phim đã chồng chất ở nhà, nhưng chẳng hiểu cảm xúc vẫn cứ tươi mới_ như gặp "người quen", mà dừng lại chụp hình là cách chào thăm vậy. Có cây cầu hoang phế vì hư hỏng một phần nào đó trên cơ thể bởi lửa đạn chiến chinh dằng dặc hôm nào, có cây vì nắn đường mà cầu xưa thay lối, có cây vì xuống cấp mà không thể sử dụng nữa, có cây bỗng hóa là những cây cầu "thừa" vì nay đất nước được thanh bình, kinh tế quốc gia khá hơn nên Chính quyền thời nay cũng làm được những cây cầu mới, hoặc cần cầu to rộng hơn, chịu tải trọng nặng hơn bắt qua những dòng sông con suối kia. Rằng, qui luật thường tình: Người ta xây cầu để khai bóc thuộc địa; Người ta xây đầu để băm phá nhanh Mẹ thiên nhiên, bạt rừng, san núi; Người ta xây cầu để chở súng đạn để huỷ diệt nhau; Người ta xây cầu để bảo vệ giang sơn, làng xứ; Người ta xây cầu để trồng cấy thanh bình; Người ta xây cầu để phát triển đất nước, tô điểm quê hương... Nếu đừng có "nước lớn nước nhỏ", "dân tộc lớn dân tộc nhỏ", mạnh hiếp yếu, áp đặt ảnh hưởng; đừng có tham lam, đừng có kiêu hãnh, đừng có "cai trị", đừng có bạo lực... thì cầu ra đời chỉ để để gieo thanh bình và no ấm cho đôi bờ tha nhân. Có những cây cầu xây để nối những bờ vui, có những cây cầu xây để gieo rắc bất hạnh là vì thế... Đúng là cái cõi ta bà.
Cầu Sông Pha năm xưa ngay dưới chân đèo Sông Pha trên quốc lộ 27 bắc qua thượng nguồn sông Dinh
*
Qua cầu, nhớ lại kỷ niệm đẹp. Qua cầu nhớ về nỗi đau. Qua cầu, nhớ đến thời cuộc. Với một đất nước từng lạc hậu, nay sự thật vẫn đương là nghèo, tôi luôn nhớ tới cái sức nặng, sức nặng đè lên để có nó. Rằng, chả ai cho không ai cái gì bao giờ, nhất là quốc gia này với quốc gia kia, phương Tây với phương Đông, phương Bắc với phương Nam, dân tộc này với dân tộc nọ... Cầu cũ Tây xây cất thì cũng từ nguồn tiền bạc đào tài nguyên thuộc địa lên bán. Cầu cũ Mỹ cất cho thì cũng từ tiền thuế của dân Mỹ, nên cũng chịu phận "cây gậy và củ cà rốt". Ngay cả bao cầu mới ta xây ngày nay đi cùng niềm vui là mang theo nỗi ám ảnh nợ nước ngoài(ODA) trong ánh mắt của lương dân qua cầu. Nhưng vứt yếu tố "chính Chị chính Em" vào sọt rác, thì mỗi cây cầu đều là một "thành tựu", là tài sản vật chất của con người, mồ hôi của con người. Đời một cây cầu bất kỳ cũng đều tạc lên đó thời điểm xã hội, mô hình kinh tế, trình độ kỹ thuật, năng lực xây cất, cảm nhận thẩm mỹ, và cả thể chế Chính trị. Cầu mới thì nó phải "sống" đã, qua thời gian, chống chịu phong ba... mới có số phận, linh hồn, cuộc đời của nó...
