Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.135
123.140.763
 
Bóng chiều hôm
Nguyễn Thanh

1
Sau giải phóng năm năm, tôi nhận chăm sóc, phụng dưỡng ông ngoại – ông Trần Đăng – Sáu Đăng – bộ đội thời chống Pháp đã nghỉ mất sức cách nay khá lâu. Bắt đầu công việc vừa kể chỉ đơn giản một buổi chiều má tôi đi thăm cậu mợ Út từ chợ Cà Mau trở về, chưa rớt chiếc giỏ xách khỏi người đã lên tiếng gọi tôi giật giọng : “Xiếu đâu? Xiếu ơi! Ra má nói nầy nghe...” Không đợi tôi bước tới cửa, má tôi nói một thôi một hồi : “Chuyện là vầy : từ nay con thay thế thằng Bằng nuôi ông ngoại. Thằng Bằng được cậu mợ Út xếp về chợ học rồi. Nhà mình ngang sông, không ai nuôi ông ngoại tiện hơn. Với lại khi con cưới vợ, cậu mợ hứa với má sẽ cắt cho mình mượn vài công đất để kiếm đủ lúa ăn giáp hạt...” Nghe má nói, tôi lờ đi việc cưới vợ, cưới nợ, nhưng với ông ngoại, tôi mau mắn đáp để má yên tâm : “Con đoán trúng thôi, số con phải bảo vệ Thiếu tướng!”

 

“Thiếu tướng” do tôi phong tặng quân hàm cho ông. Là vì nhiều người biết ông đi suốt chín năm kháng Pháp, và nếu  không nghỉ mất sức sớm, ông có mặt thêm hết chặng đường chống Mỹ thì ắt hẳn ông sẽ được công thành danh toại cũng nên!

 

Thế là từ buổi chiều hôm đó tôi thay thế công việc thường nhật của thằng Bằng. Bằng do dự, buồn bã mấy hôm vì phải xa ông nội, xa tôi, xa con rạch Đường Tắt có màu nước đỏ bầm từ U Minh Hạ đổ ra đã gắn bó với nó từ tấm bé. Nhưng rốt cùng, Bằng phải tuân theo sự sắp xếp của cậu mợ Út, đặc biệt cậu Út người có công lao trong kháng chiến nay ngấp nghé trưởng đầu nghành tỉnh. Tôi biết cậu Út đắn đo không ít về  cuộc sống của ông ngoại khi tuổi về già. Nếu cậu hạ cánh ngay lập tức để về phụng dưỡng cha già ở quê coi như gãy đổ nhiều thứ : Con đường thăng tiến của cậu. Đời sống xa hoa của mợ. Việc học hành của ba đứa con... Phương án tối ưu, ban đầu, cậu cắt thằng con trai đầu lòng – thằng Bằng – để lại trong ruộng với ý định “hy sinh” một để cứu cánh nhiều thứ khác. Nhưng không hiểu sao gần đây cậu quyết đưa thằng Bằng ra chợ học cấp ba hệ bổ túc văn hóa.

 

Khi ông ngoại được sang tay nuôi dưỡng, đặc biệt được má tôi lui tới chăm sóc, ông tỏ ra hài lòng, ông vui. Nhưng vì tuổi già sức yếu, cộng với mỗi tháng đáo bịnh một lần, người ông như tàu lá héo. Dáng liêu xiêu. Đầu bạc trắng. Lưng còng. Hai hàm răng vẫn còn nguyên vẹn, trắng nhởn mỗi lần nhìn tôi cười.

 

Thú thực, tôi may mắn hơn thằng Bằng vì được học hết cấp ba phổ thông cộng với mấy năm đi nghĩa vụ quân sự đánh nhau với giặc diệt chủng Pôn Pốt ở mặt trận phía Tây Nam nhưng nhiều lúc tôi hơi sờ sợ trước cái cười vô hồn của ông ngoại. Còn con gái của cậu Út – con Thùy em kế thằng Bằng – có lần từ ngoài chợ về thăm quê lí lắc rủ rê tôi xúm nhau bẻ răng ông ngoại! Con bé lấy cớ người già răng còn chắc, khi chết không rụng răng, đám con cháu sẽ bị nghèo chí chết. Dĩ nhiên có người lớn mách bảo, nhưng tôi nghĩ con Thùy nói có lý vì điểm lại anh em của má tôi đều nghèo, trừ cậu Út, nhưng thực ra cậu Út coi ngành giấy tờ chẳng có bổng lộc gì cho cam!

 

Con Thùy về thăm ông nội hai lần rồi viện cớ phải học thêm Anh văn, học ngoài giờ... mất biến. Riêng thằng Bằng thỉnh thoảng vài tuần lễ về Đường Tắt một lần, mang theo cho ông nội lỉnh kỉnh thức ăn, vật dùng : Mì ăn liền, bánh ngọt, bột giặt, bột ngọt, đá lửa, thuốc hút, có cả chiếc ra- đi-ô nhỏ xíu phải kè hai cục pin nhất phía ngoài... Thời dùng tem phiếu cậu mợ phải cắc ca cắc củm mới có được những thứ quý hiếm gởi về cho ông ngoại tôi trước nhiều cặp mắt tò mò của người Đường Tắt lúc bấy giờ.

