Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
940
123.366.848
 
Nhà ếch /Chuyện hết sách
Trần Hạ Tháp

Nhà ếch

 

Ếch xanh là chuyên gia thuyết giảng thành tựu của họ nhà mình. Hôm nay, nghĩ mãi chưa ra đề tài mới, Ếch xanh còn đang thừ người vận dụng trí óc thì Cóc vàng lạch quạch đến. Lần nầy Ếch xanh gật gù tỏ ra đại lượng:

-Lại chuyện phải hết sức cẩn thận khi băng ngang đường chứ gì?

Cóc vàng nhăn nhó phân trần:

-Xin lỗi, lý do là toàn gia chúng nó khoá cửa đi chơi. Em lần mò mãi mới ra khỏi bếp, quá chán cái gọi là nhà của chúng nó. Ô là la, chẳng giống ai.

-Hê, chẳng là chú mày ở bụi chuối kia mà. Bộ nhảy vào chơi rồi bị kẹt luôn trong phòng người ta sao chớ?

-Không đâu, cỏ cũng chả còn nói gì chuối. Bê tông hoá cả rồi, em vào ở tạm dưới gầm tủ lạnh. Chúng nó bây giờ đều xa lánh thiên nhiên.

Ếch xanh bỗng sáng mắt lên, bật cười oàm oạp nói tiếp:

-Chúng ta sẽ nói về các ngôi nhà phi thường. Vâng, ngôi nhà ếch tiện lợi hơn nhiều so các loại nhà vớ vẩn chú mày vừa nói đến. Rất cảm ơn, coi như vừa đóng góp thực tế phần minh hoạ phản diện cho đề tài hôm nay...   

 

Lập tức tiếng giấy bút vang lên soàn soạt. Nhái bén, Chẩu chàng, Cóc sành, Cóc cộ, có cả đám Nòng nọc. Những con mắt thành kính ngước lên chờ đợi. Ếch xanh bắt đầu nói. Giọng thuyết giảng hùng hồn, càng lúc càng xuất thần y như trào ra từ tận đáy tâm can. Đến phần củng cố bài, Cóc sành được chỉ định:   

-Cố gắng tóm thu ngắn gọn, không sót trọng điểm. Chú mày hãy nói về nhà ếch. Rõ hơn, các điểm chung của những ngôi nhà mà loài ếch hân hạnh được cư ngụ, coi như một ân ban đầy công bằng của tạo hoá? Xin mời...

-Vâng, kiến trúc loại nầy không cần mái che. Khái niệm mái đã trở thành vô nghĩa, trên để thông trời phải thấy được trăng sao. Dưới dứt khoát không có móng. Chả thế cần vét sâu thêm, vét thường kỳ để tận dụng mọi nguồn mạch phong thuỷ, giúp vượng khí gom về một mối. Kết hợp đủ lý âm dương như sách xưa đã nói, đấy gọi là kiến trúc "thượng thông thiên văn, hạ thấu địa mạch". Chốn địa linh không thể tầm thường, tất đấy phải sinh ra toàn tuấn kiệt. Bởi thế nơi con nhà ếch đã cư ngụ, nhất là khi ứng vào vận "Thiên vũ mãn bì" ắt tiếng nổi tợ sấm rền, danh vang xa vạn lý. Sự kỳ diệu thật khó lòng kể hết... Với ngôn ngữ dân gian, các loại nhà đặc biệt nầy còn được gọi một cách sâu sắc là...