*
Cầu 14 trên Quốc lộ 14 qua sông Sere Pok nằm giữa tỉnh Daknong và Daklak
Còn cầu cũ là dằng dặc nỗi niềm. Suốt các thập niên 10, 20, 30 của thế kỷ trước là năm tháng trầm luân biến cố, đặc quánh mùi "thuộc địa", nỗi niềm vong quốc, khó quên. Đó là lúc người Pháp tập trung mở đường, làm cầu lên Tây Nguyên. Các thập niên đâm thủng cao nguyên, khai phá và khai thác, khi những con đường và những cây cầu như thế ra đời. Những con đường và những cây cầu đó đưa miền sơn nguyên với những cộng đồng thuộc xã hội bán khai gia nhập, gần với "thế giới hiện đại" vốn khó hiểu và phức tạp bên ngoài, nhưng cũng là lúc "miền đất huyền ảo"(lời Dambo_một trong vài nhà Tây Nguyên học đầu tiên xuất hiện cùng lúc người Pháp đi chinh phục thuộc địa ở xứ này) này bước vào rạn vỡ, rách nát, trôi dài theo những khát vọng chinh phạt và khai thác. Khai mở Tây Nguyên là đi cùng đục giẫm Tây Nguyên, ngọn núi cánh rừng thành đồn điền, sở trại, dắt nền văn minh nương rẫy sang nền văn minh cây công nghiệp, làng bon sơn nguyên thành thị tứ thị trấn, đưa "văn minh đô thị" vào(hay thay ?) "văn minh thảo mộc", đưa cái duy lý vào sự hồn hậu, đưa đời sống thị trường vào đời sống tự nhiên thuần nông duy cảm... Cùng với làn sóng đổ xô đi thôn tính thuộc địa ở những nước kém văn minh của đế quốc Châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp ở thế kỷ XV- XIX, nhất là qua vùng eo biển chiến lược Malacca nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, kẻ đến sau_ người Pháp_ đã may mắn khi vớ được phần thừa lục địa còn lại cuối cùng hồi thế kỷ XIX nằm giữa India(Ấn Độ) và China(Trung Hoa) là xứ Đông Dương(nên gọi là xứ Indochina) cũng là vớ được một "cõi châu báu". Nhưng những nhà truyền giáo Catholic từ bên La mã đến trước người Pháp đôi thế kỷ. Kẻ tham vọng mở mang bờ cõi, người đi mở mang " nước Trời, Chúa_thế giới tinh thần".
Cầu Nậm nhi bắc qua suối Daquay trên QL 20 địa bàn thị trấn Dambri huyện Dahuoai, Lâm Đồng
Lòng tham, tội ác, nỗi đớn đau gây ra tái tê và dầm dề của người Pháp đối với dân Đông Dương thậm dày, rõ quá; nhưng việc họ cùng lúc khai sáng cho xứ này hẳn cũng là sự thật lịch sử(mà tôi tin rồi sẽ có lúc phải nhìn nhận tách biệt), chí ít với nghệ thuật Kiến trúc, Thi ca, Tân nhạc, Hội hoạ, nhiếp ảnh, kịch trường. Và nhất là việc xuất hiện tri thức về khoa học cơ bản, các môn Toán, Lý, Hoá... trong trường học, để giã từ nền giáo dục ngàn năm... lao đầu làm Thơ, học thơ, "vẽ" chữ, học luân lý, Nho-Khổng, quẩn quanh với cái lồng tri thức và văn hoá Trung hoa. Cái vóc dáng, hình thái chữ viết Tiếng Việt ngày nay vẫn là thứ "độc lập" nhất, thoát khỏi bóng ma lâu đời phương Bắc thật sự, là cái để rõ nhất nay Ta là Ta, phương Nam là phương Nam, nước Nam là nước Nam, Việt Nam là Việt Nam. Sự thật (hay là may mắn ?) là Chữ viết tiếng Việt mẫu tự Latin của đám thực dân Pháp đã bóp chết chữ viết tượng hình Hán, Nôm; Hán-Nôm thành "tử ngữ", và nhanh chóng đưa những tàng thư Hán-Nôm chồng chất của bao triều đại phong kiến trên đất nước này thành... kỷ niệm. Chua cay khi những gì ( thư sách) của ông cha để lại, người Việt ngày càng mờ xa, lại phải đi mò mẫm, "dịch" lại; nhưng cứ phải chấp nhận. Ngay đến khi dẹp bỏ được Phong kiến, rồi đuổi được đám thực dân Pháp ra khỏi đất nước(năm 1954), gươm văn hoá trở về tay người Việt, được quyền quyết định, quyền chọn, thì dân Việt Nam, Nhà nước VN mới (1945), cũng không thèm cần quay lại với chữ viết tượng hình lại cho thấy đã có một sự chọn lựa dứt dạt của dân Việt, và càng tỏ rõ tính khoa học, tiện ích, hữu dụng của công cụ mẫu tự Latin với tiếng Việt mà các nhà truyền giáo Catholic soạn tạo cùng gầy gieo kiên trì. Nhưng mẫu tự gì thì cũng là vay mượn của thiên hạ bên ngoài. Mà có sao đâu, ta đi từ mông muội, lạc hậu, theo sau; nhưng được cái người Việt mình vốn tinh khôn, khéo léo, biết biến cái gì có giá trị của "người" thành của "mình", và dụng biến luôn tuyệt vời, thuyết phục.
