Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.704
 
Vô Danh
Nguyên Minh

Càng về già, giấc ngủ của tôi càng chập chờn, mơ mơ, màng màng. Những hình ảnh từ hôm qua hay đã từ lâu về một người nào đó hoặc một vài sự việc đã xảy ra, làm tôi nghĩ tới, nhưng chẳng tới đâu, tôi lại thiếp đi trong những cơn mộng, có khi đẹp như một câu chuyện cổ tích, có khi kinh hồn như ma quỉ đuổi rượt, xô tôi xuống vực sâu thăm thẳm, làm tôi chỉ ú ớ, kêu la, vùng vẩy cho đến khi vợ tôi, nằm bên cạnh đưa tay đập mạnh vào vai tôi, mới đưa tôi về thực tại. Buổi tối, như thường lệ, tôi đọc vài tranh sách, nhất là những truyện của các bạn văn đăng trên các tạp chí văn học, hay nghe vài bản nhạc cổ điển Tây phương hoặc tiếng đàn guitar của Vô Thường. Tiếng đàn, từng giọt âm thanh buồn bã, đưa tôi vào giấc ngủ từ hồi nào chẳng hay. Lâu rồi thành một thói quen, mỗi lần thức giấc, tôi bấm đèn nơi chiếc đồng hồ báo thức nhỏ nhắn, tôi thường để dưới gối tôi nằm. Anh sáng mờ mờ, nhưng cũng đủ cho tôi nhận ra kim đồng đồng chỉ vào số 2, cơn tỉnh giấc lần sau, lại vào số 3 và khi tôi tỉnh giấc hẳn, ngồi dậy, bước xuống giường, kim đồng hồ chỉ đúng số 5. Mỗi lần tôi thức giấc, tôi đều lắng tai nghe, như từ xa vọng về một âm thanh gì đó. Tôi biết nó rất quen thuộc, nhưng tôi vẫn không nhận ra. Tôi tự hỏi, sao tôi không thức giấc vào những giờ phút khác, như 2 giờ 15 hay 3 giờ 30 hoặc thức dậy buổi sáng sớm, nhâm nha tách cà phê, hút điếu thuốc, rồi bật máy vi tính, viết vài đoạn văn, trước hoặc sau 5 giờ. Sao cứ đúng giờ như qui định, tôi lại tỉnh giấc. Câu hỏi cứ đặt ra nhưng câu trả lời vẫn không tìm ra. Cho đến một đêm, như trong giấc mơ, tôi nghe tiếng gà gáy rất mơ hồ, từ xa, một khu nhà nào bên kia bờ thành an toàn của phi trường Tân Sơn Nhất, cách nhà tôi gần một cây số đường chim bay, vọng về, rất nhỏ. Cứ đúng giờ tôi tỉnh giấc là có tiếng gà gáy đó. Tôi cười một mình, đắc chí, khi chợt hiểu ra đã bao năm qua, từ ngày tôi bỏ ngôi nhà đó, xóm làng đó, thị xã bé nhỏ đó vào Sàigòn sinh sống, tôi không thể nào quên tiếng gà gáy oai phong vào canh hai, canh ba hoặc canh năm, của một con gà đá tôi đã từng nuôi nấng.

 

1.

 

Đó là thời mà từ căn nhà ở thị xã chật chội và tù túng, tôi cùng vợ con dọn hẳn về sống ở một làng quê, trong ngôi nhà tường gỗ mái lợp lá dừa, khuôn viên vườn tược rộng rãi, nhiều cây cối ăn trái như xoài mít, và không khí nơi đây trong lành, mát mẻ. Sáng nào hai vợ chồng tôi cũng dậy thật sớm, từ khi gà gáy canh năm. Lúc mới về, tôi cũng rất khó chịu vì những tiếng gà gáy trong thôn xóm. Những tiếng gáy từ xa, lúc trời còn chưa sáng hẳn, vọng về, nghe buồn buồn, nhưng rồi như vết dầu loang, những tiếng gà của những nhà bên cạnh đua nhau cất lên, nghe nặng tai nhức cả óc.

 

Cũng như những nhà hàng xóm, vợ tôi nuôi một bầy ga. Lúc đầu vợ tôi mua của một bà cụ cạnh nhà một con gà mái tơ cùng một ổ trứng đang ấp. Những ngày sau đó, tiếng chiêm chiếp gà mổ vỏ bung ra. Vợ tôi tưng tiu từng con một, ấp ủ vào lòng. Cứ mỗi buổi sáng, tôi ngồi uống cà phê, nhìn đàn gà lúc nhúc bu quanh vợ tôi đang bụm nơi tay một nấm lúa rải xuống đất, bầy gà mổ lia lịa, gấp từng hạt. Đàn gà phát triển, nhưng sau những cơn dịch gà, làm chết đi từ từ, sống sót một vài con, sau đó vợ tôi lại gầy dựng một bày khác, cứ thế trong nhà nuôi được vài chục con lớn nhỏ, khách từ xa đến chơi, tôi cứ bắt gà làm thịt. Muốn có một đàn gà khỏe mạnh, qua được những cơn bệnh tôi nghĩ phải tạo ra một giống gà lai, mái kiến cồ nòi.

 

Nhớ lại, ngày còn nhỏ, ba tôi nuôi trong nhà vài con gà nòi, chuẩn bị cho những cuộc chơi đá gà mà ông đã từng ham thích. Ba tôi thường dặn dò tôi, khi ông giao việc trông nom những con gà đá, đừng để những con gà mái của những nhà bên cạnh lảng vảng bên chúng. Tôi lấy làm lạ, không hiểu lý do, cho đến khi nhìn cảnh một con gà mái tơ lông vàng của nhà ai đó, ung dung, tiến đến, làm những con gà nòi nhốt trong cái giỏ đan tre nhảy dựng lên, muốn xổ chuồng, tuông ra. Đã không lấy hòn đá nặng đè lên nắp lồng gà, đuổi con gà mái đi, tôi lại để cho con gà nòi tung lồng thoát ra ngoài, nó như mừng rỡ, vỗ cánh, bước vội vàng, xoay quanh con gà mái, xông vào, đưa cái mỏ cắn vào chùm lông đầu gá mái, leo lên mình nó, đè xuống đất. Trong chốc lát, con gà nòi buông ra con gà mái. Cả hai con gà đều rủ lông, làm tung ra những cát bụi vừa mới bám vào thân. Con gà mái, lục tục tìm mồi. Còn con gài trống, vỗ cánh gáy vài tiếng, xem chừng như đã thỏa mãn.

