Mới hơn nửa năm, vào những ngày cận Tết nầy, cái khoảng trống tại bót Vàm mọc bịt bùng cây tạp. Có rất nhiều đám cháy, khói ngồm ngộp và chỉ trông mập mờ những bông muồng vàng, những chùm bông vông đỏ chói rung rinh trong gió, trong khói. Cọc dừa trần trụi trên vùng đất bị nham nhở cũng ngún khói. Khói từ trong những thân dừa bốc lên từng giọt ; gió đàn, khói kéo thành một dọc dài như được phun lên từ trong những ống khói nhà máy. Tốp trẻ chăn trâu ở xóm Vàm rủ nhau đốt đất, đốt những cọc dừa và che chòi lúm khúm chung quanh chỗ ấy. Còn những cô gái xóm Vàm như cô Thu Hà, cô Thiệm cho rằng những cọc dừa đen trũi kia là hình dáng thằng Sển, đồn trưởng, thằng thiếu úy Đạo, Sáu Đồng Hồ... bị quấn lửa, bị trừng phạt tội ác lần thứ hai. Chính hai cô gái đến nền bót nầy thường nhất ngoài tốp trẻ chăn trâu xóm Vàm. Đến thằng bé Năm cũng không lấy làm lạ, hay mời mọc hai cô gái vào chòi, tự rung một xâu dài bông muồng, bông vông, làm những món hàng tạp hóa :
- Cô Ba mua cái gì nè, nói sớm sớm để cháu đi học? Cô Ba! Cô Năm!...
Hà cười nửa miệng :
- Mua cái bông nầy nè. Bao nhiêu?
- Cô coi cái bảng giá hàng treo đó – Bé Năm vừa dụi dụi hai mắt vì làn khói hắt vào chòi, vừa nói – Vẫn cái cười nửa miệng,
Thu Hà chăm chú nhìn cái bảng giá treo lất phất vào thân cây sậy chỗ cửa ra vào. Tấm bảng giá chi chít các món hàng có cả sữa, đường, bột giặt, đạn cu-ly, đá lửa, và chấm hết những món đó, dưới gốc bảng giá, có hình một con chim sơn bằng mực đỏ.
Thiệm cùng xem cái bảng giá với bạn, bỗng quay lại hỏi Bé Năm :
- Còn thiếu nhiều thứ quá vậy cậu?
- Chiều, tàu về. Kỳ này đồ ngoài thị xã về nhiều lắm – Bé Năm giải thích và cũng vừa kéo chiếc nón vải trên đầu xuống, tay dụi dụi hai mắt – Thấy vậy, Thu Hà hỏi :
- Sao lại đốt vào giác nầy, Bé Năm?
Bé Năm rút một chùm bông vông, trả lời :
- Mấy “chế” Chi đoàn kêu mấy cháu đốt để làm cái nhà máy ba trăm ngựa chỗ này!
- Ừa! Cô biết. Nhưng chỗ nào cũng đốt hết à?
- Không. Còn chừa ra một chỗ!
- Chỗ nào?
Bé Năm dụ dự hồi lâu mới bước ra ngoài chòi, nhìn qua hướng cây vông, nói :
- Ông Tư Râu biểu chừa ra chỗ đó. Con nói mấy đứa nó múc nước tưới trước khi đốt đó cô.
Thu Hà nhìn đăm đăm về hướng bé Năm chỉ. Thiệm kéo bạn đi. Hai cô gái vừa đi vừa nói chuyện...
***
Đây, hai cây nạng sóc tréo trên đám cỏ ống, bên cạnh một gốc vuông. Những chấm bông đỏ hình lưỡi liềm thỉnh thoảng đáp xuống chỗ ấy, rắc tận xa đến cây xoài cụt đọt và khoảng lúa sớm còn trơ thân rạ. Hai cô gái ngồi trên một thảm bông vông, nhẹ nhàng như hai chiếc bóng.
Đã xế chiều. Ánh mặt trời dìu dịu. Khói vẫn bung bay lên nhiều từ chỗ khô ướt giáp nhau. Những con trâu đứng yên sau khi kéo những cộ lúa, bụng căng tròn, ngơ ngác...
Tất cả những cái đó gợi nhớ chớ không bắt Thu Hà khóc được. Thật ra trước khi đến đây, chỗ Tám Sang nằm, Thu Hà đã nén lòng mình xuống để cho mọi người không chú ý đến cô Bí thư Chi bộ ấp yếu đuối. Thu Hà nhớ cách đây hai năm, mình hai mươi bốn tuổi. Tình yêu đến với cô gái thật muộn, nhưng khi đến thì nó dậy lên không lường trước được.