 

Đáp lại sự lo lắng của cậu mợ Út, lúc người khỏe ra, ông ngoại tôi thường cặm cụi ngoài vườn đắp mô trồng cây, chăm chút toàn những cây ăn trái lâu năm – những xoài, mít, mận, dừa, tre, trúc... Thấy ông ngoại dầm mưa dang nắng, sốt ruột, má tôi qùng quằng: “Ba ơi là ba ơi! Ba già rồi trồng chi mấy thứ đó cho cực. Ba vào nhà nghỉ cho con cháu nó nhờ!” Nghe má tôi nói, ông dừng tay vẻ không vui. Ông nói : “Con nầy mới lảng không? Em Út mầy hết quan, hoàn dân, về hưu phải có của ăn của để. Mầy im đi, đừng bàn!”

 

Tính ông bộc trực, nóng nảy đến khô khan. Má tôi can ngăn không được bèn bỏ vào nhà quét dọn, sửa sang từ phía sau ra tới cửa trước. Có một lần má tôi lục soạn lôi từ trong ngăn tủ ra mấy trái đu đủ chín cây màu mỏ vịt. Má hỏi : “Ông ơi là ông ơi! Trái chín hết đây nè không ăn kẻo nó thúi, uổng lắm!” Lần này trông ông cười hiền nheo cả hai mắt : “Quên!... Tiên tổ mầy! Tao để dành cho thằng Bằng với con Thùy khi về có sẵn để ăn. Quên cái nỗi gì!” Má tôi đứng lặng yên nhìn ông tôi. Mái tóc điểm sương ngả trắng bềnh bồng của má gần giống tóc ông ngoại.

 

Rồi sau đó không lâu, thói quen san sẻ, lo lắng bao đồng của người già trải tới chỗ đặt chiếc giường ngủ của má tôi bị mưa tạt ướt. Nhân lúc mẹ con tôi đi vắng, ông tôi đứng ngắm nghía lên mấy giọt sáng trắng do ánh nắng từ ngoài chiếu thẳng vào nhà qua những kẽ vách bị sút sổ ra. Mảnh vách lá bị thũng dột cao vượt khỏi tầm tay ông. Phải dùng tới một chiếc ghế đẩu, và phải đi vòng ra phía đầu song nhà mới vá víu được mảng vách bị rách. Buộc xong mấy nuộc lạt kết dính vài tàu lá khô, chiếc ghế không còn chỗ trụ vững khiến ông bị đổ nhào xuống đất. Khi mẹ con tôi về đến nơi, ông tôi được người nhà bên cạnh kịp lúc đưa ông vào nhà và đặt nằm sóng soài trên vạc. Khác hẳn lúc lôi ra từ trong ngăn tủ mấy trái đu đủ chín cây màu mỏ vịt, má tôi vừa quạt cho ông vừa lắc đầu. Má chịu thua.

 

Năm năm trôi qua. Ông tôi tròn tám mươi tuổi. Cậu Út tôi vẫn chưa nghỉ hưu. Thằng Bằng do học đắp vá hệ bổ túc nên thi trượt Đại học khiến ông tôi buồn lắm mặc dù những cây lâu năm do một tay ông trồng nay đã đơm hoa kết trái đợt đầu. Nhà vắng. Vườn vắng. Thêm nữa, ông không hút thuốc lá, không ghiền rượu ghiền trà nên có rất ít bạn già đến chơi. Trước tình cảnh đó, quen thói trò khỉ, tôi đứng nghiêm trước mặt ông và trình với ông một sáng kiến : “Thưa Thiếu tướng! Tới nay cậu Út chưa nghỉ hưu nên có lịnh trên rước bà Ba Thợ về đây ở hủ hỉ với Thiếu tướng. Thiếu tướng đồng ý?” Tôi vẫn đứng nghiêm trước mặt ông. Ông tôi ngồi thẫn thờ một lúc, gương mặt ngơ ngác, dài dại hướng về phía tôi hỏi gạn : “Bà Ba Thợ nào vậy? Bà Chín Đào đó à?...” Tôi giật mình nhưng cố tự nhiên đáp : “Không! Ở Đường Tắt không ai tên Chín Đào, chỉ có một bà Ba Thợ!” Ông tôi khẽ lắc đầu. Còn tôi cố gán ghép bà Ba Thợ cho ông. Bởi lẽ bà Ba góa chồng, người từ miệt trên cùng chồng đổ xuống tới xóm Đường Tắt hành nghề thợ mộc. Thời trẻ bà nổi tiếng có nhan sắc, và cho tới nay trên bảy mươi, gương mặt bà vẫn còn thẳng thốn, người phốp pháp, đẫy đà. Bà có tình cảm với ông ngoại tôi. Vì vậy, tôi không bỏ qua trò khỉ, hỏi tiếp: “Thiếu tướng thấy thế nào? Đồng ý?” Ông tôi vểnh một bên tai về phía tôi vừa cười đến nhăn nheo cả khuôn mặt. “Cái con khỉ mầy!” Ông thốt lên rồi bỗng sa sầm nét mặt, hai mắt lừ lừ nhìn tôi và nói như quát : “Ai gán bà Ba Thợ cho ông vậy? Cấp trên là má mầy? Ừa, đưa với rước... Tao đốt nhà!” Tôi bị cụt hứng bèn ngồi xuống nắn bóp hai bàn chân ông. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì lần đầu tiên tôi được nghe ông nhắc tới tên một người rất xa lạ – Chín Đào! Tôi ngồi cố moi ra trong trí nhớ nhiều chuyện kể của má về ông ngoại.