 

Qua ngày hôm sau, trong một trận chơi gà chọi, ba tôi trở về, ôm trên tay con gà đá đó đã ghẹo đầu, máu me còn đọng lại nơi cái mồng đã bầm tím. Vài người bạn đến chơi, ba tôi thổ lộ nỗi ấm ức của ông về cuộc thua thảm bại đó. Ông khăng khăng bảo, không thể nào con gà nòi đó, nửa chừng bỏ chạy, khi suốt trận đấu, nó đá rất kịch liệt, làm đối thủ phải kinh hồn. Ba tôi thở dài, nói nhỏ: “Trừ trường hợp trước khi ra quân, nó đã đạp mái.” Rồi ba tôi tự trả lời: “Mà quanh đây có ai nuôi gà mái? Con gà thì nhốt trong giỏ? Còn có thằng Nguyên canh chừng?” Tôi đứng sau vách tường nhà sau nghe được. Mặt mày tôi đổi sắc. Tay chân run cầm cập. Tôi cố lấy lại bình tỉnh. Ba tôi gọi. Giọng ông nhẹ nhàng, êm ả, không gắt gỏng như những lần khác: “Nguyên ơi! Tới ba hỏi nè. Có phải ngày hôm qua, con gà đã đạp mái không?” Tôi định chối phăng, nhưng khi nhìn thấy đôi mắt sắt như gươm của ông, tôi gật đầu. Tôi tưởng ba tôi sẽ giận dữ, nỗi trận lôi đình, tôi sẽ lãnh vài cái bạt tai nẫy lửa. Nhưng không, ba tôi gật gật cái đầu như vừa thích thú khi khám phá ra một điều gì đó. Về sau này, tôi cứ tự hỏi, chuyện đạp mái quan trọng đến trận đá gà thế sao? Con gà nòi thua cuộc, ba tôi cho người bạn, mang về chăm sóc vết thương, nhưng chỉ dùng để đúc giống, chứ bản thân của nó không thể nào ra trận được, nó xem như đồ phế thải.

 

Biết tôi đang cần, Thành, người bạn cùng xóm, mang con gà trống nòi, đã thua trận, xụi cả một cánh, cho chúng tôi mượn trong vòng nửa tháng. Bầy gà của vợ tôi chỉ còn một con mái tơ và chục con gà giò. Hy vọng là chúng tôi sẽ gầy nên một giống gà lai, khỏe mạnh, nặng cân.

 

Thường thường, mỗi buổi chiều, Thành hay sang nhà tôi, hai chúng tôi nói chuyện phiếm, giải buồn bên cốc rượu đế, nhâm nhi miếng xoài chua lét. Chuyện xưa, Thành là bạn cũ từ thời còn tiểu học. Chuyện nay, sau khi học tập cải tạo ở một vùng núi rừng năm năm, anh trở về sống với vợ con. Anh làm ruộng, một nghề mới mẻ đối với anh. Ngày xưa, anh trắng trẻo, mập mập, nói năng hoạt bát. Đi công tác đến đâu cũng có vài mối tình để lại. Ngày nay, anh đen đuốc, ốm gầy, suốt ngày lầm lì, ít nói. Anh hay kể về ba tôi. Đối với anh, ba tôi là thần tượng. Ngày ấy, anh chỉ là thằng bé như tôi, lên mười, thường trốn nhà lẻn vào trường gà, ở đầu xóm, đứng cạnh ba tôi để xem đá gà chọi. Không riêng gì anh, kể cả những người lớn tuổi trong trường gà này đều phục ba tôi. Những con gà nòi ông mang đến, khi ra trận, mọi người cá độ đều tin tưởng theo ông. Thường là thắng trận, năm khi mười họa mới thua. Tiếng tăm của ba tôi: hào hoa, phong nhã, vang lên khắp nơi. Thành cứ tưởng, tôi cũng giống như ba tôi, ham mê chơi chọi gà, đá bóng. Sau khi tôi thổ lộ với hắn những kỷ niệm do con gà chọi gây cho tôi phiền phức, bực mình, có khi là hình phạt. Tôi bị nhốt vào giỏ gà, phía trên có một hòn đá đè lên, khi tôi để gà trong giỏ xuổng chuồng, hoặc vì nó xức mỏ vì đá vào hình bóng mình phản chiếu từ tấm gương chiếc tủ đứng. Hoặc mấy cái bạt tai, những nắm cú vào đầu đau điếng của ba tôi, khi tôi không hoàn thành việc trông nom gà. Hằng đêm, trước khi ngồi vào bàn học, tôi phải bắt cho được vài con thằn lằn đưa cho ba tôi, ông bắt từng con gà, đưa hai ngón tay chặn hai bên mép làm con gà há mỏ, tay còn lại ông cầm con thằn lằn đang cọ quậy, bỏ vào miệng làm con vật bé nhỏ tội ngiệp kia chạy thẳng xuống cổ họng con gà trống. Ban đầu, tôi thích thú vì được làm ná giây thun, tôi nhắm bắn, viên đạn là cọng giấy vo tròn, vào mấy con thằn lằn đang bò trên vách tường, hết nhà trên đến nhà dưới, trong phòng ngũ đến phòng khách. Ở nhà tôi không còn con thằn lằn nào, tôi sang nhà các bạn hàng xóm, các bạn cùng lứa tôi cũng bắt chước làm ná, cùng bắn rơi rồi bắt sống chúng cho tôi mang về.

 

Hết thằn lằn, lại đến dế mèn. Tôi cùng lũ bạn trong xóm, những ngày chủ nhật, thường rủ nhau lội qua con sông Dinh, nước cạn lấp xấp chỉ đến đầu gối, đến những thửa ruộng đã gặt xong, tìm bắt những con dế mèn, đem về để chiều mai tụ họp sau ngôi đình, cả bọn trẻ châu đầu lại, bên chiếc hộp giấy nhỏ, cổ võ cho những cặp dế đang đá nhau. Con thắng, gáy te te. Con thua, quay đầu chạy. Ba tôi ham mê đá gà, tôi thích đá dế. Đơn giản đá gà, máu me chảy ra lai láng cho cả hai con, thua hay thắng, đều mang những thương tích nặng nề. Tôi lại sợ hãi đến tái mặt và run cầp cập khi nhìn phải màu đỏ của máu. Đá dế, những con vật bé nhỏ, đấu với nhau qua hai cái càn, cắn nhau, húc nhau, không để lại một vết thương nào phải rướm máu. Tôi bỏ những con dế vào từng ngăn nhỏ trong một cái hộp giấy, trên nắp có soi những lỗ nhỏ, đặt nó dưới gầm giường. Cả đêm chúng thi nhau gáy, sáng mai ba tôi bảo: “Con nuôi dế hả? Bao nhiêu con? Bắt ở ngoài ruộng phải không? Giang nắng không sợ cảm bệnh à? Đưa ba cho mấy con gà đá nó ăn.” Thấy tôi còn giẩy nẩy, ông bảo: “Tiếng dế gáy tuy không lớn nhưng liên tục, nghe khó chịu. Ba không ngủ được?” Tôi định hỏi: “Còn tiếng gà gáy thì sao? Cứ từng canh giờ, cả mấy con thi nhau đập cánh, ngưỡng cổ gáy vang, đánh thức mọi người.” Ba tôi như đoán trước, nói nhỏ như trả lời tôi: “Tiếng gà gáy, thế tiếng đồng hồ đổ chuông từng canh giờ, và báo thức trời sắp sáng để mọi người thức dậy chuẩn bị đi làm việc. Nó có lợi hơn tiếng dế kêu chứ?” Tôi đành đưa cái hộp giấy, ba tôi mở nắp, bắt từng con dế quăng vào cho mấy con gà mổ gắp lấy và nuốt trọn. Tôi nhìn những con dế mèn mà mình từng nâng niu, vào miệng gà, tôi đâm ra ghét những con gà đá chết tiệt của ba tôi.

