Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.756
 
Thư Quán Bản Thảo Mười Năm
Phạm Văn Nhàn

Tôi không nghĩ tới ngày hôm nay Thư Quán Bản Thảo bước vào năm thứ mười. Mười năm cho một tạp chí hoàn toàn văn học cũng là một việc làm đáng ghi nhận ờ xứ người. Sự góp mặt của TQBT đã ít nhiều gây được tiếng vang, không những ở hải ngoại mà còn ở trong nước.

 

Nhớ lại ngày nào, cũng vào tháng 10 năm nay. Tháng 10 năm 2001, mấy anh chị em cầm bút gồm 5 người ban đầu gồm; Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch, Cao Vị Khanh, Nguyên Nhung. Mỗi người ở một thành phố khác, có anh ở tận bên Canada ( Cao Vị Khanh) gặp nhau tại thành phố Houston đã đưa lên cái ý định là làm một tạp-chí-văn-học cho vui. Chữ “cho vui” có nghĩa là làm tới đâu hay tới đó. Và trong ý nghĩ của tôi chắc Thư Quán Bản Thảo,  nếu hình thành cũng chỉ tồn tại được 2 số là cùng. Bởi nhiều lý do…trong đó lý do chính đáng nhất là tiền.

 

Nhóm năm người không ai là chủ biên tập, thứ ký tòa soạn. Nhóm đề nghị tôi chăm lo bài vở. Anh Trần Hoài Thư chăm lo kỷ thuật in ấn và layout . Tôi ở một thành phố nhỏ tận miền bắc Texas. Còn anh Trần Hoài Thư thì ở tận miền đông Hoa Kỳ. Cách nhau vạn dặm. Thế mà, hôm nay, sau mười năm, một chặng đường dù gì cũng đáng ghi nhớ. Nhất là sau hai năm hiện diện, vào năm 2003 TQBT đã kết nối lại được hầu hết các anh em cầm bút cũ ở trong nước, và có thêm nhiều cây bút mới ở hải ngoại đã đến với chúng tôi. Với tiêu chí của tờ báo là Văn học Nghệ thuật, không chính trị, không đi những bản tin cộng đồng…Chỉ hai năm thôi ( 2001-2003) những người trẻ cầm bút trước 1975 còn trong nước tưởng rằng “tan đàn rã đám” nào ngờ gặp nhau lại . Nào: nhóm Ý Thức , nhóm Khai Phá cũ ngày nào, những bạn bè cầm bút miền Trung, miền Tây nay đã gặp lại. Tôi nhớ mải lời nói của nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh, anh đã mất ở Sài Gòn, nói với tôi: không ngờ sau tháng 4-1975 anh em lại hội tụ với nhau dưới một “mái nhà”. Mái nhà của một tạp chí văn học chưa có gì gọi là bề thế như những tạp chí văn học đã phát hành bên Cali. Nhưng có lẽ anh em đến với nhau từ một tấm lòng yêu- chữ -nghĩa. Từ một tấm lòng ấy, như ngày nào ở cái tuổi đôi mươi gặp nhau nói chuyện văn chương “rôm rã” một thời.

 

Bởi vì với TQBT phải nói thật lòng chúng tôi không dùng tờ báo để mưu sinh trong cuộc sống đời thường, có nghĩa là “không bán không buôn” mà chỉ đem văn chương chữ nghĩa đến với  độc giả nào còn yêu mến những tác giả tác phẩm của một-thời-đáng-yêu ấy (1975 về trước). Và, cũng nhờ  những độc giả, nhờ những bạn bè giới thiệu mà TQBT đã đi hết một chặng đường 10 năm. Mười năm, ngồi nhìn lại những tập đã phát hành cùng với những sáng tác của những cây viết cũ mới ngày hôm nay đã làm nên một TQBT chính tôi cũng không ng. Từ đó chúng tôi quyết định 2 tháng phát hành một lần ( định kỳ) để độc giả khỏi phải chờ đợi lâu. Và với nhu cầu bài vở, tạp chí càng ngày càng thêm trang trên 200 trang cho mỗi số (5”x7”). Nhưng vẫn không  bán. Cho nên có nhiều độc giả đặt câu hỏi: tiền đâu mà chúng tôi in một tạp chí dày như thế mà không lấy một trang quảng cáo(?). Câu hỏi này, nhà văn Trần Hoài Thư cũng đã trả lời trên những số TQBT.

 

Mười năm với 44 số. TQBT đã làm được nhiều số chủ đề với những cây bút miền Nam, như: Tưởng nhớ Y Uyên ( TQBT 18). Nguyễn Nghiệp Nhượng ( TQBT 19). Võ Hồng ( TQBT 21). Tưởng nhớ Vũ Hữu Định ( TQBT 23). Hoài Khanh ( TQBT 24). Nguyễn Nho Sa Mạc ( TQBT 26). Tưởng nhớ Phan Nhự Thức (TQBT 27) Tưởng Niệm Từ Thế Mộng ( TQBT 29). Nhà thơ Trần Dzạ Lữ ( TQBT 32). Giới thiệu ba người viết cũ: Nguyễn Lệ Uyên, Hoàng Ngọc Châu, Nguyên Minh ( TQBT 31). Một thời Ý Thức ( 33). Ngoài ra mỗi số chúng tôi cũng đưa ra những tiêu đề cho mỗi số và truy tầm những tư liệu rất có giá trị từ thư viện Cornell của Hoa Kỳ mà ít có những ai làm báo bên Mỹ bỏ công tìm kiếm. Như số chủ đề Trường Xưa ( TQBT 35) tìm lại những Đặc San Gia Long. Chu văn An, Nhận Diện ( Gò Công). Giai phẩm xuân Trương Vĩnh Ký. Én Trắng của trường Lê Văn Duyệt. Trưng Vương, Duy tân Phan Rang. Xuân Phan Thanh Giảng. Giai phẩm Quốc Gia Nghĩa Tử…tập chủ đề này đã đem lại nhiều thích thú cho đọc giả. Họ nhìn lại những  kỷ niệm thời học trò.