GHÉT MÀ PHẢI NHỚ
Cây cầu vòm Đại Lão xinh xắn trên QL 20 qua Thị xã Bảo Lộc- Lâm Đồng
Vẫn không thể rời xa những cây cầu hoang xưa miền Thượng. Những cây cầu buổi đất nước loạn lạc, phân ly, nô dịch... Nơi đó, tôi thấy những dòng sông, con suối vẫn chảy, mặc cho con người đang quần thảo cuộc đời, làm cho nhau hạnh phúc hay khổ đau. Nhưng cho dù cầu buổi xa xưa, thì mỗi cây cầu bắt qua đều là đưa đến thay đổi đôi bờ, là đau khổ hoặc thêm đông, vui, rộn rã, sinh sôi. Sông Pha, sông Dinh, suối Da Lao, Da Quay, suối Da Mbri, hay sông Serépôk..., là những dòng sông, con suối thượng nguồn, là nguồn mạch chảy về xuôi, và chính những chiếc cầu xưa cổ 14, Sông Pha, Đại Lào, Nam Nhi, Phượng Hoàng, An Khê... nghêu ngao trong gió mưa nhiệt đới ấy đã thông giao, nối liền mạch cao nguyên ngàn sâu với dải đồng bằng lực lưỡng trước bao la sóng gió biển khơi. Những con đường từ đồng bằng bò lên cao nguyên trần ai cùng những cây cầu hiện hữu như chứng nhân ngày nào ấy là một phần lịch sử khai phá(hay xâm phá ?) miền thượng ở xứ Annam của người Pháp đến từ châu Âu xa lạ. Những "con đường muối" bé bỏng đơn sơ bí ẩn ngun ngút dành cho đôi chân trần vạn dặm của người sơn nguyên Tây Nguyên hướng về duyên hải đã cáo chung, tự huỷ, nhường sự tồn tại không cưỡng lại được cho những con đường nhựa rộng thoáng hùng dũng và kiêu ngạo cùng những cây cầu tráng lệ nhưng tội lỗi của người Pháp.
Nên những cây cầu bê tông nối những dòng sông của thời đớn đâu ấy làm sao có thể phai lạt. Đó là bi kịch của bất hạnh, thảm kịch nằm trong hạnh phúc, cơ hội nằm trong sự xui rủi, may mắn nằm trong sự vong hẫng, tiên tiến nằm trong sự chênh vênh, nước mắt chan trong nụ cười... Những cây cầu cây cầu "ân huệ", mà cũng là những cây cầu tội đồ, chứng nhân của tội lỗi, của sự cưỡng hiếp, trấn lột, và có khi cũng là... di sản của khai minh.
Đó là quà tặng của "Quỉ". Sự cầu kỳ và tỉ mẫn trong thiết kế, xây dựng, khiến nó an nhiên trở thành những tác phẩm nghệ thuật cầu đường, dù ra đời để làm phương tiện khai bóc xứ sở người khác. Những cây cầu đáng ghét, ngấm hận, muốn quên cũng không được. Cứ như kẻ sát nhân có tâm hồn thi sĩ.
*
Những cây cầu ấy là một phần sự thật lịch sử buộc phải gọi tên và chấp nhận trên cơ thể Việt Nam. Mỗi lần nhìn nó, nơi cái màu rêu màu xám, cái mái vòm bay bổng..., là quá khứ buồn đau chen lẫn thăng hoa chồng lên, tôi nghĩ về bao lớp người Việt lao khổ ở vùng Nam-Ngãi-Bình Phú(Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), rồi tận Thanh - Nghệ ngoài kia..., bị dồn bụộc đi làm culi cho "Tây"(người Pháp) của những thập niên tái tê đầu thế kỷ trước. Hình bóng những phu cầu Annam_ lưu vong ngay trên chính quê hương mình_ kia nay vẫn như mây lưu lạc bay ngang cầu.
Người Pháp bằng trí tuệ khoa học đi trước và tài hoa nghệ sĩ vượt thời đã thiết kế nên những cây cầu tuyệt đẹp ấy, nhưng chính bàn tay và mồ hôi của người Việt máu thịt, những lao công hèn mọn máu mủ, những phận người mất nước ấy của chúng ta mới là người trực tiếp xây cất, làm nên hình nên dáng, và gắn bó mãi mãi. Gắn bó, ôm nó vào lòng, là ôm lấy đớn đau, bi hận lẫn tự hào. Những làng ấp người Việt lưu lạc trôi theo phận đời culi mở đường, làm cầu buổi nào nay vẫn còn lưu dấu ở Sông Pha, Dran, Phát Chi, Trạm Hành trên quốc lộ 27, B'lao Seré, Đại Lào, Nam Nhi ở quốc lộ 20, cầu 14( dân gian gọi theo cự ly khi cây cầu bắt qua sông Serépôk này cách Tp.Buôn Ma Thuộc đúng 14km) trên quốc lộ 14 ngày nay... Bao phận đời culi đã chết theo những cây cầu đấy. Những nấm mộ người Việt đầu tiên ở cao nguyên miền thượng là mộ của những phu đường, phu cầu, và sau nữa là phu đồn điền cà phê, cao su, nông trại cây trái, lái buôn... Tôi từng lang thang trong trên những ngọn đồi hoang dại nơi có những nấm mồ phu cầu, phu đường nằm chơi vơi muốt mùa trong cỏ xanh, phủ lên bụi mù lịch sử mà thẫn thờ, thấy Trời Đất cùng tha nhân sao cứ bạc phơ ra, chả có cái gì là cao cả cả ở cõi ta bà này, ngoài thân phận con người.