 

Thành kể cho tôi, từ nhỏ anh đã say mê xem đá gà, cho lúc lớn lên, và hiện tại anh vẫn nuôi những con gà đá, chăm sóc nâng niu chúng. Mỗi chiều thứ bảy, nghỉ việc, anh đều đến trường gà, ở đó anh vẫn thường gặp ba tôi, dù lúc đó ông đã thành một ông lão ốm tong vì bệnh hoạn. Tôi hỏi, hiện tại, trong thời bao cấp, đời sống rất khó khăn, có còn chỗ nào làm trường đá gà nữa không. Thành cười, cho biết: “Có. Nhưng kín.” Thỉnh thoảng, anh vẫn đến chơi.

 

Còn tôi, tôi tạo ra một lô giống gà lai, cha nòi, mẹ kiến, tạo một giống gà lai, khoẻ mạnh, năng cân, để bán chợ hoặc làm thịt đãi bạn bè từ xa đến thăm. Hằng năm, đến ngày giỗ cha mẹ tôi, vợ chồng con cái kéo nhau xuống phố, nơi nhà từ đường, tay tôi mang những con gà mái tơ, trống lớn, làm cả nhà đang tựu hợp sau nhà bếp cười rộ.

 

Mẹ tôi chết trước, khi tôi còn cắp sách đến trường. Ba tôi chết sau, lúc ấy tôi thành thầy giáo. Nhưng cả hai cùng một ngày, một tháng. Hằng năm, chúng tôi đều cúng giỗ chung cả cha lẫn mẹ. Trước đó vài hôm, tôi hay nhớ đến ba tôi cùng những con gà đá xưa kia. Tự dưng tôi muốn có một con gà nòi, để mỗi buổi sáng, nghe được tiếng vỗ cánh cùng tiếng gáy oai hùng của nó. Trong bầy gà lai đầu tiên được mấy con mái tơ và độc nhất một con trống. Tôi tự hỏi sao mình không biến nó thành một con cồ nòi, nhất là về hình thức. Cho nên, vào một đêm, chờ vợ con đã ngủ, tôi như một kẻ trộm bò vào chuồng gà bắt trộm, túm đúng ngay con cồ lai đó. Dưới ánh trăng, sáng tỏ, dưới gốc cây xoài, tôi cầm cây kéo cắt tỉa những chùm lông vũ trên đầu con gà, làm đầu nó trọc lóc. Cái mồng đỏ bầm, cái cổ, cái đầu cũng cùng một màu đỏ tía như người ta thoa máu trên thân chúng. Cặp giò, tôi cũng nhổ đi những chùm lông màu vàng chen lẫn màu tím than óng ánh, đưa ra bắp thịt chắc nịch. Tôi đưa tay lồng dưới thân con gà, dồi lên dồi xuống, ý chừng xem như con gà đã nặng cân. Như một sự trùng hợp, tờ mờ sáng hôm đó, con gà cất tiếng gáy. Buổi sáng cho gà ăn, vợ tôi ngạc nhiên thấy xuất hiện một con gà cồ nòi, và mất đi một con gà trống kiến. Tôi cười thầm, nhưng sau đó mới kể lại chuyện đêm hôm. Tôi dặn vợ tôi dấu nhẹm, đừng cho Thành hoặc một ai biết.

 

Một hôm, Thành đến chơi, tôi khoe hắn là tôi vừa kiếm được một con gà nòi, do một người chú từ Tuy Hòa mang vào. Thành ôm con gà, nhìn ngắm thật kỹ, xem từng cái vẩy đang vào nhau quanh chân gà. Thành rờ vào cái cựa nhọn và bén như dao. Thành gật gật cái đầu xem chìu vừa ý. Anh khen giống gà tốt, bây giờ chỉ còn chăm sóc kỷ lưỡng, nó có thể thành con gà cồ nòi, bách chiến. Tôi nhớ lại những gì ba tôi, ngày xưa, đã từng nuôi nấng, chăm sóc chúng. Và, tôi lập lại, như một cái máy.

 

Ban đầu, tiếng đồn tôi có một con gà nòi rất chiến, gốc từ Tuy An, Tuy Hòa, chỉ quanh quẩn trong xóm làng, đối với dân mê đá gà. Làng tôi ở, không lớn lắm nhưng cũng đã chia làm ba xóm. Ớ đầu làng, hầu hết là dân từ miệt ngoài, Bình Định, vào sinh sống, làm nghề mộc, lúc cuộc chiến tranh khốc liệt năm 1965 đã làm tan hoang, điêu tàn xóm làng của họ. Chính giữa làng, mới thật sự là dân địa phương từng bám ruộng đồng, vườn tược. Cuối làng, sau biến cố lịch sử 1975, chúng tôi, từ các nơi, lưu lạc tìm đến những mảnh đất khô khằn này, phá những bụi bờ đầy cây xương rồng, và đất sỏi cằn, cất chòi hoặc nhà bằng rơm bết đất mà sống.

 

Dân, ở xóm trên. là dân mê chơi gà chọi. Trong nhà nuôi vài con gà, chọn lựa từ các tỉnh xa về. Anh có tiếng là người keo kiệt, ăn uống khan khổ dù anh mang tiếng là người khá giả trong làng. Trong cuộc chơi đá gà, bao giờ Dân cũng nắm phần chắc, sau một hồi xem trận gà đấu gần nửa tàn nhang, anh mới quyết định vào cuộc. Một hôm, gặp tôi ở sân phơi lúa của Hợp Tác Xã nông nghiệp, có Thành bên cạnh, anh gợi ý sẽ mang con gà chiến nhất của anh đến nhà tôi xây trận. Tôi đồng ý ngay, nhưng với điều kiện là không ăn thua bằng tiền bạc, kẻ thua cuộc phải đãi hầu hết người chơi bằng chầu rượu đế, và mồi nhắm chính là thịt con gà thua trận.