 

Trước khi trở thành anh bộ đội Việt Minh, ông ngoại tôi đã dứt bỏ một quãng đời trai trẻ ăn chơi trác táng, ngang nghạnh nổi tiếng ở đất Tam Bình. Ông bà cố tôi vốn chiều con, đặc biệt với đứa con trai độc nhất, cộng với gia đình thuộc loại khá giả có ruộng có vườn ở làng Tường Lộc, có trại mộc tại chợ Tam Bình đã góp phần làm vung vinh thói hay đấm ngực để hù dọa hoặc vòi vĩnh, đèo bồng của Trần Đăng. Mười sáu tuổi, Trần Đăng bỏ học, từ thị xã Vĩnh Long trốn theo gánh hát Nhựt Hồng vì mê già Bảy Hương làm diễn viên có tài phóng lao. Đích thân ông cố tôi đi tìm gặp ông Bầu gánh hát, gặp già Bảy Hương để bắt con về. Rời gánh hát, Trần Đăng day vào sòng cờ bạc, mỗi lần thua phỏng tay, Đăng về nhà đấm ngực đòi tiền. Ông cố tôi chắc dạ, vờ đi. Trần Đăng liền xoay qua bà, vẫn tật đấm ngực thình thịch để moi tiền bà cho bằng được mới thôi. Hăm sáu tuổi, Trần Đăng trải qua ba đời vợ. Đó là những người vợ chính thức được ông bà cố tôi mướn ghe bầu hai chèo mũi, hai chèo lái, chiếu trải sạp bày lỉnh kỉnh khay trầu rượu, mâm bàn đi kết nghĩa thông gia. Chưa kể những đối tượng “trăng hoa” dạo Trần Đăng làm tài xế kiêm lơ xe khách đường lục tỉnh...

 

Mãi cho tới trận Rạch Gòi, Tầm Vu trên quốc lộ 4 nổ ra khiến Tây tà ở Ô Môn, Trà Ôn, Tam Bình khiếp sợ, và chính sự kiện đó đã thu hút được nhiều người, trong đó có ông Bầu gánh hát Nhựt Hồng, già Bảy Hương, Trần Đăng...

 

Ông Bầu gánh hát, già Bảy Hương lui vào Bưng Sen, Bưng Vông đầu quân đánh Tây. Còn Trần Đăng lặng lẽ cùng bè bạn theo đường Trà Mòn vượt qua quốc lộ 4 tới mặt trận Tầm vu. Thoạt đầu, Đăng làm dân công hỏa tuyến theo những chiếc xe trâu tiếp tế lương thực cho bộ đội Việt Minh, và sau một thời gian khá dài được thử thách tại chiến trường Ô Môn, Tam Bình, Trần Đăng được tuyển vào đơn vị bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu. Được tin, ông bà cố tôi vô cùng mãn nguyện.

 

Hai năm sống trong quân ngũ, được giao tiếp với nhiều người cùng trận tuyến, Trần Đăng phải lòng phải dạ một phụ nữ đang là thành viên Ban phụ vận huyện Tam Bình. Đo là cô Hai Lành người Rạch Voi, làng Thiện Mỹ được tính được nết. Bắt nguồn từ nhiều dịp gặp gỡ tại cơ quan Phụ vận huyện, sang Tỉnh đội Việt Minh hai tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, dọc đừơng hỏa tuyến, nhiều lần về Rạch Voi làm khách được cô Hai Lành thếch đãi cơn canh thêm món lá chiết chấm với cá cơm kho lạt, đặc biệt được sự chấp thuận của ông bà cố tôi, dẫn đến lễ thành hôn cho hai người...

 

Ông bà cố tôi càng yên tâm và mãn nguyện, tự cắt một phần đất ruộng ở Tường Lộc hiến cho Việt Minh để tran trải cho người thiếu đất cày cấy. Vợ chồng Trần Đăng thăng tiến, ăn nên làm ra. Nhưng sự đời không bằng phẳng, suông sẻ như ông bà cố tôi tưởng. Sau khi thành vợ thành chồng, được hai mặt con (đó là má tôi và cậu Út tôi) Hai Lành từ trần đột ngột qua một cơn đau tim nặng. Chôn cất người xấu số xong, Trần Đăng mới về tới nhà đứng khóc ngon khóc ngọt bên cạnh cầu ao nơi Hai Lành thường ngồi rửa chén. Từ một người đàn ông vạm vỡ, nhanh nhẹn bỗng biến thành một ông già hay ngồi trầm tư trước bữa cơm bày ra lá chiết với món cá cơm kho lạt...

