Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.147.588
 
Đọc Cuối Cùng Tác Phẩm Cuối Cùng Của Nhà Văn Võ Phiến
Trần Vấn Lệ

Nhà văn Võ Phiến năm nay, 2010, 85 tuổi.  Ông viết xong cuốn Cuối Cùng năm 2007, đầu năm 2010, tại phòng Hội của Nhật Báo Viet Herald ở Nam California, ông có mặt trong buổi ra mắt sách.  Vậy là…ông còn.  Vẫn còn sống, còn tại thế.  Không ai tin điều đó với một ông già sau hai lần mỗ tim, sau gần trăm năm lam lũ (ở quê nhà Bình Định, ở sách vở văn chương, ở cơ quan Chính Quyền Việt Nam Cộng Hòa, ở những hãng xưởng Mỹ, ở tuổi già bệnh hoạn…). Gần ba trăm người đón chào ông Võ Phiến trong tình cảm người với người, trong sự mong được nhìn thấy một người khỏe mạnh.  Ông Võ Phiến xuất hiện trước đám đông với nụ cười, với dáng dấp dễ thương của một người già nua còn…tráng kiện.

 

Tôi không “mô tả” nhiều thêm về buổi xuất hiện của nhà văn Võ Phiến ngày Ra Mắt Cuốn Sách Cuối Cùng của ông. Tôi muốn nói về cuốn sách đó – một cuốn sách Đẹp, in đẹp mà nội dung cũng đẹp.

 

Cuốn sách được nhà xuất bản Thế Kỷ 21 in và xuất bản, năm ghi trên bìa: 2009.

 

Cuốn sách in thật đẹp, trình bày thật bắt mắt, trên giấy màu vàng nhạt, trang nhã, tính cả bìa trong, bìa bọc ngoài, cuốn sách dày 192 trang. Sách không ghi giá bán, mua tại tiệm sách chỉ mất mười lăm đô. Nếu bình thường thì mắc đấy, nhưng cầm cuốn sách trên tay, ai cũng bằng lòng và cho là còn rẻ lắm. Tác giả chắc hưởng tác quyền không bao nhiêu. Nhà in hưởng nhiều hơn hết cái công lao của nó. Nhà xuất bản nhất định là hồi hộp, không biết thu có huề vốn không…Tôi không theo dõi “diễn biến thị trường” của cuốn sách, nhưng tôi tin…ai cũng vui trong tình huống kinh tế suy sụp hiện nay. Với tên tuổi vang lừng của tác giả, với sự trang nhã của một ấn phẩm mang tầm Thế Kỷ và với sự chăm sóc tận tình của nhà xuất bản Thế Kỷ Hai Mươi Mốt, nhất định cuốn Cuối Cùng sẽ tái bản nay mai thôi…

 

*

 

Ông Võ Phiến được nhiều lớp độc giả đồng ý: Ông là nhà văn kỳ cựu. Cùng “lứa” với ông, hiện chỉ còn Hà Thượng Nhân, Phạm Cao Củng, Hoàng Văn Đức, Trần Ngọc Ninh…Chưa ai là “người muôn năm cũ” cả vì…còn sống! Những người còn sống, nói đúng là “còn sót”, theo tôi biết không ai còn “nhuệ khí”.  Nếu “còn bình thường” thì con cháu cũng không cho các Cụ đụng đến sách vở nữa. Ông Võ Phiến cũng bị “hạn chế” rất nhiều: ăn uống phải kiêng khem, đọc sách báo phải…ít thôi, con cháu ở xa thay phiên về thăm cha mẹ già phải chia phiên nhau về hoài hoài để cho ông quên lãng là mình đang hiu quạnh. Việc ông Võ Phiến có cuốn Cuối Cùng là ngoài ý muốn của ông, chính vợ và các con ông xếp đặt cho ông còn “hiện diện” qua sự gợi ý…chào hàng của nhà xuất bản Thế Kỷ 21. Những bài trong Cuối Cùng là những bài đã xong từ “hồi nảo hồi nao”. Thôi thì, đem in nghĩ cũng như mua vui cùng độc giả dẫu vài trống canh.