HƯƠNG BỤI
Nhưng ai đổ mồ hôi chính yếu cùng xương máu cho nó, thì được quyền sở hữu, sử dụng, hẳn là lẽ công bằng, phải không, những cây cầu "thuộc địa" và cầu chiến chinh !?
Bây giờ vô số những cây cầu mới đã hiển hiện trên đường 20, 27, 14, 21, 19, 25, 28... lên miền Thượng; nhưng cây cầu bi thương năm xưa vẫn nghêu ngao với thời gian. Dân Pháp cầu kỳ, chuẩn mực, nên buổi ấy họ làm cầu không chỉ có chức năng giao thông, mà hình như còn nhắm đến... văn hoá. Thế nên cách nay 80- 100 năm mà mỗi cây cầu kia đều tử tế, vững chãi, lịch lãm, như những tác phẩm nghệ thuật treo trên sông, trên suối. Có cây cầu như cây cầu Da Quay gần trang trại Nam Nhi trên quốc lộ 20 xưa, người ta kiến tạo nó như một căn nhà thân mật có chất liệu là cốt thép bê tông, cứ như dùng để trú ngụ chứ chẳng phải chỉ nhằm cho xe cộ qua lại. Có cây cầu Đại Lào múa ngang trời như chiếc cầu vồng. Có cây cầu 14 phong sương uốn lượn như một tác phẩm kiến trúc chứ không phải công trình giao thông. Ở bao cây cầu khác, người ta cũng chăm chút, nắn nót thiết kế tỉ mẩn đến từng góc bẻ, vai, nhịp, lưng vách, mái... Xây vào buổi hiếm thép, ximăng không dồi dào, khoa học còn trong những giới hạn, điều kiện thi công khó khăn, nhưng vóc dáng cuối cùng hiện hữu cho đến ngày nay vẫn trong sự bền chắc, phong lưu, có "kiến trúc", có mỹ thuật, có giai điệu, có thi ca man mác...
Có những cây cầu quá vãng trong số kia, ngày nay những chuyến xe từ duyên hải miền Trung, từ Tp.HCM lên cao nguyên không còn đi trên nó nữa. Nhưng người nay không phá nó đi. Có thể vì nó được xây dựng quá kiên cố, vững chãi nên đập vỡ cũng khó, bắt qua sông qua suối nên không chiếm mất đất đai, nên "tha". Những cây cầu xưa may mắn. Đó cũng là những kỷ niệm còn sót lại, so với những cây cầu bê tông bị sập gãy bởi bom đạn chiến tranh, hay những cây cầu bằng sắt bị tháo dở để lấy sắt bán phế liệu thời hậu chiến.
Sự hoang phế đã làm những cây cầu ấy trầm tư, sắc son, gợi nhớ nhiều hơn. Và nó vẫn chưa chết, sống tiếp một đời sống khác: người dân tại chỗ, ở hai bên các cầu, đã lấy những cây cầu "thừa" đó làm nơi chạy lũ mùa mưa bão về, phơi nông sản, làm chỗ ngắm dòng suối sông bên dưới, nơi trẻ nhỏ tập xe, học bài, những đôi gái trai hẹn hò, những đôi tân hôn đến chụp hình cưới, và đặc biệt là những đoàn khách Pháp... tìm đến để ngơ ngác với những mảnh ký ức còn vương đọng trên đó. Không còn là công năng giao thông, nó hoá thành hiện vật của quá khứ, di sản của nỗi buồn, có hồn vía, ngôn ngữ của một công trình xây dựng não nùng vắt qua sông suối.
*
Cầu Sông Pha xưa nằm ở thượng nguồn sông Dinh là trục đường chính để leo đèo Sông Pha lên Đà Lạt
Có thể lắm, khi đứng trước một cây cầu hoang cũ ấy, chợt lòng bình yên, chậm đi, lắng lại, nồng nàn lên nỗi niềm quê xứ... , trong bất kỳ ai, không chừng. Có cái gì đó se se, giống thứ "Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát!"(thơ của Đoàn Phú Tứ). Nguyễn Đình Toàn(tác giả lời của nhạc phẩm " Căn Nhà xưa" , "Tình khúc thứ Nhất", "Anh đến thăm em đêm Ba mươi"...) rằng: "...quê hương là một làng quê, một thành phố, với tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố..." đều là những thứ réo gọi, vỗ về tâm hồn con người ta; còn với tôi, những cây cầu kia tựa những bản hoang ca bạc phơ lang thang trên quê xứ mình./.
Ảnh toàn bộ của Nguyễn Hàng Tình