 

Chuyện đại để là như vậy. Dứt khoát không có tên Chín Đào xen vào đời tư ông ngoại tôi. Tôi tò mò muốn day vào chuyện nóng hổi – một cái tên rất xa lạ – nhưng thấy ông ngồi im thinh giờ lâu, mặt cứ nhìn ra bóng nắng trước sân, đành thôi vậy.

 

Tính ông vui đó, buồn đó ; giận dỗi, nóng nảy chốc lát lại dịu đi, rất dễ làm lành. Thấy ông trở lại trạng thái bình thường tôi nói khẽ : “Thưa Thiếu tướng! Mời Thiếu tướng dùng cơm!”. Nói xong, tôi đỡ ông đứng dậy, nâng một cánh tay ông choàng qua vai tôi, dìu ông xuống xuồng.

 

Cứ như thế, mỗi ngày bốn bận tôi đưa rước ông sang sông. Càng về sau nầy, mỗi lần ăn uống xong, ông thúc tôi mau mau đưa ông trở lại nhà. Ông thường bị lẫn và hay quên. Sức khỏe ông có lúc báo động. Chẳng những một mình tôi mang vác mùng mền sang nhà ngủ canh chừng ông ngoại mà có thêm má tôi ngồi chầu chực bên ông.

 

Có một đêm ông nằm lăn trở trên vạc, lúc nghiêng người ra phía vách mùng, lúc nằm ngửa bất động, hai chân duỗi thẳng và hai bàn tay ắp lên bụng khiến tôi không rời cây đèn bão soi ngoài vách mùng, còn  má tôi áp sát chỗ ông nằm hơn. “Con Hai đây mà! Còn thằng Xiếu?...” Ông nói giọng thều thào. Tôi lên tiếng và áp sát bên ông. Đôi môi ông khô cứng, mấp máy : “Có mặt con Hai! Có mặt thằng Xiếu! Có đủ hai mẹ con! Còn thằng Bằng? Còn bà Chín Đào đâu không thấy về?” Má tôi ngẩng người về phía tôi, ngơ ngác như thầm hỏi : Việc gì xảy ra với ông ngoại? Má tôi trong trạng thái bối rối, lo lắng...

 

Sau một cơn mê sảng giữa đêm của ông ngoại trước mặt má tôi thành mối quan tâm lớn trong gia đình tôi. Má tôi hay phóng to lên nhiều việc nan giải trong đời bà do quá nhiều lo lắng, khắc khoải của một người đàn bà góa bụa kể từ khi ba tôi qua đời vì một cơn cảm lạnh đột ngột trên chiếc ghe cui chuyến về thăm nguyên quán Tam Bình ; kế tiếp chị Hai tôi hy sinh trên đường giao liên do bom B52 rải thảm ở Hương Mai, Khánh Lâm. Lập tức, má tôi kéo tôi, kéo thằng Bằng, kể cả cậu mợ Út (dĩ nhiên mợ Út là người dưng nước lã vô tích sự) đều vào cuộc truy tìm tên Chín Đào trong nhiều mối quan hệ bạn bè đồng chí của ông ngoại tôi. Má tôi lập đường dây liên hệ về nguyên quán bắt đầu từ làng Tường Lộc đến chợ Tam Bình, ra rạch Ô Trư, Bưng Sen, Bưng Vông thuộc làng Bình Ninh;  sang Rạch Voi, Rạch Cống của làng Thiện Mỹ... Có không biết bao nhiêu địa danh ở Nam Bộ nổi lên trong trí nhớ của má, của cậu mợ Út tôi... Và rồi rốt cùng, má tôi vẫn tìm ra nguyên quán một bà Chín Đào mà ông tôi đến cuối cuộc đời mới nhắc tới.

2

Đo là một con rạch nhỏ – rạch Ô Rô – với nhiều chặng gãy khúc khiến xóm ngắn, xóm vắng. Xóm có trên dưới ba mươi ngôi nhà lá ẩn náu dưới những vòm cây tạp, giữa bốn bề thiên nhiên hoang sơ, thanh khiết vừa đủ cho một Trung đội đóng quân. Nhờ có thêm bờ xáng Phụng Hiệp dài thoai thoải gối đầu với nhiều kinh rạch chằng chịt trên đất An Xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị vũ trang cả hai phương diện: vừa giấu quân, vừa tiến công đánh trả kẻ địch trong nhiều tình huống.

 

Tổ đội súng máy của Trần Đăng được đơn vị bố trí ăn ở trong ngôi nhà cuối xóm – nhà ông Bảy Bá – nơi tiếp giáp với cánh đồng hoang mênh mông. Rất dễ nhận ra vị trí của Tổ đội súng máy vì từ phía cánh đồng nhìn vào, khu vừơn tạp của ông Bảy Bá vượt trội lên, và đặc biệt có cây gừa cổ thụ cành lá xanh rì lừng lững trên nền trời.