Thu Hà yêu anh Tám Sang, cán bộ Tuyên huấn xã.
Tám Sang người cùng xóm với Thu Hà. Tuổi nhỏ, hai người ở chung trong đội ca múa của xóm. Sang đàn măng-đô-lin giỏi ; sau này tiếng đàn càng thêm réo rắc. Hà thương tiếng đàn ấy quá, ngay bây giờ và từ thuở bé thơ. Có lẽ chỉ mình Thiệm biết lòng Hà hơn ai hết, cho đến tình yêu giữa hai người bạn gái với Tám Sang.
Thiệm nhỏ hơn Hà hai tuổi, song khổ người Thiệm cao và mềm mại. Thiệm hồn nhiên, tiếng cười đã có cái âm thanh ríu rít, trong trẻo. Theo Thu Hà, cái tính hồn nhiên khỏe khoắn của bạn do nó hay ngủ li bì, ngủ được cả giác ban trưa. Ngoài giọng đàn măng-đô-lin của Tám Sang, Thu Hà thích nghe giọng hát của Thiệm.
Có một đêm, Thiệm đem đến nhà Thu Hà tiếng hát trong trẻo của mình và bức thư của Tám Sang hẹn gặp Hà để từ giã đi học trên tỉnh. Liền trong đêm ấy, Hà đến gặp người yêu...
Sáng sớm, bà mẹ Hà – bà Tư Biền – lùa lùa tóc con trong lúc con còn say ngủ. Bỗng bàn tay bà mẹ chạm phải một vật gì cồm cộm, không phải là cây kẹp bồ câu hàng ngày. Bàn tay bà mẹ tháo gỡ cái vật ấy trên tóc con, chưa nhận ra vật gì, vì bà mẹ mù lòa hai mắt. Cây viết ư? Cây viết sao lại dính trên tóc con được?. Bà mẹ nghĩ và không tin như vậy được.
- Thức dậy đi. Sáng trắng rồi, con gái! – Bà mẹ vừa lay một bên vai thon nhỏ của con, vừa nói – Thu Hà ngồi dậy, chờn vờn chụp lấy cây viết Nhật trên tay mẹ. Cây viết vắt trên miệng túi áo của Tám Sang đêm hôm lọt mất mà Sang và Thu Hà tầm kiếm mãi không gặp. Thế nhưng lạ thay, khi bà mẹ nhận rõ ra là cây viết, bà không hỏi con thêm điều gì nữa!
Thu Hà ngồi thừ ra một chỗ trên tấm vạc bện bằng cau, tay nắn nót cây viết màu xanh nước biển. Trong óc cô gái hiện lên hình ảnh con rạch nhỏ bên bờ sông Ông Đốc, chiếc xuồng be tám, tấm ni-lông che sương... Đêm tháng chạp se lạnh và những giọt sương vẫn rơi đều ngoài trời. Sương không ngấm vào người đôi bạn trẻ. Lần đầu tiên đấy, lần đầu tiên Thu Hà nghe rõ hơi thở của người con trai, và cũng là lần đầu tiên, cô gái nghe con tim mình đập vồn vã!.
Giờ đây, tất cả những cái đó quay lại, xúm xít bên Hà. Có một cái gì nồng đượm lâng lâng trong người con gái : Tình yêu!
Cho đến ngày anh cán bộ Tuyên huấn xã trở lại xóm Vàm, Thu Hà mới trao cây viết cho người yêu, và cũng vừa lúc hai người lao vào công việc vây gí bót Vàm.
Cái loa điện mắc trên một nhánh vông được ngụy trang bằng nhiều mảnh lá vông xanh rậm. Cây vông chưa tới mùa ra hoa, còn sót lại giữa một khoảng trống. Hôm bọn giặc khởi việc đóng bót, một thằng trong bọn phở lở chuyện tại gốc vông có con mèo xuất hiện, thứ mèo rừng có hai con mắt lớn bằng khu tô, thoạt trông như hai đốm lửa nhấp nháy. Thế là cả bọn cho rằng tại cây vông có bà độ mạng nên không đứa nào dám ra phá phách. Lúc bấy giờ, anh cán bộ Tuyên huấn xã dùng cây thang tre đưa cái loa điện mắc vào một nhánh vông chót vót trên ngọn vào giác quá chạng vạng, suýt ngã mấy lần vào thân cây gai chơm chởm. Anh cán bộ Tuyên huấn xã trụ lại đó cùng đội du kích xóm Vàm, chống trả quyết liệt hai lần giặc phản công. Chính cái loa điện ấy đem đến cho Thu Hà một niềm kiêu hãnh, cho mọi người xóm Vàm một niềm tin yêu.
