Angela Shah, Dubai, TIME 16/01/11
Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2042736,00.html
Người dân đổ xô vào mua bánh mì tại một cửa hàng ở Medina, Tunis hôm 16, tháng giêng 2011. Hàng chục người chen chúc tại một vài quầy hàng mở cửa ở chợ chính ở Tunis trong khi binh lính đi tuần trên đường phố nhưng tinh thần chung là phấn khởi sau khi lật đổ được nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali.
Không có nhóm dân nào nhìn những sự kiện đang bộc lộ dần ra ở Tunisia gần hơn những sắc dân A rập, phần lớn họ sống dưới những chính phủ độc tài và đều đang cảm thấy cùng một cơn túng quẫn kinh tế của viễn cảnh ảm đạm về việc làm, và giá cả thực phẩm tăng cao. Ali Dahmash một nhà hoạt động đang điều hành một hãng truyền thông xã hội ở Amman, gọi nó là một “cuộc cách mạng đói.” Dahmash nói, “Cái này không phải chỉ là về chính trị và về việc có một loại tự do ngôn luận hay tôn giáo. Cái này xuất phát từ nỗi thất vọng. Nguyên nhân của nó là kinh tế.”
Mishaal Al Gergawi, một bình luận viên của tờ Emirati và là một doanh nhân, đồng ý: “Người Tunisia và người Algeria đang đói. Người Ai cập và ngời Yemen theo sát sau chân họ.” ông viết hôm chủ nhật trong một bài bình luận trên một tờ báo Dubai. Ông nói đến người thanh niên Tunsia bán rau rong tự thiêu ở thành phố Sidi Bouzid cách đây mấy tuần để phản đối cảnh sát ngăn cản anh bán hàng, và từ đấy làm dấy lên cuộc bạo loạn. "Mohamed Bouazizi không tự thiêu vì không được viết blog hay không được đi bầu. Người ta tự thiêu vì họ không thể chịu nổi khi nhìn gia đình họ cứ từ từ lả đi không phải vì buồn mà vì đói lạnh.”
Vào dịp cuối tuần, mạng xã hội Twitter bùng nổ vì những bài post từ thế giới A rập và những cộng đồng di cư của họ bằng tiếng Anh, Pháp và A rập. Họ hoan hô những người Tunisia phản kháng và đoán lãnh tụ A rập nào sẽ tiếp theo sau. Những bài post công khai kêu gọi trục xuất tổng thống Ai cập Hosni Mubarak hay lãnh tụ Libya Muammar Gaddafi. “Algeria thậm chí còn tệ hại hơn ở Tunis. Cảnh sát sẽ thật sự…ờ, hết sức độc ác” Dahmash nói. “Ở Ai cập, tổng thống đã tại vị 27 năm trong một tình trạng khẩn cấp [liên miên]. Với điều đó, họ có thể làm mọi chuyện trong nước.”
Giống như Tunisia, Algeria và Ai cập có những nền kinh tế bệnh hoạn vì giá cả thực phẩm cao và thiếu việc làm. Hôm chủ nhật, biểu tình phản đối nổ ra ở Libya mặc dầu có bài diễn văn của Gadhafi trách những người Tunisia biểu tình rằng họ thiếu kiên nhẫn, lẽ ra họ nên đợi tổng thống Zine El Abidine Ben Ali từ chức trong ba năm nữa, ông ấy đã hứa như thế. Trong đại sứ quán Tunisia tại Amman và Cairo, những người phản đối tập hợp để biểu thị sự thất vọng của họ trong khi ủng hộ phong trào ở Tunisia. Một bài post trên Twitter thậm chí còn khuyên hoàng hậu Rania của Jordan rằng bà nên đi kiếm lâu đài ở Jeddah - thành phố A rập Saudi bên bờ biển này là nơi tổng thống Ben Ali hôm thứ Sáu đã đến ở sau khi chạy trốn khỏi đất nước.