 

Bạn nhìn ảnh ông Võ Phiến in kèm theo sách, không thương thiệt uổng.  Ôi một ông già, sự hồng hào còn thấy được chẳng qua là màu mè chụp được bởi cái máy chụp hình. Thực tế thì ông đã xanh xao và đi đứng yếu xìu! Trẻ sao già vậy, trách ai?  Người ta cầu Trời cầu Phật cho mình mạnh khỏe, không ai cầu xin cái gì mình không muốn! Con Tạo xoay vần tới đâu thì cứ xoay, chúng ta còn ông Võ Phiến, còn đọc cuốn sách Cuối Cùng của ông là chúng ta còn Vui!

 

Ong Võ Phiến không viết hồi ký, không viết nhật ký. Cuốn Cuối Cùng của ông được coi như một tập Tạp Bút, viết đủ thể loại:  Thơ, truyện ngắn, tùy bút, biên khảo…Ông, hay “người nhà” ông gom góp lại để cho cuốn sách cái bề dày thích hợp. Những bài (đủ thể loại đó), ông viết bình thường, không nghĩ là mình còn sống có ngày sẽ chết, viết để mà “lưu chiếu hãn thanh”. Ông viết hồn nhiên, dễ thương, chỗ nào chẻ tóc làm tư được ông cứ ngồi tỉ mỉ, tủn mủn mà chẻ…cho chữ thêm dòng, giấy thêm trang.  Ông Võ Phiến có cái văn phong đẹp: không ồn ào, náo nhiệt, không hợm hĩnh, se sua. Ông sinh ra ở quê, ông vẫn quê một cục, có điều cái cục quê của ông thơm nhờ ông đi học nhiều nơi, qua nhiều trường, từng ở nhà Ông Đào Duy Anh, từng viết báo tại Hà Nội (thời tiền chiến), ông “lai” mà không “lai căng”, do đó, ông dễ thương, lẩm cẩm mà dễ thương. Ai đọc sách của Võ Phiến đều không chê, không nói “không cần”, đã đọc sách Võ Phiến là thấy mình…gần với thiên nhiên, với con người, với những cái tầm thường minh không ngờ nó chẳng tầm thường tí nào!

 

Tôi chịu Ông Võ Phiến về cái trầm tĩnh của ông trước mọi biến động của xã hội. Ông (dẫn cả nhà) trôi theo dòng đời, ông không buông xuôi, ông vẫn vững tay chèo đưa người thân của mình tới bến bờ yên ổn – ông làm việc nuôi vợ con, ông viết văn kiếm thêm chút đỉnh, ông không “sinh sự”, ông có quan tâm tới “sự sinh” và ông chép miệng thôi. Với bộ biên khảo Văn Học Miền Nam, ông khổ - khổ tâm nhọc sức đã đành còn khổ vì nhiều người không thấy được ông nhắc tới đâm ra oán thù mắng chửi ông trên báo chí. Ông Võ Phiến không khoát tay nói:  kệ dư luận.  Ông chớp mắt, nói nhẹ nhàng;  có cái tôi quên, có cái tôi muốn nhắc mà lỡ cuộc. Nhà ông, tôi thấy thờ cúng Tổ Tiên nhưng tôi ngó ngực ông tôi mường tượng những dấu đấm của chính ông dành cho ông: “Tôi có tội”.  Ai cũng có tội cả, tôi hiểu rất đơn sơ từ khi nhìn thấy tay của đứa hài nhi đánh vào mặt người sinh thành ra nó.  Từ sơ sinh con người đã ‘đắc tội”. Cha Mẹ đã không “trừng trị” nó hồi trứng nước, “nhớn” lên nó có thêm tội…cũng đành thôi!  Xin Chúa ở mãi bên con người và tha cho họ hết, rồi…gia ân bội phần cho họ vui! Đấy, sự đời, người ta nói:  “Xây chi chín đợt phù đồ,  hãy lo làm phúc cứu cho một người”.  Có ai chịu cứu một mạng người đâu?  Người ta xây chùa, xây giáo đường để cứu hàng vạn người đau khổ…hay hơn.  Người ta thích làm điều gì đó thật vẻ vang, chỉ người làm văn chương là “ẩu”, làm cái “nghề” thấp kém mà Phan Bội Châu từng than thở:  “Lập Thân Tối Hạ Thị Văn Chương”.  Ông Võ Phiến, hiền, rất hiền, ai cũng công nhận, đa số công nhận, nhưng thiểu số chưa hài lòng nên “sự sinh” là chuyện thường tình vậy!  Trong cuốn Cuối Cùng, ông Võ Phiến tuyệt đối không “di lụy” tới ai, mong ông sống còn và còn sống thật thoải mái, ngày nào ông đi được ra khỏi thế gian này…ông cứ đi, để cho tôi khóc!