 

Cóc sành chợt ngừng lại bâng khuâng nhìn lên Ếch xanh. Ai nấy đều nín thở thấy nét mặt Ếch xanh tuồng như muốn cắt ngang để điều chỉnh gì đó. Sực tỉnh,  Ếch xanh nở ngay nụ cười và nói câu Cóc sành còn chưa dứt điểm:

-Cái giếng! Vâng, không thể tồn tại kiến trúc nào tân kỳ hơn. Giếng lấy trời làm trần tối thượng, cắm xuống đất hút nước mạch ngầm. Thưa các bạn bao nhiêu loại... Nhà gì trên thế giới dù có vạn tầng cao cũng chả so nổi các loại nhà ếch chúng ta. Nơi đây, tóm thu hết nguồn nước bên dưới là vấn đề trọng đại, sự quyết định sống còn cho sinh linh, vạn vật... Ôi, giá trị mà giếng sở hữu nằm ngoài sức tưởng tượng bất kỳ ai! Đấy, loại nhà tuyệt vời mang tính khoa học vô bờ bến không thể nào tranh cãi. Thưa các bạn, ngôi nhà ếch là giếng đấy. Ngôi nhà tinh hoa, tự nó đã nói lên... Tất cả.

 

Tiếng vỗ tay râm ran sung sướng. Khi ra về trong một góc hội ý riêng, Ếch xanh lầu bầu phê Cóc sành:

-Khá, nhưng mà giảm đi nhé. Chú mày đừng nói quá mông lung thì tốt. Cái gì mà "Thiên vũ..." là sao hở? Hừ, muốn nói về ca vũ nhạc thì cứ để đó, khối lần thuyết giảng đã hết đâu. Đừng để lũ dốt nghe rồi suy diễn linh tinh... Cứ mãi bô bô chữ với nghĩa mà chả hiểu mồm mình nói gì. Đứa nào mớm hở? Ra cái điều thông thái đấy mà. Tao dư biết.      

 

Cóc sành đưa chân lên gãi gãi đầu, ngần ngừ mãi mới dám nói thật nhỏ:  

-Xin lỗi, lần sau em cứ nói rõ ra chứ gì. Đại loại ý đó là "Được tí nước mưa ngoài da" đã tự kêu với nhau như sấm dậy. Có thể nói...

-Ừ, đó mới là sự đồng bộ tối hảo. Một tinh thần như nhất chỉ tìm ra nơi loài ếch... Nếu nói thế, tao không khen thì thôi ai lại đi trách chú mày.

 

Cóc sành đỏ mặt, liếc trộm Ếch xanh nhưng cái đầu vẫn cứ gật lia lịa ra dáng đang khắc cốt ghi tâm lời giáo huấn cao siêu.            

 

 

Chuyện hết sách

 

Thời phong kiến ông thông thái nhất làng, nhà toàn sách vở giấy bút. Việc làng việc họ thiếu ông là hư sự. Không ít kẻ khúm núm dựa hơi, nhờ đấy mà từ cùng đinh vô học lắm kẻ dần ngoi lên ngồi tiên chỉ ở đình làng. Đợi ông già nua lụm khụm, khi có việc chúng chỉ sai đem cái thủ lợn đến "kính" ông là xong. Hoặc có lọ mọ đến dự, chúng chặn ngay đầu gậy xuýt xoa bảo đểu:

-Ối dào cụ tú quá quý hoá, mắt mờ tai điếc vẫn cứ làm gương cho con cháu. Tội quá. Đứa nào mau cõng ngay cụ về. Đừng để làng bảo là không kính già yêu trẻ. Luôn thể xem khay trà cụ có còn đủ không đấy. Lo ngay...  

 

Thế là chúng hỉ hả mượn mái đình làng, tư lợi trăm thứ với nhau như giữa chốn không người. Một mặt, nhất nhất việc gì cũng bảo đã xin ý, cứ cái sách xưa nay của cụ mà làm... Mà già thì ông vẫn già nhưng đã lú lấp, đui điếc gì đâu. Hận nhưng chả làm gì được, ông cay đắng tự trách mình đến chết. Ra cái tiếng thông chữ nghĩa khiến lòng già thêm hổ thẹn. Vì sao ra nông nổi? Nhìn quanh, những ai từng theo ông thì nay đều a dua bọn tiên chỉ đình làng. Lạ gì, khi ông còn oai phong lẫm lẫm cứ phép công mà làm, đến nay nhà vẫn còn dột nát phong phanh. Riêng chúng, hoá ra đều khá giả phong lưu, gia cơ bề thế tự bao giờ. Được chia phần "ăn cây nào, phải rào cây ấy" nên chúng theo đuôi bọn tiên chỉ đình làng không khó hiểu. Ngặt nỗi dân làng bị vơ vét, ức hiếp không biết kêu ai. Vả lại đâu cũng thế cả kêu làm gì, không khéo còn khổ thêm vì vu oan giá hoạ.