 

Ông Bảy Bá có chẵn mười đứa con. Vợ mất sớm khi thằng Út còn ẵm ngửa. Các con lớn lập gia đình ra riêng. Nhà chỉ còn ba đứa : Chín Đào – Con gái lớn – Hai đứa em trai kế sinh đôi, đều là Út – Út Lớn, Út Nhỏ – Do siêng năng tập tành “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, không lâu, Trần Đăng biến thành người thân trong gia đình.

 

Với ông Bảy Bá thích chơi đàn kìm, Trần Đăng cố moi ra một ít vốn liếng dạo theo gánh hát Nhựt Hồng chỉ dẫn thêm ngón đàn cho Bảy Bá và chịu khó ngồi đàn vừa nhấp nháp món rượu nếp với ông đến khuya. Riêng với Út Lớn, Út Nhỏ, ban đêm Trần Đăng dạy cho chúng  học, ban ngày lấy lại của chúng nghề bẫy chim, giăng câu, đặt trúm... Đăng làm quần quật, kể cả những công việc nặng nhọc như giúp Chín Đào xay lúa chẳng hạn.

 

“Dừng ngay đi anh! Dừng!...” Chín đứng xập xựng bên cối xay lúa tự nhiên xẵng giọng. Trần Đăng dừng ngay lập tức, người ngẩng lên nhìn cô chủ. Chín tự nhiên bứơc tới xô nhẹ Trần Đăng đứng sang một bên, đôi tay trần nần nẫn, săn chắc ghì chặt càng giằng xay rồi bắt đầu thao tác trước mặt khách. “Phải làm như vầy! Phải cho thớt cối quay ngược chiều kim đồng hồ, anh thấy có khỏe hơn không?” Giọng Chín ân cần, thủ thỉ. Mái tóc phủ dài tới thắt lưng đen mượt. Đôi mắt tròn xoe chiếu thẳng về phía khách. Trần Đăng như bị ai hút hồn và càng chăm chú mọi cử động thao tác của cô chủ. Rồi Chín bắt đầu thao tác lần thứ hai. Chín rướn người về phía trước. Khuôn ngực tròn trĩnh căng ra. Tiếng cối xay rào rào, râm ran như tiếng máy nổ. Tiếng răng gỗ nghiến ngấu nhả ra những bã trấu trộn lẫn gạo tuôn xối xả xuống nền đất.

 

Chín dừng tay. Trần Đăng thay vào. Tưởngviệc gì khó, đằng nầy... Đăng nghĩ. Bằng sức vóc, sự chịu đựng của một người lính từng trải, Trần Đăng kéo một hơi hết sạch cối lúa. Rồi hai, ba cối liên tiếp... Mặc dù nhiều lúc người mệt lã, nhưng Đăng thích vì biết thêm một công việc nặng nhọc giúp dân, vừa được quẩn quanh bên cô chủ. Ngược lại, mỗi lần Tổ đội súng máy được đơn vị điều đi công tác dài ngày, Chín Đào nao nao, phập phồng đứng ngồi không yên. Đôi mắt to đen đau đáu buồn. Còn Trần Đăng không khác gì cô chủ. Đăng đang yêu nhưng cố nén qua hơn sáu tháng Tổ đội súng máy tá túc nhà ông Bảy Bá, dẫn đến một ngày hai người biến ra khỏi nhà...

 

Hôm ấy mưa rát mặt, mưa dầm dề. Hai thằng Út như những con cá mắc cạn vẫy vùng ngoi lên tìm vũng nước, chạy giỡn, phá phách nhiều hơn giăng lưới, thả câu, lấy ổ chim, phụ hợ nhổ bồn bồn giúp chị. Nhát mưa, không lâu, hai đứa biến mất vào nhà.

 

Chín Đào gánh phần hai em hì hà hì hục bên những vũng cạn, men theo mé bàu cá và nhiều chặng lung trời sinh. Chín lội sầm sập trong lùm bụi, trên sình bùn lõng bõng. Nhiều lúc Chín ngâm mình dưới nước. Bộ đồ vải xiêm đen trơn láng ướt sũng càng bó sát sạt cơ thể săn chắc, căng căng của cô chủ. Trần Đăng lẽo đẽo theo sau thu gom từng gộp bồn bồn, dùng dao chém sả hơn nửa thân cây, vứt ngọn về một chỗ. Đống ngọn ngày càng chất chồng cao lên như cái gò nổi giữa bốn bề cây lá.

 

Một thảm xanh trải dài mút mắt với những chiếc lá bồn bồn hình lưỡi giáo lắt lay, tua tủa, dờn dợn thành những lượn sóng xanh rập rờn. Vài bông bồn bồn sớm sủa nhú ra như những nén nhang trần thắp lên giữa đồng không mông quạnh. Trần Đăng cởi trần phơi tấm lưng thớt hứng mưa. Người Đăng nóng hầm hập như hơ lửa khi ngồi trên đống lá hướng mắt về phía cô chủ. Một lần nữa, Đăng bị cô chủ hút hồn...