Lúc bấy giờ Thu Hà nhận lãnh cái vỏ và chiếc máy BS9 chở bánh dừa, cơm nắm, gạo rang, những buồng chuối chín... tiếp tế cho lực lượng giữ mũi. Nhưng có một hôm, cô gái suýt ngã bên tay lái, chiếc vỏ chòng chành quanh quẹo trong ngọn rạch. Đó là một buổi tối cô gái nhận được tin Tám Sang hy sinh. Những ngày ấy Thu Hà đi lững thững, đêm nằm tại công sự của Tám Sang, khóc rấm rứt. Cô gái tiều tụy ngó thấy và ít khi cười.
- Đừng có buồn nữa mày à. Đánh cái bót này xong rồi về nhà trùm mền buồn một bữa cho đã! – Thiệm khuyên Hà một cách vụng về như vậy, và thỉnh thoảng cô gái ngân nga bản Lý con sáo.
Thiệm đứng vịn thang tre. Thu Hà leo lên ngọn vông sửa lại chiếc loa điện hướng vào bót. Bỗng, một loạt đạn từ lô-cốt dưới bực sông xổ tới làm gãy những cành vông. Chiếc loa điện rụng xuống. Thu Hà cũng rơi theo, tay vẫn ghì chặt chiếc loa điện, máu đẫm ướt bả vai trái. Tiếng Thu Hà không ấm như mọi khi :
- Giữ phía mặt sông, Thiệm ơi!...
Thiệm chui qua lùm nhãn lồng, tay ghì cây cạc-bin bị quấn dây cức quạ, tay cầm một cuộn băng bông.
- Thây kệ tao! Tao chưa có chết, đi giữ mặt sông đi Thiệm ơi. Nhớ báo với mấy anh cảnh giác kẻo chạng vạng này nó mò vào – Thu Hà nói như quát.
Và liền trong lúc ấy, Sáu Đồng Hồ một tên làm tai mắt cho giặc lom khom bên bực mương, phía trước mặt. Theo sau hắn, hai trung đội “Bảo an” tỉnh được hắn vừa cầu viện về bót Vàm. Cái thằng ăn lá so đũa đây, răng nó chắc còn vàng khè như hồi nó ở vùng này! Thu Hà nghĩ, Hà cắn nhíp lựu đạn. Vành môi cô gái run run, hơi tái, nhưng hai hàm răng nghiến chặt. Loáng thoáng trong óc cô gái hình ảnh anh cán bộ Tuyên huấn xã. Cũng tại công sự này, là người rút ra sau cùng trong đợt phản công của giặc, Tám Sang ghì cắn cổ một thằng lính trước khi hy sinh. Khi ông Tư Râu bị chúng nó đẩy tới, nhìn thấy xác Tám Sang nằm chồng lên xác một thằng lính có xăm hình con gấu trên ngực. Giờ đây, trong giây phút ác liệt căng thẳng nhất, lòng người con gái bỗng ngân lên lời thân thiết : “Anh Tám coi em đây! Anh Tám!...” Cô gái chồm lên khỏi nắp công sự. Nhưng vừa lúc đó vang lên một tiếng nổ làm bật tung bụi và những chiếc lá khô từ chỗ lùm nhãn lồng. Đó chính là phát súng của Thiệm. Tiếp sau, những khẩu súng của đội du kích xóm Vàm thi nhau nổ. Sáu Đồng Hồ ngã vật xuống. Tốp lính theo sau lăn về cái lô cốt dưới bực sông. Đến khi Thiệm trở lại thì Thu Hà đã mắc xong chiếc loa điện trên ngọn vông, lần xuống từng bậc thang tre.
Đêm hôm đó hai đại đội Địa phương quân của ta đến kịp lúc chi viện đội du kích xóm Vàm. Pháo ta bắn cấp tập. Chiếc loa điện vang lên lời kêu gọi binh sĩ quay súng bắn vào đám gian ác, trở về với Cách mạng. Và từ trong chiếc loa điện, vang lên những khẩu lệnh xung phong!...
Đồn Vàm bị bứng đi ngay từ đêm hôm đó – Tháng 4, năm 1973. Những tên tay sai gian ác như thằng Sển, thiếu úy Đạo... bị đền tội và một xã trên sáu ngàn dân được giải phóng hoàn toàn.
Giờ đây, trong lúc chờ đợi lực lượng đến để đem hài cốt của Tám Sang về nghĩa trang liệt sĩ ở ngã ba sông, hai người bạn gái nhắc lại cho nhau những chuyện ghi nhớ của đời mình.