 

Cuộc chơi kể ra cũng hào hứng. Dân dẫn theo cả chục người, hầu hết là trung niên. Còn phía tôi, có Thành và hàng tá thanh niên cạnh nhà. Lũ trẻ con cũng rủ nhau bu quanh xem đấu gà. Dưới gốc cây xoài cổ thụ, bóng mát phủ một vùng rộng, đã được quét sạch, bao quanh một cái mành vịt, làm thành một trường đấu gà. Hai con gà còn trong tay hai người chủ, nâng niu, vỗ về. Con gà ô của Dân cao hơn, to hơn con gà của tôi. Bên mười, bên tám. Tôi cứ nghĩ là con gà của tôi thua chắc. Còn Dân, cười hả he, khi nói: “Tuy con gà của ông, theo Thành cho biết là giống gà chiến có tiếng ở Tuy An, nhưng xem thể lực con này còn kém. Con gà ô của tôi đã từng đá bại vài trận rồi đó nghe.” Tôi cười, đưa tay chỉ về một gốc vườn, nơi đó một cái xoong to tổ bố, đặt trên ba hòn đá xanh, củi lửa đang cháy rực. Tôi nói to: “Chưa chắc con gà nào sẽ vào nồi cháo đó.”

 

Cuộc chơi bắt đầu khi cây nhang được đốt cháy. Mọi người đều đứng bao quanh, sát mành vịt. Tiếng cười rộ, vỗ tay, có khi hét lớn, vang lên một góc vườn. Ban đầu, con gà ô tấn công dữ dội, khiến con gà của tôi né tránh bằng cách rúc đầu vào cánh đối thủ, nhưng sau cùng, nó phản công bằng những cú bay bổng, đá hiểm độc vào màn tan đối thủ, khiến con gà ô kia xiểng liểng, rồi nó bồi thêm một phát nữa, cái cựa bén nhọn ghim vào mắt con gà đáng thương kia, máu chảy ra lai láng. Tiếng cười đắc thắng của Dân từ ngay lúc đầu, giờ chợt tắt. Vẻ mặt anh và bạn bè anh ủ ê, cùng ngạc nhiên, đến sửng sờ. Chưa dứt một tàn nhang, con gà ô của anh đã gục ngã, nằm ngay đơ giữa sân trường. Thành, nhảy vào ôm con gà của tôi ra chăm sóc. Hắn ngậm rượu phun lên khắp thân thể con gà. Hắn thốt lên khen: “Mày khá lắm.” Dân, tiu nghỉu, ôm gà định mang về, nhưng tôi nhắc lại thể lệ cuộc chơi, anh đành nghe theo.

 

Tất cả chúng tôi ngồi xếp bằng lên chiếc chiếu trải trên thềm nhà. Chính giữa là xoong cháo. Con gà ô thua trận, được vớt ra, còn nguyên thân hình, cả đầu lẫn chân, nằm trơ trụi trên cái nia. Người đầu tiên, kẻ thắng trận, đưa hai bàn tay xé phay con gà tét làm hai. Cái đầu và đôi chân giao cho người thua trận. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó đầy đau khổ của Dân, như vừa được tin một người thân của người vừa mới chết, cầm cái đầu gà luột chín nhưng hai bàn tay run run. Bấy giờ, tôi thấy một nỗi buồn không tên đang lẻn vào trong hồn mình. Tiếng mọi người cười vui, chuyền cái ly rượu đế cho nhau, nuốt ực từng hớp rượu nồng. Rồi, một người bạn Dân, kể lai lịch cùng những chiến công của con gà ô, cũng như sự chăm sóc, tưng tiu, đến nỗi phải đánh đòn hoặc phạt nặng những đứa con không hoàn thành việc canh chừng con gà, làm tôi chợt mỉm cười, nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu, mình cũng từng bị ông cha trừng phạt như thế. Tôi biết, Dân phải nuốt đắng cay, mới đưa cái cổ gà vào miệng cắn một chút cho mọi người không trách cứ mình mà thôi. Anh đưa miếng mồi cho người bạn bên cạnh, còn mình, cầm vội ly rượu uống một hơi, như nuốt nỗi niềm đau xuống tận đáy lòng. Cuộc chơi chấm dứt, nồi cháo đã hết cạn. Xương gà rãi ra cho chó gặm. Mọi người ra về, chân bước đi xiêu vẹo, khặp khểnh. Riêng Thành vẫn ngồi lại. Cả tôi và Thành đều im lặng trong một khoảng lâu, rồi bỗng nhiên cả hai cùng thốt lên tên một người bạn. Châu Nhị. Hai mắt tôi thấy cay cay. Còn Thành cũng rơm rớm, đọng lại nơi mi mắt những giọt nước. Thành bỏ ra về. Tôi tự hỏi sao tôi lại nhớ đến Châu Nhị trong lúc này, và tôi cũng không hiểu ra nguyên nhân.

 

Sau trận gà đó, tiếng đồn bay xa, đến tận xã, huyện, trong giới dân mê đá gà. Mọi người đều nói với tôi, khi biết tôi là con của ông Đậu, là: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tôi chỉ biết cười mà thôi. Họ mang gà đến. Họ yêu cầu tôi chấp nhận cuộc chơi. Vẫn như điều kiện trước. Con gà của tôi lại chiến thắng, oai hùng. Con gà tía của một thanh niên làm việc Huyện, tôi không quen, đã bỏ chạy ra khỏi trường gà, với máu me be bét trên mồng đầy vết thương. Nửa nhan đầu tiên, con gà tía tấn công dữ dội, con gà của tôi chịu đựng, nhưng không hiểu sao con gà tía bỏ chảy, để con gà lai của tôi bay theo, đá móc vào chính giữa sọ, làm con gà tía gục ngã.

 

Trong cuộc rượu, chàng thanh niên không cầm nỗi uất ức nên thốt ra những lời chưởi đổng thô tục, khó nghe. Hắn cầm cái đầu con gà tía, đưa vào mồm, nhai nghốn nghín, bao nhiêu căm giận như trút hết vào đấy. Hắn hỏi về lai lịch con gà của tôi. Tôi phải phịa chuyện. Trong một chuyến về quê vợ, một làng không xa lắm thị xã Tuy Hòa, cha vợ tôi cũng là một người ham mê đá gà, và ông hay nuôi những con gà cồ nòi có tiếng từ lâu, với những cú đá móc độc đáo, cũng như sức dẽo dai, chịu đòn giỏi. Đem về, tôi chăm sóc, nuôi nấng kỷ lưởng. Hắn gật gù, đồng ý: “Đúng là một con gà nòi chính cống, xuất thân từ một làng truyền thống chơi gà chọi.” Hắn bảo, gà hắn thua cũng phải. Hắn cụng ly chúc mừng tôi. Thành biết tôi không thể uống rượu nhiều nên anh gánh một nửa. Thành tán tụng về cách xem chân gà, bao nhiêu vảy, chen lấn nhau như thế nào, cái cựa nằm vị trí nào thích hợp nơi chân gà để có nững cú đá hậu độc chiêu. Tôi nghe mà không hiểu gì cả. Tôi đâu phải là dân mê gà chọi, những người quanh tôi cứ nghĩ là tôi giả nai.

Khi ra về, hắn đề nghị với tôi, khi nào tôi có con gà nào hay hơn, nhượng con gà mày cho hắn, giá bao nhiêu cũng được. Tôi lắc đầu, từ chối. Hắn nói, lần sau hắn sẽ mang một con gà chiến khác đến phục hận.