Chín đứng sờ sờ ra gần đống lá. Hai bàn chân dụm lại nhón thật sâu xuống tận rễ cây. Người gập xuống, run rẩy, hai bàn tay Chín gộp đến ba bốn cọng bồn bồn đứng dụm một chỗ. Lại một cái ngả người về phía sau, lập tức, từ trong gốc rễ trộn lẫn sình bùn bật ra những chiếc ngó trắng muốt. Bỗng Chín nhắm nghiền mắt lại vì có đôi tay to cộm áp tới ghì chặt lấy cô. Chín cả quyết không có ai khác ngoài ông khách Trần Đăng giữa chốn nầy! “Đừng anh! Đừng mà! Người ta dòm thấy, em chết!” Giọng Chín yếu ớt, người mềm nhũn và từ từ khuỵu xuống. Đống lá xanh giữa bốn bề cây lá đậm đặc bỗng chốc xẹp xuống khỏa bằng với mặt đồng... Từ phía cuối xóm Ô Rô được gió đưa đẩy ra đồng tiếng đàn kìm ngắc ngứ, đứt quãng nghe xa văng vẳng...

 

Nhưng thật ngắn ngủi làm sao! Mưa đã tạnh. Trời quang mây. Mặt trời xuống ngang đọt gừa cổ thụ. Và thêm một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng... Tổ đội súng máy và cánh quân chủ lực Việt Minh được lịnh đột ngột rời khỏi chốn nầy. Quân trang, quân dụng, cành lá ngụy trang được cài hết lên người. Hành quân...

 

Một bài báo của ông Đào Công Khanh người An Xuyên thời ấy viết: “Ngày 13, tháng 3, năm 1953, từ sáng sớm người địa phương vừa ngơ ngác vừa khấp khởi trông thấy tận mắt quân đội Việt Minh len lỏi dưới tàn cây tạp, trong vườn dừa, trên bờ xóm, thậm chí phơi ra giữa cánh đồng nứt nẻ đầy gốc rạ và dấu chân trâu... Phía địch có hai Tiểu đoàn lính Lê Dương, lính khoác áo đạo Cao Đài từ thị trấn Cà Mau lò dò theo đường liên huyện Cà Mau – Thới Bình vào xóm Ba Tiệm. Thình lình quân ta và quân địch chạm trán nhau tại Bàu Thúi. Và từ Bàu Thúi, những trận đấu súng bùng lên dữ dội. Cánh quân chân không áo vải của ta bỗng chốc oai phong lẫm liệt câu bám và đánh thọc sườn xé nát đội hình đối phương rồi “nở hoa” trong lòng địch. Trên bốn chục tên lính Lê Dương, lính áo khoác đạo phơi xác trên đất An Xuyên. Đám tàn quân có cả Thiếu tá Nhã một tên chỉ huy khét tiếng gian ác vượt kinh xáng Phụng Hiệp bằng những thân tre kết bè, bằng lu mái chứa nước ngọt... chạy thụt mạng về phía quốc lộ 1...”

 

Sau khi giáng một đòn đau điếng vào giặc Pháp ở vùng phụ cận thị trấn Cà Mau, cánh quân Việt Minh nổi tiếng bách chiến bách thắng được điều lên mạn Chắc Băng, Cạnh Đền... Không ai biết, và chính Trần Đăng cũng chưa hề thố lộ mình có trở lại xóm Ô Rô lần nào nữa không?

3

Vẫn chưa hết. Ông ngoại tôi mỗi lần thấy người khỏe ra đều đặt điều kiện với má tôi cho ông ra thị xã một chuyến, vừa đi rong rổi trị bịnh vừa gặp ba đứa cháu nội ở xa. Ông nhớ nhất là thằng Bằng.

Ông nằn nì mãi, má tôi chấp thuận.

Thế là tôi liên hệ ngay với thằng Bằng đón ông cháu tôi tại bến đò thị xã. Liên hệ xong hôm trước, sáng sớm hôm sau tôi dìu ông ngoại xuống đò. Tự tay má tôi sửa soạn cho ông: Áo sơ mi trắng tinh, bâu áo ủi thẳng cứng. Ông còn khoác ngoài chiếc áo vét-tông hồi năm nẳm ngả màu xám xỉn. Gậy cầm tay. Nón nỉ đen đội đầu. Ông mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc nhờ tôi xách hộ : Chục trái ổi chua, vài trái đu đủ chín cây lên màu mỏ vịt, vài trái mít, trái dừa do ông gom góp ngoài vườn mang cho cháu nội.

Đò ghé bến. Thay vì cậu Út cho xe xuống đón, hoặc đi một cuốc xe lôi, ông tôi gọi đò dọc vào chợ. Thấy tôi đứng tần ngần trên bến và thằng Bằng ngơ ngác nhìn tôi, ông giục hai đứa tôi xuống đò. Chờ đò ra khỏi bến, ông xếp gậy xuôi trên sạp rồi gí một ngón tay vào lưng tôi. Ông nói : “Quen với sông nước, ta đi sông tiện hơn!” Bằng cười chúm chím, vừa gật đầu đồng ý với ông. Tôi ngồi lau dép cho ông vừa chưa hết ngạc nhiên vì ông chọn đường sông về nhà cậu mợ Út ở tréo ngoe trên chợ. Khi đó trông ông rất an tâm, ông vui. Ngồi ép sát vào thành đò, ông vừa nheo nheo đôi mắt nhìn dãy nhà sàn chồm chồm ra mé nước dọc đường sông vào chợ.