 

Mười năm qua, phải nói TQBT cám ơn những độc giả đã có lòng thương mến ủng hộ tiền tem, tiền mua giấy mua mực, dù không nhiều, nhưng đây rõ là một tấm lòng đáng trân quý, và cũng là một động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục hoàn thành. Với tấm lòng thương mến của độc giả và của bạn bè, cho nên từ số TQBT số 31 năm thứ Bảy, phát hành vào tháng 4-2008, vì bận việc làm ( 8 tiếng/ngày ở hãng xưởng) tối về còn phải lo bài vở, layout cho số tới. Sức khỏe không được tốt, sẳn anh Trần Hoài Thư nghỉ hưu, tôi đã thông báo với độc giả và bạn bè cầm bút kể từ số TQBT 32 tôi không còn đảm nhận nữa, giao toàn bộ lại cho anh THT lo. Số 31 đến tay độc giả và bạn bè trong và ngoài nước. Các bạn đã gởi điện thư đến chúng tôi và hỏi: thiếu một người TQBT làm sao tồn tại?Anh THT một mình có làm nỗi không? Đó là tấm lòng của bạn bè và của độc giả dành cho tôi và anh THT. Tôi xin cám ơn và ghi nhận những tấm chân tình của các anh chị em đã dành cho TQBT. Dù không còn chăm sóc bài vở, nhưng số nào anh THT cùng với tôi hỏi ý với nhau để làm cho tờ báo càng phong phú hơn. Từ đó, số 32, anh THT đảm nhận TQBT càng đứng vũng mài cho tới ngày hôm nay. Nhưng, từ một tạp - chí - văn - học - làm - cho - vui lúc ban đầu thật sự đã đi vào lòng độc giả, đã để lại nhiều điều hay, nhiều cảm mến. Và, ngay cả những ai muốn viết về những nhà văn, nhà thơ như một tài liệu để nghiên cứu thêm.

 

Nhưng cũng cần phải nói thêm, nhóm chủ trương hôm nay chỉ còn có ba người: PVN, THT và TBT.

 

Nhưng hôm nay, TQBT không còn “ĐINH KỲ” nữa mà chỉ là “BẤT ĐỊNH KỲ” vì…sức khỏe anh THT ( vừa đọc bài, layout, in ấn lại còn đảm trách việc in tác phẩm của “nhà in” Thư Ấn Quán) . Việc “định kỳ” hay “bất định kỳ” đối với TQBT, một tạp chí không lấy nó làm kế “sinh nhai” thì việc “định kỳ” hay “bất định kỳ” không là vấn đề chi cả, chỉ  buồn cho độc giả đã đến với chúng tôi vì một tấm lòng nay phải chờ đợi “hơi lâu” để có tạp chí trên tay mà đọc. Bất định kỳ đối với chúng tôi không có nghĩa là lâu dài. Có thể là một tháng, nửa tháng…không chừng; Vì việc in ấn do chúng tôi tự in không lệ thuộc ( phần viết của anh THT ở phần trên). Chỉ sợ sức khỏe của anh THT không cho phép. Vã lại chúng tôi toàn những người ở xa nhau, không cùng trong một thành phố để giúp nhau được. Mười năm, với một tạp chí văn học “nghèo rớt mồng tơi” này vẫn còn hiện diện, vẫn còn những lời “khen” của những cây bút đàn anh và bạn bè. Cũng còn những lời “khen” của độc giả là một niềm vui rất  lớn và ý nghĩa để cho chúng tôi tiếp tục, dù là bất định kỳ. Kỷ niệm mười năm, TQBT thành thật tri ân những độc giả và những anh chị em cầm bút đã ủng hộ và gởi bài trong suốt thời gian qua và còn gởi bài cho những số tới trong một cuộc chơi chữ nghĩa này.

 

(TQBT số 45 chủ đề nhà thơ Lâm hảo Dũng. Số tới 46 nhà văm Doãn Dân.)

 

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 2040
Ngày đăng: 19.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ qua mắt nhìn của Phạm Thị Ngọc Liên và Phạm Cao Hoàng - Vũ Trà My
Mùa Xuân, Đọc Thơ Xuân Của Hoàng Đế Trần Nhân Tông - Phan Thành Khương
Một số tài liệu báo chí Việt Nam viết về L. Tolstoi, những năm 1920-30 - Lại Nguyên Ân
Chúng tôi vừa được tin Tiểu Kiều sinh ngày 15. 8. 1953 tại Thừa Thiên Huế, là hiền thê của Nhà thơ Võ Quê đã từ trần. - Nhiều Tác Giả
Thư mời của Tạp chí Vietnam Heritage - Nhiều Tác Giả
Tin Buồn - Nhiều Tác Giả
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Thông Báo Thực hiện chuyên đề Tạp chí VĂN - Nhiều Tác Giả
Thông Báo Thực hiện chuyên đề Tạp chí VĂN - Nhiều Tác Giả
Vào ngày 13 tháng 10 này, Văn Chương Việt tưởng niệm Nhà thơ Quang Dũng - Nhiều Tác Giả