 

Cũng như lần trước, nhìn trường gà trống trơn, bỗng dưng tôi lẩm bẩm trong miệng hai tiếng: Châu Nhị. Không biết trong cái men rượu đắng cay làm tôi cháng váng hay sao mà trước mặt tôi loáng thoáng hình ảnh thất tha thất thểu của Châu Nhị, đang bước tới về phía tôi, rồi tan biến mất.

 

Lần thứ ba, một người đàn ông lớn tuổi, từ bên kia sông, nơi thị xã mà thuở trước tôi đã từng sống, lội qua cùng vài ba người bạn, ôm trong tay một con gà nòi, đến tìm tôi. Cả tôi và ông đều nhận ra người quen từ lâu, ông trước kia là một y tá trưởng của bệnh viện Tỉnh, là bạn, nói đúng hơn là đàn em, cùng say mê chơi gà chọi, và coi ba tôi như một thần tượng.

 

Trước khi vào cuộc chơi, ông ôm con gà của tôi, nâng lên, hạ xuống, như xem sức nặng của con gà, ông lật cánh nó lên để xem lông. Ông gật gật cái đầu, tỏ vẻ ưng ý, khi đưa bàn tay vuốt ve những cái vảy màu xám chì, óng ánh, quanh cái chân chắc nịch của nó. Ông ta bảo: “Chơi gà cũng như đấu võ. Hai bên phải ngang sức nhau. Võ sĩ phải thuộc môn phái nào. Gà phải xuất phát từ đâu, nhưng quan trọng nhất là người chủ của nó, biết cách chăm sóc, nuôi nấng nó. Con gà này, tướng mạo cũng tầm thường, tầm vóc nhỏ hơn, nghe nói nó đã từng đá chết vài con gà chiến đã lừng danh khác, tôi nghĩ là cậu có bí quyết. Như ba cậu. Cậu là người tiếp nối.” Tôi giật mình.

 

Thành cũng dẫn vài người bạn trong xóm đến tham dư. Khi Thành nhắc lại thể lệ cuộc chơi, ông ta có vẽ chần chừ, nhưng rồi miễn cưởng, nói: “Kể ra, cuộc chơi gà chọi ăn thua là chuyện thường tình, nhưng sát phạt nhau bằng tiền cá độ, vẫn hơn là cùng nhau uống rượu, ăn thịt chính ngay con gà mà mình thương yêu nó, dù nó đã thua trận. Chưa bao giờ tôi thấy có cuộc chơi như vậy. Nhưng, thôi cũng đành.”

 

Cuối cùng, gà của tôi lại thắng trận. Cũng những cú đá hậu đó. Gà của ông ta thua và bỏ chạy.

Khi nhìn vẽ mặt ông buồn bã, những giọt nước mắt ông chảy xuống hai má đã có vết nhăn, tôi mới cảm thấy áy náy, như vừa làm một điều gì ác.

 

Sau đó, chỉ còn lại mình tôi. Tôi cũng chảy nước mắt.   Trong tôi, như đang có ai đó đưa bàn tay lên bóp chặt vào tim tôi. Tôi mơ hồ nhận ra, hình như Châu Nhị. Đôi mắt hắn nhìn trừng trừng vào tôi.

 

Cuối cùng, tôi kết thúc cuộc chơi.

Lần chọi gà lần thứ tư, con gà của tôi không chịu nỗi những cú đá táo bạo, liên tiếp, dồn dập, ép con gà vào thế thủ. Chưa được một phần ba nhang, gà của tôi gục ngã. Tiếng cười, tiếng vỗ tay của chủ gà cùng bạn bè họ vang lên. Họ là một trong những người chơi gà chọi đã lâu, từ Nhatrang vào. Tôi biết trước là gà tôi sẽ thua nặng, bởi vì tôi muốn nó phải chết. Sau trận thắng thứ ba, tôi không còn nhốt riêng nó lại, tôi thả nó tự do, chung cùng bày gà mái tơ. Nó mặc sức mà đạp mái.

 

Lần này, cũng vậy. Trong giấc ngũ, tôi mơ thấy tôi gặp lại Châu Nhị. Hắn nhìn tôi và mỉm cười.

 

2.

 

Từ nhỏ, tôi và Châu Nhị học chung một lớp, một trường, nơi thị xã bé nhỏ này. Lên đến lớp cuối cấp trung học đệ nhất cấp, tôi ra Huế học tiếp, tôi lại gặp hắn. Sau đó một vài năm, hai chúng tôi lại ở chung một mái nhà, trong một căn phòng nhỏ. Chỉ một năm sống chung với nhau, hắn đã để lại trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm.

 

Mùa đông xứ Huế, mưa dầm dề, triền miên cùng cái rét lạnh căm căm. Nỗi buồn vô cớ của tuổi mới lớn cứ đến với chúng tôi. Tôi trãi lòng mình qua văn thơ. Còn Châu Nhị chỉ biết cầm đàn ghita đàn và hát những bản tình ca. Những lúc hắn hát, đôi mắt mí lót của hắn mơ màng về một cõi xa xăm nào đó, có lúc nước mắt hắn lại chảy ra, nhất là lúc hắn hát bài “Buồn tàn thu”. Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẻ bàng… Dứt bài hát, hắn nói trong nỗi xúc động. “Tao nhớ đến mẹ tao. Bà ấy thường hát cho tao nghe ngày tao còn thơ ấu.”

 

Tôi biết mẹ Châu Nhị còn sống, hiện đang ở ngoài Hà Nội với người chồng mới và đứa em ruột cận kề với Châu Nhị. Sở dĩ mẹ anh không mang anh theo, tập kết ra bắc, là vì đến ngày xuống tàu, anh bệnh nặng, bà đành để lại, nhờ người em gái ruột chăm sóc, nuôi nấng, và hẹn sau hai năm, đất nước thống nhất, như hiệp định Giơneo đã ghi, mẹ con họ sẽ đoàn tụ. Châu Nhị thành trẻ mồ côi. Cha chết vào những ngày đầu cách mạng tháng tám. Năm 1954, anh khai trong lý lịch cá nhân: cha chết, mẹ chết. Ai hỏi về lai lịch của anh, anh cũng đều nói như thế. Anh cứ mang mặc cảm,  mình bị mẹ bỏ rơi. Anh hết sống vài ba năm bên phía ngoại, lại vài ba năm bên phía nội. Mai, thành phố này. Mốt, thành phố kia.