 

Đò đang vượt con nước ngược đổ về Tắc Thủ. Qua chặng nước ngược, gặp ngã ba sông, đò xuôi băng băng về phía chiếc cầu đen to tướng nằm vắt ngang trước mặt. Bỗng vang lên tiếng động ầm ào nghe đinh tai nhức óc khi đò chui qua gầm cầu. Ông tôi giật thót người, gương mặt nhăn nheo, dài dại trước những thanh sét gỉ, vẻ sợ hãi. Tôi liền chồm tới ngồi sát bên ông. Chốc sau ông ngả người qua mé nước, một cánh tay trái ra hiệu cho đò dừng. Bằng tự nhiên bước lên bến nắm níu mũi đò khác hơn tôi đang tâm trạng ngạc nhiên, lo lắng. Bằng xách hai giỏ đồ, còn tôi dìu ông lên con hẻm nhỏ trổ ra đường cái. Vẫn tiện thôi. Tôi nghĩ là vì bất cứ chỗ nào cũng có xe đón đưa. Nhưng không phải thế. Ông tôi đứng giờ lâu nơi đầu hẻm, ngơ ngác nhìn ngắm dãy phố bên kia đường – một dãy phố cũ kỹ với những ki-ốt, mái che lấn ra tới lề đường. Theo đề nghị của ông ngoại, tôi và Bằng đưa ông sang lề đường bên kia. Vẫn chiếc gậy cầm tay dò dẫm mặt đường, ông bước tha thẩn, chậm rãi như đếm từng bước, mắt không rời dãy phố ông cháu tôi đang đi ngang qua. Bằng vẻ sốt ruột, mặt ghé sát vào tai ông nội: “Nội ơi, nội! Ba má con đang chờ nội ở nhà kìa!” Bằng nói khẽ. Ông ngoại tôi vùng nhẹ ra: “Đợi với chờ! Có gì phải gấp? Mầy để tao được yên!” Nghe vậy, tôi im thin thít chiều theo ý ông. Tính khí nóng vội muốn đặng muốn được của ông không lạ gì với tôi. Tôi thả nổi, bụng bảo dạ : “Tướng” đang tìm nhà quen nào đó cũng nên! Ở Đường Tắt ông thường ngồi nhắc ra với tôi hằng mấy chục tên bạn bè, thân hữu của ông trong tỉnh, ngoài tỉnh.

 

Tôi đoán đúng. Đang thả bộ dọc phố, ông tôi dừng lại trước một ngôi nhà trệt có khoảng sân khá rộng treo toòng teng mấy chục giò phong lan. Trông ngôi nhà sang sang, cách biệt với những gian phố chật hẹp bằng khoảng sân khá rộng, dàn phong lan chỏng chơ chưa trổ một bông hoa nào và cánh cổng trống hoác vừa làm lối đi vào một ki-ốt đeo bám một bên mép rào. Bằng khéo đứng giả vờ mua hàng tại ki-ốt. Tôi bị cuốn theo ông ngoại vào tới thềm nhà bên trong. Ông khựng lại rồi thụt lùi mấy bước liền lên tiếng hỏi: “Có ai ở nhà đó không vậy? Cho tôi hỏi thăm...” Tôi đứng lặng người phía sau lưng ông. Im lặng. Đôi vai ông bỗng rung lên khe khẽ khi trông thấy một bé gái từ phía sau tất tả chạy ra đứng thập thò nơi nghạch cửa chính. Con bé mở tròn xoe hai mắt nhìn ông. Ông hỏi: “Đây có phải là nhà bà Chín Đào không vậy cháu? Người làng An Xuyên!...” Đứa bé hơi nghiêng một bên tai, đôi mắt vẫn mở thao láo nhìn ông. Tiếng đứa bé hỏi khẽ : “Thưa... Ông hỏi gì ạ?...” Ông tôi liền lập lại câu vừa hỏi, giọng khấp khởi, thân thiết hơn. Khi đó con bé vẫn đứng tựa lưng vào cánh cửa, khe khẽ lắc đầu. Ông tôi đứng ngay người tỏ vẻ thất vọng nhưng vẫn lên tiếng hỏi tiếp : “Nhà Chín Đào! Người Ô Rô, An Xuyên!” Con bé chưa kịp đáp, thật may mắn cho ông, kể cả tôi và thằng Bằng, từ trong cánh gà bằng những sợi ni-lông nhiều màu buông thõng xuống, một bà lão lụm cụm bước ra đến chỗ con bé đang đứng. Được khoác chiếc áo rộng quá cỡ, khăn bàn trùm kín đầu kéo sụp xuống mí trán in dấu chân chim trông bà hom hem, yếu đuối như người mới vừa trải qua một cơn bịnh nặng. Bà nghiêng tai về phía đứa bé. “Ai hỏi ai vậy Cúc?” Bà lên tiếng. Con bé tên Cúc lập lại nguyên văn lời ông tôi. Bà vẫn nghiêng nghiêng một bên tai về phía con bé Cúc rồi ngẩng lên ngơ ngác nhìn quanh...