 

Ngẫm nghĩ đã nhiều, ông đem tất cả sách vở ra rồi tự tay nổi lửa đốt sạch. Đấy là những gì con người ấy từng chắt chiu hơn vàng ngọc một đời. Thứ đã làm nên ông ngày xưa và - oái oăm thay - ngay cả lúc nầy...Khi mà ông đang ráng hết sức bình sinh liệng từng cuốn, từng chồng ra sân không hề thương tiếc. Sách đóng bằng giấy bổi, chữ hán chữ nôm đã là nhiều. Sách giấy bản in chữ tây còn nhiều hơn thế. Hết thảy đều đã cũ mèn và mối mọt. Thằng cháu 8 tuổi kinh hoàng chạy đi kêu chú bác ngoài đồng, thở lên hồng hộc:

-Hết sách. Hết sách rồi... Ông đốt xong hắt cả chậu...Chậu tiểu lên.   

 

Về đến, mọi người chỉ còn biết dậm chân tiếc nuối. Con cháu đều phẫn uất. Đứa nghiến răng bạnh cả cổ:

-Danh giá nhà nầy ở cả đấy. Ra tro hết!

Kẻ phân bua đấm ngực:

-Già không dùng nữa, để lại đời sau có hơn không? Thật khổ, lãng trí cụ ơi.

Người thì van vỉ, tru tréo:

-Con cháu cụ chả ra gì để cũng vô ích, là dốt người ta cười cho. Ối trời ơi là trời! Chẳng thè chưởi lên đầu còn hơn. Này này...

Mấy đứa con dâu ngó nhau khó hiểu:

-Quái, sao cụ dạy "Làm quan mười năm chả bằng trùm chăn đọc sách" ?

 

Tức mình, cả đám chạy vào nhà hỏi cho ra lẽ. Chẳng ngờ ông lúc lắc cái đầu chỉ vào mồm ú ớ, hoá ra quá giận đã trở thành câm điếc. Dân làng nói nhỏ với nhau rằng:

-Đúng đấy, nhưng đến giờ sao mới đốt. Hở tí, lũ cường hào ác bá lại lôi ngay ra bảo cứ một sách của cụ mà làm. Cái đống ấy thì là... Ôi thôi, đống khổ.

 

Vẫn chưa hết chuyện. Đốt thì đốt chẳng hiểu sao ông vẫn chừa nguyên một cuốn. Con cháu họp nhau thì thào tìm cách... Thấy cứ khư khư cuốn sách duy nhất ấy. Ông đọc mãi ngày này sang ngày khác, khi nghỉ lại lót dưới gối mà nằm. Chúng rình mò ghi được mấy đại tự ngoài bìa sách đem ra, rồi lại trợn mắt cóc ngó nhau? Hôm sau, khổ công chạy qua làng bên tìm người đọc hộ Hán văn, thì đấy là kinh nhập môn Phật pháp./.

 

(thành nội Huế - 14/01/2011)

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 1979
Ngày đăng: 17.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai đã bỏ muối vào máu tôi? - Trân Sa
Khỏa thân đêm - Nguyễn Thị Thanh Bình
Khóa xuân - Quý Thể
Đêm Núi Và Nhạc Buồn - Lê Văn Thiện
Hư Nhỉ - Đỗ Bàn
Gươm Đàn Nửa Gánh - Nguyễn Thanh Hiện
Bến Tình - Nguyễn Minh Phúc
Đất Khô. Người Khổ - Phạm Văn Nhàn
tiếng hát dưới trăng - Nguyên Minh
Linh hồn - Tú Oanh
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)