 

Khi xa nhau, tôi cứ nghĩ mãi về Châu Nhị. Hắn đã để những ấn tượng cho tôi về lòng hận thù. Chỉ trong cơn say, hắn mới lộ ra con người yếu đuối. Hắn gọi mẹ ơi mà nước mắt chảy dài. Đối với mọi người gặp hắn, ai cũng nói hắn cứng cõi, nhưng nói chuyện lại có duyên. Hắn hay đem mình ra làm trò cười cho thiên hạ. Cũng như hắn hay chọc ghẹo người thân, bạn bè, bằng cách nhái lại từ giọng nói đến dáng đi mà người ấy không thể làm khác được dù biết rằng đó là những khuyết điểm, không mấy đẹp đẻ. Khi biết những chuyện thầm kín hay những lỗi lầm của người đã từng nuôi nấng mình, hắn cũng châm biến, kể lại cho người khác nghe, nên hắn thường làm họ khó chịu và lìa xa hắn. Ngược lại, với những người già, nhất là các bà mẹ của các bạn bè mình, hắn thường hỏi han ân cần và xưng hô mẹ con, thân thiết. Các bà mẹ chỉ biết mắng yêu hắn.

 

Huế, quê nội của tôi. Và, Huế cũng quê nội của Châu Nhị. Nhà từ đường của tôi ở làng Ngọc Anh, còn hắn ở Vĩ Dạ. Cùng chung một con đường nhựa, dẫn qua Đập Đá. Cả hai chúng tôi đều không nói giọng Huế, có muốn cũng không được, vì xa Huế, và ở miệt trong, uống nước sông khác sông Hương, hít thở khí trời khô ráo, nên giọng nói từ nhỏ chúng tôi đã đổi thay.

 

Một lần, đến ngày giỗ kỵ ông nội Châu Nhị, hắn rủ tôi về nhà từ đường hắn chơi. Bà O già trông thấy hắn, mắng yêu: “Tổ cha mi, sao lâu ngày, mi làm chi, chừ mới về thăm tau. Mi có biết làm tau nhớ mi không?” Hắn ôm vai bà O rồi cười trừ. Người O già, dáng nhỏ nhắn, da mặt nhăn nheo, lưng đã còng, nắm lấy tay hắn, thỏ thẻ nói: “Tổ cha mi, thấy mi là tau nhớ đến cha mi, người em trai mà thuở trước tao thương nhất nhà, nhưng nghĩ đến mẹ mi tau lại giận hờn. Sao mụ ấy lại nỡ bỏ thằng con trai của mình, theo thằng Tỵ làm Việt Minh ra tận ngoài Bắc. Tội nghiệp thằng cháu đích tôn của tôi…” Bà O sắp chảy nước mắt, nhưng cũng đành nở nụ cười mếu máo khi nghe Châu Nhị chọc cười.

 

Trên đường về lại nhà, ngang qua những cánh đồng ruộng thơm mùi lúa chín, Châu Nhị tâm sự với tôi: “Mày hiểu vì sao tao không sống với ai được ở phía nội tao. Tao còn ông chú ruột và mấy bà O già. Gặp tao ai cũng trách móc mẹ tao. Còn tao chỉ hận lão ấy”.

 

Bấy giờ, tôi mới nghĩ đến những mũi dao Châu Nhị thường phóng vào cánh cửa gỗ thông căn phòng của tôi. Lúc đầu, hắn kiếm đâu ra một con dao găm đã sét rỉ, sau đó, hắn mài cho sắc bén, đến nỗi rọc giấy ngọt sớt. Thường thường, buổi chiều đóng cửa lại, hắn tập phóng dao. Ban đầu hắn vẽ một quả tim. To bằng cái nia. Bên trong nghệch ngoặc một chữ T. Đứng cách điểm đích vài bước, hắn cầm con dao, chòm người phóng tới. Từ từ, quả tim nhỏ lại, chỗ đứng càng cách xa. Con dao phóng tới, ghim thẳng, dính chặt lên chữ T. Bao nhiêu thắc mắc của tôi mới được giải bày. Tôi không ngờ chữ  là chữ viết tắc, tên người đàn ông, mẹ hắn đã gắn bó. Bấy lâu, tôi tưởng đó là tên của một người con gái nào đó trong đời đã làm hắn đau khổ đến hận thù. Tôi không dám hỏi, sợ chạm đến vết đau của hắn.

 

Khi không cầm nỗi nổi đau thương, hắn vừa phóng dao xong, đến rút dao ra, hắn lại hát: “Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẻ bàng…” Hắn lẩm bẩm một mình: “Bấy lâu, mình cứ tưởng hình ảnh chàng lướt đi ngoài sương gió là cha mình ngày xưa. Ai ngờ là ông ta. Đã sáu năm rồi, sao chưa hòa bình, gặp lại hỏi cho ra lẻ là bà theo ông ta hay ông ta dụ dỗ bà.” Châu Nhị ấm ức khóc.

 

Bấy giờ, tuổi chúng tôi chưa tới hai mươi. Tuổi của mơ mộng. Trong tâm hồn chúng tôi chỉ mang một hình bóng yêu kiều của một cô bạn gái như một thần tượng. Trong sáng. Nên thơ. Nhưng đối với Châu Nhị, hắn làm như một người từng trải, lỏi đời. Hắn thường bỉm môi, chê bai những người con gái mà chúng tôi đang mê muội, ấp ủ. H. có dáng cao thon, nhưng đi đứng ẻo lả, chắc qua cầu Trường Tiền, lắc lư người như cành liễu phất phơ trước gió. Ng. có đôi mắt to, đen, lúc nào cũng long lanh như có giọt sương đọng lại. Nụ cười duyên dáng, môi mỏng và phớt hồng, đã từng làm điêu đứng vài anh chàng biết làm thơ viết truyện. Châu Nhị lại phán một câu: “Đẹp, nhưng có mùi hôi nách”. Hắn làm chúng tôi chưng hửng, bực mình. Không đứa nào dám thổ lộ ra với hắn về một bóng hồng nào mà mình đang ấp ủ. Kể cả tôi.

 

Đúng, hắn lúc nào cũng có vẽ xem thường phái nữ. Hắn ăn nói cộc lốc, hoặc châm chọc những cô gái mà hắn gặp, dù là những cô em gái bạn dì, hay những người O nhỏ. Ai cũng đợi chờ đến một ngày nào đó hắn sẽ rơi vào cơn mê tình ái, người con gái đó như thế nào, và hắn sao sao?

Hắn làm tôi ngạc nhiên vô cùng, nhất là khi tôi chứng kiến cảnh tiễn đưa của hắn với người con gái, mà chúng tôi đã chọn bầu làm một trong những người đẹp nhất của trường. Tôi kể lại với bạn bè, nhưng họ không tin, cứ cho tôi phịa chuyện, như một truyện ngắn mà tôi đang hình thành.