Tuy nhiên, theo tất cả những gì đang diễn ra ở các thủ đô A rập và được nói toạc trên các trang mạng xã hội, một số người A rập vẫn còn ngại nói công khai về thay đổi chế độ trong thế giới A rập. “Các lãnh tụ đang thật sự tập trung chú ý vào vấn đề này,” một nhà quản trị Syri sống ở Dubai nói. “Họ đang suy nghĩ. Trời đất, làm sao mà chúng ta xoay sở được chuyện này?”
Dahmash đồng ý. Ben Ali trốn khỏi Tunis hôm thứ Sáu, và sáng thứ Bảy, Dahmash nói, giá thực phẩm ở thủ đô Jordania đã giảm khoảng 5%. - có lẽ theo lệnh của chính phủ. Theo ý kiến tôi, sự giảm giá này nó nói nhiều hơn con số, nó là “một dấu hiệu của sợ hãi” ông nói.
Những người Tunisia ngoài nước như Walid Cherif đang nhìn những sự kiện mở ra trong nước vừa phấn khởi lại vừa thiếu tin tưởng. “Nếu anh hỏi tôi trước đây mấy tuần, không một ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng điều này xảy ra.” Ông nói. “Tôi rất tự hào về nó.” Tuy nhiên ông không chắc rằng những sự kiện ở Tunisia có dẫn đến cuộc nổi dậy trong phần còn lại của thế giới A rập hay không. Tunisia vẫn luôn khác với các nước anh em A rập của mình, ông nói. “Tunisia được coi như một nước A rập tiến bộ nhất trên thế giới,” Chúng tôi là nước duy nhất trong thế giới Hồi giáo mà chế độ đa thê là bất hợp pháp. Điều ấy có xảy ra trong nước A rập nào khác không? Không.”
Lúc này Tuniisa vẫn đang tìm một nhân vật mới để lãnh đạo nó. Từ khi giành được độc lập năm 1962 đến nay, nước này chỉ có hai lãnh tụ. Vào cuối tuần trước, nó có ba. Quân đội đã ban bố lệnh giới nghiêm từ chập tối đến sáng, và đã có báo cáo bạo lực xảy ra. Những cuộc nổ súng trong hai nhà tù đã giết chết hàng chục người. Mặc dù bây giờ đang hỗn loạn, Dahmash nói ông nghĩ cuộc bạo động sẽ dẫn đến một chính phủ ổn định, hợp pháp. Không giống như nhiều nước trong thế giới A rập, Tunisia có những thiết chế phát triển tốt. Nhân dân đã trưởng thành và được thông tin tốt”.
Điều đó có thể sẽ giúp cho cái được gọi là “cuộc cách mạng hoa nhài” thành công, so với bất ổn và bạo lực đã lan tràn Iraq kể từ khi quân Mỹ buộc Saddam Hussein rời khỏi quyền lực. Cherif, lớn lên ở Tunis và rời Bắc Phi năm 1996 để đi học thạc sĩ ở đại học George Washington tại thủ đô Washington nói anh tin những sự kiện cuối tuần rồi là khởi đầu của một tương lai hòa bình, bao dung hơn trên đất nước anh. “Chúng tôi chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ có một tên độc tài trong tương lai, bởi vì dù ai lên làm tổng thống đều biết sức mạnh của nhân dân,” anh nói. “Nếu họ muốn là một chế độ kiểm soát toàn diện như trước, họ sẽ phải nghĩ về nó hai lần.”
Dahmash, người đã sống ở Miami và Tampa và đã nhận được bằng thạc sĩ từ đại học Liên lục địa ở Ft. Lauderdale nói thế giới A rập muốn thay đổi. “Nhưng chúng tôi không muốn những thay đổi đến từ nước ngoài,” ông nói thêm. “Chúng tôi muốn những thay đổi đến từ trong nước.” Nhà quản trị người Syri, yêu cầu không nêu tên, đồng ý. “Cá nhân tôi có cảm giác rằng những sự kiện này là bắt đầu của nhiều cái khác sẽ đến.” Không may, ông nói thêm, “Nó sắp trở nên xấu hơn. Tôi đơn giản không tin những thay đổi đến như một sản phẩm phụ của hòa bình.”
Ảnh: Fethi Belaid / AFP / Getty Images