***
Mặt trời đã xế dài. Nắng dịu nhưng gió hãy còn tốc lên những làn khói từ những gốc dừa đen trũi. Một tốp người đông nghịt từ phía cuối xóm kéo tới, từ ven cây xóm giữa kéo qua. Họ đi bộ, đi xuồng. Còn những chiếc vỏ gắn máy đã rướn lên bãi trước nền bót Vàm.
Không mấy chốc, ông Tư Râu trở thành nhân vật trung tâm của tốp người lần lượt đến chỗ này. Ông Tư đã cạo râu càm và hai bên má nhẵn bóng.
Từ một chỗ xa xôi trong vùng giải phóng, ông Tư trở về xóm Vàm vừa lúc quân ta chiếm Buôn Mê Thuột. Việc trước tiên, ông Tư đi tìm mộ Tám Sang; ông Tư cứ ngắm hướng ấy, lầm lũi bước trên con đường sóng trâu. Theo sau ông là bà lão mù lòa cả hai mắt được một cô gái trẻ dắt dìu. Theo sau nữa là một dòng người đông nghịt.
Bà Tư Biền hỏi :
- Cây vông tao thường đâm lá uống cho ngủ, tới chưa bây?
Thu Hà lên tiếng :
- Bên phía trái đó má. Chút xíu nữa tới!
- Còn mả thằng Tám Sang đâu?
Im lặng
Thu Hà thấy nao nao trong lòng. Cô gái dừng lại, dần dà một chốc để nép khuất ra phía sau, đi sau. Mọi việc bây giờ, cô gái cậy vào ông Tư đang dẫn lối.
Đến nơi, ông Tư liền tháo gỡ sợi dây buộc hai cây nạng. Tốp gái dọn cỏ. Mấy cậu trai cầm dá, khiêng cái quách nhỏ sơn xanh. Còn bà Tư Biền ngồi sụp xuống chỗ hai cây nạng, hai tay rờ rẫm, lóng cóng. Người ta đoán bà khóc vì thấy bà im lặng một lúc lâu và giọng bà nói thều thào :
- Đem nó lên đi, anh Tư!
Ông Tư xắn dá đầu tiên. Mấy cậu trai lờ quờ bên chân ông tìm việc làm, lại tan ra rồi nhom lại.
- Nó đây! – Ông Tư nói đĩnh đạc – Sau đó ông Tư khom xuống moi lên một tấm ni-lông bó xác người theo ông Tư đoán, vì trong bọc ấy lợn cợn bùn đất, vài cái vỏ đạn M16 đóng sét, vài vỏ lựu đạn MK6 bật nhíp. Ông Tư cầm tấm ni-lông rách mướp, giũ giũ mấy cái và lấy làm ngạc nhiên vì lúc chôn Tám Sang không có vật này kèm theo. Còn vài ông lão khác, chạng tuổi với ông Tư Râu tiếp tục bới đất, sục bùn. Một người lên tiếng :
- Nó... ốm... quá!
Lại nổi lên tiếng ông Tư Râu :
- Cây viết đây!
Nghe vậy, Thiệm bước tới nhận cây viết giơ cho Thu Hà. Cây viết thâm đen, duy ngòi viết hãy còn ánh lên màu vàng nhạt. Thu Hà luống ca luống cuống khi đưa tay nhận cây viết và đứng yên một chỗ giờ lâu. Kỷ niệm cũ tràn về như xôn xao bóng nắng. Nhưng, cô gái đè nén lòng mình xuống khi mọi người mở trống chỗ Tám Sang yên nghỉ lâu nay và đem từng thỏi xương nhỏ được tâng tiu, xối rửa...
Người ta sắp soạn ra về, Thu Hà cầm sợi dây trói hai tay Tám Sang và cây viết. Không mấy chốc, không khí nặng nề tan biến mất. Mấy cậu trai, mấy cô gái vây quanh bên Tám Sang, bên Hà. Trường phổ thông cấp I xóm Vàm cũng vừa tan buổi học, tủa ra những chiếc áo đủ màu như những đàn bướm. Cả thầy và cô giáo nữa, đều nhập vào đoàn người tiến chậm chạp về phía nghĩa trang liệt sĩ ở ngã ba sông.
Gió đang xô đẩy ngọn lúa đến độ chín hườm. Nhiều cánh bông vông co co hình lưỡi liềm được gió tháo gỡ, bung lơi, đáp nhẹ xuống nền đất giống như những hạt sương đỏ.
Cà Mau -1975