 

Trước đó, hắn có kể cho tôi nghe ngày đầu tiên hắn gặp Bích – tên cô gái đó. Hắn cho biết đó là chị ruột của Vũ, một thằng bạn cùng lớp. Mẹ Vũ thương hắn lắm. Bà thích hắn kể chuyện, không phải chuyện đời thường mà là chuyện cổ tích. Hắn kể chuyện, có duyên, hấp dẫn người nghe. Hắn còn diễn tả câu chuyện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười. Chính tôi cũng còn mê hắn kể, nhất là những chuyện thần tiên bên bếp lửa, dù tôi có đọc rồi. “Chú lính chì” cụt chân, đứng nhìn cô gái khiêu vũ đã làm tôi cảm động. Hắn cứ ví hắn như chú lính chì đó. Tôi hỏi: còn cô gái kia là ai. Hắn cười và nói: Bích. Sau này, khi yêu nhau, Bích cho biết, cô đã từng núp sau cánh cửa phòng, ngồi nơi bàn học, mà lắng tai nghe hắn kể chuyện, như Mỵ Nương đợi chờ tiếng tiêu của chàng Trương Chi. Còn hắn, tâm sự với tôi về buổi chiều hai người chạm mặt nhau. “Khiếp, đến chơi nhà Vũ đã lâu, mới khám phám ra hắn có cô chị thật đẹp, yêu kiều. Đôi mắt mí lót, như một con búp bê Nhật bản, lại có sức hút mạnh mẽ, làm chao đảo tao đến tận tâm can.” Từ đó, hắn hay đọc những bài thơ của bạn bè trong nhóm văn nghệ của tôi đến thuộc lòng. Hắn bảo hắn mượn tạm là tác giả, để ngâm thơ cho nàng nghe.

 

Thường, vào những buổi chiều thứ bảy, Bích đến thăm Châu Nhị. Tôi phải lánh mặt, qua chơi phòng bên cạnh với một ông lão, ngồi nghe ông ta nói chuyện đời mà ông đã để lại ở miền quê, bên kia vĩ tuyến 17. Bên này, thỉnh thoảng chúng tôi ngừng lại câu chuyện để nghe giọng ca thánh thoát, buồn buồn của cô gái như một lời nỉ non. “Em đến thăm anh một chiều mưa. Mưa dầm dề đường trơn ướt….”

 

Đúng như lời bài ca. Có một buổi chiều mưa, mưa dầm dề, Bích đến thăm Châu Nhị. Khi ra về, Bích mặc chiếc áo mưa màu vàng, và, Châu Nhị đi bên cạnh tiễn đưa vẫn chiếc áo sơ mi bạt màu. Mưa rơi làm ướt áo, nhưng hắn vẫn tỉnh bơ, chân bước từng bước trên con đường lầy lội. Ra khỏi ngõ, đến đường cái nhựa hắn mới chịu chạy ào về. Để sau đó, hắn phải cảm lạnh suốt mấy ngày. Hắn bảo: “Khi biết tao bệnh thì Bích lại đến thăm, chăm sóc tao.” Bích đến thật và nàng thút thít khóc. Châu Nhị vỗ về nàng.

Trước khi chia tay nhau. Bích đem đến tặng Châu Nhị một gói quà nhỏ. Mở ra, mới thấy một cuộn tóc mới cắt. Một tấm hình chân dung Bích với mái tóc dài buông xỏa quá vai. Phía sau đề mấy câu thơ, viết bằng mực đỏ, chữ nghiêng, nắn nót. Lời thơ mộc mạc của một người con gái mới biết yêu lần đầu.

 

Mãi đến bây giờ, tuổi đã xế chiều, tôi vẫn còn nhớ.

 

Mỗi người mỗi phương trời cách biệt. Từ đó tôi không gặp lại Châu Nhị, vắng đi gần mười năm. Cho đến một đêm, tình cờ, trong vũ trường ca nhạc, chúng tôi mới gặp lại nhau.

 

Một vài năm trước, tôi biết tin về Châu Nhị qua báo chí. Ảnh và bài viết ca ngợi Châu Nhị - một sĩ quan cảnh vệ - đã cứu thoát nạn một vụ địch mưu sát một ông Tướng lãnh, trên đường ông ta về làng thăm gia đình. Người ta ca tụng Châu Nhị, một sĩ quan trẻ, bắn súng tài tình, phóng dao chính xác và võ nghệ cao cường, đệ tam đẳng Judo. Tính tình hào hoa phong nhã. Châu Nhị đã từng cứu người từng bị bọn lưu manh cướp giật, hoặc binh vực những người con gái yếu đuối, đi về ngang qua những con đường vắng. Sau này, Thành cũng kể cho tôi nghe những thành tích của Châu Nhị. Hắn đã từng đấu võ với một sĩ quan Đại Hàn, khi tên kia đã có những cử chỉ vô lễ với một thiếu nữ.

 

Bấy giờ, tôi nhìn kỹ Châu Nhị, hắn đã thành người đàn ông chững chạc, khuôn mặt đầy mụn và rám nắng. Đôi mắt lạnh lùng, không như ngày nào hồn nhiên. Hắn bỏ mấy người bạn ngồi ở một bàn khuất sau cái cột trụ tròn, đến ngồi đối diện với tôi. Người chiêu đãi, tha thướt trong chiếc áo dài màu huyết dụ mang đến cho hắn một cốc rượu, cô ta cười duyên với hắn, như đã quen từ lâu. Cả hai chúng tôi, cầm ly rượu, uống mừng ngày tao ngộ. Tiếng hát Khánh Ly cất lên bài Diễm xưa. “Chiều này còn mưa sao em không lại…” Bỗng dưng, tôi nhớ đến Bích. Và, tôi đọc lại cho Châu Nhị nghe bốn câu thơ của Bích tặng hắn ngày nào. Hắn cười bảo tôi: “Sao cậu nhớ dai thế.” Tôi hỏi tin về Bích. Hắn trả lời gọn bơ: “Nàng đã lấy chồng.” Rồi hắn nói nhỏ lại, như tự vấn lòng mình: “Phải biết quên để mà sống”.

 

Trong câu chuyện, hỏi thăm nhau, tôi mới biết Châu Nhị đã giải ngủ, cũng như thôi làm cảnh vệ, vì man khai lý lịch. Khi bên an ninh quân ninh điều tra ra mẹ hắn đi tập kết ra Bắc chứ không phải đã chết. Ra về, tôi quên hỏi địa chỉ của hắn cũng như tôi chưa cho hắn biết nhà tôi đang ở.

 

Sau này, tôi mới biết hắn làm “đại ca” bảo vệ cho Phòng trà Q.B. Trong giới giang hồ ở Sàigòn, tiếng tăm hắn lừng lẫy, làm những băng nhóm khác phải kiêng sợ. Sinh nghề tử nghiệp. Báo đăng tin: Châu Nhị bị thanh toán trong khi tranh giành nhau ngôi vị “Đại đại ca” với một đại ca khác. Châu Nhị bị tên kia bắn chết tại chỗ, nơi chiếc bàn mà chúng tôi đã ngồi với nhau, trong phòng trà đó. Bài viết tin ngắn. Không tâng bốc, như ngày nào, một Châu Nhị anh hùng đã cứu ông Tướng. Giờ, hắn chết như một tên cướp. Bấy lâu, tôi có ác cảm với những bài viết, bản tin của mấy ký giả báo ngày. Bây giờ, tôi càng ác cảm với họ nhiều hơn khi họ viết về cuộc đời của Châu Nhị không đúng chút nào cả. Tôi chỉ buồn cho một người bạn đã chết. Thế thôi. Thời gian qua đi, rồi, cũng quên.