 

Ông tôi đang đứng tần ngần trước mặt bà, người đứng không được vững và đôi môi mấp máy nhưng không nói tiếng nào. Bỗng dưng ông vội vội vàng vàng quay quắt người lại phía sau rồi bước lẩn thẩn ra đường mà không một lần dòm ngoái lại. Thấy thế, con bé Cúc chạy ùa ra sân gọi lớn : “Ông ơi... Ông ơi... Phải rồi! Đúng rồi!” Tôi không rõ ông có nghe tiếng con bé Cúc vang lên sau lưng? Ông lẳng lặng, ung dung cắm cúi bước như không hề có chuyện gì xảy ra với ông!

 

Tôi biết mặt bà Chín Đào từ buổi ấy. Sau hai hôm ở thăm nhà cậu mợ Út, ông nằng nặc đòi về Đường Tắt cho bằng được.

 

Những ngày về quê, ông ngoại tôi khỏe ra, người tươi tỉnh lạ. Ông ăn uống được, ngủ được, đặc biệt ông buộc má tôi lục soạn quần áo mới cho ông mặc. Dạo ấy tôi và má tôi được rảnh rang đôi chút vì ngay dịp thằng Bằng ôn thi Đại học lần thứ hai ở chơi với ông nội. Ông ngoại tôi vẫn một mực thương cháu đích tôn mặc dù những ngày Bằng thay phiên coi sóc ông nội, cơm thường bị khét với món cá kho khô, bầu luộc chấm nước mắm Phú Quốc. Thấy ông vui lên, tôi quen làm trò khỉ nhưng tuyệt nhiên không dám nhắc bà Ba Thợ. Gần đây tôi mới biết thêm bà Ba Thợ người cùng ở trên tuyến kinh xáng Phụng Hiệp với bà Chín Đào, và qua bà Ba, ông tôi biết chính xác nơi ăn chốn ở của người tình cũ, kể cả hoàn cảnh một thân một mình bà Chín Đào đang cậy nhờ vào đứa con gái Út đang làm việc ở chợ. Một hôm tôi bạo miệng nhắc lại chuyến đò dọc chui qua gầm cầu sét gỉ, ông vui lắm. Ông  cười tít mắt như một đứa trẻ. “Để khi chết tao được yên mà!” Ông nói. Đôi chân mày bạc phếch như giương hết về phía tôi khiến tôi nao nao trong dạ. Tôi thấy thương ông quá!

 

Thế rồi dẫn đến một ngày... Sau bữa cơm chiều vài giờ, Bằng hớt hơ hớt hải lội sông qua nhà tôi đập cửa : “Cô Hai ơi, cô Hai! Anh Xiếu ơi, anh Xiếu! Nội mất rồi!...” Liền đó, cánh cửa nhà tôi như bị long ra. Và xóm tôi liền nháo nhào lên vì được tin ông Sáu Đăng từ trần. Thay vì ngồi xuồng, mẹ con tôi và thằng Bằng đều nhảy ùm xuống nước lội sang nhà ông ngoại.

 

Ông ngoại tôi đã chết thật rồi!

 

Ngẫm ra không lấy một điềm báo trước khi thằng Bằng đi quanh quẩn sau vườn câu cá, nhặt nhạnh mớ rau má, đọt lang để dành mai nấu món canh cho nội. Mặt trời đang úp mặt sau bụi tre gai đứng lẻ loi trên đồng nhưng vẫn còn vương vãi vài tia nắng yếu ớt trong vườn ngoại tôi.

 

Chắc chắn giữa lúc ấy, ông ngoại tôi trút hơi thở cuối cùng.

 

Má tôi run rẩy cúi xuống vuốt mắt cho ông ngoại rồi đau đớn gục ngã bên cạnh ông. Tôi và Bằng đứng lặng bên xác ông. Ông nằm ngửa người trên vạc như người đang ngủ bình thường, với bộ đồ mới tinh tươm, đầu ắp lên gối, hai bàn tay xếp vào nhau đặt lên bụng... Thật là thanh thản! “Để khi chết tao được yên  mà!” Câu ông ngoại tôi thường nói đang văng vẳng bên tai tôi...

Khánh bình -1995

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3678
Ngày đăng: 21.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vểnh râu - Nguyễn Quang Sáng
Lá rụng - Kim Quyên
Hàng xóm - Kim Quyên
Chị Nhẩm - Hàn Vĩnh Nguyên
Con chim chìa voi, chiếc lồng bỏ trống và thằng ăn hại - Hàn Vĩnh Nguyên
Thời gian thầm lặng - Hàn Vĩnh Nguyên
Có mưa trên núi - Lê Đình Trường
Qua sông - Anh Động
Khói lam vắt vẻo - Anh Động
Bến thần Kê - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)