 

Đọc cuốn Cuối Cùng của ông Võ Phiến, bài nào tôi cũng thích, từ thơ tới văn xuôi. Nhưng bài tôi “chịu:” nhất là bài cuối cùng trước khi tôi xếp lại cuốn Cuối Cùng.

 

Vì bài đó không dài mấy, chép lại không mỏi tay, xin chép lại dưới đây:

 

CÁI SỐNG HỮNG HỜ

 

Trên một trang báo Newsweek vào khoảng giữa năm ngoái ông Kirk Douglas – một vị lão thành (ngoại cửu tuần) – kể rằng ngày ông còn nhỏ, khi thân mẫu lâm bệnh nặng hấp hối lìa trần ông hoảng hốt chụp ôm tay mẹ. Cụ bà mở mắt nhìn con, nói câu cuối cùng: “Đừng sợ hãi, bất cứ ai rồi cũng đến chỗ này thôi, con ạ (…it happens to everyone)”.  Người con lớn lên, sống vững tâm, nhớ lời mẹ dạy; ông lại nhớ ra là: “bất cứ ai khác cũng đến chỗ này thôi ( it happens to everyone else)”.

 

Cái chết của chính mình, cái ấy khó nghĩ đến một cách nghiêm chỉnh. Khó lắm. Cứu cánh cuộc đời, ý nghĩa hiện hữu của vũ trụ, của muôn loài v.v..., về những cái này cứ tha hồ suy tưởng.  Nhưng về chỗ sự chết ngỏm của con người (và đặc biệt là của chính mình) thì đố biết.  Càng nghĩ càng rối thôi.

 

Ngại rối ren bèn trốn tránh hết mình. Nhưng trốn mà thoát được à?  Vào những lúc bất ngờ nhất, tưởng mình đang an toàn thảnh thơi, có thể ta vừa ngẩng đầu lên bỗng thấy nó chình ình ngay trước mặt.  Cực kỳ sỗ sàng.

 

Bản thân tôi trước đây có lần phải vào bệnh viện chịu mổ xẻ, tôi ngậm ngùi viết những lá thư gửi lại bạn bè, nhờ một văn hữu thân tình trao giúp cho, sau khi mình…ra đi.  Hóa ra rồi sau cuộc giải phẩu tôi tiếp tục sống nhăn. Sống và ngượng ngùng vu vơ.

 

Năm tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết thúc cuộc đời của mình. Chắc là gần thôi.  Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì?  Liếc qua xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc đọng bất thường nào xảy ra cả.  Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều.

 

Nửa năm sau, rồi một năm sau nữa, cả tôi lẫn cái quanh tôi cùng hòa đồng êm ả theo dòng thời gian.

 

Bèn cố gắng dò đoán ý định của Tạo Hóa. Và dần dần có cảm tưởng mơ hồ về một chăm sóc độ lượng, khoan hòa. Cảm tưởng rằng lúc con người trẻ trung thì được Trời cho tha hồ vung vẩy, bấy giờ nếu nghe loáng thoáng về sự vấp váp suy tàn – đặc biệt là về cái chết – thì ôi thôi…Bất khả!  Tôi bất khả!

 

Tạo Hóa có lòng lành, nhón tay khe khẻ điều chỉnh lòng người.  Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi nổi, bớt tha thiết.  Rốt cuộc còn lại sự hững hờ: Chết -  Ai mà khỏi?  Việc gì phải sợ? .  Bà cụ hấp hối nói câu cuối cùng với người con hoảng hốt trong tờ báo Mỹ nọ, chính là đã nói câu ấy.  Tạo Hóa mớm ý mớm lời cho cụ.  Cũng như mọi cụ, cả ông lẫn bà.

 

Nhân một lời trên báo Newsweek nhớ lại một lời trên báo khác (Thế Kỷ 21, số đôi: 225 & 226). Mừng Xuân mới, chủ bút Ngô Nhân Dụng nhắc lời Khổng Tử:  “Thiên địa chi đại đức, viết sinh” (Tính chất nổi bật trong trời đất là sự sống). Tiếp lời cụ Khổng, bạn Ngô tưng bừng:  “Không cần một nghị quyết nào của Thiên Nhiên ra lệnh cho các cánh đồng cỏ cùng mọc lên đúng ngày đúng tháng. Sự sống tự nó biết cách sống, không cần phân tích, lý luận để quyết định vạn vật có nên sống hay không”.