 

Nỗi ray rức về cái chết của Châu Nhị chỉ làm tôi thao thức mãi, khi tình cờ nghe được mẫu chuyện của hai người lính tâm sự với nhau, trong một đêm, ở nhà lao quân vụ thị trấn. Trong gian phòng nhỏ, kín bít, tối ôm, nồng nặc mùi ẩm mốc. Hai chiếc giường sắt, chất chồng nhau. Tôi, phía dưới, hai người sĩ quan, phía trên. Họ từ chiến trường, về thành phố, không có giấy phép, bị bắt nhốt để mai trả về đơn vị. Họ cũng trẻ như tôi. Họ nói chuyện với nhau về Châu Nhị. Tôi phải lắng tai nghe. Họ phục Châu Nhị lắm. Và, họ cung cấp tin trái ngược với tin mà báo chí đã đưa ra về Châu Nhị.

 

Trong bóng tối dầy đặc, tôi nghe một tiếng thở dài, rồi mới đến lời kể, buồn bã, về cái chết của Châu Nhị. Một trong hai người sĩ quan đó có mặt tại Phòng trà Q.B., và, họ đã chứng kiến cảnh cuối đời của Châu Nhị. Kẻ giết Châu Nhị, bằng khẩu súng lục, chỉ vì bất cẩn. Đó là cậu học trò, miệng còn hôi sủa, vừa mới thi rớt Tú Tài I, ngày mai chuẩn bị nhập ngủ, vào trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, để rồi sau đó ba tháng, phải ôm súng ra ngoài chiến trường, đâu đó. Hắn là em họ của gã sĩ quan kể chuyện. Buổi chiêu đãi tiễn đưa, tại Phòng trà Q.B. Hai anh em hắn cùng vài người bạn, mặc quân phục, mang lon đội mão, uống cả một chai rượu wishky. Trong ánh đèn mờ ảo, nhấp nhá. Trong tiếng kèn đồng thống thiết. Trong tiếng trống rộn ràng. Cùng giọng ca nghẹn ngào của người ca sĩ có giọng trầm đục, khàn khàn, như vừa uống rượu xong. Những bản tình ca lãng mạn. Những tình khúc mang nỗi sầu muôn đời của tình yêu, bẻ bàng, dang dỡ. Từng cặp trai gái ôm nhau nhảy. Trong cơn men, ngà ngà say, tất cả chung quanh, mọi vật, mọi người đang chao đảo trước mặt. Thằng học trò, giật lấy khẩu súng của bạn người anh, định bắn vào một bóng đèn nào đó, hắn tưởng như mình đang ở ngoài sân trường, còn mình thì cầm chiếc ná cao su bắn vào một cành hoa phượng, để những cánh hoa màu đỏ rơi tả tơi xuống sân trường, tiễn đưa hắn rời mái trường xưa để bước chân vào quân ngũ. Tiếng nổ làm kinh động mọi người, họ cứ ngỡ là của quân biệt động thành phá hoại, nên bỏ chạy, xô đẩy nhau, thoát ra ngoài. Còn ở góc bàn kia, một người đàn ông đang ôm lấy ngực. Máu trào ra, lai láng. Tiếng thét của hai người cùng bàn. “Ai dám giết đại ca Châu Nhị.” Một người đỡ lấy thân thể Châu Nhị đang ngã xuống. Người kia, rút dăm găm, từ từ tiến đến chỗ phát ra tiếng súng. Đằng này, thằng học trò run rẩy, thả rơi khẩu súng, nước mắt chảy ròng, miệng lẩm bẩm, thốt lên như một lời ăn năn: “Mẹ ơi! Con đã giết người.” Để bảo vệ thằng bé, những người cùng ngồi chung một bàn, đứng vây quanh, và sẵn sàng chiến đấu. Nhưng tiếng người kia gọi: “Đại ca bảo hãy để thằng bé kia đi.”

 

Hai người sĩ quan hỏi nhau:

- Thế ông có hiểu vì sao không?

-  Mãi đến giờ, một năm đã trôi qua. Thằng học trò đó đã chết ngoài mặt trận Nam Lào. Tôi vẫn thắc mắc. Chịu thua.

 

Riêng tôi, tôi hiểu. Châu Nhị nghe được tiếng thằng bé gọi Mẹ ơi một cách thống thiết, nên hắn không nở thanh toán kẻ đã vô tình bắn mình. Từ lâu, Châu Nhị vẫn giữ trong tim một tình yêu mẹ, mặc dầu anh cứ mang mặc cảm là mình bị mẹ bỏ rơi. Nếu thằng bé không kêu lên hai tiếng Mẹ ơi, tôi biết nó sẽ lãnh một ngọn dao găm ngay vào tim chết ngay, trước khi Châu Nhị gục xuống.

 

Cả hai cùng, chách lưỡi, thở dài như tiếc rẻ:

- Một đại ca Châu Nhị oai hùng lại chết dưới tay một kẻ vô danh, tiểu tốt.

- Và, chết lãng nhách.

 

*

Qua bao năm rồi, tôi không biết tin vào đâu về cái chết của Châu Nhị, để lòng mình thanh thản hơn. Giờ đây, tôi lại nhớ đến cuộc chơi đá gà ngày nào. Và tôi hiểu vì sao tôi đã biến con gà trống lai thành một con gà nòi, đã giết chết bao nhiêu con gà nỗi tiếng, làm đau lòng những người chủ nuôi nấng, trông cậy vào nó. Cuối cùng tôi phải trả nó về với cái vô danh mà tôi đã dấu mọi người. Từ đó, không bao giờ tôi chơi gà chọi. Còn Thành, vẫn tiếp tục, cho đến ngày anh cùng gia đình lên máy bay qua Mỹ.

 

Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn thường liên lạc, qua e-mail. Như hôm nay, tôi hỏi: “Chỗ Thành ở, có nghe được tiếng gà gáy không?” Anh trả lời: “Không. Buồn quá. Nhớ nhiều về quê hương. Nhớ lại cuộc chơi gà. Cùng con gà lai vô danh của cậu?

Bấy lâu, tôi cứ tưởng Thành không biết.

Té ra, hắn giả vờ./.

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1849
Ngày đăng: 18.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Đàn Bà Bán Lộc - Phan Trang Hy
Vùng Đồi - Phạm Văn Nhàn
Nhà ếch /Chuyện hết sách - Trần Hạ Tháp
Ai đã bỏ muối vào máu tôi? - Trân Sa
Khỏa thân đêm - Nguyễn Thị Thanh Bình
Khóa xuân - Quý Thể
Đêm Núi Và Nhạc Buồn - Lê Văn Thiện
Hư Nhỉ - Đỗ Bàn
Gươm Đàn Nửa Gánh - Nguyễn Thanh Hiện
Bến Tình - Nguyễn Minh Phúc