 

Người nay, người xưa cùng một tưng bừng rạng rỡ. Rụp rụp, sự sống, biết cách sống. Nhưng sau sự sống, con người – mọi người -  đều sẽ có dịp gặp một sự nữa là sự chết.  Sự chết thì sao?  Liệu tự nó có biết chết một cách tử tế cho thiên hạ nhờ tí hay không?

 

Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công.  Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết.  Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ.  Đại khái thế thôi.  Và Tạo Hóa đã xếp đặt như thế.  Trước cái chết, bà cụ nọ trấn an con, chớ không phải là người con an ủi mẹ. (Santa Ana 2009).

 

*

 

Những dòng cuối cùng của cuốn sách Cuối Cùng, ông Võ Phiến viết như thế đó. Ông dùng chữ hững hờ, tôi nghĩ rằng ông muốn tỏ ra mình không quan tâm đến cái chết.  Tôi hơi buồn, sao ông thích sống mà không thích chết?  Chết cũng vui lắm chứ?  Chịu chết càng vui hơn vì…mình hoàn thành nhiệm vụ.  Nhưng ai cấm tôi…hiểu xa hơn:  khi khép lại một cuốn sách không phải là khép lại một ước mơ.  Tôi biết ông Võ Phiến đang còn sống, sự sống đối với ông, chẳng những đối với riêng ông, mà cả nhà ông, bạn bè ông, bà con ông, đều là sự cần thiết…để vui thêm ngày nào mừng ngày đó.

 

Với cái tuổi tám mươi lăm, với cái câu Trẻ Sao Già Vậy, ông đi đứng, ăn uống đang cần có người chăm sóc, ông còn sáng suốt ông để cho con cháu thấy cảm nghĩ của ông, lỡ ông có xuôi tay nhắm mắt, cái gì còn đó, thì còn đó!  Cuốn sách Cuối Cùng!  Tấm lòng Võ Phiền chưa hay không gói hết trong tác phẩm Cuối Cùng, có lẽ vì ông không khỏe. Đọc cuốn Cuối Cùng, người đọc chưa thỏa lòng thỏa dạ…vì thấy như chưa phải là tác phẩm Cuối Cùng của Võ Phiến!

 

Hi vọng rằng năm nay mưa thuận gió hòa, Ông Võ Phiến  khỏe mạnh trở lại, lắc đầu cho rơi đi cái “tiêu cực” nếu có, nếu tồn đọng, trong ông…để ít ra còn cho độc giả ái mộ ông có vài bài thơ, vài truyện ngắn, vài bài tùy bút trong cảnh lão giả an chi…/.

 

Tác phẩm Cuối Cùng của nhà văn Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản 2009.  Bìa: Họa sỹ Nguyễn Đồng, phụ bản tranh Nguyễn Thị Hợp, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Quỳnh, Nguyên Khai và Nguyễn Đồng...Nhật Báo Việt Herald phát hành. 

Trần Vấn Lệ
Số lần đọc: 2864
Ngày đăng: 19.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một cuộc kiếm tìm không ngưng nghỉ - Nguyễn Quang Thiều
Cát Vàng của Lữ Quỳnh, qua cảm nhận - Phạm Văn Nhàn
Đọc thơ Lâm Hảo Dũng nghĩ đến những ngày đã qua - Phạm Văn Nhàn
Rong bút - Trần Hoài Thư
Chu Cẩm Phong Có Viết 2 Cuốn Nhật Ký Trong Cùng Một Thời Gian ? - Bùi Minh Quốc
Thư Quán Bản Thảo Số 45 tháng 1-2011 - Nhiều Tác Giả
Không Gian Tôn Giáo Và Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Đinh Văn Hạnh
Cảm Nhận Về Cá Tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh
Nghiên cứu văn học và xã hội diễn giải - Chân Phương
Cái Chết của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Xa Hơn - Chân Phương
Cùng một tác giả
Mây Thu (thơ)
Những Giọt Mưa Khô (truyện ngắn)
Je Pense (thơ)
Nắng (thơ)
Nhớ (thơ)
Mùa Thu (thơ)